Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

Thơ Tranh: Dựng Lại Cầu Tre

Tưởng nhớ Lần Giỗ thứ Hai Mươi của Ba ( 30/10/1997 -30/10/2017)


Thơ: Lê Kim Hiệp
Thơ Tranh: Kim Oanh


Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

Đã Lâu Lắm

(Ba Má và các con - Phú Hữu Quê Nội 1947)

Đã lâu lắm chưa về thăm quê nội
Ruộng vườn kia với thẳng cánh cò bay
Đòng đòng ngậm sữa xanh ngát lay lay
Và nơi đó mồ hôi ba tuôn đổ

Đã lâu lắm chưa về thăm quê nội
Mái nhà xưa êm ả rợp tàng cây
Mảnh trăng đêm vàng trải vơi đầy
Và nơi đó ba dốc lòng chăm con trẻ

Đã lâu lắm chưa về thăm quê nội
Dòng sông quen xuồng ba lá hôm nào
Bầy cá tung tăng vùng vẫy đập ao
Và nơi đó ba chất chà đặt trúm

Đã lâu lắm chưa về thăm quê nội
Được một lần viếng phần mộ má ba
Gió khuya côn trùng hòa quyện tiếng ca
Và nơi đó đời đời ba yên nghỉ

Ba ơi!

Kim Phượng
Hai Mươi Năm Ngày Giỗ Ba - 30/10/2017


Huế Xưa? - Áo Tím Ngày Xưa


Xướng:

Huế Xưa?


Nghe nhạc xem tranh nhớ Huế xưa
Qua cầu áo trắng nhẹ đong đưa
Nam Bình(*) ai oán màu sương khói
Mái Nhị (*)trở trăn cảnh gió mưa
Vận nước chông chênh mơ lối cũ
Tình đời dang dở tiếc hương thừa
Những chiều thân thiết dìu nhau bước
Nghe nhạc xem tranh nhớ Huế xưa.

(*) Hai điệu hát-hò của Huế, tôi nhớ không lầm,và nếu sai xin quí vị bổ khuyết cho
Thái Huy
9-27-17
***
Hoạ:

Áo Tím Ngày Xưa


Biết tìm đâu áo tím ngày xưa
Nhớ quá bao chiều bận đón đưa
Hương thủy xuôi dòng dài ngóng đợi
Vân Lâu tận bến mặc dồn mưa
Người đi để lại đời cay đắng
Kẻ ở đeo mang kiếp sống thừa
Thành Nội chừ mưa chiều sớm nắng
Biết tìm đâu áo tím ngày xưa

Kim Phượng


Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

Giấc Nồng


Thơ chạm hồn thơ tiếng lặng thinh
Con tim nức nở giọng u tình
Ồ không là đấy chiêm bao đấy
Chợt tỉnh trong mê bỗng giật mình

Kim Phượng 



Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

Bóng Tà Dương - Bóng Hoàng Hôn


Bóng Tà Dương

Hoàng hôn lặng ngắm ánh tà dương
Nỗi nhớ mênh mang nhớ lạ thường
Chớp bể mưa nguồn trời viễn xứ
Hoa trôi bèo giạt kiếp tha phương
Sông Tiền nước bạc còn rờn rợn
Đất Vĩnh tình nồng mãi vấn vương
Ngày ấy mai ngày khi trở lại
Hoàng hôn lặng ngắm ánh tà dương

Kim Phượng
***
Bóng Hoàng Hôn
(Từ Thơ Tranh Bóng Tà Dương của Kim Phượng)

Nắng đi để lại bóng hoàng hôn
Tím cả chân mây tím cả hồn
Bến vắng, đò xưa còn neo đợi
Một dáng hình xưa ở cuối thôn ...

Hoàng Hạc

Ảnh: Kim Phượng

Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

Yêu Thầm - Nhớ Trộm


Xướng: 


Yêu Thầm

Dần khuất chim chiều vổ cánh bay
Đêm đơn thăm thẳm tiếp đêm dài
Mộng lòng vừa chớm trong mơ ước
Định mệnh chôn vùi những đắm say
Giọt lệ âm thầm còn luyến nhớ
Thời gian vun vút chẳng ngừng quay
Gởi về ai đó tình vô vọng
Buồn chết trong tim mối cảm hoài

Kim Phượng
***
Họa: 

Nhớ Trộm

Chiều rơi cánh nhạn sãi tên bay
Mất dạng ưu tư tiếng thở dài
Duyên kiếp gặp nhau mình mộng ước
Con tim thổn thức cuộc tình say
Khóc thầm tri kỷ, buồn thương nhớ
Than trách thời gian vun vút quay
Người ấy xa xăm tình tuyệt vọng
Sầu vương mắt lệ ướt mi hoài !

Mai Xuân Thanh
Ngày 07 tháng 09 năm 2017
***
Thương Thầm

Hoàng hôn dần xuống,áng mây bay
Nhớ quá " người ta" năm tháng dài
Lối cũ lần qua:"ai " có nhớ ?
Đường xưa vẫn gợi mối tình say
"Yêu thầm" áo trắng ngày chung lớp
Thương trộm tóc dài cứ quắt quay
Xa cách,bây chừ ! người mỗi ngã
Mà sao, tim cứ nhói đau hoài

Song Quang
***
Thương Nhớ Một Mình

Người đi, như một cánh chim bay
Để lại hồn tôi giấc mộng dài
Hai ngã chia lìa chưa người nhớ
Đời đang ngăn cách vẫn còn say
Tinh ngoài tay với lòng phiền muộn
Đời mãi đong đưa đã quắt quay
Hy vọng gợi về ai có biết?
"Yêu thầm" tim lặng chết u hoài

Song MAi Ly Le

9/8/2017
***
Tương Tư

Từng áng mây chiều mải miết bay
Ngang qua biển rộng với sông dài
Đem theo hình bóng người hư thực
Để lại nỗi niềm kẻ tỉnh say
Sắp hết cuộc đời, tình bỗng vướng
Chưa tàn chung rượu, mộng đà quay
Bao lần tự nhủ thôi dừng lại
Mà vẫn tương tư, vẫn nhớ hoài.

Phương Hà

***
Tương Tư

Thu chiều phố núi lá bay bay
Mồi thuốc mơ ươm thả dốc dài
Nhớ mái tóc xưa làm mất ngủ
Nhìn khung hình cũ khiến thêm say
Em đi thả gió-mây lồng lộn
Anh đứng trông mây-gió quắt quay
Ngược gío tan mây thành xóa dấu
Để nay mang nặng khối u hoài.

Thái Huy
9-10-17
***
Duyên Xưa

Chim trời vỗ cánh khuất mây bay,
Thăm thẳm màn đêm tiếp nối dài.
Mộng ước ban đầu chưa kịp đắm,
Tim tình vừa chớm đã thôi say.
Âm thầm gạt lệ còn mê luyến,
Hun hút thời gian vẫn cứ quay.
Âp ủ tơ lòng len lén ý,
Thở dài nuối tiếc dạ ai hoài!

Đỗ Chiêu Đức


Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017

Thăm Thành Phố Haarlem & Thăm Làng Cối Xay Gió Zaanse Schans (Hoà Lan)



Sau khi thăm Keukenhof, trở ra cổng lấy xe bus # 858 trở về Schiphol airport, rồi chuyển qua xe lửa NS đi Haarlem, chạy mất 20 phút là tới Haarlem. 

Đây là một thành phố cổ. Đi bộ từ ga đến quảng trường Grote Markt ( Grand Place) ở trung tâm thành phố, khoảng 1 km, cảnh vật có vẽ êm vắng, ít người qua lại. 

Giống như nhiều quảng trường ở Châu Âu, Grote Markt có một sân rất lớn, bao quanh là nhà thờ, Museums, restaurants. Lúc đó khoảng 3 giờ chiều,trời nắng gắt nên các quán ăn còn vắng khách. 

Thì giờ không còn nhiều nên chúng tôi chụp hình, đi dạo phố cổ một lát rồi trở ra ga xe lửa tiếp tục đi tới Centraal station (ga xe lửa chính ở trung tâm Amsterdam ).



Thăm làng Cối xay gió Zaanse Schans 


Nếu Tháp Eiffel là một biểu tượng cuả Pháp thi Cối xay gió coi như là một biểu tượng cuả Hoà Lan. Trước 1975, chắc hẳn nhiều người trong chúng ta còn nhớ hộp sửa đặc nhãn hiệu "Mẹ bồng con " cuả hãng Nestlé có hình một cô gái mặc sắc phục Hoà lan, trên tay bồng một em bé, bên cạnh là hình một cối xay gió. Vì chưa bao giờ dược thấy nó bất cứ ở đâu nên chúng tôi muốn đến làng Cối xay gió để xem cho mãn nhãn. Tại Centraal station, lên xe lửa Sprinter đi về hướng Uitgeest, mất chừng 20 phút, xuống ở ga Koog-Zaandijk . Tiếng Hoà lan dài và khó nhớ, lại hay thêm chử a kép (aa) , o kép (oo), e kép (ee), thiệt rắc rối, chẳng khác nào vẽ rắn thêm chân. Thí dụ chữ Rhijnspoorweg-Maatschappij , xem qua một lần mà bạn nhớ được thì tôi cũng bái phục..Tôi nghĩ dân tị nạn VN ở Hoà Lan phải một phen khổ sở khi học tiếng nước nầy.


Từ nhà ga Koog-Zaandijk, đi bộ chừng 500m, quẹo trái, đi thêm 500m nữa sẽ gặp một cái cầu đúc.bên tay măt. Đi qua cầu là thấy con đường dẫn vô làng phiá bên trái cuả đầu cầu. Đường làng chạy cặp theo bờ sông, phía bên mặt là nhà cửa và đồng ruộng, không có xe hơi chạy, thỉnh thoảng thấy có người lớn và trẻ con chạy xe đạp ngang qua. Đi một đổi thì gặp một hàng cối xay gió dọc bên bờ sông. Những windmills nầy được xây dựng từ thế kỷ 16, thời xưa dùng để cưa gỗ, ép dầu, xay bột... ngày nay đã ngưng hoạt đông, trở thành bảo tàng để cho công chúng xem (muốn vào xem bên trong phải mua vé).Buổi trưa gío mát, ngồi bên bờ sông nhìn cảnh đồng quê với hàng cối xay gío bên sông thật đẹp và êm ả. 

Trong làng có một shop bán đủ loại cheese, đi một vòng ăn thử mỗi thứ một miếng nhỏ bằng đầu ngón tay cũng đủ no, nói thế để biết họ bày bán bao nhiêu loại cheese. Gần đó là một xưởng làm guốc gỗ, một đặc sản mỹ nghệ cuả Hoà Lan. Có một anh thợ biểu diễn cách tiện gỗ thành một chiếc guốc. 


Ai muốn mua về làm kỷ niệm thì có hàng ngàn đôi guốc đã làm sẳn ngay trong shop, đủ cở từ lớn tới nhỏ, đủ màu sắc. Tôi nghĩ guốc nầy chỉ để chưng cho đẹp chứ mang vô chắc nặng nề và đau chân, làm sao êm ái như giày da được.Dạo chơi trong làng đến 6 giờ chiều thì các shop đóng cửa, chúng tôi rời làng trở ra ga xe lửa trở vê Centraal station. Kết thúc một ngày đi viếng 3 chỗ nằm ở ngoại ô Amsterdam : Keukenhof, Haarlem, và Zaanse Schans, chỗ nào cũng đẹp và thú vị.


Kinh Luân


Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

Danh Sách Họp Mặt Gia Đình Kỹ Thuật Vĩnh Long Tại Khu Vực Cần Thơ Ngày 30 Tháng 9 Năm 2017


Buổi họp mặt Gia Đình Kỹ Thuật Vĩnh Long khu vực Cần Thơ lần thứ nhất có sự hiện diện của
Thầy Cô:

Quý Thầy:

 Phạm Thanh Bạch
Đào Hữu Nghĩa
Biện Công Hải
Mai Xuân Thệ
Trần Tấn Trung
Đặng Vinh Hoa
Điều Văn Sáu

Quý Cô:

Ngô Thị Hải
Đoàn Kim Nga

Tại Thành phố HCM

Chị: Chung Dung
Các Anh:
Phạm Tấn Thời
Nguyễn Văn Châu
Lâm Văn Diệp
Lê Bá Tòng

Tại Vĩnh Long

Các Chị:

Đỗ Thị Mỹ
Trương Thị Thanh Sương
Nguyễn Thị Nở
Tống Thị Hồng Hoà
Nguyễn Thị Bích Vân

Các Anh:

Lê Đại Hùng
Hà Văn Cam
Võ Trường Thuỵ

Tại Đồng Tháp:

Các Anh:

Nguyễn Ngọc Chà
Nguyễn Văn Hiếu

Tại Cần Thơ:
Chị:

Nguyễn Thị Xuân Hương

Các Anh:

Trần Triều Sanh
Lê Đăng Huỳnh Long
Phạm Công Bằng
Trần Tiên Minh
Trần Đằng Phương
Đường Vũ Đạt và phu nhân (chị Mai)
Thành
Trần Bình
Lê Đức Thắng

Đưa Tin: Lê Đức Thắng
Kỹ Thuật Vĩnh Long Niên Khóa 69
Ảnh: Hà Văn Cam
Kỹ Thuật Vĩnh Long Niên Khóa 62

Một Chuyến Đi


Cứ mỗi chyến đi, tôi đều có những suy tư dài ra trong đêm. Và chuyến đi họp mặt tại Sài Gòn ngày 06-8-2017 cũng vậy, chắc là tuổi già đã lấn quấn đâu đây rồi khiến mình không nghĩ không được cho từng chuyến đi như thế!

Họp mặt một từ đơn sơ quen thuộc của tất cả mọi người trong suốt cuộc đời. Những ngày họp mặt của gia đình Kỹ thuật Vĩnh Long vào cuối năm là dịp có mặt các Thầy, Cô, các bạn học sinh, làm nhớ lại những ngày còn dưới mái trường Kỹ thuật Vĩnh Long, đã từng chịu thương, chịu khó với ngành nghề đã học "học đi đôi với hành ".


Với bao năm cảm xúc thân thương khi gặp lại Thầy, Cô, gặp lại bạn bè xưa, cùng với bao kỷ niệm tràn về, đong đầy ký ức của một thời đi học. Ôi! Hạnh phúc biết bao sau rất nhiều năm mới gặp lại nhau. Thật vậy, có nhiều người bạn đã nói lên điều đó, nói lên cảm nghĩ của mình là rất nhớ trường, rất nhớ Thầy, Cô, rất nhớ bạn bè và những kỷ niệm dù đơn sơ, nhưng khó quên dưới mái trường Kỹ Thuật Vĩnh Long. Nơi đó là nơi khởi đầu tốt đẹp của cuộc đời, đã len lỏi thấm sâu vào cuộc sống của họ đến ngày hôm nay, và cũng có rất nhiều bạn muốn về dự họp mặt, nhưng do bận cảnh nầy, nọ nên không về được, có khi gặp nhau, tay bắt mặt mừng nhưng không nhớ bạn tên gì, mặc dù có bảng tên và năm học được gắn trên áo….Vì tất cả đã già đi mất rồi, đổi khác rất nhiều qua từng năm tháng…


Trong khung cảnh rộn ràng ấm cúng tràn đầy niềm vui, thêm sự năng động nhiệt tình của Ban tổ chức tại Sài Gòn, các bạn Diệp, Thời, Dung, Bình, Tòng, Lợi, Tài…..cùng sự hiện diện của quý Thầy Bạch, Nghĩa, Lăng, Nam, Châu, Hoa, Trung, cô Hương, cô Nga, các bạn từ Vĩnh Long, các bạn ở Sài Gòn và các bạn ở các tỉnh thành lân cận đã tụ họp về đây tạo không khí vui tươi sinh động tuyệt vời.


Qua phát biểu của thầy Đào Hữu Nghĩa nói về ý nghĩa của cuộc đời, phải giáp mặt nó xem trong đó có cái gì để có thái độ, sống cho rõ ràng hơn. Trong cuộc sống hiện tại đôi khi phải biết chấp nhận mọi thứ, mọi chuyện, có nghĩa là làm sao cho nó êm đềm, dung hòa, suôn sẻ, luôn cả cái chết cũng vậy, không vướng víu, không bận bịu, vì chuyện gì sẽ đến trong cõi vô thường nầy….

Thầy Phạm Thanh Bạch lại nói về tuổi già, về bệnh tật của con người, về cách ăn uống như thế nào cho tốt, thích hợp với cơ địa của mỗi người sẽ giảm bệnh hoạn hơn và nói về cây thuốc nam, các cây cỏ trong vườn làm tốt cho sức khỏe con người hơn. Đã là con người không ai tránh khỏi bệnh tật, vì vậy nên phòng bệnh hơn là chữa bệnh. Nên quan tâm đi khám định kỳ để có thể chữa trị sớm hơn, thay vì thời kỳ cuối mới phát hiện thì đã quá trễ và thầy Bạch cũng nhắn nhủ: nên chọn thức ăn uống hằng ngày sao cho có lợi cho sức khỏe. Thầy đã hơn 20 năm chưa từng uống thuốc, có 2 trường hợp của anh Đặng Vinh Hoa và Lê Đại Hùng nhờ phát hiện sớm bệnh ung thư nên đã trị liệu tốt.


Thầy Trần Văn Hiệng, thầy Biện Công Hải, thầy Tăng Như Lăng lúc nào cũng sôi nổi, vui vẻ kể lại những ngày sống và làm việc tại Vĩnh Long, về mọi sinh hoạt trong nhà trường, về việc thành lập Ban Liên Lạc KTVL, riêng phần nầy, lúc đầu cũng nhiêu khê, nay thì đã tốt hơn nhiều, mọi hoạt động đã đi vào quy củ, làm được nhiều việc hơn trong việc thăm hỏi ốm đau. Đặc biệt đã phát hành cuốn Kỷ yếu nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập trường được mọi người đặc biệt quan tâm; hai bạn Mai Quốc Bình và Lâm Văn Diệp nhắc lại những ngày dưới mái trường KTVL và 2 bạn đang xúc tiến thành lập Hội đồng hương Vĩnh Long tại Sài Gòn với rất nhiều hứa hẹn.


Cô Đỗ Thị Mỹ, Trưởng ban Liên lạc GĐKTVL lúc nào cũng trẻ trung phát biểu rất xúc tích, đặc biệt các bạn trong Ban tổ chức mặc dù lần đầu nhưng làm rất tốt chức năng của mình, luôn bao quát, chu toàn mọi mặc, cả bài chào mừng mở đầu rất sâu sắc đầy ý nghĩa của bạn Lê Bá Tòng….
Cuộc họp mặt nào cũng có một ý nghĩa riêng của nó, hôm nay, tại Sài Gòn được rất nhiều người tham gia với sự chân tình cởi mở của những người bạn luôn đoàn kết gắn bó cùng nhau ở từng địa phương cũng như tại mảnh đất Vĩnh Long có trường Kỹ Thuật nằm trên đó ( nay đã thành Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long ).



Với sự quan tâm giúp đỡ lẩn nhau lúc tuổi về già, đã nói lên tình nghĩa của một gia đình thực thụ, tôi nghĩ có rất ít nơi nào có được như dưới mái trường KTVL xa xưa….Hãy về Vĩnh Long đi các bạn để tham dự buổi họp mặt thường niên, về đây các bạn có dịp tâm sự cùng thầy, cô năm nào, bạn bè xưa. Về đây để nhìn thấy, để nghe, để biết sau hơn 40 năm xa rời mảnh đất Vĩnh Long thân thương! Về đây để sống lại những kỷ niệm khó quên của tuổi học trò và còn nhiều thế hệ nữa, bạn sẽ gặp, sẽ thấy….


Mong gặp lại đầy đủ các bạn vào ngày Họp Mặt Gia Đình Kỹ Thuật Vĩnh Long 20-01-2018 ( nhằm ngày mùng 4 tháng Chạp Đinh Dậu ) tại nhà hàng Hương Sen Vĩnh Long vào lúc 8 giờ sáng...

Trần Tấn Trung
Giáo Sư Kỹ Thuật Vĩnh Long

Ảnh: Võ Trường Thụy Kỹ Thuật Vĩnh Long Niên Khóa 67


Hình Ảnh Họp Mặt Gia Đình Kỹ Thuật Vĩnh Long Lần Thứ Nhất Thuộc Khu Vực Cần Thơ Ngày 30 Tháng 9 Năm 2017


















Ảnh: Chung Dung Kỹ Thuật Vĩnh Long Niên Khóa 71

Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2017

Mong Manh


Bài Xướng:



Mong Manh

Nhìn lá thu vàng rõ tử sinh
Ngày nao hoa lá nắng lung linh
Mà nay run rẩy trên cành bám
Cơn gió vô tình lá viễn chinh!

Mailoc
***
Bài Họa:

Mong Manh


Cám cảnh cây khô, sống tử sinh,
Con người vốn quý, chết vong linh.
Thu đông lạnh lẽo cây thay lá,
Tết nhất huy hoàng hết chiến chinh.

Mai Xuân Thanh,
***
Các Bài Cảm Tác: 

Mong Manh


Mơn man phiến lá gió lay cành
Uống nắng tơ vàng đượm sắc xanh
Mỗi độ thu về thêm rực rỡ
Cuốn theo chiều gió kiếp mong manh

Kim Phượng
***
Màu Thu Mong Manh

Kiếp lá mong manh tựa kiếp người
Mùa Xuân xanh mát với hoa tươi
Vào Thu vàng lá cành tàn úa
Cơn gió heo may rụng cả rồi!

Song Quang

Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

Tình Thu


Hơi thu lành lạnh thoáng heo may
Cám cảnh hồn thơ dệt tháng ngày
Hờ hững sương mờ giăng ảo ảnh
Đôi câu hoà điệu khúc thu này
                ***
Trên cành từng chiếc lá dần phai
Văng vẳng như đâu vọng gót hài
Chẳng lẽ dư âm từ dĩ vãng
Hay lòng mơ tưởng bước chân ai
                ***
Đỏng đảnh tầng cao dáng chị Hằng
Khi mờ khi tỏ ánh giăng giăng
Tiếng Ngâu than thở gieo hờn tủi
Cách biệt đôi bờ thổn thức trăng.
                ***
Xin đừng ủ rũ nữa thu ơi
Hãy gắng vui lên tạo dáng đời
Lộc sẽ thay dần bao sắc úa
Kìa sao Mai rực sáng chân trời.

Quên Đi

Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

Mấy Thưở


Tình cờ, Người bạn Vườn Thơ Thẩn mời viết nối tiếp bài thơ...rất hân hạnh và cám ơn 

Dễ gì hạnh ngộ bạn đồng sanh
Chung nét suy tư nhớ cội ngành
Rừng trước đơn sơ người ẩn dật
Phượng vàng giản dị chốn đua tranh

Cao Linh Tử
***
Nảy sinh Đồng Tháp hoa tâm thiện
Là đấy Cao Linh kẻ ý lành
Thơ thẩn Vườn thơ duyên gặp gỡ
Dễ gì hạnh ngộ bạn đồng sanh

Kim Phượng

Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017

Tanka 8 - Nghiệt Ngã


Tanka 8

những chiếc lá
bay trong gió thu vàng…
vạn nụ hôn 
gửi đến người phương xa
gửi tất cả lòng ta…

dovaden2010
19/9/2017
***
Nghiệt Ngã

Từ Tanka 8 của dovaden

Mùa vàng lên
Hiên ngoài xôn xao lá
Nụ hôn đầu
Nghiệt ngã đến ngàn năm
Theo nhau tận chỗ nằm

Kim Phượng

Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

Thăm Thành Phố Amsterdam & Đi Canal Tour 18-5-2017

Thăm thành phố Amsterdam (18/5) Từ hotel , lấy xe tram #2 để đi vào trung tâm thành phố, mất 45 phút. Hôm nay chúng tôi mua vé 24 hr để đi bus, tram, metro, nhưng chỉ đi trong thành phố nên vé thấp hơn đi ngoại ô như ngày hôm qua, chỉ có 7.5 Euro. Trạm cuối cùng cuả xe tram nằm ngay trước mặt Centraal station. Kiến trúc cuả Centraal station có vẽ cổ điển và có thể nói là một trong những building đẹp nhất ở Amsterdam. Được xây năm1889, là nhà gas lớn thứ nhì sau Utrecht Centraal. Nhà ga trung tâm nầy là nơi xuất phát các chuyến xe lửa đi Paris , Brussels, Berlin, Cologne, phi trường Schiphol, các thành phố khác ở Hoà Lan. Ngoài xe lửa , nó còn là bến xe metro, xe bus, xe tram. Sau lưng nhà ga là bến phà chở khách ra các đảo lân cận. Dạo chơi ở đây một lát rồi lên xe tram đi đến Museum Square. Nơi đây tập trung nhiều Viện bảo tàng như Rijksmuseum, Van Gogh Museum . Đối diện với Rijksmuseum là Royal Concertgebouw (Concert Hall), cả hai đều rất đẹp, chỉ có Van Gogh Museum là mới xây sau nầy nên thấy cũng tầm thường. Chúng tôi không mua vé vào xem các viện bảo tàng ở đây vì có chủ ý, trong chuyến đi nầy khi tới Paris sẽ có rất nhiều viện bảo tàng " nặng ký " hơn nhiều, đáng để xem hơn. Thăm khu bảo tàng xong, lấy xe tram quày trở về Centraal station để đi Canal tour


Đi Canal tour Ngay trước mặt tiền cuả Centraal station là con kênh, nơi đó là bến cuả nhiều tàu chở khách du-lich . Giá cả cũng rất khác biệt, tùy theo hãng, làm khách cũng phân vân không biết chọn hãng nào. Chúng tôi chọn một tàu với giá vé là 11 Euro/ người, đi tour 1 giờ (vé mắc nhứt là 22 Euro/người). Amsterdam có rất nhiều kênh đào, chằng chịch như mạng nhện, giống như ở Venice (Ý), tuy nhiên có cái khác biệt là ở Venice bạn không thể đi xe hơi vì đưòng phố và cầu nhỏ hẹp, cho nên phương tiện di chuyển duy nhất trong thành phố chỉ là tàu (water bus) , còn ở Amsterdam đường xá rộng rãi nên di chuyển bằng mọi phương tiện đều được.. Ngồi 1 giờ trên tàu để xem sinh hoạt 2 bên bờ kênh cũng chỉ là "cởi ngựa xem hoa " thôi. Nhà cửa, building, quán ăn nằm sát bờ kênh mà nước không bị ô nhiễm, hôi thối, không có rác rưới trôi lềnh bềnh , chứng tỏ người dân có ý thức cao. Đi xong tour mới biết tàu mắc tiền hay rẽ tiền cũng đều đi cùng một tuyến đường, với thời gian như nhau.



Kinh Luân

Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2017

Thương Người Đi Trong Giá Buốt


Thương thân liễu yếu đào tơ
Lạnh lùng mưa gió tinh mơ chẳng sờn
Một thân một cõi cô đơn
Tâm người cứng cõi lòng chơn chất tình

Nguyễn Cao Khải


Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2017

Còn Ít Thời Gian - Thời Gian


Bài Xướng:

Còn Ít Thời Gian


Ta đã gần xong một kiếp trần
Người đi kẻ đến tựa phù vân
Buồn vui điểm sắc trên màu tóc
Hay dở in hình dưới gót chân
Sự nghiệp con con bằng huyết áp
Công phu ít ít với đòn cân
Thời gian rút ngắn từng giây phút
Cố gắng làm, cho những thứ cần.

Cao Linh Tử 
26/9/2017
***
Bài Họa:

Thời Gian


Kiếp tha hương độc bước đường trần
Tan tụ lững lờ tựa áng vân
Sương tuyết điểm hoa đầy mái tóc
Thời gian đếm bước nhẵn đôi chân
Tuổi đời chồng chất thêm ngày tháng
Nỗi nhớ âm thầm nặng não cân
Chốn cũ một lần mong trở gót
Để nghe ai đấy giọng ân cần

Kim Phượng


Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

Càng Thêm Rắc Rối


Trong những năm sau nầy, trên diễn đàn các trang mạng nhất là các thi đàn thơ Đường Luật, thường xuyên xảy ra tình trạng hướng dẫn hoặc phê bình về Luật Thơ Đường Luật, với các lỗi như Điệp Tự, Phong Yêu, Hạc Tất ...
Từ đó, khiến nhiều người bị chê làm thơ Đường Luật phạm phải lỗi Điệp Tự nhiều lần, ấm ức lắm và phản pháo lại, đại khái cho rằng hồi đó khi học ở trường không hề có luật này. Chỉ phạm luật khi làm không đúng theo 5 nguyên Tắc: Niêm, Đối, Thanh, Vận và Bố Cục, khi Họa Thơ còn thêm một lỗi nữa là Khắc Lục. 
Đúng quá đi chớ. Trong 5 qui tắc này đâu có điều nào nói về Điệp Tự.
Tôi không biết người ta dựa vào qui tắc nào trong Đường Luật Thi để bắt lỗi người khác khi làm thơ bị Điệp Tự là sai, là phạm luật? 
Trong 5 qui đinh bắt buộc của Thơ Đường Luật, có Qui Đinh về Vận. Vận ở đây chỉ đề cập đến vần gieo, chớ đâu phải các từ khác trong bài thơ. Bị Thất Vận hay Phạm Luật Gieo Vần có 2 trường hợp:
1- Điệp Vận: trùng vần gieo. Trong bài ở các chữ cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8 có hai chữ trùng nhau. . 
Như bài "Dại Khôn" của Nguyễn Bỉnh Khiêm, đó không phải là Điệp Vận mà là một dạng đặc biệt trong thơ Đường Luật, một cách chơi thơ của Tiền Nhân. Dạng này, thỉnh thoảng Tiền nhân hay sử dụng.
Điệp Vận là khi trong các vần gieo có trùng chữ. Tuy nhiên, nếu trùng từ nhưng khác nghĩa như gieo vần có 2 chữ "trường", một chữ có nghĩa là "trường học" còn một chữ có nghĩa là "đường trường" thì không thể coi là phạm luật Điệp Vận. Lỗi Điệp Vận này Tiền nhân không hề bị, nên không thấy xảy ra. Ngoại trừ trường hợp Thủ Vỹ Ngâm, một dạng trong thơ Đường Luật.
2 - Không đồng âm: ví dụ như vần "ai" gieo với vần "ăn..". Có trường hợp không đồng âm nhưng được thông qua vì có một hai mẫu tự giống nhau, xem như không phạm luật nhưng cần hạn chế như "ai" với "ôi"... trường hơp này trong thơ của Tiền nhân có rất nhiều.
Trở lại vấn đề Điệp Tự, hãy xem lại thơ Đường Luật của Tiền Nhân, các Tiền Bối khi xưa thường có tình trạng này. Nếu trong bài thơ một chữ sử dụng nhiều lần (ngoại trừ Vần Gieo) không làm bài thơ mất hay, lệch ý thơ, thì đâu ảnh hưởng gì mà Lỗi với Phải. Thí dụ như bài thơ Vịnh Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan, ngay hai câu Đề đã có Điệp Tự rồi:

Bước tới đèo ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá lá chen hoa...

Thật tuyệt, nếu không dùng lại chữ chen thứ hai, mà dùng một từ nào khác, chắc câu thơ sẽ mất hay ngay. Như thế các nhà thơ xưa thường dùng "điệp tự" để làm bài thơ rõ ý hơn hoặc hay hơn. 

Nhìn rộng ra, chúng ta thấy Thơ Tàu, Thơ Ta, và cả thơ Tây. Không thơ nào mà không sử dụng Điệp Tự. Thế tại sao có tình trạng bắt lỗi Điệp Tự ở đây, mà không dựa vào nguyên tắc hay qui định nào.

Tiếp tục vấn đề lỗi phải của Thơ Đường Luật, Các Thi nhân ngày trước chỉ biết có 5 lỗi được nêu trên mà thôi, không hề biết đến các lỗi như Phạm đề, Điệp tự, Phong yêu, Hạc Tất...chính vì thế, chúng ta thấy thơ của Tiền Nhân hiếm khi phạm vào 5 qui tắc của Đường Luật Thi, còn các lỗi gì gì đó, mà chúng ta thấy lưu truyền trên một số Thi Đàn, thì Tiền Nhân người nào cũng bị phạm phải rất nhiều.

Ngày nay các Nhà Thơ hay Học Giả nào đó, đã dựa vào đâu (?) để thêm vào hàng tá Bệnh Lỗi của Thơ Đường Luật?
Chúng ta thử vắn tắt truy nguyên bệnh lỗi của Thơ xuất phát từ bao giờ?
Người khởi xướng thuyết "Tứ Thanh Bát Bệnh" cho Thơ Tàu là Thẩm Ước (441-513), ông sống vào triều đại Nam Bắc Triều ( 420-589), trước khi Đường Luật Thi xuất hiện khá lâu ( Nhà Đường 618-907). Như thế thuyết Tứ Thanh này chỉ áp dụng các loại thơ Cổ Thể (Cổ Phong) đang thịnh hành ở Trung hoa vào thời bấy giờ mà thôi.
Thuyết Tứ thanh Bát Bệnh của Thẩm Ước, được các nhà thơ bấy giờ hưởng ứng nhiệt liệt. Dựa vào Thuyết này, các Thi Nhân Tùy - Đường đã chỉnh sửa thơ Ngũ Ngôn và Thất Ngôn Cổ Thể thành Thơ Đường Luật hoàn chỉnh với 5 qui tắc bắt buộc khi làm Thơ Đường Luật.
Thầy Dương Quảng Hàm có viết trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu:
"Thơ nôm ta làm theo phép tắc thơ Tàu, mà âm thanh tiếng ta cũng tương tự tiếng Tàu (cũng là thứ tiếng đơn âm và cũng chia làm tiếng bằng tiếng trắc). nên thi pháp của ta tức là thi pháp của Tàu và các niêm luật của thơ ta cũng phỏng theo thơ Tàu cả ... Trong lối thơ Đường luật, có năm điều này phải xét 1) Vần; 2) Đối ngẫu; 3) Thanh; 4) Niêm; 5) Cách Bố cục ".

Có thể kiến thức còn hạn hẹp, non kém, nên tôi chưa hề thấy một văn bản hay thư tịch nào nói về các lỗi khác của Thơ Đường Luật, ngoài 5 điều mà Giáo Sư Dương Quảng Hàm nêu trên. Những lỗi được thêm thắt mới này, chỉ thấy lưu truyền đầy trên diễn đàn các trang mạng Internet.

Thơ Đường Luật chỉ với 5 qui định chính luật đó thôi, đã bị các nhà thơ cận đại như Phan Khôi, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ... cho rằng quá gò bó, nên cùng nhau cho ra đời một dạng thơ khác gọi là Thơ Mới. Có lẽ một số nhà thơ, học giả (?) hiện thời cho rằng 5 điều này còn quá ít nên cố tìm thêm nhiều qui luật nữa để tạo sự khắc khe cho Đường Luật Thi chăng? 

Đúng là "Hậu sinh khả úy". Kẻ sinh sau đã sáng tạo thêm nhiều luật lệ mới cho thơ Đường Luật để chỉ vẽ, dạy dỗ cho những người mới bước chân vào ngưỡng cửa Đường Luật Thi. Qua đó, bắt lỗi những người chỉ biết làm thơ Đường Luật theo Chính Luật. Như thế, họ gián tiếp bắt lỗi cả Người Xưa, những bậc Thầy, bậc Tiền Bối của thơ Đường Luật. 
Cũng có thể muốn chứng tỏ rằng mình hiểu biết sâu sắc về thơ Đường luật; thông thái hơn cả Thẩm Ước, hơn cả những thi nhân Hậu Tùy và Tiền Đường, khi sáng tạo thêm một số luật cho Đường Luật Thi. 
Nào là Ức Trai tiên Sinh, Tố Như Tiên Sinh, Tản Đà Tiên Sinh, Nữ sĩ Hồ Xuân Hương..., nào là Thi Bá, Thi Thánh, Thi Vương của thời Đường...nếu các vị tái sinh, không biết có làm được những bài thơ xuất thần lưu hậu thế với những Luật mới xuất hiện này không?
Đây đúng là "Trên Trường Giang, sóng sau đè sóng trước" chớ không còn là "Trên Trường Giang, sóng sau đùa sóng trước" nữa.

Thôi thì cứ làm thơ theo chính luật. Nếu những câu nào đọc thấy bẻ mồm bẻ miệng, nghe không êm tai, thì ta chỉnh sửa lại là được rồi. Đâu cần phải dựa vào Thuyết Tứ thanh Bát Bệnh thêm lần nữa, bày ra đủ thứ luật lệ mà hành hạ người làm thơ. 
Nên nhớ, chúng ta làm thơ, chớ không phải là những nhà Điêu Khắc Thơ.

Huỳnh Hữu Đức

Thứ Tư, 11 tháng 10, 2017

Thiền Đình



(Mượn vận thơ "Tĩnh lặng" của KimPhượng
và cảm xúc qua tranh thơ do KimOanh trình bày)

Chuông chùa thảnh thót tiếng ngân buông
Vọng tưởng ngồi bên Niệm Phật đường
Thiền định thân tâm rời tục lụy
Cầu kinh đọc Chú thoát tai ương
Quay lưng ái ố lòng thanh thản
Đối mặt sân si dạ tất cuồng
Một kiếp nợ đời vay,mượn, trả
Vượt vòng cương toả....mộng bình thường

Song Quang