Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Đợi Đêm Về


Thuyền ai lờ lững trên sông vắng
Có đợi đêm về chở kịp trăng
Đợi cánh chim chiều xa bóng khuất
Thầm thì lời nguyện gửi sao băng

Cung thương âm bậc rung giai điệu
Gác mái triều dâng trổi tiếng tiêu
Khoan nhặt lòng đò so nỗi nhớ
Trăng mong chờ gió trở hiu hiu

Đợi chờ lẵng lặng ngày chưa qua
Hình dáng hoài trông chửa xóa nhòa
Có đợi người về khua sóng nước
Cho đêm về chở kịp trăng xa

Kim Phượng

Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Thu Hồn Thiếu Phụ


Tờ phượng vỹ trang thư hoa sắc máu
Trải mộng đầu bỡ ngỡ lúc trao tay
Hoa học trò ngan ngát thoảng hương say
Bao dư vị đong đầy niên học cuối

Đời oan nghiệt đất trời cơn gió bụi
Người xa người đánh mất tuổi xuân xanh
Hồn xót xa ôm xác lạnh ân tình
Ngàn năm vẫn bóng hình không phai nhạt

Đời đá vàng âu trót mang phận bạc
Màu áo xanh chung ghi tạc lòng nhau
Bên kia trời ai đó một nỗi đau
Hãy giữ lấy, xin trao đây một nửa

Bên song thầm lắng nghe mưa bối rối
Người xa người tội lắm trái tim ơi
Dấu tích xưa một đời… ôm dĩ vãng
Ấm môi cười đan lại nét thanh tân


Kim Phượng

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Mùa Thu Bên Hiên


Bên hiên lá rụng tơi bời
Trách người năm cũ chẳng lời từ ly
Thời gian vùi lấp xuân thì
Lá thu vàng úa từ khi xa cành

Đời người phiến lá mong manh
Tiếc thương rồi cũng thôi đành rơi xa
Dập vùi b
ão tố phong ba
Nhớ người năm cũ xót xa chạnh lòng

Kim Phượng

Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

Mẹ Tôi


Mắt quầng sâu chuỗi ngày thầm lặng
Vòng tay gầy thay nặng võng đưa
Đời gian truân cánh cò lam lũ
Một chiều kia cõi lụy buông xuôi
Buồn giăng mắc trầm hương khói tỏa
Muộn màng ray rức khóc biệt ly
Đau đớn lắm người còn đâu nữa
Vọng quê nhà hình bóng Mẹ Tôi

Kim Phượng


Chị Hai Như Hoa Héo, Chị Ba Như...

      Theo đúng dự liệu của bác sĩ, còn một tuần lễ nữa má sẽ qua đời. Đất trời như đảo lộn! Dù không muốn tin, cũng không được. Mọi người trong gia đình đều biết, ngoại trừ má, bà rất vô tư. Các anh chị em tôi đã chuẩn bị tư tưởng, sự suy nghĩ mỗi người một khác, mỗi người mang một cảm giác riêng. Tuy nhiên, ai ai cũng hồi họp, đợi chờ giây phút đớn đau nhất trong đời. Mỗi người con của má đang khắc khoải chờ một ngày không mong, nhưng sẽ đến.
      Từ hơn một tuần, các anh chị em từ Mỹ, Gia Nã Đại, Việt Nam lần lượt sang đây, mượn cớ “đi thăm má”. Còn chúng tôi, những người đang ở Úc, cuồng quay như con rối. Chúng tôi thay nhau vào ra phi trường, đón người này, rước người kia. Sinh hoạt của các anh chị em trở nên nhộn nhịp, ồn ào trong áo não. Những ánh mắt âu lo, trao nhau như thầm nói rồi sẽ đến … Nỗi u uẩn buồn vây kín, lệ chực chờ tuôn, nhưng kềm chế trong đợi chờ.

      Phải chăng mầm sầu chia ly trong nỗi vui sum hợp!?

      Nhìn khung cảnh đầm ấm, thời gian như chấp đôi chân chạy ngược về quá khứ. Con cháu của má xúm xích, căn nhà đầy ấp tiếng nói cười. Một gia đình đang hạnh phúc trong đớn đau!? Nhìn má khó ai đoán được sự tương phản vể nhân dáng của bà trong lúc này, người chỉ còn một tuần lễ nữa thôi, khi bờ mi khép nhẹ… sẽ đi, vĩnh viễn ra đi. Điều này nói không quá lời vì trong lần đầu gặp gỡ, vị Linh Mục đã thốt lên: “ Trông bà còn đẹp hơn các cô con gái của bà!”


      Má đẹp thật!

     Bộ tơ lụa trắng mà bà đang khoác trên người, phản sáng lên khuôn mặt trắng ngần. Thấp thoáng nơi bà, hình bóng của một bà mẹ trẻ hơn là kẻ sắp lìa đời và nét thanh xuân lại ẩn hiện mỗi khi má nở nụ cười tươi. Bà vui cũng phải, vui như mở hội, gọi với các con, bảo nấu món này, làm món kia, toàn những món ăn hợp khẩu vị cho những đứa từ phương xa đến và người được ưu đãi vẫn là anh Tư tôi. Con trai trưởng mà!

      Má vui đó nhưng đôi lúc lại kêu lên “Hơi mệt, má nằm nghỉ một chút nghe con”.

      Bốn năm trước, khi ba rời khỏi cuộc đời, má như chim chiều lẻ bạn. Tuy nhiên, bà không chịu về chung sống với đứa con nào cả. Má muốn ở lại trong căn nhà đầy ấp kỷ niệm, nơi đã một thời cùng ba chung sống, gắn bó yêu thương. Trong thời gian đầu này, ông anh rễ tôi từ Việt Nam thường hay nhắc nhở: “Em còn nhớ bài hát…chiều buồn len lén tâm tư…không? Một trong hai người ra đi, chiều là thời gian dễ xôn xao nhớ nhung và quặn đau lòng người nhất. Bởi vậy, các em bên ấy phải cố gắng lo cho má.” Lời dặn dò này cớ gì cứ đeo mang, khi ẩn lúc hiện, day dứt tôi hoài. Từ đó, những hôm không đi làm, tôi thường đến nấu cơm chiều cho má. Có lần trong một buổi chiều sắp tắt, cái nắng quái ác hôm ấy len lỏi qua tàng cây trước sân nhà, xuyên vào khung cửa số, hướng về phía má. Từ sau bờ lưng bà, nhìn mái đầu trắng phau, những sợi tóc mai lòa xòa cùng chiếc bóng má hắt dài, cạnh những bóng lá lay lay in lên nền tường, lòng tôi se thắt lại. Hình ảnh gợi trong trí, làm tôi liên tưởng đến cánh cò đang lặn lội trên bờ sông trong chiều nhạt nắng…phải chăng má đang nỉ non khóc, nhớ về ba, trong giây phút ba hấp hối. Đôi mắt tôi như đóng khung theo bóng má, lòng eo xèo nhớ về ba, ngàn năm không thay một câu nói “ Ba chết rồi ai lo cho má con”. Ba hỏi như là nói, nói hơn là giao phó một trách nhiệm và câu ấy chỉ nói với riêng tôi, trong đám mười đứa con.

      Lời người hấp hối là lời nói thật! Câu hỏi ba đặt ra với tôi: “Ba chết rồi ai lo cho má con”, tôi vẫn nhớ và đáp lại lời với ba “ Ba đừng lo, có con”. Có con! Giữ gìn lời hứa với người qua đời không phải dễ, vì là tâm hứa. Từ đấy, từng lời nói, mỗi cử chỉ cho đến hành động đối với má, như thể lúc nào cũng có sự hiện diện của ba.

      Trong thời gian này, chẳng những bà biết tự chăm sóc cho mình mà còn gọi điện thoại thăm viếng những người bạn già khác. Má nhắc nhở các bạn kiêng cữ về ăn uống, cách giữ gìn sức khỏe. Thú vui tao nhã của bà là viết thư cho người thân, cho bạn hữu này đến người quen khác trên thế giới. Bà ưa xem cải lương, hồ quảng chuộng tân nhạc, thích thoại kịch. Vì thế, việc sử dụng Ti vi, máy DVD, CVD, má khá nhuần nhuyễn.

      Những ngày trong tuần, sau bữa điểm tâm, cô em út thường cùng má bách bộ trên những con đường quen thuộc gần nhà. Đôi khi một mình, bà tự đi dạo, nhưng lúc nào cũng cẩn thận cài vào túi áo một mảnh giấy viết địa chỉ, ghi đầy đủ chi tiết, phòng khi bất trắc để tiện việc liên lạc. Có hôm tiện đường, má ghé thăm bác Hoa, hai người bạn cao niên này rất ư tâm đắc, nhưng là chuyện kể về ba, sau này bác Hoa đã cho chúng tôi biết thế.
      Những hôm cuối tuần hoặc những ngày nghỉ, tôi vẫn giữ việc nấu ăn cho má. Sau khi hoàn tất bữa ăn chiều “Xong rồi má ăn đi, con về nghe má.” Má bảo tôi “Con ở lại ăn luôn rồi hãy về”, nhưng tôi còn về để lo bữa ăn chiều cho mái gia đình nhỏ của tôi. Tôi ra về trong vội vã.

      Sau này, lúc má không còn nữa, những hôm các con vắng nhà, ngồi dùng bữa một mình, tôi chợt hiểu ra. Thật ra, lúc đó làm sao tôi hiểu được, thức ăn tôi nấu từ nhà mang đến hoặc cơm dọn ra đó mà má cứ nài nỉ tôi ở lại ăn. Người lớn tuổi đâu cần ăn nhiều mà chỉ cần có nhiều người cùng ăn. Thế mà, lo cơm nước cho má xong, tôi vội vã ra về cho kịp chuyến xe, nhưng tôi đã quên mất chuyến xe đời của má.

      Tôi vẫn chưa quên đôi bờ vai má trong buổi chiều tà, của những ngày đầu mất ba. Nhớ sao là nhớ, bàn tay bà đang đưa tay vuốt lại mái tóc trong một buổi chiều vàng len lén…hôm nao. Cảm giác lại trở về khi tôi lặng người trước hình ảnh cô đơn của Người, nhưng chưa một lần mất mát, làm sao tôi hiểu được sự đơn độc lúc đó. Đến bây giờ, khi tôi hiểu được thì má không còn. Giờ đây, sống trong nỗi mất mát, những hôm hiu quạnh một mình trong căn nhà, những buổi chiều sau giờ làm việc ra về, đợi chờ chuyến xe buýt đến. Cái nắng nung người oi bức của mùa hè, băng giá khi đông về, dầm mình trong mưa bão, tôi vẫn không ngại, chẳng làm tôi sợ, chỉ sợ nhất cái nắng vàng hiu hắt đang đổ dài bóng tôi, đang rượt đuổi những chiếc lá rơi cuộn mình, lăn tròn trên mặt đường.

      Ôi nắng vàng làm chi để mà nhớ nhung!

      Rồi đêm đêm trên chiếc giường ngủ, tôi lại nhớ về má, nhớ lúc nhắc chuyện xưa tích cũ. Phải chăng má như trối trăn, như thầm ngụ ý dạy tôi, đứa con ở tuổi đời không còn trẻ nữa qua câu chuyện kể lại. Má kể rằng: “Con biết hôn, hồi con còn nhỏ xíu, nói chưa rành rẽ mà cũng biết lý sự. Má hỏi con ai đẹp nhứt nhà. Con lanh lẹ lắm, nói một hơi… Chị Hai như hoa héo, chị Ba như hoa đèo, chị Năm như hoa bị ong đúc còn Con như hoa nở”. Rồi với nụ cười ấm, bà nắm lấy tay tôi. Bây giờ má không còn nữa, không còn ai hỏi tôi đứa con nào đẹp nhất nhà nữa. Tôi xấu nhất nhà thì có! Phải chăng má muốn nhắc tôi, một người con gái đẹp, không phải đẹp như hoa nở mà lòng phải biết nở hoa. Hoa tâm, từ tâm rộ nở cho đời thêm cánh nhân ái, vị tha, độ lượng.

      Nhớ má, tôi muốn ê a đọc lại bài thơ Mất Mẹ trong quyển Bông Hồng Cài Áo của Thiền Sư Nhất Hạnh:

Năm xưa tôi còn nhỏ
Mẹ tôi đã qua đời
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi

Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Để dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đau rồi

Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi biết tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời

      Tôi ơi! Sao không làm những gì có thể, đợi đến khi má qua đời. Con đã đánh mất bầu trời. Con không thể kéo lại thời gian, nhưng giờ đây chắc chắn trong đoan hứa sẽ vun bồi vườn tâm cho Hoa Lòng con rộ nở nghe má!

Kim Phượng
24/9/2010

Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

Chỉ Còn Là Kỷ Niệm


Thoi đưa ngày tháng đã qua
Trường xưa còn lại người, ta ngút ngàn
Tiếng ve gọi bạn bàng hoàng
Hoa buồn theo gió xa tàng phượng cao

Học trò tranh nhặt lao xao
Ai đâu biết được nỗi đau xót lòng
Tình riêng
này gửi phượng hồng
Ấp yêu kỷ niệm hương nồng nhạt phai

Đi quanh nào thấy những ai
Nẻo xa mỗi ngã có hai bóng hình
Tim đau ôm khối lặng thinh
Giữ nhau tà áo trắng tinh một thời

Mặt ngoài trong dạ rối bời
Bao nhung
rồi nhớ cũng dời bước chân
Dòng xưa chữ nét bâng khuâng
Đ
ây trang lưu bút những lần bên nhau

Kim Ph
ượng

Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

Thơ Tranh: Thắt Bím


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Hoài Nhớ


Người xưa đó ta còn đây
Hàng điệp nghiêng bóng đã gầy trơ xương
Nhánh tương tư nọ còn vương
Đời chia đôi ngã có thương cũng hoài

Người thôn Đông kẻ thôn Đoài
Nhớ nhung bao nỗi đọa đày con tim
Thôi đành vỗ giấc im lìm
Trăm năm ta hãy đi tìm trong mơ

Nhớ tuổi non dại vụng khờ
Đàng xa bẽn lẽn đứng chờ ai hay
Buồn ơi sao đến chiều nay
Trong tim giọt máu rỉ hoài sao ngưng

Kim Ph
ượng

Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

Qua Rồi Khung Trời Mộng


Tình dang dở! Tình đẹp hoài muôn thuở!?
Có gì vui lần bỡ ngỡ chia tay
Nỗi xót xa trăn trở mộng đêm dài
Sầu chất ngất lên vai đầy trĩu nặng

Ngày thu ấy chân dần xa phố nắng
Áo hoa rừng thôi thúc gót chinh nhân
Nơi phương xa tiếc nuối chẳng một lần!
Thầm định nói nhưng bâng khuâng thôi lại

Người em gái hồn trong thân lụa bạch
Lặng nhìn ai bên trang sách ngủ say
Phải em tôi vất vả lúc ôn bài!?
Mãi chối hoài nên thôi cùng dạo phố

Tạ từ vội nặng bước chân cuồng nộ
Hồn đơn côi giữa lòng phố đông người
Tìm rượu cay thèm quên hết đêm nay
Mượn hơi men say khước trọn đời dài

Trời lăn quay thoáng trông vòng tay lạ
Dìu bước em theo điệu nhạc thân quen
Trong bóng đêm len hình ảnh lúc ôn bài
Nên chối hoài bên tôi cùng dạo phố

Kim Phượng



Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

Chậu Cá Của Tôi


          Nhìn những con cá đủ màu sắc đang bơi lội, cái đuôi dài, mong manh đang uốn lượn nhịp nhàng, tôi tìm được một cảm giác an bình. Nuôi cá kiểng cũng là một thú tiêu khiển.Tự tìm được cho mình thú tiêu khiển trong cuộc sống vội vã cũng là điều kỳ thú của đời sống.
      Với tôi việc chọn lựa làm một cái chậu nuôi cá, không là thú tiêu khiển, mà là chọn lựa phương tiện, vì không còn cách nào khác hơn.



      Chậu cá của tôi tiền thân là một bình hoa. Chậu bằng thủy tinh trắng ngần, tròn, to khoảng bằng trái banh bóng chuyền. Đáy dẹp, đủ sức đứng, giữ vững cho chậu và an toàn cho những thứ chứa bên trong. Miệng chậu uốn tròn, cạnh không sắc bén, chẳng thể gây nguy hiểm mỗi khi tay tựa vào hoặc chạm phải. Quanh thành chậu được “trang trí” bởi những hình ảnh cắt ra từ những tạp chí. Đây là hình người cha đang bế đứa con vừa chào đời. Đó là ảnh mẹ bồng con với hàng chữ Bông Hồng Tặng Mẹ được lấy từ bìa hộp băng nhạc cassette. Bên cạnh là hình cậu bé "Joan – Joan” salutes his father’s coffin, trong ngày từ biệt cố Tổng thống John Kenedy. Bên cạnh là ảnh của đôi tài tử Ali MacGraw và Ryan O’Neil trong phim Love Story của thập niên 1970. Miệng chậu được đính bởi sáu dây ru băng mang ba màu sắc: trắng, tím nhạt và xanh lá mạ. Các sợi dây được thắt thành đôi bím. Cuối một trong hai chiếc bím được luồn ba hạt nhựa hình trái tim, một màu hồng và hai còn lại màu tím. Từ đáy chậu nhô lên hai cành hoa hồng giấy, vắt lững tựa miệng chậu. Hoa này đã được tôi lấy từ bình hoa hồng của má tôi ngày trước. Chậu có hơn năm năm tuổi, chứa khoảng trên bốn trăm con cá, to, nhỏ đủ cỡ, tuyền một màu trắng pha lẫn đen

      Như đã nói, vì chậu cá được xem như một phương tiện. Chậu không cần thay nước, vì có nước đâu để mà thay. Còn cá rất ngoan, không làm phiền tôi cho ăn, vì cá cần ăn đâu mà cho. Trên bốn trăm con, mỗi con được bao ny long cẩn thận và dán kín bằng băng keo trong. Những con cá nằm chồng chất lên nhau. Cá không ăn, dĩ nhiên vì thế chúng chẳng lớn dần theo năm tháng. Tuy nhiên, chúng trở nên có một linh hồn sắc sảo mênh mang mỗi khi bàn tay tôi chạm đến và nhìn vào nó. Những con cá luôn nằm yên, tôi chỉ thăm chúng khi lòng nhiều dao động. Những lúc ấy, tôi thường đến tì tay lên thành chậu, không cần chọn lựa bắt lên một con, ngắm nghía, khẽ thở dài, trầm tư, đôi dòng lệ âm thầm lăn dài trên má…và tôi đã tìm chút an bình. Những lúc khác, nỗi đau quá sức chịu đựng, tôi cũng vội vã đến chậu, nhưng rồi nức nở, vôi quay đi. Có những lúc khác nữa, tôi lại đến bên chậu, đưa tay xốc nhẹ, cũng chẳng cần chọn lựa, bắt ra một con, cũng nhìn chầm chầm vào cá, khẽ mỉm cười, một sự an bình lẫn hoang mang đến trong suy tư. Những con cá tưởng chừng vô tri này, không bao giờ chết đi mà sống mãi. Chính cái linh hồn sắc sảo của chúng, tâm hồn mở rộng của chúng đã hòa nhập vào tâm hồn tôi, đã mở lòng, mở trí, giúp tôi phần nào, đưa tôi trở lại cuộc đời sau những sầu thảm, tuyệt vọng đến chán chường của “thân gái như hạt mưa sa” và đến hôm nay dù rằng hạt mưa sa đến nơi nào, tôi vẫn biết lựa chọn cách sống đích thực như một con người cho chính mình.

      Đến hôm nay, thú đam mê tìm cá cho vào chậu vẫn mãi mãi là đam mê. Đôi khi là hai, ba hoặc đến năm con được bỏ vào chậu cùng một lúc. Thỉnh thoảng, tôi đổ toàn bộ số lượng cá ra bàn, lau sạch chậu cá, nó trở nên sáng loáng, cái sáng bóng ngời của thủy tinh đến làm tôi vui mắt . Hàng năm tôi lại mang cả chậu cá vào lớp học Việt Ngữ, cho mỗi em học sinh tự bắt lấy một con và theo linh hồn nằm trong cá mà làm bài tập. Tôi đang tập cho các em nuôi cá với hy vọng truyền đạt một hành trang vào đời. Rồi một ngày nào đó…khi các em bước vào tuổi dậy thì, xa hơn…một ngày nào đó, nếu không may các em rơi vào như thân phận của tôi hôm nay, các em đã có ít nhiều suy tư từ chậu cá này. Chừng ấy mơ ước thôi, đó chính là lúc các em mang hành trang này vào đời, để dễ dàng chọn hướng đi và giữ vững tâm hồn trước phong ba của cuộc đời nếu không tránh khỏi.
      Những con cá của tôi, bạn đã đoán được chứ? Đó chính là những câu văn ngắn lời, đầy ý - Lời hay ý đẹp - Danh ngôn - Tục ngữ - Ca dao - Hoa thơm cỏ lạ, đã được tôi cắt ra từ những tờ báo, Tuần báo và dán lại bằng ny long. Những lời hay ý đẹp này đã giúp tôi tìm lại sự an bình trong tâm hồn, những lúc sóng gió đến bên cuộc đời, những lúc tưởng chừng sẽ không tránh khỏi chân sa, rơi vào vực thẳm. Vả lại trong đời sống, biết dùng danh ngôn hoặc ý hay để hướng đời sống mình đến một điều tốt đẹp hơn thì cũng là điều hay, nên làm.
      Những linh hồn trong các con cá của tôi, này là:

• Một sự thật không thể làm hại một sự thật khác mà chỉ có thể làm chân lý thêm sáng tỏ.(Hoa Thơm Cỏ Lạ)


• Làm đi rồi hãy nói.(Hoa Thơm Cỏ Lạ)

• Nghèo khó không phải là cái nhục, nhưng hổ thẹn vì nghèo mới là cái nhục.(Tục Ngữ )

• Một trái tim để giải quyết, một cái đầu để xếp đặt và một bàn tay để thực hành.(Gibbon – Henry VI)

• Nhân cách là giá trị then chốt của con người.(Hoa Thơm Cỏ Lạ)

• Lưu ý dư luận, nhưng đừng nô lệ cho nó.(Martin Rayan)


• Người ta nhìn thấy rõ với trái tim, đôi mắt không nhìn thấy cái cốt yếu.(Andrew de Saint Exupery)

      Cám ơn cá, đã cho tôi trái tim để nhìn đời…một trái tim nhân ái.

Kim Phượng
1/7/2009

Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

Lần Khép Mắt 11.9


Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

Nguyệt Tịch Bộ Tiên Du Sơn Tùng Kính


  月夕步仙 Nguyệt Tịch Bộ
遊山松徑 Tiên Du Sơn Tùng Kính
朱文安 Chu Văn An
緩緩步松堤, Hoãn hoãn bộ tùng đê
孤村淡靄迷。 Cô thôn đạm ái mê
潮回江笛迥, Triều hồi giang địch quýnh
天闊樹雲低。 Thiên khoát thụ vân đê
宿鳥翻清露, Túc điểu phiên thanh lộ
寒魚躍碧溪。 Hàn ngư dược bích khê.
吹笙何處去, Xuy sinh hà xứ khứ,
寂寞故山西。 Tịch mịch cố sơn tê (tây)

Dịch Nghĩa:


Ðêm Trăng Dạo Bước Dưới Rặng Thông Ở Núi Tiên Du


Lững thững dạo chơi trên đê tùng
Làn mây nhạt che khuất làng hẻo lánh
Triều xuống tiếng địch trên sông nghe xa vắng
Trời rộng, mây là là ngọn cây
Chim về tổ bay qua sương mát
Cá gặp lạnh nhảy dưới khe trong
Người thổi sáo đi đâu vắng?
Để núi tây cũ thêm quạnh hiu.

Các Bài Thơ Dịch:

Đêm Trăng Trên Núi Tiên Du

(1)
Trên đê tùng , dạo chơi thong thả ,
Làn khói mờ che cả cô thôn .
Triều hồi , địch vẳng bến sông ,
Trời quang mây lượn ngàn thông la đà .
Chim xao động sương ngà đêm mát ,
Nước lạnh tanh cá quạt khe trong .
Tiếng sênh im bặt mênh mông ,
Núi xưa hiu quạnh trời không một màu .


Mailoc phỏng dịch
(2)
Lững thững trên bờ thông ,
Sương khói mờ cô thôn .
Triều lui tiếng sáo vẳng ,
Trời tạnh rừng mây lồng .
Sương rung chim lũ lượt ,
Cá lạnh quẫy khe trong .
Sênh ai vừa bặt tiếng ,
Non cũ quạnh trời không


Mailoc

*** Dạo Bước Đêm Trăng
Trên Núi Tiên Du


Trên đê, dạo bước dưới hàng thông
Mây nhạt che mờ xóm cuối thôn
Tiếng địch xa đưa triều nước xuống
Ngọn cây mờ phủ áng mây lồng
Chim bay về tổ sau sương lạnh
Cá quậy bên khe dưới nước trong
Người thổi sáo đâu sao chẳng thấy
Non tây hiu quạnh mãi hoài trông.


Phương Hà phỏng dịch

Đêm Trăng Dạo Bước


Dưới Rặng Thông Núi Tiên Du
Lững thững dưới hàng thông
Thôn ngủ dưới mây hồng
Nước ròng tiêu réo rắt
Trời rộng cây mây lồng
Chim ngủ sương thánh thót
Cá nhảy dưới khe trong
Tiếng tiêu đà xa vắng

Cô đơn núi lạnh lung

Chân Diện Mục
***  
Dạo Bước Tiên Du

Trên đê dạo dưới hàng thông
Khói mờ che cả cô thôn gió lồng
Triều hồi tiếng địch ru sông
Là đà cây biếc mây bồng bềnh trôi
Chim bay về tổ, sương rơi
Dưới khe quá quẫy bồi hồi nước trong
Đâu người thổi sáo ru lòng
Non tây hiu quạnh ngóng trông u hoài


Trầm Vân
***
Đêm Dạo Cảnh Tiên Du


Chầm chậm giữa bờ thông
Làng xa ẩn mây lồng
Sáo vang sông nước kém
Mây chạm cây trời không
Chim nghỉ nơi sương trắng
Cá đùa giữa khe trong
Thổi kèn người bỏ xứ
Núi Tây cảnh quạnh mông


Quên Đi
***
Đêm Trăng Trên Núi Tiên Du


Thư thả bờ thông chân dạo bước
Ẩn mình thôn xóm khói mờ che
Bên sông địch vẳng khi triều xuống
Trời lộng cây cành vương víu mây
Sương mát chim bay về tổ ấm
Vẫy đuôi cá lội nước khe trong
Người đâu tiếng sáo chừng im bặt
Núi cũ nơi này hiu quạnh trông


Kim Phượng









Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

Ơn Cha


Cha là bóng mát tàng che
Ấp yêu những lúc nắng hè ban trưa
Tình Cha suối nước cơn mưa
Thấm lòng đất trẻ hạt vừa ươm cây

Công Cha sánh tựa sông dài
Đầy vơi con nước chẳng hoài công lao
Nuôi con mòn vóc hư hao
Chỉ mong khôn lớn trước sau nên người

Buồn vui theo tiếng khóc cười
Âu lo giấc ngủ con lười biếng ăn
Đầu đời bập bẹ khó khăn
Ba…ba…cất tiếng Cha rằng ngoan… ngoan…

Bóng Cha nay đã biệt ngàn
Nghìn năm phụ tử đôi đàng cách xa
Cao vời núi Thái ơn Cha
Tôn thờ mãi mãi chẳng nhòa trong tim

Kim Phượng
Ngày Nhớ Ơn Cha 

Lời Ru


(Cảm tác lời nhạc “Lời Ru Mời Em Trở Lại” của LM. Đinh Thanh Bình)

Đôi mắt em sâu đến não lòng
Chít vành khăn trắng để tang chồng
Cho người vẫn sống và đang sống
Tang chồng là thôi hết chờ mong

Rồi bất chợt tôi thành góa phụ
Gục bên đời văng vẳng lời ru
Tiếng ru hời…
Mời Em trở lại
Dòng sông xưa mái đẩy khua đò

Em trở về mây ngang tầm với
Hoa học trò ngậm nắng muộn rơi
Bến sông đời ai người ngóng đợi
Hồn trôi xuôi vụng dại một thời

Em trở về chân quen phố cũ
Bước bâng khuâng nhịp bước ngại ngần
Em trở lại…
Mời em trở lại
Màu lung linh sợi nắng hồn nhiên

Ru!
Lời ru mời Em trở về
Thân cỏ hoa ngan ngát rất riêng
Em trở về một lời chưa ngỏ
Cánh diều cao lộng gió bình yên

Kim Phượng

Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

Loài Hoa Dị Kỳ


Những con bướm nhỏ huy hoàng
Ép vào cuối vở mộng ngàn trên cao
Lòng sâu lưu bút xôn xao
Mỗi mùa có phượng nôn nao đợi chờ
Nâng niu chép mấy vần thơ
Trải trang giấy trắng tình hờ hôm nao
Thời gian nhẹ bước chiêm bao
Màu hoa sắc máu phượng nào biệt ly
Thôi! Đừng nhung nhớ mà chi...

Kim Phượng

Phượng Yêu




Hè về phượng trổ hoa yêu
Nghiêng nghiêng nắng chiếu, dáng Kiều phượng ơi!
Làm sao thốt được nên lời
Lặng nhìn hoa phượng, ngập trời yêu thương

Phượng xòe mát bóng sân trường
Bao con bướm trắng, vấn vương thuở nào!
Hè sang phượng nở tươi màu
Gợi thương, gợi nhớ tình khao khát tình

Phượng yêu có phải riêng mình?
Hoa khoe sắc thắm, trộm nhìn đắm say
Phượng yêu nào phải riêng ai ?
Yêu thời áo trắng, yêu hoài ngàn năm

Trời khuya ánh nguyệt đêm rằm
Chập chờn bóng phượng, lén dần con tim
Thiết tha yêu, một nỗi niềm
Buồn theo cánh phượng, bên thềm rơi rơi

Dù cho xác phượng tàn...phơi
Ép vào trang giấy, trọn đời phượng yêu!
Phượng yêu, yêu thật cho...nhiều.

Bác Thân

Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

Tiên Du Tự - 仙遊寺


仙遊寺 Tiên Du Tự
阮廌 Nguyễn Trãi
短棹繫斜陽,Đoản trạo hệ tà dương
匆匆謁上方。Thông thông yết thượng phương.
雲歸禪榻冷,Vân quy Thiền sáp lãnh,
花落澗流香。Hoa lạc giản lưu hương.
日暮猿聲急,Nhật mộ viên thanh cấp
山空竹影長。Sơn không trúc ảnh trường
箇中真有意,Cá trung chân hữu ý,
欲語忽還忘。Dục ngữ hốt hoàn vương (vong)

Dịch nghĩa:

Chùa Tiên Du


Mái chèo ngắn buộc trong bóng xế
Vội vàng lên chùa lễ Phật
Mây kéo về làm lạnh giường Thiền
Hoa rụng xuống khiến dòng suối thơm.
Chiều hôm tiếng vượn kêu rộn
Núi trống và bóng trúc dài ra
Trong cảnh ấy thật có ý
Ta muốn nói ra bỗng lại quên lời.

(1) Còn có tên là chùa Vạn Phúc, chùa Phật Tích; nay thuộc tỉnh Bắc Ninh

Các Bài Dịch:

Chùa Tiên Du


Buộc con thuyền trời đà bóng xế ,
Bước vội vàng lên lễ Phật đường .
Giường sư lạnh lẽo mây vương ,
Hoa trôi trên suối đưa hương khắp vùng .
Chiều dần tối vượn rừng lanh lảnh ,
Bóng trúc dài quang tạnh núi trong .
Dường như cảnh cũng ý lòng ,
Lời đâu quên mất nên không tỏ bày .


Mailoc
***
Chùa Tiên Du

Buộc mái chèo trong bóng xế tà
Lên chùa vội vã một mình ta
Giường Thiền mây phủ màn vương lạnh
Suối mát hoa rơi hương thoảng xa
Vượn hót rộn vang chiều tối muộn
Núi in dài trải bóng tre già
Cành tình ẩn chứa muôn ngàn ý
Muốn nói mà sao khó thốt ra


Phương Hà phỏng dịch
***
Chùa Tiên Du

Bóng chiều buộc chiếc thuyền con
Vội lên lễ Phật thả buông muộn phiền
Mây về kéo lạnh giường thiền
Suối trôi hoa rụng hương mềm cánh trôi
Vượn kêu trời đã tối rồi
Núi xanh bóng trúc dài khơi nỗi niềm
Cảnh dường muốn tỏ niềm riêng
Lòng ta muốn nói lại quên mất lời


Trầm Vân
***
Chùa Tiên Du


Thuyền ghé bóng chiều sang
Lên chùa bước vội vàng
Mây về giường ngấm lạnh
Hoa rụng suối thơm tràn
Tiếng vượn vang chiều vắng
Bóng tre dài núi hoang
Cảnh như khêu gợi ý
Muốn nói lời quên ngang


Quên Đi
***
Chùa Tiên Du


Neo thuyền gác mái hoàng hôn
Vội vàng viếng cảnh chân dồn bước nhanh
Vườn thiền mây ám lạnh tanh
Thoảng hương hoa rụng uốn quanh suối nguồn
Chiều hôm tiếng vượn hú luôn
Núi hoang bóng trúc ngả buông thêm dài
Tình trong cảm ý cảnh ngoài
Muôn điều muốn ngỏ đã ngay quên lời


Kim Phượng

Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

Hương Đồng


Chiều vàng nhạt nắng cõi mênh mông
Tiếng cuốc xa đưa não tấc lòng
Khoảnh khắc trào dâng hồn thục nữ
Chim chiều gỏ tiếng rõ buồn không

Thời gian hão mộng thấm mong chờ
Vùi tuyết sương pha bạc ước mơ
Dạ thảo nội đồng trơ tuế nguyệt
Phôi pha nhẹ trở tháng năm hờ

Hương đồng nội cỏ dạ bâng khuâng
Lữ khách xa xưa ghé một lần
Gióng tiếng thanh ngân hồn gợi nhớ
Dư âm khua động giục khách trần

Kim Phượng

Chân Quê


     (Họa từ Hương Đồng của Kim Phượng)

Đình làng bến nước mãi chờ mong
Người đến ta trao hết cõi lòng
Thổn thức lần đầu tiên gặp gỡ
Đêm hè mở hội nhớ hay không?

Người đi biền biệt kẻ mong chờ
Ta thả cánh diều treo ước mơ
Theo gió diều bay – người xa mãi
Đồng không hiu quạnh cảnh ơ hờ.

Em cô gái nhỏ chân quê ấy
Trở lại vườn xưa được mấy lần?
Đêm nay trăng nhạt hồn phiêu bạt
Thương người năm cũ bước phong trần.

Dương Hồng Thủy 
(03/09/2014)

Thơ Tranh: Thiên Hương



Thơ & Thơ Tranh: Kim Quang

Tháng Năm, Năm Tháng

 

Tháng Năm, năm tháng
Trời xanh gió lộng thênh thang
Một vuông cỏ úa dưới chân, xong rồi
Hôm qua nức nở hay cười
Ngày mai đọng lại bóng đời thế thôi
Làm sao bắt bóng? Hỡi người!
Xin đành ôm cuộn những thời xa xăm
Tháng Năm, năm tháng yên nằm
Cuộc rong chơi cõi mù tăm bẽ bàng
Trời xanh lồng lộng mênh mang
Lòng ta một chấm nhang tàn rụng rơi

Hoài Tử