Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

Mưa Buồn Tháng Chín - Đông Về


Mưa Buồn Tháng Chín

Mưa tháng Chín rào rào gây nỗi nhớ
Những nụ hồng run rẫy giữ trời xuân
Hoa phong kín ý nồng hương lưu luyến
Lạnh môi chờ đời sao mãi âm u

Đường phố vắng rào rào mưa tháng Chín
Đêm qua đêm lệch lạnh gối tha hương
Sầu khoắc khoải đắm trần duyên mê đắm
Đời tạnh chưa tim buốt cả đêm trường

Kim Phượng
***
Cảm Tác:

Đông Về

Chậm chậm đông về thấy vấn vương
Cho ai lặng lẽ bước trong vườn
Thư xưa úa úa ghi lời hẹn
Cội cũ mờ mờ khắc chữ tương
Mắt lệ theo mưa nhòa vạt áo
Môi cằn với gió nhạt mùi hương
Lòng này vẫn mãi in hình bóng
Của kẻ xa xôi mấy dặm trường!

dovaden2010 (DVD)


Thứ Tư, 26 tháng 9, 2018

Đôi Mắt Ấy (Cảm Tác)


Trong đôi mắt nỗi buồn hoang dại
Thăm thẳm sâu kia giấc mộng huyền
Tuồng thục nữ đông phương yểu điệu
Giọt u tình diễm lệ thêm duyên

Kim Phượng
***
Cảm Tác:

Nỗi buồn nào thẳm sâu trong đôi mắt em
Cho ngày nhớ trở thành miền hoang dại
Nỗi buồn thương làm em cứ nhớ mãi
Chốn thương vương cứ trôi hoài chẳng xa

Nguyễn Viết Tân


Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

Mưa Buồn Tháng Chín


Mưa tháng Chín rào rào gây nỗi nhớ
Những nụ hồng run rẫy giữ trời xuân
Hoa phong kín ý nồng hương lưu luyến
Lạnh môi chờ đời sao mãi âm u

Đường phố vắng rào rào mưa tháng Chín
Đêm qua đêm lệch lạnh gối tha hương
Sầu khoắc khoải đắm trần duyên mê đắm
Đời tạnh chưa tim buốt cả đêm trường

Kim Phượng

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

Gia Tài Của Má Để Lại Cho Con

(Má - Úc Châu năm 2000)

Hình như người con nào, đến khi mẹ qua đời rồi mới ngẩn ngơ tiếc nuối và bồi hồi, da diết nhớ đến người mẹ kính yêu của mình. Riêng tôi, khi vấn bước vào đời, trước những bất trắc của của cuộc sống. Lời ngọt ngào dạy bảo của má đã là hành trang theo tôi, từ thuở bé, đến những ngày lênh đênh trên biển cả, hay khi trôi dạt về một phương trời xa lạ. Những lời nồng nàn đó là ngọn đuốc soi đường trong đêm, là ấp ủ, là chở che, là xoa dịu nỗi đau trái tim người viễn xứ của tôi. 

Nhớ như in, lúc ấy ở độ tuổi lên 4… 
- Má con khoái ăn mít. 
Dù rằng vừa ăn xong, nhưng tôi vẫn còn thèm thuồng múi mít vàng ươm, thơm lừng, được ba mang về từ vườn nhà nội. 
Má nhìn mà không nói, người ngồi xuống, đối diện với tầm mắt tôi và ôn tồn: 
- Con nói “thích ăn” sẽ hay hơn, là con gái lại càng không nên dùng chữ “khoái”. 
Sau đó, má không quên cho tôi thêm một múi mít nữa. Kể từ lúc đó, nếu mong muốn một điều gì, tôi luôn dùng chữ “thích”. 
Lớn thêm một chút, má dạy con học ăn học nói học gói học mở. 
- Con không nên nói “ngu quá”, tiếng này nghe nặng nề lắm. Con có thể nói “dại quá” hay “khờ quá” sẽ dễ nghe hơn. 
- Đi vệ sinh, con dùng chữ “đi tiểu”, “đi tiêu”. 
- Má cấm ngặt, con trai, con gái cũng không được nói “quá đã”, chữ này nghe không thanh bai chút nào. 
Thật ra, ý nghĩa của 2 chữ “quá đã” này, lột tả trọn vẹn, tận cùng khi đạt thành một ước nguyện hoặc một sự việc mong muốn nào đó. Đến bây giờ, mỗi khi viết để đùa giởn, thì bên cạnh chữ “quá đã” sẽ có hàng chữ trong dấu ngoặc (chữ này má cấm không cho nói). 

Khi đối nhân xử thế, biết bao câu hoa thơm cỏ lạ má trao cho, nhưng có lẽ 2 câu nói luôn theo tôi từ thuở bé, đến khi chập chững bước vào đời và tận bây giờ. 
- “Người ta ăn còn mình ăn hết”. 
Câu nói này đã ghi vào trí óc non nớt 5 tuổi của tôi, sau lần đám giỗ. Đó là lúc má bảo tôi mang đồ ăn cho dì Hai hàng xóm. Khi ấy, tôi thắc mắc mình ăn mới còn, chứ người ta ăn là hết rồi. Và câu thứ 2, lúc ấy, tôi hoàn toàn không hiểu, nhưng vô cùng thấm thía khi va chạm với đời, nhất là trong 1 xã hội xa hoa, đầy vật chất nhưng thiếu tình người này. 
- Kẻ thù của mình đôi khi là người ơn của mình. 
Sống trong thời đại con gái không được đi học, nhưng má may mắn được ông ngoại cho đến trường và học hết Lớp Nhất, là bậc cao nhất trong trường, nay gọi là Lớp 6. Dù kiến thức chỉ chừng ấy, nhưng má học hỏi từ sách vở, từ trường đời, từ kinh nghiệm cá nhân, nên có thể nói là khá đủ để dạy dỗ anh chị em chúng tôi. 
Từ lúc nhỏ, chúng tôi không được la cà nhà hàng xóm. Đến tuổi dậy thì, con gái không được chưng “táp lô”, nghĩa là chiều chiều không được ngồi trước hàng ba nhà mà ngóng ra ngoài đường.

(Phần đất Phú Hữu quê Nội)

Cuộc sống, cứ ngỡ êm đềm lặng lẽ trôi, nhưng biến cố đầu xuân 1968, làm thay đổi. Tất cả các căn nhà của cư dân ở Giồng Ké, thuộc tỉnh Vĩnh Long, đã bị đốt và chìm trong biển lửa. Lúc ấy, chúng tôi về quê sum họp, cùng đón Tết, bỗng chốc dắt dìu nhau chạy về quê nội lánh nạn. Sự sống và cái chết trong đường tơ kẻ tóc, ấy vậy mà một thời gian sau, cả gia đình chúng tôi, lội bộ về lại Vĩnh Long, sống trong căn nhà nhỏ hẹp do ba má xây cất cho anh chị em chúng tôi, là nơi ăn chốn ở để lo việc đèn sách. Nhưng Vĩnh Long, lúc này chẳng khá hơn, tang thương và chưa được ổn định. Một lần nữa gia đình chúng tôi di tản sang Rạch Giá, nơi chị thứ Hai của tôi đang cư ngụ. 

Theo lời yêu cầu của các anh Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn, hiện đóng nơi đây. Và tránh cảnh ăn không ngồi rồi, ba má tôi bày ra bán cà phê, trước cửa chung cư của chị tôi. Chúng tôi, là những cô cậu còn ngồi ghế nhà trường, nên rất ngại ngùng hay nói khác hơn là mắc cỡ trong việc bày ra buôn bán. “Quán cà phê” lộ thiên chỉ độc nhất 1 chiếc bàn tròn trước sân. Khách đến, chúng tôi chẳng đứa nào dám xuất đầu lộ diện, nên mọi việc lau bàn, bưng cà phê đều giao khoán cho cô giúp việc của bà chị. Không biết vì tài pha cà phê của ba, hay đoàn người đông đảo đến xin gia nhập khoác màu áo đen xây dựng nông thôn, hay vì các cô gái con ông chủ quán, khách ngày một đông thêm. 
Nhu cầu tăng, thời gian mở cửa kéo dài thêm, đến tối. Từ 1 chiếc bàn tròn độc nhất, số lượng bàn tăng thêm và đôi khi còn lấn hẳn vào phòng khách của căn chung cư. Tiếng “ngon” được đồn xa, tài pha chế cà phê của ba, thu hút thêm các chàng lính xa nhà của những binh chủng khác, tìm đến. Theo lời 1 người dưới quyền của vị chỉ huy tại địa phương, cho biết. Các quân nhân đến quán chúng tôi, tuyệt đối không được phá phách và theo lời vị ấy “Đây là 1 gia đình đàng hoàng, các con của bà chủ quán là cô giáo và là học sinh”. Có lẽ thế, số người đến khá đông, nhưng chưa 1 lần có chuyện xây xát. Cùng cho lắm, có những cây si đến uống chỉ 1 ly cà phê mà ngồi đến “chết” cái ghế của người ta. Dần dần, theo yêu cầu của những thực khách, ba má tôi bán thêm món điểm tâm, rồi đến thức ăn trưa. 
Ngoài chuyện bán cà phê làm kế sinh nhai trong thời ly loạn, má còn dạy cho chúng tôi về tình người qua lần các anh lính sư đoàn, sau chuyến hành quân trở về, áo trận còn vương bụi đường. Họ nhờ má tôi nấu giùm bữa cơm tối. Nhìn các anh lính, má chạnh lòng nghĩ đến con trai mình. 
Thế là cả gia đình chúng tôi nhộn lên. Các chị lo nhóm bếp, tôi và Oanh đi chợ chiều mua thức ăn. Món ăn cho người về từ cuộc chiến là cá kho và canh chua nấu với “khóm Tắc Cậu rẻ rề bà rề”. Còn ba, dĩ nhiên là quần quật với pha pha chế chế cà phê cà pháo, hương thơm đầy quyến rũ bên làn khói thuốc nhẹ tỏa mờ mờ. 
Các anh chàng nhà binh được một bữa ăn tối no nê, hả hê. Má tôi, nụ cười tươi mãn nguyện với niềm vui trọn vẹn, khi chào tiễn đưa các anh, người của gió sương trở về cùng sương gió. 
50 năm rồi còn gì, các anh trong bữa cơm đạm bạc ấy, giờ nơi nao!? 
Quả đất tròn, nhưng làm sao mà biết được!? 

Trở lại với các chàng Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn, có lẽ các anh chưa quá dãi đầu mưa nắng, làn da không đủ sạm, có chàng còn lộ rõ nét thư sinh. Đó là người tôi muốn nhắc đến. Nét mặt thanh tú của anh nổi bật qua chiếc áo bà ba đen. Anh ít nói, hay mỉm cười, khi ngồi cùng bàn với các bạn. Tôi chẳng biết vô tình hay cố ý, anh thường ngồi ở chiếc bàn, mắt hướng về má tôi, và dĩ nhiên là đàng sau lưng má là các con đang quây quần chuẩn bị thức ăn. Chúng tôi không biết tên, nhưng tự tiện đặt và gọi là anh “Tân”. Đó tên người anh họ con của bác, vì anh có nét hao hao. Nghe gọi tên, anh chỉ cười cười mà không phản ứng. 
Mấy tháng sau, tình hình ở Vĩnh Long khả quan hơn, học sinh được kêu gọi trở về trường. Ba dắt các con lớn về lại Vĩnh Long, chuẩn bị ôn bài thi. Má và các em nhỏ ở lại tiếp tục buôn bán. 
Bỗng ngày đẹp trời, từ Rạch Giá xa xôi, 1 cánh nhạn bay về. Lá thư của “anh Tân” viết cho tôi. Vô cùng ngỡ ngàng! 
Hú hồn! Lúc ấy tôi còn vô tư quá, chả biết gì mà anh đã ...“lù khù vác thùng phuy mà chạy”. Tôi đem chuyện lá thư kể lại với má. 
- Nếu con không thương thì viết thư trả lởi, đừng để người ta hy vọng mà tội nghiệp. 
Đó lời má dạy dỗ cho con gái đến tuổi dậy thì, khi được người ngắm nghé. 
Tôi gửi thư đi và đầu thư gọi anh ấy bằng “chú”. Thư hồi âm của anh đáp lại, lời thống thiết làm sao. Đến nay, tròn 50 năm, nội dung toàn lá thư của anh, tôi không nhớ hết, nhưng có một câu tôi chưa hề quên. Đó là... “Mỗi tiếng chú là 1 sợi râu dài lỏm chỏm.” 

Đừng Gọi Anh Bằng Chú! 

Nhiều lần bảo: 
Đừng gọi anh bằng chú! 
Bởi tiếng lời…làm mất ngủ đêm thâu 
Chợt nghe… 
sao cảm giác rầu rầu 
“Mỗi tiếng chú… 
là 1 sợi râu dài lỏm chỏm”* 
Còn gọi chú 
là còn lo âu thấp thỏm 
Giết nhau bằng chừng ấy thú thương đau 
Em biết chăng? 
Tim tức tưởi nghẹn ngào 
Bật tuôn trào dòng máu đỏ 
Em nghe không? 
Từng hơi thở ngắn, nhỏ, đớn đau 
Nhưng em ơi! 
Trong từng giọt máu đào 
Hình bóng ấy… 
Như máu ra vào nuôi thân xác 

Thơ: Kim Phượng 
*Lời của người ấy.

Tuổi mới lớn, lời hồi âm của anh không khỏi làm tôi xúc động, nhưng anh chưa thể là kẻ trôm lẻn được vào tim tôi và tôi không muốn đùa để làm tổn thương anh. 
Nếu lần nào đó trên đường đời tấp nập, có dịp gặp lại, có lẽ anh và tôi chẳng ai nhìn ra ai, nhưng nếu may mắn nhận ra, thì đó cũng là kỷ niệm đẹp của 1 cuộc tình đơn phương, không thành, trong thời chinh chiến. 

Má hơn ai hết, là người hiểu rõ tâm lý các con của mình. Má cho phép tiếp các bạn khác phái tại nhà hơn là rảo rảo bên ngoài, nhưng má tinh tế lắm, đôi câu xã giao thăm hỏi thăm các bạn của con trước khi trả lại khoảng trời tự do cho tôi thoải mái tiếp xúc bạn bè. 
Hoặc là má giải nguy cho con trong mọi tình huống. Vào khoảng thập niên 70, một chuyện khó tin nhưng có thật. Cũng vào 1 ngày đẹp trời, có một bác, tôi chưa hề quen, đến “tìm cô Phượng”. 
Qua khe cửa, người trông lạ hoắc, và dĩ nhiên má thay tôi tiếp bác. Trong lần đầu xa lạ, nhưng bác ngồi lại khoảng nửa giờ, bác cho biết có một thầy giáo trong xóm tôi, khen má hết mực. Và bác tìm đến, xin phép cho con trai của bác được làm quen với “cô Phượng”. Tôi lại thầm nghĩ “Con trai mà cù lần quá trời, để cho ba mở đường làm quen!”. 
Cứ vài hôm, bác ấy lại đến. 
- Má cũng lấy làm lạ khi bác ấy tìm bạn cho con trai, nhưng thôi con ra gặp bác ấy một lần nói cho rõ, kẽo bác cứ nuôi hy vọng. 
Dĩ nhiên, tôi vâng lời, nhưng cố tạo một hình tượng bên ngoài, cho bác rút lui, bằng cách đeo 1 chiếc vòng tay bằng kim loại bản to. Cứ nghĩ rằng bác ấy sẽ “sợ”. Nào ngờ, bác xin phép má cho tôi xem hình con của bác, đồng thời, bác xin tôi một tấm ảnh. 
Trông ảnh mà bắt hình vong, anh chành trông bảnh, mặc lễ phục trắng. Thì ra anh là sĩ quan Hải Quân. Tôi kín đáo liếc má, má nhìn tôi mỉm cười mà chẳng nói chi. 
- Dạ thưa bác, từ trước đến nay, con chưa tặng hình cho ai. 
Bằng giọng nói nhẹ nhàng hơn như thể bác lay động lòng tôi. 
- Vậy cô có thể cho tôi mượn một tấm hình được không? 
- Dạ con cũng chưa cho ai mượn hình bao giờ. 
Nhìn dáng cao cao gầy gầy, bước chân nằng nặng khi bác rời khỏi nhà, tôi cảm thấy tội nghiệp làm sao.
- Má là bác ấy, thấy con đeo cái vòng tay này là má sợ không dám vô rồi, huống hồ chi lại xin hình, cho con bác ấy xem mặt. 
Nhưng có lẽ, lối cư xử nhã nhặn của má, bác vẫn tiếp tục đến nhà tôi với tràn trề hy vọng, dù rằng lần tôi gặp mặt và chào hỏi bác cũng là lần cuối cùng. 
Bởi, con tim có những lý lẽ riêng của nó!
Má là người rất tuyệt vời luôn thông cảm cho con cái từ thuở bé cho đến tuổi mới lớn hoặc đã an bề gia thất. Mười đứa con, mỗi đứa đều có kỷ niệm riêng với má. Bao nhiêu vốn liếng yêu thương, cư xử với đời của má đều trao lại cho chúng tôi. 
Những ngày cuối đời, những đêm nằm chung trên chiếc giường ấm hơi má, những ngày ở lại với má trong bệnh viện, là dịp may nhất trong đời tôi, má con cùng tâm sự, kể lể.

(KimHiệp 3tuổi (sau lưng), KimPhượng 5tuổi, KimHội 1tuổi- Giồng Ké1950)

Tôi hỏi má lúc nhỏ, sao tóc tôi lại cắt ngắn theo kiểu con trai. Má cho biết đó là ý muốn của tôi và má chìu vì tính cương nghị “một là một, hai là hai” của tôi. Má còn cho biết, ngày ấy người dượng thứ bảy, anh rể của ba tôi, góp ý, cho tôi nghỉ học, lo chăm sóc các em và phụ việc nhà, nhưng với má, việc đi học là ưu tiên, con cái muốn học tới đâu, má cho học tới đó, dù rằng má phải tảo tần, vất vả sớm hôm. Tôi không khỏi xúc động, ôm má mà khóc như một đứa trẻ. Giá mà má nghe lời dượng, có lẽ bây giờ tôi không là tôi của hôm nay.

Buổi chiều hôm ấy, 23 tháng 9 năm 2002, của 16 năm trước. Chúng tôi đến thăm má. Tôi cúi người ngang tầm mắt má, qua song chiếc giường bệnh… 
- Má có biết con là ai không? 
- Con Phượng chớ ai! 
Đây là câu nói sau cùng và chỉ trong tích tắc, đôi mi khép lại, má nhẹ nhàng ra đi, vào cõi thiên thu...đến cùng với ba. 
Cám ơn má còn chở đợi cho con được nhìn má và nghe tiếng nói cuối cùng của má. 

Kim Phượng 
Mười sáu năm xa má.

Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2018

Bóng Người Chung Trăng


Mảnh trăng vằng vặc tợ như gương
Soi thấu tình chăng những đoạn trường
Sóng mắt hồ thu chưa ráo lệ
Dòng tơ định mệnh khép yêu đương
Luyến lưu chi thế mà lờ lững
Tơ tưởng xua hoài mãi vấn vương
Thuở ấy xa rồi mùa trăng cũ
Có còn lưu bóng kẻ chung đường

Kim Phượng


Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

Một Câu Chuyện Cảm Động



Để câu chuyện thêm rõ ràng, tưởng cũng cần nói thêm là mấy lúc sau này, trong mục đích cạnh tranh giảm tiền vé tối đa, các hãng hàng không không còn serve thức ăn trên tàu bay cho hành khách economy class (trừ business class hay first class và những chuyến oversea long hours) mà thay vào đó chỉ bán sandwich, snack dưới hình thức BOB (buy on board)những đồ ăn trưa.

Tôi đặt hành lý vào hộc ở trên đầu ngồi rồi ngồi xuống ghế. Đây là chuyến bay dài làm tôi ước gì mình có một quyển sách hay để đọc trên phi trình. Có lẽ tôi cũng cần chợp mắt một chút.
Vừa lúc trước khi máy bay cất cánh, một nhóm 10 người lính trẻ men theo lối đi và ngồi hết vào chỗ trống rải rác còn lại. Chẳng có gì để làm, tôi bắt đầu gợi chuyện người lính ngồi gần nhất.
- Các cậu đi tới đâu vậy?
- Petawawa. Chúng tôi sẽ ở đó hai tuần để thụ huấn một chương trình huấn luyện đặc biệt rồi sau đó sẽ bổ sung tới A Phú Hãn.
Sau khi máy bay cất cánh độ một tiếng thì tiếng loa thông báo là trên máy bay có bán thức ăn nhẹ đựng trong bao giá $5.
Cũng còn lâu lắm chuyến bay mới tới phía Đông nên tôi quyết định mua một bao đồ ăn để vừa ăn vừa giết thì giờ. Khi tôi móc bóp lấy tiền thì chợt nghe một người lính hỏi bạn mình là có muốn mua thức ăn không.
-Không! Có vẻ như mắc quá đó. Bao lunch gì mà tới $5. Thôi tao ráng đợi tới căn cứ hẳn hay.
Và anh lính trẻ gật gù đồng ý với bạn.
Tôi đảo mắt nhìn chung quanh thì thấy mấy người lính khác cũng không có ý định mua gì cả mặc dù lúc đó cũng đã tới giờ ăn trưa rồi. Một ý nghĩ chợt đến trong đầu, tôi gọi người nữ tiếp viên tới đưa cho bà ta $50 và nói:
- Xin bà vui lòng lấy thức ăn cho những người lính này.
Người tiếp viên ngạc nhiên nắm chặt lấy tay tôi, qua đôi mắt long lanh ngấn lệ vì xúc động, bà ngõ lời cám ơn tôi và nghẹn ngào:
- Con trai tôi cũng là một quân nhân đang chiến đấu tại Iraq. Nghĩa cử này của ông như đang dành cho nó vậy. 
Rồi bà xăng xái đi lấy 10 bịch đồ ăn trao cho tất cả các người lính trên tàu. Sau đó bà dừng lại chỗ tôi hỏi:
- Thưa ông dùng gì ạ? Bò, gà rất hảo hạng.
- Xin cho tôi gà.
Tôi trả lời bà ta trong một thoáng ngạc nhiên vì theo tôi biết hạng economy bây giờ chỉ có BOB thôi mà.
Người nữ tiếp viên đi về phía trước của máy bay độ một phút sau đó trở lại với nguyên khay thức ăn nóng hổi dành cho hành khách vé hạng nhất, bà trịnh trọng nói với tôi:
- Đây là tấm lòng tri ân nho nhỏ của những người trên chuyến bay này đối với ông.
Sau khi ăn xong với tâm trạng sảng khoái nhẹ nhàng, tôi bước tới phòng vệ sinh ở phía sau cùng. Trên đường đi, một người đàn ông thình lình đứng lên chận tôi lại nói:
- Tôi rất cảm phục việc ông làm, xin ông cho tôi được chia phần mà vui lòng nhận cho.
Nói xong, ông ta dúi vào tay tôi 25 mỹ kim.
Sau đó không lâu, viên phi công trưởng rời buồng lái vừa đi vừa nhìn số ghế ghi trên hộc hành lý, linh cảm khiến tôi thầm mong ông ta đừng kiếm tôi nhưng … ô kìa! Ông ta dừng lại ngay hàng ghế của tôi rồi cười thật tươi và chìa tay ra nói:
- Tôi muốn được bắt tay ông.
Cực chẳng đã, tôi mở dây an toàn đứng dậy bắt tay viên phi công trưởng.
Với giọng hân hoan, ông ta nói lớn như để mọi người cùng nghe:
- Tôi cũng đã từng là một quân nhân và cũng là phi công chiến đấu. Có một lần có người cũng mua cho tôi thức ăn. Điều đó thực sự thể hiện cả một tấm lòng tốt đẹp mà tôi không bao giờ quên.
Cả một tràng pháo tay tán thưởng vang dội làm tôi đỏ bừng mặt vì mắc cở.
Chỉ với một hành động nhỏ nhặt tầm thường của tôi mà đánh động lương tâm con người đến thế sao?
Vì chuyến bay quá dài nên có một lúc, tôi phải đi bộ về phía trước để dãn gân cốt thì bỗng nhiên có một nam hành khách ngồi trên tôi độ sáu dãy đưa tay ra bắt và để lại trong tay tôi cũng 25 mỹ kim.
Bầu không khí trên chuyến bay thật nhẹ nhàng và chan hòa tình người cho tới khi máy bay hạ cánh. Tôi lấy hành lý và bắt đầu bước ra khi vừa tới cửa máy bay thì một người đàn ông chận tôi lại và nhét nhanh vào túi áo tôi một thứ gì đó xong ông ta vội vả bước đi mà không nói một lời. Lại thêm $25 nữa.
Nếu tính ra, tôi chỉ chi có $50 mà bây giờ thu lại tới $75. Kiếm được $25 dễ dàng đến thế sao! À! Quên! Còn bữa ăn thiệt ngon miệng nữa chứ.
Đúng là khi ta làm phải thì không bao giờ lỗ lã cả.
Tôi vui vẻ bước nhanh vào cửa phi trường thì thấy mấy người lính trẻ kiểm điểm nhân số để chuẩn bị về căn cứ. Tôi tiến tới trao cho họ 75 mỹ kim và nói
- Từ phi trường về tới trại phải khá xa. Mà bây giờ cũng đã tới giờ để dằn bụng một cái sandwich chứ. Trời Phật sẽ ban ơn cho các cậu.
Mười người lính trẻ trong ngày hôm đó chắc đã rời chuyến bay trong tâm trạng yêu thương và kính mến những hành khách đồng hành. Tôi hăng hái bước tới xe với lời thì thầm nguyện cầu cho tất cả sẽ được trở về trong an bình.
Những chàng trai nầy đã hy sinh tất cả cho quê hương mà tôi chỉ biếu họ có một vài phần ăn. Thật là quá ít ỏi nếu không muốn nói là chỉ trong muôn một.
Nghĩ xa hơn nữa, người cựu chiến binh đã từng đánh đổi cả cuộc đời khi viết lên chi phiếu trắng đề tên người nhận là “Hiệp Chủng Quốc” mà số tiền có thể lên đến chính sinh mạng của họ.
Đó là một vinh dự tối cao lẽ ra cả đất nước phải dành cho họ nhưng than ôi! Có nhiều người đã không cần biết tới và bỏ quên họ.

Xin các Đức Hộ Quốc Nhân Vương Bồ Tát và Kim Cang Đại Lực Sĩ Bồ Tát gia trì sức mạnh và lòng can đảm cho bạn chuyển tiếp câu chuyện này tới bạn bè quen biết.
Riêng tôi thì đã làm xong.

Nguyên Trần, Toronto 
Phương Lan Sưu Tầm


Thứ Tư, 19 tháng 9, 2018

Đôi Mắt Ấy


Trong đôi mắt nỗi buồn hoang dại
Thăm thẳm sâu kia giấc mộng huyền
Tuồng thục nữ đông phương yểu điệu
Giọt u tình diễm lệ thêm duyên

Kim Phượng 


Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

Thành Phố Bốn Mùa Trong Ngày


Bài Xướng:

Thành Phố Bốn Mùa Trong Ngày

Đủ bốn mùa trong mỗi một ngày
SAPA - thành phố giữa ngàn mây
Sáng trời mát dịu như xuân đến
Trưa tiết ấm nồng tựa hạ thay
Thu lãng đãng sương : chiều xuống nhẹ
Đông mù mịt giá : tối dâng đầy
Thiên nhiên diễm ảo luôn thay sắc
Có ở nơi đâu giống chốn này ?

Phương Hà
( 28/08/2018 )
***
Các Bài Họa:

Bốn Xứ Trong Ngày


Đủ bốn quốc gia trong mỗi ngày,
Houston thành phố trắng là mây.
Sáng ăn "Tỉm Xấm", ồ ngon thật !
Trưa xực "Bơ-Gơ", cũng đã thay !
Chiều ghé "Su-Si" nguyên cả dĩa,
Tối về "Phở Tái" một tô đầy.
Tàu Tây Nhựt Việt tùy thay đổi,
Chỉ có nơi đây mới thế nầy !

Đỗ Chiêu Đức

***
Chỉ Có Ở Cali


Mới tới Cali học mỗi ngày
Tiếng Anh đọc khó ngỡ mù mây
Taco lạ miệng mau no thật
Mì Ý quen mồm lẹ khoái thay
Steak Tây Âu còn dĩa nữa
Phở gà Nước Việt hết tô đầy
Ăn chơi tứ xứ tùy gia vị
Đất hứa trong mơ cũng thế nầy...

Mai Xuân Thanh
Ngày 28/08/2018
***
Tình Tôi Đủ Vị

Tình tôi đủ vị ở trong ngày
Cảm xúc dâng tràn tựa gió mây
Sáng cốc trà sen thơm ngát thế
Trưa tô cơm cá đậm đà thay
Lâng lâng giấc ngủ :chiều êm ả
Lãng đãng men đời : tối ngất ngây
Xướng họa vần thơ cùng bạn hữu
Cầu mong ước vọng mãi vun đầy

songquang
8/28/2018
***
Tri Ân Nước Úc!

Melbourne ấm lạnh đến trong ngày
Xanh trắng lưng trời pha sắc mây
Sáng nắng vấn vương kìa tuyệt thật
Chiều mưa thơ thẩn đấy xinh thay
Tự do yên ổn dân sung túc
Hạnh phúc ấm êm phước đủ đầy
Cảm tạ lòng nhân luôn rộng mở
Tri ân đất nước Úc Châu này!

Kim Oanh
***
Cali Cuối Hạ


Nắng hạ vừa đi được mấy ngày
CALI đã thấy dệt màu mây.
Tiếng ve êm ả âm còn lắng,
Cành lá xanh rì sắc đã thay.
Bàng bạc vườn khuya trăng chảy khắp,
Hắt hiu lối nhỏ cỏ vương đầy.
Tình quê đất khách bao thu nhỉ?
Chia sẻ cùng ai nỗi nhớ nầy!

Mailoc
( Vãn Hạ 2018 )
***
Phương Hà Khách Lạ
(Nương vận họa)

Sáng trưa chiều tối kể nguyên ngày
Tên đình Sapa luôn có mây
Xuân sáng vừa lên trông đẹp lạ
Hạ trưa dần đến cảm vui thay
Thu chiều bảng lảng sương gieo nhẹ
Đông tối lan man tuyết phủ đầy
Đất nước quê mình ôi quá tuyệt!
Phương Hà khách lạ giữa nơi này?

Thái Huy
***
Chờ Suốt Năm Dài


Buồn sao đến cả suốt đêm ngày
Có phải thu về xám sắc mây
Cánh phượng cuối mùa như rũ rượi
Giọt ngâu tháng bảy não nề thay
Chia ly mới thấm buồn xa cách
Tương ngộ khôn vơi nỗi nhớ đầy
Ô thước nhịp cầu hai kẻ đợi
Nhân gian nhớ mãi cuộc tình này.

Quên Đi
***
Quê Hương Thu Nhỏ Sapa


Sapa khí hậu đổi trong ngày
Trăn trở bốn mùa nấp bóng mây
Thung lũng Mường Hoa chừng hấp dẫn
Mặt hàng Thổ cẩm chuộng ưa thay
Len quanh đồi núi đời quên lãng
Lặng ngắm trăng sao mộng dệt đầy
Du khách hữu tình mong trở lại
Quê hương thu nhỏ chọn nơi này

Kim Phượng
***
Chapa Nỗi Nhớ

(Thủa Tác giả được sinh ra, Sapa gọi Chapa)

Nghe kể Sapa nhớ suốt ngày
Nơi sinh mình đó: khói cùng mây
Bao nhiêu thu trước Vân Kiều nổi
Mấy chục xuân sau Cốc Lếu thay
Lên đỉnh Hoàng Liên hơi núi ủ
Xuống rừng Cát Cát bụi mưa đầy
Giếng Chân Tiên chắc khô buồn tủi
Cánh kép đào hoa nở chốn này ...

Cao Mỵ Nhân
Hawthorne 28 - 8 - 2018
***
Phù Kiều: cầu Mây qua biên giới
Cốc Lếu: trước khi vô Sa Pa
Hoàng Liên Sơn: núi Fangcipan cao nhất Đông Dương 3142 m
Cát Cát : nơi hay mở hội thời Pháp
Giếng Chân Tiên: giếng tự nhiên, mặt giềng có đường kính 1 m
Hoa đào cánh kép chỉ có ở rừng Chapa xưa, bao quanh thành phố và ngay trong thành phố cũng mọc.
Nay biến thành rừng hoa ban mầu trắng.
***
Bốn Tiết Trong Ngày

Miền quê bốn buổi tựu chung ngày
Tản quyện khung trời dợn bóng mây
Sáng rạng vầng hồng tia ấm lại
Trưa điều lửa rực nắng nồng thay
Chiều nghiêng sợi ráng vàng qua vội
Tối hiện chòm sao loáng mọc đầy
Thảm trạng cơ hàn luôn ám ảnh
Buồn thân phận hẻo một nơi này

Mai Thắng

180902
***
Tình Thu Ơi! Chào Mi

Họa 4 vận

Tình Thu ơi! hãy đến nơi đây !
Hạnh phúc trào dâng cứ mỗi ngày
Để thấy cuộc đời thêm thú vị
Và nghe nhịp sống ngút trời mây
Âm thanh nốt nhạc ru hồn mộng
Tiếng hát lời ca réo rắt thay
Rộn rã tim lòng như lắng đọng
Là Thu vừa đến đã tràn đầy

Song MAI Lý Lệ
9/4/2018

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2018

Chúc Mừng Sinh Nhật - Một Ngày Như Thế Đấy


Xướng:


Chúc Mừng Sinh Nhật


Hôm nay sinh nhật của người xưa
Lặng ngắt mà ta cũng chúc bừa
Mượn gió mây trời trôi lẩn thẩn
Đem chùm thu cúc nở lưa thưa
Tin người năm cũ không tăm cá
Hạnh phúc ngày vui nhộn sáng trưa
Một kiếp phù du dù ngắn ngủi
Chút tình tri ngộ chắc không thừa.

Cao Linh Tử
9/9/2018
***
Họa:

Một Ngày Như Thế Đấy

Cũng tháng ngày này của thuở xưa
Tình trong nay đã có đâu bừa
Mượn câu khẳng khái dò la ý
Bóng gió thay lời chắn giậu thưa
Kỷ niệm cho nhau từ độ ấy
Niềm vui còn mãi tận ban trưa
Dẫu mà tăm cá tim tri kỷ
Đồng cảm vô ngôn nói chỉ thừa

Kim Phượng

***
Nhớ Thuở Thanh Bình
(Họa 4 vận)

Cảnh cũ quê nhà những lúc xưa
Bây giờ nhớ lại cũng không thừa
Êm đềm sông nước người sang bến
Rãi rác đồng sâu kẻ cấy bừa
Văng vẳng chuông chùa ngân sáng sớm
Xa vời chim hót vọng ban trưa
Thanh bình một thuở lòng vương vấn
Theo tiếng võng bà kẽo kẹt đưa

songquang
9/18/18

Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2018

Đợi Đêm Về


Thuyền ai lờ lững trên sông vắng
Có đợi đêm về chở kịp trăng
Dõi cánh chim chiều xa khuất bóng
Thầm thì lời nguyện gửi sao băng

Cung thương âm bậc rung giai điệu
Gác mái triều dâng trổi tiếng tiêu
Khoan nhặt lòng đò so nỗi nhớ
Mong chờ trăng gió trở hiu hiu

Tháng ngày lẵng lặng ngày chưa đã
Hình dáng hoài trông chửa xóa nhòa
Người hỡi mau về khua sóng nước
Đợi đêm này chở kịp trăng xa

Kim Phượng


Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

Độc Tiểu Thanh Ký Và Dòng Thơ Nối Tiếp


Từ bài thơ chữ Hán " Độc Tiểu Thanh Ký "của Nguyễn Du, Kim Phượng và Quên Đi đồng cảm cho cảnh ngộ của nàng Tiểu Thanh, đã viết nên những bài thơ tiếp nối từ hai câu của bài thơ trước .

Độc Tiểu Thanh Ký
Nguyễn Du


Dịch nghĩa:

Đọc Truyện Nàng Tiểu Thanh

Vườn hoa bên Tây hồ đã thành bãi hoang rồi,
Chỉ viếng nàng qua một tập sách đọc trước cửa sổ.
Son phấn có thần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết,
Văn chương không có số mệnh mà cũng bị đốt dở.
Những mối hận cổ kim khó mà hỏi trời được.
Ta tự coi như người cùng một hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã.
Không biết hơn ba trăm năm sau,
Thiên hạ ai người khóc Tố Như?

Độc Tiểu Thanh Ký

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Nguyễn Du
***
Cảm Tác:

Vực Sầu


Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Có đến ngàn năm hoài tưởng bóng
Ẩn tình riêng ăm ắp trang thư
Cô miên giấc đêm dài lắm mộng
Xót hồng nhan phận mỏng cây đời
Lá rụng hoa rơi lời bút mực
Vực sầu lãng mạn kết vầng thơ


Kim Phượng
***
Mộng Sầu

Lá rụng hoa rơi lời bút mực
Vực sầu lãng mạn kết vầng thơ
Giận đời giận cả đêm đông chiếc
Thương bóng thương hình giấc ngủ mơ
Ai biết nỗi lòng đơn phương nhỉ
Tri âm tri kỷ vẫn mong chờ
Thôi đành nén chặt vào tâm khảm
Một giấc cô miên mộng lững lờ


Quên Đi
***
Vạn Sầu


Thôi đành nén chặt vào tâm khảm
Một giấc cô miên mộng lững lờ
Hồng nhan tri kỷ mơ đối mặt
Trời đày chi vẫn bặt tăm hơi
Nơi xa ai biết ai còn nhớ
Xuân chửa tàn đành lỡ chữ duyên
Phiến diện Tây Hồ ôi nghiệt ngã
Tiểu Thanh phận bạc khóc đời hoa


Kim Phượng
***
Vấn Sầu


Phiến diện Tây Hồ ôi nghiệt ngã
Tiểu Thanh phận bạc khóc đời hoa
Chỉ thư bút tích còn ghi dấu
Son sắc cho dù sóng gió qua
Chữ nghĩa lòng đây còn tạc dạ
Chữ tình năm tháng chẳng phôi pha
Bất tri nhất nhị dư niên hậu
Chẳng biết ai người nhớ chốn xa


Quên Đi


Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

Thông Cảm" Cali Nhớ Saigon"


Saigon mưa thấm mộng mơ
Cali hiu quạnh, bơ vơ phượng buồn
Hạ vàng, sao tím hoàng hôn
Mai sau trở lại hoa còn tím thơ...

Cao Mỵ Nhân
11 - 9 - 2018
Thân mến tặng bạn thơ Kim Phượng


 

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2018

Tiếng Lòng Cuối Đông - Tâm Sự Đầu Thu


Chiều đông đem tới mối u sầu
Mưa kín trời chìm khoảnh khắc sâu
Đôi mắt ướt trào tuôn máu lệ
Mịt mù nhạn khuất biết tìm đâu

Niềm đau lịm chết giữ cô phòng
Nỗi nhớ dâng đầy phút cuối đông
Lặng ngắt tiếng tơ đàn lỡ dở
Mà sao dậy sóng ở trong lòng


Kim Phượng
Ngày cuối Đông Úc Châu 31.8.18
***
Cảm Tác:

Tứ tuyệt tái tê...
Hay ghê!
Xuân sẽ về...

dovaden2010

***
Tâm Sự Đầu Thu


Chiều tím đầu Thu đượm nét sầu
Mây trời bãng lãng cứ chìm sâu
Ngắm nhìn cám cảnh rơi dòng lệ
Tri kỷ giờ đây đang ở đâu???

Ngổn ngang nổi nhớ vết thương lòng
Ngày trước yêu người lúc cuối đông
Tình cuối khi đời đang....bỏ dở
Vương mang sầu nặng chốn thư phòng

songquang
9/10/18
***
Đông Sầu

Uẩn uẩn đầu đông… nhạt sắc trời…
Mưa phùn khẽ khẽ... bụi buồn lơi…
Nương nương cánh gió mơ về cõi…
Tựa tựa làn mây ước vọng đời…
Có phải vì thương? Sương đọng đọng…
Hay là bởi tiếc? Lá rơi rơi…
Trầm mê ngất ngất lòng tan vỡ
Đẫm đẫm cung sầu cứ mãi khơi!

dovaden2010
***
Bài Họa:

Sầu Đông

Mênh mông trắng xoá, mắt vương sầu
Lủi thủi đường dài ngút ngút sâu.
Băng giá trên cành muôn giọt lệ,
Tư bề quạnh quẽ bóng người đâu?

Trở về sợ hãi cảnh đơn phòng,
Gió hú rợn người thắm thía đông.
Thổn thức bên đèn chăn gối lạnh
Tìm đâu hơi ấm sưởi đàn lòng!!

Mailoc
9-11-18
***
Đông Giá Thảm Sầu

Tỉnh giấc chiều nay vương vấn sầu
Hôm nào mưa gió khắc ghi sâu
Châu rơi đẫm ướt khăn quàng thấm
Người lạc mô rồi ai biết đâu

Nỗi nhớ thủy chung, gối chiếc phòng
Niềm thương lưu luyến, gió đơn đông
Sắt cầm dạo khúc tình dang dở
Tâm sự trầm tư sóng dậy lòng

Mai Xuân Thanh
Ngày 11/09/201

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2018

Gút Chữ


Chữ tôi từng sợi rối bung bung
Từ ngôn vô nghĩa rớt chập chùng
Tôi quét gom vào một trang sách
Chờ gió bâng quơ bay mịt mùng

Sợi ngôn từ này gút như vần
Đầu dây kia đã tháo hoang mang
Năm trơ những sợi đời vụn nát
Như vận tháng năm rụng bẽ bàng

Đừng bảo chữ tôi xếp thành thơ
Chỉ là những gút rối hững hờ
Ngón tay mãi tháo càng thêm rối
Như chuyện cuộc đời giữa cuộc mơ

Hôm nay tôi vét những sợi này
Gom thành một khúm giữa ngón tay
Nhìn đi, nhìn lại ngàn thắt nút
Chưa hiễu . Định từ! Hơi thở bay

Hoài Tử

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2018

Trông - Mong


Bài Xướng:

Trông

Xuân đi Hạ tiếp vẫn xa nhà
Thu đến phai mờ cả sắc hoa
Gió thoảng đìu hiu chờ nắng sớm
Lá rơi não nuột tiễn chiều tà
Niềm thương cũ giấc mơ còn dệt
Nỗi nhớ xưa dòng lệ mãi sa
Khắc khoải bao mùa trông chốn ấy
U hoài ai thấu hiểu cùng ta?

Dovaden2010
31/8/2018
***
Bài Họa: 

Mong


Quê cũ vời trông chạnh nhớ nhà
Phượng hồng trước ngõ hẳn đơm hoa
Còn ai bối rối trong chiều nhạt
Cho kẻ tương tư dưới nắng tà
Áo não sầu theo cơn gió thoảng
Lất lây buồn dõi hạt mưa sa
Tâm tư khép kín chưa lần tỏ
Mong đợi một người hiểu thấu ta

Kim Phượng


Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2018

Đương Độ



Bài Xướng:

Đương Độ

Dáng mỏng thanh thanh khoác lụa đào
Thẹn thùng ánh mắt cảnh xôn xao
Tròn trăng đương độ thời hoa mộng
Biền biệt đành sao chẳng tiếng chào

Kim Phượng
***
Đương Độ


Cánh hồng mỏng mảnh đượm hoa đào
Cơn gió nhẹ lay đẹp xuyến xao
Đang độ vào Xuân bao dệt mộng
Bướm ong ve vãn ngỏ lời chào

songquang


Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2018

Đừng Xa Em Đêm Nay


Đừng xa em đêm nay khi bóng trăng qua hàng cây *
Đừng xa em đêm nay đêm rất dài… 
Vòng tay em cô đơn đêm khuya vắng nghe buồn hơn 
Con tim em khát khao yêu thương 

Giọng ca trầm buồn như van nài, cùng đôi mắt long lanh đẫm lệ của người ca sĩ trên đài truyền hình, đưa Thảo trở về một thời...đã qua, đưa vào cõi mộng huyền ảo, xa xăm và cứ thế tâm hồn nàng như chìm, như đắm, quên đi phút giây hiện tại. 

Đã bao năm rồi, những mùa trăng cũ, cũng vằng vặc như đêm nay, là là lướt qua hàng cây. Mới hôm nào, đôi tình nhân tay trong tay. Dưới ánh trăng đầy, Thảo tựa đầu lên vai Đạm. Tình yêu tha thiết, nồng nàn quá, tưởng chừng không bao giờ ly biệt. 
Đêm nay, cũng con trăng đầy, Thảo đang mơ màng nhớ về, ngày tình cờ hai đứa quen nhau, trong chuyến du khảo đảo Phú Quốc. Chiếc Dương Vận Hạm HQ 500, đưa các sinh viên phân khoa Khoa học của trường Đại Học, đến nơi muốn đến. Tàu vừa to, đầm sóng, như ngồi trên đất liền, không sợ say sóng. 
Thế mà Thảo vẫn say! Đang chập choạng sắp ngả, đúng lúc ấy đôi tay đưa đỡ lấy nàng. Nhìn khuôn mặt xanh xao, tái nhợt của Thảo, người thanh niên xa lạ cất tiếng. 
- Trông cô xanh xao quá, tôi đưa cô vào phòng cấp cứu nhé. 
Không chờ đợi phản ứng của Thảo, chàng dìu nàng đi. Thảo nhủn người, nằm rũ lên cánh tay chàng và nàng không còn biết gì nữa. Đôi chân Thảo được dìu theo sức kéo của chàng và như định mệnh đã an bài, hai người quen từ đấy.

Hãy ôm em trong tay cho em biết anh cần em *
Và hãy nói anh vẫn yêu em. 

Chàng đưa tay ghì nàng gần hơn, cả hai nép sát vào nhau và chàng hôn nhẹ lên mái tóc thề lơ lững bờ vai. Hương tóc ngất ngây, chàng chợt rùng mình, nhắm nghiền đôi mắt, giấu tiếng thở dài. 
- Em nhớ chuyến đi Phú Quốc không? 
- Anh nhạo em hoài, làm sao em quên cho được, nếu quên thì bây giờ đâu là em của người ta. 
- Em của người ta, người ta nào? Chàng gặn hỏi. 

Đạm học hơn Thảo ba lớp, tính chàng trầm buồn, đăm chiêu, nên Thảo thường hay vờ trêu chọc, hầu tìm ở chàng sự hạch hỏi, ghen tương, dù bóng gió như tính tình của các bạn nam sinh viên khác. Nhưng lần nào cũng vậy, càng trêu Đạm thì nét buồn phảng phất càng rõ nét hơn trên khuôn mặt chàng. 
- Anh có dự định gì cho tương lai không? 
- Tương lai của anh à? Hình như đã sẵn rồi, cần gì mà dự định hở em. 
Tương lai “hình như đã sẵn”, lời nói đầy ẩn tình từ chàng, có chút gì cay đắng. Thảo luôn băn khoăn theo nét buồn trăn trở của Đạm. 
- Cuối năm nay anh ra trường, em còn ở lại một mình, sao em sợ quá và buồn nữa. 
Chàng ghì nàng sát hơn... 
- Em phải can đảm lên, ngay cả những lúc không có anh. 
- Nhưng em cần anh. 
Chàng thình lình nương nhẹ Thảo đứng lên. Thêm một lần nữa, Thảo lo sợ, một điều gì đó khiến nàng không muốn chàng ra trường sớm. 
- Mình đi xem phim đi em…phim Love Story đã chiếu mấy hôm nay rồi, mà rạp hát lúc nào cũng đầy ấp, đông nghẹt người, không một chỗ chen chân. 
- Anh có đi xem với ai chưa mà biết rạp không có chỗ chen chân? Thảo lại trêu. 
- Đi với em bao giờ anh cũng thích thú hơn. 
- Nhưng phim đó buồn quá anh, đoạn kết không như lòng người mà thuận ý trời vậy. 
- Anh muốn đưa em đi xem, đoạn cuối có cảnh chia ly, dù buồn, nhưng đó mới là mầm sống của tình yêu. Một tình yêu trọn vẹn cho đến cuối đời của chàng và nàng. 
Càng quen với Đạm, Thảo càng cảm nhận tình yêu thật nồng nàn của Đạm. Lúc nào chàng cũng chìu chuộng, nhất là tôn trọng nàng hết mực, không tham lam như những gã si tình khác. 
Người đi xem khá đông... 
- Còn 10 phút nữa mới hết xuất đầu, mình đi uống ly chanh đường đi em. 
- Sắp đến giờ, mình đứng đợi được mà anh. Còn là sinh viên mà bảnh quá, anh xài tiền không tiếc à? 
- Không tiếc, anh muốn uống ly chanh đường để môi em ngọt… 
Thảo lườm chàng. Chàng bao giờ cũng dùng câu hát ấy để chứng minh tình yêu và Thảo luôn là người thua cuộc. 
Nhiều lần như thế, linh tính của Thảo, linh tính của người nữ. Hình như...hình như Đạm lo sợ sự xuất hiện trước đám đông khi có nàng bên cạnh.. 
Những khi nhìn nét suy tư trên khuôn mặt Thảo. Đạm thường hay bóp nhẹ tay nàng, như trấn an. 
- Suy nghĩ mông lung gì thế? 
Và chàng tươi cười, huyên thuyên nói khi lách mình vào bên trong rạp hát và ngồi đúng chỗ, theo sự hướng dẫn của người soát vé. 
Chàng ngồi đó, cũng cử chỉ quen thuộc, chàng kéo nàng, nép sát vào và hôn nhẹ lên mái tóc. 
- Khi ra trường, những ngày không có có anh, em sẽ làm gì? 
- Còn đến năm tới mà anh. 
- Anh hỏi “để dành” vậy mà. Không có anh ai sẽ đưa em đi trong chiều lộng gió...giọng chàng hư hử. Thảo linh cảm, sự linh cảm nhạy bén, ở phần đông phụ nữ. 
- Khi nào trời lộng gió, em sẽ ở nhà chờ anh đến đưa em đi. Anh không đưa em đi cũng được, nhưng cấm đưa cô nào đi à nghe. 
Chàng bỗng nhíu mày, thinh lặng. Trong vòng tay lơi của chàng, Thảo nghe chừng xa lắm. 
Rời rạp hát, Thảo và Đạm tay trong tay… 
- Em nghĩ gì về phim này? 
- Em hả? Em chỉ muốn những kẻ chung tình sống mãi. 
- Còn em muốn anh thế nào? 
Anh tự khắc biết, sao hỏi em. 
Từ câu trả lời đó, đoạn đường về nhà nàng như dài thêm, khi cả hai đều im lặng. 
- Sao anh buồn quá vậy anh? 
Nàng giật nhẹ tay chàng vì câu hỏi được lặp lại lần thứ hai. 
- Em hỏi gì? 
Thảo dỗi hờn im lặng. 

Từ lớp học Sinh ngữ bước ra, xe Thảo theo dòng người đông đúc vào đêm. Thảo không thể lầm lẫn được bóng dáng quen thuộc của chàng, người mình yêu. Chàng đang đèo một người con gái khác. Cử chỉ âu yếm, tình tứ, vòng tay người con gái siết chặt lấy chàng. Đêm trở mình, Thảo không sao chợp mắt. 
Và sau nhiều lần âm thầm tìm hiểu, Thảo biết ra, vợ chàng là một người câm. 

Đời em vắng lạnh và anh đã đến như ngọn nến trong bóng đêm *
Nến trong bóng đêm soi vào tim em 
Những xao xuyến đã ngủ quên 

Kim Phượng 
* Lời nhạc phẩm Đừng Xa Em Đêm Nay của Nhạc sĩ Đức Huy


Thứ Năm, 6 tháng 9, 2018

Đêm Tiền Đồn

Cao nguyên đất đỏ mù sương
Anh trai xứ lạ vấn vương làm gì
Bụi đường lấm gót chân đi
Đêm Tiền Đồn vắng mơ chi mộng ngoài

Kim Phượng

(Cảm tác Đêm Tiền Đồn của Nhạc Sĩ Lam Phương)



Sáng Tác: Lam Phượng
Ca Sĩ: Duy Quang
Thực Hiện: Trần Đức Thịnh B1507314


Thứ Tư, 5 tháng 9, 2018

Vòm Trời Kỷ Niệm - Chút Kỷ Nhiệm Xưa - Lạnh


Vòm Trời Kỷ Niệm

Ôm bờ vai tóc mây huyền óng ả
Tiếng cười vui rộn cả góc sân trường
Nàng vô tư chân nhẹ thoát hài xinh
Dưới tàng phượng cùng bầy ve ra rả

Vạt nắng chiều mơn man từng kẽ lá
Rơi điểm đầy trên tà vạt trắng tinh
Rạng rỡ soi môi sắc phượng hữu tình
Trong thoáng chốc vấn vương hình bóng ấy

Giờ thấy nhau mai sân trường trống vắng
Có còn ai cho len lén trộm nhìn
Nghe buốt tim hằn dấu gót hài in
Giấc mộng đầu yêu thương đành để lại

Kim Phượng
***
Cảm Tác:


Chút Kỷ Niệm Xưa


Nhớ xưa, tóc em dài buông lơi óng ả
Xỏa bờ vai nhẹ thả hớp hồn anh
Chiều nắng nghiêng em đứng nép bên mành
Nên thầm ước,nhưng nào đâu dám nói

Tình vừa chớm thì thầm lên tiếng gọi
Mộng ban đầu đâu gian dối em ơi!
Sao nở quay lưng để mộng xa rời
Đời đưa đẩy hai phương trời cách biệt

Nay cách trở em thấy lòng nuối tiếc?
Anh thì luôn da diết kỷ niêm xưa
Buốt con tim nghe thương nhớ sao vừa
Tan giấc mộng buổi đầu đời yêu ấy!

Song Quang
***
Lạnh


Mưa phùn
Nhẹ nhẹ bay bay...
Vương vương mái tóc
Lay lay ước thề...
Quạnh hiu
Theo gió ùa về
Lùa qua rách nát
Bốn bề cô liêu!
Ta
Bên góc nhớ
Xiêu xiêu...
Người
Trong trống vắng
Bao nhiêu cho vừa?
Nghẹn ngào...
Bởi cũng bằng thừa!
Ngổn ngang kỷ niệm
Rơi bừa thềm hoang.
Hoa
Một cánh chợt bay ngang...

dovaden2010


Thứ Ba, 4 tháng 9, 2018

Thứ Hai, 3 tháng 9, 2018

Câu Ngâm Của Người Con Đi Xa



Xướng:

Câu Ngâm Của Người Con Đi Xa


Nâng niu sợi chỉ trong tay
Mẹ khâu tấm áo ơn dày xiết bao
Đường kim mũi chỉ khít khao
Ngày về e muộn ý trao giữ bền
Lòng con tấc cỏ nào quên
Xứng sao công khó đáp đền ba xuân

Kim Phượng 
Thơ Dịch Du Tử Ngâm Của Mạnh Giao
***
Họa: 

Công Ơn Cha Mẹ


Suốt đời Người chẳng rảnh tay
Dầm sương giãi nắng dạn dày dường bao
Nuôi con lớn khỏe khác khao…
Mong con thành đạt tình trao vững bền
Công Cha nghĩa Mẹ nào quên!
Chúng con khẩn nguyện đáp đền muôn xuân…

Đức Hạnh 
26 08 2018

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2018

Mùa Xuân Bên Hiên Nhà Nàng

Từng cánh mỏng nhẹ lay trong gió 
Chuyện chúng mình kể nhỏ nhau nghe
Môi mỉm cười tròn xoe mắt biếc 
Lời thề yêu tha thiết ngượng ngùng






Thơ Và Ảnh Kim Phượng
Mùa Xuân Melbourne 9/2018