Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Cây Thanh Long

Chị Kim Phượng thân mến,

Khá lâu rồi không có dịp liên lạc với chị, hôm nay còn hơn một tuần đến Tết Việt Nam, nên dù lười biếng đến đâu cũng ráng làm siêng gởi đôi lời thăm hỏi và chúc chị cùng gia đình có được một cái Tết Việt Nam như ý.

Nhân đây khoe với chị và bạn hữu trang mạng Kim Phượng, về cây Thanh Long nhà tôi, đang được mùa. Nhớ trước đây, tôi có múa rìu đôi dòng về kinh nghiệm trồng Thanh Long và cũng có thưa rằng, tôi trồng Thanh Long chẳng bài bản gì, chỉ có chút kinh nghiệm con nhà vườn mà thôi.
Tuy vậy, năm nay Tổ ngó xuống nên Thanh Long nhà có kết quả rất khả quan. Sau vườn nhà tôi có hai trụ Thanh Long 4 tuổi, năm nay ra bông đếm mệt nghỉ (khoảng 150 bông). Ba trụ Thanh Long, 3 năm tuổi, mỗi trụ trên dưới 20 bông. Có 9 trụ được một tuổi rưởi năm, trong số này có hai trụ đã ra bông, đây là một thành tích vượt bậc, bởi vì theo thông thường tại Victoria (Melbourne Úc Châu). Thanh Long phải ít nhất trồng 3 năm mới cho trái, do ảnh hưởng mùa Đông làm chậm phát triển. Sau khi tìm hiểu lý do có thể do tôi tăng cường phân: PowerFeed với liều lượng mạnh hơn. Cách tôi làm như thế này, xin chia sẻ cùng anh chị và các bạn để rút kinh nghiệm: Trước hết tôi tưới nước gốc Thanh Long cho ướt, kế tiếp pha PowerFeed gấp đôi liều hướng dẫn trong bình, sau khi tưới phân vào gốc Thanh Long tôi lại xịt nước một lần nữa cho phân thấm nhanh xuống rể. Mỗi tuần tưới một lần đến sau tuần thứ tư, tôi đã thấy mầm bông nhú ra. Từ lúc Thanh Long ra hoa cho đến nay hơn một tháng, sáng nào cũng ra vườn ngắm và đếm nụ bông, lòng thật vui nhất là thấy công trình của mình có kết quả.

Hy vọng chị Phượng và các bạn hữu thích trồng Thanh Long cũng có niềm vui và trải nghiệm như tôi. Trước thềm năm Bính Thân 2016 thân mến chúc trang mạng Kim Phượng cùng bạn hữu được dồi dào sức khoẻ, đạt thắng lợi trên mọi phương diện và Tình Thân luôn thắt chặt thâm tình.
Xin gởi một số hình ảnh Thanh Long vườn nhà để quý anh chị rút kinh nghiệm.

Thân mến
Phong Điền
29/01/2016

Và đây là loại phân được tưới thêm

Có 9 trụ TL trồng được 1 năm rưởi, 2 trụ đã cho bông
Một trong 3 trụ Thanh Long trồng được 3 năm

Hai trụ Thanh Long đã trồng 4 năm

*Từ lúc Thanh Long đã trổ bông như hình trên, đến lúc Thanh Long có trái chín, còn khoảng 49 ngày.

Phong Điền

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Scorpions -- Still Loving You

Love, only love
Can bring back your love someday
I will be there, I will be there


Tình Xuân - Xuân Ca


Bài Xướng:

Tình Xuân

Thầm thì tiếng lá xôn xao
Gió đông chưa đến biết sao bây giờ
Hoa đà đến tuổi mộng mơ
Nôn nao lắm kẻ đang chờ dáng xuân
Nắng vàng trở giấc bâng khuâng
Bên song thiếu nữ bao lần thở than
Nhưng rồi gió bấc cũng tàn
Dập dìu đàn én vừa mang xuân về
Bướm ong mừng rỡ say mê
Rộng dang cánh lượn cận kề bên hoa
Lá cành hớn hở reo ca
Tân phòng ngây ngất đậm đà hương yêu

Quên Đi
***
Bài Họa:

Xuân Ca

Một thời vạt nắng lao xao
Ngút ngàn kỷ niệm tiếc sao bấy giờ
Bao niềm ủ ấp ước mơ
Ai người thấu nỗi đợi chờ gió xuân
Thời gian luống những bâng khuâng
Xót xa nước mắt chưa lần oán than
Nụ hồng hương sắc phai tàn
Đơn côi bóng chiếc mang mang mộng về
Tìm đâu một thuở đê mê
Còn đâu vai tựa má kề bên hoa
Nghẹn ngào vay khúc xuân ca
Thân quen quá khứ ngỡ đà chớm yêu
Kim Phượng

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

Mưa Đêm - Mãi Dài Thêm…



Bài Xướng:

 Mưa Đêm

Còn mãi mưa hoài ru giấc êm
Ngỡ như ai đó gọi bên thềm
Mờ mờ giăng kín màng mưa bụi
Người hỡi có về tròn mộng thêm.

Lắng tiếng mưa đêm rợn nhớ người
Lệ thầm rơi xé nát tim côi
Cõi xa một mảnh đời u uất
Mòn mỏi chờ nhau tận cuối đời.

Khóc…

Kim Phượng
( Thứ Tư 27/01/2016 )
***
Bài Họa: 

Mãi Dài Thêm…
(từ Mưa Đêm của Kim Phượng)

U hoài trằn trọc dưới chăn êm
Trăng muộn tàn canh rớt cạnh thềm
Hư ảo sương mờ như rắc bụi
Em ơi thương nhớ… mãi dài thêm.

Mưa nhẹ theo sương nhớ một người
Lâu rồi tím lạnh mảnh hồn côi
Em đi chôn chặt tình phiêu lãng
Đành vậy! chia tay suốt cuộc đời.

Buồn ...

Dương hồng Thủy
(Thứ năm 28/01/2016)

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

Cách Cắt Bánh Tét, Bánh Chưng Không Bị Bể( vì bị dính vào dao)

Quý bạn đã thử cắt bánh bằng dao bọc "clear plastic wrap" chưa?
Làm thử mới thấy tiện lợi ngon lành, bánh không vỡ rất sắc cạnh.


Chỉ cần lột miếng "plastic" đó ra và bao vào dao.




Bóc lá bánh xong, cắt ngon lành, không hề bị bể, không rách miếng plastic.



Ngay cả cắt bánh nhân thịt cũng cắt ngon lành.



Bóc miếng plastic ra, con dao sạch trơn, miếng plastic cũng không bị rách tí nào.
Dùng cách này bạn phải bóc lá ra. Cách này bánh rất sắc cạnh.
 Sưu Tầm



Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Tiếng Chân Dĩ Vãng



Tôi nghe tiếng chân mình trong đêm vắng
Đêm muộn màng giữa lòng phố Vĩnh Long
Khói thuốc ươm lên mắt chiếc bóng hồng
Trăng thắp đuốc đưa tôi từng bước nhỏ

Cửa nhà em, muốn xin đêm ngủ trọ
Túi giang hồ tôi muốn nhốt hương trong
Mai ra đi tôi vác một cõi lòng
Ngôi phố nhỏ nhốt hồn tôi rớt lại

Chấm sao đêm điểm lên đời khắc khoải
Hay mắt em chiều độ chiếu qua tôi
Dõi theo tôi trong bóng tối cuộc đời
Những đêm muộn chuyện trò cũng tiếng gót

Đêm Vĩnh long không thấy đời phía trước
Nghe bóng mình thò thập ở bên sau
Ngọn đèn đường cúi gục một nỗi đau
Cơn gió nhẹ lật bay hồn lữ thứ

Đêm đất Mỹ tiếng chân từ quá khứ
Phố ngập đèn sao vẫn thấy sao đêm
Trên lưng tôi ánh mắt vẫn đến tìm
Đầy quán trọ mà không buồn gõ cửa

Vẫn tiếng chân trên cuộc đời thất hứa
Tôi xa người hay người đã xa tôi
Chuyện tôi, em một thoáng, chỉ thế thôi
Không hành trang cũng vai quằn nỗi nhớ

Hoài Tử

Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Nguyên Tắc Hoạ Thơ



I - Hoạ Thơ Đường Luật

Hoạ thơ là một thú vui của các Thi Nhân thuở trước. Tuy ngày xưa cũng có nhiều thể thơ, nhưng các Thi Nhân chỉ chọn Thơ Đường Luật để Xướng Hoạ (trong xướng họa còn có nghĩa đối đáp).
Tại Sao? Các vị ấy cho rằng làm một bài Thơ Đường Luật theo đúng Niêm, Luật đã khó, khi hoạ, lại càng khó hơn, do phải thêm các qui đinh. Có như thế mới chứng tỏ Thi Tài của các Vị. Chính vì muốn tạo cái khó, nên Các Cụ ngày xưa đã đề ra qui luật Hoạ Thơ rất chặt chẽ.

Hoạ Thơ bao gồm Hoạ Phóng Vận và Hoạ Hạn Vận :

A -Hoạ Phóng Vận

Hoạ Phóng Vận là dựa vào một bài thơ có sẳn được gọi là Bài Thơ Xướng. Sau đây những qui tắc Hoạ Phóng Vận

1 - Hoạ thể Thơ:
Bài Xướng thuộc thể thơ gì, bài hoạ phải theo thể thơ đó. Nếu bài Xướng là Đường Luật Thất Ngôn Tứ Tuyệt thì bài Hoạ cũng Đường Luật Thất Ngôn Tứ Tuyệt. Bài Xướng là Đường Luật Ngũ Ngôn Bát Cú thì Bài Hoạ phải theo thể thơ Đường Luật Ngũ Ngôn Bát Cú...

2 - Họa vần:
Trong bài Thơ Xướng, Những chữ gieo Vần là Chữ gì, thì bài hoạ phải giữ nguyên các chữ đó. Không được sử dụng chữ khác.

3 - Hoạ Ý:
Bài xướng nói về ý gì thì bài họa cũng phải nêu lên ý đó hay có thể nói rộng nghĩa ra.

4 - Hoạ Luật:

Bài xướng gieo luật gì thì bài họa phải đối lại luật đó. Thí dụ bài xướng luật trắc thì bài họa phải luật bằng và ngược lại. 
Tuy nhiên, nếu có nhiều người cùng hoạ một bài thơ, chỉ cần bài của người đầu tiên phải hoạ đúng luật Bằng Trắc, còn các bài sau không cần phải theo luật 

5 - Không được sử dụng lại chữ đứng trước chữ gieo vần của bài xướng

Một điều thật quan trọng trong Qui tắc hoạ thơ, không được dùng lại chữ thứ 6( thơ Thất Ngôn hay chữ thứ 4 Thơ Ngũ Ngôn) trong các câu có gieo vần của bài xướng. Tức là không được dùng lại từ đứng trước các chữ gieo vần của bài xướng. Thí dụ như bài thơ bên dưới, các chữ : chữ, Giang, mây, má....không được dùng lại mà phải thay bằng các chữ khác: câu, cõi, sắc, màu.... Càng tránh dùng trùng từ trong toàn bài của bài xướng càng tốt, ngoại trừ những Chữ đặc biệt không thể tránh được.

Tóm lại một bài họa chuẩn phải hội đủ 5 điều kiện trên.

Có 4 cách thức họa Phóng Vận một bài thơ Đường luật là: Họa Nguyên Vận, Họa Đảo Vận, Hoạ Hoán Vận và Hoạ Tá Vận.

a - Hoạ Nguyên Vận: là họa đúng các vần của bài xướng đã gieo theo đúng thứ tự từ trên xuống dưới của bài xướng. 

Sau đây là thí dụ về xướng họa điển hình rất chuẩn mực, thường dùng làm mẫu để hướng dẫn hoạ thơ Đường Luật.

                                  Tôn Phu Nhân Qui Thục
(Xướng của Tôn Thọ Tường)                        (Hoạ của Phan Văn Trị)

Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng    Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng
Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông     Mặt ngả trời chiều biệt cõi Đông
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc           Ngút tỏa trời Ngô ùn sắc trắng 
Về Hán trau tria mảnh hồng         Duyên về đất Thục đượm màu hồng
Son phấn thà cam dày gió bụi            Hai vaitóc bền trời đất 
Đá vàng chi để thẹn non sông            Một gánh cương thường nặng núi sông
Ai về nhắn với Châu Công Cẩn         Anh hỡi Tôn Quyền anh biết
Thà mất lòng anh được bụng chồng  Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng

(Những chữ màu xanh và màu cam bắt buộc phài trái Bằng Trắc với nhau)

Chúng ta thấy bài Xướng theo Luật Trắc (Chữ Ngựa), bài hoạ theo Luật Bằng ( chữTrâm)

b- Hoạ Đảo Vận: họa ngược thứ tự của các vần từ dưới lên trên, thay vì họa nguyên vận là họa từ trên xuống còn họa đảo vận là họa từ dưới lên. Như thí dụ bên dưới: 

Xuân mới 
với Nhà Thơ Thiềng Đức

“Kính chúc thi huynh vạn sự lành”
Đọc vần thơ cũ rộn thâm tình
Vĩnh Long đất tổ thương đời khó
Thiềng Đức cầu đinh nhớ tuổi xanh
Khuyến học mở đường nuôi dưỡng chí
Gia đình chăm bón tạo nên danh
Nhớ Văn Xương Các nhiều bầu bạn
Quý Tỵ hữu duyên hẹn mộng thành…
                                       Thiềng Đức 

Tình Quê (Họa Đảo Vận)

Cù lao yêu dấu vốn An Thành
Nhưng đến giờ đây đã đổi danh
Lạ lẫm "An Bình" chừng mới mẻ
Thân quen "Tiên Giáng"(*) thuở xuân xanh
Long Hồ dinh cũ bao trìu mến
Tỉnh Vĩnh Long nay nặng nghĩa tình
Mới cũ thay tên nào khác lạ
Quê hương sông Cửu mãi an lành
                                       Quên Đi

Chúng ta thấy các Vần bài Xướng từ trên xuống dưới: Lành, tình, xanh, danh,thành. Bên bài Hoạ đảo vận sẽ đi ngược từ dưới lên trên. 

c - Hoạ Hoán Vận: Trong cách hoạ Này, người hoạ thơ được quyền thay đổi vị trí các vần gieo tuỳ theo ý thích của mình, không cần thiết phải theo thứ tự gieo vần của bài xướng.

d - Hoạ Tá Vận: Tá vận có nghĩa mượn vần. Trong cách hoạ này, người hoạ chỉ mượn 5 vần của bài xướng để làm một bài thơ khác mà ý tưởng hoàn toàn khác hay không liên quan gì với bài xướng.

Tuy nhiên, nếu Hoạ Thơ theo Các Cụ thì quá gắt gao, nên ngày nay đã có thêm một số ý kiến về Qui tắc hoạ thơ như họa mượn Vần là bài họa chỉ mượn các chữ gieo vần của bài xướng để làm một bài khác không nhất thiết phải liên quan đến Ý hay luật Bằng Trắc của bài xướng . Cách họa này ngày nay được khá nhiều người làm vì rất dễ.. và cũng chính vì thế mà mất đi cái Chất và Hồn của một bài Thơ Hoạ theo Đường Luật, khiến bài hoạ mất giá trị.

B - Hoạ Hạn Vận:

Khác với Hoạ Phóng Vận, Hoạ Hạn Vận không có bài thơ xướng , chì có Đề mà thôi. Trong Đề có các qui định bắt buộc người hoạ thơ phải tuân theo.
Thí Dụ:
Cuộc thi thơ do học giả Phan Kế Bính tổ chức như sau: 

a. Ðầu đề (nội dung) là: 
Trống treo ai dám đánh thùng 
Bậu không ai dám dở mùng chun vô 

b. Năm vần hạn định theo thứ tự là: xô - cô - vô - ô - rô. 

Bài thơ sát với đầu đề (a), hạ đúng 5 vần hạn định (b). 
Một điều thật thú vị khi người giành được giải nhất lại là một Nhà Sư .

Bài Hoạ như sau: 

Nào phải là ai dám giục xô 
Thuận tình trước hết tự nơi cô 
Có cho mới dám trao dùi đánh 
Không hẹn nào ai đẩy cửa vô 
Mảng sướng kể gì thân lễ nghĩa 
Ham vui quên hết chuyện dâm ô 
Thói hư thuần thước xưa còn lạc 
Đừng học làm chi gióng nhảy rô 

                         *
                        * * 
Xuân Tình

Trống tự cõi lòng giục giã
Đêm trường canh vắng một mình
Sóng tình vẩy gọi nên tìm đến
Dùi trống trao mời mới dám
Thần Nữ thước tha khoe dáng ngọc
Ngưu Lang hớn hở vượt cầu ô
Âm dương kết hợp ngàn năm vẫn
Chẳng phải theo đòi thứ mặt
                                    Quên Đi

Còn có một lối hoạ hạn vận rất khó. Hoàng Thứ Lang kể lại một câu chuyện như sau:
Mùa Hè năm 1926, trong dịp thi sĩ Đão Sĩ Nhã đến thăm gia đình họ Phan ở Hưng Yên. Ông khách Đào Sĩ Nhã thách lão thi sĩ Phan Mạnh Danh làm một bài thơ Nôm Đường luật với các điều kiện sau:
- Đầu đề: Xuân Khuê
- Hạn 5 vần : chờ - hờ - thưa - tơ - thơ
- Phải dùng 19 chữ: một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười, trăm, ngàn, vạn, đôi, cặp, nửa, trượng, thước, tấc.
Sau đây là bài thơ Nôm hoạ hạn vận của lão thi sĩ Phan Mạnh Danh: 

              Xuân Khuê 

Một mong hai đợi bốn ba chờ
Mười hẹn đêm trăng tám hững hờ
Nửa gối năm canh gà gáy giục
Tấc mây sáu cánh nhạn tin thưa
Trăm lần cặp mắt đôi hàng lệ
Chín khúc bên lòng vạn mối
Ngàn trượng thành sầu đo thước khó
Biếng đem bảy vẻ dệt nên thơ
                 Phan Mạnh Danh

                       *
                     * *
Phận Bạc

Bảy thương tám đợi chín mười chờ
Hai kẻ yêu nhau nửa hững hờ
Sáu khắc một thân cô quạnh mãi
Năm canh đôi bóng cặp kề thưa
Ba thu buồn dệt dầy trăm mộng 
Bốn tiết sầu đan rối vạn
Thước tấc nào đo tình mấy trượng
Đem ngàn đau đớn gởi vào thơ.
                                   Quên Đi

II - Hoạ Các Thể Thơ Ngày Nay 

Do sự phát triển mạnh mẽ của Thơ Mới, nên ngày nay xuất hiện xu hướng hoạ thêm các thể thơ như Thơ Mới, Lục Bát...nói chung là tất cả các Thể Loại Thơ hiện tại (Ngoại trừ loại thơ không hoặc ít có gieo vần như thơ Tự Do).
Các Loại thơ này không có Luật Niêm, Luật Bằng Trắc, hay Luật Đối...chỉ có gieo vần thôi. Nên trong 5 Qui tắc Hoạ Thơ Đường Luật bỏ đi phần hoạ Luật, chỉ còn giữ lại 4 điều:

1 - Hoạ thể Thơ:

Bài Xướng thuộc thể thơ gì, bài hoạ phải theo thể thơ đó. Nếu bài Xướng là thơ Lục Bát thì bài Hoạ cũng phải là thơ Lục Bát. Bài Xướng là Thơ Mới , Câu Thơ Bài Hoạ có mấy chữ thì Bài Xướng cũng y như thế.

2 - Họa vần:

Tất cả những chữ gieo vần đều phải hoạ, không kể là Vần cuối câu ( Cước Vận) hay giữa câu ( Yêu Vận). Ngày nay, đa số các bài thơ khi hoạ đều không hoạ Vần giữa câu vì quá khó. Nhất là thể thơ Lục Bát. Đây là một thiếu sót rất lớn, vì khi hoạ thơ, Vần luôn giữ vai trò quan trọng trong một bài thơ, khi hoạ thơ bắt buộc phải hoạ tất cả các Vần.

3 - Hoạ Ý:

Bài xướng nói về ý gì thì bài họa cũng phải nêu lên ý đó hoặc diễn rộng nghĩa ra.

4 - Không được sử dụng lại chữ đứng trước chữ gieo vần của bài xướng

Một điều thật quan trọng trong Qui tắc hoạ thơ, không được dùng lại chữ các chữ đứng trước các vần được gieo của bài xướng, giống như cách Hoạ thơ Đường Luật.

Một bài thơ Hoạ không hội đủ các qui định trên coi như thất luật.
Thí dụ:

- Hoạ Thơ Mới 7 Chữ:

Vội                                                                           Chẳng ( Hoạ ) 

Vội đến, vội đi, vội nhạt nhòa             Chẳng biết chẳng quen chẳng phai nhoà
Vội vàng sum họp vội chia xa.            Chẳng hề gặp gỡ chẳng rời xa
Vội ăn, vội nói rồi vội thở                   Chẳng mộng chẳng mơ nên chẳng khổ
Vội hưởng thụ mau để vội già.            Chẳng nghĩ vẫn vơ trí chẳng già 
Vội sinh, vội tử, vội một đời               Chẳng đấu chẳng tranh chẳng nợ đời
Vội cười, vội khóc vội buông lơi.       Chẳng nhan chẳng sắc chẳng lả lơi
Vội thương, vội ghét, nhìn nhau lạ!    Chẳng đợi chẳng mong tình luyến ái
Vội vã tìm nhau, vội rã, rời...              Chẳng phải bên nhau chẳng nỡ rời 
Vội bao nhiêu kiếp rồi vẫn vội            Chẳng có gì nên lòng mãi chẳng
Đuổi theo hạnh phúc cuối trời xa.       Mơ chi ảo ảnh tận phương xa
Ngoài hiên đâu thấy hoa hồng nở        Một kiếp phù sinh ba vạn sáu
Vội ngày, vội tháng, vội năm qua.      Chẳng hèn chẳng tục chẳng gì qua 
Cứ thế nghìn thu đời vẫn vội               Lặn hụp lợi danh người người vội 
Mặt mũi ngày xưa không nhớ ra.        Sao cứ chấp mê chẳng lối ra
'' Đáy nước tìm trăng'' mà vẫn lội       Chốn Ta Bà ai còn đang lội
Vội tỉnh, vội mê, vội gật gà...             Chẳng xét chẳng suy chẳng gục gà
Vội quên, vội nhớ vội đi, về               Chẳng sắc chẳng không chẳng nẻo về
Bên ni, bên nớ mãi xa ghê!                 Lầm lũi trầm luân chẳng biết ghê
Có ai nẻo Giác bàn chân vội ?            Cực lạc đây rồi sao lại chẳng?
'' Hỏa trạch '' bước ra, dứt não nề...    "Niết Bàn" siêu thoát hết nặng nề.. 
                         Thích Tánh Tuệ                                                Quên Đi 

- Họa Thơ Lục Bát 

Mơ ( Xướng ) Ước ( Họa ) 

Nhớ người lược vắt trâm cài Hỡi người tặng đóa hoa cài
Cánh hoa hé nở hương lay dịu dàng Tương tư thôi đã hồn lay dễ dàng 
Ước làm cơn gió lướt ngang Ước chi trên chuyến đò ngang 
Mơn lên suối tóc cô nàng hái hoa Cùng chàng hái phượng lẫn nàng cài hoa 
Quên Đi Kim Phượng
Qua thí dụ bên trên, chữ gieo vần chúng ta cần phải giữ không phân biệt giữa câu hay cuối câu, vì đó là một trong những điều giữ cho một bài thơ Hoạ đúng chuẩn mực.

Tóm lại, Hoạ Thơ do Các Thi Nhân Xưa truyền lại, và cũng là nét đặc sắc trong Thi Ca. Là Hậu Sinh chúng ta cần cố gắng gìn giữ những cái hay cái đẹp của Tiền Nhân.

Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

Mơ Xuân


(Từ Mộng Chiều Xuân của Kim Phượng)

Người... thoảng thoảng...
Chỉ là giấc mộng?
Người ơi người...
Trống rỗng tim côi!
Đông qua.
Xuân thắm làn môi...
Mơ duyên se kết...
Nên đôi...
Kẻo tàn!*

* Lời  " Mộng Chiều Xuân"

dovaden2010

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

Mộng Chiều Xuân



Hãy trả lời lòng em mấy câu *
Tình yêu tha thiết tự hôm nào
Mộng Chiều Xuân với bao hò hẹn
Lời hứa ân tình vẹn thủy chung
Người xa trong cõi muôn trùng
Hay chăng xuân vẫn lạnh lùng gió đông

Kim Phượng
2.2.2013

* Lời nhạc Mộng Chiều Xuân
Thành kính tưởng nhớ Cố Nhạc Sĩ Ngọc Bích

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

Trăng 2



Trăng lên tỏa sáng vườn hoang
Trăng cho ta hỏi trăng vàng tìm ai
Trăng e dè hay trăng ngần ngại
Trăng thẹn thùng trăng lại thêm xinh
Trăng theo quanh quẩn bên mình
Trăng cho ta gởi chút tình mộng mơ
Trăng ai lạc bước vườn thơ
Trăng còn mơ mộng thẩn thờ bao đêm
Trăng về len lén bên thềm
Trăng buồn trăng nhớ trăng thêm u sầu
Trăng ai rơi rụng bên cầu
Trăng đang sầu muộn vì đâu hỡi người.

Quên Đi

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

Xa Xứ



Sông vẫn mênh mông và mênh mông
Đây là đâu hay dòng sông Hương
Thèm ơi, một chuyến phà năm cũ
Một chuyến phà chở hết quê hương...

Trần Hoài Thư

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

Luật Thơ: Thơ Mới - Thơ Tự Do

Lời mở đầu:
Trong chúng ta, đôi lúc có máu thơ thẩn, thích làm thơ để trải lòng, nhưng lại không dám thực hiện. Vì sao?
Chúng tôi xin phép được suy bụng ta ra bụng người, để trả lời. Chúng ta ngần ngại vì bởi không biết rõ luật thơ, luôn e sợ lỡ sai luật.
Chính vì lý do đó, ngoài sự hiểu biết, đến việc cố công sưu tầm và tổng hợp một số bài viết từ Internet
Với chủ ý cùng nhau trao đổi, chúng tôi đã chọn lọc một số bài của Thân Hữu. Những Cây Viết Nghiệp Dư này đã cung cấp cho chúng tôi rất nhiều thi phẩm để mang ra thí dụ, hầu dẫn chứng về Luật của các Thể Thơ.
Với khả năng hạn chế, kính mong quý độc giả góp ý và bổ sung để chúng ta có được một bài viết đầy đủ hơn.
A - THƠ MỚI
1 - Phan Khôi và bài thơ Tình Già.
Trên báo " Phụ Nữ Tân Văn " số 12 trang 15 -16 ra ngày 10 -3 -1930, Phan Khôi đã viết bài báo trình làng đánh dấu sự ra đời của thơ mới.
Trích đoạn:
"Lâu nay, mỗi khi có hứng, tôi toan giở ra ngâm vịnh, thì cái hồn thơ của tôi như nó lúng túng, chẳng khác nào cái thân của tôi làm lúng túng. Thơ chữ Hán ư? Thì ông Lý, ông Đỗ, ông Bạch, ông Tô choán trong đầu tôi rồi. Thơ Nôm ư? Thì cụ Tiên Điền, bà Huyện Thanh Quan đè ngang ngực tôi, làm cho tôi thở không ra. Cái ý nào mình muốn nói, lại nói ra được nữa, thì đọc đi đọc lại, nghe như họ đã nói rồi. Cái ý nào họ chưa nói,ốn nói ra, thì lại bị những niêm, những vận, những luật bó buộc mà nói không được. Té ra mình cứ loanh quanh lẩn quẩn trong lòng bàn tay của họ hoài, thật là dễ tức!
Bởi vậy tôi rắp toan bày ra một lối thơ mới. Vì nó chưa thành thục nên chưa có thể đặt tên kêu là lối gì được, song có thể cử cái đại ý của lối thơ mới này ra, là đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vận, mà không phải bó buộc bởi những niêm luật gì hết. Ấy là như:

Tình Già
Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa,
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai cái đầu xanh kề nhau than thở:
"Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn đà không đặng;
Để đến nỗi tình trước phụ sau, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau!"
"Hay! Nói mới bạc làm sao chớ! Buông nhau làm sao cho nỡ?
Thương được chừng nào hay chừng nấy, chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi, đâu có phải vợ chồng mà tính việc thủy chung? "
……………………………………………………….
Hai mươi bốn năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau;
Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được!
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi! Con mắt còn có đuôi.

Đó là bài thơ tôi làm trước đây vài tháng, mà tôi kêu là một lối thơ mới đó. Chẳng phải là tôi hiếu sự, nhưng vì tôi hết chỗ ở trong vòng lãnh địa của thơ cũ, tôi phải đi kiếm đất mới; mà miếng đất tôi kiếm được đó chẳng biết có ở được không, nên tôi mới đem ra mà trình chánh giữa làng thơ.”

Điều đáng chú ý là cụ Phan Khôi (1887-1959) - cháu ngoại của cụ Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu - vốn xuất thân là nhà cựu học, đã từng đỗ tú tài chữ Hán năm 18 tuổi, nhưng lại đề xuất, cổ vũ cho phong trào thơ mới.
Sau Khi Phan Khôi trình làng bài thơ Tình Già, ông bị chê bai và chỉ trích dữ dội, tưởng chừng ông phải bỏ cuộc. Tuy nhiên, Lưu Trọng Lư gởi lời ủng hộ, từ đó,trên Thi đàn xuất hiện hai khuynh hướng :
- Nhóm bảo thủ, chống đối đả phá, đại diện cho nhóm này có Tản Đà, Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Duy Từ, Nguyễn văn Hanh...
- Nhóm ủng hộ có Lưu Trọng Lư với bài Trên Đường Đời, Vũ Đình Liên với Ông Đồ...
Dần dần nhóm thơ mới thắng thế và xuất hiện hàng loạt những nhà thơ như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử…

2 - Cách gieo vần trong thơ Mới.
Trong Thơ Mới, không qui định số chữ trong câu và không giới hạn số câu trong một bài thơ. Cách gieo vần của Thơ Mới là sự tổng hợp của Thơ Tây phương, Thơ Đường, Thơ Việt Nam.
Sau đây là những cách gieo vần trong thơ mới:
a - Vần Tiếp:
Chữ cuối câu trên gieo vần với chữ cuối câu dưới và cứ tiếp tục như thế.

Thí dụ: Phiếm Lá Tình

Dáng thu e ấp gió lùa ngần ngại
Tình bủa giăng trong áo chớm thu lay
Lòng thật khẽ ngập ngừng khơi bước nhẹ
Nắng hoa vàng hôn vai ủ lá che
.....
Kim Oanh

b - Vần Ôm:
- Hai câu kề gieo vần với nhau.

Thí dụ: Dung Nhan Lớp

Trở về trường xoáy rơi vào cơn lốc
Trên vôi tường rêu mốc bám xanh xao
Hàng phượng xưa đang rỉ máu hận trào
Rơi vung vãi trên vai người năm cũ
Kim Oanh
- Gieo vần cách hai câu.
Thí dụ: trích Thu Vẩy Chết

Lá vẫy chết...tình say khép ngủ
Mùa đau... ủ rũ cố nhân xưa
Mưa thổn thức đong đưa phiền muộn
Hư hao đời nhuộm sắc ... biệt thu
Kim Oanh

- Cả hai cách gieo vần trên:
Thí dụ: Trích Mưa...Vẫn Chờ
......
Mưa vẫn rơi rơi đều trên phiến
Mưa vẫn buồn buồn đá cứ mãi trơ
Mưa vẫn rơi rơi sâu vào nỗi nhớ
Mưa vẫn buồn buồn xót cuộc tình xa
....
Quên Đi

c - Vần Tréo: Gieo vần cách một câu.

Thí dụ: Trích Cảm Thu

......
Dòng đời như nước chảy
Sầu lắng đọng trên vai
Tuổi vàng trôi lặng lẽ
Xơ xác mái đầu ai
......
Mai Lộc

d - Vần Ba Chữ: Gieo vần chữ cuối các câu 1, 2, 4.


Thí dụ: Gót Chân Son
Chân trần nhẹ lướt cỏ xanh non
Lạnh hạt sương đêm đọng giọt còn
Mơn trớn da ngà làn gió sớm
Vo tròn tuổi mộng gót chân son
Kim Phượng

e - Vần Lưng (Yêu vận): Chữ cuối câu trên gieo vần với chữ ở giữa của câu dưới.


Thí dụ: Lắng Sâu
Đêm buồn về nghe bước chân xa lạ
Từng con đường bóng tối ngã màu trăng
Tàn hương hoa lòng trăng già gầy guộc
Trông mong gì khi chẳng thuộc về nhau
Kim Phượng

f - Vần Cùng Một Câu: Thường sử dụng cho câu có ít nhất là 6 chữ

(Điển hình là Bài thơ Tình Già bên trên của Phan Khôi)

Tâm Nguyện

Biết nói sao ngôn ngữ nào tả xiết
Đợt sóng lòng từng đợt dâng cao
Nơi sâu thẳm trong tâm hồn ông giáo trẻ
.......................................................
Cùng tiến bước đi lên phía trước
Tuy thênh thang đường tri thức lắm gian nan
Quên Đi

Ngoài ra, chúng ta vẫn có thể sử dụng các cách gieo vần đã thí dụ bên trên cho cùng một bài thơ.

B- THƠ TỰ DO
1 - Sự khác biệt với Thơ Mới

Nói đến phát súng mở đầu của Thơ Mới, mọi người đều nhắc đến Phan Khôi.

Khi đề cập đến Thơ Tự Do, phải nói đến Thanh Tâm Tuyền. Ông chính là người mở đường cho thơ Tự Do.
Trong khi Thơ Mới không còn lệ thuộc vào số chữ trong câu, nhưng vẫn còn lệ thuộc vào Gieo Vần, thì thơ Tự do thoát khỏi cả gieo vần. Thơ Tự Do thỉnh thoảng cũng có gieo vần, nhưng không nhất thiết và không hề theo một qui luật nào cả.
Dựa vào âm điệu trầm bổng của tiếng Việt, Thanh Tâm Tuyền không cần sử dụng vần như các thể loại khác, chỉ cần âm điệu bài thơ nghe sao cho du dương như tiếng nhạc, toát lên được cái hồn, cái ý thơ. Ông có nhiều bài Thơ Tự Do không vần với những ý tưởng mới lạ.
Tiếp sau Thanh Tâm Tuyền còn có Nguyên Sa. Nhưng thơ Tự Do của Nguyên Sa nặng về tình cảm, lại chưa tạo ý tưởng mới lạ như Thanh Tâm Tuyền.
Thơ Tự do rất phóng khoáng về số chữ trong câu. Có câu chỉ một chữ duy nhất. Cũng có câu dài như một đoạn văn xuôi.
Những người bênh vực Thơ Tự Do thì cho rằng: Thơ quan trọng ở tiết tấu, giai điệu, phải có ý tưởng, có chiều sâu, nên không cần có vần. Nếu không có những điều này thì không thể gọi là thơ. Có những bài sử dụng chữ rất hoa mỹ, câu rất bóng bẩy nhưng lại thiếu hẳn ý. Đó chỉ là những bài Văn vần không thể gọi là thơ.
Còn phái đả phá thì cho rằng Thơ phải có Vần là chính, nếu không có Vần thì chẳng khác nào một Bài Văn Xuôi ngắt khúc từng câu sắp xếp lại cho giống hình thức một bài thơ.
Ai đúng ai sai? Điều này tuỳ thuộc vào nhận thức " Thơ Là Gì " của mỗi người và lời giải đáp đúng nhất chính là thời gian.
Ngày nay, cũng có khá nhiều người làm thơ Tự Do, nhưng chưa thấy ai được như Thanh Tâm Tuyền. Nguyên Sa...

2 - Những bài thơ thí dụ

Trích Hạ Ca:
Em vén tóc cho cao
Trưa nay trời nồng nực
Đầu cành xa hoa đỏ trổ ngời
Óng ánh nắng mật
Ngửng trông giếng khơi tuyệt ngấn mây
Đáy biếc tỏa
Tháng tư chói lọi vây .

(Thanh Tâm Tuyền)

Trích Khúc Tháng Chạp
Cớ sao chim tinh khôn, chim chẳng hay mùa đông chụp tới? Mùa đông, người thiếu phụ điêu ngoa vẻ u tình, người thiếu phụ hỗn hào nhẫn tâm quật thúc mê man. Người thiếu phụ không biết hổ ngươi. Mỗi ngày soi tấm gương hoen âm bầu trời đục dữ dằn, soi mắt mình trong mắt mình. Leo ngược dốc đứng, dốc trơn trùi nhọn hoắt. Rơi lăn lóc như bụi sạn.

Ôi — Chim hiếm hoi, chim lạ kỳ, chim bé bỏng. Vụt bay nỗi sầu bi, cánh hân hoan xơ xác. Hiểu không sự lênh đênh cùng thẳm? Hiểu không ngọn lao đao tuyệt tích? Hiểu không con bấc mù mất dấu trên đồng bưng mặt ngất? Hiểu không? ... Hiểu không. Những thoáng chốc vi vu nứt nẻ?...
Thanh Tâm Tuyền

Trích Bài Ngợi Ca Tình Yêu

Tôi chờ đợi
lớn lên cùng giông bão
hôm nay tuổi nhỏ khóc trên vai
tìm cánh tay nước biển
con ngựa buồn
lửa trốn con ngươi
Đất nước có một lần
tôi ghì đau đớn trong thân thể
những dòng sông những đường cầy núi nhọn
những biệt ly rạn nức lòng đường
hút chặt mười ngón tay ngón chân da thịt
như người yêu từ chối vùng vằng ...

Thanh Tâm Tuyền

Tầm Dương

Lung linh mờ ảo trong đêm lạnh
Heo hút như từ cõi xa xăm
Bóng chiều mờ nhạt màn sương mỏng
Nhắn nhủ trăng về với bến xưa
Đêm đêm đàn nguyệt so cung lẻ
Cất tiếng tang tình giọng nỉ non
Tầm Dương nhớ bạn sầu cô quạnh
Tri kỷ tri âm có nhớ tìm

(Quên Đi)

Chúng ta thấy rất rõ, chỉ hoàn toàn dựa vào âm thanh bổng trầm, sự thay đổi cung bậc của Bằng Trắc tạo nên nét du dương. Thơ không cần thiết phải gieo vần, hoặc nếu có chỉ thỉnh thoảng chứ không như Thơ Mới.

Huỳnh Hữu Đức 

Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016

Vĩnh Long Mùa Lá Me Bay


Hết lớp Nhứt, tôi từ biệt Vĩnh Long
Xa cô em cạnh bên nhà - dưới lớp
Mùa lá me bay chúng tôi thường vội
Rủ nhau đi bên phố chợ lòng vòng...

Tôi xa em vì thi rớt… Nguyễn Thông
Giã từ con đường mộng mơ Bưu Điện
Tuổi em nhỏ nhưng nụ cười lúng liếng
Tôi chập chờn theo hương tóc bay xa.

Em rất thích những con phố mượt mà
Cạnh con đường, thường rụng nhiều me dốt
Những trái me - mềm rụm - thường chua ngọt
Khiến lúm đồng tiền theo gió… lung lay.

Tôi trở về con phố cũ chiều nay
Mưa hoài niệm nhớ hoài cô gái nhỏ
Em hỡi em kỷ niệm xưa còn đó
Mà người quen lạc mất tự bao giờ…

Dương Hồng Thủy
( 03/09/2012 )
***
Vĩnh Long Mùa Lá Me Bay

(Cảm tác từ Vĩnh Long Mùa Lá Me Bay của Dương Hồng Thủy)

Lá me bay Vĩnh Long hoài gợi nhớ
Mi ni áo dài tha thướt bay bay
Có chàng trai bước xuôi rồi trở ngược
Xòe tay đầy me nhặt được chiều hôm

Vòm trời tuổi dại gom đầy trang giấy
Bềnh bồng trôi từ bên ấy đại dương
Mang lá bay cùng me nhặt sân trường
Chập chờn kỷ niệm nẻo đường Bưu điện

Chuyện ngỡ quên bỗng triều dâng sóng nhớ
Tình lỡ mộng ngoài cửa lớp Nguyễn Thông
Cô bé thời thơ chưa thắm môi hồng
Ngày nhập học bước chân đầu bỡ ngỡ

Chuyện đã quên lá me bay một thuở
Hồi tưởng quay về mở cửa tâm tư
Vị chua quyện ký ức tuổi xuân thì
Con phố cũ kia tàng me cổ thụ

Kim Phượng
4.9.2012


Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016

Bóng Núi - Niềm Xưa


Bài Xướng: Bóng Núi

Bóng núi buông hờ ngọn sóng đưa
Mây trôi bèo dạt chút hương thừa
Nỗi buồn cô lữ sầu xa xứ
Vương vấn vườn xưa tiếng hót xưa

Kim Phượng
***
Bài Họa: Niềm Xưa

Lời người ước hẹn gió xa đưa...
Níu chút mây trôi... có lẽ thừa!
Lặng lặng bên dòng sông viễn xứ
Nghe lòng đau đáu nỗi niềm xưa...

dovaden2010

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

Trường Tương Tư



Đời Hậu Chu, thời Ngũ Quý (905-955), ở tỉnh Hồ Nam vùng sông Tiêu Tương có nàng Ý Nương, con gái của Lương công. Nàng có sắc đẹp lại hay chữ. Ở trọ nhà có chàng Lý Sinh, một hàn sĩ mỹ mạo tuấn tú.
Nhân một đêm Trung Thu, Ý Nương thưởng trăng bỗng gặp Lý Sinh. Trai tài gái sắc gặp nhau, trao đổi tâm tình. Từ đó cả hai thường tìm cách lui tới.
Lương công biết được, tức giận đuổi Lý Sinh đi. Ý Nương lấy làm đau đớn, từ đó sinh ra bịnh tương tư triền miên, mới làm bài khúc "Trường tương tư" mong gởi nguồn tâm sự cho người yêu biết. Trong bài có những câu rất lâm ly ai oán:

Người ta bảo sông Tương rất sâu,
Nhưng chưa bằng nguồn tương tư
Sông sâu còn có đáy,
Tương tư không bờ bến.
Thiếp ở đầu sông Tương,
Chàng ở cuối sông Tương.
Tương tư không gặp mặt,
Cùng uống nước sông Tương.
Hồn mơ bay chẳng tới
Chỉ thiếu một điều chết.
Ta vào cửa tương tư,
Mới biết tương tư đau khổ! 

Nguyên văn: 

Nhân đạo Tương Giang thâm,
Vị để tương tư bán.
Giang thâm chung hữu để;
Tương tư vô biên ngạn.
Ngã tại Tương Giang đầu,
Quân tại Tương Giang vĩ.
Tương tư bất tương kiến,
Đồng ẩm Tương Giang Thuỷ
Mộng hồn phi bất đáo,
Sở khiếm duy nhất tử.
Nhập ngã tương tư môn,
Tri ngã tương tư khổ! 

Lý Sinh tiếp được, đọc xong, cảm xót vô cùng, đầm đìa nước mắt. Chàng chạy nhờ mai mối đến năn nỉ với Lương ông, kể lể mối tình đầu, xin hỏi nàng làm vợ. Ông trước còn dùng dằng, sau đọc được khúc "Trường tương tư" của con, lấy làm cảm động nên đành vui lòng cho Sinh thành mối lương duyên.
Trong "Đoạn trường tân thanh" có câu: 

Sông Tương một dải nông sờ,
Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia. 

Và trong "Chinh phụ ngâm", bản dịch của bà Đoàn Thị Điểm cũng có câu: 

Chốn Hàm Dương, chàng còn ngoảnh lại,
Bến Tiêu Tương, thiếp hãy trông sang... 

Kim Phượng Sưu Tầm
Trích Điển Hay Tích Lạ


Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

Bóng Núi




Bóng núi buông hờ ngọn sóng đưa
Mây trôi bèo dạt chút hương thừa
Nỗi buồn cô lữ sầu xa xứ
Vương vấn vườn xưa tiếng hót xưa

Kim Phượng

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

Luật Thơ Đường Luật - Phần 2



B- Thơ Bát Cú Đường Luật:

Cũng Như Tứ Tuyệt, Thơ Đường Luật Bát Cú có hai loại, đó là Ngũ Ngôn Bát Cú và Thất Ngôn Bát Cú .
Về Luật, Thơ Bát Cú cũng giống như Tứ tuyệt, nhưng vì số câu nhiều hơn nên có nhiều qui định hơn.
Thơ thất Ngôn Bát Cú có luật lệ gò bó khó làm nhất, nhưng chính điều đó lại được người xưa rất ưa thích. Thứ nhất là chứng tỏ tài năng.Thứ hai là gởi gấm tâm tư tình cảm, chí khí hay cùng nhau xướng họa, ngâm nga khi tửu hứng và cũng là thể thơ bắt buộc trong các khoa thi do Triều Đình tổ chức, vì đó chính là thước đo tài năng của sĩ tử.

1- Luật Niêm:

Cũng căn cứ vào chữ thứ 2 và chữ thứ 6 ở các câu như thơ Tứ tuyệt.

-Câu 1, 4, 5, 8 niêm với nhau.(Chữ thứ 2 ; 6 của các câu này cùng là Bằng hoặc cùng Trắc. Chữ thứ 4 thì trái lại)
-Câu 2, 3, 6, 7 niêm với nhau và Trái Bằng Trắc với Các Câu Trên (Chữ thứ 2 ; 6 của các câu này cùng là Bằng hoặc cùng Trắc. Chữ thứ 4 thì trái lại)

Thí Dụ: (Những Câu Cùng Màu Niêm Với Nhau)

Học Thơ Đường Luật

Mười ba đã thích học thơ Đường
Hán Tự làm quen cũng ở trường 
"Độc Toạ Kính Đình Sơn" Lý Bạch
"Tranh Hai Tố Nữ" Hồ Xuân Hương 
Vừa Bằng lại Trắc sao kỳ quá
Đã Đối thêm Niêm thiệt khó đương
Kiên nhẫn mài mò giờ đã thấu
Trắc Bằng Niêm Đối cũng bình thường
                                                Quên Đi

2- Bố Cục Bài Thơ:

Thơ Đường chuẩn luật, gồm có 8 câu, mỗi câu 7 chữ hoặc 5 chữ.

- Hai câu đầu 1 và 2 là 2 câu đề, đặt vấn đề mà bài thơ đó nói tới.
- Hai câu 3 và 4 là hai câu thực, tả hoặc nói thực về vấn đề đó.
- Hai câu 5 và 6 là 2 câu luận bàn luận về vấn đề đó.
- Cuối cùng câu 7 và 8 là 2 câu kết kết luận vấn đề

3 - Luật Đối:

Nguyên tắc Đối của một bài thơ Đường bao gồm nhiều mặt :

- Đối chữ: danh từ đối danh từ, động từ đối động từ...
- Đối cảnh: trên đối dưới, cảnh động đối cảnh tĩnh...
- Đối ý : Đối thường được hiểu là sự tương phản, nhưng bao gồm cả đối xứng, sự tương đương trong cách dùng các từ ngữ :

Hai câu 3 và 4 phải "đối" nhau 
"Độc Toạ Kính Đình Sơn" Lý Bạch (câu 3)
"Tranh Hai Tố Nữ" Hồ Xuân Hương (câu 4)


Hai câu 5, 6 cũng "đối" nhau. 
Vừa Bằng lại Trắc sao kỳ quá (câu 5)
Đã Đối thêm Niêm thiệt khó đương (câu 6)

4- Luật Bằng Trắc: (cũng giống như Đường Luật Tứ Tuyệt)

Khi làm một bài thơ Đường Luật, ngoài những qui định về Đối trên, chúng ta còn phải tuân thủ về Luật Bằng Trắc như các bài thơ thí dụ dưới đây.

a/ Luật Bằng Âm Bằng:

Thí dụ: Đông Buồn

Vui gì khí hậu của ngày đông
b B t T t b B
Gió lạnh mưa phùn thấy chán không
t T b B t T B
Tuyết trắng bên đồi còn phủ kín
t T b B b T T 
Tùng xanh dẫu núi vẫn đua bông
b B t T t B B
Chiếc lò chống rét phà hơi ấm
b B t T b B T
Mảnh áo chờ xuân vẫn phập phồng
t T b B t T B
Ngày ngắn đêm dài sao thế nhỉ
t T b B b T T
Chắc là Tạo Hoá đã phân công
b B t T t B B 
 (Thái Hanh)

Thí dụ: Nhớ Văn Cao (Ngũ Ngôn Bát Cú)

Kiếp tầm nhả sắc màu
Để lại muôn đời sau
Lãng mạn cùng oai dũng
Xót xa lẫn khổ đau
Ở âm thầm lặng lẽ
Đi giản dị thanh cao
Nhưng tiếng lòng vang mãi
Văn Cao một ánh sao
                 (Quên Đi)

b/ Luật Bằng Âm Trắc:

Thí dụ: Đôi Bến Sông Ngân

Giọt ngâu ướt đẫm tình đôi lứa 
b B t T b B T
Ly biệt bao mùa chẳng thấy nhau 
t T b B t T B
Chức Nữ cô đơn sầu ruột thắt 
t T b B b T T
Ngưu Lang lạnh vắng xót lòng đau 
b B t T t B B
Ngân Hà khắc khoải buồn ngăn cách 
b B t T b B T
Ô Thước mong chờ thoả khát khao 
t T b B t T B
Ai nỡ gây nên loan rẽ phụng 
t T b B b T T
Đôi bờ nhung nhớ bởi trời cao. 
b B t T t B B
     (Quên Đi)

Thí dụ: Bịn Rịn (Ngũ Ngôn Bát Cú)

Xuân đi không đợi tiễn
Giờ đã đến mùa hè
Khoe sắc cành hoa phượng
Buồn thiu những chú ve
Nắng vàng cây đứng lặng
Má đỏ em e dè
Bịn rịn rời chưa nỡ
Nhưng giờ đã đến hè
(Quên Đi)

c/ Luật Trắc Âm Bằng:

Thí dụ: Đêm Dài Không Ngủ

Trằn trọc đêm dài ngủ chẳng yên
t T b B t T B
Lắng nghe con cuốc réo bên thềm
b B t T t b B
Vừa thiu giấc điệp đà quanh quẩn
b B t T b B T
Mới chợp hồn quyên đã dạo lên
t T b B t T B
Bốn bể canh hoè còn ủ mộng
t T b B b T T
Năm châu hồn bướm vẫn liên miên
b B t T t B B
Còn mình mở mắt thâu đêm để
b B t T b B T
Không ngủ vì chung lắm nỗi phiền.
t T b B t T B
(Thái Hanh)

d/ Luật Trắc Âm Trắc :

Thí dụ: Xuân Tự Trào

Uống rượu trả tiền đâu có lạ
t T b B b T T
Túi đây trống rổng vẫn khề khà
b B t T t B B
Rồng bay trên liểng ai ra bút
b B t T b B T
Giấy đỏ cua bò nét của ta
t T b B t T B
Thử thách suốt năm cùng nắng gió
t T b B b T T
Hụt hơi đến tết vẫn ba hoa
b B t T t B B
Thế gian lắm chuyện cười như mếu
b B t T b B T
An phận đi ông đợi tuổi già
t T b B t T B
   (Quên Đi) 


C- Niêm Luật khác trong thơ Đường Luật

Ngoài luật niêm và Bằng Trắc như trình bày phần trên, Đường Luật còn một Luật thứ hai.
Theo Luật niêm Bình Thường , câu lẻ sẽ Niêm với câu chẵn như bên dưới
- Câu 1 , 4 ; 5 , 8 Niêm với nhau
- Câu 2 , 3 ; 6 , 7 Niêm với nhau
Ngược lại trong luật Niêm dưới đây, 4 câu đầu : Câu Lẻ sẽ Niêm với Lẻ, Chẵn sẽ Niêm với Chẵn, do đó lụât Bằng Trắc cũng sẽ thay đổi theo.

Thí dụ:
( Những câu cùng màu Niêm Với Nhau)
1/ Bài thơ "Thành Tây Pha Phiếm Chu" của Đỗ Phủ :
Câu 1 lại niêm với câu 3; câu 2 lại niêm với câu 4 .

Thanh nga hạo xỉ tại lâu thuyền
Hoành địch đoản tiêu bi viễn phương
Xuân phong tự tín nha tường động
Trì nhật từ khan cẩm lãm khiên
Ngư xuy tế lãng dao ca phiến
Yến xúc phi hoa lạc vũ diên
Bất hữu tiểu chu năng đãng tương
Bách hồ na tống tửu như tuyền

2/ Bài "Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài" của Lý Bạch:

Phượng hoàng đài thượng phượng hoàng du
Phượng khứ đài không giang tự lưu
Ngô cung hoa thảo mai u kính
Tấn đại y quan thành cổ khâu
Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại
Nhị thủy trung phân bạch lộ châu
Tổng vị phù vân năng tế nhật

Trường an bất kiến sử nhân sầu

Chúng ta thấy hai bài thơ trên trong 4 câu đầu viết theo luật niêm Lẻ với Lẻ và Chẵn với Chẵn. Nhưng đến 4 câu cuối thì trở lại luật niêm bình thường.

3/ Độc Tiểu Thanh Ký của Nguyễn Du.

Tây hồ hoa uyển tẫn thành khư, 
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư. 
Chi phấn hữu thần liên tử hậu, 
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư. 
Cổ kim hận sự thiên nan vấn, 
Phong vận kỳ oan ngã tự cư. 
Bất tri tam bách dư niên hậu, 
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ?
Trong bài "Độc Tiểu Thanh Ký" : 4 câu đầu theo luật Niêm thứ Nhất : 1 - 4 ; 2 - 3 . 4 câu cuối theo luật Niêm thứ Hai : 5 - 7 ; 6 - 8 . 
4/ Sau đây là bài "Chước tửu dữ Bùi Địch" của Vương Duy:

Chước tửu dữ quân quân tự khoan
Nhân tình phiên túc tự ba lan
Bạch thủ tương tri do án kiếm
Chu môn tiên đạt tiếu đàn quan
Thảo sắc toàn kinh tế vũ thấp
Hoa chi dục động xuân phong hàn
Thế sự phù vân hà túc vấn
Bất như cao ngọa thả gia san. 

Chúng ta cũng thấy cả bài thơ trên theo luật Niêm Lẻ theo Lẻ, Chẵn theo Chẵn.

Từ những bài Thơ Đường Luật ở trên của Đỗ Phủ, Lý Bạch , Vương Duy, Nguyễn Du…Ta thấy rõ trong thơ Đường Luật vẫn tồn tại một Luật Niêm và Luật Bằng Trắc thứ hai, nhưng ít được giới làm thơ sử dụng nên, cũng như ít thấy tài liệu nào nói đến.

- Luật Niêm thứ nhất : 1 - 4 ; 2 - 3 ; 5 - 8 ; 6 - 7 .
- Luật Niêm thứ hai : 1 - 3 ; 2 - 4 ; 5 - 7 ; 6 - 8 .

Hoặc sự pha trộn giữa hai luật niêm trên.

Từ chỗ thay đổi Luật Niêm, Luật Bằng Trắc cũng thay đổi theo. Khi gặp những bài thơ theo luật niêm thứ hai, chúng ta không nên vội vàng kết luận là sai niêm luật.

Huỳnh Hữu Đức


Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

Người Em Cùng Xóm


Đời là giấc mộng dài! Có những chuyện ngỡ là mộng, nhưng lại thật.
Tôi “biết” em, hơn bốn mươi năm trước. Biết, ở đây đồng nghĩa với sự không quen. Chúng tôi chưa một lần trò chuyện. Và dĩ nhiên, đối với em, tôi là con số không to tướng. Bởi, vì tôi chỉ thấy em. Rồi Em và tôi đã lạc nhau theo vận nước nổi trôi.

Năm ấy, từ băng ghế dài trước hiên nhà bạn tôi, gần cầu Cái Cá, tỉnh Vĩnh Long. Điều gì khiến xui tầm mắt tôi hướng sang bên kia đường, thấy em thoáng qua. Tôi biết được em, ngày ấy, vào một buổi chiều. Nhà em núp bóng dưới tàng me, có lá bay bay. Tôi quan sát kỷ hơn, thêm chút hiếu kỳ, khi nghe nói em có một người chị song sinh. Tôi biết rõ điều này, bởi em là cô bé cùng xóm với bạn tôi. Sau này, tôi về làm dâu nơi đây, đi, về chung đường, nhưng em vẫn là... Người em cùng xóm không quen.
Nay, tình cờ “quen” em, qua một trang Web, chúng tôi đã “gặp nhau” bằng tấm chân tình, và “Châu về hợp phố!” bằng trao đổi email hoặc điện thoại. Khá lý thú lẫn ngạc nhiên, lời em nói, tiếng em cười khác hẳn với hình dáng người em tôi đã “biết”, của ngày xưa. Giọng ấm, tiếng cười trầm, ôn nhu. Tôi vẫn chưa một lần gặp mặt, nhưng biết thêm, em là Cựu học sinh trường Nguyễn Trường Tộ, là nơi tôi đang dạy lúc bấy giờ. Em cho biết, em còn giữ một chuyện rất ...rất bí mật có liên quan đến tôi, nhưng em nhất định không nói ra đâu.
Thôi thì thôi vậy!

Phải chăng, được quen với Người bạn nhỏ, lúc nào tôi cũng hạ thấp cái đầu để chơi cùng trò chơi, nói cùng mẫu chuyện. Ắt hẳn, đó là bí quyết ngăn chặn bớt tiến trình lão hóa.
Đã hơn 40 năm trôi, quá nhanh. Nghĩ lại, lúc sống cùng tỉnh nhà, chẳng hề quen. Nay, mỗi người lưu lạc một phương trời, lại trở nên thắm thiết tình thân.

Người em cùng xóm chẳng quen
Bao năm lưu lạc ý mèn ơi thân


Kim Phượng
2.1.2016 Chúc Mừng Tân Gia

Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2016

Đi Tìm Lá Đỏ Mùa Thu

Từ Tokyo vượt đường xa đến tận miền Tohoku (Đông Bắc) của đảo Honshu tôi đi tìm lá đỏ mùa Thu. Vài mươi năm trước, tôi còn nhớ từ Tokyo lên đến thành phố Sendai vùng Tohoku đi trên tuyến đường xe lửa Joban-sen dọc theo bờ Thái Bình Dương sao mà xa diệu vợi. Đi bằng xe lửa tốc hành trên quãng đường 300 km đến Sendai cũng gần 4 tiếng đồng hồ. Từ Sendai đến Aomori điểm cực bắc của đảo Honshu phải đi thêm 400 km. Tổng cộng hơn 8 tiếng nếu có những chuyến xe nối tiếp đúng lúc. Ngày nay, xe lửa cao tốc chạy trên tuyến đường Tohoku Shinkansen 700 km đã rút ngắn thời gian từ Tokyo đến Aomori xuống chỉ còn 3 tiếng. Tỉnh Aomori của đảo Honshu không còn là một nơi xa vời trong tâm trí người Nhật Bản. Với tấm vé Japan Rail Pass, chúng tôi đi một vòng lớn trên đảo Honshu gần 3000 km và trạm dừng chân đầu tiên là hồ Towada (tỉnh Aomori). 

Thời tiết mùa Thu Nhật Bản vốn bất thường. Có những lúc mưa rơi lê thê mây bay vần vũ, nhưng bỗng chốc trời quang mây tạnh, ánh mặt trời lung linh trở lại trên bầu trời xanh biếc. Sự thay đổi chóng vánh của tiết Thu khiến cho người đàn ông Nhật không biết lấy gì để so sánh, nhìn quanh quẩn thì thấy người đàn bà nên bi tráng thốt lên, "onna no kokoro, aki no sora!". Ý nói rằng tâm tư người phụ nữ hay thay đổi bất thường như bầu trời mùa Thu. Câu ngạn ngữ dường như vượt biên giới vì có lúc Nguyên Sa cũng xót xa cảm thán, "Em chợt đến chợt đi, anh vẫn biết. Trời chợt mưa chợt nắng chẳng gì đâu." Nhưng dù có mưa nhiều hay rất nắng, dù có tiêu điều hay rực rỡ, mùa Thu khiến cho lòng người trầm lắng, muốn tránh xa thế tục quên đi những cái buồn não đời thường để hòa mình trong sắc màu của Thu.

Hồ Towada nổi tiếng với sắc thu, nhưng lá đỏ lá vàng không thể chờ tôi lâu hơn nên đã rơi rụng trong những đợt mưa rả rích đầu đông. Mặt đất cô liêu phủ đầy lá thu nhưng vắng bóng người nhặt lá thu rơi và vắng cả con nai vàng ngơ ngác. Hồ Towada là miệng núi lửa vài mươi triệu năm trước (Hình 1). Núi lửa tắt, qua những cơn vật đổi sao dời miệng núi biến thành hồ. Nơi này vốn là nơi nghỉ mát thư giãn cho dân đô thị vào những ngày hè oi bức, nơi ngắm hoa anh đào vào tiết xuân, nơi tràn ngập lá phong đỏ mùa thu hay ngắm nhìn tuyết rơi lất phất và nhẹ nhàng đáp trên những nhánh cây trụi lá mùa đông. Nhưng Towada ngày nay ảm đạm, không phải vì những hạt mưa phùn bay bay theo gió mà do ảnh hưởng của sóng thần vài năm trước vẫn còn đậm nét. Các quán ăn, lữ quán, khách sạn phải đóng cửa vì vắng khách. Đường sá tiêu điều không một bóng người, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe vội vã chạy qua. "Đây là cái vòng luẩn quẩn ông ạ", một nhân viên phòng hướng dẫn du lịch nói với tôi. "Đối với khách nước ngoài thậm chí người trong nước, người ta có ấn tượng Tohoku đang bị nhiễm phóng xạ nên ai cũng tránh xa. Thật ra, ở đây không có phóng xạ nhưng bị tiếng đồn vạ lây. Vì không ai lui tới nên dịch vụ giao thông cũng thưa dần. Dù Shinkansen vẫn chạy bình thường nhưng chắc cũng phải đợi thêm vài năm ông ạ…", cô vừa nói vừa lắc đầu chấp nhận. 

Hình 1: Hồ Towada 

Hơn nửa thế kỷ qua, xe lửa cao tốc Shinkansen là niềm tự hào của đất nước Phù Tang. Không một lần nào tai nạn, ít bao giờ trễ hẹn. Shinkansen trở nên một biểu tượng công nghệ cao của thế kỷ 21 với cung cách phục vụ nhanh chóng và chu đáo. Từ tuyến đường chính lên miền Tohoku, Shinkansen rẽ nhánh sang bờ Tây đảo Honshu đến các tỉnh dọc theo biển Nhật Bản (Sea of Japan). Cái khó khăn trong sự phát triển xe lửa cao tốc là việc đào đường hầm và đặt đường ray thật vững chắc dưới lòng biển dài 50 km nối liền hai đảo lớn Honshu và Hokkaido để xe có thể chạy với tốc độ 300 km/h. Nhưng người Nhật đã thực hiện được điều này và họ sẽ cho xe chạy thử vào tháng 3, 2016. Rồi đây một thập niên sau, Shinkansen sẽ lan tỏa khắp nơi trên đảo Hokkaido. 

Nhưng câu chuyện Shinkansen không ngừng ở đây. Trên chuyến xe đi lên miền Tohoku, khi đến thành phố Morioka đoàn xe được tách rời làm hai tại nhà ga Morioka. Sau đó, đoàn xe phía trước sẽ tiếp tục đi về phía bắc đến Aomori, đoàn phía sau sẽ hướng về thành phố Akita phía bờ tây Nhật Bản. Tôi dự đoán sẽ có những tiếng "cành cạch" tháo rời làm rung chuyển đoàn xe. Nhưng không, việc tách rời xảy ra êm thắm không một tiếng động. Ngồi trong xe, thật sự tôi không hiểu đoàn xe đã được tách ra như thế nào. Vài ngày sau, khi trở lại nhà ga Morioka tình cờ tôi mục kích một sự kiện ngược lại là hai đoàn xe Shinkansen đang ráp hai đầu vào nhau. Cái "móc" của xe là một bộ phận cơ điện mang đầy bộ cảm biến (Hình 2). Hai đoàn xe từ từ xê dịch cho đến khi hai cái móc nhẹ nhàng liên kết vào nhau như hai chiếc tàu vũ trụ "docking" trong không gian. Tất cả hoàn tất trong vài phút. Đoàn xe dài ngoằn gấp đôi như con rắn khổng lồ điềm nhiên phi mã hướng về Tokyo với vận tốc 300 km/h.  
Hình 2: Cái móc công nghệ cao ráp nối hai đầu xe.

Người Nhật tỉ mỉ với những chi tiết và có tinh thần "kaizen" (cải thiện) không ngơi nghỉ. Họ áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao sự tiện nghi và thoải mái trong cuộc sống. Chiếc xe lửa lúc xưa chỉ là một đoàn tàu chạy bằng than phun khói mù mịt. Nhưng khi có "kaizen" thì xe lửa biến thành xe siêu tốc và cái móc nối toa xe trở nên một thể loại công nghệ cao. Sau chiếc xe Shinkansen, người Nhật thực hiện một cuộc cách mạng âm thầm khác là đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật và tinh thần "kaizen" vào một chỗ không ngờ: nhà vệ sinh. Họ đưa cái khoái thứ tư (người Nhật có khoái thứ năm: tắm suối nước nóng) cao lên thêm một bậc. Vài mươi năm trước, nhà dân phần lớn chỉ có bàn cầu ngồi xổm đặc trưng châu Á và không nước dội. Mùa hè trời nóng, người Nhật dù nổi tiếng ăn ở sạch sẽ vẫn không khử được cái mùi thum thủm phảng phất bay ra từ một góc khuất sau nhà. 

Nếu xem nhà vệ sinh là một tiêu chuẩn đánh giá trình độ văn hóa của một nước thì Nhật có lẽ đứng đầu trong việc nâng cao văn hóa qua một quá trình tiến hóa, ngắn hơn quá trình vượn biến thành người, từ kiểu ngồi xổm của thuở hồng hoang đến ngồi thẳng kiểu Tây thời hiện đại và hơn cả Tây với cái bàn cầu công nghệ cao mang đến cho người sử dụng một cảm giác vô cùng thoải mái. Vì vậy ngày nay bàn cầu công nghệ cao được phổ biến khắp nước Nhật từ thành thị đến thôn quê, từ nhà dân, khách sạn đến các nơi công cộng. 

Bàn cầu này thoạt nhìn cũng như các loại bàn cầu thông thường khác nhưng chiếc pa-nô nhiều nút bấm được gắn vào một bên. Chức năng bàn cầu nhiều ít tùy theo giá cả thấp cao và sản phẩm tiên tiến nhất có lẽ thuộc về công ty Panasonic. Sự chu đáo của các nhà sản xuất với sự lưu tâm đến các chi tiết nhỏ nhặt không bao giờ làm phụ lòng khách hàng. Chẳng hạn, mặt tiếp giáp của bàn cầu lúc nào cũng được sưởi ấm. Người sử dụng sẽ không thót người vì "sốc" lạnh khi ngồi lên trong những ngày mùa đông giá buốt. Một nút bấm để phun nước rửa. Nút bấm nước thứ hai đặc biệt cho phe tóc dài. Sang hơn, có nút điều chỉnh nhiệt độ nước, một nút điều chỉnh cách phun của nước, nước phun từng chập như súng bắn tự động hay phun liên tục thành vòi. Và để hoàn tất công trình thì có một ống phun không khí ấm xấy khô… Sang hơn nữa, khi xong việc đứng lên thì bộ cảm ứng của bàn cầu nhận ra sự khác biệt trọng lượng sẽ kích động bộ phận xả nước. Chưa hết, sau màn xả nước thì có một thiết bị như chiếc quạt hút rất mạnh không khí hôi trong bồn cầu. Tôi cúi xuống quan sát nhưng tìm không ra cái "quạt" cao tốc và cũng không hình dung được không khí được thải ra hướng nào, chỉ biết khoanh tay đứng nhìn. Ôi! Thật là sự vĩ đại ẩn trong cái dung tục bình thường. Không biết bao nhiêu con chip transistor, bộ cảm ứng, bộ dẫn động (actuator) cài đặt trong cái bàn cầu thông minh này. Đối với một kẻ phàm phu như tôi, mỗi lần hành sự là một cuộc hành trình văn minh, sạch sẽ, thoải mái và vô cùng thỏa mãn! 

Chiếc bàn cầu công nghệ cao phản ánh tinh thần Nhật Bản một cách cụ thể. Người Nhật không chú trọng đến việc làm toán giỏi để được cái tiếng thông minh. Từ lúc có những cuộc thi Olympic, người ta không bao giờ thấy có sự chiến thắng của học sinh Nhật. Nhưng người Nhật được giáo dục để hiểu cái lý của sự vật (vật lý) tận tường. Trong một chương trình tivi, đài tivi treo giải thưởng vài mươi ngàn đô la cho ai chế tạo ra một cái chảo có thể chiên được 20 quả trứng cùng lúc bằng một cái bếp gas bình thường. Tất cả trứng phải được chiên riêng lẻ và tròng đỏ phải chín đồng đều giống nhau. Hai nhóm cuối cùng vào chung kết là hai cha con chuyên nghề làm đồng thiếc và một tiến sĩ chuyên gia về truyền nhiệt. Sau nhiều lần thiết kế, hai cha con đoạt giải với cái chảo đồng nhiều tầng chiên được 20 trứng so với 8 của ông tiến sĩ. 

Thậm chí, việc trang điểm, trang phục cũng được giải thích trên các cơ sở quang học. Một giáo sư vật lý trong chương trình tivi làm đẹp giảng giải nguyên lý của ảo giác quang học đánh lừa bộ não trong việc trang điểm, tại sao đôi mắt nhìn to hơn khi có lằn viền xung quanh mắt. Nhưng viền đen quá thì trở nên kệch cỡm. Nhạt quá thì mất hiệu năng. Vậy phải chọn sao cho gam màu thích hợp với làn da để có thể "ngụy trang" tạo ra ảo giác tối đa. Người béo tròn muốn trở nên thon thả trong ảo giác thì nên chọn quần áo có sọc thẳng đứng. Tương tự, một khuôn mặt bầu bỉnh muốn tạo ảo giác trái soan thì phải cần vài lọn tóc lòa xòa buông xuống… Không gì ngạc nhiên khi những công ty sản xuất mỹ phẩm như Shiseido hay các nhà thiết kế trang phục trở nên nổi tiếng, làm ăn khấm khá cũng nhờ những nguyên lý quang học đơn giản này.

Tôi tiếp tục đi tìm lá đỏ mùa Thu, từ Aomori trở lại thành phố Morioka băng ngang đảo Honshu và dừng chân trên các thành phố Akita, Sakata, Niigata và Kanazawa dọc theo bờ biển Nhật Bản. Những thành phố này là mặt sau của Nhật Bản sống bằng canh nông, có mùa đông khắc nghiệt, ít người lui tới nhưng rất giàu văn hóa truyền thống. Akita nổi tiếng nhiều người đẹp chỉ sau con gái cố đô Kyoto và là nơi độc nhất làm nước mắm "shottsuru" trong một xứ sở nước tương, rất giống mùi vị nước mắm của ta, với món lẩu cá "shottsuru" tuyệt ngon. 

Sakata được bao vây bởi những cánh đồng lúa bát ngát và cũng là một trong những nơi sản xuất lúa gạo nhiều nhất nước Nhật từ xưa. Cái tên "Sakata" viết ra tiếng Hán là "Tửu Điền"; tửu = rượu, điền = ruộng. Phải chăng nơi đây nhiều ruộng rẫy và sản xuất nhiều rượu sake từ gạo nên có tên "Tửu Điền"? Câu chuyện có thật của cô bé tên Oshin lớn lên ở thị trấn Sakata nghèo khổ đã được biến thành truyện dài tivi nhiều tập làm biết bao người xem sụt sùi thương xót. "Oshin" được dàn dựng ở Sakata nên thị trấn buồn tẻ này bỗng nhiên trở thành địa điểm du lịch của những người từng rưng rưng nước mắt cho Oshin. 

Một trong những hoạt cảnh xuất hiện trong "Oshin" là vựa lúa Sankyo. Sakata có vựa lúa Sankyo với 12 kho chứa khổng lồ có 120 năm tuổi đời (Hình 3). Vựa lúa được xây cất theo chuẩn mực khoa học. Mái nhà hai bậc chừa chỗ hở để không khí luân lưu. Nền nhà có trộn một loại hóa chất gọi là magnesium chloride (MgCl2) để khử hơi nước trong không khí giữ được hạt gạo lâu dài mà không bị mốc. Xứ ta là xứ nông nghiệp khí hậu ẩm thấp, nhưng chưa bao giờ nghe thấy việc làm vựa lúa theo bài bản khoa học như Sankyo. Cho đến ngày nay, vựa lúa vẫn còn sử dụng. Sankyo là niềm tự hào của người dân địa phương vì nó biểu hiện sự phồn vinh của Sakata và đóng góp vào sự sống còn của đất nước. Nhưng nông nghiệp bây giờ đang chịu một sức ép trong ngoài. Chính phủ bảo nông dân không nên sản xuất quá nhiều gạo vì phải mua gạo nước ngoài để cân bằng ngoại thương. Vốn đầu tư vào nông cơ, thiết bị quá nhiều nhưng nhà nông mỗi năm chỉ dùng hơn một tuần cho mùa gặt hái. Nông dân trở nên nghèo. Trong nhà thì "cha muốn truyền, nhưng con không nối". Bọn trẻ bỏ nhà ra đi tìm cơ hội ở những chốn phồn hoa. Ở lại chỉ chuốc lấy nỗi cực nhọc tay lấm chân bùn và thêm nỗi buồn tìm không ra cô vợ.

Hình 3: Vựa lúa Sankyo

Chiếc xe bus du lịch chở chúng tôi xuyên qua một vùng đồi núi trùng điệp gần Sakata đến một ngôi chùa cổ ngàn năm, nay là quốc bảo. Bất ngờ, tôi gặp bức tượng gầy guộc của nhà thơ Basho. Tôi hỏi anh hướng dẫn viên tại sao tượng Basho lại ở chốn thâm sơn tĩnh mịch này. Anh bảo Basho đã từng lãng du ở đây, tức cảnh sinh tình làm nhiều bài haiku tuyệt tác. Matsuo Basho (Basho: Ba Tiêu, cây chuối) (1644-1694) là một đại thi hào thơ haiku Nhật Bản, có tầm vóc như Nguyễn Du của Việt Nam. Nhưng Basho khác Nguyễn Du ở chỗ là thích ngao du thiên hạ. Nhiều người hâm mộ và đệ tử tặng ông tiền, hiện vật, ông hoan hỉ nhận, nên không cần phải lo chuyện cơm áo mà chỉ theo tiếng gọi của đôi chân trở thành một lãng tử thuần thành cho đến cuối cuộc đời. Ông đi một vòng lớn của đảo Honshu lên miền Tohoku vòng qua bờ Tây Nhật Bản. Chuyến lãng du được chép thành quyển "Oku no hosomichi" (Lối mòn lên miền Oku) gồm những bài tản văn du ký và thơ haiku để ghi lại những cảm nhận trên bước lữ hành, thưởng ngoạn cảnh đẹp và niềm vui gặp bạn. Khi tham khảo quyển "Việt Nam và Nhật Bản Giao lưu Văn hóa" của học giả Vĩnh Sính, tôi mới biết "miền Oku" của Basho cũng không khác với lộ trình đi tìm lá đỏ mùa Thu của tôi. Lộ trình đó cũng gần 3000 km. Basho cùng đệ tử khăn gói băng rừng vượt suối đi bộ trong nhiều năm, nhưng tôi vác ba lô đi xe lửa trong vài ngày. Và ngẫu nhiên, tôi được gặp ông trước ngôi chùa cổ kính này mà xưa kia chắc là nơi thâm sơn cùng cốc. 

Chuyến xe lửa nhà quê chạy dọc theo bờ biển Nhật Bản cuối cùng đưa tôi đến thành phố Kanazawa. Nơi này từng là chốn kinh thành nơi ngự trị của lãnh chúa trong vùng. Bây giờ, Kanazawa vẫn một thành phố trung tâm vùng Hokuriku (Bắc Lục) như một ngôi sao tỏa sáng làm vơi đi cái ảm đạm của bờ Tây buồn tẻ. Nền văn hóa lâu đời của Kanazawa được phản ánh bởi phố Chùa (Tera Machi) và công viên Kenroku-en (Kiêm Lục Viên) một trong "tam đại đình viên" của xứ Phù Tang. Tuy không hoành tráng và giàu có như vùng Kyoto – Nara, khu vực Tera Machi tập trung hơn 70 ngôi chùa lớn nhỏ có lịch sử dài hơn 500 năm. 

Gần Tera Machi có một ngôi chùa được mang tên là "Thiên Đức Viện" (Tentoku-in) được xây cất hơn 400 năm trước để tưởng niệm công nương Châu (Tama Hime). Công nương Châu là cháu nội của Tướng Quân Tokugawa Ieyasu người đã thống nhất nước Nhật mở ra thời đại Edo rực rỡ kéo dài gần 300 năm. Thời đại Edo chấm dứt vào năm 1868 để nhường bước cho cuộc vận động Minh Trị Duy Tân. Dòng họ Maeda là phiên chủ (lãnh chúa) của xứ Kanazawa. Công nương Châu được đưa về làm dâu lúc 3 tuổi và chính thức thành phiên chủ phu nhân lúc 14. Người dân xứ Kanazawa yêu quý công nương vì nhờ nàng mà tránh được cuộc chinh phạt của đại quân Tokugawa. Hồng nhan bạc mệnh, nàng sinh được 7 người con và qua đời năm 24 tuổi sau một cơn bạo bệnh. Phiên chủ Maeda thương tiếc khôn nguôi nên dựng lên "Thiên Đức Viện" để tưởng nhớ nàng. Mối tình phu phụ chung thủy của phiên chủ giống như một vị vua Ấn Độ xây đền Taj Mahal để tỏ lòng thương tiếc người vợ qua đời ở tuổi xuân xanh.

Cuối cùng, tôi đã tìm thấy lá đỏ mùa Thu trong khuôn viên nhà chùa Thiên Đức (Hình 4). Những tàng cây phong xen lẫn trong những cây tùng cao to xanh mướt làm nổi bật màu đỏ rực của muôn chiếc lá thu. Một cơn gió thoảng lay động những chiếc lá đỏ đong đưa rơi xuống như cánh bướm, phủ lên con đường nhỏ dẫn vào chánh điện. Trong không gian tĩnh mịch, chợt nghe văng vẳng tiếng thơ haiku của Basho từ thuở xa xưa vọng lại, 

Hito koe ya 
Kono michi kaeru 
Aki no kure 
(Matsuo Basho) 

Lao xao vẳng tiếng người 
Trên đường về ngập lá 
Chiều cuối thu buồn rơi 
(Quỳnh Chi phỏng dịch)

Hình 4: Trên đường về ngập lá 

Tokyo có phố Kanda mua bán sách cũ và sách cổ. Trình độ văn hóa của một cộng đồng, một khu vực hay một nước cũng có thể đánh giá qua sự hiện hữu của các hiệu sách và chất lượng sách. Tôi trở về Tokyo để tìm lại con phố Kanda. 

Gần 100 năm nay, phố Kanda nổi tiếng trong giới sinh viên, giới hàn lâm, trí thức và người sưu tầm sách. Thời sinh viên, tôi nghiện đi phố Kanda, cho nên vài tháng phải đi "hành hương" một lần. Có lúc ít tiền không mua được sách, nhưng đi lang thang trên phố, đứng trong hiệu sách cũ thoang thoảng mùi meo mốc đặc trưng, từ tốn lật tới lui vài trang sách thì cũng thỏa được cái thú vui tinh thần mà không tốn một xu. Mỗi lần trở lại Tokyo, lúc nào tôi cũng tìm thời gian quay lại phố Kanda như tìm gặp lại người bạn cố tri. Âm thầm đi vào ngõ ngách của con phố cũ tìm lại những dấu ấn của một thời đi học. Có hiệu sách nhỏ, ông chủ lúc đó đã vào tuổi "thất thập cổ lai hi". Ông lúc nào cũng bận rộn, khi thì cặm cụi sắp xếp sách lúc thì cầm sách ngắm nghía ra chiều nâng niu. Dù bán cũng không lời bao nhiêu, nhưng ông chỉ có niềm vui là mua bán sách. Những hiệu sách nhỏ đó giờ đây trở thành quán ăn, hiệu tạp hóa. Không phải vì sự tràn ngập của eBook hay Amazon kindle mà đơn giản là không người nối nghiệp. 

Người Nhật thích đọc sách, dù rằng giới trẻ ngày nay chỉ chăm chú vào màn hình nhỏ nhưng lượng sách in ra thì không bao giờ giảm. Ở cuối trang nhất của những tờ nhật báo, lúc nào cũng có quảng cáo của sách mới phát hành. Có lẽ không có nước nào trên thế giới đăng quảng cáo sách trên trang nhất như báo Nhật. Sách Nhật có đủ thể loại, từ các loại sách hoạt hình anime mang tính kích dục đến sách nghiên cứu, khảo luận, những bộ bách khoa từ điển chứa hàng chục quyển về triết học, tôn giáo, văn chương, khoa học. Sách chính trị phản ánh trào lưu chính trị đương đại. Sách "cánh tả" phản chiến, sách về chủ nghĩa Mác – Lê nin, chủ nghĩa quân phiệt Nhật, sách về các nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa, tràn đầy kệ sách trong thập niên 70. Thì bây giờ là sách "cánh hữu" thoang thoảng mùi chủ nghĩa dân tộc hay phân biệt chủng tộc như sách bàn về "tiểu khí" của người Trung Quốc, Trung Quốc không thể nào vượt qua Nhật Bản, sự khác biệt giữa người Hàn Quốc, người Trung Quốc và người Nhật Bản v.v… 

Sách khoa học có phần dễ thở hơn có lẽ vì không ai có thể chối cãi được sự hiển nhiên của quy luật 1+1 =2! Sự phong phú của sách khoa học tiếng Nhật cộng với sách dịch từ những sách giáo khoa kinh điển Anh, Mỹ đã tạo cho nước Nhật một địa vị độc tôn về khoa học công nghệ trong vùng Đông Á và cả thế giới. Người Nhật có niềm kính trọng và ưu ái đặc biệt đối với Einstein dù vẫn biết rằng ông đã từng viết thư đến tổng thống Mỹ Roosevelt đề xuất việc chế tạo bom nguyên tử. "Thuyết tương đối" được viết đi viết lại từ dạng khoa học đại chúng đến giáo khoa hàn lâm bởi nhiều tác giả qua nhiều thời kỳ nhưng vẫn còn hấp dẫn độc giả. 

Du khách thập phương đến Nhật không ai không mềm lòng trước nụ cười lịch lãm ân cần, cái cúi đầu chào gập người tôn kính của người Nhật. Sức mạnh mềm lúc đó được phát huy tột độ. Nhưng trên chính trường, cái chào gập người mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Con cháu của Thái Dương Thần Nữ đã từng là một dân tộc viễn chinh với bàn tay sắt máu. Thanh kiếm katana đã từng vung lên loang loáng khắp đại lục Trung Hoa, bán đảo Triều Tiên và cả một vùng rộng lớn Thái Bình Dương. Lịch sử đã chứng tỏ rằng, khi cái chào của một kẻ thắng thế dù có gập người thì không bao giờ có ý nghĩa khiêm cung hay tôn kính mà là thái độ chỉ có thể diễn tả bằng tiếng Nhật là "ingin burei" (ân cần vô lễ). Một thái độ đặc thù Nhật Bản biểu lộ sự lễ độ ngoài mặt nhưng cố tình thị uy cái hống hách bên trong. Trải nghiệm điều này không ai thắm thía hơn người Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhiều năm gần đây, cố ý hay vô tình, những hận thù cũ lại được dịp phơi bày. Mưu mô chính trị chỉ khơi gợi lại những ký ức đau thương không cần thiết. Nhiều người Trung Quốc thức thời thốt lên lời cảnh giác, nhắn nhủ tới đám hậu sinh rằng, "Chớ nên gọi người Nhật là "tiểu Nhật Bản". Họ đáng sợ lắm. Cũng đừng huênh hoang tự hào rằng ta là dân tộc có truyền thống anh hùng. Trong thời chiến, một người Nhật đã điều khiển một trăm người Trung Quốc như một đàn cừu. Một người lính Thiên Hoàng với vài quả cơm nắm đã chiến đấu với mười người của ta cho đến khi gục ngã." 

Nhưng nước Nhật ngày nay đang đứng trước một vấn nạn. Xã hội đang bị lão hóa. Người già gia tăng. Người trẻ chỉ muốn sống độc thân, nếu có lập gia đình thì cũng lười biếng sinh con. Cái biểu đồ hình tam giác biểu hiện sự cân bằng về phân phối dân số với tuổi tác đang bị biến dạng một cách thảm hại. Đường sá ở những vùng quê buồn tênh không một bóng người. Dân số tụt giảm đáng sợ. Nhiều cửa hàng bách hóa phải đóng cửa vì vắng khách. Trường học không đủ học trò. Người trẻ Nhật đa phần vô tư trước thời thế, hoang mang trước lịch sử. Giấc mộng "phú quốc cường binh" dù lặp lại cho thế kỷ 21 bằng cách gia tăng dân số như thời Minh Trị Duy Tân chẳng qua cũng chỉ là giấc mộng. 

Có cái gì rất mong manh nhưng cũng rất kiên cường trong xã hội và con người Nhật Bản. Như những chiếc lá thu đẫm ướt bởi những hạt mưa phùn, bay tơi tả trước ngọn gió đầu đông lạnh lùng không thương tiếc. Rồi mùa Thu năm sau muôn ngàn lá đỏ sẽ tưng bừng trở lại, vẫn kiên cường không bao giờ dứt. Thu, Đông, Xuân, Hạ, rồi lại Thu...

                                                                                                                           Trương Văn Tân  
                                                                                                                         Cận Giáng Sinh 2015