Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Vẹn Thề


Đêm nay..
Quân tử chi giao mượn rượu đào
Kính dâng Người khuất chén thương đau
Tri âm tri kỷ niềm cay đắng
Nước mất nhà tan.. chén máu đào
               * * *
Gió vi vu đưa lời thở than
Đời tù không tội, cảnh mồ hoang
Làm khách ly hương biền biệt xứ
Mẹ Quê Hương hỡi! Lệ tuôn tràn!?
Mẹ chít khăn tang khóc vận nhà
Hòa Bình mang đến dẫm mã cha
Độc Lập Tự Do trong lao lý
Học tập đổi đời chẳng lối ra
Mẹ khóc con chung giọt máu đào
Khóc mờ nhân tính đoạn tình nhau
Đẩy cháu Rồng Tiên đầu ngọn sóng
Lùa anh em dìm xác biển Đông
Khóc trẻ thơ mang thế món hàng
Khoát tràng hoa cưới bước sang ngang
Nơi xứ người làm dâu tức tưởi
Giọt vu quy tanh tưởi vết loang
Tấm băng trinh tiếng khóc đoạn tràng
Thế đấy! Rỡ ràng “Cha dân tộc”!
Lương tri người theo triền đổ dốc

Tổ Quốc ơi! Bài học vinh quang!?
Đêm nay..
Gió vi vu chiêu hồn tử sĩ
Gương anh linh tuẫn tiết khắc ghi
Rượu tâm giao mượn chén vườn Đào
Dòng máu Việt xây rào đắp lũy
Kẻ ra đi bên trời hải ngoại
Nguyện cùng người ở lại sánh vai
Một ngày mai quê hương hùng vĩ

Rợp cờ vàng phất phới tung bay

Kim Phượng
(Úc châu Tháng Tư Đen 2009)



Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Thương Cảm



Nắng tháng Tư ừ hoa phượng đỏ
Đong đưa cành mở ngõ bâng khuâng
Chân trời xa lững lờ mây trắng
Ửng sắc màu hoa nắng rưng rưng

Lời mộng đầu tràn dâng bút mực
Ghi thành dòng nhật ký ngu ngơ
Đôi dăm câu tỏ thư chờ đợi
Lòng Phượng ơi! Hoa rộn hạ về

Mờ lệ nhớ ai xui bối rối
Tim học trò thôi hết vô tư
Đời cuồng nộ chẳng tròn như ý
Cay nghiệt lần tan biến ước mơ

Nắng tháng Tư vuông thơ phượng đỏ
Từ Ba Mươi đó sắc phân ly
Cánh thiên di lạc đàn tìm lối
Phượng máu người hoa rụng tả tơi

Thời mực tím vun lòng kỷ niệm
Khúc nồng nàn đứt đoạn trường ca
Phượng mơ phượng nhớ lời thương hận
Ray rức buồn mỗi nắng tháng Tư
  
Kim Phượng

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

Cánh Hoa Sau Thời Loạn




Ai hát lời hoan ca
Mừng chiến tranh đã qua
Hòa Bình sao vội đến
Tan tác tội đời hoa

Đêm chia ly tiễn anh
Long lanh bờ mi ướt
Giấu đi đôi dòng lệ
Hỏi bao giờ anh về

Cơn mê dài hy vọng
“Học tập xong mười ngày”
Mơ hoài giấc mộng đẹp
Khép nép làm cô dâu

Ngờ đâu lời gian dối
Anh kiếp tù không tội
Nổi trôi kẻ mất nhà
Chờ trắng tóc sương pha

Đường xa xăm chẳng quản
Mỗi lần đến thăm anh
Ra đi tờ mờ sương
Hoàng hôn buông lối về

Anh u buồn cuối mặt
Linh cảm trong ánh mắt
Trăm lần cái mười ngày
Đọa đày hai chúng ta

Hồn treo khô vạt nắng
Niềm cay đắng bủa vây
Anh ngồi đó em đây
Cả trời mây xa cách

Lính hiển hách kiêu hùng
Âu đành chung phận số
Cùm khổ khua trong đêm
Bên thềm xuân vừa đến

Đếm mùa xuân trôi qua
Hương cũ chửa nhạt nhòa
Người vào cõi thiên thu
Kiếp tù còn đeo đuổi

Thân bồi cao thêm núi
Xương phơi trắng Trường Sơn
Hồn gậm hờn cũi sắt
Mặc hoa đời tả tơi

Kim Phượng
2011

Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

Nắng Tháng Tư



Tìm cho thấy mắt nai ngơ ngác
Bên suối mơ xào xạc lá rơi
Em bước tới bàn chân rất nhẹ
Thoát hài hoa động khẽ thơ ngây

Vô tư đôi mắt ấy xa trông
Xao động cả rừng thu bối rối
Tràn ý thơ dâng…Lời thú tội
Lời tình yêu bảo nổi hồ thu

Nắng xô nghiêng phủ gầy vai nhỏ
Đổ xuống đời hiu hắt tháng Tư
Từ đó chưa bao giờ gặp lại
Một lần nào thấy mắt em ngoan

Thời gian trôi rạn vỡ thiên đàng
Nắng tháng Tư vàng lên mấy độ
Ru điệu buồn ve buông tiếng khổ
Phượng trên cành lệ nhỏ rưng rưng

Nắng tháng Tư theo đến mộ phần


Kim Phượng

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Mai Hương, Răng Khểnh Chi Lạ!


Thơ Cảm Tác: Kim Phượng
Thơ Tranh; Kim Oanh

1/ Ước Hẹn Chiều Thu


Nhạc Sĩ: Dương Thiệu Tước
Ca Sĩ: Mai Hương

Loài Hoa Dị Kì


Những con bướm nhỏ huy hoàng
Ép vào cuối vở mộng ngàn trên cao
Lòng sâu lưu bút xôn xao
Mỗi mùa có phượng nôn nao đợi chờ
Nâng niu chép mấy vần thơ
Trải trang giấy trắng tình hờ hôm nao
Thời gian nhẹ bước chiêm bao
Màu hoa sắc máu phượng nào biệt ly

Thôi! Đừng nhung nhớ mà chi...

Kim Phượng

Từ Một Lời Cám Ơn

           (Cho Phượng)

Cám ơn Anh
Lời em. Ừ, rất lạ
Thế đủ rồi, em biết đấy Phượng ơi,
Ta đã tưởng tháng ngày khô hạn mãi
Bỗng bất ngờ, có một hạt mưa rơi

Em đã nói, như sắc âm vô ảo
Bay trở về từ vạn kiếp xa xôi
Ta bỗng nhớ, ngày xưa, xa mờ lắm
Có một lời như nắng xế ngàn khơi

Ừ em ạ
bây giờ ta nhớ rõ
Em. Vô thường. Chợt có. Chợt không
Ta quằn quại trong thiên thu vĩnh cửu
Ta tìm ta mãi chẳng gặp ta

Cám ơn em
Đã cho ta tìm gặp
Kiếp nạn mình, giọt nước mắt trong tim
Và em yêu, sau vạn kiếp đi tìm

Cám ơn em
Vì em cám ơn anh
Lời mông mị mà đã thành vĩnh cửu
Giọt mưa đời khiến cây lá nở hoa

Xứ Phượng Tím 14/03/2011

Duy Phương

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

Bright Vào Thu - Victoria - Úc Châu

Chiếc cầu bắc nhịp người qua lại
Chẳng nối được tình ta với ai











Kim Phượng

Sóng Tình

Cháu Phượng Thương mến,
Bác đọc bài thơ ''Sóng đời '' của Cháu hay tuyệt, cho nên Bác cảm tác lại bài thơ của Cháu cho vui những ngày ở Vĩnh Long,chúc Cháu luôn khỏe.
Bác Thân.

      

Từ ngày giã biệt cố hương
Thăng trầm thế sự, náo nương xứ người
Còn đâu mắt biếc môi cười
Còn ai san sẻ, cuộc đời bễ dâu

Sóng đời phiêu bạt nơi đâu?
Sóng tình ấm ủ, buổi đầu quen nhau
Sương rơi từng giọt não sầu
Dư âm ngày cũ, còn đâu hẹn thề!

Xa xăm trở gót quay về
Sầu vương khóe mắt, tư bề lặng im
Mưa rơi gió tạt bên thềm
Cô miên tĩnh giấc, thấy mình đơn thân

Thương ai mơ bóng tưởng hình
Bức tranh vân cẩu, sóng tình nhấp nhô

Bùi Văn Thân

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Tảo Hàng Giang Thượng Hữu Hoài

      Cổ thi có câu:

      Hồ mã tê Bắc phong, (Ngựa Hồ cất tiếng hí vang khi gió từ phương Bắc thổi đến)
      Việt điểu sào Nam chi.(Chim Việt dù kiếm ăn nơi đâu, khi làm tổ đều chọn cành hướng nam)
      Chim Việt là loài chim sinh ở đất Việt, thuộc phía nam nước Tàu. Mỗi năm cứ đến buổi đầu thu, từng đàn chim Việt bay sang phương Bắc để kiếm ăn.
      Tuy sang phương Bắc nhưng đàn chim Việt vẫn nhớ quê hương. Muốn làm ổ, chúng chọn cành cây chĩa về phương Nam, tức là phương của quê nhà mà chim sinh trưởng.
      Chim Việt (Việt điểu) để chỉ chim nhớ quê hương cố quốc.

      Ngựa Hồ là ngựa ở nước Hồ. Nước này ở về phương bắc nước Tàu mà ngày xưa người Tàu thường cho là nước man rợ hay cũng gọi là Phiên quốc. Ngựa Hồ cao lớn, leo núi rất giỏi, chạy rất nhanh. Người Trung Quốc thường mua về làm ngựa chiến trận. Nước Hồ vốn là xứ lạnh. Khi đông về, gió bấc thổi, tuyết rơi lả tả, gió lạnh tê tái.
      Ngựa Hồ tuy về Trung Quốc, là nơi tương đối ấm áp nhưng vẫn nhớ đến đất Hồ tê lạnh, mỗi độ đông về. Vì thế khi có gió bấc là gió phương bắc thổi đến, tuyết rơi lả tả nơi đất Trung nguyên thì ngựa cất tiếng hí lên thê thảm tỏ lòng nhớ cố quốc.
      "Chim Việt ngựa Hồ" trở nên thành ngữ, có nghĩa bóng là không quên nơi quê hương cố quốc dù ở nơi đất khách quê người.


Chúng ta cùng lắng nghe tâm sự của Mạnh Hạo Nhiên qua bài thơ sau đây:

早寒江上有懷 Tảo Hàn Giang Thượng Hữu Hoài

木落雁南渡, Mộc lạc nhạn nam độ,
北風江上寒。 Bắc phong giang thượng hàn.
我家襄水曲, Ngã gia Tương thuỷ khúc,
遙隔楚雲 端。 Dao cách Sở vân đoan
鄉淚客中盡, Hương lệ khách trung tận,
孤帆天際看。 Cô phàm thiên tế khan.
迷津欲有問, Mê tân dục hữu vấn,
平海夕漫漫。 Bình hải tịch man man.

孟浩然 Mạnh Hạo Nhiên


- 端 Đoan = 2 trượng.
Vân đoan: mấy đường mây, ý nói đường xa xăm
Dịch Nghĩa: Rét Sớm Trên Sông Lại Nhớ

Cây rụng lá nhạn bay về nam
Gió từ hướng bắc trên sông thêm lạnhNhà của ta ở trên khúc sông Tương
Cách xa đất Sở mấy khoảng đường mây
Nơi đất khách nhớ quê nước mắt đã cạn
Nhìn cánh buồm lẻ loi nơi bầu trời
Mịt mờ bờ bến muốn hỏi thăm đường
Biển yên lặng lúc chiều tối thật mênh mông

Dịch Thơ:

1
Lá rụng nhạn về nam
Trên sông gió lạnh căm
Sông Tương nhà chốn đấy
Đất Sở đường xa xăm
Lệ cạn quê hương nhớ
Cuối trời thuyền lặng tăm
Mịt mờ sao hỏi lối
Biển tối sóng âm thầm
2
Chim nhạn về nam cây trụi lá
Trên sông gió bấc lạnh khôn lường
Nhà ta mãi tận sông Tương đó
Đất Sở vời xa mấy khoảng đường
Xứ khách nhớ quê dòng lệ cạn
Cánh buồm lặng lẽ giữa trời sương
Hỏi ai khi bến bờ mù mịt
Biển tối mênh mông dạ thảm thương

Quên Đi
* * *
Nhận được bài thơ của Mạnh Hạo Nhiên do anh Đức mới gởi đến, đọc cũng cảm xúc vô cùng . Xin góp vần và gởi đến các bạn đọc giải khuây .

Dịch Thơ
Cảm Hoài Mùa Lạnh Sớm Trên Sông

(1)
Lá rơi , hồng nhạn hướng trời nam,
Gió bắc trên sông lạnh thấm tràn .
Tương thủy nhà ta trên khúc ấy ,
Cách xa mây Sở lúc bay ngang .
Tình quê lệ thắm đau lòng khách ,
Một cánh buồm đơn chốn biệt ngàn .
Lạc hướng đường về muốn hỏi lối ,
Chiều tà , nuớc lặng biển mênh mang .

(2)
Lá rơi, hồng nhạn về nam,
Trên sông gió bắc lạnh tràn mênh mông.
Nhà ta Tương thủy khúc sông ,
Cách xa mây Sở xa trông diệu vời .
Nhớ nhà khiến khách lệ rơi ,
Buồm đơn lặng lẽ bên trời hướng quê .
Lầm đường muốn hỏi nẻo về ,
Chiều tà biển lặng não-nề mênh mông .

( 3)
Lá rơi ,trời Nam chim lướt cánh ,
Sông dài , gió bắc lạnh cắt da .
Tương thủy khúc đó nhà ta ,
Muôn trùng mây Sở trông xa diệu vời .
Nhớ nhà , khách lệ rơi ướt đẫm ,
Cánh buồm đơn , thăm thẳm chân trời .
Mịt mờ lối cũ đâu rồi ,
Chiều tà biển lặng , bồi hồi lòng ai .

Mailoc phỏng dịch

* * *
Song Quang xin cũng chung vui vài vần thơ giải sầu, .bài thơ nương theo ý nhưng không xác nghĩa nguyên tác của Mạnh Hạo Nhiên. Xin thứ lỗi cho.

Lạnh Sớm Trên Sông Cảm Tác
Lá rụng, phương Nam nhạn lại về
Trên sông gió Bắc lạnh lê thê !
Tương giang chốn ấy nhà ta đó
Đất Sở đường xa dạ nhớ quê
Viển xứ thương nhà dòng lệ đỗ
Cánh buồm đơn lẻ giữa trời mê
Lối đi lạc nẻo lòng muốn hỏi
Biển lặng chiều trôi quá não nề .

Song Quang

* * *

Kim Phượng xin phép được tham gia.

Dòng Sông Gợn Nhớ

Lá đổ trời nam nhạn xoải cánh
Gió từ phương bắc lạnh dòng sông
Nhà ta cạnh khúc Tương giang ấy
Cách khoảng đường mây đất Sở xa
Kẻ lữ khách sa dòng lệ cạn
Cánh buồm thấp thoáng giữa mênh mông
Nơi nao bờ bến hồi quê cố
Biển vắng chiều hôm sóng vỗ bờ

Kim Phượng phỏng dịch


Chú Thích :
Cảm xúc trên sông khi trời lạnh sớm.
1. Mộc Lạc : là CÂY RỤNG, ta biết là Cây không thể rụng được, vì trong tiếng Hoa và tiếng Việt ta không có Thể Thụ Động ( Passive voice ) , nên ở đây phải hiểu là : Cây bị rụng hết lá vì trời đã cuối thu. Ở đây chỉ những loại cây thuộc " Lạc diệp kiều mộc " 落葉喬木, là loại cây có thân cao to và lá sẽ vàng rụng vào mùa thu.
2. Nhạn Nam Độ : Sao không nói là Nhạn Nam PHI mà nói là Nhạn Nam ĐỘ.渡, Thì ra ĐỘ ở đây có ba chấm thủy chỉ đi ngang qua sông hồ ao biển. Vì tác giả đang ở trên sông, nên nhìn thấy chim Nhạn bay ngang qua sông đi về hướng Nam.
3. Giang Thượng : là Trên sông, xác định lại một lần nữa là Tác giả đang đi thuyền trên sông.
4. Tương Thủy : 襄水 Tương Thủy nầy khác với Tương Giang 湘江 mà ta thường hay nhắc tới là : Quân tại Tương giang đầu, Thiếp tại Tương giang vĩ... Tương Thủy nầy chảy ngang qua phía Nam thành Tương Dương nên nay được đổi tên thành Nam Cừ. Nhà của Mạnh Hạo Nhiên ở Lộc Hành Sơn, mao lư của ông nằm ở chỗ uốn khúc ( voi hay vịnh ) của dòng Tương thủy. Nhập giang tùy KHÚC là chữ KHÚC nầy đây.
5. Vân Đoan : Đoan là ngay ngắn( Đoan chính ), là đầu, là đầu mối ( chấp kỳ lưỡng đoan : Giữ lấy 2 đầu ), là Bưng, là Lý do... Ở đây VÂN ĐOAN là Trong đám mây, ngay cái đám mây đó đó...
6. Hương Lệ : Không phải là giọt lệ của quê hương , mà là giọt lệ rơi vì thương nhớ quê hương.
7. Thiên Tế : là đường chân trời ( Horizon ). Ta có thể hiểu là Góc trời, Bên trời gì cũng được.
8. Mê Tân : Tân là Bờ, là Bến. Mê Tân ta quen gọi là Bến Mê ( Bọt trong bể khổ bèo đầu Bến Mê ). Nhưng ở đây chỉ Bến bờ mờ mịt không biết nới đâu.
9. Bình Hải : là Mặt biển bằng phẳng ?. À, thì ra ngày xưa phương tiên giao thông thô sơ, trên chiếc thuyền nhỏ nhìn ra sông lớn, cũng chỉ thấy trời nước mênh mông, nên gọi là Bình Hải, chớ không có biển gì ở đây cả !
10. Tịch : là Đêm ( Thất tịch, Trừ tịch ). là Buổi chiều, là Hoàng hôn : Tịch Dương là Nắng Chiều. TỊCH MANG MANG là Chiều xuống mênh mông, là Hoàng hôn phủ đầy bầu trời.

Ta thấy Mạnh Hạo Nhiên toàn dùng những từ rất lắc léo, rất đặc biệt và sử dụng cả những biện pháp Tu Từ, Mỹ từ Pháp rất mới đối với lúc bấy giờ.

Dịch Nghĩa :
Ngồi trên thuyền nhìn lên hai bên bờ, thấy cây đều đã rụng hết lá, nhìn lên bầu trời lại thấy đàn chim nhạn bay ngang sông để về Nam. Gió bấc về làm lạnh cả dòng sông, nhà ta ở mãi tận khúc quanh của dòng Tương Thủy, cách trở xa xôi như đám mây Sở xa xa kia. Giọt lệ nhớ quê nơi đất khách đã hầu cạn rồi, nhưng chỉ thấy được có cánh buồm đơn lẻ ở phía chân trời. Nếu có muốn hỏi nơi đâu là bờ bến thì cũng không biết nơi đâu trước cảnh mịt mù của buổi hoàng hôn trong sóng nước mênh mông nầy.

Diễn nôm :
Lục bát :
Lá rơi nhạn hướng về nam,
Ù ù gió bấc lạnh tràn trên sông.
Sông Tương quê cũ vời trông,
Ngẩn ngơ mây Sở cách ngăn mấy lần.
Nhớ quê dòng lệ cạn dần,
Buồm côi đơn lẻ chiếc thân u hoài.
Bến mê như muốn hỏi ai,
Mênh mông sông nước cho dài hoàng hôn !
Đỗ Chiêu Đức.



Huỳnh Hữu Đức Biên soạn
 

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

Thu Ca - Điệu Ru Cô Đơn




(Cảm xúc từ tiếng hát Thái Thanh
* Lời nhạc của Nhạc Sĩ Phạm Duy)

Mùa thu nức nở tiếng thở dài *
Vỹ cầm vang vọng khúc Thu Ca
Ngồi đây tưởng nhớ ngày xưa cũ
Ấp ủ những gì của chúng ta

Tiếng lá lao xao hay tiếng lòng
Trời ơi không! Điệu Ru Cô Đơn
Như hờn oán trách mùa thu đã
Ngập lá vàng rơi lấp mộ chôn

Chôn hết cả thời ta có nhau
Còn đây mỗi một vết thương sâu
Còn đây chiếc lá thu vàng úa
Chạnh mối u hoài lá chết khô

Lòng ta khốn khổ với mỏi mòn *

Kim Phượng

Cảm Thu Melbourne


Vĩnh Long mới vào hè
Còn vắng tiếng sầu ve
Phượng hồng chưa hiện diện
Sao ray rức triền miên

Thu về trên phố biển
Nhìn lá úa ngoài hiên
Ta nghe lòng nhung nhớ
Người em của Melbourne

Từng chiếc vàng úa rũ
Tình em cõi hoang vu
Ta nô lệ bên đường
Mộng về một chữ thương

Khi chiều vừa tắt nắng
Thả hồn vào tĩnh lặng
Mơ đến một chân trời
Cùng ngắm lá thu rơi

Ước vọng sẽ có ngày
Sắc lá chuyển vàng phai
Bước chân ta tìm đến
"Melbourne" thầm gọi tên

  
Quên Đi

Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

Đàng Thánh Giá




Đàng Thánh Giá trong ngôi nhà nguyện
Mười bốn chặng đường chuyện nhân gian
Lối về nước Chúa thiên đàng
Đau thương khổ nhục gian nan phận người

Ẩn trong tiếng khóc cười nhân thế
Thập tự cao nhập thể hy sinh
Thác tuôn nguồn suối ân tình
Trong con Ngài sống hiển linh ngôi trời

Yêu thương tình cao vời Thiên Chúa
Thụ nạn hình nhầy nhụa thương đau
Tình con vời vợi nôn nao
Kiếp người mỗi chặng Chúa vào thọ thân


Kim Phượng

 

Kỳ Công Của Con Người

      Italy vĩ đại và lãng mạn. Vatican cũng vĩ đại xứng đáng là trung tâm tinh thần và quyền lực của Ki Tô Giáo.  Ở đâu cũng có giáo đường. Mỗi nơi mỗi vẽ, là những kỳ công của con người.
Venice đẹp mong manh. Những vẽ đẹp trong kiến trúc, điêu khắc (Michelangelo), tranh vẽ (The last supper) không thể diễn tả bằng lời...



Trương Văn Tân

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Trúc Mai

       Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn diễn tả lúc nàng Kiều bán mình chuộc cha, đành lỗi ước với Kim Trọng, nàng than thở có câu:
                         Tái sinh chưa dứt hương thề
                Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai. 
Và, đoạn diễn tả cảnh của Kiều lúc sống đầm ấm với Thúc Sinh:  
                        Một nhà xum họp trúc mai,                  
                Càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông.
      "Trúc mai" là cây trúc và cây bương.
Trúc thuộc một loại tre nhỏ. Bương là một giống tre to ở rừng. Lá to có thể dùng gói bánh. Thân to dùng làm cột nhà. Cây bương già có hoa, gần giống bông lau nhưng dài hơn, người ta gọi là bông mai, thường bó làm chổi, gọi là chổi bông mai. Mai này không phải cây mơ, nở hoa trắng về mùa xuân.
      Măng bương to và mập, người ta gọi là măng mai. Trong ca dao "Lính thú ngày xưa" có câu:  

                         Miệng ăn măng trúc măng mai,
                          Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng. 
"Trúc mai" ở đây chỉ người bạn tình chung thủy. Vì trúc và mai là giống cây có đốt thẳng lóng ngay (tiết thẳng); và suốt đời không thay đổi đốt, lóng ấỵ Người ta mượn "trúc mai" để chỉ người bạn suốt đời giữ được trọn tiết (tiết nghĩa đen là đốt, như đốt trúc), không thay lòng đổi dạ, không nghĩ quanh co (tre bao giờ cũng thẳng) tức là người giữ trọn được lời thề.
Hai người thề bồi với nhau, người này không giữ được lời thề, tức là mang nợ (lời thề) với người kia.
Và, theo thuyết luân hồi của đạo Phật: người mắc nợ kiếp này thì kiếp sau phải làm trâu ngựa để trả cái nợ cho người chủ nợ, như thế là tức là người giữ trọn lời thề.
      Hình dung bằng cây trúc, cây mai là những người trọn đời giữ vững lòng ngay tiết thẳng.
      Nhưng "Trúc mai" còn có một nghĩa khác hơn.
Đây không phải là cây tre và cây mơ (bamboo et abricotier), cũng không phải là cây tre và cây bương.
Mà chính do tiếng "Mai trúc" đảo ngược. Nghĩa là Tre làm mai mối.
      "Mai trúc" do điển tích chép trong sách "Lưỡng ban thu vũ am tùy bút":
      Ở cửa sông Liêu Khê, huyện Long Môn, tỉnh Quảng Đông có một cái đầm (hồ), tên là "Đỗ Phụ đàm" (nghĩa là đầm đánh đố được vợ).
      Tương truyền ngày xưa có một cậu và một cô bé trạc tuổi nhau, thường ngồi chơi bên mé đầm. Hai trẻ rất thân. Một hôm cả hai bảo nhau:
      - Chúng ta bây giờ chơi thân nhau nhưng không biết có được thân với nhau mãi chăng? Đây rồi khi lớn lên, kẻ nơi người ngã.
Hai trẻ đều buồn. Nhưng rồi lại nghĩ ra một cách đánh đố nhau, chẻ một lóng tre ra làm đôi, mỗi người cầm một mảnh liệng xuống dòng nước, nguyền với nhau rằng: hể hai thanh tre ấy mà trôi khép lại làm một thì hai bên kết làm vợ chồng. Có thế mối tình thân mật, gần gũi nhau được mãi mãi.
Cả hai thực hành, quả nhiên hai mảnh tre trôi xuôi và khép liền nhau như lóng tre chưa chẻ.
      Thế là cô cậu lấy nhau làm vợ chồng. Và, đầm ấy có tên là "Đỗ Phụ đàm". Giống tre mọc ở trên bờ đầm gọi là "Mai trúc" nghĩa là giống tre làm mai mối.
      Đời Thanh (1644-1909), thi hào Khuất Ông Sơn có thơ vịnh trúc mai:
Một đôi thanh trúc khép như in
Thanh trúc xe nên duyên bách niên.
Mai trúc trên đầm nay vẫn tốt,
Rườm rà cành nhánh cháu con hiền. 

(Bản dịch của Vân Hạc Lê Văn Hòe.)


Nguyên văn:
Lưỡng biên sinh trúc hợp vô ngần,
Sinh trúc năng thành phu phụ ân.
Đàm thượng chí kim mai trúc mỹ,
Chi chi từ hiếu cánh đa tôn.
  

    "Một nhà xum họp trúc mai" là mai trúc ở chung nhau tức là vợ chồng xum họp.

Trích Điển Hay Tích Lạ 

Kim Phượng sưu tầm

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

Tạ Tình




Ngày đổ vỡ nghe tim mình rướm máu
Hiểu được nỗi đau kẻ bị chối từ
Thống hối ăn năn dường như đã trễ
Khi biết người sang thế giới bên kia

Tình đơn phương ước vọng thật xa lìa
Xin tạ lỗi tim hằn sâu nhức nhối
Ưu phiền người tự hành tội xác thân
Khi tôi lẫn tránh dửng dưng đối mặt

Quân y viện trưa buồn hiu hắt nắng
Ảo vọng xưa trong ánh mắt van cầu
Giờ thấm đau ai kia không còn nữa
Thầm nghe lệ ứa ngập hồn côi

Nỗi đau này riêng dành lại cho tôi!

Kim Phượng


Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Khúc Phượng Cầu Hoàng



      Tư Mã Tương Như, tự Tràng Khanh, người ở Thành Đô đời nhà Hán. Người rất đa tài, văn hay, đàn giỏi.
      Khi lìa quê lên Tràng An để lập công danh, đến con sông đầu làng, Tương Như viết trên cầu một câu: "Bất thừa cao xa tứ mã, bất phục quá thử kiều" (Không ngồi xe cao bốn ngựa, không qua lại cầu này nữa).
      Nhưng vốn con người phóng lãng hào hoa rất mực nên mua được một chức quan nhỏ, làm trong ít lâu, chán, cáo bịnh, qua chơi nước Lương, rồi trở về nước Thục. Đến đâu, Tương Như cũng dùng bút mực và cây đàn để giao thiệp bằng hữu.
      Trong khi đến đất Lâm Cùng, Tương Như vốn sẵn quen với Vương Cát là quan lệnh ở huyện, nên đến chơi. Cát lại mời Tương Như cùng đi dự tiệc ở nhà Trạc Vương Tôn, vốn viên ngoại trong huyện. Nghe tiếng Tương Như đàn hay nên quan huyện cùng Trác Vương Tôn yêu cầu đánh cho một bài.

      Họ Trác vốn có một người con gái rất đẹp tên Văn Quân, còn nhỏ tuổi mà sớm góa chồng, lại thích nghe đàn. Tương Như được biết, định ghẹo nàng, nên vừa gảy đàn vừa hát khúc "Phượng cầu hoàng (Chim phượng trống tìm chim phượng mái).

Chim phượng, chim phượng về cố hương,
Ngao du bốn bể tìm chim hoàng
Thời chưa gặp chừ, luống lỡ làng.
Hôm nay bước đến chốn thênh thang.
Có cô gái đẹp ở đài trang,
Nhà gần người xa não tâm tràng.
Ước gì giao kết đôi uyên ương,
Bay liệng cùng nhau thỏa mọi đường.

Nguyên văn:

Phượng hề, phượng hề quy cố hương,
Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng,
Thời vị ngộ hề vô sở tương,
Hà ngộ kim tịch đăng tư đường.
Hữu diện thục nữ tại khuê phường,
Thất nhĩ nhân hà sầu ngã trường.
Hà duyên giao cảnh vi uyên ương
Tương biệt cương hề cộng cao tường.


      Trác Văn Quân nghe được tiếng đàn, lấy làm say mê, đương đêm bỏ nhà đi theo chàng. Trác ông tức giận, quyết định từ con.
      Đôi trai gái đó mở một quán nấu rượu. Vợ chồng cùng cặm cụi làm.
      Sau Hán Vũ Đế đọc bài "Tử hư phú" của Tương Như, khen tài mới vời vào triều, ban chức tước. Lại sai chàng cầm cờ tiết, thay nhà vua về Ba Thục chiêu an bọn phụ lão tùng phục nhà Hán. Lần này thỏa chí bình sinh, Tương Như áo gấm vinh quy được người đón rước long trọng. Nhưng làm quan ít lâu, lại chán, cáo bịnh lui về quê.
Trong "Bích Câu kỳ ngộ" có câu:

Cầu hoàng tay lựa nên vần,
Tương Như lòng ấy, Văn Quân lòng nào.

Và, trong "Đoạn trường tân thanh" của Nguyễn Du cũng có câu;đều do điển tích trên

Khúc đâu Tư Mã phượng cầu,
Nghe ra như oán, như sầu phải chăng!

Trích Điển Hay Tích Lạ
Kim Phượng sưu tầm

Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

Thơ Tranh: Có Những Đêm


Thơ: Đỗ Hữu Tài
Thơ Tranh: Khúc Giang

Có Những Đêm


(Cảm tác bài thơ Có Những Đêm của Đỗ Hữu Tài)

Có những đêm nằm chờ đợi sáng
Kiếm trăng ngàn thỏa bước chân rong
Đi đi về đến dòng sông cũ
Màu tím hoa trôi ủ giấc nồng

Có những đêm mong thời khắc qua
Thèm nghe kẽo kẹt võng quê nhà
Khát khao hơi ấm vòng tay mẹ
Êm ái đầu đời nôi trẻ thơ

Có những đêm mơ hồ ngủ say
Tường vôi ủ rũ trắng canh dài
Rưng rưng hồi tưởng thời thơ dại
Tìm lại mùi hương áo mẹ già

Có những đêm ngút ngàn nhớ em
Còn thơm tuổi ngọc dấu chân mềm
Chiêm bao đất khách ngày mong đợi
Ru giấc thiên thần có những đêm

Kim Phượng


Thơ Tranh: Bạn Cùng Ta Đêm Nay


Thơ: Kim Phượng 
Thơ Tranh; Kim Oanh

Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

Khuấy Sương Mù

 

Sáng nay khuấy vũng sương mù
Đời như con vụ, xoay vù quanh tôi
Mặt trời chóng mặt ngả rồi
Con đường biên giới, rừng ôi là rừng
Xe tôi lái trũng vô cùng
Lái quanh, lái quẩn, giữa thung cuộc đời
Nhấp vài hớp đắng vào môi
Mặt trời thành khói tả tơi bay rồi
Sáng nay đi kiếm mặt trời
Sương mù quấn chặt một người . Hư hao 


Hoài Tử

Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

Bạn Cùng Ta Đêm Nay




Mây! Cùng ta dạo bước lang thang 
Đến tận bờ kia nắng sắp tàn 
Đón ánh trăng ngà soi lối cũ 
Mong người về rủ áo phong sương 

Nếu thương mây nán lại đêm nay 
Thinh lặng chia đôi tiếng thở dài 
Giọt lệ xót chung tuôn dòng đổ 
Mây đi rồi…nỗi khổ sao đây 

Lòng buồn xin chớ buồn lây theo 
Vằng vặt trăng treo lơ lững đầu 
Chạm bóng vai gầy thêm thấm lạnh 
Từng âm xưa vọng tiếng buồn tênh  

Hết đêm rồi đến phút chia xa 
Cám ơn mây nán lại cùng ta 

Kim Phượng

Muốn Đến Cùng Nhau


 
Phải chăng hồn mộng vẫn lang thang
Hay dật dờ như kiếp sống tàn
Muốn đến chốn nao tìm bến cũ
Lòng mong nơi rủ bỏ cô đơn


Những muốn cùng em trọn đêm nay
Hàn huyên nỗi nhớ suốt canh dài
Mừng mừng tủi tủi từng giọt đổ
Xót xót thương thương khổ mãi đây


Yêu này sao cứ mãi bám theo
Lơ lững tim treo cất giữ dùm
Tơ tưởng tình ta thêm giá lạnh
Chờ tin thắt thẻo dạ buồn tênh


Mơ chỉ là mơ thực mãi xa
Ước hẹn một ngày ta với ta.


Quên Đi


Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

Giảo Thố Tam Quật


                      

       "Giảo thố tam quật" nghĩa là "con thỏ khôn có ba ngách hang". Ý nói: thỏ có ba ngách hang để tránh cho khỏi bị chết; cũng như con người phải có trí mưu tự tồn.
      Câu này là do Phùng Huyên bày kế cho Mạnh Thường Quân.
Sách cổ văn có chép:
Phùng Huyên người nước Tề, đời Chiến Quốc (470-221 trước D.L.) làm thực khách ở cửa Mạnh Thường Quân là Tướng quốc nước Tề. Một hôm, Mạnh Thường Quân đưa sổ bộ ra hỏi các thực khách xem có người nào biết về việc kế toán, nhờ qua đất Tiết, là phong ấp của Thường Quân, để thu các mối nợ, thì xin ký tên vào sổ. Phùng Huyên nhận sổ ký tên. Thường Quân lấy làm lạ hỏi tên họ người ký là ai? Kẻ tả hữu đáp:
      - Đó là người thường ca câu "trường hiệp quy lai".
      "Trường hiệp" là cán gươm dài, "quy lai" là đi về. Nguyên trước khi ấy, họ Phùng có ba lần ca. Lần thứ nhất là:
"Ở đây không có cá, nên mang gươm dài đi về".
Lần thứ hai ca:
"Ở đây không có xe, nên mang gươm dài đi về".
Lần thứ ba ca:
"Ở đây không có nhà cho cha mẹ ở, nên mang gươm dài đi về".
Họ Mạnh cười, ân hận lỗi mình đã bạc đãi họ Phùng, nên cho người mời Phùng đến tạ:
- Văn này chìm đắm trong công việc quốc gia rất mỏi mệt, lòng lo rối loạn mà tính lại ngu đần, không rảnh gặp mặt, xin tạ tội cùng tiên sinh. Tiên sinh đã không lấy làm hổ thẹn, nay lại có ý muốn vì tôi đi thu nợ ở đất Tiết chăng?
Phùng thưa:
- Huyên nguyện đi.
Khi ra đi, họ Phùng hỏi: thu nợ xong rồi có cần mua vật gì? Mạnh bảo: xem trong nhà còn thiếu vật gì thì cứ mua về.
Phùng Huyên đến đất Tiết, cho người thuộc lại mời tất cả những người thiếu nợ đến đông đủ, rồi truyền rằng Mạnh Tướng quốc ra lịnh xóa bỏ tất cả số nợ. Và, để cho mọi người tin tưởng, Phùng đem đốt hết những văn khế nợ. Dân đất Tiết vui mừng, tung hô vạn tuế.
Khi họ Phùng trở về, Thường Quân lấy làm lạ cho là đòi nợ cách gì mà mau chóng thế, mới hỏi:
- Thu nợ xong phải không?
- Thu xong cả.
- Có mua gì về không?
- Khi đi, Tướng công có bảo: nên mua những vật gì trong nhà còn thiếu. Tôi trộm nghĩ trong bụng
Tướng công chất chứa những đồ trân bảo, ngoài chuồng nuôi đầy chó ngựa, nhà sau la liệt những mỹ nhân, vậy vật mà Tướng công còn thiếu, chưa có là điều Nghĩa, nên tôi trộm lịnh mua điều Nghĩa đem về.
Thường Quân ngạc nhiên hỏi:
- Mua điều nghĩa thế nào?
Họ Phùng đáp:
- Tướng công nguyên trước được phong cho thực ấp ở đất Tiết là đất nhỏ mọn, mà không lo vỗ về thương yêu dân, lại còn mưu toan làm lợi. Vì vậy, tôi trộm lịnh xóa cho tất cả các con nợ, nhân đó thiêu hủy cả văn khế, được dân chúng vui mừng tung hô vạn tuế. Ấy là tôi vì Tướng công mua được điều nghĩa vậy.
Thường Quân nghe nói không bằng lòng, nhưng phải bỏ qua.
      Một năm sau, vua Tề không dùng Mạnh làm Tướng quốc nữa, phải về đất Tiết ở. Bấy giờ bá tính đất Tiết, trai gái già trẻ đua nhau đến đón rước giữa đường, hoan hô nhiệt liệt. Khi ấy, Mạnh quay lại Phùng Huyên mà bảo rằng:
- Tiên sinh vì Văn này mua điều nghĩa, ngày nay Văn mới trông thấy.
Phùng thưa:
- "Con thỏ khôn có ba cái ngách hang mới khỏi chết", nay Tướng công mới có một ngách hang, chưa được dựa gối nằm yên, tôi xin vì Tướng công đào thêm hai ngách nữa.
Mạnh nghe nói, liền ban 50 cỗ xe và 50 cân vàng để họ Phùng hoạt động. Họ Phùng liền tây du nước Lương, bảo vua Huệ Vương nước Lương rằng:
- Được người hiền thì nước mạnh, bỏ người hiền thì nước yếu. Nước Tề nay bỏ Mạnh Thường Quân, nếu Lương dùng làm tướng thì Mạnh Thường Quân sẽ đem những việc khả dĩ làm lợi cho Tề được mà làm lợi cho Lương. Như vậy, Lương sẽ hùng mạnh mà Tề nguy mất.
      Lương Huệ Vương bằng lòng khiến sứ giả đem 1000 cân vàng và 100 cỗ xe qua mời Thường Quân. Giữa lúc ấy, Phùng lại sang Tề, vào yết kiến Tề Mân Vương bảo:
- Được người hiền thì nước mạnh, bỏ người hiền thì nước yếu. Nay Tề bỏ Mạnh Thường Quân, nếu nước Lương hay một nước nào khác dùng làm tướng thì Mạnh Thường Quân sẽ đem những việc khả dĩ làm lợi được cho Tề mà làm lợi cho nước khác. Như vậy, nước khác sẽ hùng mạnh. Huống chi Mạnh trước kia ở Tề, những việc bí mật của Tề, Mạnh đều hiểu biết, như vậy dù muốn dù không Mạnh cũng dựa theo đó mà làm nguy Tề.
      Mân Vương ngoài miệng tuy khen phải nhưng lòng còn do dự. Bỗng có quân báo nước Lương đương cho xe ngựa đi rước Mạnh Thường Quân về làm Tướng quốc, nên lập tức sai quan Thái Phó đem 1000 cân vàng và văn xa tứ mã (xe có vẽ vời và gác 4 ngựa) cùng một bảo kiếm, một phong thư đến xin lỗi Thường Quân và xin mời về làm tướng như cũ.
      Sau khi vua Tề tái dụng Thường Quân, Phùng Huyên lại khuyên Mạnh nên thỉnh cầu cho đủ những đồ tế khí của tiên vương và xin lập nhà tôn miếu ở đất Tiết. Vì Mạnh vốn là dòng dõi của vua Uy Vương nước Tề, xong lập tôn miếu ở đất Tiết để thờ tiên vương làm căn bản vững vàng, sau này nước Tề chẳng những không dám đoạt đất Tiết, mà phải cứu trợ một khi đất Tiết bị nước khác xâm lăng.
Vua Tề không hiểu được mẹo của Phùng Huyên nên bằng lòng cho Mạnh thiết lập tôn miếu ở đất Tiết. Khi ấy họ Phùng bảo Mạnh:
- Ngày nay ba ngách hang đã đào xong, Tướng công có thể dựa gối cao mà nằm được yên vậy.
Mạnh Thường Quân làm Tướng quốc hơn vài mươi năm, không xảy ra chút mảy tai họa gì là nhờ mưu kế "Giảo thố tam quật" của Phùng Huyên.
      "Ba ngách hang" của Phùng Huyên là: mua nghĩa, lập kế cho vua Tề tái dụng làm tướng, lập tôn miếu ở đất Tiết.
Thành ngữ "Giảo thố tam quật" chỉ con người cần phải có trí mưu để tạo nhiều điều kiện, nhiều phương tiện mới tự tồn được.

Trích Điển Hay Tích Lạ 


Kim Phượng sư tầm

Lá Thu Phai

       Bóng chiều dần sắp tắt nơi vườn sau nhà. Vậy mà, vài vạt nắng vàng còn luyến lưu lá Thu phai, gây mang mang niềm nhớ nơi lòng người bên trong song cửa.
      Xanh xanh sắc biếc thời hoa mộng
      Ươm vàng biến đổi bởi nhớ thương










Kim Phượng
Thu Melbourne

Hạ Giao Mùa



Chiều Xuống Lưng đồi chim mỏi cánh
Thẩn thơ ai đứng dáng nghiêng đầu
Rèm mi khẽ khép mây sông đỏ
Sóng vỗ ru em đến cuối trời

 Kim Phượng 

           (Chị Phượng cho em cảm tác đôi câu)

Chiều nay hương gió mùa giao hạ
Phượng sớm vấn vương nở nụ đầu
Soi gương tóc bạc hoàng hôn đến
Tiếc ngày tháng cũ tuổi thần tiên

Phủ Hiền

Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2014

Melbourne Vào Thu

      Melbourne bước vào Thu từ đầu tháng Ba và tùy theo thời tiết thay đổi mỗi năm, lá sẽ trở mình sớm hoặc muộn.
      Hàng năm khoảng tuần lễ thứ nhì của tháng Năm, đại gia đình chúng tôi thường tìm đến Bright. Lưu lại nơi này đôi ba ngày để đón nắng Thu và nhặt lá vàng bay. Cái lãng mạn, sức quyến rũ của lá Thu, khiến tôi chao đảo đến mấy ngày, sau khi rời khỏi nơi đây. Và lòng tự nhủ "Sẽ đem mùa Thu của Bright về sân sau nhà mình!". 
      Ước mơ đã thành hiện thực!
 Nghệ sĩ ơi! Lơi cung trầm bổng
Hồn thu trở giấc họa thanh âm









Kim Phượng