Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2022

Cậu Ấm!


    Những chàng trai con các lão phú hộ, đại điền chủ, gia đình thừa tiền lắm bạc thời phong kiến hoặc con các đại gia bây giờ, người đời, hay gọi là “Cậu ấm”.
Thế thì, Ba tôi cũng là “Cậu ấm” đấy, con trai thứ mười và là con út của ông Bang ở ấp Phú Hữu, tỉnh Vĩnh Long.

    Vậy “Cậu ấm”, ba tôi, ấm lạnh như thế nào!?

    Nội, một đại điền chủ, ruộng cò bay thẳng cánh, có của ăn của để, nhưng hiền đức, thương người ăn kẻ ở trong nhà. Đối với tá điền, nội luôn rộng rãi, hay giúp đỡ và không hà khắc. Sống với ruộng đồng, nhưng nội có vốn chữ nghĩa, có chí cầu tiến. Thời bấy giờ, dưới sông, nội sắm ghe hầu, trên bờ sở hữu xe Traction Citroen. Xe là phương tiện di chuyển trên con lộ do nội xây đắp, gọi là lộ Ông Bang. Lộ chạy dài từ ấp Phú Hữu đến xã Giồng ké hay còn gọi là Trung Ngãi. Xã này nằm trên trục lộ giao thông Vĩnh Long - Vĩnh Bình.

    Cậu ấm út của nội, tuy sống và lớn lên trong hoàn cảnh thuận lợi, nhưng chẳng ăn không ngồi rồi, nội đưa vào Collège Chasseloup - Laubat theo đuổi bút nghiên, đèn sách với dự định cho sang Pháp du học. Đang tuổi vô tư, tung tăng trong sân trường cùng các bạn đồng lứa, tuổi còn mộng ngoài cửa lớp, nhưng không may…
    Theo lời kể lại, nội là người đứng ra bảo đảm cho thông gia vay tiền, khi hoàn cảnh họ khó khăn. Rồi thị trường chứng khoán trên đà xuống dốc thê thảm. Nội lại ngã bệnh. Nghe lời khuyên của các chú, “Cậu ấm” đành rời thiên đường tuổi mộng, về sống cạnh nội, nâng đỡ tinh thần, vừa giúp nội vượt qua trọng bệnh. “Cậu ấm” quen dần với ruộng đồng, có nội hướng dẫn, tập tành và sau đó giao hẳn một phần công việc. Cậu trở thành một ông chủ nhỏ của một chành lúa to to, ngay tại chợ Rạch Bàng. Âu là cơ duyên, khi ghe nhà đang cùng đám lục bình xuôi dòng, tình cờ cậu trông thấy trên chiếc cầu cây, bên kia sông, đối diện với chành lúa, một cô gái xinh xinh đang ngắm trời mây. Được cậu ghé mắt xanh và không lâu cô trở thành má của chúng tôi sau này.


    Có lẽ ba được trao truyền lối sống, tính tình và nhất là tính cầu tiến, từ nội. Ba đã thực hành ý định đưa con lên tỉnh học. Bằng những vật liệu từ cây nhà lá vườn, ba dùng ghe chuyên chở và thuê người cất một căn nhà lá, trên một vùng khá hoang vu thuộc tỉnh Vĩnh Long, gần đền thờ cụ Phan Thanh Giản bây giờ.
    Giàu óc kinh doanh, ba đã là chủ chiếc xe đò trên đường liên tỉnh, thuê người làm tài xế và cậu tôi theo xe thu tiền hành khách. Vừa thêm lợi tức, vừa giúp cậu có công ăn việc làm.

    Thời cuộc nhiều biến đổi, ba rời quê cha lên Giồng Ké lập nghiệp. Bặt thiệp, biết tính toán, “Cậu ấm” Sang của ngày nào là một địa chủ lớn, đã trở thành ông chủ nhỏ tiệm tạp hóa “Hiệp Thành”, được ghép từ tên cậu em bảy Hiệp và anh tư Thành của chúng tôi. Căn nhà ba gian ở Giồng Ké, được vén khéo, tiện cho nơi ăn chốn, thuận việc buôn bán. Tiệm buôn tuy nhỏ nhưng bày bán đủ những mặt hàng có phẩm chất cao. Từ lu mái đầm to chứa nước, đến khạp nho nhỏ, nồi niêu, chén đĩa trọn bộ có thể dùng trong đám tiệc, cối xay bột, giày dép, đến vải vóc may trang phục cho cô dâu, toàn những mặt hàng có giá trị, thu hút thị hiếu và giá cả thuận mua vừa bán. Ba còn mang kiến thức hiểu biết về thuốc men trong việc làm ngày trước, nên có thể giúp đỡ những gia đình nghèo trong xóm, khi họ đau bệnh. Từ đấy, người ta gọi ba là “thầy thuốc mát tay”. Một góc nhỏ nữa, là nơi làm tiệm chụp và rửa hình, nhộn nhịp nhất, vất vả nhất cho cậu tôi trong thời gian chụp hình làm thẻ căn cước cho người dân nơi đây. Một gian khác làm vựa lúa, trữ lúa thu hàng năm từ các tá điền.

(Kim Phượng trong vòng tay ôm của má)
   
 Ngoài kinh doanh, việc giáo dục con, ba đều xem quan trọng như nhau.

   Ngày còn sống dưới quê, những khi lính Tây ruồng bố, dù phải chạy lẫn trốn, nhưng khi trở về, ba vẫn chú tâm dạy kèm tiếng Pháp cho hai chị gái của tôi. Đến lúc hai chị lên Vĩnh Long nhập học, khả năng tiếng Pháp có phần vượt trội hơn các bạn cùng lớp, tại tỉnh.
   Lúc ở Giồng Ké, ngày ngày ba vất vả với công ăn việc làm, tối đến không quên kèm dạy chúng tôi học thêm. Riêng tôi, khá về môn Toán cũng nhờ công ba. Đêm nào ba cũng “dợt” làm Toán Đố, nào là tìm chu vi, diện tích, cắt bớt đất làm lối đi, đào ao cá, tính số cây trồng trên những mảnh đất hình chữ nhật, hình vuông...rồi đến hình thang, hình thoi, hình tam giác...Dạo ấy, tôi là tay cừ về môn Toán, các anh bạn cùng lớp phải hối lộ những trái me keo để được tôi giúp đỡ khi làm bài.
    Lo như thế, vẫn chưa đủ, con càng lớn ba càng lo. Cạnh căn nhà chúng tôi ở, là hồ nuôi cá dùng làm thực phẩm, quanh đó là sông. Nơi nào cũng nước ơi là nước. Để giữ an toàn, tránh những tai nạn không ngờ, ba vớt bập dừa trôi sông cho chúng tôi tập lội, nhưng rồi các con ba, đứa bơi được, đứa không.
    Ngoài ra ba mua xe đạp đủ cỡ lớn nhỏ, tập cho tay lái chúng tôi thuần thục. Nhất cử lưỡng tiện, để sinh thêm lợi, chiều đến ba cho trẻ em trong xóm thuê xe, tập chạy. Ba giao cho các chị em tôi phụ trách và nghiễm nhiên, chúng tôi trở thành cô, cậu chủ nhỏ, của các khách hàng tí hon, đôi khi lớn hơn cả chúng tôi nữa.

    Cuộc sống trong gia đình ba luôn chu toàn...

    Ngoài đèn dầu lửa, ba đã sắm đèn măng - sông (gas mantle or Welsbach mantle), mua máy sạc điện, tiện dùng về đêm hoặc cần khi nghe radio.
   Nước dùng, lấy từ sông. Sợ ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng chiều cao của các con khi gánh gồng, ba mua máy bơm nước từ sông lên tận nhà, nhưng rồi tôi cũng “lùn như người ta”.
    Ba mua ghe, có gắn “máy đuôi tôm”, làm phương tiện về thăm vườn tược ở Phú Hữu, vừa di chuyển tận Rạch Bàng, mỗi dịp Tết hay khi đưa con về quê thăm ngoại.


    Cuộc sống tưởng chừng êm ả như dòng nước xuôi chiều. Nhưng với thỏa thuận ngừng bắn của đôi bên cho mọi người dân đón Tết Mậu Thân 1968, lời hứa như nước chảy qua cầu. Cuộc tấn công bất ngờ của bên kia, hai dãy phố của xã Giồng Ké chìm trong biển lửa. Họ chẳng những vô tâm đốt nhà, khói lửa cao ngút trời, còn chặn đường di chuyển lên tỉnh và “lùa” dân về ruộng vườn… Đoàn người hỗn độn trong đêm xuân, bầu trời rền tiếng phi cơ trong đêm tối, nhưng lính không bắn xuống một viên đạn nào, có lẽ họ biết đây là người dân chạy loạn bất khả kháng. Mọi người tản mác trong vô vọng và vô định. Gia đình chúng tôi đành trở về quê cũ, sống tạm trong gia đình một Người tá điền của nội ngày xưa. Người tá điền trung thành, hiền lành này, một tiếng gọi ba tôi bằng “cậu mười”, hai tiếng cũng “cậu mười” như cái ngày xưa ba còn là “Cậu ấm”. Tạm dung một thời gian ngắn, ba quyết định đưa cả đại gia đình chúng tôi, lần mò cuốc bộ lên tỉnh. Ngày Người tá điền này chèo xuồng tiễn đưa gia đình chúng tôi đi một đổi, nhìn hai dòng lệ chảy dài và đôi môi méo xệch thầm thì không biết bao giờ mới được gặp lại được ba tôi. Trên đường đi, ba chỉ về hướng xa xa, nơi khuôn viên mộ của dòng họ Lê, nơi an nghỉ đời đời của ông bà nội và giòng họ. Tôi len lén nhìn, đôi mắt ba xa xăm, câm lặng hằn nét khổ đau.
    Ròng rã đi rồi cũng đến, đến được căn nhà “học trò” của các chị em tôi ở Vĩnh Long, dù đây không là thiên đường, nhưng đã cho tôi cảm giác. Vĩnh Long vẫn chưa yên, đêm đêm tiếng đạn vẫn vèo bay, cả gia đình chúng tôi phải chia nhau, đi ngủ tạm trong những căn nhà kiên cố trong xóm. Và cuối cùng cả gia đình rời Vĩnh Long, sang Rạch Giá lánh nạn.
    Thời gian sau, tình hình tạm ổn định, ba đưa các con lớn về Vĩnh Long, đứa trở lại trường, còn tôi chuẩn bị cho kỳ thi Tú Tài.

    Một lần nữa ba rời Giồng Ké về ở hẳn Vĩnh Long. Công ăn việc làm thay đổi luôn, từ việc cùng các cậu, lập máy đèn cung cấp điện cho quận Càng Long (thuộc tỉnh Vĩnh Bình), lập nhà máy xay lúa cho dân địa phương.
    Những gian nan vất vả không dừng lại với “Cậu ấm”. Một mùa hè 75 bi thương, đất trời nổi cơn gió bụi, không chỉ ảnh hưởng đến gia đình chúng tôi mà cả dân miền Nam. Tiền bạc, tài sản, bỗng chốc không cánh mà bay vào tay kẻ lạ. Mái tóc ba tôi ngày càng bạc trắng hơn. “Cậu ấm” bôn ba ngày nào, nay tự dưng “vô công rồi nghề”. Ngày nào đất cò bay, nay thu hẹp, chỉ một căn nhà nhỏ, sân trước, vườn sau...làm gì đủ rộng hầu trồng trọt thêm thứ gì để thu huê lợi. Thôi thì...ba chuyển qua nghề nấu rượu, ba nào biết uống rượu, chỉ là người thích cà phê. Nay nhìn từng giọt rượu đang cất rơi xuống lòng chai mà đau lòng. Mặc dù được bày vẽ, cách này, cách nọ để có lợi hơn, nhưng ba vẫn một mực đặt phẩm chất lên hàng đầu. Nhờ lẽ ấy, rượu của ba rất được ưa chuộng, rồi từ rượu trắng, lại thêm rượu nếp than, đến cung cấp những chai rượu trong đám sính lễ. Làm rượu lại dư hèm, ba tậu thêm heo để nuôi. Trong thời gian này, các con trai, rể của ba không tội mà tù, con gái, con dâu trở về quây quần tạm sống chung, lo cho các con nhỏ tiếp tục việc học, ba quần quật không ngơi tay. Có lần nhìn ba tắm mấy chị heo, ba đưa tay xoa nhè nhẹ lên lưng chúng, rồi dùng vòi nước phun nhẹ, chúng ví quanh ba tôi. Nhìn đến xót xa…

- Ba ơi, con sẽ phụ tắm heo thay cho ba!
- Cực lắm nghe con, đôi khi bị chúng ủi nữa.

Và theo lời chỉ dẫn, tôi mặc chiếc quần ngắn, bước vào chuồng, xoa lưng các chị heo, xịt nước và dĩ nhiên cũng bị chúng ủi vào chân, nhưng...không sao. Chỉ là chuyện nhỏ!
    Đến giờ đi dạy, trở vào trường, làm cô giáo người ta. Thời điểm bấy giờ là “sau 75”, nhưng tôi vẫn lượt là trong chiếc áo dài, ngắn đến gối, chiếc quần trắng may vải xéo, ống loe, nhưng dĩ nhiên là ống quần xén nhỏ lại một tí...Vẫn lượt là chán! Tôi đứng trên hành lang trường Kỹ Thuật, nhìn xuống tàng cây phượng vĩ, một em nam sinh, tiến đến đứng cạnh tôi. Cô, trò, vài câu vu vơ trao đổi. Với khuôn mặt rất thơ ngây, em hỏi tôi một câu cũng vô cùng thơ ngây…

    - Chắc ở nhà cô ở không, hỏng có làm chi phải không cô?

    Tôi nhìn em, im lặng mỉm cười, nhưng lòng thầm nói… “Cô cũng tắm heo muốn chết chứ!”.

    Ca dao rằng...”Giàu út ăn, khó út chịu”. Lúc sinh thời, nội là đại điền chủ, ba là con thứ mười, con út trong gia đình, nhưng ba lại là “út chịu”. Ba luôn là người chịu thương, chịu khó, hiếu thảo với cha mẹ, hòa thuận, nhường nhịn các anh chị. Có lẽ vì thế, nên lúc giàu hay khi cơ cực, ba luôn hòa nhã với mọi người, cả gia đình bên vợ. Ba không là cỏ nương theo chiều gió để quỳ lụy, trục lợi, nên suốt đời vẫn cơ cực, ngẩn cao đầu. Và ba má sang Úc định cư năm 1984.


    Cuộc đời ba...một “Cậu ấm” nhiều ấm lạnh.

    Thời gian nằm bệnh, khi hơi sắp tàn, sức sắp kiệt, dường như không giao trách nhiệm cho đứa con nào, ba chỉ nói bâng quơ, “Ba chết rồi ai lo cho má con”. Chừng câu ngắn ngủi này, đủ biết tình sâu nghĩa nặng của ba dành cho má như thế nào. 

    Ngoài ghiền cà phê, ba thích nghe giọng ca cô Thanh Thúy. Những ngày chờ đợi..., ròng rã, khe khẽ gịong ca cô Thanh Thúy, quanh quẩn linh cữu. Giờ động quan đến, mượn giọng ca não nuột của cô, tiễn đưa ba vào cõi thiên thu qua ca khúc...Một Ngày Sẽ Đến.

Một ngày sẽ đến em sẽ xa anh.
Một ngày sẽ đến em sẽ xa anh, xa anh suốt đời*

                                https://youtu.be/lsC3DsKbiw8
                     ( Một Ngày Sẽ Đến - Tiếng Hát Thanh Thúy)

   Ba... “Cậu ấm”, chịu nhiều giá lạnh trong tình đời, nhưng ấm áp và rất đẹp trong hạnh phúc lứa đôi. Và ba, cho tôi cảm nhận được hai chữ “bất diệt” trong tình yêu là có thật.

Kim Phượng
30.10.2022
Lần Giỗ thứ 25 của Ba
* Lời bản nhạc Một Ngày Sẽ Đến.

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

Cung Tơ Chiều - Trương Hoàng Xuân - Lệ Thu


Sáng Tác: Trương Hoàng Xuân
Ca Sĩ: Lệ Thu
Thực Hiện:VDong Doan


Em Dáng Xưa


Ai vẫn âm thầm mơ dáng xưa
Chiều thu lối cũ gió giao mùa
Phương trời cách biệt hồn thu chết
Dậy sóng niềm riêng cũng chỉ thừa.

Lỗi hẹn đôi tim chuyện đã rồi
Chôn vùi hồi ức chén ly bôi
Ngổn ngang nhung nhớ dần phai lạt
Khóc hận âm thầm thương tiếc thôi.

Bước vội tìm nhau để mất nhau
Bài thơ dĩ vãng của hôm nào
Hương thu áo não tình trao gửi
Mộng dệt khung sầu mãi mãi sao

Mỗi độ thu về một nỗi riêng
Vì sao chôn chặt lấy ưu phiền
Chiều thu xao xuyến chiều thu ấy
Thầm nhớ trăm năm lỗi ước nguyền

Kim Phượng


Thứ Ba, 25 tháng 10, 2022

Phong 風 - Lý Kiệu

                                                                   

Trong các nhà thơ đời Đường, có lẽ Lý Kiệu là người có chức quan lớn nhất. Ông làm tể tướng hai đời vua Cao Tông và Trung Tông. Ông mượn bài thơ "Phong" để nói lên cái bản lãnh kinh bang tế thế của mình. Đó chính là:

Trong lang miếu ra tài lương đống
Ngoài biên thuỳ rạch mũi Can Tương

Hay

Làm trai cho đáng nên trai
Xuống đông đông tĩnh lên đoài đoài tan.

風                       Phong

解落三秋葉       Giải lạc tam thu diệp
能開二月花       Năng khai nhị nguyệt hoa
過江千尺浪       Quá giang thiên xích lãng
入竹萬竿斜       Nhập trúc vạn can tà.

李嶠                   Lý Kiệu

Dịch nghĩa:

Gió


Gió ba tháng mùa thu làm lá rơi rụng
Nhờ thế sang tháng hai hoa mới nở rộ
Lúc qua sông làm cho sóng cao nghìn thước
Khi vào rừng trúc làm nghiêng ngã muôn cây,

Dịch thơ:

Gió Thu

1/

Ba tháng thu vàng lá
Đến xuân hoa nở nhiều
Qua sông làm dậy sóng
Rừng trúc cũng liêu xiêu.

2/

Gió Thu làm rụng lá vàng
Tháng hai bông nở rỡ ràng biết bao
Qua sông ngàn thước sóng cao
Đi ngang rừng trúc đổ nhào muôn cây.


Quên Đi
***
Gió


1/

Gió thu về trút lá
Hoa tháng Hai đơm đầy
Dậy sóng dâng ngàn thước
Thổi muôn trúc rạp cây

2/

Vào thu lộng gió lá rơi
Tháng Hai hoa rợp cả trời xôn xao
Vào sông ngàn thước sóng cao
Ập qua muôn trúc ào ào ngả nghiêng

Kim Phượng

***
LÝ KIỆU 李嶠 (644-713) tự là Cự Sơn 巨山, Tán Hoàng 贊皇, danh sĩ đời Sơ Đường, người đất Hà Bắc, là cháu chắc của Nội Sử Thị Lang Lý Nguyên Tháo đời nhà Tùy. Tuổi trẻ tài cao, hai mươi tuổi đã đậu Tiến sĩ, làm quan đến chức Trung Thư Lệnh, tánh tình cương trực liêm chính. Vì làm nghịch ý Võ Hậu mà bị biếm làm Tư Mã Nhuận Châu, sau được triệu về làm Phụng Các Xá Nhân. Ông giỏi văn thơ, sánh ngang với Sơ Đường Tứ Kiệt Vương Bột 王勃、Dương Quýnh 楊炯、Lư Chiếu Lân 盧照鄰、Lạc Tân Vương 駱賓王 lúc bấy giờ; cùng với Tô Vị Đạo 蘇味道、Thôi Dung 崔融、Đỗ Thẩm Ngôn 杜審言 (Ông nội của Thi Thánh Đỗ Phủ) hợp xưng là “Văn Chương Tứ Hữu 文章四友”. Trong một lần TỨ HỮU cùng dạo chơi trên núi Lư Phong Sơn, phong cảnh cỏ hoa trên núi rất đẹp, khi vừa lên đến đỉnh núi thì có một làn gió thổi thốc đến rất mát mẻ sảng khoái, Lý Kiệu bèn nổi hứng mà viết nên bài thơ về GIÓ như sau đây :

風                            Phong

解落三秋葉,        Giải lạc tam thu diệp,
能開二月花。        Năng khai nhị nguyệt hoa.
過江千尺浪,        Qúa giang thiên xích lãng,
入竹萬竿斜。        Nhập trúc vạn can tà !

* Chú thích :

- Giải Lạc 解落 : GIẢI là Cởi ra; LẠC là Rớt xuống; nên GIẢI LẠC ở đây có nghĩa là Rơi Rụng vì chỉ lá mùa thu.
- Năng Khai 能開 : có nghĩa là Làm cho nở ra.
- Quá Giang 過江 : là Qua Sông, ở đây có nghĩa là KINH QÚA GIANG HÀ 經過江河 chỉ Gió thổi "Ngang qua sông ngòi".
- Nhập Trúc 入竹 : ở đây có nghĩa là NHẬP TRÚC LÂM 入竹林 chỉ Gió thổi "Vào rừng tre".
- Can 竿 : là Lượng từ của tre : Nhất Can Trúc 一竿竹 là Một CÂY tre.

* Nghĩa bài thơ:
Gió


Gió có thể thổi cho rơi rụng hết lá ba tháng của mùa thu; và Gió cũng có thể thổi làm cho nở hết hoa của buổi đầu xuân (tháng hai). Khi Gió thổi qua giang hà thì có thể làm cho sóng dậy cả ngàn thước cao; và khi thổi vào rừng trúc thì lại có thể làm cho muôn vạn cây trúc phải nghiêng ngã cúi đầu !

Thông qua hình tượng của Lá, Hoa, Sóng, Trúc, và các chữ số Tam, Nhị, Thiên, Vạn, để diễn tả phô trương khả năng đa dạng và sức mạnh cùng uy lực của gió đối với cảnh vật thiên nhiên : Gió thu hiu hắt thổi rụng lá vàng tan tác, gió xuân ấm áp mơn trớn làm nở rộ muôn hoa; Gió thổi cuồng nộ làm cho giang hà dậy sóng ba đào và khi thổi thốc vào rừng tre thì làm cho muôn vạn cây trúc đều phải nghiêng ngã cúi đầu ! Chỉ vỏn vẹn có bốn câu thơ ngũ ngôn Lý Kiệu đã lột tả được hết cái tính cách đa dạng và uy lực vô biên của GIÓ mà ta thường tiếp xúc và cảm nhận hằng ngày.

* Diễn Nôm:

Phong

Thổi rụng ba thu lá,
Nở bung hoa tháng hai.
Sóng sông ngàn thước dậy,
Rừng trúc ngã nghiêng ngay!

Lục bát:

Hắt hiu rụng hết lá vàng,
Mơn man nở rộ muôn ngàn hoa xuân.
Giang hồ sóng dậy nghìn trùng,
Thổi vào rừng trúc đều cùng ngã nghiêng!

Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
***
Phong Là Gió...

1/

Ba tháng thu mùa lá rụng đầy
Nhờ thế ra Hai nụ ngất ngây
Thổi tới sông cao nghìn thước sóng
Tạt vào rừng trúc ngã muôn cây

2/

Rừng thu lá đổ cây vàng
Tháng Hai hoa rộ rộn ràng xôn xao
Sông ngàn thước sóng dâng cao
Tạt qua rừng trúc lật nhào muôn cây.
..

Mai Xuân Thanh
October 14, 2022


Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2022

Haiku 107



Tắt nắng
hắt hiu mưa
song thưa

dovaden2010
***
Cảm Tác:

Gió táp
vạt nắng đông
sắc không

Kim Phượng
***
Gió thổi
lá thu bay
thơ say

Chinh Nguyên - HNT.
Oct.23.22
***
Đêm vắng
Bên song thưa
Lệ mưa...!


Kim Oanh

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

Lang Thang



Hồn chìm tưởng nhớ mộng đi hoang
Lắng ngắm trăng khuya ánh sắp tàn
Có phải trầm thơm làm vướng víu
Hay là mật ngọt trót đa mang
Trăm năm vẫn thắm lòng son sắc
Một kiếp còn xanh nghĩa đá vàng
Đêm lạnh về thôi về với mộng
An bày định mệnh mãi lang thang

Kim Phượng


Thứ Ba, 18 tháng 10, 2022

Chim Biển Bắc*


Chim Biển Bắc*

Hẹn nhau tóc thuở còn xanh
chừng đâu tóc úa còn loanh quanh tìm
Thôi thì người đã như chim!
Bay đi!
bay đi cho khỏi đắm chìm biển sâu.
Sâu... sâu... sâu ngút cõi sầu,
hồn rêu trầm tích đục ngầu dấu mê.
Bay đi, bay huốt câu thề…

Cao Vị Khanh

*ca dao-tìm em như thể tìm chim
chim bay biển bắc anh tìm biển đông
***
Thơ Cảm Tác:

Đi Tìm Biển Đông

Và như biển sóng ngàn sau
Về đâu cũng mặn một màu nhân gian
Và như chim cánh mây ngàn
Về đâu em hỡi, cũng ngang kiếp này...
Câu thề năm ấy còn đây
Mà sao tóc thuở xanh ngày tháng xưa
Bao giờ biển bắc còn mưa
Biển đông mắt khóc cho vừa nhớ thương...

Durham, North Carolina
Nguyễn Vĩnh Long
***
Phượng Tìm Hoàng*

Thì thôi lạc nẽo thiên đường
Lời nguyền bay huốt buồn vương mắt huyền
Cung đàn đứt khúc kỳ duyên
Bỏ thuyền xa bến thuyền quyên im lìm
Chim hoàng mất lối phượng tìm
Tìm đâu ơi hỡi cánh chim phiêu bồng
Soi trong biển bắc mênh mông
Cầm như tiền kiếp biển đông đã tìm

Kim Phượng

* Tựa đề thơ Đinh Hùng do Châu Kỳ phổ nhạc


Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2022

Xuân Đấy Thu Đây

    (Ảnh: Kim Phượng)

Thu đây Xuân đấy hoa tươi
Lá vàng rơi rụng cúc cười cùng ai
Bao năm cuộc sống lưu đày
Bao lần đối kiếp nhớ hoài lất lây
Nơi nầy trời ẩm nhiều mây
Nơi kia xanh ngắt bướm bay nhịp nhàng
Cùng chung một chốn đia đàng
Sao không chung sức lại càng phân chia?
Gió thu lành lạnh ... lá lìa
Gió xuân dìu dịu ... kia kìa niềm vui
Một mình tâm trạng bùi ngùi
Thời gian còn lại chín mùi hay chưa?
Cành trơ lá úa lưa thưa
Thôi thì cho trọn kiếp thừa như mơ
Sống nhờ chờ đợi đợi chờ
Hẹn từ kiếp trước bên nhau kiếp nầy
Lúc nào còn có còn đây
Hưởng mùa xuân hạ thu vầy cùng đông

Nguyễn Cao Khải


Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2022

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2022

Mông Lung


Ai ơi có nhớ chớ vương
Bên bờ ảo vọng yêu thương cũng mờ
Ngày xưa tình đẹp như thơ
Đêm đêm trăng tỏ ôm mơ mộng nhiều
Bên bờ hiện thực đìu hiu
Con chim lẻ bạn tiếng kêu não nùng
Còn đâu giây phút tương phùng
Bên bờ hiện thực mông lung đứng nhìn

Kim Phượng


Thứ Ba, 11 tháng 10, 2022

Mấy Thu



Trở giấc!
Tiếng ai gọi bên thềm?
Chừng như xào xạc
Lá rơi êm!
Dạ lý hương đêm
Hồn cô phụ
Quyện ngát bên người len thâu đêm
Trời chữa chớm Thu lá vội ửng màu
Trời xa
Phương lạ
Chợt cơn đau
Cuồng lưu chảy siết dòng sông mộng
Cuốn theo tình nặng ngập dâng cao
Xua gió
Lùa chút hương xa bay
Ru tình nhân ảnh tròn cơn say
Êm êm tiếng sáo dìu Dạ khúc
Tình nhân!
Nhập mộng về đêm nay
Hỡi người xa ơi! Hỡi hương gần
Còn mấy Thu?
Thu đến bao lần?
Nhắn gió theo mây về chốn ấy
Một lần hoài vọng
Tim mãi bâng khuâng

Kim Phượng


Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2022

Hoa Biển


Thành kính dâng Hương linh cố Nhạc Sĩ Trần Thiện Thanh & Anh Thy

Vượt ngàn hải lý hái cho em
Hoa của đại dương hẹn ước nguyền
Tàu cặp bến tìm anh chẳng thấy
Hay người đi chuyển hướng quay về
Lời anh hứa thể như Hoa Biển
Triền sóng xô trôi dạt phương nào
Hờn giận sao anh chưa kịp tới
Hải hồ trăm bến nát lòng đau
Anh bối rối cúi đầu chịu lỗi
Em ơi giận hờn…xin như hoa trắng tan trong đại dương*

Kim Phượng
* Lời bài hát Hoa Biển

Sáng Tác: Anh Thi
Ca Sĩ: Gia Huy
Thự Hiện: Asia Entertainment Official

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2022

Thuyền Trôi


Bài Xướng:

Thuyền Trôi

Thuyền trôi lờ lững biết về đâu
Ông lái lặng yên, tóc rối nhàu
Vò rượu cạn khô nằm vất vưởng
Vầng trăng mòn khuyết chiếu âu sầu
Nhạt nhòa đêm xuống nghiêng mờ bóng
Mù mịt sương rơi thấm ướt đầu
Lão vẫn thờ ơ, chèo gác mái
Thuyền trôi...trôi mãi...biết về đâu?

Phương Hà
(02/08/2022)
***
Các Bài Họa:

Biết Tìm Đâu

Trường xưa thương mến của ta đâu?
Lạ hoắc, bi ai lệ nhạt nhầu.
Gốc phượng cỗi cằn man mác nhớ
Cổng tre ọp ẹp sắt se sầu.
Thầy cô thuở ấy xinh tươi sắc
Lữ khách giờ đây bạc phếch đầu.
Giây phút trầm tư hồn chết lặng
Ngậm ngùi cảnh cũ biết tìm đâu?

Mailoc
8-2-22
***
Gởi Thơ Theo Gió

Cảnh cũ, ta về, em ở đâu
Xác lá vườn xưa đã úa nhầu
Chân bước mà hồn theo cánh gió
Mắt nhìn nhưng dạ đượm u sầu
Có phải trăng xưa về cuối bãi
Hay là người cũ giạt giang đầu?
Thì thôi cứ gởi vần thơ muộn
Mặc gió đưa về đâu, đến đâu!

8-2-22
Trần Bang Thạch
***
Bóng Chiều Tà

Cà rịch cà tang sẽ tới đâu
Chiếc xe cũ kỹ sắp tơi nhầu
Màu sơn loang lổ trông càng thảm
Tiếng máy lua khua đến phát rầu
Lắm thuở tung hoành trên khắp nẻo
Một thời sáng chói thuộc ngôi đầu
Giờ đây cằn cỗi lê từng chút
Cà rịch cà tang sẽ tới đâu?

Quên Đi
***
Mây Bay….

Lãng đãng mây trôi biết tới đâu ?
Dõi theo dạ lại cứ tơi nhầu
Cuộc đời mờ mịt làm đau óc
Sự thế rối tung khiến bạc đầu
Gợi nỗi ưu tư càng luyến nhớ
Khơi cơn cám cảnh mãi u sầu
Ngàn năm mây vẫn bay biền biệt
Suy gẫm phận mình ghé bến đâu ?

songquang
20220802
***
Ông Lái Đò

Cô quạnh đời hồn thả chốn đâu
Hằn khuôn mặt ấy tóc thêm nhàu
Mái chèo nhè nhẹ khua con nước
Ánh mắt xa xăm ẩn khối sầu
Đợi khách sang sông đà khuất nẻo
Ông chờ neo bến ngoảnh quay đầu
Mơ màng sống lại thời niên thiếu
Cô quạnh đời hồn thả chốn đâu

Kim Phượng
***
Cuộc Sống Thương Hồ

Cuộc sống thương hồ... ai biết đâu?
Rày đây mai đó chớ càu nhàu.
Khi thì thị tứ xôn xao rộn,
Lúc lại nông thôn vắng vẻ sầu.
Đêm xuống té sông thương trẻ dại,
Sáng ra vớt xác khóc giang đầu.
Cuộc đời trôi nổi trên sông nước,
Cuồn cuộn theo dòng... ai biết đâu?!

Đỗ Chiêu Đức
08-02-2022
***
Cuối Bến

Ô hay, mây trắng lạc nơi đâu
Để áo trời xanh xếp nếp nhàu
Nhìn biển, tàu đi chìm nỗi nhớ
Thương sông, người đợi đọc thơ sầu
Sương chưa tan hết, che tầm mắt
Khách đã chờ khan, rối mái đầu
Thuyền thoáng nghe lời xa vẳng gọi
Ôi chao, tiếng vọng tự nơi đâu. . .

Hawthorne 3 - 8 - 2022
Cao Mỵ Nhân