Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Sắc Hoa - Phai Sắc


Bài Xướng: Sắc Hoa

Cánh hoa xưa hương lan nhè nhẹ
Đoá hồng tươi toả sắc đâu đây
Nụ tầm xuân xanh biếc quê này
Em diễm tuyệt hương nồng đất mẹ
Giông bão đến thiên đường tan tác
Mộng xa rồi kỷ niệm mang theo
Lênh đênh trôi cô độc cánh bèo
Sao giữ được những gì vỡ nát
Bao dĩ vãng chìm sâu trong mắt
Mộng tình xưa dấu vết điểm trang
Đoá hoa kia nay dẫu sắp tàn
Vẫn còn nét đậm đà hương sắc.

Quên Đi
***
Bài Họa: Phai Sắc

Nghe trong gió lời ai rất nhẹ
Như thì thầm gọi trở về đây
Ngắm dòng xưa bến cũ nơi này
Và đi lại con đường quê mẹ
Nhìn cảnh cũ nhớ từng thao tác
Nỗi đợi chờ gợi mỗi ý theo
Đã trót sinh thân phận bọt bèo
Thời ly loạn tránh sao tan nát
Sẽ thu nhỏ quê hương trong mắt
Bóng hình xưa vẫn đấy hành trang
Đến mai kia bóng xế chiều tàn
Giữ hương cũ dù hoa phai sắc

Kim Phượng

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Cây Sung Kiểng

(Ảnh Chụp Của Nguyễn Cao Khải)
Tình Tấm Mẳn

Cội Sung tấm mẳn tình già
Một đàn con cháu thật thà vây quanh
Tạo nên mái ấm gia đình
An khang hạnh phúc trọn tình trước sau.

Kim Oanh
***
Tuyệt Tác Thiên Nhiên


Sung cội già trơ cùng tuế nguyệt
Oằn mình đau tuyệt tác nên tranh
Một đàn con ấp yêu bên mẹ
Nũng nịu mè nheo giọt sữa lành

Kim Phượng
***

Sung già tình đã già theo
Cành oằn rể uốn ngoằn ngoèo quấn nhau
Bên đèn vui vẻ là bao
Người đi kẻ ở dáng nào sao quên

Nguyễn Cao Khải


Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Đò Tình


Người đi bỏ lại con đò
Quên lời vàng đá hẹn hò hôm nao
Vầng trăng vàng úa thương đau
Con tim âu cũng ngả màu thời gian
Đò tình ngược nước lỗi đàng
Hoa lòng nở vội chớm tàn hương xuân
Nào đêm những lúc bâng khuâng
Tình yêu rũ sạch nợ nần chi nhau
Trách ai khuấy nước đục ngầu
Dòng sông lặng lẽ ôm sầu thiên thu

Kim Phượng


Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Có Về Không


Sao em không hỏi ta có về quê cũ
Có chút gì về Phú Hữu những ngày thơ
Lộ Ông Bang có còn chờ câu nhân ngãi
Những bước chân đời lê mãi kiếp lưu dân

Lá vàng ơi ! Cho ta sống lại thật gần
Linh hồn nhỏ trong chân tình nguồn cội biển!

Kim Hiệp

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

Ngôn Hoài - Thiền Sư Không Lộ (1016 - 1094)




Ngôn Hoài-Thiền Sư Không Lộ (1016 - 1094)

Trạch đắc long xà địa khả cư
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Hữu thì trực thướng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư

Phụ Chú:
1- Long xà địa = Vùng đất rồng rắn hoang dã ,không người ở
2- Dã tình = Tình quê chơn chất, buồn vui hồn nhiên
3- Thái hư = Trời đất vô cùng

Dịch Xuôi: Đôi Lời Hoài Cảm
PKT 03/16/2016

Chọn được chỗ đất rồng rắn hoang vu để làm nơi ở
Tình quê chỉ biết suốt ngày vui
Đôi lúc trèo thẳng lên tận đỉnh núi đứng chơ vơ vắng lặng
Hú một tiếng dài nghe lạnh cả càn khôn

Ngôn Hoài

Chọn đất hoang vu làm chỗ ở
Lòng quê vui đạo với thiên thu.
Đôi khi lên thẳng đầu non đứng
Cất tiếng hú dài lạnh thái hư


Phạm Khắc Trí
03/16/2016
***
言懷 Ngôn Hoài

擇得龍蛇地可居,Trạch đắc long xà địa khả cư,
野情終日樂無餘。 Dã tình (*) chung nhật lạc vô dư.
有時直上孤峰頂,Hữu thì trực thướng cô phong đính
長叫一聲寒太虛。Trường khiếu (**) nhất thanh hàn thái hư.

倥路禪師 Không Lộ Thiền Sư

(*) Theo Quên Đi nghĩ Dã Tình không thể là Tình Quê. Dã là hoang dại. Tình là tình cảm, trạng thái tâm lý.
Như thế Dã Tình ở đây có thể hiểu là tâm trạng thoải mái, không bị gò bó.
(**) Trường khiếu ở đây không thể là tiếng hú. Có thể hiểu là những lời Niệm, tụng của Nhà Sư.

Bài dịch: Lời Nói Tự Nơi Lòng

Thế đất rắn rồng chọn ẩn cư
Tháng ngày vui thú bởi vô tư
Đi lên một mạch đầu non lẻ
Tiếng niệm truyền vang cõi lạnh hư.


Quên Đi
***
Các Bài Dịch Khác:


Tự Lòng

Vùng đất Rắn Rồng chọn ẩn thân
Hồn nhiên vui thú bước đường trần
Lên non một mạch chơ vơ đứng
Cõi lạnh lan truyền tiếng tụng ngân


Kim Oanh
***
Thảo Dã An Cư


Đường lên rồng rắn chốn hoang cư,
Thảo dã nhàn vui một cõi tư...
Có lúc đỉnh cao nhìn vách đứng,
Âm vang hú vọng lạnh chân như.


Mai Xuân Thanh
***
Tự Lòng Ta


Chọn đất rắn rồng nơi ở ẩn
Tháng ngày vui thú sống thong dong
Núi kia tận đỉnh chơ vơ đứng
Niệm tiếng vang rền lạnh cõi không


Kim Phượng

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

Ngư Nhàn - Thiền Sư Không Lộ (1016 - 1094)




Ngư Nhàn - Thiền Sư Không Lộ (1016 - 1094)

Vạn lý thanh giang vạn lý thiên
Nhất thôn tang giá nhất thôn yên
Ngư ông thụy trước vô nhân hoán
Quá ngọ tỉnh lai tuyết mãn thuyền

Dịch Xuôi: Quang Cảnh Thanh Nhàn Ở Một Xóm Chài

Trời nước trong xanh muôn dặm một màu
Khói bếp tỏa trắng trên xóm nhà trồng dâu đay ở ven sông
Lão chài ngủ say không ai đánh thức
Quá trưa, tỉnh dậy, tuyết một thuyền đầy

PKT

Ngư Nhàn

Trời nước, một màu, xanh vạn dặm,
Xóm dâu, khói bếp, tỏa bình yên.
Lão chài, ngon giấc, không ai gọi
Thức dậy, quá trưa, tuyết ngập thuyền

Phụ Chú: Thiền Sư Không Lộ , đời nhà Lý , thuộc dòng Thiền Vô Ngôn Thông , để lại cho hậu thế trong Thiền Uyển Tập Anh , 2 bài thơ Ngôn Hoài và Ngư Nhàn. Có nghi vấn cho là bài Ngư Nhàn này chính là bài Túy Trước của Hàn Ốc (844 - 923), bên Tàu. Hai bài này chỉ khác nhau ở câu 3 , trong Túy Trước hai chữ "túy trước" có nghĩa là "say mèm" đã được đổi lại là "thụy trước" có nghĩa là "ngủ say" trong Ngư Nhàn.

Lời Thêm: Về thơ xưa, trường hợp cần phải xác định: tác giả đích thực là ai, khi chuyển dịch có giữ được ý của nguyên tác và, chữ dùng có đúng nghĩa hay không, là nằm ngoài giới hạn hiểu biết của tôi. Vả lại, tình thực mà nói, tôi cũng không có tham vọng này. Chỉ là, đã cố gắng tới mức có thể, để chia xẻ ở đây, với mọi người mà tôi quý mến, nỗi rung động nhẹ nhàng, cảm nhận được, khi đọc được một bài thơ hay.Thế thôi. Vâng, chỉ là thế thôi.

Phạm Khắc Trí
03/16/2016
***
Quên Đi hưởng ứng cùng Thầy:

漁間 Ngư Nhàn


萬里清江萬里天,Vạn lý thanh giang, vạn lý thiên
一村桑柘一村煙。Nhất thôn tang giá, nhất thôn yên.
漁翁睡著無人喚,Ngư ông thuỵ trước, vô nhân hoán,
過午醒來雪滿船 Quá ngọ tỉnh lai, tuyết mãn thuyền.

倥路禪師 Không Lộ Thiền Sư

Nhàn Hạ Nghề Chài


Muôn dặm sông trong muôn dặm trời
Dâu gai một xóm xóm sương phơi
Lão chài còn ngũ không ai gọi
Trưa dậy thuyền đầy ấp tuyết rơi

Quên Đi
***
Các Bài Thơ Dịch Khác:

Ngư Nhàn
(1)
Sông dài ngàn dặm ngút trời mây
Dâu biếc thôn nầy, một khói vây
Thiêm thiếp ngư ông, ai chẳng gọi
Quá trưa tỉnh giấc, tuyết thuyền đầy

(2)
Ngàn dặm sông dài, ngút ngút không
Một thôn dâu biếc, một sương lồng
Ngư ông ngủ gật nào ai đoái
Tuyết ngập thuyền trưa, tỉnh giấc nồng

(3)
Sông xanh ngàn dặm, trời vô biên
Dâu biếc một thôn, một khói viền
Chợp thiếp ngư ông, không tiếng gọi
Quá trưa tỉnh giấc, tuyết đầy thuyền

Mailoc
***
Ngư Ông An Nhàn


Vạn dặm sông xanh trời một sắc
Dâu đay quanh xóm khói sương tiền,
Ông câu say giấc không người gọi,
Trưa xế mới hay tuyết phủ thuyền.

Mai Xuân Thanh
Ngày 17 tháng 03 năm 2016
***
Xóm Chài Nhàn Hạ

Muôn dặm nước trời trong biếc xanh
Xóm dâu sương trắng phủ an lành
Ông chài say giấc không ai gọi
Thức giữa trưa thuyền ngập tuyết nhanh

Kim Oanh
***
Cảnh Thanh Nhàn Ở Xóm Chài


Muôn dặm nước trời trong một sắc
Dâu gai thôn xóm những đầy sương
Lão chài say ngủ không ai gọi
Tỉnh giấc thuyền kia tuyết quá lườn

Kim Phượng
***
Say Rồi


Muôn dặm sông xanh muôn dặm trời,
Ngàn dâu xanh tựa khói sương rơi.
Ngư ông say giấc không ai gọi,
Tỉnh dậy xuồng câu tuyết ngập rồi!

Đỗ Chiêu Đức
***
Bài Cảm Tác:


Ngư Nhàn Trên Bến Ninh Kiều

Sóng vỗ, thuyền đưa, mây bay qua
Lão ngư, dõi mắt, nhìn xa xa
Xóm Chài, mờ mịt, làn sương khói
Ninh Kiều, sáng chói, lão ngư say

Lý Tòng Tôn

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Uống Rượu Giải Buồn



Bài Thơ Xướng:

Uống Rượu Giải Buồn


Đối diện cơn buồn rót nửa ly
Lặng lờ trông khói thuốc nhâm nhi
Mở thư lười lĩnh thôi không đọc
Nhớ bậu lâu lơ chả muốn lì
Tục ngữ có đi thì có lại
Thói đời cố tưởng vướng rồi phi
Cạn dòng lá thắm chưa từ biệt
Hết rượu cuối bài mắt sụp mi.

Cao Linh Tử
12.11.2015
***
Các Bài Thơ Họa:

Xin Can Bợm Nhậu
( Họa hoán vận )

Thách thức luân phiên uống cạn ly
Rượu ngon rót mãi, trổ gan lì
Khởi đầu thủ thỉ câu tâm sự
Kế đến khề khà chuyện thị phi
Đế sẵn, mồi thêm - tê buốt lưỡi
Mắt cay, đầu váng - nhạt nhòa mi
Xin can chớ có say sưa mãi
Gương xấu dành cho bọn thiếu nhi!

Phương Hà
***
Đừng Ai Cản


Thất tình rượu cứ rót đầy ly
Nốc chỉ một hơi mới thiệt lì
Bậu đã coi thường không đáng mặt
Qua đây mới thật đúng nam nhi
Chai đầy chai nữa thôi đừng cản
Chén cạn chén thêm dẹp thị phi
Uống đến khi nào quên hết thảy
Té bờ té bụi cũng vì mi.

Quên Đi
***
Tiến Tửu Tiêu Sầu


Chùn chân mõi gối uống vài ly,
Cấm rượu con em tuổi thiếu nhi.
Chớ nhậu lai rai còn quá trẻ,
Lỡ say đổ bể chẳng nên lì.
Người đâu góc biển chân trời lạ,
Kẻ lại biệt tăm quất ngựa phi.
Tệ bạc như vôi tình lận đận,
Buồn ơi vĩnh biệt hãy chào mi!

Mai Xuân Thanh
Ngày 13 tháng 11 năm 2015
***
Uống Rượu Vì Ai???

Không là...bợm nhậu cũng cầm ly!
Gặp lại tri âm cố ráng lỳ
Mấy thuở chung bàn cùng bạn quý
Đôi khi bận bịu cảnh thê nhi
Trông mong dịp gặp người tri kỷ
Chẳng muồn cầu mơ kẻ thị phi"
Có quắc cần câu" men lúy tuý
Say tình say nghĩa bởi vì mi!

Song Quang
11/15/15
***
Giải Sầu

Sầu nghiêng bình cạn rót tràn ly
Men rượu say hồng má nữ nhi
Giấc mộng tàn phai thôi vướng víu
Trái tim tan nát đã chai lì
Tình yêu chén mật bao cay đắng
Nhân thế miệng đời chuốc thị phi
Những tưởng sầu vơi sầu chất ngất
Bao giờ mắt lệ hết hoen mi

Kim Phượng

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016

Kẻ Say Cà Phê


Cầu Cái Cá, lục bình còn hoa tím
Em đi, về mấy độ có xôn xao
Tình tôi như chẳng bám được bên rào
Nên trôi nổi như lục bình trên sóng

Quán cà phê tôi khuấy một hình bóng
Nhìn áo bay nghe sóng vỗ trong lòng
Em đi qua có thấy được gì không
Một kẻ lạ uống cà phê say khước

Chiều Vĩnh long ngã đầu lên bóng nước
Mặt trời trôi, tôi vớt bóng mênh mang
Đốt tình lên trong khói thuốc thật vàng
Nghe lục bình thở dài qua hơi gió

Gót bùn lầy tôi in đầy nỗi nhớ
Đủ mấy mùa thành cỏ mọc xanh xao
Em vẫn qua, lơ đãng đến vậy sao
Tôi một kẻ say cà phê quán nhỏ

Ba mươi năm, tôi quay về chốn đó
Cầu Cái Cá lạ lùng chẳng ai hay
Chỉ tim tôi run theo sóng đong đầy
Không quán nhỏ, chẳng người xưa, vạt áo

Lục bình trôi, như hồn tôi áo não
Ngọn gió chiều, tôi lại bắt đầu say
Tôi tìm em quá khứ hay tương lai ?
Đi lên dốc hay xuống đời một ngỏ ?

Hoài Tử

Thi Luật Trong Thi Pháp Thơ Đường(Quách Tấn)


Thi pháp thơ Đường tiêu biểu cho thi pháp thơ cổ điển Trung hoa. Do rất phong phú đa dạng, phức tạp và sâu sắc. Vì vậy hiểu được nó một cách thấu đáo là việc khó. Cho đến hiện nay, vẫn có vô số nhà nghiên cứu với nhiều cách tiếp cận khác nhau, đang cố gắng đạt được mục tiêu đó một cách trọn vẹn.
Quách Tấn, nhà thơ được mệnh danh là người giữ đền Thơ Đường Luật đã lưu lại cho chúng ta một công trình nghiên cứu mang tiêu đề "Thi Pháp Thơ Đường".
Với bản chất khiêm tốn, Ông giới thiệu bài biên khảo"Thi Pháp Thơ Đường"qua hình thức là những Bức Thư. Từ thư thứ Nhất đến thư thứ 26, như gởi cho những người bạn.
Dưới đây là Bức Thư nói về Thi Luật.

Thi Pháp Thơ Đường - Quách Tấn
Bức Thư thứ Ba

Thi luật xuất phát từ đời nhà Ðường bên Trung Quốc cho nên gọi là đường luật.
Ðường Luật không phải do một cá nhân hay một nhóm thi nhân cao hứng đặt ra theo sở kiến, sở thích của mình, mà chính là sự đúc kết những kinh nghiệm kỹ thuật lâu đời đã thành công, và điển chế những thành công ấy làm khuôn phép chung cho làng thơ . ...

Thật như vậy : từ đời Xuân Thu đến đời nhà Ðường, trên 1.000 năm, thơ Trung Quốc lần lần biến chuyển từ giản dị đến phức tạp, từ tự do đến câu thúc. Thơ trong bộ Kinh Thi do Khổng Phu Tử san định thời Xuân Thu (722- 479) trước Kỷ nguyên Thiên Chúa, số câu trong mỗi thiên, số chữ trong mỗi câu, đều không nhất định, cách hạ vần cũng tùy nghi.

Ðến đời Tấn (265-420), thơ mới bắt đầu khép vào khuôn là mỗi câu 5 chữ, nhưng số câu thì dài ngắn tùy hứng tùy thích của thi nhân. Sang đời Lục Triều (420- 621), thi nhân lại tìm thêm một khuôn nữa là mỗi câu 7 chữ.

Thời ấy văn học lại xu hướng thể biền ngẫu . Thẩm Ước lại xướng thiết tứ thanh, bát thể (bát bệnh) đem áp dụng vào thơ ngũ ngôn. Từ ấy, thi nhân phải theo những quy tắc về âm thanh về đối ngẫu; nhưng quy tắc không mấy chặt chẽ, ngòi bút vẫn tung hoành được tự do.

Thi sĩ đời Ðường (618-907) phát huy phép đối ngẫu và thuyết thanh bệnh của Thẩm Ước. Âm vận và cách luật được giảng cầu tinh tường : Thi Luật được sáng chế và được phần đông thi nhân hoan nghênh. Người có công lớn trong việc chỉnh đốn Thi Luật là Tống Chi vấn và Thẩm Thuyên Kỳ thời Sơ Ðường . Rồi từ đời Ðường đến đời Thanh (1616- 1911), trên 1.000 năm, thể thơ Ðường luật rất được phần đông thi nhân ưa chuộng.

Nước Việt Nam chúng ta có thơ từ nghìn xưa . Và thể thơ thông dụng nhất lá thể Lục Bát và Thể Vè 3, 4 và 5 chữ giản dị và tự do . Mãi đến đời nhà Trần (1225-1400), Hàn Thuyên mới dùng thể Ðường luật để làm thơ Nôm. Thi nhân đương thời nhiệt liệt hưởng ứng và từ đời Trần, sang đời Lê đến đời Nguyễn, thể Ðường luật được thịnh hành trong làng thơ Quốc âm, cũng như trong làng thơ chữ Hán và trong trường khoa cử . Thơ quốc âm, cũng như trong làng thơ chữ Hán và trong trường khoa cử. Thơ quốc âm làm theo thể Ðường luật, cổ nhân gọi là thơ Hàn Luật .

Và để phân biệt với thơ có trước đời Ðường, thơ Cổ Thể, người ta gọi thơ làm theo thể Ðường luật là thơ Cận Thể .

Quy tắc thơ Cận Thể rất tinh mật. Muốn sử dụng thể Ðường luật được hữu hiệu, tưởng chúng ta nên biết rõ mọi chi tiết, ít nhất là phải rành những điểm cốt yếu, về chương pháp, về cú pháp, về hài ngẫu, thanh điệu...

Chương pháp là phép tắc trong toàn bài .

Như trên đã nói, phép tắc thơ Cận Thể, tức thơ Ðường luật, rất chặt chẽ. Mỗi thiên có định số câu, mỗi câu có định số chữ, mỗi chữ có định tiếng bằng Trắc, và câu nào đối với câu nào, câu nào niêm với câu nào v. v... người làm thơ phải tuân thủ nghiêm chỉnh .

Luật thi lấy tám câu làm chính. Mỗi câu gồm có hoặc 5 chữ hoặc 7 chữ. Thơ 7 chữ 8 câu gọi là Thất Ngôn Bát Cú, hay là Thất Ngôn Luật Thi, gọi tắt là Thất Luật. Thơ 5 chữ 8 câu gọi là Ngũ Ngôn Bát Cú, hay Ngũ Ngôn Luật Thi, gọi tắt là Ngũ Luật.

Khi Luật thơ mới ra đời, các câu thơ trong bài không có tên. Ðường nhân chỉ gọi là câu NHẤT NHỊ, câu TAM TỨ, câu NGŨ LỤC, câu THẤT BÁT mà thôi.
Ðến đời Tống (960 - 1297), Nghiêm vũ mới đặt tên : câu Nhất Nhị gọi là Khởi Liên hay Phát Cú (cũng gọi là Phát Ðoan), câu Tam Tứ gọi là Hạm Liên, câu Ngũ Lục gọi là Cảnh Liên, câu Thất bát gọi là Lạc Cú hay Kiết Cú.

Qua đời Nguyên (1234 - 1368), Dương Tải đổi tên câu nhất nhị gọi là Phá Ðề và chia bài thơ làm 4 phần là Khởi (hay Khai), Thừa, Chuyển, Hiệp (*) và dạy : “Khởi như mở cửa thấy núi, đột ngột tranh vanh, hoặc như mây nhàn từ trong hố bay ra, nhẹ nhàng thong thả. Thừa như con rắn cỏ, sợi dây chuyền, chẳng đứt chẳng rời. Chuyển như sóng lớn muôn khoảnh, tất có nguồn cao đổ xuống . Hiệp như gió quanh khí tụ, ngậm chứa sâu thẳm. (Khởi như khai môn kiến sơn, đột ngột tranh vanh, hoặc như nhàn vân suất hát, khinh vật tự tại, Thừa xứ như thảo xà trắc tuyến, bất tức bất ly. Chuyển xứ như hồng ba vạn khoảnh, tất hữu cao nguyên. Hiệp xứ như phong hồi khí tụ, huyên vịnh hàm súc).

Vương Ngư Dương thời Thanh (1634 - 1711) nói rõ thêm rằng : Khởi, Thừa, Chuyển, Hiệp là phép chung trong việc làm văn. Trong một câu có khởi thừa chuyển hiệp của câu, trong một thủ có khởi thừa chuyển hiệp của thủ, trong 10 thủ có khởi thừa chuyển hiệp của 10 thủ, chớ không thể ấn định câu thứ mấy, đối thứ mấy là khởi thừa là chuyển là hiệp. Tức là Vương Ngư Dương không muốn người làm thơ phải ép mình trong sự phân chia cứng nhắc.

Nhưng một khi luật được đem vào trường thi để làm khuôn thước chọn nhân tài, thì khuôn khổ bài thơ luật lại chặt chẽ thêm một bậc nữa. Tên của các câu thơ trong bài đều được thay đổi. Câu Thứ nhất gọi là Phá Ðề, câu nhì gọi là Thừa Ðề, cặp tam tứ gọi là Thích Thực hay Trạng, cặp ngũ lục gọi là Dẫn Luận hay Bồi Thấm, câu bảy gọi Thúc Kiết hay Chuyển, câu tám gọi là Hoàn Kiết hay Kết.

Những câu 1- (Ðề) và 7- 8 (Kết) không phải đối nhau. Chỉ có cặp 3 - 4 (Trạng) và cặp 5 - 6 (Luận) là phải đối nhau, cặp nào đối với cặp nấy, và phải niêm với nhau: câu 1 với câu 8, câu 2 với câu 3, câu 4 với câu 5, câu 6 với câu 7. Ðó là luật nhất định .

Nhưng từ khởi thủy, thi nhân mới định vị cho các câu trong bài chớ chưa phân nhiệm cho từng câu. Nguồn thơ theo nguồn hứng mà đi, không cần phải sắp xếp ý nào trước ý nào sau, miễn sao cho nhất khí quán hạ, cho thủ vỹ tương ứng, miễn sao mạch lạc được liên tiếp, ý tứ đừng trùng điệp... là hay. Khi đã dùng vào trường thi, thì nhiệm vụ của Ðề, Trạng, Luận, Kết đều được ấn định rõ ràng. Quy tắc phải được sĩ tử tuân thủ triệt để. Ðó là luật thơ cử nghiệp .

Về vấn đề này cũng như các vấn đề về luật bằng và Trắc trong câu, phép đối ngẫu... tôi sẽ nói rõ trong khi bàn về Cú pháp


Tôi xin nói tiếp về Chương .

Chương dùng ở đây là bài thơ, chớ không phải một bộ phận trong bài văn, lớn hơn tiết. Nói một chương tức là một thủ, và thủ cũng thường gọi là Thiên. Nhưng Thiên trong thơ Liên Hoàn, lại dùng để gọi cả nhóm hoặc 10 thủ, hoặc nhiều hơn hoặc ít hơn. Còn chỉ để chỉ từng bài một thì dùng tiếng Chương hay Thủ. Cùng một đề mục mà phải dùng nhiều bài nối nhau để diễn đạt cho hết ý, mà không theo lối liên hoàn (nối nhau bằng ý chớ không bằng lời) thì cả nhóm cũng gọi là Thiên, từng bài một thì gọi là Chương, là Thủ, như trong thơ liên hoàn. Song đó là danh xưng chớ không phải là quy tắc .

Ðể làm mẫu về chương pháp, xin dẫn một trong những bài thơ được truyền tụng, bài GỞI PHAN SÀO NAM của Trần Kế Xương :

Mấy năm vượt bể lại trèo non
Em hỏi thăm qua bác hãy còn
Mái tóc Giáp Thìn đà nhuốm tuyết
Ðiểm đầu Canh Tý chửa phai son
Vá trời gặp hội mây năm vẻ
Lấp bể ra công đá một hòn
Có phải như ai mà chẳng chết
Dang tay chống vững cột càn khôn

Bài thơ nhất khí quán hạ. Nêm luật chặt chẽ sít sao .

Nhưng đúng pháp thơ cử nghiệp, nghĩa là trạng, luận thật phân minh, thì bài VỊNH TRÂU GIÀ của Ðặng Ðức Siêu sau đây có thể dùng làm kiểu mẫu :

Một nắm xương khô một nắm da
Bao nhiêu cái ách cổ từng qua
Ðuôi cùn biếng vẫy Ðiền Ðan hỏa
Tai nặng buồn nghe Ninh Thích ca
Nương bóng rừng đào nơi lểu lảo
Nhìn gương cung quế thở phì phà
Bôi chuông nhớ thuở thân gần lụy
Ơn đội Tề vương mạng được tha.

Mới học làm thơ, các bạn nên học tập lối làm thơ cử trước. Tôi sẽ nói kỹ hơn sau khi đã lược giảng xong những điều thiết yếu. Và trong bước đầu của bạn, tôi chú trong đến thơ Thất Luật. Bởi kinh nghiệm bản thân cho thấy rằng một khi chân đã vững vàng trên đường thơ cử nghiệp rồi thì bước sang thơ tài tử rất dễ dàng, và hễ thơ bảy chữ đã thạo rồi thì thơ năm chữ không còn thấy bỡ ngỡ .

Và thơ Ngũ Ngôn cũng như thơ Thất Ngôn, đều lấy 8 câu làm luật. Nhưng phần đông thi nhân vẫn coi thơ Tứ Tuyệt là luật thi, bởi Tuyệt Cú là cắt luật thơ ra làm đôi mà lấy nửa. Phàm trong một bài tuyệt cú mà hai câu sau đối nhau, đó là cắt lấy 4 câu trước - cổ nhân gọi là tiền giải - của bài thơ luật; nếu hai câu trước đối nhau là cắt lấy phần hậu giải; bốn câu đều đối nhau là cắt lấy 4 câu giữa; còn toàn bài không có đối, là cắt lấy hai câu đầu và hai câu sau của bài thơ luật mà hợp lại . Số câu tuy có khác nhưng cách bố trí vẫn không khác nhau, cũng khởi, thừa, chuyển, hiệp , một bên từng cặp, một bên từng câu, mạch văn vẫn tiếp, khí văn vẫn nổi, không dứt không ngừng. Và tuy có 4 câu nhưng ý tứ phải sung mãn như 8 câu thì mới xứng danh là Tuyệt Cú, là Tứ Tuyệt. Bởi Tuyệt vừa có nghĩa là Tiệt (cắt) vừa có nghĩa là tuyệt diệu.

Xin cử mỗi loại một tuyệt để làm mẫu :

Hai câu đối nhau như bài DỆT CỬI của Lê Thánh Tông ;

Thấy dân rét mướt nghĩ mà thương
Vậy phải lên ngôi gỡ mối giường
Tay ngọc đẩy đưa thoi nhật nguyệt
Gót vàng dậm đạp máy âm dương

Hai câu đối nhau như bài SONG CHIỀU của TX :

Ngày trôi chậm chậm sông đưa lá
Thoi liệng xa xa én dệt mù
Mở rộng song thơ chờ ánh nguyệt
Nửa lòng xuân sắc nửa lòng thu

Bốn câu đều đối như bài TỨC CẢNH của Nguyễn Tư Giản làm lúc đi sứ sang Trung Hoa thời Tự Ðức :

Gió đưa dương liễu cành cành nguyệt
Khói tỏa ngô đồng khóm khóm sương
Thuyền mọn năm canh người Bích Hán
Ðịch đài một tiếng khách tầm dương

Bốn câu đều không có đối như bài MỜI TRẦU của Hồ Xuân Hương :

Quả cau nho nhỏ miếng trầu ôi
Này của Xuân Hương mới quệt rồi
Có phải duyên nhau thời thắm lại
Ðừng xanh như lá bạc như vôi .

Chỉ có 4 câu mà ý tứ phải đầy đủ, phải trọn vẹn thì bài thơ mới thật hoàn hảo. Bằng còn có thể thêm thắt, thì đó là một bài bát cú mới làm nửa chừng, Ví dụ bài DỆT CỬI của Lê Thánh Tông, đọc lên chúng ta cảm thấy thiêu thiếu như xem chưa hết lớp tuồng mà đã bị hạ màn. Do đó đời sau, nhiều người đã thêm những câu sau thành một bài bát cú, như Tôn Thọ Tường là một :

Thấy dân rét mướt chạnh mà thương
Phải bước lên khung sửa mối giường
Tay ngọc lẹ đưa thoi nhật nguyệt
Gót son lần đạp máy âm dương
Xuân riêng hoa liễu canh dàn cuốn
Ý hiệp rồng mây chỉ vấn vương
Dâng gấm sân chầu mong có thuở
Sánh bường Tô Huệ bức văn chương .

Sửa đổi một vài chữ rồi thêm vào bốn câu thành một bài bát cú lời đẹp ý giàu, lại nói lên được chút tâm sự thầm kín .

Những bài Tứ Tuyệt có đối thường bị nối đuôi hoặc nối đầu, để ngầm bảo rằng chưa phải thơ Tuyệt Cú. Nhưng nếu ý tứ trong bài không được phong phú, thì loại không có đối cũng dễ biến thành thơ bát cú. Ví dụ bài VẤN NGUYỆT sau đây, tương truyền là của Hồ Xuân Hương :

Hỏi chị Hằng Nga đã mấy con
Cớ sao khi khuyết lại khi tròn
Ba mươi mồng một đi đâu vắng
Hay có tình riêng với nước non

Cụ Tú Nguyễn Khuê đã biến thành một bài bát cú rất được thưởng thức :

Dì Nguyệt mình ơi ! Tớ hỏi đon :
Cớ sao khi khuyết lại khi tròn
Hỏi con ngọc thố chừng bao tuổi
Hỏi chị Hằng Nga đã mấy con
Ðêm vắng cớ chi soi gác tía
Ngày xanh lại thẹn với vầng son
Ba mươi mồng một đi đâu vắng
Hay có tình riêng với nước non .

Bài VẤN NGUYỆT của cụ Tú cũng như bài DỆT CỬI của ông Tôn, tuy là thơ chắp nối, song theo đúng khuôn phép. Ý tứ trong toàn bài luôn luôn đi sát đầu đề. Những câu Ðề, Trạng, Luận, Kết, câu nào cương vị nấy, nhiệm vụ nấy, không chút sai lệch. Mạch thơ khí thơ, như nước suối cao, gió đồng rộng, không bị gián đoạn hay ngưng trệ. Nếu đi thi thì quan trường dù khắt khe đến đâu cũng không thể đánh hỏng .

Hai bài đó, nếu các bạn xem xét kỹ, sẽ giúp các bạn nắm vững thêm về Chương Pháp.
Con đường đưa đến diệu xứ của Thơ còn xa lắm .

Nhưng trong BẰNG HỮU KIM KÝ của Nguyễn Ðôn Phục có câu :

Ðất đã đắp cho nên núi, chín chày phải gắng công lao ;
Ðường dù đi đi dốc đến nơi, nghìn dặm chi nài khó nhọc .

Mong các bạn đừng chán nản

Quách Tấn


Huỳnh Hữu Đức Sưu Tầm và Biên Tập


Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

Mộng Ngoài Song Thưa


Ảnh của Biện Công Danh

Các Bài Cảm Tác:


Trăng phương nào trăng soi vằng vặc
Để tâm này đối mặt tìm ai
Đêm sâu đôi mắt u hoài
Nhớ nhung vời vợi mộng ngoài song thưa

Kim Oanh
***

Ngàn dậm trăng xa tình đâu nữa
Hai phương trời đối lứa mòn trông
Sương khuya ướp lạnh phòng không
Hữu duyên vô phận mênh mông nỗi buồn.

Quên Đi
***

Người chở trăng về kịp tối nay
Hồn treo lơ lững giá mà say
Đêm thôi khắc khoải môi sương phụ
Khát vọng nửa đời quên đắng cay

Kim Phượng


Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2016

Tiếc Nhớ


Bài Thơ Xướng:
Tiếc Nhớ


Xa rồi thoắt đó đã năm năm
Ngắn ngủi dù ai cũng nhớ thầm
Quán nước ven đường trưa nắng hắt
Hợp tan không hẹn trở về thăm!

Cao Linh Tử
***
Các Bài Thơ Hoạ:
Ước Vọng


Ước vọng vơi dần theo tháng năm
Năm năm mòn mỏi nhớ thương thầm
Ngoài kia chim én mang tin tới
Người có trở về đúng hẹn thăm

Kim Phượng
***
Biển Dâu


Cũng đã qua rồi mấy chục năm
Một đời lặng lẽ sống âm thầm
Thương vay khóc mướn xin đừng nghĩ
Thương hải tang điền mấy kẻ thăm.

Quên Đi
***
Khắc Khoải


Thoắt đó ấy mà bốn chục năm,
Xa lơ xa lắc nhớ thương thầm.
Hai bờ biển cả mênh mông quá!
Biết đến bao giờ mới được thăm!?

Đỗ Chiêu Đức
***
Mộng Về...


Thuở ấy tình câm tiếc tháng năm,
Thời gian ấp ủ giọt rơi thầm.
Thành mưa lệ đá vùi chi mộ
Ngóng đợi đêm về luyến nhớ thăm!

Kim Oanh

Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016

Quê Cha Đất Tổ: Phần 5

Ao Hồ Sông Rạch Mương Ở Ấp Phú Hữu Xã Giồng Ké 

Mấy mươi năm trước, phía sau nhà của ba má tôi ở Giồng Ké có một cái ao nho nhỏ. Ao luôn trong sạch nhờ cái ống bộng. Khi nước lớn, nước từ một nhánh sông, theo ống bộng đi vào hồ. Và khi nước ròng, nước từ hồ thoát ra ngoài qua cái ống bộng ấy. Ống bộng thô sơ làm bằng thân cây cau. Sau đó được thay thế bằng thân cây dừa, có đường kính lớn hơn. Và theo nhu cầu cũng như sự tiến bộ, ống bộng được đúc bằng xi măng. 

(Cái ống bộng)
Ao sau nhà tôi, có chiếc cầu cây, do nhiều tấm ván ráp lại, có đóng những thanh ngang, bắc chuối xuống, rất tiện lợi và an toàn cho việc lên xuống khi rửa ráy. 
Vậy mà, sau mấy mươi năm khi trở lại quê nội, tôi nhìn thấy cây cầu ở ao nhà người, chỉ là một thân cây tròn, dễ trơn trợt. Và liệu, cầu bị ướt, thì bằng cách nào, người ta có thể di chuyển lên xuống dễ dàng trên chiếc cầu này.

(Chiếc cầu bắc xuống ao nước)
Trên đường đi, đây một chiếc cầu dừa khác, bắc ngang rạch nước, cũng là cây cầu tròn. Tuy nhiên, cầu không có tay cầm giúp cho mỗi lần di chuyển qua lại được dễ dàng.

(Chiếc cầu dừa bắc ngang qua mương)
Tại một căn nhà khác, tôi nhìn thấy chiếc ao bên cạnh. Nước trong ao đục ngầu, và khi hỏi, họ cho biết, đó là ao nước cho gia đình dùng hàng ngày.

(Ao nước)
Trong bài học về nước, khi còn ở ghế nhà trường. Tôi vẫn nhớ, nước là thành phần quan trọng trong cuộc sống, bởi nước chiếm đến 70% khối lượng của cơ thể con người và nhất là cần tinh khiết. Thiếu thức ăn, con người có thể sống lây lất, nhưng thiếu nước con người ta có thể kéo dài sự sống chỉ vài hôm và nếu sử dụng nước không trong lành, thì ảnh hưởng đến lục phủ ngũ tạng như thế nào. Và mỗi khi cầm ly nước lọc trong tay, cái màu nước đục đục lợn cợn trong ao nhà người cứ ám ảnh tôi hoài.

Kim Phượng
Ảnh từ Kim Phượng

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2016

Kim Phượng Chúc Sinh Nhật Thầy Mai Lộc

Kính Thầy và chúc Thầy một sinh nhật 15/3 tràn đầy hạnh phúc..
và vạn sự an lành.


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh


Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

Xuân Nhật Tức Sự - 春 日 即 事 - Thiền Sư Huyền Quang



春 日 即 事
二八佳人刺繡遲, Nhi bát giai nhân thích tú trì,
紫荊花下囀黃鸝。 Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng li.
可憐無限傷春意, Kha lân vô hạn thương xuân ý,
盡在停針不語時。 Tận tại đình châm bất ngữ thì!
***
Xuân Nhật Tức Sự
Thiền Sư Huyền Quang (1254 - 1334)

Nhị bát giai nhân thích tú trì
Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly
Khả liên vô hạn thương xuân ý
Tận tại đình châm bất ngữ thì

Dịch Xuôi : Đôi Lời Về Ngày Xuân
PKT 02/27/2016

Người con gái tuổi đôi tám đang thêu chậm rãi tấm lụa màu ngũ sắc
Một con hoàng ly đang bay chuyền cành ríu rít dưới rặng hoa tử kinh
Ôi thuơng cảm vô cùng cái thời xuân đang độ trước mắt
Nhất là vào lúc ai kia đã ngừng tay kim, bất động,ngồi lặng thinh, không nói một lời

Phụ Chú: Thiền sư Huyền Quang là Sư Tổ đời thứ 3 Dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử đời Trần . Căn cứ vào nội dung với ý và lời như vậy (?) , có thuyết cho là bài Xuân Nhật Tức Sự này không phải do Thiền Sư làm (và còn được tìm thấy ở bên Tàu dưới tên tác giả là Ảo Đường Trung Nhân(? - 1203) đời Tống). Trong giới hạn hiểu biết của một người yêu chuộng chữ nghĩa , tôi xin được mạn phép hỏi ở đây cho vui thôi : "đã là một nhà tu thì không thể là một người thơ được sao?".

 PKT 02/27/2016

Xuân Nhật Tức Sự
PKT 02/27/2016

Tuổi đôi tám ngồi thêu tấm màn lụa,
Con oanh vàng ríu rít dưới giàn hoa.
Ôi thương lắm thuở xuân thì đang độ,
Tay kim ngừng, im lặng, ngó ngày qua.


 Phạm Khắc Trí
***
Đôi Lời Về Ngày Xuân

Đôi tám nàng thêu tấm lụa màu
Chuyền cành hoa động cảnh xôn xao
Ý xuân thương cảm đời hư ảo
Khoảnh khắc dừng kim chẳng tiếng nào


Kim Phượng


Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2016

Tưởng Nhớ Người Khai Sinh Email @


Raymond Samuel Tonlinson (1941-2016).

Đã vào thập niên thứ hai của thế kỷ 21, mỗi ngày có hàng tỷ Emails được gởi đi. Có những Emails chuyên về thương mại, công việc. Có những Emails vô thưởng vô phạt, không ảnh hưởng đến hòa bình thế giới, hay hạnh phúc cá nhân, nhưng người đọc mệt mỏi với loại thư điện tử này, nên thẳng tay đưa vào thùng rác (spam mails). Có cả những bức thư tình ngắn gọn thời "dot com" của những người đang yêu. Cả tỷ người trên thế giới thi nhau gõ keyboard, gởi, nhận thư điện tử mỗi ngày.
Có cả phim "You got mails" với tài diễn xuất tuyệt vời của Tom Hanks, và Meg Ryan đưa về một lợi nhuận khổng lồ cho Hollywood.
Không biết có ai trong cả tỷ người nghĩ đến người phát minh ra Emails? Chắc là ít ai nghĩ đến "cha đẻ" của Emails. Người kỹ sư điện tài ba, người sáng tạo ra Emails, và dấu @ vừa qua đời hôm thứ bảy, ngày 5 tháng 3 vì bệnh tim.
Thật ra, trước khi ông Ray Tomlinson khai sinh dấu hiệu @ vào năm 1970, người ta đã có thể gởi information qua lại cho nhau, nhưng chỉ gởi và nhận được nếu cùng sử dụng một máy computer. Không thể gởi data cho một người khác ở ngay phòng bên cạnh nếu người gởi và người nhận ở hai máy khác nhau,
Anh chàng kỹ sư trẻ, tự nhận mình là "a nerdy guy from MIT" (trường Đại học Massachusetts Institute of Technology lẫy lừng khắp thế giới đã đào tạo cho Mỹ nhiều nhà khoa học tài năng.) cặm cụi làm việc với niềm đam mê của một người "chỉ biết học thôi chả biết gì" (a nerd).
Ray tốt nghiệp cao học (master degree) về ngành Điện (Electrical Engineer) ở MIT năm 24 tuổi, sau khi đã có cử nhân (bachelor degree) ở Rensselaer Polytechnic Institute vào năm 1963. Thời sinh viên, ông đi thực tập ở IBM và đã làm cho các kỹ sư ở đó khâm phục trí thông minh, và khả năng làm việc của một anh chàng mới bước vào tuổi hai mươi, thiếu cả kinh nghiệm làm việc lẫn kinh nghiệm sống.
Ra trường, ông về làm việc cho Bolt Beranek and Newman((BBN), sau này được Công ty kỹ thuật Raytheon mua lại. Tomlinson làm ở đó như là một programmer giỏi, một nhà khoa học được tất cả mọi người kính trọng. Hơn nửa thế kỷ qua, vẫn ở cùng một công ty, với nhiều thay đổi, các nhà lãnh đạo, đến rồi đi, anh kỹ sư trẻ Ray Tonlinson, bước vào tuồi trung niên, roi bạc tóc, vẫn làm việc ở văn phòng quen thuộc của mình, vẫn yêu những con số, những project khoa học cho đến lúc ông qua đởi vì bệnh tim vào ngày thứ bảy 5 tháng 3 năm 2016.
Ray thời 1970, khi khai sinh mạng lưới email toàn cầu.
Vào năm 1970, ở tuổi 29, anh kỹ sư trẻ Ray Tomlinson phải làm việc cùng lúc ở hai computer khác nhau, data không thể gởi từ máy này qua máy kia. Ngoài phận sự của mình, Ray dành thì giờ nghiên cứu cách gởi data từ các máy khác nhau. Anh dùng tên mình Ray ở máy 1 gởi cho Ray ở máy 2. Để đơn giản hóa, thay vì dùng chữ "at", Ray dùng ký hiệu @, có sẵn trên bàn phím. Và việc gửi email từ máy này tới máy kia thành công. Chính từ đây, mạng lưới email giữa người này với người khác (Person to person netward email) ra đời và ký hiệu user@host trở thành mẫu ghi phổ thông cho cách ghi địa chỉ email toàn cầu hiện nay.
Khi tự gởi email cho mình (ở hai máy khác nhau) thành công, Tomlinson chia sẻ với một kỹ sư đồng nghiệp khác. Người này vui mừng, định báo tin cho cấp lãnh đạo. Vốn khiêm nhường như bao nhiêu người có tài khác, Ray ngăn lại "Đừng nói cho ai hết, thật ra đây cũng không phải là việc mà mình phải làm". Nhưng phát minh đó quá tiện lợi, nên "tiếng lành đồn xa", Ray Tomlinson được cấp bằng sáng chế, và là một trong những người quan trọng phát minh ra Emails.
Ông cũng nhận được nhiều giải thưởng khoa học có giá trị về các nghiên cứu khoa học từ năm 2000 đến năm 2012. Riêng trong giới programmer về Internet, ông được coi là một trong những nhà phát minh tài năng.
Sau đó, dù luôn khiêm nhường và thầm lặng, ông nổi tiếng trong giới khoa học, được MIT xếp thứ 4 trong danh sách 150 cựu sinh viên tốt nghiệp MIT là những nhà phát minh có đóng góp quan trọng nhất cho khoa học.
Ông được mời đi nói chuyện ở các hội nghị khoa học, là một tên tuổi được kính trọng trong giới high tech, được các sinh viên trẻ coi như một thần tượng.
Dù vậy, nhà khoa học vẫn sống lặng lẽ với tình yêu khoa học, và trang trại nuôi một loại cừu nhỏ ở ngoại ô New York. Ngoài công việc, ông có niềm vui "ta dại ta tìm nơi vắng vẻ" với thiên nhiên vả bầy cừu nhỏ của mình. Cả cuộc đời ông gắn liền với tiểu bang New York, nơi ông sinh ra, lớn lên, đi học, làm việc, và qua đời.
Xin viết lại bài này với lòng ngưỡng mộ, và biết ơn người phát minh ra "@", giúp Emails phát triển hoàn thiện như hôm nay.
Và xin được nhắc nhở mọi người nhớ đến Ray Tomlison, người góp phần quan trọng trong việc đưa Emails đến cả tỷ người ở khắp nơi trên thế giới.
*
Raymond Samuel Tomlinson sinh tại Amtersdam, NewYork, ngày 23 tháng Tư năm 1941. Khi đột ngột từ trần vị bị kích tim vào ngày March 5, 2016, chỉ còn đúng 4 tuần nữa là Ray sẽ mừng sinh nhật thứ 75.
Tháng Ba, tháng Tư là ngày giỗ, ngày sinh của ông. Khi mở Emails, xin hãy góp phần cầu nguyện cho Ray Tonlinson, mong ông an vui bình yên ở một nơi không còn cần Emails, không cần bất cứ một điều gì ngoài sự nhẹ nhàng, thanh thoát.

Bạch Hằng Sưu Tầm

Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2016

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

Giã Biệt Mùa Hè - Đón Hai Mùa Thơ



Giã Biệt Mùa Hè

Giã biệt mùa hè phượng ở đâu
Tàng cao vắng phượng xác ve sầu
Xứ người phượng chết trong lòng hạ
Tan tác phượng rơi giấc mộng đầu

Kim Phượng
***
Đón Hai Mùa Thơ
(Cảm tác Giã Biệt Mùa Hè của Kim Phượng)

Nơi ấy mùa Thu đã bắt đầu
Còn đây Xuân đến, hết u sầu
Thi nhân Úc, Mỹ tìm thi hứng
Chớ để Nàng Thơ trốn biệt đâu

ChNg/H.N.T. 
Mar.9.16


Thứ Tư, 9 tháng 3, 2016

Nhật Thực - Vĩnh Long Sau Ngày 8 Tháng 3

Hôm nay ngày 09 tháng 03 sau ngày phụ nữ 08 tháng 03. Ngày phụ nữ được tôn vinh, được các đấng liền ông đút ăn, liền hôm sau mặt trời bị mặt trăng ăn, nhưng mà ăn phân nữa thôi. 
Thân mời quý bạn xem vài hình ảnh nhật thực được ghi lại từ sân thượng nhà tôi tại Vĩnh long.








Trương Văn Phú

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2016

Tập Tành Thơ


Thưa Thầy, Cô, Anh, Chị, Em "Vườn Thơ Thẩn",
Trong những ngày tết, lúc quỡn, đọc lại những bài Thơ xướng hoạ của Vườn Thơ Thẩn , thấy bài "Làm Thơ", tự nhiên nhớ lại lúc chân ướt chân ráo làm quen với thơ, nên Quên Đi có viết một bài theo dạng "Thất Ngôn Xen Lục Ngôn".Xin giới thiệu với Thân Hữu Vườn Thơ giải trí :

Bài Xướng: Tập Tành Thơ

Nhớ xưa tập tễnh học làm thơ
Mới viết đôi câu đã đẫn đờ
Lục Bát vần lưng nghe lủng củng
Luật Đường niêm đối thấy ngu ngơ
Tự Do ư Tự Do hử
Thơ Mới ơ Thơ Mới quờ
Cứ tưởng dể dàng nên bắt chước
Ai dè rắc rối thiệt không ngờ.

Quên Đi
***
Bài Họa 1 : Bắt Chước Làm Thơ

Thỉnh thoảng ngâm nga thưởng thức thơ,
Nông tang cuốc đất mệt lờ đờ.
Ca dao, tứ tuyệt nghe mùi mẫn,
Tục ngữ, Đường Thi cũng ngẫn ngơ.
Bình, Trắc, gieo vần lủng củng,
Vô Niêm, Thất Luật, quay quờ !
Tập tành bắt chước câu hay dở,
Xướng họa lời quê thật bất ngờ !

Mai Xuân Thanh 
Ngày 23 tháng 02 năm 2016
***
Bài Họa 2: Yêu Thơ, Học Thơ

Nghỉ hưu rảnh rổi tập làm thơ,
Niêm luật chưa thông chữ cứng đờ.
Bát cú thất ngôn quên chính tả,
Gieo vần " Thơ Mới " nhớ ngu ngơ.
Tục ngữ ca dao nghiền ngẫm,
Đôi câu bắt chước quạng quờ.
Cầu tiến trau dồi luôn lãnh hội,
"Vườn ThơThẩn ", quả thật, không ngờ!

Mai Xuân Thanh
Ngày 23 tháng 02 năm 2016
***
Bắt Chước Mần Thơ
Mượn vận "Tập Tành Thơ" của thi hữu Quên Đi)

Bắt chước thi nhân sáng tác thơ!
Giả đò mơ mộng mắt lờ đờ
Nhiều đêm thức trắng vần tìm viết
Khói thuốc tay vàng ý vẫn ngơ
Song thất,Đường thi....bí lối
Tự do,thơ mới...quay quờ
Mần thơ "Con Cóc" xem chừng được!
"Thơ thẩn "vườn ta ...phục bất ngờ

Song Quang
***
Thành Thi Sĩ

Thương nhớ người ta tập nhả thơ
Ô hay đầu óc lại lờ đờ
Người tài khuyên nhủ cần kiên nhẫn
Kẻ dốt nghĩ hoài đến ngẩn ngơ
Đường luật ơi Đường luật hỡi
Tự do quơ Tự do quờ
Đến nay được gọi là thi sĩ
Bè bạn cười lăn bảo bất ngờ

Kim Phượng

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016

Chiếc Áo Từ Mẫu


Áo trắng trinh nguyên một tấm lòng
Lương y từ mẫu ý hằng mong
Vết thương trần thế luôn ray rức
Xoa dịu nỗi niềm kẻ cậy trông

Áo trắng đơn sơ tròn chữ tâm
Khiêm cung liêm chính chẳng sai lầm
Thương người bằng cả tim chân thật
Dẫu miệng bia đời vẫn lặng câm

Áo trắng lương y cảm phận nghèo
Giúp người lâm cảnh chỉ mành treo
Giàu sang cùng khốn nào đâu khác
Thiên chức chu toàn chân lý theo

Kim Phượng

Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

Giã Biệt Mùa Hè


Ngày 29 tháng 2 là ngày Hè cuối cùng của Úc Châu. Xin giã biệt...

Giã Biệt Mùa Hè

Giã biệt mùa hè phượng ở đâu
Tàng cao vắng phượng xác ve sầu
Xứ người phượng chết trong lòng hạ
Tan tác phượng rơi giấc mộng đầu

Kim Phượng
***1)

Hỏi Thăm Cô Sáu

Hỏi thăm cô Sáu ở nơi đâu ?
Châu Úc hè qua nhạc khúc sầu.
Văng vẳng ve kêu về cố quận,
Ép hoa phượng vĩ nhớ duyên đầu !

2)

Phượng Vàng

Phượng vàng ít thấy ở nơi đâu ?
Chỉ biết hoa nay rớm lệ sầu.
Quê quán Vĩnh Long trường ốc cũ,
Úc nay hết hạ nắng che đầu !

Mai Xuân Thanh
Ngày 29 tháng 02 năm 2016
***
Xác Phượng Năm Xưa

Lời thơ phượng héo hắt vì đâu !
Nhớ nước thương quê phượng cũng sầu
Phượng thắm khô dần sau lửa hạ
Càng thương cánh phượng ghép ban đầu.

Cao Linh Tử
29/2/2016
***
Sắc Phượng Ngày Hè

Cho dù cánh phượng tận nơi đâu
Vẳng tiếng ve kêu dáng phượng sầu
Tự đáy lòng sâu mùa phượng ấy
Buồn thay sắc phượng mộng ban đầu!

Nguyễn Đắc Thắng
***
Phượng Hè

Hè đến nơi này thấy phượng đâu
Nơi kia hè biệt phượng đang sầu
Mỗi hè cánh phượng khoe màu thắm
Phượng vắng hè qua nhớ buổi đầu.

Quên Đi
***
Hạ Vắng


Phượng ở sân trường người trốn đâu
Để thương để nhớ ngẩn ngơ sầu
Bao mùa mưa nắng thay màu lá
Còn đọng dư hương mộng thuở đầu!

Yên Dạ Thảo
29/02/2016
***
Chưa Hè...Nhưng Vẫn Nhớ

Phượng nầy chưa thấy Phượng hè đâu! 
 Vì thế! cho nên chửa biết sầu 
 Nhưng nhớ Phượng hồng ngày tháng cũ 
 Thương trường thuở ấy...chớm tình đầu

Lý Lệ MAI
***
Phượng Buổi Đầu

Lặng lẽ yêu nàng biết dấu đâu
Con tim thổn thức nén cơn sầu
Hè qua trở lại người xưa vắng
Chỉ biết hoài mơ phượng buổi đầu

Kim Oanh
***
Cảm Tác:
Cánh Phượng Đỏ

Xào xạc gió đưa ngoài cửa lớp
Vài bông PHƯỢNG đỏ bay lên cao
Nhìn em đôi mắt nhìn không chớp
Nào PHƯỢNG nào em anh lao đao

Lý Tòng Tôn

Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016

Thương Khúc Xuân 傷春詞 - Bạch Cư Dị

Sáng nay, bệnh già êm, nắng xuân vui ấm ngoài trời, bên tách cà phê starbucks, lan man lại nhớ đến người đẹp trong một bài thơ của Bạch Cư Dị và mấy câu thơ trong bài Le Lac của Lamartine thời Trung Học :" Ô temps! Suspends ton vol / Et vous, heures propices / Suspendez votre cours / Laissez-nous savourer les rapides délices/ Des plus beaux de nos jours ". Tôi ngồi chuyển dịch lại bài Thương Xuân Khúc đế mọi người thân quý vui cùng tôi với chữ nghĩa của người xưa.

PKT 02/26/2016



Thương Xuân Khúc - Bạch Cư Dị (772 - 846)

Thâm thiển thiềm hoa thiên vạn chi
Bích sa song ngoại chuyển hoàng ly
Tàn trang hòa lệ há liên tọa
Tận nhật thương xuân xuân bất tri

Dịch Xuôi:

Muôn ngàn cánh hoa khoe sắc bên thềm
Tiếng oanh chuyền cành ríu rít ngoài song lụa biếc
Buông rèm ngồi khóc thầm một mình cho nhan sắc đã phai tàn
Cả ngày than thở với xuân mà xuân có biết cho đâu

Thương Xuân Khúc

Óng ánh bên thềm muôn sắc hoa
Ngoài song lụa biếc rộn oanh ca.
Buông rèm giấu lệ nhòe son nhạt
Khóc một thời xuân xa đã xa.

Phạm Khắc Trí
***

Các Bài Dịch Khác

Kính Thầy,
Đỗ Chiêu Đức tham gia với các phần sau đây:

1. Nguyên bản chữ Hán của bài thơ:

傷春詞                     Thương Xuân Khúc


深淺簷花千萬枝, Thâm thiển thiềm hoa thiên vạn chi,
碧紗窗外囀黃鸝。 Bích sa song ngoại chuyển hoàng li.
殘妝含淚下簾坐, Tàn trang hàm lệ há liêm tọa,
盡日傷春春不知。 Tận nhật thương xuân xuân bất tri!

               白居易                                        Bạch Cư Dị

2. Chú Thích:


Bài thơ nầy có tựa là Thương Xuân TỪ, vì là thơ thuộc dòng Nhạc Phủ dùng phổ nhạc để hát. Thể TỪ 詞 nầy phát triển đến đời Tống thì hoàn chỉnh. TỪ có thể gieo cả vần Bằng lẫn vần Trắc, và có câu dài ngắn khác nhau cho dễ phổ nhạc. Nhắc đến thi ca cổ là phải nhắc đến ĐƯỜNG THI và TỐNG TỪ.
* THÂM THIỂN ở đây có nghĩa là ĐẬM NHẠT. THIỀM là Mái Hiên nhà. Nên THÂM THIỂN THIỀM HOA có nghĩa: Hoa nở Đậm Nhạt ở dưới mái hiên nhà. Tại sao lại Đậm Nhạt? Vì là cuối mùa xuân, một số hoa nở muộn chen lẫn vào các hoa nở trước đã sắp tàn, tạo nên cảnh ngổn ngang đậm nhạt của buổi tàn xuân, cảnh vật càng bát nháo hơn với 3 từ cuối " Thiên Vạn Chi " là Muôn vạn cành hổn độn vào nhau, cái nở cái tàn
* Chữ CHUYỂN 囀 bộ KHẨU bên trái, có nghĩa là tiếng chim Hoàng Li ( Hoàng Oanh ) hót " Liú Lo " . CHUYỂN là Uyển chuyển 婉 囀 theo Thành ngữ " Oanh Đề Điểu Chuyển 莺啼鸟啭 " là Oanh Ca Chim Hót !
* TÀN TRANG 殘妝 : Sự Trang điểm đã tàn tạ. Ý chỉ đã cuối ngày. Đầu ngày là Tân Trang 新妝, là Mới vừa trang điểm xong, cuối ngày thì sự trang điêm cũng tàn phai, hơn nữa lại ...
* HÀM LỆ 含淚 : là " Ngậm nước mắt ", có nghĩa là : Nước mắt doanh tròng, nước mắt đầy cả tròng mắt chưa kịp rơi xuống.
* TẬN NHẬT 盡日 : là Hết ngày, có nghĩa là Suốt Ngày.
3. Nghĩa Bài Thơ:
Thương Cảm Cho Mùa Xuân Sắp Tàn
Vẻ đậm nhạt của trăm ngàn cành hoa ngổn ngang chen chút nhau dưới mái hiên nhà, ngoài rèm the xanh biếc của song cửa sổ là tiếng chim oanh còn hót líu lo. Nét trang điểm đã tàn phai, nàng ngồi xuống phía dưới rèm mà mắt lệ doanh tròng. Suốt cả ngày hôm nay nàng thương cảm cho mùa xuân sắp tàn, mà mùa xuân có biết cho nỗi lòng của nàng đâu !

Thương XuânTừ

Ngàn hoa hỗn tạp dưới hiên nhà,
Rèm biếc líu lo oanh vẫn ca.
Ngấn lệ dưới hiên nàng thương cảm,
Thương xuân xuân có biết chăng là?!

Lục bát:

Trước thềm đậm nhạt ngàn hoa,
Bên song oanh hót là đà rèm châu,
Dưới hiên lòng những âu sầu,
Suốt ngày thương cảm xuân nào có hay!

Đỗ Chiêu Đức
***
Đau Đớn Xuân


Thềm hoa đậm nhạt muôn nghìn nhánh
The biếc song ngoài oanh líu lo
Sắc lụn sau rèm ngồi ứa lệ
Đau xót vì xuân xuân biết cho.

Quên Đi
***
Thương Cảm Ngày Xuân Qua


Ngàn hoa đậm nhạt trước hiên thềm
Rèm lụa song ngoài rộn tiếng chim
Nhan sắc tàn phai, rưng mắt lệ
Than thở cùng xuân, xuân lặng yên !

Phương Hà phỏng dịch
***
Cảm Hoài Ngày Xuân Sắp Qua

(Mượn ý Thương Xuân Khúc của Bạch Cư Dị )

Ngoài hiên tàn, nở giữa ngàn hoa
Ríu rít chim Oanh hót rộn nhà
Thương cảm,bên rèm nhòa ngấn lệ
Vì Xuân, Xuân có biết lòng ta???

Song Quang
***
1)
Còn Đâu Má Phấn
Mỉm Cười Chúa Xuân!


Điểm sắc trăm hoa đẹp trước thềm,
Yến anh ríu rít lụa song mềm.
Nhạt phai nhan sắc em ngồi khóc,
Rực rỡ Chúa xuân thiếp chẳng thèm!

2)

Nhan Sắc Tàn Phai Xuân Có Hay!
Hương sắc trăm hoa nở trước thềm,
Ngoài song lụa rũ hót vang chim.
Tàn phai nhan sắc mi đầy lệ,
Xuân đến vô tình thiếp thẹn thêm!

Mai Xuân Thanh
Ngày 27 tháng 02 năm 2016
***
Một Khúc Thương Xuân

Hiên trước ngàn hoa đua sắc thắm
Ngoài song lụa biếc tiếng oanh đưa
Rèm buông thầm khóc dung nhan úa
Than thở cùng xuân xuân xót chưa.

Kim Phượng
***

 Xót Xuân Tàn

Ngổn ngang hoa muộn đua chen
Song thưa chim hót bên rèm líu lo
Thương cảm ngấn lệ buồn so
Xót xuân xuân có biết cho lòng này?

Kim Oanh

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016

Kim Phượng Thành Kính Phân Ưu Cùng Gia Đình Thầy Quang Tuấn


Thành Kính Phân Ưu

Kim Phượng vô cùng đau đớn khi hay tin Thầy Quang Tuấn, Cựu Hiệu Trưởng Trường Trung Học Thủ Đức, Thi Hữu Vườn Thơ Thẩn. Thầy đã đột ngột ra đi ngày 1 tháng 3 năm 2016 tại San Jose California Hoa Kỳ .
Thầy đi, đã để lại cho tất cả Thi Hữu Vườn Thơ sự tiếc thương. Riêng Kim Phượng đã mất đi người Thầy, từng dìu dắt góp ý về Thi Phú.
Nếu bên kia cửa tử còn có đời sống, Thầy ơi, nguyện cầu Hương Linh Thầy sớm an nghỉ và nhận nơi đây tấm lòng của Kim Phượng gửi đến Thầy.

Nhang Lòng

Nhang lòng tiễn biệt thi nhân
Vườn Thơ Thẩn lạnh kém phần vui tươi
Bao câu Xướng Họa biếng lười
Đóa hoa Đường Luật chín mười héo hon
Người đi hình bóng vẫn còn
Trong tâm Thi Hữu với con tim đầy
Quang Tuấn khả kính hỡi Thầy
Vĩnh hằng một cõi nơi đây an bình


Kim Phượng

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

Tuế Mộ Quy Nam Sơn - Mạnh Hạo Nhiên (689 - 740)


Tuế Mộ Quy Nam Sơn
Mạnh Hạo Nhiên (689 - 740)


Bắc khuyết hưu thướng thư
Nam sơn quy tệ lư
Bất tài minh chủ khí
Đa bệnh cố nhân sơ
Bạch phát thôi niên lão
Thanh dương bức tuế trừ
Vĩnh hoài sầu bất mị
Tùng nguyệt hạ song hư.

Dịch Xuôi: Cuối Năm Về Nam Sơn

Thôi bỏ chuyện dâng kế sách lên Bắc Khuyết nữa
Hãy quay trở về căn lều cỏ ở núi Nam Sơn đi
Tài không có nên đã không được nhà vua ngó đến
Thân lại lắm bệnh nên bạn quen đã lánh xa
Tóc thêm bạc, cái già đến rồi
Tiết xuân về, lại thêm một năm nữa qua
Nghĩ ngợi xa gần buồn không ngủ được
Bóng tùng đổ dưới trăng ngoài song trong đêm vắng

Phạm Khắc Trí
02/15/2016
***
Dịch Thơ: Cuối Năm Về Nam Sơn

Bắc Khuyết ngưng dâng sách
Nam Sơn về lại nhà
Bất tài vua chẳng đoái
Lắm bệnh bạn dời xa
Tóc bạc bao năm nữa
Xuân xanh mấy tết qua
Ngổn ngang đêm thức trắng
Thông lạnh dưới trăng ngà

Phạm Khắc Trí
02/15/2016

Phụ Chú:

(1) Bắc Khuyết chỉ nơi triều chính vua quan
(2) Nam Sơn chỉ nơi quy ẩn của các bậc hiền giả
***
Dịch Thơ: Cuối Năm Về Nam Sơn

Bắc Khuyết mong gì dâng kế sách
Nam Sơn lều cỏ đấy xem nhà
Không tài vua chẳng lưu dùng đến
Lắm bệnh bạn thời ngại lánh xa
Tuổi hạc cao đà thêm sớm bạc
Tiết xuân sang mặc tháng ngày qua
Mông lung nghĩ ngợi nào yên giấc
Song vắng tùng soi dưới ánh ngà

Kim Phượng
***
Dịch Thơ: Cuối Năm Về Nam Sơn

Đành thôi, Bắc Khuyết sách không dâng,
Trở lại Nam Sơn chốn thảo bần.
Vô tướng bất tài không trọng dụng,
Lánh xa, bằng hữu, bệnh đau đần.
Thân cô tóc muối già thêm bạc,
Thất thế, xuân sang, tủi phước phần.
Thức trắng năm canh buồn nghĩ ngợi,
Ngoài song tùng đỗ bóng trăng ngân...

Mai Xuân Thanh
Ngày 23 tháng 02 năm 2016



Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

Xuân Về Tôi Bảy Mươi!



Bài Thơ Xướng:

Xuân Về Tôi Bảy Mươi!


Xuân về, thất thập cổ lai hy,
Đại khái tháng ba, có nhớ gì!
Mở mắt chào đời, lâu quá thiệt,
Khóc nhè, nhỏng nhẽo mẹ từ bi.
Ngày hai nhắc lại năm Đinh Hợi,
Giặc giả tản cư chạy loạn đi...
Tới tuổi vào trường quê bạn học,
Chưa từng..."sinh nhật"... chắc không chi!

Mai Xuân Thanh
***

Các Bài Thơ Họa:

Chúc Thọ Huynh Mai Xuân Thanh

Kỷ lai hô là Cổ Lai Hy,
Chúc bạn xứng tâm nếu ước gì.
Trọn kiếp hân hoan không khổ lụy,
Suốt năm vui vẻ chẳng sầu bi.
Bính Thân toại ý người yêu đến,
Đinh Hợi ăn no ngủ kỷ đi.
Vui Tết "xả vàng" chơi tới bến,
Lão ông thất thập... hết lo chi!

Đỗ Chiêu Đức
***

Mừng Thọ Bạn Hiền

Dẫu rằng thất thập vẫn hy hy
Tóc bạc, răng long? - Chửa thấy gì!
Phong độ tràn đầy, thân mãi khoẻ
Trí tâm minh mẫn, dạ nào bi!
Lòng xuân phơi phới, an vui đến
Phước lộc dồi dào, lo lắng đi
Bạn hữu mến yêu luôn xướng hoạ
Thế là hạnh phúc, chẳng cần chi!

Phương Hà
***

Mừng Bạn Được 70

Mừng chúc anh mình đến mức hy
Dẫu thêm tuổi nữa có lo gì
Tết nầy trên dưới đều an lạc
Năm mới trước sau chẳng khổ bi
Lão lai tao nhã xin mời hưởng
Kim nhật nhàn du được cứ đi
Phúc phận trên đời nào dễ được.
Tuổi già hạnh phúc chả cần chi.

Quên Đi
***

Chúc Tuổi Mai Xuân Thanh

Bảy bó Xuân Thanh dzui quá hy
Rồi nay sắp tết biết mừng gì ?
Uống bia được chứ đồ tiêu sái ?
Dùng rượu hay không,thứ luyện bi ?
Nghỉ khiến tinh thần vui lấy lại
Nó làm thể xác mệt quăng đi
Thế nào chịu chứ này Mai hữu
Bạn cả thôi mà hỏi ngại chi.

Thái Huy
02-01-16
***

Mừng Thọ Anh Xuân Thanh

Người xưa bảy chục đã là hi
Thượng thọ giờ đây có thiếu gì
Tỉnh giấc huỳnh lương đừng luyến tiếc
Nhớ nhà bạch phát chớ sầu bi
Công danh tạm bợ nên rồi mất
Định mệnh vô thường đến lại đi
Sinh nhật bác Thanh xin kính chúc
Thân tâm an lạc khỏi tiền chi!

Cao Linh Tử
3/2/2016
***

Bảy Mươi Vẫn Xuân Thì

Thố lộ tâm tình lai với hy
Mùng hai Đinh Hợi rõ ngày gì
Đến nay thất thập nghe ngâm vịnh
Thuở trước thiếu thời mê bắn bi
Sinh nhật chúc mừng luôn vẫn nhớ
Tháng Ba chung cuộc chẳng quên đi
Bảy mươi ai bảo ông già nhỉ
Xuân tự ở lòng lo lắng chi

Kim Phượng
***

2 tháng 3 là ngày s/n anh Mai Xuân Thanh đươc "Thất thập Cổ Lai Hy" Song Quang xin có lời mừng và cầu chúc Anh có một ngày Sinh Nhật thật vui vẻ, sức khoẻ dồi dào, an khang và đầm ấp bên gia đình.

Song Quang
***

Sinh nhật của Mai Xuân Thanh ngày 02 tháng 03, kết hợp mừng thọ 70
Mai Xuân Thanh xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của quý thầy cô, quý bằng hữu

Nỗi Niềm

Tháng ba ghi nhận nỗi niềm thương,
Thất thập cổ lai, Thơ Thẩn Vườn.
Kết hợp luôn mừng sinh nhật tới,
Đồng tâm mãi chúc khỏe, an thường.
Cám ơn xướng họa hay coi trọng,
Đa tạ nghĩa tình vẫn vấn vương !
Nhớ tới ngày hai này mở tiệc...
May duyên cạn chén chúc an khương!

Mai Xuân Thanh
Ngày 01 tháng 03 năm 2016


Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

Chiều Vàng Vĩnh Long




Chiều Vàng Vĩnh Long

Chiều xuống tan dần trong nắng muộn
Mái chèo khua gợn sóng hồn xưa
Lỡ nguyện ước phương xa trời nhớ
Thèm trở về lặng ngắm hoàng hôn

Hoàng hôn phủ đôi bờ nhung nhớ
Nhớ bao chiều những bận đón đưa
Dáng ngây thơ bóng gầy nghiêng đổ
Chẻ lụa vàng dài ánh chiều rơi

Đã qua rồi một thời sôi nổi
Mỗi chiều vàng gợi nhớ Vĩnh Long
Cõi đời riêng tim côi sâu lắng
Của ngày tháng cũ tuổi hồn nhiên

Kim Phượng
Ảnh Sông Vĩnh Long của Trương Văn Phú
***

Thơ Cảm Tác:
Vĩnh Long Chiều Cuối Hạ

(Cảm tác từ Chiều Vàng Vĩnh Long của Kim Phượng)

Anh đến Vĩnh Long chiều cuối Hạ
Nước sông Tiền lấp lánh đèn lên
Em đam mê phương xa trời nhớ
Bến cô liêu dòng nước mông mênh

Hoàng hôn nào đời ta phủ kín
Hàng me thưa lá rụng bờ vai
Em ngây thơ áo dài nghiêng nắng
Cho tim anh ủ rủ u hoài

Lâu lắm chúng ta chưa gặp lại
Hàng phượng xưa, mái ngói, sân trường
Chúc em mãi ngọt ngào sâu lắng
Quên cuộc tình tuổi trẻ thân thương?!

Dương Hồng Thủy