Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Giáng Sinh Nào



Giáng Sinh nào em cùng anh đi lễ
Dâng lên ngôi cao chuyện kể chúng mình
Hai mái đầu cuối thấp nguyện lặng thinh
Nghe máu chuyển tim mình hòa chung nhịp

Lạy Chúa con thiết tha lời khấn nguyện
Phép nhiệm mầu duyên trọn mãi bên nhau
Tròn tin yêu bền lâu dài suốt kiếp
Hết đời này tiếp nối đến đời sau

Chúa ngự trên cao hào quang rực rỡ
Che chở đời vượt qua nỗi truân chuyên
Là dòng suối hiền trầm mình tắm mát
Là cỏ xanh bát ngát tựa lưng nằm

Nhưng Chúa ơi!
Đêm nay lòng con âm thầm gọi Chúa
Người xa rồi không là của riêng con
Đêm bơ vơ đêm thao thức mỏi mòn
Hồng Ân phước xin cho con tròn giấc
Quên sự đời tất bật những thương đau.

Giáng Sinh 2010
Kim Phượng

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Hồi Chuông Định Mệnh



Bao năm trở lại Giáo Đường
Thềm xưa cảnh cũ vương vương bóng hình
Hồn treo thập giá tử sinh
Cõi lòng quạnh quẽ cầu kinh loạn cuồng

Chúa ơi! Ngăn giọt lệ tuôn
Bờ mi thiếu phụ khăn vuông đẫm đầy
Ông tơ bện sợi chỉ dầy
Sao còn cay nghiệt đọa đày thất điên

Cùng là phận gái thuyền quyên
Trời già đãi ngộ tơ duyên bẽ bàng
Mân côi chuỗi hạt lần tràng
Hồi chuông tĩnh thức âm vang gọi hồn

Chúa ơi! Dĩ vãng vùi chôn

Kim Phượng

Thế Hệ thứ 3 & 4 Chúc Mừng Giáng Sinh 2013 Bà Kim Phượng








Các Cháu 


Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Đêm Giáng Sinh Lạc Loài

      Niềm tin đã mất kể từ khi…từ khi cô cảm nhận được sự hiện hữu của mình không còn ý nghĩa nữa. Những lúc ấy, cô muốn tự biến mất khỏi cuộc đời, càng sớm càng tốt … đời có gì để vui, người còn ai đáng tin tưởng. Thật sự, cô đã hoàn toàn mất hết niềm tin yêu và sự mong chờ.
     Những nghiệt ngã của cuộc đời đó, nỗi đơn côi, sự bất hạnh xâm chiếm tâm hồn, bủa vây cô không rời. Cô mong chờ một phép lạ, bám víu một tin yêu mong manh, nhưng mọi việc hình như đã vượt khỏi tầm tay. Cô khóc, tiếng khóc không bật nổi một âm thanh, lặng lẽ, âm thầm, như đay nghiến đau buốt con tim. Rồi bỗng một ngày Người mang phép lạ đến. Niềm tin yêu những tưởng mất đi lại được tìm về.


        Bàn tay của vị chăn chiên đã mang cô trở lại cuộc đời qua niềm tin tôn giáo, một niềm tin mà từ lâu cô đã chối từ . Cô là một tín đồ không thuần thành với những chiều Chúa Nhật không đi lễ, với lời kinh không làu thuộc. Một người công giáo nhưng chưa một lần xưng tội. Con đường dẫn đến giáo đường hình như lúc nào cũng khó khăn, đầy trở ngại đến độ cô e dè. Mỗi lần đi lễ là lần có sự chọn lựa đi hay không hoặc đi vì sự chẳng đặng đừng. Vào giáo đường, bằng bước chân ngượng ngùng khiến cô mất hết niềm tin và sự thoải mái. Có một lần nào đó, cô được Cha dạy bảo “hãy dâng lên Chúa sự ngượng ngùng”. Lời Cha như chấp thêm đôi cánh niền tin. Rồi từ đó cô đi lễ bằng con tim thật thà, tâm hồn vô tư trải dài suốt buổi lễ, nhưng cô vẫn là con chiên không thuần. Trong cuộc sống cô cho là ô hợp và đơn điệu này, đôi lúc cô thầm nghĩ, có lẽ dưới ánh mắt nhân gian, họ cho cô là người chối bỏ đời công giáo, nhưng bằng con tim của Chúa, cô đáng thương và đáng được thương. Cố tin như vậy!

        Giờ đây, mỗi lúc vào giáo đường cô vẫn chưa hội nhập được với người chung quanh, chỉ thuần thục một điều là tìm đến ngồi ở hàng ghế cuối. Không khí trang nghiêm, tiếng nhạc nhè nhẹ đôi lúc dìu dặt réo rắc, tiếng Cha và giáo dân vang vang vào đầu buổi lễ, quen đến đổi cô làu thuộc và yêu thích :
      - Chúa ở cùng anh chị em.
      - Và ở cùng Cha.

         Hai lời nói nhưng có cùng một ý nghĩa cầu sự chúc lành. Lời chúc lành này như dòng nước mát tưới vào cây đời đã khô cằn, như giọt máu hồng đang len lỏi, luân lưu đưa vào con tim, tạo cảm giác an lành mỗi khi cô đến giáo đường dự lễ, thì ra “ Chúa ở cùng anh chị em” là Chúa đã ở trong cô. Từ cảm nhận đó cô sẽ không đơn độc giữa cuộc đời đen bạc với hoàn cảnh của riêng mình.
        Ngày tháng tiếp nối của đời sống, bằng những giọt máu hồng nuôi hồn kia khiến tâm cô thăng hoa trong sự tiếp xúc giữa người với người.Cuộc sống của cô mỗi ngày được bồi đấp bằng những niềm vui len lén mỗi độ Giáng Sinh về.
          Cô hồi tưởng lại lần đau thương cũng vào đêm này, đã hơn mười năm qua. Lúc mọi người có cùng niềm vui chung, đêm các tín đồ công giáo đang hân hoan đón chờ Hổng Ân Thiên Chúa, nhưng  đêm ấy cuộc đời cô bỗng trở nên đen tối, người ta đã tước mất đi dòng thác Hồng Ân mà lẽ ra các con và cô được trao ban…
        Các con cô đã bị cha chúng xua đuổi ra khỏi nhà, về tội đi tham dự buổi ăn tối mừng Giáng Sinh bên gia đình ngoại. Cha chúng chỉ xua đuổi các con, còn riêng cô được an toàn bước vào ngưỡng cửa nhà!? Ý nghĩ này thật là một sai lầm to lớn. Bất cứ người mẹ nào, nhất là người mẹ Việt Nam, an toàn thế nào được khi con mình đang bất an, chúng sẽ phải rời nhà ngay trong đêm mà cách đó một vài giờ mới vừa tham dự cuộc vui. Người bạn đời đã gây cho cô đến hai lần đau, đó là sự hành hạ các con.

         Việc không mong mà đến. Chuyện chẳng đặng đừng phải làm, với hành trang vội vã, cô cùng các con bước đi…trên con đường vô định. Cô liên tưởng đây như lần thứ hai phải xuống tàu ra khơi, nhưng khác chăng là lúc này có thêm ba đứa con cùng đồng hành trên bước đường ít may nhiều rủi, trên một đất nước bao dung .
        Tâm hồn tan nát, niềm tin và sự an ủi lúc bấy giờ nếu có, chỉ là sự xót xa, thương cảm mà cô tìm được qua ánh mắt của người tài xế tắc xi được gọi đến để đưa các mẹ con rời xa mái nhà, một nơi đã có thời êm ấm. Họ sẽ đưa mẹ con cô về đâu!? Hỡi những kẻ không nhà!

        Chỉ những ai cùng một hoàn cảnh mới có thể tưởng tượng nỗi sự đớn đau, tủi thân khi bị bạc đãi bởi người mà cô đã từng gắn bó một thời. Cô rời nhà trong một đêm đen, vào một ngày lễ trọng của mùa yêu thương. Trong xót xa thầm lặng, trong nước mắt nuốt nào để tạo một hình ảnh cứng cõi, cương nghị, làm gương soi cho các con. Hình ảnh ấy đã xa… nhưng lại gần, rồi lại xa, xa đến hơn mười năm qua chứ ít gì. Lạ quá, sao lại mới như hôm nào, chưa xóa mờ trong tâm tưởng cô. Hằng năm đến ngày này, cô muốn quên sao lòng luôn khoắc khoải nhớ, mỗi độ Giáng Sinh về, nỗi đau khiến lòng cô nao nao kỳ lạ. Cô mơ ước được một lần trong đời, êm ái sống trong ngôi nhà mà mười năm trước, ngay trong thời điểm mà buộc cô phải xa rời. Nếu có ngày ấy, trong căn nhà ngày xưa, cô sẽ trùm chăn ấm, đơn độc tận hưởng sự thinh lặng của vũ trụ và thinh lặng của lòng cô. Tuy nhiên, ý nghĩ đơn giản của sự mong muốn đó, muốn mà chẳng được, vì cô bị cuốn hút trong dòng đời, trong suy nghĩ thường tình của con người, …Giáng Sinh là ngày vui, ngày họp mặt của gia đình, ngày luôn bận rộn bởi lời nói, tiếng cười của người thân.


        Đã nhiều năm qua, hình ảnh bốn mẹ con cô phải rời nhà trong đêm Giáng Sinh vẫn mồn một trở về . Sự trở về như mối thân thiết đến độ không thể tách rời khỏi cô. Dù không tách rời, nhưng không đồng nghĩa với hận vì tình người đen bạc. Niềm tin có “Chúa ở cùng anh chị em”, niềm tin của “ Không phải tôi sống mà Người sống trong tôi”. Sự độ lượng, thứ tha, thọ nhục hình của Ngài, đã biến sự hận thù trở nên bài học tôi luyện cô. Từ đó cô biết cảm ơn sự bạc tình, cám ơn người đã gây cho cô sự khổ đau.

        Cảm ơn đời!
        Cho tôi được khổ đau
        Luôn cả lệ trào hôm nay
        Cảm ơn ai
        Quên
        Phút thật gần
        Trả tôi lại những bâng khuâng buổi đầu
        Cảm ơn tình!
        Chít khăn tang
        Trên những lỡ làng ái ân


        Với mối tình đã chít khăn tang. Với thân phận được sinh ra làm người trong hình hài yếu đuối, trước nghiệt ngã của cuộc đời, cô đã ngả quỵ. Đời cô như một loại Thố Ty Hoa, tâm hồn cô là kiếp sống bám, tầm gửi, chán chường đến đổi nhiều lần cô muốn ra khỏi cuộc đời. Tuy nhiên trong nỗi bất hạnh, cô đã được sự nâng đỡ của một số người mang hành động thánh. Sự linh động tiềm tàng trong sách vở, báo chí mà cô đã học hỏi, hay qua niềm tin tôn giáo. Tất cả sự việc này như một linh thánh, đã đưa cô trở lại cuộc đời, một sự hiện hữu, tồn tại đầy ý nghĩa.

        Trong cô hôm nay, Chúa không còn là bậc xa vời, không khó khăn khi tìm đến nữa, mà chính là những con người quanh cô, những con người biết chia sẻ niềm đau và nỗi bất hạnh, mà nỗi bất hạnh đó là một nguyên nhân khiến con người đang chán chường, có thể trong một phút dại khờ mà tự hủy mình.“ Chúa” của cô đó, những con người rất bình thường. Đời sống khiêm cung của cô bây giờ, là đời sống… “Không phải tôi sống mà Người sống trong tôi”. Đời sống của cô có ý nghĩa hơn khi biết ban phát.

        Hàng năm đến ngày Hai mươi bốn tháng Mười hai, nỗi đau nhức nhối lại trở về. Ngày này cô vẫn khóc, những kỷ niệm đau thương lần lượt, chầm chậm trở về, nhưng nước mắt hôm nay đã tiềm ẩn đâu đó nụ cười. Cô cảm ơn Người đã đưa cô trở lại cuộc đời và từ đó cô chịu oằn mình đau khổ làm một chiếc móc xích tình yêu thương để nối người với người. Đã bao lần, cô như đắm mình trong sự nhiệm mầu…cô đau khổ rời khỏi nhà trong một đêm Giáng Sinh và rồi vị Chăn Chiên đã nâng tâm hồn cô, cho cô biết phó thác nơi Ngài.

Cảm ơn
Trời thấp thật gần
Cưu mang hết những nợ nần suy tư
         Đời sống cô ý nghĩa hơn từ sự khổ đau và vì đau khổ mà cô biết thế nào là yêu thương.
       Thế gian này, trong mùa yêu thương còn biết bao nhiêu người bất hạnh!? Cô tự hỏi và tự nhủ lòng, theo chân Ngài để mang yêu thương và tạo niềm vui dù rằng rất nhỏ nhoi cho kẻ khác.

      Kim Phượng
Úc Châu 24.12.2009

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

Chúa Tôi




Chúa  cao  cao  tít  tận  trời
Làm  sao  cúi  xuống  cứu  đời  cứu  con
Chúa  cao  tợ núi  như  non
Mong  chi  thấy  được  thân  con  mỏng  dòn

Thân  căng  thập  tự mỏi  mòn
Đôi  vai  oằn  nặng  thân  còn  cưu  mang
Ai  người  khốn khổ  lầm  than
Quì  bên  chân  Chúa  xin  mang  về  trời

Chúa  tôi  còn  nói  bằng  lời
Năng  cử  năng  động  một  đời  chở  che
Chúa  tôi  còn  lắng  còn  nghe
Quì  bên  chân  Chúa  mà nghe  lệ  trào

Kim Phượng

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

Việt Dzũng Nhạc Và Đời

     Theo những tin tức vừa được loan báo, nhạc sĩ Việt Dzũng, tên thật là Nguyễn Ngọc Hùng Dũng
     Sinh năm 1958 tại Sài Gòn, một thời học Trường Trung học Lasan Taberd
     Ông vừa qua đời lúc 10:35 phút sáng, ngày 20 tháng 12, 2013, sau một cơn trụy tim,
     Tại Fountain Valley Regional Hospital, Orange County, California.
     Tiếc thương cho Người Nhạc Sĩ tài hoa.
     Nguyện cầu Hương Linh ViệtDzũng được an bình nơi Miền Thanh Tịnh.

 
                                                                            
Nhạc & Tiếng Hát: Việt Dzũng
Thơ Cảm Tác: Kim Phượng
 

Thơ Tranh: Cành Hoa Dại

      Noel 2013
      Sáu thương.
      Món quà nhỏ thương tặng Sáu trong Mùa Noel này. 
      Hy vọng năm nay Sáu sẽ vui và hạnh phúc trọn vẹn với các con của Sáu.
      Chúc gia đình Sáu một Mùa Giáng Sinh an bình trong ân Chúa. Hạnh phúc nhe Sáu
      Em mượn bài Silent Night của Nhạc Sĩ vô Thường đàn gửi Sáu thưởng thức.
      Nhớ nhau trong lần cầu nguyện.

      Em 9 Oanh




Hòa tấu: Vô Thường

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

Đàng Thánh Giá




Đàng Thánh Giá trong ngôi nhà nguyện
Mười bốn chặng đường chuyện nhân gian
Lối về nước Chúa thiên đàng
Đau thương khổ nhục gian nan phận người

Ẩn trong tiếng khóc cười nhân thế
Thập tự cao nhập thể hy sinh
Thác tuôn nguồn suối ân tình
Trong con Ngài sống hiển linh ngôi trời

Yêu thương tình cao vời Thiên Chúa
Thụ nạn hình nhầy nhụa thương đau
Tình con vời vợi nôn nao
Kiếp người mỗi chặng Chúa vào thọ thân

Kim Phượng

Đêm Lạc Loài



Tiếng chuông vàng vang vọng giáo đường
Suốt mùa thương tình ca rộn rã
Đời nghiệt ngã ôm lòng hồi tưởng
Khúc đoạn trường khơi lại niềm đau

Ngỡ chiêm bao vội thoáng mơ qua
Bơ vơ đất lạ lạnh hơi nhà
Kinh thống hối hài hà ngân động
Nước mắt hòa dòng xót phận hoa

Nỗi khát khao lệ nhỏ mõi mòn
Nến đời con, thắp ngọn hư hao
Lòng nôn nao tin yêu thanh khiết
Ân huệ sâu tha thiết tình Ngài

Lạy Chúa! Đêm này con về đâu
Những thâu canh hồn sầu bạc trắng
Niềm cay đắng lạc mất tình thân
Mỗi bước đi tim lạnh thấm dần

Đêm ngơ ngác trông lần chờ sáng!

Kim Phượng
24.12.2009

Hoài Tử chúc Mừng Giáng Sinh Và Năm Mới


Hoài Tử

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Một Chút Ý Tình...

Chào cô Kim Phương,
Cho huynh ăn ké với bài Tia Nắng Ấm của cô nha



Tia nắng chiều Thu ấm cuối ngày
Má em trắng nhạt tựa màu mây
Tay em khẻ vuốt làn tóc rối
Ngước mắt nhìn chim mõi cánh bay.
Bóng nắng lung linh bờ vai nhỏ
Chập chờn lá đỏ rụng dâng đầy
Ước gì gót thắm chờ ai đó
Một chút ý tình … thôi đắng cay !

Dương Hồng Thủy

Nắng Thu

      Chào Kim Phượng, chào anh Hồng Thủy, ....
Cũng bởi...tại Kim Phượng bỏ lửng câu thơ nên anh Hồng Thủy nhanh tay...ké, Nam Chi cũng nương theo mà thêm ít câu nhe quý vị!


Một chút ý tình....gửi lại ai!
Mang nắng về đây nhẹ lùa mây
Cho tình đơn lạnh thôi giá buốt
Cho huyễn mộng dần thả cao bay!

Vạt ấm choàng vai, phủ tóc đầy
Gót hài nhẹ bước ngỡ men say.
Lung linh bóng nắng, hồn ngây ngất,
Nắng ơi! đừng tan theo cuối ngày!!!

Nam Chi

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Nài Xin




Lạy Chúa!
Con không là chiên ngoan
Chối đời công giáo sống hoang đàng
Mỗi tuần Chúa nhật không đi lễ
Mân côi lần chuỗi… ngại hạt tràng

Thương con hãy thương cả lỗi lầm
Kinh cầu sám hối nhại lâm râm
Giáo đường rộng mở chân ngần ngại
Ngài sống trong con! Ngự tại tâm

Lạy Chúa!
Con không thuộc lời kinh
Nài xin tuôn đổ thác ân tình
Chân Ngài theo dấu lần giẫm bước
Xin vâng! Hằng sống trọn đức tin

Bài Thánh ca vang lời yêu thương
Lay động tim người giọt lệ tuôn
Là người công giáo chưa xưng tội
Van Ngài xin chớ vội lơi buông

 Kim Phượng
2009

Chờ Em

    
  (Từ Một Mai của Kim Phượng)

Bao nhiêu năm em chưa ngoảnh lại
Con phố xưa hai đứa chung trường
Quán vắng chiều mưa anh nhớ mãi
Buổi chia tay bịn rịn lạ thường.

Em cuộn mình bên trời xa thẵm
Lối đi về còn nhớ không em
Nghìn trùng xa bóng em thấp thoáng
Trong cơn mơ anh mãi đi tìm.

Em cố quên hay em chẳng nhớ
Bóng hình ai mờ nhạt từng năm
Ừ phải rồi xa xôi cách trở
Nên em quên hình bóng xa xăm.

Nếu sự thật em không còn nhớ
Anh gởi về hơi thở chiều mưa
Để hồi tưởng trường xưa – phố chợ
Có hai người trong buổi tiễn đưa !

Dương Hồng Thủy

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Thơ Tranh: Một Mai

      Sáu ơi! Nghe " Một mai mất dần trí nhớ...." em sợ quá làm tranh tặng 6 để đừng quên em nhe..hi..hi..


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh


Thơ Tranh: Xa Lắm Tình Em

    Tặng anh Hồng Thủy, để cùng anh tô thêm hương sắc cho khu vườn thơ của chị Sáu em nhe.


Thơ: Dương Hồng Thủy
Thơ Tranh: Kim Oanh

Xa Lắm Tình Em


Cho huynh gởi ké một bài thơ vào khu vườn xinh đẹp của 6 nha :

Ta nhớ em nhiều – em biết không ?
Tình xưa ủ ấm mãi trong lòng
Từng đêm ao ước người bên nớ
Gặp gỡ hàn huyên thỏa ước mong.

Buổi tối ta nhìn sao trên trời
Nhặt từng đốm sáng tận trùng khơi
Xâu thành chuỗi ngọc em chưng diện
Cho đẹp cao sang một kiếp người.

Gần sáng ngoài trời rả rích mưa
Xòe tay ta hứng chút hương thừa
Gom về trộn với niềm nhung nhớ
Để gởi về em tắm buổi trưa.

Mây trắng chiều Thu tím mặt sông
Ta đan thành áo ấm màu hồng
Để em rực rỡ người trong mộng
Khi đến thăm ta buổi chớm Đông.

Ta lập vườn hoa …để đón em
Có hồ bán nguyệt - thật vô duyên
Vì em đi mãi như làn khói
Xa lắm tình em – nơi cõi tiên ?!

Dương hồng Thủy

Tsunami Nỗi Hờn Của Biển

     
(Xin một lời nguyện cầu cho những linh hồn vừa khuất…

tìm được bến bờ an bình)

Biển hờn nhả ngọn sóng cao
Cuốn thân g
ìá lạnh đưa vào thiên thu
Đêm đen rờn rợn âm u
Đại dương cuồng nộ điệu ru hãi hùng


Trớ trêu hai chữ tương phùng
Đầu xanh sớm vội mệnh chung cuối đời
Nụ hôn nồng thắm chưa vơi
Vòng tay buông lỏng xa rời thế gian


Men say ngây ngất tình chàng
Phút giây bỗng chốc ngỡ ngàng lìa xa
Con yêu trong vòng tay cha
Sóng nào cướp mất ? Có là chiêm bao!


Trời cao lấp lánh nghìn sao
Biển sâu vùi dập lao đao phận người
Phù du vào tuổi đôi mươi
Lênh đênh biển cả đầy tươi xác người


Còn nghe trong vắt tiếng cười
Bờ mi khép nhẹ _ Mỗi người một nơi
Quanh đây đầy bóng ma trơi
Linh hồn vất vưởng biết nơi đâu về


Ngày dài đêm đến lê thê
Hồn nương theo gió hãy về hiển linh
Hồn ơi! Thôi hãy yên bình
Trải lòng đón nhận lời kinh nguyện cầu


Cho đời vơi bớt thảm sầu
Dang tay nối một nhịp cầu yêu thương

Kim Phượng
Úc Châu 26-12-2009


Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Thơ Tranh: Vơi Ân Tình


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Đỉnh Grampians




Chiều vàng trên đỉnh núi cao
Nhớ ơi là nhớ nao nao một người
Bên dòng nước chảy biếng lười
Một bông hoa dại mỉm cười ngây thơ


Chân trời lấp lánh giăng tơ
Xây thành dáng lạ che mờ nhân gian
Tận trong phiến đá nằm hoang
Một thân cỏ dại ngang tàng vươn cao


Người ơi, mãi đẹp làm sao!
Tình cao vời vợi nôn nao một đời
Chắp tay lặng ngắm xa vời
Lung linh huyền dịệu ngôi trời hiển linh

Kim Phượng
Australia 2002


Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Lời Cuối Cho Thầy Nguyễn Văn Thành

      Từ hơn hai năm nay, những tin không vui thường đến với tôi vào buồi sáng. Trong một buổi sáng, sau tiếng điện thoại reo, từ dầy dây bên kia: “ Sáu ơi, Thấy Thành qua đời rồi!”. Dù đang tỉnh, nhưng tôi cứ ngỡ mình mê... bàng hoàng, thương cảm. Thầy đi vội quá! Nước mắt chưa kịp rơi, con tim lại nhói đau, thêm một mất mát. Giờ này Cô và hai Em, đang sống trong giây phút đếm bằng đớn đau.

         Từ lúc biết thầy đau nặng, cho đến khi nhận hung tin, chỉ hơn tuần lễ. Thầy Nguyễn Văn Thành, giáo sư dạy nhạc, đã vĩnh viễn ra đi lúc bốn giờ ba mươi chiều ngày Mười Một tháng Chín năm Hai Ngàn Mười tại tĩnh Vĩnh Long.

        Hồi tưởng lại mấy mươi năm trước, những thước phim quay ngược chầm chậm, hiện rõ mồn một. Hình ảnh người giáo sư tuổi đời còn rất trẻ, ngoài hai mươi. Dáng gầy gầy với cây đàn guitar trong tay, hình ảnh kẻ lãng du hơn là một nhà giáo. Tất cả học sinh lớp Đệ Thất 4, trường Trung Học Công Lập Vĩnh Bình, chào đón Thầy trong hân hoan, háo hức trong buổi học đầu tiên. Hân hoan cũng đúng vì đây cũng là một giờ học, nhưng nhẹ nhàng, thoải mái hơn nếu đem so sánh với các bộ môn khô khan khác. Lúc đó thật ra chúng tôi biết thế nào là khô khan, chỉ biết “ học hát là khỏe”. Tuy nhiên, đó chính là môn học khiến chúng tôi ngượng ngùng e dè, khi phải xướng DO DO, RE RE và nhất là Thầy buộc phải nhìn thẳng xuống, đối mặt với các bạn đang ngồi bên dưới. Trong lớp có lẽ Thúy Nga, cô bạn học lai Tây là vững tâm nhất, vì vừa quen với Thầy, lại là giọng ca vàng trong lớp.  Rồi thầy kẻ dòng, viết tên những nốt nhạc căn bản, bọn chúng tôi cười bảo Thầy đang vẽ “lưỡi câu trắng, lưỡi câu đen”.

        So với các bậc thầy cô bấy giờ, Thầy là người có đông học trò nhất, vì trường chỉ có một vị giáo sư nhạc duy nhất. Học trò thầy xếp tuần tự từ lớp này sang lớp khác. Các bậc thầy cô trẻ, bị chúng tôi thử thách hoài. Chỉ những vị biết lấy từ kinh nghiệm từ bản thân thuở thiếu thời, đem sở trường cộng thêm sở đoản, đưa những công thức toán hay những câu văn hóc búa, nhiều mệnh đề, học trò mới chịu ngồi im. Đến giờ nhạc, vừa học, vừa thưởng thức, học sinh có dại lắm mới phá phách.

        Lên lớp Đệ Lục, là người không có khiếu, chẳng đam mê, nên nhạc lý tôi mịt mù hoài. Duy chỉ một điều, nhìn Thầy” khài đàn”, khi bổng, lúc trầm, bàn tay năm ngón lướt hhẹ, khi rời rạc lúc dồn dập, khiến tôi ước mơ. Mơ một ngày nào đó, được ôm chiếc đàn guitar trong tay, tựa ngồi trên thành cửa sổ, đôi mắt hướng xa xăm và nhập hồn nhạc thì quên hết trời sầu…

        Sang năm lên Đệ Ngũ, bỏ trường, rời đất Trà Vinh mà đi, tôi không còn dịp học lại Thầy nữa. Mãi cho đến khi sang Cần Thơ tiếp tục mài ghế nhà trường, tôi có dịp gặp lại và gọi to tiếng Thầy trên đường phố đông người. Nếu tôi vờ quay đi, có lẽ Thầy chẳng bao giờ biết đến đứa học trò này. Sau năm Bẩy Mươi Lăm, tôi lại có dịp nhìn lại ngón đằn năm xưa của Thầy mình, cũng là một đồng nghiệp trong hội trường mà Thầy trò đang hiện diện. Trong giờ Văn nghệ, nhìn và nghe tiếng đàn, tiếng đàn năm xưa của Thầy như trở về.Tôi cũng trở về, nguyên hình hài, suy tưởng của cô bé, bước vào năm đầu, chập chững nơi ngưỡng cửa Trung học. Thời gian vô tình quá phải không Thầy!? Mới đây mà mấy mươi năm rồi.
        Sau này, tôi có dịp nhìn và lắng nghe tiếng đàn của “cậu bé”, con Thầy. Lúc ấy “cậu bé” còn nhỏ lắm, có khuôn mặt phảng phất nét đẹp của mẹ và đôi bàn tay nhanh nhẹn trên phím của cha. Hình ảnh một thời lại trở về hôm nay, sự ngưỡng mộ cả đời dành cho “cậu bé”.
        Những lúc gần đây, qua bạn bè, biết Thầy đang đeo đuổi một nghề mới, chẳng liên hệ gì đến ngón đàn điêu luyện của Thầy, nhưng cuộc đời… vật còn đổi sao còn dời thì há gì cung nhạc bổng trầm của ngày xưa ấy.

       Thầy ơi! Vào lúc  bốn giờ sáng Thứ Hai ngày Mười Ba tháng Chín năm Hai Ngàn Mười, Thầy Con Chiên Ngoan trở về đời đời bên Chúa, yên nghỉ nơi đất Thánh Tân Ngãi. Ngón đàn một thời đã khép lại, Thầy đi vào định luật của tạo hóa, nhưng để lại cho đời, cho người yêu thương những nuối tiếc khôn nguôi. Những công thức toán học mà chúng em đã khổ công, sẽ đi vào quên lãng, nhưng dư âm réo rắt, , buồn, vui, não nuột mãi mãi vượt thời gian.

      Hình ảnh Thầy, bóng dáng cây đàn guitar năm nào vẫn còn đó, lung linh theo trầm hương quyện. Linh Cữu như vướng víu, chưa rời tràng hoa, kỷ vật cuối cùng của các học sinh lớp Mười Hai năm xưa kính dâng        Thầy lặng lẽ khuất ngàn…em lặng lẽ ngồi đây, đôi dòng nước mắt, khóc tạ ơn Thầy.
       Thầy ơi! Đời đời Thầy luôn yên bình trong vòng tay Chúa trong lời nguyện cầu của em.



      
Ngày 13 tháng 9 năm 2010
Kim Phượng

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Thơ Tranh: Khuất Ngàn


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Bài Thơ Sao Lục Bát



(Cảm tác Bài Thơ Sao Sáu Chữ của tác giả Đoan Nguyễn)                               
Giá mà chỉ có sao Mai
Ai người sẽ mãi tìm ai suốt đời
Đêm đen lấp lánh sao trời
Sao Hôm lạc lõng buông lời thở than


Xa xôi cách trở đôi đàng
Hữu duyên vượt dặm mây ngàn tìm nhau
Tháng Bảy đổ trận mưa Ngâu
Nợ kia quạ nối bắc cầu yêu thương


Người ban mai kẻ đêm trường
Không gian thinh lặng sao dường đổi ngôi

Kim Phượng


Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Món Quà Của Sự Sống


      Tôi luôn nghĩ, mình là người bất hạnh nhất trong số những người đàn bà bất hạnh! Tôi đã từng có ý định tự kết liễu đời mình cùng với các con, rủ sạch đi một kiếp người.Thế nhưng, với những đêm thức trắng trong bệnh viện để chăm sóc cho ba, đã đưa tôi bước đi vào một ngõ quanh khác của cuộc đời.

         Gần một tháng trời, đêm đêm ngủ lại trong bệnh viện để lo cho ba. Tôi đã trực diện với biết bao nỗi thương tâm. Nhìn thấy người này đang chống chọi với tử thần, kẻ kia sắp vĩnh viễn rời khỏi cõi đời trong phút giây hấp hối. Nghe được tiếng kêu gào thảm thiết của các bệnh nhân đang oằn oại đớn đau bên cạnh giường. Cảm nhận được nụ cười chia xẻ, niềm vui của người vừa thoát hiểm khi chuẩn bị rời bệnh viện. Cái hình ảnh đau thương tang tóc, sự hỉ nộ ái ố của một kiếp người được phơi trần ấy, khiến tội giật bắn người. Tôi tự hỏi: “Tại sao có những người đang lần về tuổi già, người đang bệnh hoạn, đang thập tử nhất sinh mà còn cần đến sự sống. Trong khi tôi là một người trẻ thế này, mạnh khỏe thế này lại tự diệt vong một cách vô lý như vậy!”

        Rồi ngày không chờ mà vẫn đến, ba tôi từ trần. Những giọt nước mắt còn đầm đìa trên má chưa nguôi. Những buồn đau vẫn còn đó, vây kín tôi. May mắn thay, vừa đúng lúc ấy một loạt chương trình quảng bá về việc hiến tặng máu, hiến tặng cơ thể, cơ phận được loan ra trên đài phát thanh. Trong tôi, một cánh hoa đang bừng nở.

         Tôi liên lạc ngay với cơ quan ấy và sẵn sàng hiến tặng tất cả các bộ phận trong cơ thể mình, không chút luyến tiếc, đắn đo. Tôi tự nghĩ, mình sống mà chẳng khác như chết, thì tại sao những gì không cần, chẳng cho những ai đang mòn mỏi, khắc khoải đợi chờ.

        Từ đấy, ý nghĩ kết liễu cuộc đời đã được tôi vất đi. Nếu có chăng, được chết vì một tai nạn, ngẫm ra còn lợi ích hơn cho những người chờ đợi. Với tư tưởng chỉ một kẻ cho mà mang niềm hân hoan đến nhiều người nhận, tôi hình dung được một ngõ quanh rực rỡ … đến với tôi. Từ đó, tôi ăn uống điều độ hơn, ăn không cần ngon mà mục đích chính của việc ăn uống là làm sao cho cơ thể mình được khỏe mạnh. Ngay cả cà phê là một phần sở thích, cũng được tôi tiết giảm tối đa.

        Sau này, nhân đọc được một bài viết về sự ráp nối bàn tay của một bệnh nhân trên báo, tôi có dịp chăm sóc tay chân mình kỹ lưỡng hơn. Không gì đau lòng khi người có nhiệt tâm dâng hiến mà chỉ cho toàn những thứ không sử dụng được, thì liệu người thiết tha mong mỏi đợi chờ sẽ như thế nào đây!?

        Để thỏa ước nguyện, một lần ngồi lại với các con, tôi đã khóc mong các con chấp nhận và làm vui lòng mẹ nếu một mai tôi vĩnh viễn ra đi. Đồng thời để khơi lên tâm từ ở các con, tôi hỏi chúng nghĩ gì khi hiến dâng phần cơ thể của mình cho một người xa lạ khác nếu chẳng may không còn tồn tại ở cõi đời này. Con trai trưởng đã mỉm cười trả lời "Why not!”. Cậu trai thứ nhì nhìn tôi, im lặng và cháu trai út có đôi chút sợ sệt, nhưng bây giờ thì bốn mẹ con có cùng một tâm nguyện.

        Nếu cho rằng bên kia cửa tử còn có một đời sống, thì phải chăng ta thấy vui khi biết tim mình đang đập rộn ràng trong lòng ngực kẻ khác. Thận mình đang giúp một người đau yếu lọc sàng cặn bả. Phổi mình đang cùng người nào đó điều hòa hơi thở. Tay mình đang được một người lồng vào chiếc nhẫn yêu thương. Chân mình đang cùng người khác chậm rải đạp lên lá vàng khô. Ôi chừng bao nhiêu ấy, chẳng phải mình là kẻ đã trở về từ cõi sáng hay sao. Một điều kỳ thú hơn cả là cứ nghĩ mình đang làm một việc ban ơn cho người khác, thì từ cái ý nghĩ đó mình biết tự lo cho thân từ phần thể xác lẫn tâm hồn.

         Vượt qua được những thời kỳ khó khăn trong cuộc sống, khi xuôi tay nhắm mắt, mình còn mất được những gì, mang theo được những gì? Với ý nguyện của người quá cố, cái chết của mình cứu được nhiều mạng người. Hay nói khác đi tấm lòng nhân ái của một người cứu được nhiều mạng sống của kẻ khác, đã nói lên suy nghĩ chân thành dù rằng cuộc sống mang nhiều nỗi bất hạnh và tinh thần sa sút cùng cực mà có lần đã đi đến ý định quyên sinh.

        Thế nên, tôi nghĩ rằng đàng sau sự đau khổ không hẳn là niềm tuyệt vọng và sự bất hạnh dù nghiệt ngã thế nào, nhưng nếu là gạch nối, gióng lên được tình thương giữa người và người, thì đó cũng là điều xứng đáng lắm thay!

Kim Phượng
Melbourne 2010

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Mất Tích Ngôi Trường Xưa


Sau lưng chuông đổ xa mờ
Trước mặt sóng vỗ mấy bờ tình đau
Sông còn in bóng tường cao
Nguyễn Trường Tộ đã chìm sâu trong hồn


Tiền giang nước lũ nỗi buồn
Ôi! Thời áo trắng chỉ còn bọt sông
Người về se sắt cõi lòng
Người đi tắt nghẹn đôi dòng nhớ thương


Chiều nay mây nước bị thương
Chiều nay một kẻ lạc đường bơ vơ
Cỏ xanh phủ lấp ngày thơ
Mái trường mất tích đâu ngờ. Hỡi ôi!


(Ảnh của Trương Văn Phú - Bờ Sông cạnh trường Nguyễn Trường Tộ)

Hoài Tử