Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2016

Bệnh Và Lỗi Trong Thơ Đường Luật: Phần 2



Lỗi Trong Thơ Đường Luật

Thế nào là Lỗi Trong Thơ Đường Luật ?
Không biết những vị đưa ra các lỗi trong thơ Đường Luật nghĩ thế nào về Lỗi. Riêng cá nhân tôi: "Những điều làm mất đi nét đặc trưng căn bản của một bài thơ Đường luật mới có thể gọi là lỗi".

Cũng giống như Bệnh vậy, giới Nghiên cứu, Thi nhân ngày nay tuy có ý kiến và đưa ra số lượng về lỗi rất nhiều, nhưng chưa xác định hay thống nhất cụ thể là bao nhiêu Lỗi. Mỗi người mỗi ý, không ai hoàn toàn giống ai.
Tôi xin giới thiệu những lỗi có nhiều người nói đến.

12 Lỗi trong Thơ nên tránh khi làm Thơ Đường luật:

1. Lạc vận
2. Thất Luật
3. Thất niêm
4. Thất đối
5. Khổ độc
6. Điệp thanh
7. Điệp điệu
8. Điệp âm
9. Trùng vận
10. Trùng từ/điệp từ
11. Trùng ý /Hiệp Chưởng
12. Phạm đề/Mạ đề

Trong 12 lỗi trên, có 4 lỗi thuộc về Chính luật mà bất cứ người nào cũng phải giữ: Thất Luật, Thất Niêm, Thất Đối, Trùng Vận.
8 Lỗi còn lại chỉ là mở rộng các lỗi ở Chính Luật mà thôi.

1- Lạc Vận: Chữ gieo vần ở cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8 (hay 2, 4, 6, 8, các bài thơ có chữ cuối câu 1 là thanh trắc) không cùng một vần :

Ở thế đừng tranh tiếng trượng phu
Làm chi cho có sự đôi co
Ðấy cậy đấy khôn, đây chẳng nhịn
Ðây rằng đây phải, đấy không thua
...
Chúng ta thấy bài thơ trên không cùng một vần ( u, o, au

2 - Khổ Độc: Chữ thứ 3 và thứ 5 trong các câu không đúng theo chính luật, thay vì bằng mà thành trắc hay ngược lại:
...
Làm chi cho có sự đôi co
Ðấy cậy đấy khôn, đây chẳng nhịn
...
Đúng theo Chính luật, chữ thứ 3 câu trên phải Trắc, nhưng ở đây lại là Bằng (cho). Câu dưới thì ngược lại. 
Như thế, Lỗi Khổ Độc này bắt người làm thơ phải theo Chính Luật, chứ không được Nhất Tam Ngũ Bất Luận.

3 - Lỗi Điệp Thanh: Trong một câu dùng 4 chữ thanh Bằng hoặc thanh Trắc có cùng Dấu Thanh. Như câu bên dưới có 4 chữ cùng Dấu Thanh trong một câu.
...
Ở thế đừng tranh tiếng trượng phu
Làm chi cho có sự đôi co
...
4 - Lỗi Điệp Điệu: Đây là lỗi ngắt câu giống nhau. ở 2 hay nhiều câu trong một bài thơ. 

Hồn hoa chợp mộng / thơm hồn gió;
Tóc liễu dừng thơ / đón tóc trăng.

Thơ Đường là thể thơ ngắt theo điệu 4-3. Nhất là ở hai cặp Thực và Luận phải đối. Nếu muốn tránh lỗi này chỉ còn cách đối chéo.

Chân bước vững / đường chiều khấp khểnh
Rừng cây rậm rạp / trúc vươn cao.

5 - Lỗi Điệp Âm: Trong cùng một câu, có hai chữ trùng vần với nhau 

Phòng hương thương kẻ ngồi nương triện
Tình gởi mây xa lệ ngập ngừng.

6 - Lỗi Điệp Từ: Lỗi này hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau . Ý thứ nhất cho rằng, trong một bài thơ, cùng một chữ không được sử dụng 2 lần. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng chỉ khi dùng quá 2 lần mới bị Lỗi Điệp Tự. Ý kiến thứ 3 là không hề phạm lỗi.
Trước thời của Quách Tấn, các thi nhân nổi tiếng đều vướng phải lỗi này. Vì sao? Vì tiền nhân không cho đây là lỗi, đó chỉ là cách nhấn mạnh ý, nhắc lại một chủ thể nào đó trong bài thơ. Cũng từ ý tưởng này, Tiền Nhân có thể thơ mang tên Thủ Vỹ Ngâm, câu thứ 1 cũng là câu thứ 8. Như bài thơ "Đón Tết" của Trần Tế Xương .

Quách Tấn là người ủng hộ tránh dùng Điệp Tự vẫn bị lỗi này, như bài "Đêm Tình", ông bị trùng 2 chữ Tình :

Giấc thắm tình duyên non gối nước,
Mán sương để lọt ánh sao băng.
Hồn hoa chợp mộng thơm hồn gió;
Tóc liễu dừng thơ đón tóc trăng.
Muôn điệu tơ lòng run sẽ sẽ,
Nửa vời sóng nhạc giợn lâng lâng.
Phòng hương thương kẻ ngồi nương triện
Tình gởi mây xa lệ ngập ngừng.

7 - Trùng Ý:Ý của câu trên được lập lại ở câu dưới nhất là trong hai cặp Thưc và Luận.

Đánh tan tục niệm hồi chuông sớm
Gõ vỡ trần gian tiếng mõ trưa

Chúng ta thấy các chữ trùng ý trong 2 câu trên : Đánh tan # Gõ vỡ ; hồi chuông sớm # tiếng mõ trưa.

8 - Phạm Đề: trong hai cặp Thực và Luận có chữ trùng với một trong những chữ của đề bài thơ. 
Lỗi này có vẻ thừa, vì không hề ảnh hưởng đến sự hay dở của bài thơ. 

Kết Luận

Thuyết Tứ Thanh Bát Bệnh có trước thơ Đường Luật khá lâu, xuất hiện vào thời Nam Bắc Triều bên Tàu, trước nhà Đường hơn trăm năm. Chính Thi Luật của Đường Thi đã dựa vào Bát Bệnh này để hoàn chỉnh Luật Thi. 
Chúng ta đều biết, riêng Chính Luật của Đường Luật thôi, cũng đã khiến cho mọi người không thể tự do phóng bút để diễn tả ý, mà phải nhờ đến "Nhất Tam Ngũ Bất Luận" mới dễ thở. 
Thế nhưng đến ngày nay, rộ lên việc mở rộng Bệnh+Lỗi này để bắt lỗi Thơ Đường Luật của tiền nhân, đồng thời đề xướng làm kim chỉ nam cho những người tập làm thơ Đường Luật. Có phải như thế lại càng khắc khe hơn cả Chính Luật?
Các Thi Nhân của chúng ta, từ thế kỷ 19 trở về trước, chẳng hề quan tâm đến Bệnh - Lỗi , đã để lại cho hậu thế những bài thơ Đường Luật, nếu không tuyệt tác cũng đầy ý vị và sống mãi với thời gian. Nếu Các Vị ấy thấy ngoài Thi Luật có thêm các Bệnh và Lỗi này, chắc chắn các vị sẽ không dám phóng ý đề thơ.
Người Xưa khi làm thơ trọng ý hơn trong từ. Nên đôi lúc còn phá lệ. Nếu quá chú tâm đến những Bệnh Lỗi, cứ lo gọt giũa, chỉnh, sửa, để né bệnh này tránh lỗi nọ, có thể chúng ta sẽ trở thành người thợ điêu khắc Thơ chăng?
Vì chưa có một qui định rõ rệt hay sự công nhận chính thức có uy tín nào về các "Bệnh và Lỗi Trong Thơ Đường Luật" . Vấn đề hiện đang trong tình trạng mỗi người mỗi ý. Nên "Bệnh và Lỗi" mới chỉ là những quan điểm cá nhân.
Thi Luật có từ ngàn năm nay, đương nhiên là phải theo. Ai muốn làm thơ theo Chính Luật cộng với "Nhất Tam Ngũ Bất Luận, Nhị Tứ Lục Phân Minh" giống như các bậc Tiền Bối trước đây thì làm. Còn ai muốn có thêm những "Bệnh Lỗi" thì theo. Không ai có thể buộc mọi người làm thơ Đường Luật theo quan điểm riêng của mình.

Hết
Huỳnh Hữu Đức
Tài Liệu Tham Khảo:

- "Việt Nam Văn Học Sử Yếu" của Dương Quảng Hàm.
- "Thi Pháp Đường Thi" của Quách Tấn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét