Thứ Năm, 24 tháng 9, 2020

Hạnh Phúc Nào!

    Mười sáu tuổi! Cái tuổi trăng tròn lẻ của thời con gái biết mộng mơ. Vậy mà, tôi vẫn còn chơi trò đánh bún, nhảy tràm với con nít cùng xóm, trong ba tháng nghỉ hè, mỗi khi trở về gia đình ở Giồng Ké. 

    Mười sáu tuổi! Cái tuổi trăng tròn lẻ của thời con gái còn cao tầm với. Vậy mà má tôi...đã rời xa gia đình, về làm dâu, bước vào cuộc sống mới, xa lạ.

                  
                                       Võ Thị Thoại Lúc 15 Tuổi

    Cùng tuổi đời mười sáu, hai thế hệ, niềm vui, nụ cười, hạnh phúc hay hệ lụy đeo mang...làm sao đoán được, ở tuổi mười sáu trăng tròn lẻ này!? Má thành thân, do sự xếp đặt của gia đình. Má có đến mười đứa con, mỗi đứa cách nhau, hai hoặc ba tuổi. Nhưng chưa một lần nào, tôi nghe ba má to tiếng. Một gia đình tràn đầy hạnh phúc, biết khoan dung, chăm sóc và lo lắng cho nhau. Đến lúc sắp lìa đời, ba vẫn còn lo...“Ba mất rồi ai lo cho má con!”

    Còn tôi, được tự do chọn lựa người kết tóc trăm năm, nhưng có gì để nói!? Hoàn toàn ngược hẳn, so với cuộc đời của má. Nỗi đau này người! 

    Trong giây phút hai má con tôi, có dịp gần gũi nhau, nhưng đau đớn thay, gần để rồi vĩnh viễn chia xa. Những đêm trong bệnh viện, giấc ngủ chập chờn không yên, tôi phập phòng lo sợ, mỗi khi má trở mình trên chiếc giường nhỏ. Những đêm nghe má kể chuyện, qua hơi thở mệt nhọc, nhưng không giấu được sự rạng rỡ trên khuôn mặt, khi má nhắc về thời thơ ấu, đi học với thầy giáo Phụng, thời bước chân vào ngưỡng cửa nhà chồng. Má kể, như thể sợ không còn đủ thời gian để nhắc về những năm tháng đã qua. Má lập gia đình ở tuổi mười sáu và ba đã là cậu thanh niên, chững chạc, hai mươi sáu tuổi đời. 

    Ngày xa xưa ấy...
    Cô bé Thoại ở tuổi mười hai mười ba, nhà ngang chợ Rạch Bàng, xã Đức Mỹ. Theo thú vui của người dân quê, chiều chiều cô cùng các chị em cô cậu ra hóng mát trên chiếc cầu cây, trước nhà. Ghe thu lúa của cậu Sang đang bập bềnh trên sông, tình cờ trông thấy cô, cậu bảo với các người làm công… “con nhà ai đẹp quá, đợi lớn lên tìm người làm mai làm mối”. Bẳng đi vài năm, khi cậu Sang trông coi kho lúa tại chợ Rạch Bàng, cũng là lúc cô Thoại đến tuổi mười lăm trăng tròn. Và “ông mai ông mối” của ngày nào, phải lòng cô bé năm xưa, khi trông thấy cô trong phiên chợ.

    Rời chợ Rạch Bàng, về đến nhà, cô Thoại thủ thỉ...“Má ơi, hôm nay con đi chợ, có bà nào cứ theo con hoài”.
    - Con gái lớn rồi, có lẽ họ theo để ý con đó. Nhớ nghe con, con gái lớn rồi phải ăn mặc chỉnh tề, đi đứng nghiêm trang, nói năng lựa lời. Má cô nhẹ nhàng dạy bảo.
    Một lần, cô theo má đến nhà ông Bang biện Lê Như Thiết, ở ấp Phú Hữu, thuộc xã Giồng Ké, mua mía về trồng. Trong thời gian chờ đợi người nhà đốn mía, cô Thoại vào trốn nắng trong một căn chòi cất gần đó, và nhìn thấy một quyển sách tiếng Pháp. Tò mò, cô mở ra xem, đoán rằng... chủ cuốn sách là “người có học!”. Cô nào biết “người có học” đó chính là cậu Sang, con trai út của ông đại điền chủ Lê Như Thiết. Từng là học sinh trường Pháp, cậu quen với sự dạn dĩ, bặt thiệp và lịch sự. Trong những phiên chợ, trông thấy cô, cậu chỉ trộm nhìn, không buông lời chọc ghẹo, nhưng lại cho người bơi xuồng qua nhà cô, nhờ trao thư bày tỏ ý mình. Cô sợ quá, không dám nhận, giả vờ bắt thang hái trầu và đứng hoài trên cây thang. Người nhà của cậu đành chuyển thư đến má cô.

    Cậu Sang đã làm quen với gia đình, ghé qua thăm và gặp gỡ ba cô Thoại. Len lén nhìn đôi bên chuyện trò, cô “ưng bụng” lắm. Bởi, trước mặt ba cô, cậu nói năng lễ phép, đầy tự tin, không khúm núm như những chàng thanh niên khác. Chỉ trong một thời gian ngắn, gia đình cậu đến dạm hỏi và không bao lâu, lễ cưới được long trọng cử hành với thuyền hoa đón cô về tổ ấm. Đôi trai tài gái sắc cùng hòa lòng với tiếng người nô nức hai bên bờ sông, với mùi quê hương, mùi yêu thương từ những cánh đồng bát ngát. 

    Cô dâu mới mười sáu, trong gia đình ông Bang biện, vườn đất bề bề, có kẻ hầu người hạ, nhưng cô luôn giữ cương thường đạo lý, theo lời dặn dò trước khi xuất giá. Ngoài ra, cậu Sang tâm lý lắm, sau lễ hỏi, cậu đã gửi cho cô một tập nhỏ, trong đó gợi ý cho người con gái, biết cách cư xử và gìn giữ hạnh phúc như thế nào, khi về nhà chồng.

    Cô Thoại và cậu Sang đó chính là má ba của tôi.

    Má về làm dâu, mọi việc đều để mắt tới, phụ người này, giúp người kia. Ai ai cũng mến yêu, từ ông bà nội, ngay cả người ăn kẻ ở trong nhà. 

    - Canh hôm nay hơi cứng. Lời của ông nội trong bữa cơm.

    - Dạ thưa tía, con đã hầm lâu lắm. Má trả lời.

    Ông chỉ cười, nói cứng có nghĩa là hơi mặn, rồi quay sang nói nhỏ với bà nội... “Con nó còn nhỏ, để rồi chỉ bảo thêm”. Chỉ câu nói dịu dàng ấy thôi, đã in sâu vào lòng má. Và đáp lại, má luôn kính trọng, thương yêu ông nội. Từng thang thuốc bắc của nội, do một tay má, ngồi canh lửa, sắc đúng liều lượng, không phó mặc cho người giúp việc.

    Với ba, dĩ nhiên, má được yêu thương hết mực. Mặc dù sống trong thôn ấp nhỏ, nhưng khi má sắp sửa sinh nở, ba lên tận tỉnh Vĩnh Bình, thuê nhà cho má ở tạm, đợi chờ ngày đứa con đầu lòng chào đời. Cuộc sống ngỡ mãi êm đềm như lòng người mong muốn. Nhưng khi ông bà nội qua đời và loạn lạc ngày một leo thang, ba má gạt lệ rời Phú Hữu, dọn lên xã Giồng Ké. Và mãi đến năm 1984, ba má sang Úc định cư. Úc là thiên đường so với ấp Phú Hữu, xã Giồng Ké, nhưng má vẫn an phận thủ thường, lo cho con cháu, thân nhân còn bên nhà và giúp cả những tá điền trung thành ngày xưa, bằng những số tiền hay quà cáp nho nhỏ.

     
                                   
    Một ngày đã đến, má thanh thản vĩnh viễn ra đi!

    Má ra đi, để lại cho mỗi cô con gái, một món nữ trang làm kỷ vật. Trong sáu cô con gái, má cho tôi sợi dây chuyền. Đó là vật sính lễ trong ngày cưới của má. Sống trong vùng Việt minh, trải qua bao trận Tây ruồng bố, mất nhà cửa, ruộng vườn, có thể mất cả tính mạng. Nhưng tôi không hiểu, bằng cách nào, má còn giữ được sợi dây chuyền cho đến hôm nay. 

    Nâng niu sính lễ của má trong tay. Nhìn sâu thẳm vào, tôi thấy được bàn tay ba chọn lựa, bàn tay má giữ gìn, và cả trời hạnh phúc của ba má, từ thời ly loạn ở Phú Hữu, chật vật ở Giồng Ké, cho đến thiên đường Úc châu.

    Má cho tôi!? Một món quà hạnh phúc trao cho người có cuộc tình không trọn vẹn!?

    Sợi dây chuyền đang nằm trong lòng tay tôi. Ngấn lệ âm thầm rưng rưng, không cần che giấu. Còn có ai để mà che giấu!?
    Má ơi! Phải chăng má đã trao lại cho con... niềm hạnh phúc trọn vẹn của má và có phải ý má cầu mong con có hạnh phúc, hạnh phúc đó là...

“Đấu tranh với nghịch cảnh, và chinh phục chúng, là hạnh phúc lớn nhất của con người.”*

Kim Phượng
Ngày Giỗ Má Thứ 18 
24.9.2020
* Câu nói của Samuel Johnson
Ảnh: Kim Phượng

2 nhận xét: