Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2020

Trời Hành Cơn Lụt Mỗi Năm

1.

                     "Quê hương em nghèo lắm ai ơi,
                     "mùa đông thiếu áo hè thì thiếu ăn
                     "Trời rằng,
                     "trời hành cơn lụt mỗi năm à ơi,
                     "khiến đau thương thấm tràn,
                     "lấp Thuận An để lan biển khơi,
                     "ơi hò ơi hò. (Tiếng Sông Hương - Phạm Đình Chương)

    Năm 1963, đơn vị cha tôi chuyển ra Quảng Ngãi yễm trợ cho sư đoàn 25 bộ binh. Thế là bốn mẹ con cũng thu tóm khăn gói lên đường theo ông. Khu gia binh thuộc tiểu khu đã chật kín, mấy mẹ con đành phải mướn tạm căn nhà gần cuối đường Quang Trung, hướng phía sông Trà Khúc. Hơn nữa sống bên ngoài mẹ tôi còn có cơ may buôn bán nhỏ, đồng ra đồng vào nuôi con. Dựa vào đồng lương cha tôi, chưa hết tháng là bốn mẹ con đã cạn tiền, hết gạo. Hơn nữa cuộc chiến tranh càng ngày càng leo thang khốc liệt, tiếng đạn pháo vọng về, ánh lửa hỏa châu đêm nào cũng "đì đùng" nổ và soi sáng cả khoảng trước sân nhà... Những năm tháng đó, mẹ tôi mới ngoài ba mươi, vẫn còn mặn mòi nhan sắc, buôn bán đắc hàng. Mỗi lần vào tiểu đoàn nhận lương chồng hay đồ quân tiếp vụ hằng tháng, mẹ đều được người chở về tận nhà bằng xe "dzíp" của quân đội! Dãy nhà bốn căn, liền vách có sân trước rộng rãi đủ cho bà xuống ghế kê kệ bán đồ tạp và chè cháo. Năm đó tôi vào học lớp nhì trường nam tiểu học Quảng Ngãi. Lúc đầu tôi không nghe được nhiều lời dạy của cô giáo cũng như mấy đứa trẻ cùng khu nhà ở. Dần dà "nghe miệt" rồi cũng quen. Hơn hai năm ở miền trung là cả hai năm tôi đều chứng kiến bao cảnh lũ lụt hằng năm. Nước ngập rất cao, cả khu nhà mướn phải thu dọn, tản cư vào các liều do sư đoàn dựng tạm, cứu trợ ở sân vận động thị xã. Cuối năm 1965, cha tôi được chuyển về sân bay Biên Hòa, thuộc căn cứ Long Thành. Gia đình lại cuốn gói giả từ miền trung, giả từ xứ Quảng để trở về miền sông nước. Sau lần đó, mẹ tôi quyết định không tiếp tục dắt con theo chồng nữa, mà về định cư hẳn quê nội, làng Bình Hòa Phước, huyện Chợ Lách, Vĩnh Long.

2.

     Vào khoảng cuối tháng 9, 2020 vừa qua, bắt đầu bằng cơn bão số 5 rồi số 6, 7... đến số 13 (bão Vamco) liên tục đổ bộ, càn quét gây lũ lụt nặng nề các tỉnh miền trung Việt Nam từ Phú Yên đến tận Nghệ An, Hà Tĩnh. Những hình ảnh ghi nhận được trên các mạng xã hội, kênh YouTube và cơ quan truyền thông trong và ngoài nước: những cảnh tượng thương tâm của đồng bào, những thiệt hại nặng nề về con người và tài vật vùng tâm lũ (theo tin của CNN đến sáng ngày 18 tháng 11 đã có 160 chết và con số sẽ gia tăng trong những ngày tới). Tôi gửi điện thư và chuyển một số tiền nhỏ cho Hòa, cậu em rễ bác sĩ khoa máu tại bệnh viện Từ Dũ. Tùy Hòa sẽ đóng góp vào tổ chức từ thiện cứu trợ đồng bào miền trung. Hòa cho hay hội y sĩ thành phố đang quyên góp và vận động các y bác sĩ tình nguyện ra giúp đở, cứu trợ về mặt y tế. Sau các cơn bão lũ ngoài thực phẩm thì bệnh tật, truyền nhiễm sẽ là vấn đề nghiêm trọng rất lớn cho người dân ở các tỉnh vùng đó. Số tiền quyên góp được sẽ chi một phần nhỏ cho thực phẩm nhu yếu và phần lớn còn lại sẽ là thuốc men, dụng cụ y tế để khám bệnh, chăm sóc nhằm ngăn chận các nguồn dịch bệnh phát sinh sau lũ. Tôi tán thành và hứa sẽ ủng hộ hết lòng.


     

    Công cuộc quyên góp cứu trợ đồng bào lũ lụt miền Trung được phát động mạnh mẽ trong đoàn thể quần chúng, các tổ chức tôn giáo, các cá nhân nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ cả trong và ngoài nước... Và liên tục trong vài tuần lễ đầu của việc thiện nguyện trực tiếp giúp đở đến người dân vùng lũ, gây nhiều sự quan tâm, chú ý là nữ ca sĩ Thủy Tiên. Qua các trang mạng xã hội, báo chí truyền thông, kênh YouTube,... ca sĩ Thủy Tiên đã quyên góp được số tiền lớn (lên đến 150 tỷ tiền VN - khoảng 6.5 triệu US) và trực tiếp trao đến tận tay người dân trong vùng lũ lụt. 

    Được biết ca sĩ Thủy Tiên là người Rạch Giá và có chồng là cầu thủ bóng đá nổi tiếng Công Vinh của đội tuyển Việt Nam. Đây cũng chính là điều gây cho tôi sự quan tâm, chú ý đặc biệt. Trước đó tôi chỉ nghe loáng thoáng tên và hầu như không biết nhiều đến cô. Tôi tìm và xem hầu hết những đoạn video đoàn thiện nguyện của Thủy Tiên qua kênh YouTube. Hình ảnh người ca sĩ cao ráo, xinh đẹp xăn quần lội nước vào tận những thôn làng xa xôi ngập lụt và tận tay trao từng thùng mì, từng bọc nhu yếu phẩm, từng tờ giấy bạc đến đồng bào vùng lũ thật đẹp, thật cảm động... Thôi thì cũng "chút thơm" lây, rằng tôi cũng từng dạy học và sinh sống ở tỉnh Rạch Giá dù chỉ qua thời gian ngắn. Lại là ca sĩ, tôi vào nghe Thủy Tiên hát một số ca khúc như Phố Đêm (Tâm Anh), Trộm Nhìn Nhau (Trầm Tử Thiêng), Đêm Gành Hào Nghe Điệu Hoài Lang (Vũ Đức Sao Biển),... Giọng hát cô cũng không tệ, xúc cảm chừng mực vừa đủ và làm tròn trịa bài hát. Nhưng để gây ấn tượng, nghe để nhớ thì tôi chưa tìm thấy được trong giọng hát này. Bây giờ ca sĩ trẻ trong nước mọc lên như nấm, không biết hết mặt hết tên, hát được như Thủy Tiên cũng đáng trân trọng. Hai điều kiện không thể thiếu để trở thành ca sĩ "sao" là thanh và sắc. Hầu như phần đông ca sĩ hiện nay dựa vào thế mạnh thế 2 nhiều hơn: "sắc". Mà sắc thì với khoa học thẩm mỹ hiện đại, mua cũng không khó gì. Còn thanh thì phải có, phải khổ công học hỏi và dày công luyện tập chứ không thể mua được. 
    Niềm vui đang dâng trào thì "lùm xùm" trên các báo chí truyền thông trong nước về ý kiến của Mặt Trận Tổ Quốc (MTTQ - bà Trương thị Ngọc Ánh), Hội Chữ Thập Đỏ và nghị quyết 64 của nhà nước Việt Nam về nguồn tiền cứu trợ của cá nhân quyên góp. Tôi không biết nghị quyết 64 nói gì, nhưng khi các cơn bão lụt gây bao cảnh tan thương, đói khổ cho người dân thì không thấy MTTQ, Hôi Chữ Thập Đỏ mặt mũi ra sao? Nhưng khi ca sĩ Thủy Tiên dầm mình vào vùng bão lũ cứu trợ đồng bào với số tiền quyên góp đến 150 tỷ, thì các tổ chức chính quyền lên tiếng "góp ý". Cho dù thế nào, mong rằng mọi nguồn lực từ thiện dù phát xuất từ đâu miễn đến tận tay đồng bào nạn nhân vùng bão lũ là đủ, là thể hiện tâm nguyện của người đóng góp. 
    Có điều làm cho tôi có chút "bất mãn" khi nhìn thấy bức ảnh của ông Lê Tấn Bản, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Khánh Hòa, đi thị sát tình hình chống bão số 12 mà như đi du lịch, có cả người che dù (báo Lao Động). Nếu đem bức ảnh này để bên cạnh ca sĩ Thủy Tiên đi cứu trợ đồng bào lũ lụt miền trung thì thật là "phản cảm", khó lòng tin tưởng vào thái độ quan liêu của các lãnh đạo và các tổ chức chính quyền nhà nước.

3.

    Không phải chỉ riêng mấy tỉnh miền trung bị lũ lụt, mà nhiều tỉnh thành miền nam và tây nam bộ cũng ngập lụt cùng khắp. Từ thành phố Sài Gòn đến Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ,... các đường phố trong tỉnh cũng biến thành những khúc sông nhỏ. Tình hình ngập mặn của các tỉnh dọc theo ven biển cũng lên đến mức báo động. Các nhà vườn ở Gò Công, Bến Tre,... phải mua nước ngọt để tưới cây mong bão vệ được nguồn thu nhập, sinh sống hằng năm của gia đình. Nguồn tin trên các báo chí truyền thông trong và ngoài nước đề cập đến hai nguyên nhân chính cho vấn đề: việc xây đập thủy điện và nạn đốn rừng bừa bãi trong nhiều năm vừa qua. 

    Nhiều ý kiến trái chiều tranh cãi về việc xây các đập thủy điện ảnh hưởng đến nạn gây ngập lụt. Có luồng ý kiến cho rằng các công trình đập thủy điện giúp ngăn chận ngập lụt vì có thể điều khiển được nguồn nước xả từ thượng nguồn. Trái lại có ý kiến cho rằng vì lượng chứa của hồ thủy điện không đủ sức chứa nên thường xả nguồn nước tránh vỡ đập đã gây nạn lũ lụt trầm trọng dưới hạ nguồn. Cuộc tranh cãi vẫn chưa đưa đến kết luận cụ thể cho những ảnh hưởng việc ngập lụt hiện nay trên diện rộng của cả nước. Nhưng có điều được mọi người quan tâm và đồng ý là vấn nạn tàn phá, đốn rừng bừa bãi đã gây nên gập lụt nghiêm trọng trên toàn quốc.
Để xây các công trình đập thủy cũng phải đốn cây, phá rừng. Để xây các biệt thự, biệt phủ với nội thất toàn gỗ quý cũng phải đốn cây, phá rừng. Để thiết kế nội thất toàn bằng gỗ quý cũng phải đốn cây, phá rừng... Những căn nhà rộng bao la của các đại gia, quan chức và cả cơ quan nhà nước, chùa chiền cũng xài toàn đồ gỗ quý. Chừng như xài gỗ quý để xây nhà, trang trí nội thất, ngày nay trong nước mới thể hiện được đẳng cấp giàu sang, quyền thế và giới quý tộc của mình.

    Rừng là lá chắn, là sức hút và giữ lượng nước giúp chống lại những thiên tai bão lũ gây ra cho con người. Chuẫn bị kế hoạch phòng chống hằng năm là điều cần phải thực hiện của các cấp chính quyền địa phương và trung ương. Không phải đợi "nước đến chân" mới la hoảng, tìm cách đổ lỗi cho nhau và cho "ông trời"! 
    Trong suốt hai cuộc chiến tranh vừa qua, rừng Việt Nam vẫn ngút ngàn và tươi xanh dù hứng chịu biết bao nhiêu tấn bom đạn. Thế nhưng sau hòa bình, rừng càng lúc càng trơ trụi, cạn kiệt vì sự tàn phá và khai thác bừa bãi của con người. Hết đốn rừng làm chất đốt đến phá rừng mở nông trại, rồi hàng loạt đập thuỷ điện ra đời và thêm những căn biệt thư, biệt phủ được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ quý hiếm... Các cơn bão lũ là thiên tai, nhưng sự tàn phá thảm khốc cùng khắp đất nước là nhân tai, là do chính bàn tay con người tiêu hủy môi trường sống thiên nhiên không thương tiếc. Đồng lõa với những hành động tiêu hủy môi sinh là tội ác. Hình ảnh nói lên tất cả sự thật thay cho những lời biện minh, hãy nhìn vào hai bức không ảnh của rừng Việt Nam trên diện tích cả nước:

     Trước 1975                                                                Hiện nay

Mùa lũ năm 2020,
Nguyễn Hoài Nam


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét