Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2022

Giang Tuyết 江雪 - Liễu Tông Nguyên (773 - 819)




Giang Tuyết

Thiên sơn điểu phi tuyệt
Vạn kính nhân tung diệt
Cô chu soa lạp ông
Độc điếu hàn giang tuyết

Liễu Tông Nguyên (773 - 819)

Ngàn non mờ mịt không còn một bóng chim bay qua
Vạn nẻo trắng xoá không còn dấu vết bước chân người đi
Nón lá áo tơi con thuyền nhỏ thả câu trên sông giữa trời đang lúc tuyết đổ
Một khúc nhạc nổi chìm ...

Sông Tuyết
Tặng biệt Phan Thanh Thư
PKT 11/29/2021

Ngàn non mờ mịt không chim bay
Vạn nẻo mênh mông vắng bóng người
Nón lá áo tơi chờ cá động
Giữa trời tuyết đổ lạnh nào hay


Phạm Khắc Trí
***
Các Bài Dịch Khác:


Liễu Tông Nguyên 柳宗元(773-819), tự là Tử Hậu 子厚,người đất Hà Đông, nên còn gọi là Liễu Hà Đông. Ông là nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà văn học và là nhà thơ của buổi Trung Đường; là dòng dõi thế phiệt hiễn hách mấy đời, tuổi trẻ đã hiển vinh, thanh vân đắc ý, ông từng tham gia cải cách tân chính với Vương Thúc Văn; Cải cách thất bại, ông bị biếm đi làm Tư Mã ở Vĩnh Châu, lại bị giám sát, cuộc sống ngột ngạt; Mười năm sau lại bị biếm đi làm Thứ Sử Liễu Châu và mất ở nơi đây. Hưởng dương 46 tuổi. Để lại một tập Thơ, Truyện, Luận "Liễu Hà Đông Tập".
Bài thơ Giang Tuyết được Liễu Tông Nguyên làm trong khoảng thời gian bị biếm ở đất Vĩnh Châu (805-815). Năm Vĩnh Trinh Nguyên niên đời Đường Thuận Tông (805) khi cùng với Vương Thúc Văn phát động phong trào Cải cách đổi mới, áp chế thế lực của hoạn quan bên trong và chế ngự nổi loạn của các Phiên trấn bên ngoài. Nhưng thế lực phản động quá mạnh nên phong trào cải cách thất bại. Ông bị biếm làm Tư Mã Vĩnh Châu, tiếng là bị biếm, thực ra là đi đày, còn bị quản chế bởi các quan lại địa phương, ông như bị giam lỏng; nhưng với tinh thần bất khuất và ý chí kiên cường, ông luôn phản kháng lại với mọi hình thức. Bài thơ Giang Tuyết cũng là một trong những biểu hiện phản kháng không khuất phục của ông thông qua thi ca. Ta hãy đọc và nghiền ngẫm bài thơ thì sẽ rõ...

江雪 Giang Tuyết

千山鳥飛絕, Thiên sơn điểu phi tuyệt,
萬徑人蹤滅。 Vạn kính nhân tung diệt.
孤舟蓑笠翁, Cô chu toa lập ông,
獨釣寒江雪。 Độc điếu hàn giang tuyết!

柳宗元 Liễu Tông Nguyên

* Nghĩa bài thơ:
Tuyết Rơi Trên Sông

Ngàn núi chim đã bay tuyệt mù mất hút cả rồi; Muôn lối đi ngỏ ngách cũng bặt tăm không một bóng người. Chỉ còn lại có một ông lão áo tơi nón lá trên một chiếc thuyền cô độc lẻ loi đang buông cần câu trên dòng sông tuyết rơi lạnh lẽo!

Cái tinh thần bất khuất phản kháng của Liễu Tông Nguyên được thể hiện qua hình ảnh đơn độc của một ông câu kiên cường vẫn buông cần trên sông tuyết, bất chấp cái lạnh lẽo hoang vắng của cảnh trí tuyết rơi, trong khi chim muông và người bộ hành đều vắng bóng!

* Diễn Nôm:
Giang Tuyết


Ngàn núi chim bay hết,
Muốn lối dấu người tiệt.
Áo lá chiếc thuyền câu,
Buông cần trên sông tuyết!


Lục bát:

Ngàn non chim mỏi cánh bay,
Vắng tanh muôn lối chẳng ai đi về
Buông câu sông tuyết sơn khê,
Áo tơi nón lá tư bề một ông!


Đỗ Chiêu Đức
***
Sông Tuyết

Non ngàn không một bóng chim qua
Chẳng vết chân người khắp nẻo xa
Trầm mặc ngư ông ngồi đợi cá
Đầy sông tuyết trắng một màu hoa

Phương Hà
***
Tuyết Lạnh Ngư Ông


Ngàn non u ám vắng chim bay
Vạn nẻo người đâu thấy chốn này
Nón lá, áo tơi chờ cá động
Bạc đầu tuyết trắng lạnh lùng thay!


Mai Xuân Thanh
December 01, 2021
***
Tuyết Trên Sông

Ngàn non chim vắng bóng
Vạn nẻo chẳng còn ai
Lão áo tơi thuyền nhỏ
Buông cần giữa tuyết bay


Kim Phượng
***
Sông Tuyết

Ngàn non xa tít chim bay hết
Vạn lối bóng người chẳng một ai
Tơi tả áo ông ,thuyền nhỏ đậu
Buông cần,tuyết đổ bến sông dài


songquang
***
Giang Tuyết

1/
Chim ngàn đang lẳng lặng
Vạn nẻo đường hoang vắng
Thuyền câu chiếc áo tơi
Trên dòng bông tuyểt trắng

2/
Non ngàn vắng lặng tiếng chim
Nẻo đường hoang vắng khôn tìm bóng ai
Thuyền nan một mảnh áo tơi
Thả cần câu giữa tuyết rơi lạnh lùng


Mai Thắng
***
Tuyết Trên Sông

Non ngàn chẳng bóng chim qua
Bặt tăm khắp lối nẻo xa vắng người
Lão ông nón lá áo tơi
Ôm cần lạnh giá tuyết rơi sông đầy

Kim Oanh
***
Bài Cảm Tác:

Câu Tuyết

Lạnh lùng trong gió tuyết
Cô độc chiếc thuyền câu
Danh lợi còn chi nữa
Ưu Tư bạc mái đầu.


Quên Đi


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét