Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Con Tắc Kè


       Giồng Ké, nơi tôi sống và lớn lên, là một thị xã của tỉnh Vĩnh Long, nhưng sau đó lại trực thuộc địa phận Vĩnh Bình hay còn gọi tên cũ là Trà Vinh.

       Dù tôi sống trong loạn lạc, đêm đêm phập phòng bên canh mỏ liên hồi của du kích quân, giật mình thức giấc bởi tiếng đại bác, hồi họp lo âu sống còn, giữa lằn ranh giao tranh của hai phe. Nhưng tuổi thơ của tôi trở lại hồn nhiên, được trải dài trên con đường từ nhà đến trường và tôi vẫn…tung tăng, đầy vô tư trong phút giây trộm hoa, cắp quả, từ những gia cư sống lân cận quanh khu vực nhà trường. Bấy giờ nếu có ai hỏi: “Tuổi trẻ sợ gì nhất ”? Có lẽ bọn học trò chúng tôi có cùng một câu trả lời : “Sợ bị khảo bài nhất mà thôi”.

       Tuổi hái hoa bắt bướm qua nhanh. Tôi vào trung học, một cực hình lớn nhất đối với tôi lúc đó là phải xa nhà để tiếp tục việc học vấn.
       Trong kỳ thi Đệ thất, trường tiểu học Giồng Ké chỉ vỏn vẹn hai thí sinh trúng tuyển vào trường công lập Vĩnh Bình, trong đó có tôi. Như đã nói, vì Giồng Ké thuộc tỉnh Vĩnh Bình nên tôi phải ở trọ, trong khi các anh chị tôi đều theo học tại Vĩnh Long. Tôi vẫn nhớ, hôm rời nhà, hành trang là chiếc va li nhỏ. Má tôi chu đáo sắp xếp vào đó những thứ cần dùng cho người con gái sắp sửa bước vào tuổi dậy thì cùng những lời dặn dò cho đứa con phải đi xa.

       Tôi theo chân ba và được gởi gắm cho một người cô bà con. Cha cô là em ruột của ông nội tôi, một gia đình giàu có, đất ruộng cò bay thẳng cánh, nên tôi chẳng lạ gì khi đặt chân lên ngưỡng cửa nhà cô. Ngôi nhà ngói đồ sộ, nền đúc cao, tọa lạc trên một vuông đất có nhiều loại cây ăn trái, có rào bao quanh với cổng khoá, then gài. Con cháu cô đều đi làm, đi học. Tất cả ở Sài Gòn, trong gia đình chỉ còn lại cô dượng và bà lão giúp việc. Nhà to thế ấy, người trong nhà lớn tuổi chừng ấy, nên việc có thêm một đứa trẻ như tôi đến chung sống, âu đó là niềm vui, nên mọi người đều hân hoan đón nhận. Nhà giàu sang, rộng thênh thang nên có sự phân chia rạch ròi “nhà trên _ nhà dưới”, là điều hẳn nhiên. Về đêm, sự phân chia rõ ràng hơn bằng những khuôn cửa có khoá cài an toàn.

       Phòng ngủ của con cháu cô gần như niêm phong, chỉ mở ra vào dịp Tết hoặc hè, khi họ về thăm gia đình. Tôi đến đây, như một “thượng khách” nên được yêu thương và chăm sóc kỹ. Bởi thế tôi “ phải ” ở nhà trên cùng với cô dượng. Nơi tôi học hành và nghỉ ngơi là một bộ ván gỏ, nằm cạnh và đối diện một dãy với bốn bàn thờ lớn cùng tám tấm liễn dài, treo dọc theo những thân cột to. Tất cả các thứ trên đều cẩn xa cừ, được đánh bóng nên sáng loáng và ánh lên đủ màu trông thật đẹp mắt. Đêm đầu tiên đến đây, tôi không tài nào chợp mắt và… thút thít khóc. Bộ ván gỏ nơi tôi nằm, mát lạnh, rất lý tưởng với khí hậu nơi quê nhà. Nhưng sự tủi thân, nỗi cô đơn của đứa bé vừa xa gia đình, vừa sợ ma, sợ những nén hương lập loè thắp trên bàn thờ cùng tiếng kêu của con tắc kè, làm tôi ớn lạnh. Lưng tôi lạnh, hơn cả cái lạnh của tấm phản gỗ.

       Nỗi sợ trong tôi càng gia tăng vào những khi cô dượng về Sài Gòn thăm con cháu. Sự vắng mặt đôi khi kéo dài đến cả tháng trời. Những hôm như thế, bà lão giúp việc chăm sóc tôi kỹ hơn. Đêm về, sợ tôi mê ăn mê ngủ nên bà khoá trái cánh cửa phân biệt “nhà trên _ nhà dưới” lại. Bấy giờ, tôi sợ con tắc kè đang sống bám trên tường vôi hơn cả con ma, sợ đôi mắt sáng quắc, sợ tiếng kêu “ tắc kè _ tắc kè ”. Nghĩ đến lớp da sần sùi của loài bò sát này, nhở nó “sẩy chân” té nhào thì còn gì là tôi. Bởi thế, vừa chập choạng tối là tôi vội giăng mùng để tránh tai nạn rơi thình lình theo trí tưởng tượng và tuổi thơ của tôi đi vào mộng mị… bằng tủi hờn, bằng ràn rụa nước mắt, bằng lo âu sợ hãi. Tôi cảm nghĩ, mình như hoàn toàn cách ly với thế giới bên ngoài. Cực hình này so ra khủng khiếp hơn cả lần đầu xa nhà.

       Sáng hôm sau tôi vào lớp học với cặp mắt sưng vù. Cô bạn ngồi bên cạnh hỏi vì sao, tôi thật tình kể hết chuyện con tắc kè, sợ tiếng kêu, sợ nó sẩy chân…
       Cô nhìn tôi cười ngất:
      - Bạn khờ quá ! Nó linh lắm đó, nhất là vào mùa thi.
        Bạn tôi kể rằng vào mùa thi, mỗi lần nghe nó kêu thì bắt đầu đếm là “ đậu hoặc rớt ”, và tiếng cuối cùng ngừng ở chữ nào, thì kết quả linh ứng vào chữ đó. Tối đêm ấy, tôi bớt sợ hơn, có phần háo hức là đàng khác. Vâng tôi chờ, tôi đợi… tiếng kêu con tắc kè và dù không là mùa thi nhưng tôi vẫn đếm thử…, không phải bằng tiếng “đậu _ rớt” mà là “bị khảo bài _ không bị khảo bài”. Và kể từ lúc đó tôi học chí tử, nhất là tiếng kêu dừng lại“ bị khảo bài”.

Sống giữa tường vôi đã thấy buồn
Kêu chi não nuột? Tắc kè thương!
Đêm đêm phá giấc cô trò nhỏ
Thức dậy ôn bài lúc giữa đêm.

      Tuổi trẻ ngày nay nhiều vòi vĩnh, lắm thú vui, đủ trò chơi, nào sinh nhật, xi nê, ti vi…Còn tuổi trẻ của tôi, sống, lớn lên, làm bạn với tiếng kêu của tắc kè…Mùa thi, mùa của mong đợi, vì tôi đam mê tiếng kêu này mất rồi! Mùa thi, mùa của mệt nhọc, buồn ngủ dù gà gật cách mấy mà tiếng kêu cuối đếm đúng chữ rớt, tôi vội bật dậy ôn bài.

Mái ngói tường vôi cao lêu nghêu
Linh thiêng hồi họp dõi tiếng kêu
Phập phồng thao thức lần tiếng đếm
“Đậu _ Rớt” _ Tắc kè chớ cợt trêu!

       Con tắc kè, người bạn có lớp da trông gớm ghiếc, nhưng tôi không còn sợ nữa, trái lại tôi cảm thấy nó gần gũi, vừa hiền lành lại linh thiêng. Mà lúc đó tôi làm gì biết được tại sao nó linh hiển như thế. Mà biết để làm gì, khi cuối năm Đệ thất, tay nắm được phần thưởng, trong buổi lễ do nhà trường tổ chức tại rạp xi nê Vĩnh Bình .
       Sau này tôi còn biết thêm về con tắc kè qua bài học vạn vật, cô giáo cho biết nó là một loại bò sát, da tuy sần sùi, nhưng điều kỳ diệu là màu luôn thay đổi theo môi trường sống. Đấy là đặc điểm về khả năng sinh tồn cho chính bản thân của nó.

Làm thân bò sát: “Tắc kè hoa”
Vì lẽ sinh tồn đổi màu da

        Mươi mấy năm qua, tôi xa trường, chưa một lần trở lại căn nhà nền đúc ấy. Còn con tắc kè năm xưa? Có lẽ không ai trả lời cho câu hỏi của tôi… Theo dòng thời gian tôi đã hoàn toàn quên hẳn nó, người bạn một thời mà tôi đã tin tưởng vào tiếng kêu linh thiêng. Cho đến khi…

Mươi mấy năm qua xa mái trường
Xa rồi tiếng gọi tắc kè thương
Ai xui gợi nhớ ngày xưa cũ
Quay quắt trong tôi_ Đến lạ thường!

       Thời gian định cư khá lâu, hương vị tỵ nạn vẫn còn đó, nhưng cái “tâm trạng người mới rời quê hương, vừa xa trại tị nạn” lại nhiều đổi thay. Một số người đã để quên quá khứ đàng sau bờ đại dương, chẳng buồn nhớ lại phút giây nơi trại tỵ nạn năm nào. Bước vào hiện tại bằng đầy đủ tiện nghi, bằng vội vã với thời gian trong công việc, bằng lao mình vào sự xô bồ, thừa mứa, bằng thú vui thâu đêm suốt sáng, bằng đặt nặng kim tiền và rồi không tránh khỏi,“giá trị tình cảm giữa người và người” nhẹ tênh dần theo năm tháng.

       Riêng tôi? Tâm hồn này? Tôi không bắt kịp với nhịp bánh xe thời gian, với thay đổi loạn cuồng của môi trường sống chung quanh và tôi… đã quỵ ngã. Tôi làm gì bây giờ đây? Trở lại là người tỵ nạn mới vừa định cư, tôi bắt đầu làm lại cuộc đời ư? Không, thật ra, tôi còn tệ hơn nữa, vì lý tưởng chọn cái chết để tìm sự sống bên bến bờ tự do thật sự đã tiêu ma rồi. Tôi đang tự đi tìm cái chết đây mà. Trong đau khổ và tuyệt vọng cùng cực, tôi còn biết gì, còn nghĩ gì về : “Thịt da này do cha mẹ cưu mang, trí óc này được thầy cô hướng dẫn. Cơm cha _ Áo mẹ _Ơn thầy”. Tôi hiện hữu, nhưng đời làm sự sống của tôi mất dần ý nghĩa, vốn liếng cuối cùng của một con người là niềm tin cũng đã mất, hoàn toàn mất. Tôi như con tàu trong chuyến hải hành vô định, lênh đênh trên biển đời mênh mông, đen tối, nào tìm thấy đâu là ngọn hải đăng hầu được dẫn lối đưa đường. Bão tố ùa đến, tơi bời…như tôi đã hứng chịu trận bão năm nào, trong 9 ngày 9 đêm lênh đênh từ Việt Nam đến Mã Lai, trong lần vượt biển. Nhưng đó là 9 ngày đêm tuyệt vọng trong niềm hy vọng tìm đến bến bờ tự do. Giờ đây, trên mảnh đất tự do này tôi lại “tự do”… sống dưới hố sâu vực thẳm.


       Đang ngụp lặn trong sóng người vô tình, trong sóng tình nghiệt ngã, rồi như một phép lạ tôi bám được chiếc phao nổi. Như một phép lạ, tôi được giựt dậy từ cái hố sâu thăm thẳm kia. Người làm phép lạ này, thật ra chẳng có chi lạ. Đây chính là vị tư vấn về gia đình, đã giúp tôi đứng lên và đưa tôi trở lại cuộc đời. Trong thế gian này, nếu quả thật có sự luân hồi, xin thưa rằng tôi cảm nghiệm được, chính tôi đã luân hồi ngay trong kiếp này mà không phải trải qua nhiều đời khác. Trong xã hội làm việc vì nhiệm vụ này, thật may mắm cho tôi, còn gặp được con người “ vì nhiệm vụ nhưng khác nhau ở tấm lòng”. Tấm lòng của:
Người xa mà ngỡ như gần
       Trong khi:
Người thương lại chẳng nợ nần chi nhau

        Sau lần sống sót này, tôi biết chắc chắn một điều: “Tôi đang được tồn tại đúng nghĩa, bởi thế tôi cần biết nâng niu sự sống của mình”. Chính sự thay đổi lớn lao này mà hình ảnh con tắc kè năm xưa với sự huyền diệu về màu da, lại ào ạt trở về… Đã từ lâu tôi biết, ý nghĩ về “đậu_rớt” qua tiếng kêu của con tắc kè là một suy nghĩ ấu trỉ. Tuy nhiên nhờ tin tưởng vào sự hiển linh trong thời thơ ấu ấy, nó đã giúp tôi nhẫn nại ôn bài, tiếng kêu chấm dứt là “rớt” càng nhiều bao nhiêu là tôi chuyên tâm bấy nhiêu và kết quả “linh ứng” như mong đợi là điều tất nhiên. Do bởi tấm lòng của người đã đưa tôi trở lại cuộc đời, mà tôi hồi tưởng lại màu da con tắc kè. Dù những tháng năm dài oằn mình trong chiếc kén khổ đau, vị tư vấn giàu lòng mà tôi đang nhắc đến, không vội vã, người đã nhẫn nại, đợi chờ, trông chừng, hướng dẫn để tôi tự đủ sức, tự nhoài mình ra từ một chiếc lỗ thật bé của chiếc kén khổ đau kia. Vị tư vấn về gia đình này tuyệt vời trong sự thay đổi màu da “nhẫn nại lắng nghe”, màu da “chia sẻ cảm thông”, màu da “nhân ái độ lượng”. Bằng tấm lòng đã:

Hiện thân làm tắc kè hoa
Giàu lòng nhân ái đổi màu da

        Đổi màu da để thích nghi với mọi tình huống, mỗi đoạn đường đau khổ của môi trường “chán nản”, “bất mãn ”, “hằn học”, “oán hận”, “căm hờn”, “thất thời”, “mặc cảm”, “tự ti”, trong nỗi bất hạnh của con người tôi.

       Chính sự thay đổi màu da “lắng nghe” của vị này, đã ảnh hưởng ít nhiều, kéo theo sự thay đổi màu da “thái độ” của bản thân tôi. Tôi biết chấp nhận, nhìn vào thực tại, bước thẳng vào khổ đau. Để rồi hy vọng trong tôi vươn lên. Niềm tin được bồi đắp. Đời sống thăng hoa, tôi biết hướng mình đi, việc mình làm, định rõ mục đích tiến đến. Và điều quan trọng, tôi không còn muốn mình là ai nữa mà thật sự biết được “tôi là ai”, trong cách sống đích thực của một con người. Người giúp tôi biết chọn lựa bộ áo nhân cách nào, để biết nâng cao phẩm giá con người mình. Sự chuyên tâm để đạt đến kết quả như ý của cô học sinh nhỏ bé năm nào cũng là sự chuyên tâm của tôi ngày hôm nay. Giờ đây tôi nhìn đời lạc quan, bao dung hơn, dù rằng hiện tại, trong đôi mắt, ngấn lệ vẫn còn long lanh nhưng đã tiềm ẩn được nụ cười.

       Khi tôi biết chắc chắn, mình không sợ cái khổ nữa, chính là lúc tôi nhận ra, vị tư vấn đã dùng nhiểm sắc thể “tình yêu tha nhân” tái tạo nên tôi, một con tắc kè hoa biết thay đổi màu da “thái độ”, để tồn tại trước những nghiệt ngã của cuộc đời, khoát thêm lên người màu da “nhẫn nại lắng nghe” của vị ân nhân. Với tâm hồn được hoán cải, dù cằn cổi vẫn nở hoa nhân ái, trổ trái độ lượng.

       Và thời gian…
       Thời gian…
        Cánh cửa hạnh phúc đời mình đã khép lại … ! Hôm nay đây, trong tôi một cánh cửa hạnh phúc khác lại rộng mở. Và chính tôi, vâng, chính tôi phải can đảm tự mở cánh cửa này bằng sức mạnh của cánh tay “lấy sự bất hạnh của đời mình mà mang đến niềm vui cho kẻ không may khác”.
       Vì quanh đây, trong con đường hầm khổ đau mà tôi đang lần mò đi ra, thì còn nhiều, rất nhiều người khác cũng đang lầm lũi bước vào…


Kim Phượng

(Úc Châu_Cuối thu 24/6/2005)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét