Khoảng thời gian vàng son của ba tháng hè năm ấy, khi phượng vỹ dần tàn, chấm dứt những ngày bãi trường tung tăng, là lúc tôi sẽ thong dong trở thành cô học sinh lớp Nhất. Trong lúc này, theo lời má, tôi xa Giồng Ké, bỏ lại sau lưng những trò chơi… nhảy dây, nhảy tràm, đánh đũa với lũ trẻ trong xóm. Tôi lên Vĩnh Long, thủ vai đầu bếp tí hon, thay cho bà chị thứ Năm và ông anh thứ Tư, để anh chị tôi có thì giờ ôn bài học thi. Vậy là, tôi đã trở thành chị bếp bất đắc dĩ từ năm lớp Nhì.
Mỗi ngày, tôi khác nào tay đầu bếp chuyên nghiệp. Canh giờ giấc, đúng giờ có cơm đủ nóng, thức ăn vừa chin tới, mỗi khi anh chị tôi về đến nhà. Tuổi trẻ, ăn chưa no, lo chưa tới, bỗng trở thành người lớn bất ngờ. Tôi bỡ ngỡ với khoảng thời gian dài trống vắng, mỗi khi anh chị đi học thêm. Được ở nhà một mình, những lúc ấy, tôi như rồng lên mây, chim chắp cánh, tha hồ làm những gì mà mình thích, tự do quyết định những gì mình muốn. Nói thì nói vậy, tha hồ ở đây, chỉ là ngêu ngao ca hát bài nào, cứ hát, nhất là những bài hát yêu đương của người lớn mà tôi thường nghe ông anh mình cất tiếng. Muốn đọc quyển sách nào, thì thoải mái chọn lựa. Không ai ngăn, chẳng ai cấm, miễn sao làm tròn bổn phận đầu bếp. Ca hát nghêu ngao hoài, đọc sách mãi cũng chán, tôi đi loanh quanh nhà, không chủ định. Căn nhà học trò của chúng tôi, phía sau có cây mận cao, chen lần một cây vú sữa da người với cây mít và thêm bụi chuối sau hè. Các cây quanh nhà, mùa này làm gì có trái để ăn. Buồn thiệt!
Bỗng đôi mắt tôi sáng hẳn lên, khi nhìn thấy một trái lựu duy nhất, đang độ chin tới, treo lủng lẳng trên cành, bên hông nhà hàng xóm. Nhà bà Ba Bì, ở sát cạnh nhà tôi. Tên Bì của bà được vận vào nghề bán hàng rong. Mỗi sáng bà quảy gánh bán bún bì, đến chiều bà mới trở về nhà.
Một trái lựu duy nhất, lủng lẳng trên cành, như khiêu khích đứa trẻ là tôi. Không kềm chế được sự thèm khát của tuổi trẻ dại khờ, tôi đưa tay “bợ nhẹ” và ăn ngon lành một cách “vô tội vạ”.
- Đứa nào hái lựu của tao?
- Đứa nào ăn cắp lựu của tao?
Hai câu hỏi ngắn gọn, với giọng đanh thép của bà Ba Bì được lặp đi lặp lại nhiều lần. Chung quanh lặng như tờ. Đang chẻ củi nhóm bếp cho bữa cơm chiều, tôi dừng tay, lắng nghe tiếng chửi rủa của bà mà đâm sợ.
- Đứa nào ăn cắp lựu của tao, cho rắn hổ cắn nó đi.
Bà là người trường chay, tụng niệm, lại rủa sả như thế, biết cơn giận của bà lớn đến độ nào. Câu rủa độc cũng được lặp đi lặp lại, trùng hợp với cảnh tượng lúc đó…từ đâu một con rắn bò đến. Tôi hoảng hồn vía, quăng vội cái búa chẻ củi, ba chân bốn cẳng phi thân lên bộ ván ngựa nằm cạnh nhà bếp và tức tưởi khóc mà không quên than trời… “Trời ơi, sao linh quá!” Và tôi ngồi hẳn trên bộ ngựa, không dám bén chân xuống đất, cho đến lúc anh chị tôi về.
- Ủa, sao ngồi đó vậy Phượng? Chị hỏi khi thấy gương mặt thất thần và dáng tôi ngồi co ro trên bộ ván ngựa.
- Tại em bị đau bụng!
Kim Phượng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét