Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

Ca Dao Mãi Là Ca Dao


Ca Dao, những câu thơ chan chứa tình người, được lưu truyền từ thế hệ nầy sang thế hệ khác, là kho tàng quý báu trong văn hoá dân tộc. Nếu có được những câu thơ; được mọi người chấp nhận; trở thành ca dao, thì đó là một vinh dự to lớn của nhà thơ. Chính vì thế, có nhiều tác giả mượn ca dao đưa vào thơ. Một thời gian, sau khi tác giả qua đời, những người thân quen tung tin là câu ca dao đó là của tác giả nầy, câu ca dao kia là của tác giả nọ, ...thế là mọi chuyện dường như loạn cả lên, làm dậy sóng một thời. Với những ai đồng tình, chuyện coi như xong. Riêng những người nghi ngờ thì thấy có gì canh cánh bên lòng.
Điển hình là trường hợp nhà thơ đồng quê nổi tiếng Bàng Bá Lân với câu ca dao:
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi.
Một số người cho rằng đây là câu thơ của Bàng Bá Lân trong bài thơ Trăng Quê. Hai câu của Bàng Bá Lân có khác chút ít :
...Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi...
Khởi đầu là bài viết của Hoàng Chí Giang (người cùng quê với Bàng Bá Lân), đăng trên báo Tiền Phong ngày 07/10/2007.
Xin được Trích ý bài viết vào tháng 6/ 2007.
Ông Chí Giang trong lần đến nhà Bàng Bá Lân, được chính tác giả cho biết hai câu thơ trên là của Ông, là câu thứ 6&7 trong bài thơ Lục Bát 12 câu có tựa là "Trăng Quê":
Bàng Bá Lân giải thích rằng:" Người ta không thể múc ánh trăng vàng" mà là " Múc trăng vàng dưới nước". Khi cái gàu của cô gái dìm xuống nước thì Mặt trăng tan vỡ trong nước, hoà với nước, và khi cô gái lấy gàu lên thì múc luôn cả vầng Trăng, tương tự như bài Hổ Nhớ Rừng của Thế Lữ có câu:
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan
Ở đây con hổ không hề ngửa mặt lên trời uống ánh trăng mà uống ánh trăng tan trong nước.
Tóm lại nếu đây là hai câu thơ của Bàng Bá Lân thì chúng ta phải sửa lại cho đúng là :
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi.
---
Thời gian gần đây, giáo sư Hoàng Viêm cũng lên tiếng xác nhận hai câu ca dao trên thuộc 6 câu đầu trong bài thơ "Tiếng Hát Trong Trăng" của Bàng Bá Lân.
Trời cao mây bạc trăng tròn
Dế than hiu quạnh tre tàn nỉ non
Diều ai gọi gió véo von
Cành xoan đùa ánh trăng suông dịu dàng
Hỡi cô tát nước bên đàng 
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?
.........................................
Giáo sư Hoàng Viêm chứng minh cho ý kiến của mình qua tâm sự của nhà thơ Bàng Bà Lân, và bài viết “Bút pháp và cá tính của nhà văn” đăng trên giai phẩm “Giữ thơm quê mẹ” số Xuân Bính Ngọ (Lá Bối xuất bản) của Nguyễn Hiến Lê :
“........Cũng dùng kỹ thuật tạo hình ảnh cả mà bút pháp của Hàn Mặc Tử làm cho ta rờn rợn, hồi hộp :
Trăng nằm sóng xoải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi 
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm,
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe. 
của Bàng Bá Lân thì cho ta một cảm giác mát mẻ, vui vui :
Hỡi cô tát nước bên đàng,
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi ?
của Quách Tấn thì có cái giọng trang nhã, cổ điển :
Bồn chồn thương kẻ nương sông bạc,
Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng.
(Để rõ hơn, mời Quý Vị vào hai link bên dưới, một của giáo sư Hoàng Viêm và một kia là của Hoàng Chí Giang,
Tuy hai vị trên đã khẳng định câu ca dao là của nhà thơ Bàng Bá Lân, nhưng vẫn còn nhiều nghi vấn chưa có lời giải:
1- Tựa bài thơ không thống nhất.
Theo giáo sư Hoàng Viêm, Bàng Bá Lân nói với ông tựa là "Tiếng Hát Trong Trăng". Còn Hoàng Chí Giang lại là " Trăng Quê"
2- Vị trí hai câu ca dao trong bài thơ cũng sai biệt
Theo như bài viết của Hoàng Chí Giang, bài "Trăng Quê" có 12 câu như sau:
.........thiếu 2 câu đầu...................
Trời cao mây bạc trăng tròn

Dế than hiu quạnh tre tàn nỉ non
Diều ai gọi gió véo von
Cành xoan đùa ánh trăng suông dịu dàng
Hỡi cô tác nước bên đàng 
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?
.............thiếu 4 câu cuối...................
Theo giáo sư Hoàng Viêm, 6 câu trên là 6 câu đầu của "Tiếng Hát Trong Trăng"
3- Không có bài thơ đầy đủ
Giáo sư Hoàng Viêm và Hoàng chí Giang đều xác nhận bài thơ nhiều hơn 6 câu. Chúng ta cũng biết nhà thơ Bàng Bá Lân chỉ mới mất năm 1988, thơ ca là tài sản quý báu của một nhà thơ, như thế tại sao không thể tìm được bài thơ Trăng Quê (Tiếng Hát Trong Trăng) đầy đủ, một bài thơ đang gây nhiều nghi vấn, có thể chăng là không hề có bài thơ này?
Có nhiều trang đăng bài "Tiếng Hát Trong Trăng" chỉ 6 câu, đây là một điều lạ, vì thơ lục bát Bàng Bá Lân hầu như không có bài nào 6 câu, thường chỉ có 4 câu, 12 câu...
4- Có nhiều câu ca dao cùng nội dung
Trong Ca Dao, có ít nhất là cặp tương tự chỉ khác ít chữ:
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi
Hỡi cô tát nước bên đàng
Cớ sao hớt ánh trăng vàng đổ đi
Cô kia tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi.
5- Trong thơ của Bàng Bá Lân cũng sử dụng nhiều câu trong ca dao.
Không chỉ bài thơ Trăng Quê (Tiếng Hát Trong Trăng) có hai câu ca dao, trong một số bài thơ khác, Bàng Bá Lân cũng sử dụng trọn vẹn câu ca dao hoặc sửa đổi đi vài chữ:
- Bài Thơ "Cô Gái Đồng Nai" :
Cô em má đỏ môi hồng
Buôn xuôi bán ngược có chồng hay chưa...
Xe đò ai đón ai đưa
Mà em đi sớm về trưa một mình
Ca dao:
Cô kia má đỏ hồng hồng
Dừng tay tôi hỏi có chồng hay chưa.

Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên đi sớm về trưa một mình

Cô em má đỏ hồng hồng
Sao không lấy chồng còn đợi chờ ai.
- Như bài: "Dịu Dàng":
Bao giờ cho đến tháng năm
Cho tằm ăn rỗi cho tằm nhả tơ...
Ca Dao:
Bao giờ cho đến tháng năm
Thổi nồi cơm nếp vừa nằm vừa ăn.

Trong thơ ca, nhất là những nhà thơ được gọi là nhà thơ đồng quê như Bàng Bá Lân, một nhà thơ nổi tiếng với dòng thơ dân dã, rất gần gũi với ca dao, từ đó không thể tránh khỏi sự vay mượn; sửa đổi đôi chút từ thể loại nầy.
Qua những gì trình bày ở trên, chúng ta không thể khẳng định hai câu ca dao là của nhà thơ Bàng Bá Lân.
Cho dù thực sự là của Ông đi nữa, khi đã trở thành ca dao rồi, ông cũng không thể bắt mọi người phải sửa lại theo đúng ý ông (theo bài viết của giáo sư Hoàng Viêm). Mà ông phải thuận theo qui luật tự nhiên của Ca dao là có thể tam sao thất bổn, thay đổi tuỳ theo tâm tư, tình cảm của người dân từng địa phương.

Huỳnh Hữu Đức
----------------
Tiểu Sử nhà thơ Bàng Bá Lân (Wikiperia.org)

Ông sinh ngày 17 tháng 12 năm 1912 ở phố Tân Minh, Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, chính quán của ông lại là làng Đôn Thư, tổng Ngô Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Năm 1916 - 1918, ông theo cha mẹ lên sống ở Vôi rồi ở Kép thuộc tỉnh Bắc Giang.
Năm 1920 - 1928, ông sống với bà nội ở Đôn Thư, sau đó lại về Kép, học trường tiểu học Pháp-Việt ở Phủ Lý, Phủ Lạng Thương và đỗ bằng tiểu học Pháp-Việt ở Đáp Cầu.
Năm 1929 - 1933, ông vào học trường trung học Bảo hộ (trường Bưởi), đỗ bằng thành chung. Vì thi tú tài mấy lần không đỗ, năm 1934 ông về Kép vui thú điền viên, làm thơ, chụp ảnh và xuất bản tập thơ đầu tiên Tiếng thông reo.
Trước Cách mạng tháng Tám ông đã có những tác phẩm: Tiếng thông reo (1934), Xưa (hợp tác với nữ sĩ Anh Thơ, 1941), Tiếng sáo diều (1939 - 1945).
Vào Sài Gòn, ông dạy học và cộng tác với nhiều nhật báo, tuần san, bán nguyệt san và xuất bản thêm: Để hiểu thơ (1956, Thơ Bàng Bá Lân (1957), Tiếng võng đưa (1957).
Năm 1969, xuất bản các tập truyện: Người vợ câm, Vực xoáy, Gàn bát sách (phiếm luận) và tập thơ Vào thu. Ông cũng cho in hai quyển sách Kỷ niệm văn, thi sĩ hiện đại cùng một số sách Giáo khoa Việt văn cho nhiều cấp lớp. Ông còn đứng làm chủ bút tập san Bông Lúa vào thập niên 1950Sài Gòn.
Từ 1977 đến 1984, Bàng Bá Lân viết thêm Kỷ niệm văn, thi sĩ hiện đại quyển 3, hồi ký Trọn đời cho thơ (bản thảo đã thất lạc). Ngoài ra, ông còn viết truyện ký danh nhân Anh em Lumière, ông tổ nhiếp ảnh, viết sách bình khảo, dịch truyện, dịch thơ v.v.
Trong lãnh vực nhiếp ảnh, Bàng Bá Lân cũng tỏ ra là một người có tài năng. Ông từng đoạt những giải thưởng, như: Giải Agfa-Việt báo (Hà Nội, 1937), giải nhì cuộc thi ảnh tạo phủThống sứ Bắc Kỳ (1938), huy chương của La Revue Francaise de Photographie et de Cinématographie (tạp chí nhiếp ảnh và điện ảnh Pháp) ở Paris (1939), giải thưởng Ferrania (1953); giải thưởng Triển lãm Tuần lễ Văn nghệ Sài Gòn (1955)...
Các tác phẩm nhiếp ảnh của ông từng được triển lãm ở Hội quán Hội Trí Tri, (Hà Nội, 1939), Bologna (Ý, 1952), Antwerpen (Bỉ,1953), Paris (Pháp, 1953), Singapore (1953), Cuba (1954), Rochester (Mỹ, 1956)...
Ngày 20 tháng 10 năm 1988, Bàng Bá Lân qua đời tại Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 76 tuổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét