Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018

Ngồi Nghe Biển Hát



Hôm nay tiểu bang Victoria rộn ràng, náo nức đón chào lễ hội Melbourne Cup. Sự sôi động của ngày này đã thu hút cư dân nơi đây và khách từ phương xa đổ về. Mọi người cùng chung vui, bỏ tiền cá cược về tài năng của những con ngựa đua lẫn người nài. 
Đây là cơ hội lý tưởng cho các màn trình diễn thời trang. Quý bà, quý cô có dịp lượt là áo quần, xênh xang mũ nón. Sự tươi mát của quý bà, quý cô, vẻ lịch lãm của các ông, xuân Melbourne đẹp thêm bội phần.

Vậy mà, vào ngày này, cách đây mấy năm, sau những trận mưa dầm và gió lạnh. Tôi, cô em gái và cậu trai đầu lòng, cả ba tạm rời thành phố đang nhộn nhịp, tìm về vùng đất trời bát ngát, bao la với biển xanh, cát trắng, Mornington Peninsula. 
Thật ra gia đình các chị em tôi đã từng đến đây, nhưng lần đi chơi này khác biệt hơn. Đi với tâm trạng thư thái, không lo toan, không cần chuẩn bị nhiều đồ ăn thức uống như những lần trước, khi đi chơi cùng các con cháu, lúc chúng còn bé. Với hành lý nho nhỏ, thêm chiếc xách tay đựng vài quả quít ngọt, dăm trái bom chua và đặt biệt không quên hộp muối ớt “bắt thèm”. Lộ trình di chuyển mất hơn một giờ lái xe. Đúng như dự định, trên đường đi, chúng tôi ghé dùng bữa trưa tại nhà hàng Max’s. 
- Con đưa mẹ và dì Oanh ăn thử chỗ này. 
Thì ra ý của con tôi là vậy...cho ăn "thử".



Ngồi trước bàn ăn, nhìn qua lớp kính bao quanh, cảnh vật nơi này đầy thơ mộng và gợi nhớ. Bầu trời xanh xanh lơ, mây bàng bạc trôi. Tia nắng ấm giữa ngày, chan hòa, phản chiếu lung linh trên mặt biển mênh mông. Những thân cây cao cao, nghiêng mình, rì rào theo gió. Từng dãy nho thẳng tắp, cội đã già kia vẫn đủ sức đâm chồi, trổ những phiến lá mượt mà, xanh phơn phớt, trông như người đang độ thanh xuân. 
Thực khách ngồi quanh, ăn mặc bình dị lắm…"đi biển mà", dù giản dị vẫn toát ra vẻ là người lắm bạc hoặc du khách từ nước ngoài đến. Nhân viên mời rượu, phục sức như một chàng nhạc sĩ đồng quê. Anh bặt thiệp, niềm nở lắm, vừa bắt chuyện vừa hướng dẫn chúng tôi những nơi chốn nên ghé qua, nếu có thể. Thức ăn tươi, vừa chín tới, hương vị nêm nếm lạ miệng. Các món ăn nhìn bắt mắt, nhưng ăn vào hơi "rộp lưỡi" vì giá cả dễ "cháy túi" như chơi. Sau bữa ăn lưng lửng bụng, chúng tôi tiếp tục lên đường. Đến mỗi nơi, tôi đều “săn” ảnh, dù không tay nghề, nhưng thỏa thích chụp, với hy vọng hoài niệm về một thời khi tìm về. 
Xe chạy dọc theo bờ biển từ Rosebud, Rye, Sorrento, Cape Schanck…có rất nhiều cây mọc hai bên đường, cây như bị chẻ đôi từ góc, có dạng chữ “V” hoặc những thân cây uốn nghiêng, ngả rạp xuống thấp, gần như song song với mặt đất. Các dạng cây trông như dị tật kia, khá đặc biệt, đẹp, nhưng tôi có cảm giác tôi nghiệp cho chúng, không biết đường dẫn nhựa nguyên, nhựa luyện trong thân cây, di chuyển khó khăn đến chừng nào để cây có thể chống chỏi với gió táp mưa sa mà tồn tại. 
Tôi thật lẩn thẩn!


Chúng tôi tiếp tục đi đến nơi muốn đến. Tới chiếc cầu cao tại Cape Schanck, trông ra biển cả, tôi thầm thán phục bàn tay của tạo hóa. Nước biển có nơi như bao gồm cả ba màu chen lẫn, xanh lơ, màu xanh thẩm và màu xanh của lá. Nhưng mỗi khi đợt sóng ồ ạt ùa tới, biến thành những cuộn nước trắng xóa chạy dài, đập ầm ầm vào hốc đá. 
Chân lần bước xuống cầu, qua những bậc cao, thấp, nhìn xa xăm, lòng bâng khuâng, buồn diệu vợi. Trời lồng lộng cao, tôi nhớ đến công cha. Thấy bao la của biển, chạnh nghĩ về lòng mẹ. 
Biển hiền hòa chừng ấy, nhưng có lúc nổi cơn thịnh nộ, hợp sức cùng cuồng phong nuốt chửng bao phận người trên đường vượt biển. Và dĩ nhiên, biển đủ nồng nàn, ấm áp, ôm ấp biết bao hình hài lưu vong bất hạnh trên đường tìm tự do và không may khi tay buông xuôi, bờ mi khép lại vĩnh viễn. Chừng ấy, không có sự lựa chọn nào, ngậm ngùi nhìn họ được thủy táng. Biển cũng rộng lòng đón nhận từng nắm, từng nắm tàn tro hỏa táng, theo như ước nguyện cuối đời của người quá cố.

Biển mênh mông vẹn thề lời nguyện ước 
Hạt hóa thân ngược nước bám mạn thuyền 
Sóng bạc đầu vỗ nhịp giấc cô miên 
Cõi yên bình men đường tìm một chuyến 



Rời chiếc cầu, đi lần xuống bãi biển, nơi có cát trắng phau phau, tôi lại liên tưởng đến món quà của con trai thứ tặng mẹ. Một cây nến cắm vào lọ thủy tinh, nén chặt bằng cát trắng. Cát được lấy từ chuyến đi chơi biển của cháu. 
Ở một nơi khác, bãi biển toàn là sỏi đá bén cạnh, khiến chân cô em gái tôi bị cắt đứt một vết sâu đến đổ máu. Một nơi khác nữa, bờ biển chỉ toàn là đá cuội, to có, khoảng nắm tay có, nhẳn thích, trông đẹp mắt. Cái đẹp của viên đá được bào mòn kia, tiềm ẩn sức chịu đựng bền bĩ trước sóng gió lẫn khi thủy triều lên xuống. Tôi cũng vậy! Một viên sỏi đớn đau, qua từng đợt sóng đời vùi dập, đã được mài tỉa bớt góc cạnh, và có được như ngày hôm nay, bình tâm ngắm biển. 

Cám ơn đời 
Cho tôi được khổ đau 
Luôn cả lệ trào hôm nay 


Sau đó, chúng tôi trở lên phố, rảo rảo khắp cùng các cửa hàng, "trà dư tửu hậu" bên tách cà phê nóng và đợi chờ trở lại ngắm hoàng hôn dần khuất. 
Quay lại biển, ngồi trên bờ cát trắng mịn, trầm tư mặc tưởng, nghe từ trong sâu thẳm, lời ca thì thầm của biển và như tiếng ai đang réo gọi. Có phải tiếng gọi của người thương!? Người thương tôi đâu!? Tro cốt đã hòa vào biển cả mênh mông, vào cõi hư vô. Có còn chăng là giọt máu của anh, đang đứng bên cạnh. Con trai tôi đó. 
Lòng không một chút muộn phiền, rộng mở khi nhìn ra biển cả mênh mông. Thì ra tâm tưởng, lòng người chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi tầm nhìn của mắt. Ánh mặt trời rực màu, dần dần thấp, rồi nhanh chóng như lặn vào lòng biển, để lại một đường chân trời mờ mờ xám đục. Ngay lúc ấy, tôi mơ hồ nhớ… 
Mình về mẹ! 
Tiếng gọi của con trai tôi, đánh thức và đưa tôi về thực tại. 

Kim Phượng
Ảnh: Kim Phượng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét