Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2020

Khuôn Mặt Hôm Nay


           Khoảng cuối tháng 6, chương trình mở cửa của tiểu bang chuẩn bị chuyển sang giai đoạn 2. Công ty tôi làm cho phép 25% nhân viên được vào văn phòng làm việc. Riêng nhóm của tôi, mỗi người được vào văn phòng một ngày trong tuần. Đeo khẩu trang là điều kiện bắt buột và một số điều kiện khác như: giữ khoảng cách ít nhất 2 mét, mang bao tay và phải rửa tay bằng loại xà bông khử trùng thường xuyên. Mọi người làm việc lặng lẽ, giảm thiểu giao tiếp và nếu không cần thiết, có thể về làm việc tại nhà càng sớm càng tốt. Không khí làm việc căng thẳng, nghi hoặc, buồn chán. Tất cả đã mất, sự thân thiện, cởi mở, nhất là thói quen chào hỏi, tay bắt mặt mừng gặp gỡ của người Mỹ không còn nữa. Tất cả đã thay đổi, tạm thời hay mãi mãi vẫn chưa có câu trả lời thích đáng. Covid-19 đang khoắc lên không phải chỉ nước Mỹ, Âu châu mà toàn thể nhân loại một thói quen mới, một tập quán đang dần dà hình thành? Làm việc tại nhà (work from home) bận rộn và phức tạp hơn tôi tưởng. Mọi quy trình thiết lập, nối kết và kiểm chứng vừa mất nhiều thời gian vừa kém hiệu quả. Sự hòa nhập xã hội, giao tiếp với người chung quanh hay nói khác giữ tinh thần và nguồn năng lượng tích cực với bản thân, với cộng đồng đã không còn nữa. Thay vào đó là những phương tiện truyền thông hiện đại, bạn làm việc tại nhà "nối kết" qua màn hình nhỏ trên bàn viết, ở một góc phòng!


           Thế nhưng ngay sau tuần Lễ Độc Lập của Mỹ (4 tháng 7), tình hình tái lây nhiễm dịch bệnh lại tăng đột ngột, nhất là các tiểu bang như Georgia, Florida, Texas, Arizona, California... Kể cả tiểu bang North Carolina, nơi tôi đang sinh sống, dịch bệnh cũng vùn vụt tăng nhanh. Cả nước Mỹ có hôm, số ca nhiễm mới tăng hơn 70 ngàn người trong vòng 24 giờ. Chương trình mở cửa lại giai đoạn 2 đã không được suông sẻ như dự định. Thậm chí nhiều thành phố của một số tiểu bang Mỹ đã bàn đến việc "đóng cửa" trở lại. Việc mang khẩu trang nơi công cộng được ban hành như "lệnh bắt buột" tại nhiều thành phố của nước Mỹ. Vấn đề này gây nhiều tranh cải, chống đối và thậm chí "thưa kiện" ra tòa án từ các chính quyền tiểu bang và thị trưởng thành phố.


          Người Mỹ quen với tự do cá nhân nên mọi "lệnh cấm" của chính quyền đều có thể vi phạm "tu chính án thứ nhất" của hiến pháp Hoa Kỳ. Đối với xã hội Việt Nam, việc đeo khẩu trang gần như là thói quen có từ lâu nhằm chống lại "ô nhiễm" môi trường ở các thành phố lớn, thậm chí cả các huyện thành nhỏ cả nước. Nhưng đối với người Mỹ thì đây là cả một vấn đề thuộc về quyền lựa chọn cá nhân, không ai có thể cưỡng bách kể cả chính quyền. Theo các nhà chuyên gia về truyền nhiễm vi trùng học, bác sĩ Anthony Fauci "việc đeo khẩu trang sẽ giảm thiểu con số lây nhiễm của coronavirus có thể lên đến 40%". Tình hình nhiễm dịch bệnh cả nước Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng với những con số đáng sợ và con số tử vong cũng không có dấu hiệu suy giảm...

           Trên kênh Youtube hằng loạt chương trình hướng dẫn tự may khẩu trang tại nhà. Khán giả Youtube không còn xem các mục nấu ăn nữa, mà chuyển sang cách may khẩu trang để sử dụng khi ra ngoài. Các loại dây thung cở nhỏ, vải cotton và nhiên liệu ngăn chận virus trở nên khan hiếm cho việc may khẩu trang ở nhà. Khẩu trang đủ kiểu, đủ loại với nhiều màu sắc quốc gia từ Á đến Âu rồi sang cả châu Mỹ. Nói không quá đáng, khẩu trang đang dần dà trở thành chiếc khăn "thời trang", trang điểm cho khuôn mặt hôm nay? Nụ cười sẽ tạm dấu và chỉ còn đôi mắt, bây giờ đã thật sự trở thành cửa sổ tâm hồn biết cười và biết nói. Hầu hết các tiệm tạp hóa, thực phẩm, tiệm ăn... đều niêm yết trước cửa tiệm hàng quán: "Không khẩu trang - Không được vào" hay "Xin đeo khẩu trang - Tôi bảo vệ bạn, bạn bảo vệ tôi".

             
                    Thời trang "khẩu trang" bán trên mạng Amazon

           Trong bối cảnh cơn đại dịch coronavirus, thì vào ngày 25 tháng 5, 2020 cái chết của người da màu, George Floyd ở thành phố Minneapolis của tiểu bang Minnesota đã châm thêm ngòi thuốc nổ của "sự kỳ thị màu da". Bắt đầu bằng cuộc biểu tình từ thành phố Minneapolis đòi "công bằng và pháp lý" cho George Floyd, phong trào "Black Lives Matter" (BLM) lan rộng như vết dầu loang trên cùng khắp các thành phố của Mỹ: New York, Chicago, Los Angeles, Washington DC, Seattle,...


 George Floyd

           Toàn cảnh nước Mỹ như đang đi vào cuộc "nội chiến" của sự kỳ thị màu da giữa cơn đại dịch coronavirus hoành hành cùng khắp. Nhiều tượng đài lâu đời tượng trưng cho lịch sử nước Mỹ đã bị kéo xuống và hủy hoại. Nền dân chủ, tự do biểu tượng của đất nước này đang được "lật lại" và phán xét từ phong trào BLM và nhiều tổ chức, đảng phái của "cánh tả". Hình ảnh của lịch sử, giá trị của xã hội chừng như đảo lộn qua đêm. Kẻ tội đồ hôm qua là người hùng hôm nay và ngược lại, tượng người anh hùng lịch sử hôm qua bị đập phá, lên án như kẻ sát nhân của quá khứ. Lịch sử sang trang hay quan niệm tự do, dân chủ toàn cầu đang được định nghĩa lại?

                  
             Hình ảnh cuộc biểu tình của phong trào Black Lives Matter

            Nước Mỹ chừng như đang đi vào cơn lốc "bạo động" và "bạo dịch", kéo theo sự khủng hoảng của nền kinh tế từ thượng tầng đến hạ tầng cơ sở. Nạn thất nghiệp gia tăng, nhiều tập đoàn kinh doanh phá sản và các cơ sở làm ăn tư nhân nhỏ lâm vào nhiều hoàn cảnh "cầm cự" qua ngày, tiến thoái lưỡng nan. Những cơ sở thương mại phổ biến trong cộng đồng người Việt như tiệm nail, nhà hàng ăn uống... bị ảnh hưởng chung của cơn đại dịch Covid-19 và các cuộc biểu tình đòi "quyền bình đẳng" và chấm dứt "sự kỳ thị màu da" trên toàn nước Mỹ. Muốn hay không, tốt hay xấu, lo lắng hay "buông thả" mặc tình... cả thế giới nói chung, nước Mỹ nói riêng đang trực diện và trải qua cơn khủng hoảng toàn diện, có thể nói "lớn nhất của thế kỷ" này chăng? Tương lai chắc chắn sẽ cho chúng ta câu trả lời thỏa đáng. Cho đến hôm nay ngày 01 tháng 8, 2020 cả thế giới đã có đến hơn 17 triệu ca nhiễm, 680 ngàn người chết; riêng nước Mỹ hơn 4.5 triệu người nhiễm và 153 ngàn người chết vì coronavirus Vũ Hán.
   

              COVID-19 ghi nhận ngày 01 tháng 8, 2020 của đài CNN

           Riêng ở Việt Nam, sau hơn 3 tháng chận đứng thành công không có ca nhiễm Covid-19 mới thì ngày 25 tháng 7 vừa qua Đà Nẵng đã phát hiện ra 2 ca nhiễm mới. Hai ngày sau đó, 27 tháng 7 đã tăng lên con số 11 ca lây nhiễm. Đến sáng ngày 28 tháng 7 chính quyền Việt nam đã chính thức đóng cửa thành phố Đà Nẵng đối với du khách và lệnh cách ly ban hành nhiều huyện, phường trong thành phố. Bên cạnh đó, là nhiều bản tin về người Trung Quốc xâm nhập "bất hợp pháp" (lậu) vào Việt Nam đã bị bắt. Đường dây tổ chức có liên quan đến cả người Trung Quốc và người Việt Nam. Con số người Trung Quốc xâm nhập "bất hợp pháp" chưa được xác nhận rõ nhưng có thể lên đến hàng trăm người? Đây phải chăng là nguy cơ và nguyên nhân của những ca lây nhiễm Covid-19 chủng loại mới của Việt Nam? Đến hôm nay, ngày 1 tháng 8, đã có hơn 40 ca nhiễm mới tại Đà Nẵng, Quãng Nam, Hà Nội, thành phố Sài-gòn,... và hai người chết đầu tiên vì Covid-19 tại Việt Nam. Cho dù kết quả thế nào, Trung Quốc vẫn là mối đe dọa và kẻ thù ngay phía sau lưng của đất nước! Câu chuyện Trọng Thủy Mỵ Châu và chiếc nỏ thần của lịch sử đang tái diễn trong thời đại mới của Việt Nam?

           Khuôn mặt của con người được định hình bởi phong tục, tập quán hay hoàn cảnh xã hội của một đất nước. Khuôn mặt của nhân loại là sự kết hợp của nhiều miền đất khác nhau trên toàn mặt địa cầu. Covid-19 đang thay đổi bộ mặt thế giới không phải chỉ bằng chiếc khẩu trang, mà bởi sự quan hệ tình người trong xã hội hôm nay. Tất cả sẽ được lịch sử ghi lại với những phương tiện kỷ thuật truyền thông hiện đại của mạng toàn cầu. Sự tổn thương của cơn đại dịch coronavirus sẽ mãi hằn sâu trong lịch sử con người không phải chỉ là những con số mà cả mối quan hệ tình người cùng chia sẻ cuộc sống hòa bình trên mặt địa cầu. Hãy nguyện cầu cho hôm nay và nhiều thế hệ mai sau có được cuộc sống an bình và niềm tin yêu chân thật giữa những chúng ta!

Durham, North Carolina
Nguyễn Hoài Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét