Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2020

Lời Hứa 50 Năm



          Những ngày cuối tháng 8 năm 2019, ông Ken Ressing, ở quận Medina, tiểu bang Ohio, Mỹ, vừa bận rộn với việc nhà cửa vừa lo chuẩn bị mọi thứ cho chuyến thăm Việt Nam trong tâm trạng khó tả.

          -"Tôi không ngủ được, cũng không muốn ăn", người đàn ông 71 tuổi chia sẻ về nỗi háo hức, "Thật tuyệt vời! Chỉ ít ngày nữa tôi sẽ có mặt ở Việt Nam để hoàn thành lời hứa của mình?".

          Chuyến đi này sẽ là lần trở lại Việt Nam đầu tiên của ông Ken sau 50 năm kể từ ngày về Mỹ. Nhưng nó còn có một ý nghĩa đặc biệt hơn nữa, bởi đó là chuyến đi để ông thực hiện lời hứa với mối tình đầu của mình với Thúy Lan, rằng sẽ quay lại Việt Nam để gặp bà.


          Tháng 12, 1968 hai năm sau khi nhập ngũ, ông Ken được điều tới Việt Nam làm việc ở trung tâm dịch vụ dữ liệu của quân đội Mỹ đóng tại căn cứ Long Bình, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Tối đến, ông thường đi bộ tới quán bar EM Club (Enlisted Men’s Club) trong khuôn viên doanh trại, nơi có phòng trò chơi, quầy nước và một sân khấu nhỏ để thư giãn. Đó là nơi chàng lính Mỹ 22 tuổi đã gặp cô Thúy Lan vào một ngày cận Tết năm 1969 và say mê cô ngay từ cái nhìn đầu tiên.


Hình Thúy Lan khi còn là nhân viên tại EM Club ở Đồng Nai năm 1969.

           Nhắm mắt lại, ông Ken vẫn nhớ rõ ngày ấy như mới hôm qua. "Tôi chưa bao giờ nhìn thấy bất cứ gì giống như cô ấy. Mái tóc đen dài óng ả, nét mặt với nước da ngăm tuyệt đẹp và một nụ cười quyến rũ nhất mà bạn có thể tưởng tượng được", ông kể.

          Thúy Lan phục vụ đồ uống ở một quầy nhỏ trong góc quán bar và sau khi phát hiện ra cô, ông không thể rời mắt khỏi người con gái này, nhưng luôn cố gắng để không bị cô bắt gặp đang nhìn trộm. Sau đêm ấy, Ken ngồi sát hơn chỗ Lan, dù đây là vị trí cách xa sân khấu và chẳng ai thích ngồi. Từ đó, ông chỉ cần đánh mắt sang trái một chút là thấy cô, với nụ cười luôn nở trên môi. Thỉnh thoảng, Ken ngắm Lan khá lâu và cô cũng nhìn lại rồi cười. Hai người dần dần bắt chuyện và trở thành một đôi bạn.

          Giữa những chàng trai luôn cố gắng thu hút sự chú ý của cô gái người Việt, Ken cảm thấy may mắn khi ông được cô để mắt tới. Tình yêu của họ là những cuộc hẹn hò vào cuối tuần ở gần doanh trại của Ken, sau khi Lan đi nhà thờ hay nấu bữa trưa cùng bạn bè. Ken không thể ra khỏi doanh trại buổi tối và Lan cũng không được phép vào bên trong khu vực quân đội, vì thế họ chỉ tìm cách làm thế nào để ở bên nhau thật nhiều.

          Ken và Lan thậm chí không biết sinh nhật của người kia là ngày nào, gia cảnh ra sao. Đôi khi họ chỉ gặp nhau và chẳng nói gì nhưng vẫn cảm nhận được một thứ cảm xúc ngọt ngào đang tan chảy bên trong mình. Ken cứ nghĩ rằng hai người còn nhiều thời gian để trò chuyện, cho đến khi ông nhận được lệnh rời quân ngũ sớm để quay lại trường đại học.

          "Theo kế hoạch, tôi sẽ rời Việt Nam về Mỹ vào tháng 9 năm 1969, sớm trước thời hạn 3 tháng", ông nói. "Vì Lan mà khi tháng 9 càng cận kề, tôi càng ước mình không phải làm điều đó", ông tiếc nuối.

          Những ngày chủ nhật trôi qua căng thẳng hơn, hai người trở nên kiệm lời và dành thời gian cho những cái ôm. Ken cố gắng quan tâm Lan nhiều hơn và họ đều hy vọng sẽ sớm gặp lại nhau. Có một ngày, Ken đã hỏi bạn gái rằng cô có muốn rời Việt Nam hay không. Cô lắc đầu, đó là lần duy nhất ông hỏi câu này.

          "Tôi nghĩ những cuộc trò chuyện cuối cùng của chúng tôi sẽ khác nếu cô ấy trả lời là 'muốn' ", Ken nói. "Tôi đã nghĩ đến việc sẽ tuyệt vời như thế nào nếu mình cưới cô ấy, nhưng tôi đã không hỏi. Tôi cứ nghĩ rằng sẽ không phải chờ quá lâu để gặp lại nhau".


          Một ngày trước cuộc gặp cuối cùng của đôi tình nhân, Ken đến bưu điện mua một hộp bì thư có dán tem sẵn và đánh số từ 1-50 ở góc trái bên dưới, sau đó cất chúng lại vào hộp. Ông trao nó cho Lan và bảo rằng khi nào cô gửi cho ông lá thư cuối cùng trong số này, đó là lúc ông trên đường trở lại gặp cô.

          "Tôi đã hứa", Ken nói. "Ngày hôm ấy thật đau khổ đối với tôi. Tôi nhớ mình đã ôm cô ấy chặt nhất có thể. Tôi hôn cô ấy, sau đó lại cố ôm cô ấy chặt hơn nữa. Tôi nghe thấy tiếng cô ấy thì thầm vào tai mình bằng tiếng Việt. Đến bây giờ nhắm mắt lại, tôi vẫn có thể nghe thấy những lời thì thầm ấy".

          Khoảnh khắc đó in sâu vào tâm trí của Ken suốt 50 năm qua, dù ông chưa bao giờ hiểu Lan nói gì. Cho tới cách đây vài tháng, Ken mới biết đến công cụ dịch lời nói của Google và kinh ngạc khi biết ngày ấy, cô gái Việt Nam đã thì thầm gì với mình. Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ điều này, vì muốn giữ riêng cho mình mãi mãi.

          Những lá thư trở thành cầu nối duy nhất giữa hai người yêu nhau cách nửa vòng trái đất suốt một năm sau đó. Khi mua 50 bì thư, Ken đã nghĩ rằng Lan sẽ viết thư khoảng một tuần một lần nhưng hóa ra, ngày nào cô cũng viết. Trước khi năm 1969 kết thúc, số bì thư đã không còn cái nào, nhưng Lan vẫn tiếp tục viết.

          Mỗi cuối tuần, từ trường trở về nhà, Ken lại nhận những lá thư được gửi từ phương xa thông qua một người bạn đóng quân ở Việt Nam. "Khoảng thời gian ấy đối với tôi vừa hạnh phúc lại vừa lo lắng", ông nói.


Ken Reesing sau khi trở về Mỹ năm 1969

          Ken đã cân nhắc đến việc tái nhập ngũ nhưng không có gì đảm bảo rằng ông sẽ được quay lại Việt Nam trong bối cảnh quân đội Mỹ đang rục rịch rút quân. Ông muốn kể cho mọi người nghe về Lan nhưng không ai muốn biết gì thêm về Việt Nam nữa. Báo chí Mỹ liên tục đưa tin về cuộc chiến và đều là những thông tin đáng buồn.

           "Không ai muốn tôi trở lại, nhất là cha tôi. Mọi người ở Mỹ phản đối gay gắt cuộc chiến này và họ thù ghét những người lính trở về từ Việt Nam", Ken kể. "Lời hứa với Lan đè nặng lên tâm trí tôi nhưng việc quay trở lại vô cùng khó khăn".

           Khi cuộc chiến tranh dần đi đến hồi kết, quân đội Mỹ vội vã rút khỏi miền nam Việt Nam, căn cứ Long Bình cũng biến mất và hai người không còn liên lạc với nhau nữa. Ken đã gửi vài bức thư trực tiếp tới EM Club nhưng không nhận được phản hồi.

          "Tôi đã thất hứa và việc này gần như khiến trái tim tôi tan nát. Tôi thật ngu ngốc. Không còn cách nào khác cả", Ken nói trong niềm hối hận.

          Từ năm 1973 đến nay, Ken vẫn không ngừng lo lắng về Lan. Ông thực sự không dám nghĩ cô sống sót qua cuộc chiến tranh nhưng luôn giữ chút hy vọng nhỏ nhoi bởi "cô ấy còn trẻ, xinh đẹp, chăm chỉ và đầy sức sống". Ken vẫn cố gắng tìm hỏi thông tin về Lan cho đến sau năm 2000, khi mạng Internet phát triển mạnh, ông mới thực sự đẩy mạnh cuộc tìm kiếm. Ken từng thuê các công ty, trong đó có một công ty quốc tế với chi nhánh tại Sài Gòn, tìm kiếm Lan. Trong quá trình này, Ken cũng vô tình quen một người sống ở Biên Hoà qua mạng và được người này giúp đỡ tìm kiếm Lan suốt hai năm bằng các cuộc điện thoại, thậm chí những chuyến đi tới Long Bình, nhưng không có kết quả.

          Việc tìm kiếm diễn ra trong bí mật bởi Ken không muốn gây ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của Lan. "Tôi chỉ muốn an tâm rằng người bạn gái năm nào vẫn mạnh khỏe và an toàn", ông nói.

          Ken luôn hối hận khi ngày đó đã không hỏi bất cứ thông tin gì để sau này có thể tìm ra Lan dễ dàng hơn, như địa chỉ cụ thể của cô ở Biên Hòa. Ông cũng không rõ họ của cô chính xác là Võ Thị hay Vũ Thị. Một ngày đầu tháng 6, Robert, một người con lai đang sống ở TP HCM, bất ngờ liên lạc với ông Ken qua một nhóm cựu binh Mỹ trên mạng, sau khi biết ông đang tìm kiếm một phụ nữ Việt Nam thất lạc trong chiến tranh. Sau một lúc trò chuyện và tìm hiểu thông tin giữa hai bên, ông Ken đồng ý gửi những bức ảnh của Lan cho Robert. Chỉ hai ngày sau, ông và Lan lần đầu trò chuyện với nhau qua điện thoại.

          "Khi nghe Robert nói rằng cậu ấy đã tìm thấy Lan, tôi không thể tin nổi", ông Ken kể. "Robert đã làm việc ấy quá nhanh và hiệu quả". Robert cho hay để tìm kiếm người phụ nữ tên là Thúy Lan, anh đã đăng thông tin mà ông Ken cung cấp kèm ảnh lên một nhóm người Đồng Nai trên Facebook và nhờ sức lan truyền của mạng xã hội, chỉ trong chưa đầy một ngày, họ đã giúp tìm ra người con gái năm xưa.



Bà Vũ Thị Vinh (Thúy Lan) hiện nay.

           Bà Thúy Lan, tên khai sinh là Vũ Thị Vinh, hiện sống tại căn nhà cấp bốn thuộc con hẻm nhỏ ở đường Phan Đình Phùng, phường Thanh Bình, Biên Hòa, Đồng Nai. Hằng ngày, bà cùng con gái mưu sinh bằng nghề bán cháo trắng.

           Bố mẹ bà sinh 7 người con nên kinh tế khó khăn. Bà chỉ học đến lớp 5 là nghỉ. 15 tuổi, bà vào căn cứ quân sự Long Bình làm tạp vụ. Hai năm sau, bà làm tiếp viên cho EM Club của căn cứ. Ông Ken khi đó 22 tuổi, mới sang Việt Nam nhập ngũ được một thời gian. Những lần đến EM Club chơi, ông để ý cô gái người Việt có mái tóc đen, đôi mắt to, làm việc chăm chỉ và lém lỉnh. ‘Lúc đó, tôi được nhiều người để ý, nhưng tôi chỉ thích ông ấy. Thích, nhưng chúng tôi chỉ ‘liếc nhìn nhau’ khi gặp chứ chưa có gì cả’, người phụ nữ sinh năm 1952 hồi tưởng về quá khứ và cho biết, ông Ken là mối tình đầu của bà.

           Khi Mỹ rút quân khỏi căn cứ Long Bình, ông bà không thể viết thư cho nhau nữa. Mẹ bà Lan mang những lá thư và hình ảnh của ông Ken gửi cho con gái đốt hết. Từ đó, bà không còn nhớ gì về mối tình đầu của mình nữa.

           Năm 1984, bà lấy chồng. Hai năm sau, bà sinh con gái. Vì hôn nhân không hạnh phúc, vợ chồng bà chia tay. ‘Tôi với ông ấy quen rồi về sống chung chứ không làm đám cưới, đăng ký kết hôn’, người mẹ một con nói. Sau đó, bà ở vậy nuôi con bằng nghề bán cháo trắng từ năm 1993 đến nay".

           "Lúc chia sẻ câu chuyện về Lan, tôi đã từ bỏ ý nghĩ rằng cô ấy còn sống và dự định sẽ quay lại Long Bình một mình để hoàn thành lời hứa. Tôi nghĩ mình sẽ về thăm một ngôi mộ", cựu binh Mỹ Ken Reesing nói, "Thế nhưng cô ấy vẫn còn sống và đến bây giờ vẫn giữ nụ cười tuyệt vời ấy".

           Sau tất cả những cung bậc cảm xúc đã trải qua trong đời, Ken muốn mượn lời một bài hát "Loving her was easier than anything I'll ever do again" ...của ca sĩ người Mỹ Kris Kristofferson, bài hát luôn gợi nhắc ông về mối tình 50 năm trước. "Yêu Lan dễ dàng hơn bất cứ điều gì tôi từng làm", ông Ken nói.


 Ông Ken và bà Lan tại sân bay Tân Sơn Nhất, Việt Nam ngày 12/9 sau 50 năm xa cách.

Năm mươi năm dẫu muộn màng, nhưng ông vẫn giữ lời hứa cho cuộc hội ngộ với người xưa tại sân bay Tân Sơn Nhất, Việt Nam ngày 12 tháng 9, 2019: như thể họ chưa hề có cuộc chia ly!

Durham, North Carolina
Nguyễn Hoài Nam


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét