Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2020

Một Thời Áo Trắng Áo Xanh


    Trong thời gian nghỉ việc, do dịch bệnh Covid. Tôi có dịp lục lại những tấm ảnh cũ, xem đi coi lại hình của gia đình và thời đi học. Vô tình, tôi tìm thấy được hình của mình khi mới thi vào trường Kỹ Thuật, hình vẫn còn dấu mộc màu đỏ. Kia là hình các thầy cô, các anh chị và bạn bè cũ cùng học chung, dưới mái trường Kỹ Thuật Vĩnh Long.
    Tôi không khỏi bồi hồi lẫn nhớ thương. Những hình ảnh dưới mái trường xưa, và kỷ niệm của các bạn cùng lớp chưa phai mờ trong ký ức của tôi...
    Ôi nhớ quá, nhớ quá!

    Những ngày còn đi học, mỗi sáng thứ Hai, trường đều có lễ chào cờ. Hai anh học sinh được chọn, để kéo lá quốc kỳ, cùng với tiếng hát quốc ca của tất cả học sinh mang màu áo xanh. Sau đó thầy hiệu trưởng thông báo vài điều lệ và tất cả mọi người đều trở về lớp.
    Tôi vẫn nhớ như in, ba ngày đầu tuần, lớp 8 chúng tôi học nghề. Vì là lớp đặc biệt, nên được các thầy cô quan tâm nhiều hơn. Trong thời gian học, một số học sinh được lãnh học bổng toàn phần hoặc bán phần, và trong số ấy có tôi.

    Thích lắm cơ!

    Những ngày học môn Nữ Công Gia Chánh, chúng tôi như những con nai vàng ngơ ngác khoác lên người màu xanh, để mọi người biết... “Tôi là học sinh Kỹ Thuật đó nhe!” Nhưng ai đó nói rằng, lớp chúng tôi có nhiều tiên nữ đang bị đày xuống trần gian để chuộc tội. Vì lớp được quan tâm đặc biệt nên dễ rơi vào tầm ngắm của thầy phó giám thị Phạm Văn Dệt. 

    Sợ lắm cơ!
 
    Môn Nữ Công Gia Chánh, bao gồm, thêu thùa, may vá và nấu ăn. Môn học nấu ăn, là môn tôi thích nhất. Lớp chúng tôi cùng nhau đi chợ, thực tập cách nấu và sau đó chúng tôi cùng ăn chung với cô giáo. Có bạn mang về, cho gia đình nếm thử. Còn giờ học thêu thùa, đan móc, bạn nào cũng thích. Nhờ học được môn này, khi đã rời trường trong hoàn cảnh khó khăn, tôi có thể đan áo, mũ, tất, cho các bé sơ sinh, từ vài tháng cho đến 1 tuổi, và bỏ mối ngoài chợ hoặc nhận đặt hàng, đan riêng cho những ai cần. Công việc này, đã giúp thêm phần tài chánh cho tôi trong một thời gian cũng khá lâu.

     Sau khi lập gia đình, các con tôi cũng được mặc và mang những cái áo, đôi vớ do chính tôi làm. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao. Mỗi lần nghĩ lại, tôi vô cùng tri ân, cám ơn và mãi ghi khắc công dạy dỗ của các cô. Đó là cô Kim Lý dạy nấu ăn, cô Nho dạy may và thêu, cô Nghiêm dạy đan.

    Tìm về kỷ niệm ngày xưa, tôi nhớ lại, sau những giờ học nấu ăn xong, đa số ở lại trường để buổi chiều học tiếp. Trong giờ nghỉ trưa, bọn tôi kéo nhau lên lầu 1 rồi trèo ra ban công ngồi, ngắm con sông. Đúng hơn đó là con lạch nho nhỏ, có đám lục bình nhẹ nhàng trôi theo con nước, cùng tiếng ve kêu và chim sẻ đang ríu rít giữa trưa hè, như hòa theo lời tíu tít cùng chúng tôi. Và trên khoảng xa kia, vài cánh phượng rơi rơi, lay nhẹ trong gió.

   Sau ba ngày học nghề, những ngày khác trong tuần, chúng tôi học văn hoá. Có thể nói đây là những buổi học đáng ghi nhớ nhất trong đời học sinh. Cúp cua trốn học đi chơi cũng có, phá thầy cô trẻ cũng có, bị phạt cũng có. Thầy giám thị, là người phạt chúng tôi nhiều nhất. Tôi là người bày trò chơi, khiến cho một bạn bị phạt hoài. Nghe đâu vì tai nạn, bạn ấy đã về bên kia thế giới lâu rồi. Thôi thì cầu chúc cho bạn sớm về một nơi không còn khổ đau.

    Lớp tôi được chọn một trong hai sinh ngữ. Môn Anh Văn học với cô Tuyết Mai, vợ của thầy Hy phụ trách và Pháp Văn do thầy Nghiệm dạy. Tôi nhớ, có lần đến giờ Anh văn, lớp tôi phải chia 2, để tìm phòng học. Hôm đó, lớp học Anh văn ở đầu cầu, phía bên kia là Xưởng cơ khí của các anh trai. Chúng tôi ngại đi về hướng đó, vì có nhiều anh áo xanh trong xưởng và một số khác ở ngoài hành lang, đang tán gẫu. Khi thấy bọn con gái đi ngang, các anh réo như gọi đò, khiến chúng tôi, 3 chân 4 cẳng phải chạy nhanh vào lớp. Hoặc những khi đi ngang qua cây cầu nối giữa hai dãy lớp, các anh bạn áo xanh “gọi đò” rối rít, còn đếm nhịp bước chân của bọn này nữa. Chúng tôi vội ôm chặt cái cặp trước ngực, cúi mặt bước thẳng về lớp, dường như sợ có ai kéo lại. Đến khi vào lớp rồi, chúng tôi mới tươi tỉnh lại, và được yên thân như thế cho đến cuối giờ. Vì là môn chính nên chúng tôi phải học đầu giờ, rồi 2 giờ sau, chúng tôi cũng ngồi lì trong lớp không dám ra. Bởi vì giờ chơi, các anh lớp lớn chiếm ưu thế ở đầu cầu và giữa cầu. Ngoại trừ, khi cần lắm, chúng tôi mới đi ra rồi về lại đúng lớp mình mà thôi.

    Thời gian gần cuối năm học, tàng phượng to, đầy hoa trái, phủ lấy một phần giữa cầu và chân cầu làm mát cả khu này. Cây phượng mọc từ phía trước căn tin của cô Kim Lý. Thân to và cao nên nhánh xà vào thành cầu, như để làm duyên làm dáng cho những anh chị lớp lớn. Có những cơn mưa giông trong chiều mùa hạ, ngồi trong lớp nhìn ra thấy những cánh phượng và lá rơi lả tả trên cầu, chúng tôi thích lắm, vì lát nữa đây, sau giờ học chúng tôi sẽ nhặt những cánh phượng còn tươi sắc ấy, làm thành những con bướm xinh ép vào trang vở, hay để trên tay bày trò chơi bằng cách, đập mạnh, tưởng như tiếng pháo và cùng đua nhau, xem tiếng nổ của ai kêu to hơn. Vui lắm cơ! Đôi khi tôi và các bạn hái vài nhánh phượng, bày trò chơi cô dâu chú rể, để tặng hoa cho nhau, cười đau cả bụng. Huỳnh Nga lớp trưởng, giả giọng bố mẹ làm chủ hôn cho bọn tôi. Lúc đó hình như ai cũng thích làm cô dâu để được cầm cả nhánh hoa, chú rể thì có một thôi. Sau trò chơi ấy, chúng tôi làm bể bình bông, khăn bàn bị rách. Chuyện gì đến sẽ đến, vui quá nên chữ nghĩa trả lại cho thầy cô hết. Thế là thứ Hai đầu tuần, chúng tôi bị phạt, xướng tên tại sân cờ.

    Buồn thiu! Buồn thiu!

                                          Bạch Hằng và bạn Đặng

    Đó là kỷ niệm đẹp một thời, chiếc cầu nối giữa hai dãy lớp, mang tên “Cầu Giao Duyên” hay còn gọi là “Cầu Phượng Hồng”. Bởi vì, vào mùa hạ, chỉ cần một cơn gió, cầu sẽ đầy hoa và lá phượng. Năm lớp 9, tôi và một bạn nữa cùng đi ngang qua cầu ấy để vào lớp học. Một anh lớp lớn, bẻ nhánh phượng tặng cho hai đứa, phượng đã cầm trên tay, chỉ lí nhí nói được hai tiếng cám ơn, rồi đi thẳng vào lớp và khoe với các bạn. Chúng tôi chia nhau những cánh phượng mà không hề để tâm đến tên của người tặng. Bọn con gái chúng tôi lúc đó hậu đậu lắm, không để ý chi cả, chỉ thích chơi và chọc phá người khác thôi. Mãi đến cuối năm lớp 9, lớp 10, tuổi của ngồi đó mà hồn thì rong chơi nơi mô. Khó nói lắm! Đến khi thầy cô gọi tên trả bài, chừng ấy như vừa tỉnh giấc mộng. Mộng thì có mộng, nhưng không lưu luyến lâu, vì còn nhiều trò của “nhất quỷ nhì ma” đang đợi chờ chúng tôi. Tuy nhiên, phá phách có tiếng mà học cũng giỏi luôn, nên được các thầy cô thương lắm, chiều lắm. Hôm nào không muốn học, cứ mè nheo với thầy cô một hồi là xong ngay. Thế là thầy trò rủ nhau đi ăn chuối nướng ở ngã ba gần nhà thờ Chánh Tòa, sau đó về học tiếp. Nếu thầy cô nào không cho, hôm sau có tiết học, cả lớp trốn hết, chỉ còn lại vài chị gương mẫu không dám đi vì sợ bị phạt. 

 

    Thời gian thấm thoát, mới đó mà mấy mươi năm trôi qua. Các Thầy Cô hiện nay thế nào!? Không biết bây giờ các bạn học ngày ấy ra sao, có lẽ đã có cháu nội cháu ngoại. Cầu mong cho các Thầy Cô, các bạn học Kỹ Thuật Vĩnh Long, được bằng an, mạnh khoẻ và hạnh phúc trong cuộc sống. Hy vọng, trái đất tròn, thế nào cũng gặp lại.

Vũ Thị Bạch Hằng

25.5.2020  

Cựu Học Sinh Kỹ Thuật Vĩnh Long



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét