Thứ Năm, 23 tháng 9, 2021

Cái Khuôn Bánh Thời Thơ Ấu


    Độ tuổi tôi, ăn chưa no, lo chưa tới, còn ham mê trò chơi con nít, nhảy tràm, nhảy dây, đánh búng, u hấp, tù binh..., thì má đã là cô dâu út, thứ 10 của nội.


    Tuổi 15, 16, là con dâu nhà ông Bang trong ấp Phú Hữu, má được kẻ vào trình ra bẩm. Một tiếng được người “dạ thưa”, hai tiếng cũng được “dạ thưa mợ mười”. Họ là ai? Đó là những tá điền của nội, là những bậc trạc tuổi ông bà, cha chú của má. Nhà có kẻ hầu người hạ, nhưng qua sự dạy dỗ của ngoại, má luôn giữ nề nếp, biết tôn trọng bậc trưởng thượng, biết khép mình trong vai trò con dâu. Ngày ngày, má vào bếp cùng người giúp việc, chăm món này, nếm món nọ cho cả đại gia đình.

    Hôm má hầm món canh thịt cho cả nhà, trên bàn ăn ông nội bảo “canh hôm nay hơi cứng”. Má vội vàng, “dạ thưa tía con hầm lâu lắm”. Cứng ở đây có nghĩa là mặn, nhưng má lại ngỡ là không mềm. Lúc đó ông quay sang bà nội khẽ nói, “con nó còn nhỏ, để rồi chỉ bảo thêm”. Chỉ chừng câu nói ấy của nội...từ một thiếu phụ ngây thơ, sau này má trở thành người đảm đang trong vai trò nội trợ lẫn giao tế trong ngoài. Má thạo việc bếp núc, thêu thùa, bánh trái, đã khéo lại ngon nữa là khác. Và là cái gương cho chúng tôi noi theo, là những ngày cuối đời má vẫn một mực thương yêu, kính trọng cha chồng... qua giọng nói trầm, nhẹ như hơi sương của má “Ông nội con tốt lắm!”.

    Đến khi là chủ của một gia đình nhỏ, má thay ba quán xuyến mọi việc, những lúc ba đi làm xa nhà. Vào dịp Tết, tiệc tùng, giỗ quảy, của họ hàng hoặc xóm giềng, má thường tự tay làm quà biếu và bảo rằng như thế mới có cái tình. Vì cái “tình” này mà thời gian còn ở Việt Nam, trong nhà tôi, hữu dụng nhất là cái cối đá xay bột và bàn nạo dừa. Về cối đá, má thay đổi luôn, chỉ giữ lại cái cối nào vừa nhẹ tay xay, vừa mịn bột. Má thích hai vật này lắm, với các anh chị em trong nhà, nghĩ thế nào, tôi không rõ, riêng tôi rất sợ. Sợ xay gạo hay nếp thành bột. Dù đã được má chỉ dẫn cặn kẽ, xay chậm, cần cho nước và cối đều tay. Nhưng tôi cứ nghĩ miễn thành bột là được, luôn nhanh tay hầu đỡ mất thời gian. Đã vậy, tôi thường nhích phần trên của cối lên, gọi là “nhỏng cối”, bột sẽ ra nhanh, chóng xong. Vì thế, bột bị “sống” hoài, đương nhiên là bột không mịn. Đến việc nạo dừa, cần nạo từ từ, khi vắt dừa sẽ được nhiều nước cốt. Nhìn số lượng10 trái, tôi càng bướng, tay cầm nửa trái dừa, đặt vào bàn nạo, xắn thật sâu, nạo mạnh tay, thì làm sao được nhiều nước cốt.

    Ngán ngẫm sau những lần xay bột, nạo dừa, tôi cho má biết “bây giờ con đã biết làm bánh rồi”.
          - Con biết làm bánh gì rồi. Má tôi vặn hỏi.
          - Bánh bông lan, con làm bằng bột mì ngan.
          - Bánh phục linh, con làm bằng bột mì tinh.
    Má tôi mỉm cười, bảo con gái lớn phải học nấu nướng, sau này còn làm dâu nữa.


    Ngoài cối đá, bàn nạo dừa, còn những thứ linh tinh khác, như khuôn bánh, nồi đồng dùng nướng bánh. “Tự tay làm mới có tình!” này của má, là đây! Trước mặt tôi là cái khuôn làm bánh gai, được mang từ Việt Nam sang. Nay má rời khỏi đời này và di vật má để lại. Nhìn lại khuôn bánh, hình ảnh thời thơ ấu trở về. Ngoài nhớ má, tôi nhớ một hình ảnh khác, thằng Phước. Phước là cháu của dì hai ở cạnh nhà. Dì mất mẹ, gọi ngoại tôi bằng má, nên ngoại xem dì là con nuôi. Phước lớn tuổi hơn nhưng cùng học lớp Ba trường Tiểu học Giồng Ké với tôi. Tôi bị má rầy hoài, “con phải gọi Phước bằng anh”, tôi nào chịu nghe “nó học bằng con, sao con phải gọi bằng anh”. Phước là vua bày trò, hai đứa khắn khít lắm, là lúc má tôi làm bánh.

    Khi má làm bánh thuẩn, Phước bảo lấy tay xoa xoa đầu gối, cái bánh sẽ cùi, tròn giống như đầu gối, không nở thành tay và nắm chắc phần thắng là chúng tôi sẽ có phần ăn. Đến lúc làm bánh gai, lấy tay xoe xoe, bánh chẳng có gai và tròn xoe như con trùng đất, sẽ có phần dành cho chúng tôi. Bánh thuẩn không tay, bánh gai không gai, là hy vọng, là đợi chờ của bọn trẻ. Nhưng chưa bao giờ chúng tôi được hưởng phần bánh hư tưởng tượng đó. Có chăng là má thương tình, thấy hai đứa trẻ ngồi chầu chực, nên má cho và bảo nhỏ “tụi ăn thử coi ngon không”.


    Đến năm 1983, ba má được sang Úc định cư, bỏ lại sau lưng “đồ nghề”, có còn chăng là cái khuôn bánh gai này. Di vật má để lại dù tôi chưa một lần dùng đến, nhưng nó đã gợi cho tôi hình bóng má, thấp thoáng khuôn mặt đỏ ao đang cời than, canh lửa nướng bánh.
    Má chào đời vào một mùa xuân, ra khỏi cuộc đời cũng vào một mùa xuân. Phải chăng má muốn gởi gắm xuân lòng đến cho các con!
Má ơi!

Kim Phượng
Ngày Giỗ Thứ 19 Của Má
24.9.2021


2 nhận xét: