Thiệp Mừng Giáng Sinh 2024: Anh Chị Tuấn Yến
Tiêu đề Nhãn
- Biên Khảo
- Câu Đối
- Cổ Thi
- Hình Ảnh Nay
- Hình Ảnh Xưa
- Luận Án Ra Trường
- Lưu Niệm
- Nhạc Ngoại Quốc
- Nhạc Việt
- Sưu Tầm
- Thơ Mùa Đông
- Thơ Ba Má
- Thơ Cảm Tác
- Thơ Diễn Ngâm
- Thơ Mùa Hạ
- Thơ Mùa Lễ
- Thơ Mùa Thu
- Thơ Mùa Xuân
- Thơ Phổ Nhạc
- Thơ Tình
- Thơ Tranh
- Thơ Tranh Nghệ Sĩ
- Thơ Xướng Họa
- Tích Hay
- Trang Bán Công Nguyễn Thông
- Trang Bạn Hữu
- Trang Kỹ Thuật
- Trang Nguyễn Trường Tộ
- Trang Vĩnh Bình
- Văn
- Vũ Hối Thư Họa
- Yoga
Thứ Hai, 23 tháng 12, 2024
Thứ Hai, 16 tháng 12, 2024
Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2024
Cao Cung Lên - Hoài Đức - Nguyễn Khắc Xuyên - Thái Thanh - Anh Khoa - Sĩ Phú
Sáng Tác: Hoài Đức& Nguyễn Khắc Xuyên
Ca Sĩ: Thái Thanh, Anh Khoa, Sĩ Phú
Thực Hiện: Sử Ca Thời Loạn
Thứ Ba, 10 tháng 12, 2024
Con Tắc Kè
Giồng Ké, nơi tôi
sống và lớn lên, là một xã của tỉnh Vĩnh Long, nhưng sau đó lại trực
thuộc địa phận Vĩnh Bình hay còn gọi tên cũ là Trà Vinh.
Dù tôi sống trong loạn lạc, đêm đêm phập phòng bên
cạnh mỏ liên hồi của du kích quân, giật mình thức giấc bởi tiếng đại
bác, hồi hộp lo âu sống còn, giữa lằn ranh giao tranh của hai phe. Nhưng
tuổi thơ của tôi trở lại hồn nhiên, được trải dài trên con đường từ nhà
đến trường và tôi vẫn…tung tăng, đầy vô tư trong phút giây trộm hoa,
cắp quả, từ những gia cư sống lân cận quanh khu vực nhà trường. Bấy giờ
nếu có ai hỏi: “Tuổi trẻ sợ gì nhất ”? Có lẽ bọn học trò chúng tôi có
cùng một câu trả lời “Sợ bị khảo bài nhất mà thôi”.
Tuổi hái hoa bắt bướm qua nhanh. Tôi vào trung
học, một cực hình lớn nhất đối với tôi lúc đó là phải xa nhà để tiếp tục
việc học vấn.
Trong kỳ thi Đệ thất,
trường tiểu học Giồng Ké chỉ vỏn vẹn hai thí sinh trúng tuyển vào trường
công lập Vĩnh Bình, trong đó có tôi. Như đã nói, vì Giồng Ké thuộc tỉnh
Vĩnh Bình nên tôi phải ở trọ, trong khi các anh chị tôi đều theo học
tại Vĩnh Long. Tôi vẫn nhớ, hôm rời nhà, hành trang là chiếc va li nhỏ.
Má tôi chu đáo sắp xếp vào đó những thứ cần dùng cho người con gái sắp
sửa bước vào tuổi dậy thì cùng những lời dặn dò cho đứa con phải đi xa.
Tôi theo chân ba và được gửi gắm cho một người cô
bà con. Cha cô là em ruột của ông nội tôi, một gia đình giàu có, đất
ruộng cò bay thẳng cánh, nên tôi chẳng lạ gì khi đặt chân lên ngưỡng cửa
nhà cô. Ngôi nhà ngói đồ sộ, nền đúc cao, tọa lạc trên một vuông đất có
nhiều loại cây ăn trái, có rào bao quanh với cổng khóa, then gài. Con
cháu cô đều đi làm, đi học. Tất cả ở Sài Gòn, trong gia đình chỉ còn lại
cô dượng và bà lão giúp việc. Nhà to thế ấy, người trong nhà lớn tuổi
chừng ấy, nên việc có thêm một đứa trẻ như tôi đến chung sống, âu đó là
niềm vui, nên mọi người đều hân hoan đón nhận. Nhà giàu sang, rộng thênh
thang nên có sự phân chia rạch ròi “nhà trên, nhà dưới”, là điều hẳn
nhiên. Về đêm, sự phân chia rõ ràng hơn bằng những khuôn cửa có khoá cài
an toàn.
Phòng ngủ của con cháu cô gần như niêm phong, chỉ
mở ra vào dịp Tết hoặc hè, khi họ về thăm gia đình. Tôi đến đây, như một
“thượng khách” nên được yêu thương và chăm sóc kỹ. Bởi thế tôi “ phải ”
ở nhà trên cùng với cô dượng. Nơi tôi học hành và nghỉ ngơi là một bộ
ván gõ, nằm cạnh và đối diện một dãy với bốn bàn thờ lớn cùng tám tấm
liễn dài, treo dọc theo những thân cột to. Tất cả các thứ trên đều cẩn
xa cừ, được đánh bóng nên sáng loáng và ánh lên đủ màu trông thật đẹp
mắt. Đêm đầu tiên đến đây, tôi không tài nào chợp mắt và… thút thít
khóc. Bộ ván gõ nơi tôi nằm, mát lạnh, rất lý tưởng với khí hậu nơi quê
nhà. Nhưng sự tủi thân, nỗi cô đơn của đứa bé vừa xa gia đình, vừa sợ
ma, sợ những nén hương lập lòe thắp trên bàn thờ cùng tiếng kêu của con
tắc kè, làm tôi ớn lạnh. Lưng tôi lạnh, hơn cả cái lạnh của tấm phản gỗ.
Nỗi sợ trong tôi càng gia tăng vào những khi cô
dượng về Sài Gòn thăm con cháu. Sự vắng mặt đôi khi kéo dài đến cả tháng
trời. Những hôm như thế, bà lão giúp việc chăm sóc tôi kỹ hơn. Đêm về,
sợ tôi mê ăn mê ngủ nên bà khóa trái cánh cửa phân biệt “nhà trên, nhà
dưới” lại. Bấy giờ, tôi sợ con tắc kè đang sống bám trên tường vôi hơn
cả con ma, sợ đôi mắt sáng quắc, sợ tiếng kêu “ tắc kè... tắc kè ”. Nghĩ
đến lớp da sần sùi của loài bò sát này, nhở nó “sẩy chân” té nhào thì
còn gì là tôi. Bởi thế, vừa chập choạng tối là tôi vội giăng mùng để
tránh tai nạn rơi thình lình theo trí tưởng tượng và tuổi thơ của tôi đi
vào mộng mị… bằng tủi hờn, bằng ràn rụa nước mắt, bằng lo âu sợ hãi.
Tôi cảm nghĩ, mình như hoàn toàn cách ly với thế giới bên ngoài. Cực
hình này so ra khủng khiếp hơn cả lần đầu xa nhà.
Sáng hôm sau tôi vào lớp học với cặp mắt sưng vù.
Cô bạn ngồi bên cạnh hỏi vì sao, tôi thật tình kể hết chuyện con tắc kè,
sợ tiếng kêu, sợ nó sẩy chân…
Cô nhìn tôi cười ngất:
- Bạn khờ quá ! Nó linh lắm đó, nhất là vào mùa thi.
Bạn tôi kể rằng vào mùa thi, mỗi lần nghe nó kêu thì bắt đầu đếm là “
đậu hoặc rớt ”, và tiếng cuối cùng ngừng ở chữ nào, thì kết quả linh ứng
vào chữ đó. Tối đêm ấy, tôi bớt sợ hơn, có phần háo hức là đàng khác.
Vâng tôi chờ, tôi đợi… tiếng kêu con tắc kè và dù không là mùa thi nhưng
tôi vẫn đếm thử…, không phải bằng tiếng “đậu, rớt” mà là “bị khảo bài ... không bị khảo bài”. Và kể từ lúc đó tôi học chí tử, nhất là tiếng kêu
dừng lại “bị khảo bài”.
Sống giữa tường vôi đã thấy buồn
Kêu chi não nuột? Tắc kè thương!
Đêm đêm phá giấc cô trò nhỏ
Thức dậy ôn bài lúc giữa đêm.
Tuổi trẻ ngày nay nhiều vòi vĩnh, lắm thú vui, đủ
trò chơi, nào sinh nhật, xi nê, ti vi…Còn tuổi trẻ của tôi, sống, lớn
lên, làm bạn với tiếng kêu của tắc kè…Mùa thi, mùa của mong đợi, vì tôi
đam mê tiếng kêu này mất rồi! Mùa thi, mùa của mệt nhọc, buồn ngủ dù gà
gật cách mấy mà tiếng kêu cuối đếm đúng chữ rớt, tôi vội bật dậy ôn bài.
Mái ngói tường vôi cao lêu nghêu
Linh thiêng hồi hộp dõi tiếng kêu
Phập phồng thao thức lần tiếng đếm
“Đậu Rớt” Tắc kè chớ cợt trêu!
Con tắc kè, người bạn có lớp da trông gớm ghiếc,
nhưng tôi không còn sợ nữa, trái lại tôi cảm thấy nó gần gũi, vừa hiền
lành lại linh thiêng. Mà lúc đó tôi làm gì biết được tại sao nó linh
hiển như thế. Mà biết để làm gì, khi cuối năm Đệ thất, tay nắm được phần
thưởng, trong buổi lễ do nhà trường tổ chức tại rạp hát Phú Vinh thuộc tỉnh Vĩnh Bình .
Sau này tôi còn biết thêm về con tắc kè qua bài
học vạn vật, cô giáo cho biết nó là một loại bò sát, da tuy sần sùi,
nhưng điều kỳ diệu là màu luôn thay đổi theo môi trường sống. Đấy là đặc
điểm về khả năng sinh tồn cho chính bản thân của nó.
Làm thân bò sát: “Tắc kè hoa”
Vì lẽ sinh tồn đổi màu da
Mươi mấy năm qua, tôi xa trường, chưa một lần trở lại căn nhà nền đúc
ấy. Còn con tắc kè năm xưa? Có lẽ không ai trả lời cho câu hỏi của tôi…
Theo dòng thời gian tôi đã hoàn toàn quên hẳn nó, người bạn một thời mà
tôi đã tin tưởng vào tiếng kêu linh thiêng. Cho đến khi…
Mươi mấy năm qua xa mái trường
Xa rồi tiếng gọi tắc kè thương
Ai xui gợi nhớ ngày xưa cũ
Quay quắt trong tôi đến lạ thường!
Thời gian định cư khá lâu, "hương vị" tỵ nạn vẫn còn
đó, nhưng cái “tâm trạng người mới rời quê hương, vừa xa trại tị nạn”
lại nhiều đổi thay. Một số người đã để quên quá khứ đàng sau bờ đại
dương, chẳng buồn nhớ lại phút giây nơi trại tỵ nạn năm nào. Bước vào
hiện tại bằng đầy đủ tiện nghi, bằng vội vã với thời gian trong công
việc, bằng lao mình vào sự xô bồ, thừa mứa, bằng thú vui thâu đêm suốt
sáng, bằng đặt nặng kim tiền và rồi không tránh khỏi,“giá trị tình cảm
giữa người và người” nhẹ tênh dần theo năm tháng.
Riêng tôi? Tâm hồn này? Tôi không bắt kịp với nhịp
bánh xe thời gian, với thay đổi loạn cuồng của môi trường sống chung
quanh và tôi… đã quỵ ngã. Tôi làm gì bây giờ đây? Trở lại là người tỵ
nạn mới vừa định cư, tôi bắt đầu làm lại cuộc đời ư? Không, thật ra, tôi
còn tệ hơn nữa, vì lý tưởng chọn cái chết để tìm sự sống bên bến bờ tự
do thật sự đã tiêu ma rồi. Tôi đang tự đi tìm cái chết đây mà. Trong đau
khổ và tuyệt vọng cùng cực, tôi còn biết gì, còn nghĩ gì về: “Thịt da
này do cha mẹ cưu mang, trí óc này được thầy cô hướng dẫn. Cơm cha, Áo
mẹ, Ơn thầy”. Tôi hiện hữu, nhưng đời làm sự sống của tôi mất dần ý
nghĩa, vốn liếng cuối cùng của một con người là niềm tin cũng đã mất,
hoàn toàn mất. Tôi như con tàu trong chuyến hải hành vô định, lênh đênh
trên biển đời mênh mông, đen tối, nào tìm thấy đâu là ngọn hải đăng hầu
được dẫn lối đưa đường. Bão tố ùa đến, tơi bời…như tôi đã hứng chịu trận
bão năm nào, trong 9 ngày 9 đêm lênh đênh từ Việt Nam đến Mã Lai, trong
lần vượt biển. Nhưng đó là 9 ngày đêm tuyệt vọng trong niềm hy vọng tìm
đến bến bờ tự do. Giờ đây, trên mảnh đất tự do này tôi lại “tự do”…
sống dưới hố sâu vực thẳm.
Đang ngụp lặn trong sóng người vô tình, trong sóng
tình nghiệt ngã, rồi như một phép lạ tôi bám được chiếc phao nổi. Như
một phép lạ, tôi được giật dậy từ cái hố sâu thăm thẳm kia. Người làm
phép lạ này, thật ra chẳng có chi lạ. Đây chính là vị tư vấn về gia
đình, đã giúp tôi đứng lên và đưa tôi trở lại cuộc đời. Trong thế gian
này, nếu quả thật có sự luân hồi, xin thưa rằng tôi cảm nghiệm được,
chính tôi đã luân hồi ngay trong kiếp này mà không phải trải qua nhiều
đời khác. Trong xã hội làm việc vì nhiệm vụ này, thật may mắn cho tôi,
còn gặp được con người “vì nhiệm vụ nhưng khác nhau ở tấm lòng”. Tấm
lòng của:
Người xa mà ngỡ như gần
Trong khi:
Người thương lại chẳng nợ nần chi nhau
Sau lần sống sót này, tôi biết chắc chắn một điều: “Tôi đang được tồn
tại đúng nghĩa, bởi thế tôi cần biết nâng niu sự sống của mình”. Chính
sự thay đổi lớn lao này mà hình ảnh con tắc kè năm xưa với sự huyền diệu
về màu da, lại ào ạt trở về… Đã từ lâu tôi biết, ý nghĩ về “đậu, rớt”
qua tiếng kêu của con tắc kè là một suy nghĩ ấu trĩ. Tuy nhiên nhờ tin
tưởng vào sự hiển linh trong thời thơ ấu ấy, nó đã giúp tôi nhẫn nại ôn
bài, tiếng kêu chấm dứt là “rớt” càng nhiều bao nhiêu là tôi chuyên tâm
bấy nhiêu và kết quả “linh ứng” như mong đợi là điều tất nhiên. Do bởi
tấm lòng của người đã đưa tôi trở lại cuộc đời, mà tôi hồi tưởng lại màu
da con tắc kè. Dù những tháng năm dài oằn mình trong chiếc kén khổ đau,
vị tư vấn giàu lòng mà tôi đang nhắc đến, không vội vã, người đã nhẫn
nại, đợi chờ, trông chừng, hướng dẫn để tôi tự đủ sức, tự nhoài mình ra
từ một chiếc lỗ thật bé của chiếc kén khổ đau kia. Vị tư vấn về gia đình
này tuyệt vời trong sự thay đổi màu da “nhẫn nại lắng nghe”, màu da
“chia sẻ cảm thông”, màu da “nhân ái độ lượng”. Bằng tấm lòng đã:
Hiện thân làm tắc kè hoa
Giàu lòng nhân ái đổi màu da
Đổi màu da để thích nghi với mọi tình huống, mỗi đoạn đường đau khổ của
môi trường “chán nản”, “bất mãn ”, “hằn học”, “oán hận”, “căm hờn”,
“thất thời”, “mặc cảm”, “tự ti”, trong nỗi bất hạnh của con người tôi.
Chính sự thay đổi màu da “lắng nghe” của vị này,
đã ảnh hưởng ít nhiều, kéo theo sự thay đổi màu da “thái độ” của bản
thân tôi. Tôi biết chấp nhận, nhìn vào thực tại, bước thẳng vào khổ đau.
Để rồi hy vọng trong tôi vươn lên. Niềm tin được bồi đắp. Đời sống
thăng hoa, tôi biết hướng mình đi, việc mình làm, định rõ mục đích tiến
đến. Và điều quan trọng, tôi không còn muốn mình là ai nữa mà thật sự
biết được “tôi là ai”, trong cách sống đích thực của một con người.
Người giúp tôi biết chọn lựa bộ áo nhân cách nào, để biết nâng cao phẩm
giá con người mình. Sự chuyên tâm để đạt đến kết quả như ý của cô học
sinh nhỏ bé năm nào cũng là sự chuyên tâm của tôi ngày hôm nay. Giờ đây
tôi nhìn đời lạc quan, bao dung hơn, dù rằng hiện tại, trong đôi mắt,
ngấn lệ vẫn còn long lanh nhưng đã tiềm ẩn được nụ cười.
Khi tôi biết chắc chắn, mình không sợ cái khổ nữa,
chính là lúc tôi nhận ra, vị tư vấn đã dùng nhiễm sắc thể “tình yêu tha
nhân” tái tạo nên tôi, một con tắc kè hoa biết thay đổi màu da “thái
độ”, để tồn tại trước những nghiệt ngã của cuộc đời, khoác thêm lên
người màu da “nhẫn nại lắng nghe” của vị ân nhân. Với tâm hồn được hoán
cải, dù cằn cỗi vẫn nở hoa nhân ái, trổ trái độ lượng.
Và thời gian…
Thời gian…
Cánh cửa hạnh phúc đời mình đã khép lại …! Hôm nay đây, trong tôi một
cánh cửa hạnh phúc khác lại rộng mở. Và chính tôi, vâng, chính tôi phải
can đảm tự mở cánh cửa này bằng sức mạnh của cánh tay “lấy sự bất hạnh
của đời mình mà mang đến niềm vui cho kẻ không may khác”.
Vì quanh đây, trong con đường hầm khổ đau mà tôi
đang lần mò đi ra, thì còn nhiều, rất nhiều người khác cũng đang lầm lũi
bước vào…
Kim Phượng
Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2024
Người Xa Người - Diên An - Huỳnh Trang - Thanh Thúy
Sáng Tác: Diên An & Huỳnh Trang
Ca Sĩ: Thanh Thúy
Thực Hiện: Thanh Thúy
Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2024
Thứ Hai, 2 tháng 12, 2024
Bâng Khuâng Vào Hạ
Thèm mang máng nhớ phượng nơi xa
Cũng màu rực rỡ khoe sắc ấy
Phượng sái mùa ngợp chiếm hồn ta
Nơi ấy trường xưa bạn cũ này
Đắm chìm mộng ảo thả trời mây
Trộm hương dìu dịu len trong gió
Kẻ lén cầm tay lúc trao hoa
Hoa nở nhiều hay rụng chiều nay
Đơn côi đất khách lạnh tháng ngày
Thèm mang máng nhớ người xưa ấy
Hẳn lỡ làng hoa rụng chiều nay
Kim Phượng
Đầu Mùa Hạ 2.12.2024
Thứ Năm, 28 tháng 11, 2024
Trăm sầu
Trăm năm hẹn ước để mà chi
Sầu đau vạn mối ngu si một đời
Tình cạn sao lệ còn tuôn đổ
Môi cười vướng khổ mãi đa mang
Đường rộng chân không thênh thang bước
Dại khờ chi con nước cuốn đi!
Kim Phượng
Thứ Tư, 27 tháng 11, 2024
Bạn Hữu Thành Kính Phân Ưu Cùng Tang Quyến
Chúng tôi, cựu học sinh lớp Đệ Nhị B, Trường Trung Học Bán Công Nguyễn Thông.
Nhận được tin bạn Nguyễn Thượng Hiền, đã mệnh chung ngày 9 tháng 11 năm 2024 hưởng thọ 74 tuổi.
Trước nỗi đau và sự mất mát này, chúng tôi xin đồng hành và hiệp nguyện cùng tang quyến, nguyện cầu Linh Hồn Nguyễn Thượng Hiền bình an và sớm vào nước Thiên Đàng.
Thành Kính Phân Ưu
Đỗ Cẩm Hường
Nguyễn Thị Hồng (49)
Trần Thị Lý
Lê Thị Kim Phượng
La Văn Phền
Châu Ngọc Thành
Nguyễn Văn Siêng
Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2024
Cõi Buồn - Anh Bằng - Elvis Phương
Sáng Tác: Anh Bằng
Ca Sĩ: Elvis Phương
Thực Hiện: Asia Entertainment Official
Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2024
Mùa Thu Chết
Mùa thu đã chết lửa nhân gian
Trong ngăn tim nhỏ trơ xương lá
Mộng tưởng tàn phai biết trái ngang
Đời đã vào thu lạnh tiếng cười
Có còn không thoáng nét xuân tươi
Buông xuôi năm tháng theo ngày tháng
Ngôi rẽ đường ngôi lược biếng lười
Đã mấy đêm trường đã mấy thu
Vầng trăng thiếu phụ mảnh trăng lu
Đẫm đôi mi lệ sương thu lạnh
Chiếc bóng lưng đơn lối mịt mù
Kim Phượng
Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2024
Thứ Tư, 13 tháng 11, 2024
Chuyển Mùa
Dài đêm lắm mộng hãy qua mau
Không gian xao xuyến chừng thôi thúc
He hé thầm mơ lúc chuyển mùa
Vin những cành cao đượm sắc hồng
Lòng riêng vô ý bỗng nao nao
Tóc mai rươm rướm màu sương tuyết
Lối cũ còn đây bóng nguyệt chờ
Ngơ ngẩn trời xanh biếc ngập ngừng
Thoảng hương gió sớm sớm vào xuân
Cỏ hoa khắp nẻo vươn mình chớm
Hỏi nhỏ hoa lòng chớm đổi thay
Kim Phượng
Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2024
Giấc Ngủ Cô Đơn - Lê Dinh - Anh Bằng - Thanh Thúy
Sáng Tác: Lê Dinh & Anh Bằng
Ca Sĩ: Thanh Thúy
Thực Hiện: Tan.Nguyenhuy
Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2024
Dòng Xuôi Ngược
Tôi đứng trông theo những chuyến tàu
Hồi còi vang chạm trái tim đau
Cuộc tình con nước dòng xuôi ngược
Nghĩa cũ tình xưa đã nhạt màu
Ảnh & Thơ: Kim Phượng
Thứ Tư, 6 tháng 11, 2024
Tình Thu
Tình Thu
Khi chiếc lá dường ngại nắng soi
Là nàng thu đến với muôn loài
Từng cơn gió động buồn đơn chiếc
Những trận mưa về lạnh lẻ đôi
Có lẻ úa vàng luôn thế đấy
Nên đành cam phận chỉ riêng thôi
Bao mùa thu đến tình thu nhắc
Chuyện cũ dần xa mãi mãi rồi
Quên Đi
***
Bài Họa:
Hồ Thu
Hồ thu bàng bạc ánh trăng soi
Gợn sóng lung linh ảnh mọi loài
Nặng gánh tương tư hoài bóng chiếc
Tim đau khao khát chẳng duyên đôi
Mặt hồ yên ả dường xao động
Giấc mộng vô thường chỉ thế thôi
Đêm tận trăng tàn ôi nguyệt lão
Tơ hồng se mối đã quên rồi
Kim Phượng
Khi chiếc lá dường ngại nắng soi
Là nàng thu đến với muôn loài
Từng cơn gió động buồn đơn chiếc
Những trận mưa về lạnh lẻ đôi
Có lẻ úa vàng luôn thế đấy
Nên đành cam phận chỉ riêng thôi
Bao mùa thu đến tình thu nhắc
Chuyện cũ dần xa mãi mãi rồi
Quên Đi
***
Bài Họa:
Hồ Thu
Hồ thu bàng bạc ánh trăng soi
Gợn sóng lung linh ảnh mọi loài
Nặng gánh tương tư hoài bóng chiếc
Tim đau khao khát chẳng duyên đôi
Mặt hồ yên ả dường xao động
Giấc mộng vô thường chỉ thế thôi
Đêm tận trăng tàn ôi nguyệt lão
Tơ hồng se mối đã quên rồi
Kim Phượng
Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2024
Lời Cô Giáo Trẻ - Cô Phượng - Thanh Tuyền
Sáng Tác: Cô Phượng
Ca Sĩ: Thanh Tuyền
Thực Hiện: NHẠC XƯA SÀI GÒN PRE75
Thứ Ba, 29 tháng 10, 2024
Một Ngày Sẽ Đến
Một ngày một ngày sẽ đến em sẽ xa anh xa anh suốt đời*
Một ngày một ngày sẽ đến anh sẽ xa em suốt đời xa em
Thật sự “anh” đã xa “em”! Khi chiếc cỗ quan từ từ nâng lên, đoàn người chầm chậm bước đi, cùng lúc với giọng ca nức nở, nghẹn ngào của cô ca sĩ Thanh Thúy từ chiếc máy phát thanh. Tiếng hát cất lên như thay lời tiễn đưa, Ba lìa cõi trần, đi vào nơi... mà không ai muốn đến.
Ba ra đi vào ngày cuối, tháng thứ nhì của mùa Xuân, mùa đẹp nhất nơi đây, Úc Châu. Vậy là Ba không gắng hưởng trọn mùa Xuân của đất trời. Trong suốt thời gian còn “nấn ná” nơi cõi tạm, đợi chờ hoàn tất thủ tục tang lễ. Thanh Thúy, “tiếng hát khói sương” trầm trầm, mang nỗi buồn man mác, u sầu, não nùng. Qua cung đàn và tiếng hát Thanh Thúy Ba đã từng yêu thích, phải chăng giờ đây đã… “lắng nghe da thịt tan thành hư vô”**
Ba đã dành hết tuổi đời cho Má và các con. Cử chỉ dịu dàng, ánh mắt yêu thương từ Ba, một tiếng cũng “mình” hai tiếng cũng “mình”, âm hưởng như người tình với người tình hơn là câu đầu môi của đời… “vợ chồng không tình vẫn còn nghĩa”. Nào ai nghe được tiếng lời nặng nhẹ của Ba. Còn khoảng thời gian đi làm xa nhà, Ba không quên viết thư cám ơn Má, đã thay Ba chăm sóc các con. Quý là chỗ đó, tình là chỗ đó.
Thời gian bên Ba, qua những đêm gần cuối đời trong bệnh viện. Ba lặng yên không nói, chỉ có tiếng thở dài. Ba ôm tôi trong vòng tay. Cảm tưởng tôi như một đứa trẻ, như sống lại giây phút thiêng liêng, trở về thời thơ dại. Để vơi đi những tiếng thở dài u uất đó, tôi viện cớ “để con đọc báo cho Ba nghe”. Lúc đó ba lại… “thôi con đừng nhiều chuyện”. Đến giờ phút này tôi chẳng hiểu được ngụ ý qua câu nói ấy. Phải chăng Ba đã tiếc nuối, muốn bám víu sự sống qua cái ôm, dù rằng căn bệnh đang hoành hành, đang chịu đựng sự đớn đau.
Ba đã hy sinh hết tuổi đời cho Má và các con. Bây giờ...
Một thân xác giá lạnh, cuộn tròn trong áo quan. Má bơ vơ bên cỗ quan. Rất tình cờ cúi xuống, gục đầu hôn lên khuôn mặt đã ướp lạnh. Má không khóc, sao bờ mi đọng, phải chăng...Một ngày một ngày nước mắt khóc cho cuộc tình cuộc tình qua mau.
Ba Má đã trọn cuộc tình đầy.
Một đời Ba, chịu khó chịu nhọc chỉ lo cho gia đình. Giờ đây Ba như cánh chim bay khuất mờ chân mây, và Má bơ vơ với chuỗi ngày còn lại.
Còn lại chăng dư âm bước chân xa.
Còn lại chăng rêu phong dấu chân mờ
Còn lại chăng cơn đau xót không nhòa và lời thề ngày vui đó.
Hình xưa bóng cũ đã trùng lấp dưới mấy lớp bụi thời gian, nhưng trong con, Ba mãi mãi là Người Bạn Đời tuyệt vời của Má và chúng con luôn núp dưới bóng ấm áp như vầng thái dương, ấy là tình Ba.
Kim Phượng
Lần Giỗ Thứ 27 của Ba 30.10.24
* Lời nhạc Một Ngày Sẽ Đến
** Thơ Hoàng Trúc Ly
Cảm ơn chị Thanh Thúy, “tiếng hát khói sương” đã thay gia đình Kim Phượng đưa Ba về nơi non bồng nước nhược.
Mùa Nước Nổi
Trên đường ra cánh đồng
Trong gió mưa tầm tã
Những dấu chân vội vả
Như nói về gian lao
Trong những ngày mưa nổi
Lúc đồng hạn ước ao
Dòng nước nào chảy vội
Qua con kênh ta đào
Những ngày mưa nước nổi
Nước đâu như lại thừa
Trời suốt ngày như tối
Mưa dứt rồi lại mưa
Đêm mưa nhiều dễ ngủ
Dễ ngủ mà không ngủ
Còn bao việc lo toan
Trong những ngày mưa lũ...!
Thanh Chau
Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2024
Đôi Bóng - Lê Minh Bằng - Hoàng Oanh
Sáng Tác: Lê Minh Bằng
Ca Sĩ: Hoàng Oanh
Thực Hiện: Đam Mê Audio
Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2024
Nhớ Thương
Cô đơn cung quế thêm buồn tủi
Một bóng Hằng Nga nhớ thế gian
Nào khác mình đang mơ cố quận
Than.
2/ Thương
Đất khách trời cao lạnh khói sương
Niềm riêng tâm sự biết ai tường
Đôi câu thố lộ tình quê cũ
Thương.
Quên Đi
***
1/ Nhớ
Xưa đó bến đưa năm tới về
Bảy năm xa cách chẳng thăm quê
Tai trời, ách nước chia đôi ngả
Thề.
2/ Thương
Hăm ba năm vắng kiếm tìm nhau
Mái tóc mây bay đã nhạt màu
Bôi xóa thời gian, nhìn chẳng rõ
Trao.
Lộc Bắc
***
1/ Nhớ
Đã mấy xuân đi chạnh nhớ người
Cô phòng sương lạnh nỗi đầy vơi
Tâm tư giấu kín nào ai biết
Khơi.
2/ Thương
Một lần cách biệt biết tìm đâu
Chẳng hẹn chờ nhau đến bạc đầu
Mãi đợi suốt đời thương trọn kiếp...
Sau.
Kim Oanh
***
1/ Nhớ
Nỗi nhớ muộn màng cứ dậy lên
Râm ran gọi hạ mãi vang rền
Hồn ta năm cũ hay thôi đã
Quên.
2/ Thương
Hai mái đầu xanh điểm tuyết sương
Tương tư một đóa đẫm vô thường
Muộn phiền sao mãi ôi sao mãi
Vương.
Kim Phượng
Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2024
Căn Nhà Màu Tím - Hoài Linh - Giáng Thu - Giang Tử
Sáng Tác: Hoài Linh
Ca Sĩ: Giáng Thu & Giang Tử
Thực Hiện: Nhạc Vàng Official
Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2024
Hoa Tường - Lầu Vàng
Hoa Tường
Trót thân liễu ngõ hoa tường
Lòng bền tâm niệm kỷ cương vững vàng
Hỡi người quân tử dọc ngang
Có thương phận mỏng thẳng đàng mà đi
Kim Phượng
***
Bài Họa:
Lầu Vàng
Dẫu thương... chẳng dám tỏ tường
Vì nàng đài các kim cương lầu vàng
Lâm vào khóc cảnh trái ngang
Cho nên cúi mặt một đàng tôi đi!
Hàn Thiên Lương
Thứ Tư, 16 tháng 10, 2024
Theo Hoàng Thi Thơ, Đi Tìm Lại Đường Xưa Lối Cũ
Thử thêm một lần, nghe lại bài hát ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ của HOÀNG THI THƠ với cảm nghĩ của một kẻ chẳng biết nhạc lý là gì...
Là Rê Fa Lá Sí Sí La La Sí Fa Rê Là
Đường xưa lối cũ có bóng tre, bóng tre che thôn nghèo.
Đường xưa lối cũ có ánh trăng, ánh trăng soi đường đi.
Trong suốt những dặm hành của đoạn trường lưu lạc, người nghệ sĩ sáng tạo rong ruổi trời trăng mây nước đâu không biết nhưng rồi sẽ có lúc quay về một góc nhìn quen thuộc, quen thuộc tới nỗi đã có lúc không thấy ra được một nét gì đặc sắc, gợi tình... để phát hứng mà vẽ vời, viết lách hay bắt nhịp tình tang... Một góc phố người ta tới lui đến chán chê... Một xóm quê người ta đi về tới mê mệt. Một bến nước đã qua lại đến phát rầu... Một quê hương mà người đi xa gọi là cố quận.
Vậy đó... Sẽ có một lúc nào đó, bỗng dưng người ta không nhìn trần gian qua cặp mắt trần tục. Sẽ có lúc người ta nhìn lại bằng một tấm lòng. Khoảng thời khắc đó, thường ở giữa chừng một đoạn đường lữ thứ, khi bất ngờ bỗng thấy hụt hẩng, bỗng thấy trơ trọi ngay khi đang ở giữa chốn phồn hoa. Thời khắc đó, người ta làm thơ hoài tình, người ta viết nhạc hoài cảm...
Đường xưa lối cũ có bóng tre, bóng tre che thôn nghèo.
Đường xưa lối cũ có ánh trăng, ánh trăng soi đường đi.
Bài hát đó bắt đầu với hình ảnh bóng tre. Ối mấy cái bụi tre nhìn đâu cũng có. Và sau đó là ánh trăng. Ối ánh trăng như một thứ đèn đêm khi lấp ló khi lồ lộ, đông tây nam bắc gì cũng có, lạ gì đâu mà kể lể. Ngặt nỗi, lần này ông Hoàng gộp hai thứ đó lại cùng nơi cùng lúc nên mới sanh chuyện. Khi tre trăng hợp nhau cùng một chỗ, cùng một lúc bỗng dưng rồi làm xốn xang lòng mấy kẻ xa quê, nhất là thứ quê xa sao mà xa mù xa mịt. Hai hình ảnh quen thuộc với bất cứ một người Việt Nam nào sinh đẻ và lớn lên trên mảnh đất nghèo nàn và giàu tai ương đó. Nó gần gũi và quen thuộc đến độ gần như làm người ta quên bẵng sự hiện diện ngay cả khi lẫn quẫn kề bên. Người Việt Nam ai mà không có lần thấy qua những thân tre gầy guộc, cao vút với những chiếc lá xanh sẩm, thon thả... run lẩy bẩy mỗi lượt có cơn gió thổi qua, tạo ra thứ âm thanh mà người ta gọi là “xào xạc”. Hình ảnh những bụi tre già quắt queo, vặn vẹo uốn mình theo từng cơn gió lớn vẫn thường được biểu hiện cho sức sống tiềm tàng của một dân tộc vốn đã chịu quá nhiều tai ương khi nổi trôi theo suốt dòng bạc mệnh. Vậy mà vì quen mắt quá độ tới nỗi làm như người ta nhìn mà không thấy. Còn ánh trăng. Cái màu trăng huyển hoặc của những đêm rằm rải xuống làng mạc im ngủ hay ngay cả những nẻo đường phố thị hẵn đã không ít lần dục hồn người bỏ quên thực tại mà xuôi về một cõi mộng mơ nào đó. Vậy đó mà vì là của không vốn nên lắm khi người ta xài thẳng tay mà chẳng chút dạ quan tâm. Nhất là cái đám đông lúc nhúc sống ở thành phố, với những ngọn đèn điện...
Vậy đó, rồi có lúc y như thầy tu đốn ngộ. Ờ bụi tre ! Ờ ánh trăng ! Những thực thể gần gũi biết bao nhiêu, quen thuộc biết bao nhiêu ở một nơi mình yêu dấu biết bao nhiêu vậy mà sao có lúc mình quên bẵng. Phải đợi tới lúc giựt mình thấy sao trống trải, nhìn ngó lại cái chỗ bỏ trống trong lòng rồi thấy lại... thấy lại như thấy lại một quê hương. Ông Hoàng Thi Thơ ổng nhắc đó. Cái bóng tre đó, cái bóng trăng đó là hình ảnh của một cố hương đã xa ngoài tầm với. Nhất là từ khi chia cách nhau vì hai thứ ý thức hệ nghịch chiều.
Theo Wikipedia, Hoàng Thi Thơ sinh quán ở Quảng Trị, trải qua một tuổi thiếu niên ở miền Trung rồi vừa tuổi thanh niên, vì thời cuộc, đã phải bỏ quê vô sống ở Sài Gòn cho tới khi sang Mỹ rồi mất ở xứ người. Kể ra không khác gì phần số của hằng triệu người Việt đã bỏ xứ ra đi, từ một ngày sau tháng tư đại nạn... Có khác chăng là ngay từ tuổi thanh niên, với một tâm hồn mẫn cảm, ông đã sống tâm trạng tha hương ngay trên một vùng đô thị trù phú miền Nam khi không còn thấy nơi chôn nhau cắt rún, vốn dĩ là một làng quê heo hút với khoảng cách hơn ngàn cây số.
Từ đó, ông sáng tác bản nhạc ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ để đến giờ này vẫn còn làm rung động đến xót xa những hồn lưu lạc...
Là nhạc sĩ, y như thi sĩ vốn thuộc hạng mơ mộng bậc nhất, vậy mà ông nắm bắt hồn người không thua gì mấy ông tâm lý gia. Vừa mới xúi người ta tìm về nơi chốn có đường xưa và lối cũ, ông đã dắt ngay tới chỗ mà hầu như ai cũng đã qua đó một lần. Quê ta thuở đó, ngoại trừ một ít chỗ nằm ngay trung tâm thành phố, còn lại dạt ra phía ngoại ô chút xíu là đã thấp thoáng mấy bụi tre già dẫu lắm khi xơ xác bụi đường. Còn nói gì tới những thôn ấp xa xôi, thôi thì rặt một màu tre xanh mướt. Mà hơn nữa, chẳng những thân thẳng đứng mà lả lả ngọn, tre còn là vật liệu chánh trong đời sống hằng ngày của người Việt ta, ngay từ hồi xưa hồi xửa... Từ đôi đủa ăn cơm đến tấm phên tre ngăn vách, từ cột kèo đến chiếc chỏng đầu hiên, từ nhịp cầu lắt lẻo nối hai bờ con kinh xáng thổi đến biểu hiện cho niềm tin về một cuộc trùng phùng cho những đời đã quá đổi bể dâu, như trong câu ca dao -chẻ tre bện sáo cho dầy ngăn sông Mỹ Thuận có ngày gặp nhau. Kể hoài chắc cũng không hết. Thôi vậy.
Có điều, là người Việt, chắc không ai là không thấy mình liên hệ ít nhiều với những bụ̣i tre già đến thắc thỏm đó. Cũng như thứ ánh trăng thân thuộc đến nỗi có lần ai đó đã lên tiếng trách cô gái tát-nước-bên-đàng-sao lại múc-ánh-trăng-vàng-mà-đổ-đi. Thứ hình ảnh đẹp rất lặng lẽ đó được ông Hoàng Thi Thơ tế nhị nhắc lại đủ để kéo níu hồn người về nơi cố quận, ngay từ mấy nốt sol fa mở đầu. Tre với trăng. Chắc mẻm như hai với hai là bốn, tre với trăng hợp lại như gỏ vào trái tim người nghe một tiếng chuông gọi dậy, làm bốc lên mớ hình xưa bóng cũ đã trùng lấp dưới mấy lớp bụ̣i thời gian. Ở đó, có cha mẹ già, có gia đình quyến thuộc, có cây da bến nước, có bụi tre lão, có góc phố Tàu với chiếc xe nước mía ngọt ngây, có con đường rợp bóng me mỗi bữa anh-theo-Ngọ-về, có ngôi trường làng xơ xác vẫn đủ sức in vào đầu óc trẻ thơ những vần i tờ cùng những lời giáo huấn rách ròi đến khắc sâu vào tâm khảm...
Từ đó, cũng vẫn cùng những nốt nhạc nhưng có thăng giáng lên xuống chút đỉnh, bài hát chuyển sang phần cốt lõi. Nếu hình ảnh bụi tre, ánh trăng, con sông, tiếng tiêu được dùng để điểm xuyết cho cảnh quê thì những vật thể đó cũng chỉ là mối trung gian để đưa hồn người tới những nối kết vô hình... Vô hình mà chính là hồn tính của vật thể. Con đường xưa đó, ngõ lối cũ đó chỉ là con đường lối ngõ (dấu mốc) để nhắc nhở, để dắt đưa người đi trở về-bằng đôi chân hay bằng nỗi nhớ- tìm gặp lại những thân yêu. Cha mẹ, anh em, bà con chòm xóm...
Đường xưa lối cũ có em tôi tóc xanh bay mơ màng.
Đường chiều dịu nắng bóng em đi áo nâu in đường trăng.
Đường xưa lối cũ có mẹ tôi run run trong hôn hoàng.
Lòng già thương nhớ, nhớ đến tôi lom khom đi tìm con.
Nhạc êm như thủ thỉ mà hình ảnh đẹp và thật đến xao xuyến lòng người. Những lọn tóc bay mơ màng trên đường chiều dịu nắng cũng như màu áo nâu in đường trăng chẳng có gì là sắc sảo. Nhưng chính nét đẹp bình dị đó biểu hiện rõ ràng mối liên hệ ruột rà, giản dị mà keo sơn biết mấy giữa anh trai và em gái. Rồi tới hình ảnh cái dáng đi lom khom của bà mẹ già đi-tìm-con nữa là phải nói xoi thủng cả tâm can. Làm sao không rung động dẫu con tim người đi xa có lỡ làng chai đá. Có thứ tình nào mật ngọt hơn tình thương của người em gái dành cho anh trai của mình. Rồi còn tình thương nào biển rộng hơn tình thương của mẹ dành cho con. Thứ tình thương không đổi được bằng châu báu. Bốn câu nhạc và lời đơn giản mà thấm thía làm người nghe cũng mở lòng ra phơi phới để cùng chờ đón nỗi vui đoàn tụ. Bốn câu nhạc và lời phối ngẫu rất khít khao làm kẻ bàng quang cũng cảm theo được nỗi háo hức trước giờ sum hợp. Người nghe, nghe ra cả nhịp tim rộn ràng, nhịp thở rạo rực của nỗi hân hoan, cùng với nhịp chân thêm phần vội vã khi nghĩ rằng mỗi bước trở về là một bước đưa mình tới gần thêm một bước, thứ hạnh phúc thật nhất so với mọi thứ hạnh phúc giả tưởng mà cuộc đời này hay hứa hẹn.
Nhưng...
Nhưng không!
Về tới nơi mà trước đây đã bỏ ra đi rồi mới biết. Mỗi bước trở về là một bước đi thụt lùi. Bởi vì khoảng cách giữa người đi xa và người ở lại đã từng lúc mỗi xa thêm. Vì người em gái mình thương yêu biết mấy đã rẽ ngoặt ra một hướng đời đổi khác. Và người mẹ, người đàn bà mình thương yêu nhất đời, người đã mang nặng đẻ đau, đã cho mình bú móm tới teo tóp bầu vú sữa, đã ầu ơ đến khuya lơ để dổ cho mình giấc ngủ yên lành... Người mẹ đó đã ra đi bên kia cuộc đời. Mà nhất là không lời cuối cùng trước khi phân kỳ !!!
Thử tưởng đến...
Người mẹ mất mà chưa lần thấy lại mặt con!
Thử tưởng đến...
Đứa con mất mẹ mà chưa lần thấy lại mặt mẹ!
Y như một vở tuồng cải lương với đầy đủ kịch tính mà ai nấy đều biết trước hồi kết cuộc. Vậy mà vẫn ngồi xem cho tới hạ màn để rồi bật khóc theo sáu câu mùi mẫn.
Vâng, bài bản ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ có ý nghĩa cũ mèm như vậy. Nhưng chính thứ nghĩa tình không trọn đó vẫn mới sau mỗi cuộc biến thiên. Cũ người mới ta nên lắm khi nước mắt ngắn nước mắt dài. Mà nước mắt thì có bao giờ ráo cạn.
Thử tưởng lại những cảnh tình y như vậy đã xảy ra cho bao nhiêu kẻ lưu vong từ sau cơn trường hận, tháng 4/75.
Bỗng dưng rồi nghĩ đến phận mình. Trích HƯỜNG NHAN.
“Ngày má đau con không được lo thuốc thang. Ngày má mất con không lạy biệt. Mấn mũ con không đội, áo tang con xếp lại để qua bên, gậy tang con không về chống kịp để vừa đi thụt lùi vừa dang tay cản cho chậm lại phút giây má rời nhà lần chót. Nhưng mà thôi... dẫu níu chậm cách nào thì cũng không cầm lại được. Má đến với đời như một đóa phù dung mà mỗi cánh hoa chỉ là một hơi sương váng vất. Những hơi sương phả ra trên mặt đất buồn hiu này cho đau khổ có một chút long lanh, cho phiền muộn có một chút ngọt ngào và cho giọt lệ sau cùng... rồi ra cũng có chút niềm hạnh phúc.”
Thử tưởng lại. Những não nùng đã có thật trong suốt cuộc tang thương. Người con trai trong bản nhạc không biết đi xa vì lý do gì, chớ còn rất nhiều người trong chúng ta đã bỏ ra đi vì một lý do rất rõ ràng, lý tưởng tự do. Trong nỗi tủi nhục chung bỏ xứ, còn riêng nỗi tủi nhục của kẻ phải bỏ cha bỏ mẹ già đi tìm đường sống cho riêng mình. Thử nghĩ lại ngày đi rồi không có ngày về mà tuổi già thì không biết đợi bao giờ.
Khi tôi về, bồi hồi trong nắng.
Tưởng gặp người em hân hoan đứng đón anh về.
Nào ngờ người em sang ngang khi xuân chưa tàn.
Con đò nào đây đưa em tôi vào xa vắng.
Khi tôi về, nghẹn ngào trong nắng.
Tưởng gặp mẹ tôi rưng rưng đứng đón con về.
Nào ngờ mẹ tôi ra đi bên kia cuộc đời.
Không lời biệt ly cuối cùng trước khi phân kỳ.
...
Tại vậy mà, ai sao không biết, chớ còn với tôi bài hát ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ không có thời gian tính. Giờ này cũng khó mà biết được chính xác đã sáng tác vào giờ phút nào. Nghe nói đâu khoảng năm 1958-59 gì đó. Lúc đất nước mới bị chia hai. Lúc có hàng triệu người miền Bắc phải bỏ xứ chạy lấy thân.
Rồi sau đó, hàng triệu người từ miền Nam lại bỏ xứ chạy bán mạng như một bầy chim vở tổ. Đã có bao nhiêu cuộc sinh ly rồi thành ra tử biệt. Đã có bao nhiêu vành tang trắng quấn hờ trên đầu của những kẻ khóc cha khóc mẹ mà chẳng được lạy biệt lấy một lần. Đã có bao nhiêu nấm mộ không bao giờ lạn trong lòng những kẻ ly hương ngoài ý muốn.
Và sau hết để chấm dứt, ông Hoàng nói lên một sự thật muôn đời. Đường xưa còn đó, nắng vẫn lên, vẫn trăng treo ven đồi. Vâng, cảnh vật còn đó, ngày nắng đêm trăng vẫn y nguyên, núi non sông nước vẫn lặng lờ như đã tự bao giờ. Nhưng một khi tình đã mất thì nắng sớm hay trăng khuya rồi chỉ còn là những hiện tượng tự nhiên, vô tình như trời đất vốn dĩ vô tình. Quê hương dẫu có được gọi bằng những mỹ từ trang trọng như tổ quốc, như giang sơn... nhưng rồi ra chính những hình ảnh bình thường, riêng tư nhất sẽ là vết tích còn lại trong lòng kẻ đi xa. Quê hương chẳng những là niềm tin vào huyền thoại tiên rồng, không những chỉ là lòng tự hào về tinh thần bất khuất của một dân tộc đã trải qua suốt hai ngàn năm đô hộ của người phương Bắc, của chiến công hiển hách khi người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đuổi giặc Thanh trong mấy ngày đầu xuân Kỷ Dậu... Mà hơn hết, quê hương chắc chắn không phải là cuộc cải cách ruộng đất vào những năm 1953-56 ở miền Bắc, không phải là chuyện ép uổng sáng tạo đến tù đày thân xác trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm những năm 1955-58 cũng chỉ riêng ở miền Bắc, càng không phải là những trại tù khổ sai ngụy danh cải tạo, lần này trải rộng ở khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam, sau năm 1975… Quê hương có đẹp trường tồn trong lòng người trót mất quê hương chính là quê hương của sắt son truyền thống, của đá vàng nhân nghĩa, của thủy chung gốc ngọn, của trầm tích ruột rà... Quê hương còn đẹp mãi trong lòng người đi còn là quê hương của nồi bánh tét mẹ thức canh đêm ba mươi tết, của tô canh chua với ơ cá kho tộ, của chén cơm đôi đủa kính trên nhường dưới, của tiếng võng đưa kẽo kẹt đệm hờ cho câu dổ ầu ơ, của bữa cúng giỗ có bầy con cháu sum vầy, của con đường có hai hàng cây sao cao vút ngày hai buổi cặp sách đến trường, của ánh trăng lấp ló trong con mắt thẹn thùng của lần đầu hò hẹn...
Một khi những thứ giá trị vô hình đó mất đi, quê hương dường như cũng biệt mù dẫu chân rồi có dẩm ngay trên... đường xưa lối cũ.
Mà hình bóng cũ thiếu trong tôi mỗi khi nghe chiều rơi.
Câu hát buồn như một tiếng thở dài. Tiếng thở dài... dài không muốn dứt. Chữ rơi cuối bài y như rơi hoài mà không chạm đáy. Ờ mà nỗi buồn mất mẹ, mất em... nỗi buồn mất quê hương có bến bờ đâu mà chạm đáy. Ba cái nốt nhạc cuối rồi như thả lỏng, buông lơi. Ai ngân nga tới đâu thì ngân nga cho thỏa lòng tiếc nuối. Mà có thỏa hay không là chuyện riêng của mỗi người. Người hát cũng như người nghe. Khỏi cần luật lệ.
Như đã nói, dường như ông Hoàng Thi Thơ soạn bài hát từ năm 1958-59 gì đó. Tới giờ này đã tròm trèm sáu mươi lăm năm. Trời, sáu mươi lăm năm dài biết mấy. Ngày ông viết nhạc, ông đâu biết đã phổ nhạc giùm cho triệu triệu nỗi buồn. Và chúng ta, chúng ta cũng đâu biết được rồi có ngày không tìm lại được... quê hương. Mà thôi, biết để làm gì. Biết thêm chỉ để buồn thêm. Nhất là khi sáng tác, ông còn đâu đó trên quê hương, với chút niềm hy vọng. Biết đâu rồi có lúc im tiếng súng, đất nước yên bình, về xây lại mộ người đã khuất, tìm lại người thân dẫu có thất lạc vẫn là thất lạc trên cùng một quê hương. Còn chúng ta, đám lưu lạc tứ phương đã gần nửa thế kỷ vì trốn chạy một chế độ, có còn đâu những đường xưa lối cũ để tìm về. Người mất đã mất, kẻ tự đày biệt xứ đã là một lựa chọn tự thân thì ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ, ới ông HOÀNG THI THƠ ơi, coi như đã bít lối.
Đoạn đành !!!
Bài hát, giờ đây, đối với tôi đã không còn tuổi tác. Một thứ giá trị sống đời dù từ vài mươi năm trước, khi còn đang tuổi mới lớn đã có lần nghe rồi bỏ qua như đã bỏ qua không biết bao nhiêu thứ quanh quanh mình suốt những năm tháng còn ở tại quê nhà. Để tới bây giờ rồi mới hiểu ra thâm thúy mấy chữ đường-xưa-lối- cũ. Hiểu thêm ra rồi cũng chỉ để biết... ngậm ngùi.
Rồi lại sực nhớ thêm, mới nứt mắt đã chảnh chẹ nghe Connie Francis hát Come back to Sorrento dẫu có hiểu ất giáp gì ba cái tiếng Ý nghe lạo xạo như bắp rang. Mà cũng làm bộ ra điều cảm xúc.
Còn bây giờ, đường về quê đã bít tới mấy lượt rào ngăn, có cách nào đâu mà theo HOÀNG THI THƠ tìm về ĐƯỜNG XƯA dẫu ông đã chỉ ra giùm nhiều hơn một lần... LỐI CŨ! Bởi vậy làm sao mà không buồn đến đứt ruột cho đành...
Thôi vậy, còn chút chữ xin kính gởi theo ông -người nhạc sĩ tài hoa. Một thuở.
Cao Vị Khanh
Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2024
Hoa Tường
Trót thân liễu ngõ hoa tường
Lòng bền tâm niệm kỷ cương vững vàng
Hỡi người quân tử dọc ngang
Có thương phận mỏng thẳng đàng mà đi
Thơ & Ảnh: Kim Phượng
Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2024
Tình Ca Điên - Hoàng Thi Thơ - Thái Thanh
SángTác: Hoàng Thi Thơ
Ca Sĩ: Thái Thanh
Thực Hiện: KimHoàngMusic
Thứ Năm, 10 tháng 10, 2024
Tiếng Nguyệt Cầm
Bài Xướng:
Tiếng Nguyệt Cầm
Kỹ nữ thời xuân đã chẳng còn
Tỳ bà hận tủi khóc trăng non
Gió đùa cành lá cây xao xuyến
Sóng vỗ bờ đê đất mỏi mòn
Khoan nhặt đàn ai mơ chốn cũ
Đợi chờ năm tháng héo tình son
Lời ca ai oán gieo thương xót
Ước nguyện hồi kinh biết có tròn
Quên Đi
***
Bài Họa:
Bài Họa:
Vọng Tiếng Nguyệt Cầm
Hương sắc hồng nhan cũ có còn
Xuân già tủi phận với vùng non
Trời mưa lác đác người khao khát
Gió thổi vi vu đất xói mòn
Nhớ bạn tình xưa mơ cố thổ
Thương em đồng điệu mộng lòng son
Đàn ca hoài niệm quê hương xót
Hy vọng lai kinh ước vẹn tròn…!
Mai Xuân Thanh
Silicone Valley, Sept. 24/2024
***
Bi Khúc
Tỳ bà bi khúc bặt âm còn
Che khuất mặt người tiếng nỉ non
Mang mối ưu sầu hồn khắc khoải
Nặng lòng trắc ẩn dạ hao mòn
Tình duyên dang dở hoen môi mắt
Kỹ nữ sụt sùi nhạt phấn son
Vang vọng âm ba hồ lụa xé
Đèn khêu rượu chuốc mộng không tròn
Kim Phượng
Tỳ bà bi khúc bặt âm còn
Che khuất mặt người tiếng nỉ non
Mang mối ưu sầu hồn khắc khoải
Nặng lòng trắc ẩn dạ hao mòn
Tình duyên dang dở hoen môi mắt
Kỹ nữ sụt sùi nhạt phấn son
Vang vọng âm ba hồ lụa xé
Đèn khêu rượu chuốc mộng không tròn
Kim Phượng
Thứ Ba, 8 tháng 10, 2024
Tiếng Mưa Đêm - Mỏi Mòn
Ảnh: Pexels/ Kelly Ritta
Tiếng Đêm Mưa
Lặng ngồi trong bóng đêm
Nghe tiếng mưa bên thềm
Gió rít như hờn dỗi
Khiến lòng khó dịu êm
Im lìm căn gác nhỏ
Luyến tiếc vành môi mềm
Vương vấn lòng như muốn
Thêm
Quên Đi
***
Thơ Cảm Tác:
Mỏi Mòn
Mơ hồ cơn gió đưa
Mang lén chút hương thừa
Gối mộng xuôi dòng nước
Giọt buồn thay tiếng mưa
Khôn nguôi cơn mộng ảo
Vương vấn mảnh tình xưa
Mòn mỏi mong tin nhạn
Chưa
Lặng ngồi trong bóng đêm
Nghe tiếng mưa bên thềm
Gió rít như hờn dỗi
Khiến lòng khó dịu êm
Im lìm căn gác nhỏ
Luyến tiếc vành môi mềm
Vương vấn lòng như muốn
Thêm
Quên Đi
***
Thơ Cảm Tác:
Mỏi Mòn
Mơ hồ cơn gió đưa
Mang lén chút hương thừa
Gối mộng xuôi dòng nước
Giọt buồn thay tiếng mưa
Khôn nguôi cơn mộng ảo
Vương vấn mảnh tình xưa
Mòn mỏi mong tin nhạn
Chưa
Kim Phượng
Bến Chờ
Tìm lại dòng xưa uốn khúc sông
Trái sầu chở nặng có xuôi dòng
Đò tình trôi nổi đâu là bến
Cô quạnh bến chờ ới Vĩnh Long
Đã muốn tìm quên để lãng quên
Linh hồn tan nát nặng tình bền
Cho dòng nước mắt thêm cay đắng
Thu nhỏ góc đời khẽ gọi tên
Hơn nửa đời riêng đối bóng ta
Dặm trường thân liễu hạt mưa sa
Cuộc tình gắng vẫn hoài hiu hắt
Con nước dòng xưa có mặn mà
Kim Phượng
Thứ Hai, 7 tháng 10, 2024
"Gút Mắt" Trong Phép Đối Tĩnh Và Động Từ
Trong 5 quy định của thơ Đường luật:
1) Vần
2) Đối
3) Luật
4) Niêm
5) Cách bố cục
Duy chỉ có Đối là khiến nhiều người yêu mến Thơ Đường Luật quan tâm nhất. Đúng vậy, dù trên trang mạng cộng đồng, có rất nhiều hướng dẫn, tuy nhiên vẫn còn đó nhiều nghi vấn.
Theo Thầy Dương Quảng Hàm:"Đối là đặt hai câu đi sóng đôi cho ý và chữ trong hai câu ấy cân xứng với nhau.
1/ Đối ý là tìm hai ý tưởng cân nhau mà đặt thành hai câu sóng nhau.
2/ Đối chữ thì vừa phải đối thanh tức là bằng đối với trắc, trắc đối với bằng; vừa phải đối loại của chữ, nghĩa là phải đặt hai chữ cùng một tự loại để đối với nhau (như danh từ đối với danh từ, hoặc động từ đối với động từ v.v...)"
Có một vấn đề rất nhiều người làm thơ thắc mắc là: Chúng ta có thể dùng Động Từ đối với Tĩnh Từ hoặc ngược lại được chăng? Đúng hay sai? Tại Sao.
Để giải đáp vấn đề này, trước hết, chúng ta cần xác định rõ một điều là trước đây, tiếng Việt ta chỉ theo lối học chữ Nho không có lối phân tự loại Tĩnh từ, Động từ như ngày nay.
Khi chữ Quốc ngữ xuất hiện, vấn đề phân chia Tự Loại cũng xuất hiện. Chữ Quốc Ngữ được hình thành và hoàn chỉnh do các Giáo sĩ Tây Phương. Nên việc phân Tự Loại cũng xuất xứ từ cú pháp của Phương Tây.
Thơ của các bậc Tiền Bối tuy có phân biệt Thực Hư, Chân Giả, nhưng không cứng nhắc như: trên phải đối với dưới, trời đối với đất, xanh đối với đỏ... các Vị vẫn dùng chữ hiện thực đối với chữ trừu tượng, hữu hình đối với vô hình.
Chúng ta cùng xem lại vài Bài Thơ của của các bậc Khoa Bảng Nho Gia
Hiện thực đối với Trừu tượng:
Niềm xưa trung ái thề chẳng phụ,
Cảnh cũ điền viên thú đã quen.
(trích Điền Viên Thú 3 - Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Trung Ái: từ trừu tượng. Điền Viên: từ hiện thực.
Sáo dìu dặt nổi rừng dương liễu
Hương chập chờn bay khóm trúc đào.
(trích Gió Khuya - Quách Tấn)
Sáo: từ hiện thực, Hương: từ trừu tượng.
Động từ đối với Tĩnh Từ:
Tĩnh Từ là tiếng chỉ cái Thể của chủ Từ (Danh Từ) Bông Hoa Đẹp.
Động từ là tiếng chỉ cái dụng của Chủ Từ (Danh Từ) Bông Hoa Nở
Vun thông tưới cúc ba thằng nhỏ,
Ðỏ lửa trà hâm một mụ hầu.
(trích An Phận của Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Vun: Động từ, Đỏ : Tĩnh từ
Mái tóc chòm xanh chòm lốm đốm,
Hàm răng chiếc rụng chiếc lung lay.
(trích Cảnh Già - Nguyễn Khuyến)
Xanh: Tĩnh Từ, Rụng: Động Từ
Kết Luận
Qua các Thí dụ trên, chúng ta thấy trong phép đối, không phải chỉ là Cân Đối hay Sóng Đối mà còn Phản Đối. Chúng ta có thể dùng các từ chỉ sự vật hiện hữu đối với vô hình, di động đối với bất động, ồn ào đối với yên lặng. nói chung là Tĩnh đối vối Động. Như vậy, có thể khẳng định Tĩnh từ vẫn có thể sử dụng đối với Động Từ, trong hai cặp Thực và Luận trong Phép Đối ở thơ Đường Luật.
Huỳnh Hữu Đức
Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2024
Vẫn Còn Mùa Xuân Cho Em - Diệu Hương - Ý Lan
Tác Giả: Diệu Hương
Ca Sĩ: Ý Lan
Thực Hiện: KimHoàngMusic
Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2024
Gởi Một Nỗi Đau
Đêm trăn trở thân lạc loài xứ lạ
Hận cô đơn da diết cứ sầu dâng
Trời hai phương thoang thoảng luyến hương gần
Cố vỗ giấc hồn chập chờn hư thực
Chốn cô phòng cõi lòng thêm tê tái
Biếng lược gương tóc rẽ lệch đường ngôi
Lắng bước chân nào xúc động bồi hồi
Dài năm tháng son môi màu cũng nhạt
Kim Phượng
Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024
Em Cũng Là Hoa: Hoa Hồng
Đi đi tìm lại thời thơ mộng
Sánh bước bên nhau khúc khích cười
Tha thiết tiếng yêu lòng rộn rã
Môi ai nở nụ cánh hồng tươi
Thơ & Ảnh: Kim Phượng
Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2024
Trời Vào Thu
Dáng cô phụ vùi sâu trong mưa lạnh
Gói buồn riêng từng mảnh kiếp tha hương
Mưa nơi đây ray rứt suốt canh trường
Không lá rơi trắng trời mưa tầm tã
Từng thu qua mỗi mùa phai sắc lá
Đếm trên tay vàng đá mối tình gầy
Biết bao lần kỷ niệm hãy còn đây
Thương cảm sầu rưng rưng mưa xứ lạ
Kim Phượng
***
Thơ Cảm Tác:
Trời Sang Thu
Tay trong tay ấm lòng mưa không lạnh
Nước xuôi giòng tóc ướt toả thơm hương
Mưa liên miên từ lúc trống tan trường
Vẫn đón em về dưới mưa tầm tã
Ta đã trải bao mùa Thu rụng lá
Lá rơi rơi phủ vai áo em gầy
Kỷ niệm còn in dấu mãi quanh đây
Cho niềm vui bừng lên nơi xứ lạ
Chinh Nguyên/H.N.T
Gói buồn riêng từng mảnh kiếp tha hương
Mưa nơi đây ray rứt suốt canh trường
Không lá rơi trắng trời mưa tầm tã
Từng thu qua mỗi mùa phai sắc lá
Đếm trên tay vàng đá mối tình gầy
Biết bao lần kỷ niệm hãy còn đây
Thương cảm sầu rưng rưng mưa xứ lạ
Kim Phượng
***
Thơ Cảm Tác:
Trời Sang Thu
Tay trong tay ấm lòng mưa không lạnh
Nước xuôi giòng tóc ướt toả thơm hương
Mưa liên miên từ lúc trống tan trường
Vẫn đón em về dưới mưa tầm tã
Ta đã trải bao mùa Thu rụng lá
Lá rơi rơi phủ vai áo em gầy
Kỷ niệm còn in dấu mãi quanh đây
Cho niềm vui bừng lên nơi xứ lạ
Chinh Nguyên/H.N.T
Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2024
Cuốn Theo Chiều Gió - Anh Việt Thu - Thanh Thúy
Sáng Tác: Anh Việt Thu
Ca Sĩ: Thanh Thúy
Thực Hiện:Minh Nguyễn
Thứ Hai, 23 tháng 9, 2024
Má Ơi,
Hoa đào đua nở hiên ngoài, Úc châu đã vào xuân. Từng đợt cánh mỏng chao mình trong gió, gợi con nhớ khoảnh khắc cận kề ngày xa Má. Má ra đi...đến cuối đường tàu nhân gian, vào một chiều tắt nắng, về tận cõi xa xăm, trùng trùng cách biệt.
Đã hai mươi hai năm trôi, vẫn thế, gió lạnh từng cơn thổi về, mưa chiều vẫn rơi, giọt dài giọt ngắn nào ngơi. Không đi dưới mưa sao lòng con rét mướt. Giữa đất trời quê nội, giữa đồng không mông quạnh, Má có lạnh không.
Khơi lại hương tàn, đếm những năm xa, thầm gọi Má ơi. Thả hồn về nền xưa chờ đợi, đón hương đồng thoang thoảng. Dẫu sái mùa còn mơ màng thương đòng đòng đua trĩu, đẹp như dung nhan thời con gái của Má lúc về làm dâu nhà Nội.
(Người mẫu Kim Phượng)
Má biết không Má, xa xôi mấy, con vẫn tìm thấy Má qua tấm ảnh ngày thơ, con làm “người mẫu” cho “nhiếp ảnh gia” cậu Năm thử tay nghề, chuẩn bị khai trương tiệm chụp hình Hiệp Thành tại chợ Giồng Ké, của gia đình mình. “Người mẫu” với chiếc áo má may, cổ dún? Không...không...nào ai ngờ áo đã sút nút cổ, Má chưa kịp sửa, con đã dùng kim tây thay nút cài lại. Điều kỳ diệu thay, đàng sau bức ảnh là thủ bút Má đã viết cho con gái.
Quả ngày đó con cực thiệt. Chừng ấy tuổi đầu con trông em...bảy Hiệp, tám Hội. Lớn hơn một chút...trông chừng chín Oanh, mười Diệp và út Hữu.
(Thủ Bút Của Má Viết Cho Con Gái)
Viết thư cho Má khi đầu đã điểm sương. Tội con lớn lắm, những ngày Má còn nơi quê nhà, những năm con rời xa Vĩnh Long. Má mong thư con từng ngày...từng ngày...nhưng con không đã...Bây giờ nói ra có ích chi đâu, chỉ là nuối tiếc...Giá Má còn, cho bút con tuôn mực. Má biết không, vừa bước chân đến ngưỡng cửa tự do, trăm mối lo, ngàn nỗi riêng. Bây giờ nói ra, chỉ chuốc hai tiếng biện minh. Con khóc. Hạt lệ sương thầm, khóc có vơi. Có muộn không Má. Một đời được bao nhiêu điều mong ước, nhưng lắm khi chỉ mong một điều, mà nào có được.
Thư cho Má. Má còn đâu nữa mà mong. Bên kia thế giới, Má có đọc được thư con. Bên bờ huyệt lạnh, Má ơi nương gió về, ngõ chờ là đây, bao mong mỏi, chút ngỡ ngàng, hân hoan lẫn háo hức chờ. Chờ Má về, nhưng quanh đây chỉ giăng giăng một màu trắng đục. Lắm khi chỉ mong một điều, mà nào có được.
Con như hạt sương trên cỏ, mang nỗi buồn chuyển dời của nhân thế. Nước non ơi, bèo mây hỡi, kiếp người có sinh, có diệt. Sẽ có một ngày, một ngày nào đó, người rõ mặt người. Hiện tại, có chăng chỉ là chiêm bao, tỉnh ra lại tiếc Má trong mộng của con.
Cảm ơn hoa đã đến nhắc nhớ ngày Má ra đi và con không cảm thấy lẻ loi khi nhìn những cánh rơi rơi. Hoa đào ơi, còn có nhớ Người xa. Bây giờ Má đời đời yên ngủ, để con thao thức nghe buồn tận cõi xa.
Má ơi, dầu gì dẫu gì, con vẫn viết, thả con chữ rong theo... quấn quýt bên lời cầu nguyện của một người, đến với Má nghe Má.
Kim Phượng
24.9.2024 Lần Giỗ Má thứ 22
Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2024
Nhạc sĩ Hoàng Trọng, Anh Việt Thu: Hồn Việt radio, Melbourne, Australia 273
Sổ Tay Văn Nghệ: Nhạc Sĩ Hoàng Trọng & Anh Việt Thu
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)