Cái Nhà Của Ta
“Cái nhà là nhà của ta
Công khó ông cha lập ra
Cháu con phải gìn giữ lấy
Muôn năm giữ nước non nhà...”*
Những lời hát tràn đầy niềm vui của tuổi học trò vẫn còn vang vang trong tâm tưởng. Ngày ấy, ở tuổi dại khờ, thầy cô dạy sao, hát vậy. Càng rống to, càng thích thú, nhưng có lẽ học trò chúng tôi chỉ hiểu ...Cái nhà là nhà của ta mà thôi.
Mãi khi tận mắt nhìn được “Cái nhà”, dù không phải của ta, trên đường về quê nội. Tôi không tránh khỏi bồi hồi và thấu hiểu trong nỗi xót xa... công khó của ông cha, muôn năm giữ nước non nhà như thế nào.
Cái nhà của ông cha của những người đã từng ở đây, giàu lắm chứ. Nhà nền đúc cao, vườn cây ăn trái sum suê. Nhà có người ra kẻ vào, tấp nập. Có con đàn cháu đống. Nhưng, Cái nhà ấy bây giờ ở đâu? Làm sao để trả lời? Vì sao không còn nữa?
Chỉ biết hiện nay, đây là mái nhà tranh tồi tàn và con cháu họ đang sinh sống. Mái ngói thay bằng những tấm lá chầm, trông xác xơ, không đủ che cho hai mùa mưa nắng.
"Cái cầu tiêu" một phương tiện vệ sinh rất cần thiết cho cuộc sống )
(Cái võng, nơi dùng để nghỉ ngơi sau công việc đồng áng hoặc chăm sóc vườn tược)
( Cái thúng dùng đựng lúa gạo, dù đã lủng, nhưng vẫn được sử dụng)
( Cái cân tay với trái cân, vật dụng rất cần cho các chú lái trong việc cân heo khi mua bán)
( Lu chứa nước)
(Lồng nhốt gà, loại gà trống để đá độ)
Sự phồn vinh tấp nập không còn nữa. Người sống dưới mái nhà hiện nay, già đi trước tuổi. Nụ cười tắt mất trên bờ môi, nét ưu tư hằn sâu đôi khóe mắt. Ngoại trừ trẻ thơ, vô tư, hồn nhiên và liệu sự vô tư hồn nhiên này kéo dài đến bao giờ, khi chúng đến tuổi trưởng thành, hiểu biết và đối diện trước nghịch cảnh.
Đây là khoảng thời gian cận Tết, không còn mấy hôm nữa.
Tết!
Trong những bài học của các lớp Việt ngữ nơi hải ngoại...Tết là dịp gia đình sum họp, nên con cháu ở đâu xa cũng về, quây quần bên nhau. Đó là bài học về luân lý, học để thế hệ con cháu noi theo.
Tết trong ca khúc, xuân về duyên dáng, hoa ngát hương lành, mang niềm vui phơi phới cho người giàu sang, đầy tiền lắm bạc. Nhưng Tết lại là gánh nặng, đè trên lưng còng của cha, vai gầy của mẹ quê của kẻ nghèo nàn.
Trông những hình ảnh trên, đố ai tìm được mùa xuân hay lãng mạn tưởng tượng một chút...mùa xuân trong đôi mắt em. Nhưng cũng không luôn.
Đã thế thì...với người cơ hàn lam lũ
Thôi! Tết làm chi nữa ...hả xuân ơi!**
Kim Phượng
* Lời bài hát
** Thơ Tết Buồn của Kim Hiệp
Ảnh từ Kim Phượng
Ảnh từ Kim Phượng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét