Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

Càng Thêm Rắc Rối


Trong những năm sau nầy, trên diễn đàn các trang mạng nhất là các thi đàn thơ Đường Luật, thường xuyên xảy ra tình trạng hướng dẫn hoặc phê bình về Luật Thơ Đường Luật, với các lỗi như Điệp Tự, Phong Yêu, Hạc Tất ...
Từ đó, khiến nhiều người bị chê làm thơ Đường Luật phạm phải lỗi Điệp Tự nhiều lần, ấm ức lắm và phản pháo lại, đại khái cho rằng hồi đó khi học ở trường không hề có luật này. Chỉ phạm luật khi làm không đúng theo 5 nguyên Tắc: Niêm, Đối, Thanh, Vận và Bố Cục, khi Họa Thơ còn thêm một lỗi nữa là Khắc Lục. 
Đúng quá đi chớ. Trong 5 qui tắc này đâu có điều nào nói về Điệp Tự.
Tôi không biết người ta dựa vào qui tắc nào trong Đường Luật Thi để bắt lỗi người khác khi làm thơ bị Điệp Tự là sai, là phạm luật? 
Trong 5 qui đinh bắt buộc của Thơ Đường Luật, có Qui Đinh về Vận. Vận ở đây chỉ đề cập đến vần gieo, chớ đâu phải các từ khác trong bài thơ. Bị Thất Vận hay Phạm Luật Gieo Vần có 2 trường hợp:
1- Điệp Vận: trùng vần gieo. Trong bài ở các chữ cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8 có hai chữ trùng nhau. . 
Như bài "Dại Khôn" của Nguyễn Bỉnh Khiêm, đó không phải là Điệp Vận mà là một dạng đặc biệt trong thơ Đường Luật, một cách chơi thơ của Tiền Nhân. Dạng này, thỉnh thoảng Tiền nhân hay sử dụng.
Điệp Vận là khi trong các vần gieo có trùng chữ. Tuy nhiên, nếu trùng từ nhưng khác nghĩa như gieo vần có 2 chữ "trường", một chữ có nghĩa là "trường học" còn một chữ có nghĩa là "đường trường" thì không thể coi là phạm luật Điệp Vận. Lỗi Điệp Vận này Tiền nhân không hề bị, nên không thấy xảy ra. Ngoại trừ trường hợp Thủ Vỹ Ngâm, một dạng trong thơ Đường Luật.
2 - Không đồng âm: ví dụ như vần "ai" gieo với vần "ăn..". Có trường hợp không đồng âm nhưng được thông qua vì có một hai mẫu tự giống nhau, xem như không phạm luật nhưng cần hạn chế như "ai" với "ôi"... trường hơp này trong thơ của Tiền nhân có rất nhiều.
Trở lại vấn đề Điệp Tự, hãy xem lại thơ Đường Luật của Tiền Nhân, các Tiền Bối khi xưa thường có tình trạng này. Nếu trong bài thơ một chữ sử dụng nhiều lần (ngoại trừ Vần Gieo) không làm bài thơ mất hay, lệch ý thơ, thì đâu ảnh hưởng gì mà Lỗi với Phải. Thí dụ như bài thơ Vịnh Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan, ngay hai câu Đề đã có Điệp Tự rồi:

Bước tới đèo ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá lá chen hoa...

Thật tuyệt, nếu không dùng lại chữ chen thứ hai, mà dùng một từ nào khác, chắc câu thơ sẽ mất hay ngay. Như thế các nhà thơ xưa thường dùng "điệp tự" để làm bài thơ rõ ý hơn hoặc hay hơn. 

Nhìn rộng ra, chúng ta thấy Thơ Tàu, Thơ Ta, và cả thơ Tây. Không thơ nào mà không sử dụng Điệp Tự. Thế tại sao có tình trạng bắt lỗi Điệp Tự ở đây, mà không dựa vào nguyên tắc hay qui định nào.

Tiếp tục vấn đề lỗi phải của Thơ Đường Luật, Các Thi nhân ngày trước chỉ biết có 5 lỗi được nêu trên mà thôi, không hề biết đến các lỗi như Phạm đề, Điệp tự, Phong yêu, Hạc Tất...chính vì thế, chúng ta thấy thơ của Tiền Nhân hiếm khi phạm vào 5 qui tắc của Đường Luật Thi, còn các lỗi gì gì đó, mà chúng ta thấy lưu truyền trên một số Thi Đàn, thì Tiền Nhân người nào cũng bị phạm phải rất nhiều.

Ngày nay các Nhà Thơ hay Học Giả nào đó, đã dựa vào đâu (?) để thêm vào hàng tá Bệnh Lỗi của Thơ Đường Luật?
Chúng ta thử vắn tắt truy nguyên bệnh lỗi của Thơ xuất phát từ bao giờ?
Người khởi xướng thuyết "Tứ Thanh Bát Bệnh" cho Thơ Tàu là Thẩm Ước (441-513), ông sống vào triều đại Nam Bắc Triều ( 420-589), trước khi Đường Luật Thi xuất hiện khá lâu ( Nhà Đường 618-907). Như thế thuyết Tứ Thanh này chỉ áp dụng các loại thơ Cổ Thể (Cổ Phong) đang thịnh hành ở Trung hoa vào thời bấy giờ mà thôi.
Thuyết Tứ thanh Bát Bệnh của Thẩm Ước, được các nhà thơ bấy giờ hưởng ứng nhiệt liệt. Dựa vào Thuyết này, các Thi Nhân Tùy - Đường đã chỉnh sửa thơ Ngũ Ngôn và Thất Ngôn Cổ Thể thành Thơ Đường Luật hoàn chỉnh với 5 qui tắc bắt buộc khi làm Thơ Đường Luật.
Thầy Dương Quảng Hàm có viết trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu:
"Thơ nôm ta làm theo phép tắc thơ Tàu, mà âm thanh tiếng ta cũng tương tự tiếng Tàu (cũng là thứ tiếng đơn âm và cũng chia làm tiếng bằng tiếng trắc). nên thi pháp của ta tức là thi pháp của Tàu và các niêm luật của thơ ta cũng phỏng theo thơ Tàu cả ... Trong lối thơ Đường luật, có năm điều này phải xét 1) Vần; 2) Đối ngẫu; 3) Thanh; 4) Niêm; 5) Cách Bố cục ".

Có thể kiến thức còn hạn hẹp, non kém, nên tôi chưa hề thấy một văn bản hay thư tịch nào nói về các lỗi khác của Thơ Đường Luật, ngoài 5 điều mà Giáo Sư Dương Quảng Hàm nêu trên. Những lỗi được thêm thắt mới này, chỉ thấy lưu truyền đầy trên diễn đàn các trang mạng Internet.

Thơ Đường Luật chỉ với 5 qui định chính luật đó thôi, đã bị các nhà thơ cận đại như Phan Khôi, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ... cho rằng quá gò bó, nên cùng nhau cho ra đời một dạng thơ khác gọi là Thơ Mới. Có lẽ một số nhà thơ, học giả (?) hiện thời cho rằng 5 điều này còn quá ít nên cố tìm thêm nhiều qui luật nữa để tạo sự khắc khe cho Đường Luật Thi chăng? 

Đúng là "Hậu sinh khả úy". Kẻ sinh sau đã sáng tạo thêm nhiều luật lệ mới cho thơ Đường Luật để chỉ vẽ, dạy dỗ cho những người mới bước chân vào ngưỡng cửa Đường Luật Thi. Qua đó, bắt lỗi những người chỉ biết làm thơ Đường Luật theo Chính Luật. Như thế, họ gián tiếp bắt lỗi cả Người Xưa, những bậc Thầy, bậc Tiền Bối của thơ Đường Luật. 
Cũng có thể muốn chứng tỏ rằng mình hiểu biết sâu sắc về thơ Đường luật; thông thái hơn cả Thẩm Ước, hơn cả những thi nhân Hậu Tùy và Tiền Đường, khi sáng tạo thêm một số luật cho Đường Luật Thi. 
Nào là Ức Trai tiên Sinh, Tố Như Tiên Sinh, Tản Đà Tiên Sinh, Nữ sĩ Hồ Xuân Hương..., nào là Thi Bá, Thi Thánh, Thi Vương của thời Đường...nếu các vị tái sinh, không biết có làm được những bài thơ xuất thần lưu hậu thế với những Luật mới xuất hiện này không?
Đây đúng là "Trên Trường Giang, sóng sau đè sóng trước" chớ không còn là "Trên Trường Giang, sóng sau đùa sóng trước" nữa.

Thôi thì cứ làm thơ theo chính luật. Nếu những câu nào đọc thấy bẻ mồm bẻ miệng, nghe không êm tai, thì ta chỉnh sửa lại là được rồi. Đâu cần phải dựa vào Thuyết Tứ thanh Bát Bệnh thêm lần nữa, bày ra đủ thứ luật lệ mà hành hạ người làm thơ. 
Nên nhớ, chúng ta làm thơ, chớ không phải là những nhà Điêu Khắc Thơ.

Huỳnh Hữu Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét