Thứ Hai, 1 tháng 10, 2018

Cô Liên, Thơ Ký Trường Nguyễn Trường Tộ


Mỗi khi nhớ đến trường Nguyễn Trường Tộ, Vĩnh Long, tôi luôn luôn nghĩ tới cô Liên, thơ ký của trường; vì vào một buổi sáng thứ Hai, giữa niên học (1955-1956), hôm đó không biết vì một lý do nào đó, tôi đã đến trường sớm hơn mọi ngày. Vừa bước vào cổng trường tôi đã thấy cô Liên, từ bên nhà Cha Hiệu Trưởng băng qua cuối nhà thờ, một tay cầm cuốn sổ , một tay cầm khăn lau nước mắt!

Tôi đoán cô đã làm gì sai sót về kế toán hay điểm tháng của học sinh mà bị Cha Hiệu Trưởng khiển trách nặng lời nên cô mới khóc như thế! Thấy vậy tôi cũng dơm dớm nước mắt, vội ngoảnh mặt nhìn ra dòng sông Cổ Chiên, nước chảy cuồn cuồn, để che giấu cảm xúc của mình. Tôi thầm nghĩ phải chăng các bậc tu hành hay bẳn tính, nóng nảy, cáu kỉnh?
Tôi nhớ lại hồi đầu năm, Linh Mục Hiệu Trưởng, các giáo sư và toàn thể nhân viên của trường tổ chức đi ăn tôm nướng tại nhà một giáo sư bạn bên cồn (cù lao Long Hồ); Vĩnh Long rất nổi tiếng về món ăn này! 
Điều làm tôi không bao giờ quên cô Liên, vì trước khi tới nhà người bạn nói trên, chúng tôi phải qua một chiếc cầu khỉ bắc ngang một con kênh nhỏ; cầu làm bằng một cây dừa khá lớn nên không có tay vịn; ai đi qua đều phải giang hai tay, đưa lên đưa xuống để giữ thăng bằng. Mấy người đàn ông như tôi đều đã qua cầu một cách dễ dàng; nhìn lạ
i sau, thấy cô thơ ký đang loay hoay, tay cầm dép, tay giơ khỏi đầu, lưỡng lự không dám bước sang; tôi vôi trở lại, nắm chặt tay, từ từ dẫn cô bước qua cầu. Đây là lần đầu tiên tôi cầm tay một người khác phái; một cảm giác âm ấm, âm ẩm truyền sang tay tôi; lúc đó tôi bị xúc đông đặc biệt, như chưa từng bao giờ thấy! 

Từ đó mỗi khi tới trường, gặp lại cô Liên tôi tự thấy không được tự nhiên như trước. Tôi bắt đầu để ý, và nhận ra rằng sự siêng năng cần cù trong công việc trường của cô làm tôi rất thán phục. Nhưng rồi vì một lý do riêng, tôi phải rời khỏi trường Nguyễn Trường Tộ sang trường Nguyễn Thông dạy, ít có dịp gặp lại cô Liên, và tình cảm mới chớm nở của tôi với cô đã dần dần biến mất. “Cách mặt xa lòng” là thế!

Thạch Trong (HĐN)
Ảnh : Do Thầy Thạch Trong (HĐN) cung cấp.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét