Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Món Quà Của Sự Sống


      Tôi luôn nghĩ, mình là người bất hạnh nhất trong số những người đàn bà bất hạnh! Tôi đã từng có ý định tự kết liễu đời mình cùng với các con, rủ sạch đi một kiếp người.Thế nhưng, với những đêm thức trắng trong bệnh viện để chăm sóc cho ba, đã đưa tôi bước đi vào một ngõ quanh khác của cuộc đời.

         Gần một tháng trời, đêm đêm ngủ lại trong bệnh viện để lo cho ba. Tôi đã trực diện với biết bao nỗi thương tâm. Nhìn thấy người này đang chống chọi với tử thần, kẻ kia sắp vĩnh viễn rời khỏi cõi đời trong phút giây hấp hối. Nghe được tiếng kêu gào thảm thiết của các bệnh nhân đang oằn oại đớn đau bên cạnh giường. Cảm nhận được nụ cười chia xẻ, niềm vui của người vừa thoát hiểm khi chuẩn bị rời bệnh viện. Cái hình ảnh đau thương tang tóc, sự hỉ nộ ái ố của một kiếp người được phơi trần ấy, khiến tội giật bắn người. Tôi tự hỏi: “Tại sao có những người đang lần về tuổi già, người đang bệnh hoạn, đang thập tử nhất sinh mà còn cần đến sự sống. Trong khi tôi là một người trẻ thế này, mạnh khỏe thế này lại tự diệt vong một cách vô lý như vậy!”

        Rồi ngày không chờ mà vẫn đến, ba tôi từ trần. Những giọt nước mắt còn đầm đìa trên má chưa nguôi. Những buồn đau vẫn còn đó, vây kín tôi. May mắn thay, vừa đúng lúc ấy một loạt chương trình quảng bá về việc hiến tặng máu, hiến tặng cơ thể, cơ phận được loan ra trên đài phát thanh. Trong tôi, một cánh hoa đang bừng nở.

         Tôi liên lạc ngay với cơ quan ấy và sẵn sàng hiến tặng tất cả các bộ phận trong cơ thể mình, không chút luyến tiếc, đắn đo. Tôi tự nghĩ, mình sống mà chẳng khác như chết, thì tại sao những gì không cần, chẳng cho những ai đang mòn mỏi, khắc khoải đợi chờ.

        Từ đấy, ý nghĩ kết liễu cuộc đời đã được tôi vất đi. Nếu có chăng, được chết vì một tai nạn, ngẫm ra còn lợi ích hơn cho những người chờ đợi. Với tư tưởng chỉ một kẻ cho mà mang niềm hân hoan đến nhiều người nhận, tôi hình dung được một ngõ quanh rực rỡ … đến với tôi. Từ đó, tôi ăn uống điều độ hơn, ăn không cần ngon mà mục đích chính của việc ăn uống là làm sao cho cơ thể mình được khỏe mạnh. Ngay cả cà phê là một phần sở thích, cũng được tôi tiết giảm tối đa.

        Sau này, nhân đọc được một bài viết về sự ráp nối bàn tay của một bệnh nhân trên báo, tôi có dịp chăm sóc tay chân mình kỹ lưỡng hơn. Không gì đau lòng khi người có nhiệt tâm dâng hiến mà chỉ cho toàn những thứ không sử dụng được, thì liệu người thiết tha mong mỏi đợi chờ sẽ như thế nào đây!?

        Để thỏa ước nguyện, một lần ngồi lại với các con, tôi đã khóc mong các con chấp nhận và làm vui lòng mẹ nếu một mai tôi vĩnh viễn ra đi. Đồng thời để khơi lên tâm từ ở các con, tôi hỏi chúng nghĩ gì khi hiến dâng phần cơ thể của mình cho một người xa lạ khác nếu chẳng may không còn tồn tại ở cõi đời này. Con trai trưởng đã mỉm cười trả lời "Why not!”. Cậu trai thứ nhì nhìn tôi, im lặng và cháu trai út có đôi chút sợ sệt, nhưng bây giờ thì bốn mẹ con có cùng một tâm nguyện.

        Nếu cho rằng bên kia cửa tử còn có một đời sống, thì phải chăng ta thấy vui khi biết tim mình đang đập rộn ràng trong lòng ngực kẻ khác. Thận mình đang giúp một người đau yếu lọc sàng cặn bả. Phổi mình đang cùng người nào đó điều hòa hơi thở. Tay mình đang được một người lồng vào chiếc nhẫn yêu thương. Chân mình đang cùng người khác chậm rải đạp lên lá vàng khô. Ôi chừng bao nhiêu ấy, chẳng phải mình là kẻ đã trở về từ cõi sáng hay sao. Một điều kỳ thú hơn cả là cứ nghĩ mình đang làm một việc ban ơn cho người khác, thì từ cái ý nghĩ đó mình biết tự lo cho thân từ phần thể xác lẫn tâm hồn.

         Vượt qua được những thời kỳ khó khăn trong cuộc sống, khi xuôi tay nhắm mắt, mình còn mất được những gì, mang theo được những gì? Với ý nguyện của người quá cố, cái chết của mình cứu được nhiều mạng người. Hay nói khác đi tấm lòng nhân ái của một người cứu được nhiều mạng sống của kẻ khác, đã nói lên suy nghĩ chân thành dù rằng cuộc sống mang nhiều nỗi bất hạnh và tinh thần sa sút cùng cực mà có lần đã đi đến ý định quyên sinh.

        Thế nên, tôi nghĩ rằng đàng sau sự đau khổ không hẳn là niềm tuyệt vọng và sự bất hạnh dù nghiệt ngã thế nào, nhưng nếu là gạch nối, gióng lên được tình thương giữa người và người, thì đó cũng là điều xứng đáng lắm thay!

Kim Phượng
Melbourne 2010

1 nhận xét:

  1. Đọc nhớ Ba quá Sáu ơi.
    Và phải thán phục ý chí kiên cường và tấm lòng đẹp của gia đình Sáu. Chúc bình an cho nhau! Chín

    Trả lờiXóa