Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Lời Cuối Cho Thầy Nguyễn Văn Thành

      Từ hơn hai năm nay, những tin không vui thường đến với tôi vào buồi sáng. Trong một buổi sáng, sau tiếng điện thoại reo, từ dầy dây bên kia: “ Sáu ơi, Thấy Thành qua đời rồi!”. Dù đang tỉnh, nhưng tôi cứ ngỡ mình mê... bàng hoàng, thương cảm. Thầy đi vội quá! Nước mắt chưa kịp rơi, con tim lại nhói đau, thêm một mất mát. Giờ này Cô và hai Em, đang sống trong giây phút đếm bằng đớn đau.

         Từ lúc biết thầy đau nặng, cho đến khi nhận hung tin, chỉ hơn tuần lễ. Thầy Nguyễn Văn Thành, giáo sư dạy nhạc, đã vĩnh viễn ra đi lúc bốn giờ ba mươi chiều ngày Mười Một tháng Chín năm Hai Ngàn Mười tại tĩnh Vĩnh Long.

        Hồi tưởng lại mấy mươi năm trước, những thước phim quay ngược chầm chậm, hiện rõ mồn một. Hình ảnh người giáo sư tuổi đời còn rất trẻ, ngoài hai mươi. Dáng gầy gầy với cây đàn guitar trong tay, hình ảnh kẻ lãng du hơn là một nhà giáo. Tất cả học sinh lớp Đệ Thất 4, trường Trung Học Công Lập Vĩnh Bình, chào đón Thầy trong hân hoan, háo hức trong buổi học đầu tiên. Hân hoan cũng đúng vì đây cũng là một giờ học, nhưng nhẹ nhàng, thoải mái hơn nếu đem so sánh với các bộ môn khô khan khác. Lúc đó thật ra chúng tôi biết thế nào là khô khan, chỉ biết “ học hát là khỏe”. Tuy nhiên, đó chính là môn học khiến chúng tôi ngượng ngùng e dè, khi phải xướng DO DO, RE RE và nhất là Thầy buộc phải nhìn thẳng xuống, đối mặt với các bạn đang ngồi bên dưới. Trong lớp có lẽ Thúy Nga, cô bạn học lai Tây là vững tâm nhất, vì vừa quen với Thầy, lại là giọng ca vàng trong lớp.  Rồi thầy kẻ dòng, viết tên những nốt nhạc căn bản, bọn chúng tôi cười bảo Thầy đang vẽ “lưỡi câu trắng, lưỡi câu đen”.

        So với các bậc thầy cô bấy giờ, Thầy là người có đông học trò nhất, vì trường chỉ có một vị giáo sư nhạc duy nhất. Học trò thầy xếp tuần tự từ lớp này sang lớp khác. Các bậc thầy cô trẻ, bị chúng tôi thử thách hoài. Chỉ những vị biết lấy từ kinh nghiệm từ bản thân thuở thiếu thời, đem sở trường cộng thêm sở đoản, đưa những công thức toán hay những câu văn hóc búa, nhiều mệnh đề, học trò mới chịu ngồi im. Đến giờ nhạc, vừa học, vừa thưởng thức, học sinh có dại lắm mới phá phách.

        Lên lớp Đệ Lục, là người không có khiếu, chẳng đam mê, nên nhạc lý tôi mịt mù hoài. Duy chỉ một điều, nhìn Thầy” khài đàn”, khi bổng, lúc trầm, bàn tay năm ngón lướt hhẹ, khi rời rạc lúc dồn dập, khiến tôi ước mơ. Mơ một ngày nào đó, được ôm chiếc đàn guitar trong tay, tựa ngồi trên thành cửa sổ, đôi mắt hướng xa xăm và nhập hồn nhạc thì quên hết trời sầu…

        Sang năm lên Đệ Ngũ, bỏ trường, rời đất Trà Vinh mà đi, tôi không còn dịp học lại Thầy nữa. Mãi cho đến khi sang Cần Thơ tiếp tục mài ghế nhà trường, tôi có dịp gặp lại và gọi to tiếng Thầy trên đường phố đông người. Nếu tôi vờ quay đi, có lẽ Thầy chẳng bao giờ biết đến đứa học trò này. Sau năm Bẩy Mươi Lăm, tôi lại có dịp nhìn lại ngón đằn năm xưa của Thầy mình, cũng là một đồng nghiệp trong hội trường mà Thầy trò đang hiện diện. Trong giờ Văn nghệ, nhìn và nghe tiếng đàn, tiếng đàn năm xưa của Thầy như trở về.Tôi cũng trở về, nguyên hình hài, suy tưởng của cô bé, bước vào năm đầu, chập chững nơi ngưỡng cửa Trung học. Thời gian vô tình quá phải không Thầy!? Mới đây mà mấy mươi năm rồi.
        Sau này, tôi có dịp nhìn và lắng nghe tiếng đàn của “cậu bé”, con Thầy. Lúc ấy “cậu bé” còn nhỏ lắm, có khuôn mặt phảng phất nét đẹp của mẹ và đôi bàn tay nhanh nhẹn trên phím của cha. Hình ảnh một thời lại trở về hôm nay, sự ngưỡng mộ cả đời dành cho “cậu bé”.
        Những lúc gần đây, qua bạn bè, biết Thầy đang đeo đuổi một nghề mới, chẳng liên hệ gì đến ngón đàn điêu luyện của Thầy, nhưng cuộc đời… vật còn đổi sao còn dời thì há gì cung nhạc bổng trầm của ngày xưa ấy.

       Thầy ơi! Vào lúc  bốn giờ sáng Thứ Hai ngày Mười Ba tháng Chín năm Hai Ngàn Mười, Thầy Con Chiên Ngoan trở về đời đời bên Chúa, yên nghỉ nơi đất Thánh Tân Ngãi. Ngón đàn một thời đã khép lại, Thầy đi vào định luật của tạo hóa, nhưng để lại cho đời, cho người yêu thương những nuối tiếc khôn nguôi. Những công thức toán học mà chúng em đã khổ công, sẽ đi vào quên lãng, nhưng dư âm réo rắt, , buồn, vui, não nuột mãi mãi vượt thời gian.

      Hình ảnh Thầy, bóng dáng cây đàn guitar năm nào vẫn còn đó, lung linh theo trầm hương quyện. Linh Cữu như vướng víu, chưa rời tràng hoa, kỷ vật cuối cùng của các học sinh lớp Mười Hai năm xưa kính dâng        Thầy lặng lẽ khuất ngàn…em lặng lẽ ngồi đây, đôi dòng nước mắt, khóc tạ ơn Thầy.
       Thầy ơi! Đời đời Thầy luôn yên bình trong vòng tay Chúa trong lời nguyện cầu của em.



      
Ngày 13 tháng 9 năm 2010
Kim Phượng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét