Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

Trường Tương Tư - Lương Ý Nương

      Trường Tương Tư của Lương Ý Nương là một bài thơ viết theo thể Cổ Phong, nói lên nỗi đớn đau vì phải xa người yêu của một tiểu thơ đang say đắm trong tình trường, lại bị gia đình cấm đoán. Với Thi phẩm Trường Tương Tư, Lương Ý Nương đã mạnh dạn vượt qua những ràng buộc của lễ giáo thời phong kiến, của những qui định khắc khe dành cho các tiểu thơ phải khuê môn bất xuất đương thời. Lương Ý Nương đã dám nói lên những gì mình chất chứa trong tận trái tim, bộc lộ tất cả những mong muốn, những mơ ước của một thiếu nữ đang yêu, phải chịu đau khổ khi bị chia cách với người mình yêu, chỉ vì quan niệm nghiêm khắc của Nho Giáo. Đây là một điều hiếm thấy thời bấy giờ.

       Ngoài ra trong Trường Tương Tư còn một vấn đề chúng ta cần tìm hiểu thêm. Đó là hai câu:
我 在 湘 江 頭
Ngã tại Tương giang đầu
(Thiếp ở đầu sông Tương)
君 在 湘 江 尾
Quân tại Tương giang vỹ.
(Chàng ở cuối sông Tương)

Hay là:

君 在 湘 江 頭
Quân tại Tương giang đầu
(Chàng ở đầu sông Tương)
我 在 湘 江 尾
Thiếp tại Tương giang vỹ
(Thiếp ở cuối sông Tương)
Câu nào đích thực của bài thơ, Câu nào đã bị đời sau sửa lại?

x X x



      
Sau triều Đường (618-907), đến thời Ngũ Quý còn gọi là Ngũ Đại (907-960). Các triều Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Hán, Hậu Chu, lần lượt thay nhau nắm quyền. Cuối cùng, Triệu Khuông Dẫn diệt Hậu Chu lập nên nhà Tống (960-1279).

      Trong "Tình sử" có chép như sau: Vào cuối triều nhà Chu đời Ngũ Quý (Ngũ Đại), có người con gái của Lương Tiêu Hồ 梁瀟湖 tên Ý Nương 意娘, cùng với Lý Sinh 李生 là họ hàng con cô con cậu. Lý Sinh thường qua lại rất nhiều. Nhân ngày Trung Thu ngắm trăng, ngầm hẹn ước với Ý Nương, lưu luyến không rời. Sự việc lâu ngày lộ ra, Tiêu Hồ nổi giận, ngăn cấm hai người gặp nhau. Gặp tiết đang thu, Ý Nương viết bài thơ này :

長相思 Trường Tương Tư

落花落葉落紛紛 Lạc hoa lạc diệp lạc phân phân
盡日思君不見君 Tận nhật tư quân bất kiến quân.
腸欲斷兮腸欲斷 Trường dục đoạn hề trường dục đoạn,
淚珠痕上更添痕。 Lệ châu ngân thượng cánh thiêm ngân.
我有一寸心, Ngã hữu nhất thốn tâm,
無人共我說。 Vô nhân cộng ngã thuyết.
願風吹散雲, Nguyện phong xuy tán vân,
訴與天邊月。 Tố dữ thiên biên nguyệt.
攜琴上高樓, Huề cầm thượng cao lâu
樓高月花滿。 Lâu cao nguyệt hoa mãn.
相思未必終, Tương tư vị tất chung
淚滴琴玄斷。 Lệ trích cầm huyền đoạn.
人道湘江深, Nhân đạo Tương giang thâm
未抵相思畔。 Vị để tương tư bạn.
江深終有底, Giang thâm chung hữu để
相思無邊岸。 Tương tư vô biên ngạn.
我在湘江頭(*) Ngã tại Tương giang đầu (*)
君在湘江尾(*) Quân tại Tương giang vỹ. (*)
相思不相見, Tương tư bất tương kiến
同飲湘江水。 Đồng ẩm Tương giang thuỷ.
夢魂飛不到, Mộng hồn phi bất đáo
所欠唯一死。 Sở khiếm duy nhất tử.
入我相思門, Nhập ngã tương tư môn
知我相思苦。 Tri ngã tương tư khổ.
長相思兮長相思, Trường tương tư hề, trường tương tư,
長相思兮無盡極。 Trường tương tư hề, vô tận cực.
早知如此罫人心, Tảo tri như thử quải nhân tâm
迴不當初莫相識 Hồi bất đương sơ mạc tương thức. 


梁 意 娘 Lương Ý Nương

Dịch Nghĩa: Mãi Nhớ Nhau

Hoa rơi, lá rơi rơi thật nhiều
Suốt ngày nhớ Chàng nhưng không gặp được Chàng
Ruột muốn đứt như muốn đứt từng đoạn
Giọt lệ tuôn mãi mãi tuôn rơi
Thiếp đây chỉ có một tấc lòng
Không có ai nghe thiếp giải bày
Những mong gió xua tan mây
Để nói với trăng trên trời
Cầm đàn lên lầu cao
Lầu cao đầy trăng hoa
Nhớ nhau không hề dứt
Dây đàn đứt lệ tuôn
Người nói sông tương sâu
Nhưng sao bằng thương nhớ
Sông sâu còn có đáy
Tương tư thì không ranh không bờ
Thiếp ở đầu sông Tương
Chàng thì cuối sông Tương
Nhớ nhau nhưng chẳng được gặp nhau
Cùng uống chung nước sông Tương
Trong mộng hồn vẫn không bay đến được
Chỉ có chết mà thôi
Bước vào cửa nhớ thương nhau
Thiếp mới biết là đau khổ
Nhớ nhau kéo dài, kéo dài nỗi nhớ nhau
Nhớ nhau mãi không bao giờ hết
Nếu biết rằng lòng đau khổ thế này
Thì buổi ban đầu đừng quen biết nhau

Dịch Thơ:

Trường Tương Tư

Hoa lá lìa cành rụng tả tơi
Nhớ ơi là nhớ thấy đâu người
Phút bồi hồi dạ đau như thắt
U uẩn buồn mắt đẫm lệ tuôn

Luống ngậm ngùi thân đơn bóng chiếc
Biết lấy ai cạn nỗi niềm riêng
Những mong nhờ gió xua mây chuyển
Cùng với trăng sao tỏ tấc lòng

Tĩnh mịch không gian cất tiếng đàn
Lầu cao vằng vặc nhuốm màu trăng
Trùng trùng nỗi nhớ ôi day dứt
Đàn đứt dây tơ khúc đoạn trường

Ví thử Tương giang thẳm thẳm sâu
Sánh sao thương nhớ buổi ban đầu
Sông sâu còn biết đâu lòng đáy
Tơ tưởng rồi trăn trở chẳng nguôi

Kẻ bến giang đầu mộng thả trôi
Ai kia tận cuối mấy xa xôi
Gặp nhau chẳng đặng trao vào nhớ
Uống nước chung dòng một ước mơ

Dệt mộng đan mơ mộng trống không
Lỡ làng duyên kiếp cõi tơ lòng
Trái ngang ngăn cách chia đôi ngã
Phận bạc má hồng ngậm đắng cay

Năm tháng thiên thu vạn vạn sầu
Trói vào hồ dễ có quên đâu
Biết yêu chẳng trọn yêu là khổ
Gặp gỡ làm gì để biệt ly


Kim Phượng
***
Vẫn Mãi Nhớ Nhau

Hoa lá ngập nơi nơi
Dạ luống những tơi bời
Nhớ chàng nào đâu thấy
Lệ sầu mãi tuôn rơi
Giữa đêm khuya lạnh vắng
Tâm sự ngỏ cùng ai
Mênh mông mỗi chị Hằng
Hiểu nỗi lòng thiếp chăng
Nhung nhớ mãi dâng trào
Thổn thức tận lầu cao
Cung tơ giờ đứt đoạn
Như dạ này nặng đau
Sông sâu còn có đáy
Thương nhớ thật mang mang
Sông kia có thể cạn
Tình yêu khó thể lường
Cùng uống chung dòng nước
Thiếp ở Tương Giang đầu
Chàng nơi Tương Giang vỹ
Bao giờ được gặp nhau
Vào mộng chàng đâu hỡi
Tơ tình trót đậm mang
Lòng đau như ruột thắt
Tiếc gì chốn thế gian
Nếu biết tình đau khổ
Dằn dật suốt tháng ngày
Buổi đầu thôi gặp gỡ
Không phải lụy vì ai 


Quên Đi



(*)
Có một số bản ghi :

君 在 湘 江 頭
Quân tại Tương giang đầu
(Chàng ở đầu sông Tương)
我 在 湘 江 尾
Ngã tại Tương giang vỹ
(Thiếp ở cuối sông Tương)

       Chúng ta thử tìm hiểu tại sao có một số bản ghi như trên. Bản nào hợp lý hơn?

       Ông Bà Ta có câu " Nói có sách, mách có chứng ". Nên chúng tôi cố gắng đi tìm trong những Điển Xưa, Tích Cũ có trước thời Lương Ý Nương để có mọi cái nhìn tương đối chính xác và khách quan :

- Thiên Thai
       Thiên thai là tên một hòn núi thuộc huyện Thiên thai, tỉnh Chiết Giang ở Trung Hoa . Sách "Thần tiên truyện" chép: Đời Hán Minh đế, niên hiệu Vĩnh bình (58 sau DL) có hai chàng nho sĩ tên Lưu Thần và Nguyễn Triệu quê đất Diêm Khê. Gặp tiết Đoan Ngọ cũng gọi Đoan dương (mùng 5 tháng 5 âm lịch), theo tục lệ, người ta thường vào núi Thiên thai hái thuốc chữa bệnh. Hai chàng Lưu, Nguyễn cùng đi, nhưng chẳng may bị lạc, không tìm được lối về.
Vơ vẩn trong núi gần tháng trời mà không tìm được lối ra. Lương thực mang theo đã hết đành phải hái những quả đào chín mọng hai bên bờ suối hay ven chân núi để ăn đỡ đói, rồi vốc nước khe mà uống.
       Nhìn dòng nước trong núi chảy ra, hai chàng Lưu, Nguyễn thấy có những hột cơm vừng và lá rau tươi lững lờ trôi, nên đoán chắc cách chỗ người ở không xa nữa. Cả hai bèn lần mò theo đường nước chảy, vượt qua mấy ngọn núi liền mới đến đầu ngọn khe thì thấy cây cỏ xinh tươi, phong cảnh cực kỳ đẹp đẽ. Thế là hai chàng gặp hai nàng tiên Ngọc Kiều và Giáng Tiên kết nghĩa phu thê.
- Tương Phi Trúc
       Theo Huyền Thoại Cổ Trung Hoa, sau khi truyền ngôi cho vua Đại Vũ, Vua Ngu Thuấn cùng hai vợ của mình là Nga Hoàng và Nữ Anh đi chu du khắp thiên hạ, chỉ dạy cho dân cách trị thủy và cách canh tác trồng trọt. Thấy hai Vợ phải chịu khổ cực trên đường thiên lý, Vua Thuấn đã để hai bà ở lại nơi bến Tiêu Tương (chỗ giao nhau của hai sông Tiêu và sông Tương) Còn Người thì tiếp tục hành trình về phương Nam. Khi đến Thương Ngô thọ bệnh và mất. Mòn mỏi chờ chồng nơi bến Tiêu Tương, đến khi được tin chồng mất. Hai Bà khóc đến nước mắt biến thành đỏ như máu rơi thấm vào trúc nơi đây, khiến trúc có vân tuyệt đẹp gọi là "Tương Phi Trúc".

       Thi Hào Nguyễn Du có bài thơ "Thương Ngô Tức Sự" nói về Điển Tích này:

Ngu đế nam tuần cánh bất hoàn
Nhị phi sái lệ trúc thành ban
...
(
Vua Ngu đi tuần phương nam chẳng trở lại.
Hai bà phi khóc, nước mắt vương vào cây trúc thành những vệt lốm đốm)
... Trên đây là hai Điển tích có trước bài thơ Trường Tương Tư của Lương Ý Nương.

- Trong "Chinh Phụ Ngâm "có câu :
Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại,
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang.
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.

- Trong bài thơ "Thề Non Nước" của Tản Đà :
Nước non nặng một lời thề,
Nước đi đi mãi, không về cùng non.
Nhớ lời nguyện nước thề non,
Nước đi chưa lại, non còn đứng không.
...
- Trong văn học truyền khẩu của dân gian cũng có câu: "Trâu tìm cột, cột không tìm trâu"

       Như vừa trình bày, chúng ta thấy Người Nữ luôn ở trên nguồn (tích Thiên Thai). Người Nữ chờ nơi bến Tiêu Tương (Tương Phi Trúc).

       Từ những dẫn chứng và phân tích bên trên cho chúng ta thấy: Ngã tại Tương Giang đầu ; Quân tại Tương Giang vỹ là hợp lý hơn.

- Nhưng tại sao lại xuất hiện câu "Quân tại Tương Giang đầu; Ngã tại Tương Giang vỹ" trong một số bản của ngày nay?

       Thông thường, Người Xưa làm thơ hay đưa những điển cố hay thơ cổ thời trước đó vào trong bài thơ của mình. Cũng từ suy nghĩ này, chúng tôi cố gắng tìm các tích xưa chuyện cũ để chứng minh. Nhưng cuối cùng, chỉ tìm thấy những chứng minh cho Ngã tại Tương Giang đầu ; Quân tại Tương Giang vỹ chớ không hề thấy điều nào chứng minh cho Quân tại Tương Giang đầu; Ngã tại Tương Giang vỹ. ( Có thể do hiểu biết chúng tôi có giới hạn)
Từ việc này, chúng tôi suy luận. Có thể bắt nguồn từ những nhà Nho Học (Tống Nho trở về sau), với quan niệm trọng nam khinh nữ, phụ nữ phải "Tam Tùng Tứ Đức"...Các nhà nho sau này đã sửa lại cho phù hợp với quan niệm Nho Giáo. Từ đó, thi văn ngày nay cũng dựa vào quan điểm này nên thường nói theo như "Anh ở đầu sông, em cuối sông"...


Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét