Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

Thầy Tôi!

  

      Công Cha nghĩa Mẹ ơn Thầy!
      Khi nói về công lớn lao của hai Đấng sinh thành, lại quên nhắc nhớ đến ơn sâu nặng của Thầy giáo, hẳn thiếu sót vô cùng.

      Ngoài Cha Mẹ, Thầy, người giữ vị trí rất quan trọng trong đời đứa trẻ, nhất là những năm đầu, ở tuổi cắp sách. Vị Thầy đáng kính yêu của tôi là Người dạy tôi năm Lớp Nhì. Thầy Nguyễn Trung Tâm, kiêm Hiệu trưởng trường Tiểu Học Giồng Ké hay Trung Ngãi, thuộc tĩnh Vĩnh Long, từ những năm 1957.
      Lúc đúng tuổi vào học Lớp Năm trường này, tôi khóc hoài mỗi khi chẳng giúp được gì. Cuối cùng, Ba đưa tôi đến học với Thầy Suốt, một Ông giáo già kèm trẻ em. Thầy Suốt với chiếc roi trong tay, mỗi sáng sớm đến chợ Giồng Ké, dẫn đám trẻ đến lớp học và khi hết giờ, Thầy đưa học sinh trả về đúng chỗ tụ tập lúc ban sáng. Lớp học là một mái tranh. Học trò, đủ mọi lứa tuổi và trình độ học vấn khác nhau. Ngày đầu tiên, Ba dùng xe đạp đưa tôi đến gặp Thầy. Má tôi nhìn theo, vừa cười và bảo " Nhìn giống con ếch đeo bặp dừa quá". Đến học nơi này, tôi trở thành nữ hoàng một cõi về môn toán từ lúc nào không hay. Học sinh trong lớp, anh Thạnh, người lớn tuổi nhất và cao nhất lớp, luôn binh vực tôi ra mặt và để dành cho tôi những trái me keo vừa chín tới, vừa mới hái từ cây. Vì không cho ai sẽ "dạy" anh làm toán.
      Làm nữ hoàng một thời gian, đến lúc tôi phải trở về trường Giồng Ké. Với trình độ ấy, được học nhảy lớp và Thầy sắp tôi vào học Lớp Ba. Đến Lớp Nhì, tôi nghiễm nhiên là học trò của Thầy Tâm. Tâm, tên vận đúng ý  nghĩa với tâm tính và người của Thầy. Thầy cương nghị, nghiêm khắc, nhưng hiền từ, nhân hậu và giàu lòng. Những đức tính ấy thể hiện qua ánh mắt rực sáng, nụ cười tươi vui và cách hành xử. Sự thông minh, nét đỉnh ngộ qua vầng trán cao. Thầy nhanh nhẹn, linh hoạt lắm, khi dạy cũng như lúc sinh hoạt ngoài trời. Học sinh cả trường, phụ huynh cả xã, hầu như ai cũng mến và kính trọng Thầy. Học sinh nào "không ưa" Thầy đến đâu chăng nữa, vẫn "thích Thầy" trong giờ đọc Chính tả, vì y như rằng, hôm đó sẽ tránh được nhiều lỗi.
      Tôi không biết quê quán Thầy ở đâu, nhưng cần chi biết ở lứa tuổi mè nheo ấy. Tôi chỉ biết ngày ngày, với chiếc xe Vespa màu xam xám, Thầy dùng làm phương tiện di chuyển từ Vĩnh Bình đến trường và ngược lại. Có hôm không về nhà, Thầy nghỉ qua đêm ở Giồng Ké. Và có lẽ, người đại diện cho phụ huynh học sinh là Ba tôi, thích lắm, vì có dịp thi thố tài năng với Thầy qua trò chơi vũ cầu, tại chợ Giồng Ké.

      Thầy luôn cẩn thận và nghiêm khắc về giờ giấc, vì sự an toàn của học sinh lẫn giữ hoà khí với những gia cư lân cận trường. Học sinh đi học phải đúng giờ, không được đến trường quá sớm. Nhưng ở lứa tuổi tụm năm tụm ba, ham phá phách, lệnh Thầy như pha...Và lần đầu tiên trong đời học sinh, tôi bị Thầy cho ăn đòn vì đã phạm nội qui.
      Học với Thầy, ngoài việc trau dồi kiến thức, Thầy luôn đào sâu về đạo đức và tạo cơ hội cho học sinh biết bổn phận, trách nhiệm của mình, qua việc làm vệ sinh quanh trường. Bọn nữ sinh chúng tôi, thích nhất là làm cỏ dại trước sân trường.  Áp dụng câu "nhổ cỏ nhổ tận gốc", nên bọn con gái ngồi lì một chỗ, đưa mũi dao, đào đào, xới xới tìm củ cỏ, nhổ tận gốc, để có dịp to nhỏ, cùng cười khúc khích.
      Cuối năm học, theo lời đề nghị của Thầy và sự thuận lòng của Ba, tôi ở lại Lớp Nhì thêm một năm nữa. Lý do rất giản dị, Thầy muốn giúp tôi thi đậu vào Đệ Thất. Quả đúng như mong muốn, năm ấy chỉ có hai học sinh, trúng tuyển vào trường Trung Học Công Lập Vĩnh Bình, trong ấy có tôi.
      Con đò Thầy đưa tôi qua sông. Qua rồi, tôi có nhiều lý do để biện minh bận rộn..., đa đoan...Tôi đã quên dòng sông tuổi thơ và quên cả người Thầy đã lèo lái, giúp tôi thành công trong bước đầu vào ngưỡng cửa Trung Học năm nào. Mãi đến năm 2010, may mắn tôi tìm lại được người bạn thân nhất thời Tiểu học, là người đã cùng tôi thi đỗ vào Đệ Thất. Trong lúc hai đứa kể chuyện xưa tích cũ, chúng tôi nhắc về Thầy và từ đó sợi dây liên lạc với Thầy được nối lại. Trễ! Nhưng không quá trễ.


      Tháng 11 năm 2011, trong dịp trở lại quê nhà. Tôi đến thăm Thầy ngay, vì lòng phập phòng lo sợ "nếu một mai không còn cơ hội gặp lại Thầy"...chắc tức mình chết. Ngày 23 tháng 11, một  người bạn ở Vĩnh Bình, giúp tôi tìm gặp Thầy. Trên con đường sắp sửa đến nơi, một cảm giác khó tả và tôi chôn chân trước mái tranh, cạnh chùa Ông Mẹc. Căn nhà gạch ngày trước toạ lạc trên đường Số Một của Thầy đâu mất rồi? Tôi thầm hỏi. Bước vào nhà, Người đón tôi là một Cụ già, mình trần, dưới cái nắng như thiêu và bờ lưng... còng quá đổi. Vị Hiệu Trưởng uy nghi đỉnh dạt một thời... Thật ngoài sức tưởng tượng của tôi. Thầy xin lỗi đi vào bên trong một chút. Tôi đùa và nói vói theo...
- Thầy đừng lấy roi nghe Thầy!
      Thầy bước trở ra, tươm tất trong chiếc áo sơ mi và lịch sự đúng cách, khi tiếp khách. Dù rằng người khách ấy là cô học trò bé bỏng ngày nào của. Dù thời gian xa cách quá dài, dù hoàn cảnh khắc nghiệt hiện tại đang phơi bày ra trước mắt, Thầy vẫn còn nguyên cung cách của một nhà mô phạm trước đây. Một tình cảm thiêng liêng nào đó, không kềm chế. Tôi ôm chầm lấy Thầy với đôi dòng lệ trào tuôn. Thấy tôi khóc, Cô khóc theo.
      Trước đó, qua lời người bạn cho biết, bán vé số là nghề sinh nhai của Thầy. Tuổi đời đã gần 90, Thầy vẫn cọc cạch đi lại bằng chiếc xe đạp, gia sản có được từ năm 1975, thay cho chiếc Vespa của mấy mươi trước. Thầy buôn bán lời lỗ thế nào, tôi chẳng rõ. Nhưng qua lời người bạn, có lẽ niềm vui Thầy tìm được không qua số tiền thu vào, mà ở tấm lòng của những người học trò năm xưa để lại. Họ đến mua vé và để lại số tiền, nhiều hơn gấp mấy lần trị giá tấm vé số. Nhưng những năm gần đây, Thầy không được tự do ngồi bán vé số nữa rồi, chỉ quanh quẩn trong nhà. Mặc dù cuộc sống hiện tại, không che giấu được sự khó khăn, nhưng khi trò chuyện, Thầy chỉ nhắc đến những người học trò cũ. Thầy kể rằng , trước đây, thời Cộng Hoà, một số học sinh, trong những lần về phép, đều tạt qua thăm Thầy. Bây giờ có những học sinh khác đến, đến thăm Thầy, nhưng người thường xuyên gặp Thầy là Hồng Hoa. Cô ấy đang ở Phú Tiên.
      Mãi cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ đến ánh mắt xa xăm, buồn vời vợi của Thầy, khi sắp chia tay. Mắt Cô rươm rướm, dặn bao giờ trở lại, nhớ ghé chơi. Thầy trầm buồn bảo tôi nhớ điện thoại, nói chuyện với Thầy. Tôi khóc. Và Thầy Cô cùng tiễn tôi ra tận cửa.

      Lúc ngồi trên xe, ngoái nhìn lại lần cuối. Không ngờ đó là lần vĩnh viễn chia tay. Thầy ra đi lúc 10 giờ 55 ngày 25 tháng 7 năm 2014 nhằm 29 tháng 6 Giáp Ngọ, thọ 90 tuổi. Thầy đã qua đời. Cảm ơn trời đã giúp tôi không phải hối tiếc vì có cơ hội gặp lại Thầy.
Bây giờ Thầy không còn nữa, nhưng hình ảnh Thầy Cô đưa tiễn tôi tận cửa, là hình ảnh đôi hạc trắng còm cõi, bên mái lều tranh.
Thầy ơi!
Nhang lòng thắp một nén thương,

Kim Phượng
3.8.2014
Vài Hình ảnh Thầy Cô - Huỳnh Hữu Đức ghi lại





 Con đường dẫn đến nhà Thầy

 Căn nhà của Thầy Cô đang sinh sống


 Chiếc xe đạp của Thầy
 Từ giả Thầy Cô
 Thầy Cô tiễn học trò ra xe
 Nhìn lại bóng dáng Thầy Cô lần cuối
Hình dáng thầy Cô đã dần xa.....
Hình ảnh: Huỳnh Hữu Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét