(Quan Tài của Cựu Chiến Binh David Fisher chuẩn bị lên đường trở về Úc)
Chiếc
phi cơ đáp xuống phi trường Melbourne vào một ngày đầu xuân năm Một
Ngàn Chín Trăm Bảy Mươi Tám. Sau đó, đoàn người tỵ nạn được chuyển sang
xe buýt và đưa thẳng đến trung tâm tạm trú Enterprise Hostel, tọa lạc
trên một mảnh đất rộng thuộc vùng Springvale.
Mặc dù lúc còn ở trại tỵ nạn, đã xem qua những tư liệu về lục địa rộng
lớn Úc Châu trước khi tôi đặt chân đến nơi này, nhưng qua khung cửa xe
buýt, mắt lướt nhanh ven cảnh bên đường, khó lòng tưởng tượng nỗi… đất
rộng, nhà thưa như thế. Quang cảnh xa lạ hiện ra trước mắt rồi lại lùi
dần, xe tiếp tục đưa đoàn người đi tới, đến một nơi mà người được đưa đi
chưa hề biết. Những kẻ không nhà đi về đâu!?
Vừa rời xa cái nắng gắt Mã Lai, lại chui ngay vào thiên đường
lạnh lẽo Úc Châu, nhưng âm ấm tình người. Xa rồi quê nhà! Cách cả một bờ
đại dương, màn sương nước mắt ly hương rưng rưng mờ phủ. Nhớ quá Việt
Nam ơi!
Sau khi hoàn tất thủ tục nhập cư, như bao gia đình khác, chúng tôi được
đưa đến tận nơi ăn chốn ở. Gia tài bấy giờ chỉ là chiếc xách tay, nhỏ
xíu, nhẹ hều. Thế mà người thiếu phụ hướng dẫn cũng giành lấy. Chúng tôi
ái ngại lắm, bà mỉm cười và nhẹ lời: “Công việc của tôi mà!” Cánh cửa
phòng số sáu vừa mở toang, thoáng trông cảnh trí bên trong, bày biện dù
đơn sơ đủ khiến tôi giật mình. Không tưởng nỗi! Mới hơn ba tháng trước,
chiếc ghe nhỏ mang tôi đi, chòng chành trên biển cả mang năm mươi ba
thân phận người lớn, bé. Ghe mong manh, loại di chuyển trên sông rạch,
thế mà lại mạo hiểm vượt đại dương, theo cùng sức người thách thức phong
ba, tìm ra
biển khơi. Trời chẳng phụ lòng người. Chúng tôi đến bến bờ tự do, mang
thân phận những thân cây yếu ớt, phải tự vươn lên trên mảnh đất mới, nơi
tình thương ban trao để thay một quê hương vừa đánh mất.
Những tưởng chỉ những ngày đầu bỡ ngỡ, nhưng không, cứ từ xa lạ này
sang đến bỡ ngỡ khác…Lạ quá! Cả thành phố, không lấy một bóng dáng chiếc
xe GMC nào. Rất khác xa nơi quê nhà, giữa phố đông người vẫn rầm rập
tiếng công voa tới lui, bất kể ngày đêm. Còn thêm những chàng lính đa
tình, giày còn lấm vết bùn, áo trận nhàu nát bạc màu mà mắt vẫn liếc
tình mỗi khi trở về từ cuộc chiến. Những hình ảnh thân quen đó, mất
dần…Úc Châu, một đất nước thanh bình, không thấy được bóng hình người
lính nào! Những háo hức tìm lại hình ảnh quen thuộc nơi quê nhà
trong bước đầu định cư đó, càng thu nhỏ. Nỗi đau dần trầm lắng. Quá khứ
tang thương
dần quên đi, nhường chỗ cho những đường nét suy tư hằn trên vầng trán,
khi phải đối diện với thực tại. Công ăn, việc làm, ngôn ngữ mới chiếm
hết không gian, thời gian của người tỵ nạn trong cố gắng vươn lên bên
cạnh người bản xứ và cả các sắc tộc di dân khác hầu gầy dựng lại tương
lai cho đàn con nhỏ.
Thời
gian cứ thế vèo bay, Năm Mới đến…cuối năm qua…Mới đó mái tóc còn xanh,
nay bồng sương tuyết. Cuộc sống ngỡ tạm yên, lại kéo liền dấu móc thời
gian Bảy Mươi Lăm lại trở về. Nỗi nhớ ùa đến bủa vây. Dĩ vãng, nhớ một
quê hương thu nhỏ trong lòng người viễn xứ và đọng lại nơi trái tim
người cô phụ. Những hình ảnh rất xa xưa, bóng dáng người chiến sĩ Việt
Nam Cộng Hòa một thời của ngày nào, mãnh liệt trở về. Đợi thời bình mới
nhớ bóng hình Người Lính!? Nỗi nhớ muộn màng! Những người lính thật đã
tản hàng, nhưng lại rất thật, sống lại hiên ngang qua hình ảnh, khắp nơi
nơi, hiện diện qua những DVD, được mô tả trong các tác phẩm bằng chính
ngòi bút của
các cựu quân nhân. Tất cả đã dẫn dắt người xem, người đọc tìm về. Các
tác giả cựu chiến chí đến những ngòi bút non đã viết rất thật, khơi lại
nỗi nhớ, kéo trào tuôn dòng nước mắt, chạm mãnh liệt vào, khiến con tim
cằn cỗi, lại bùng lên rung động tiếc thương.
Những
rung động muộn màng, khi nhìn thấy những hình ảnh quá bi thương của
những chàng trai trẻ bị lịch sử cướp mất tuổi xuân và vạn ngàn Người
Lính bị bức tử tản hàng trong ô danh. Trong lớp lớp Người bị ô danh tản
hàng của ngày xa xưa đó, giờ đây một số chịu đớn đau thêm cảnh nhà tan
sau
lần mất nước. Ai? Bổn phận? Trách nhiệm nào bắt các anh phải chịu như
thế? Những thương cảm dù muộn màng, nhưng người cô phụ mang trái tim
lính, thật hãnh diện vì biết rằng mình có cùng chiến tuyến với những anh
hùng, một thời gìn giữ Hòa Bình cùng Anh linh những Vị không khuất phục
khi đất nước rơi vào tay giặc. Những tấm gương tuẫn tiết đời đời không
phai. Trái tim rung cảm muộn màng đã trễ, nhưng không quá trễ, vẫn thổn
thức bởi lòng hy sinh cao cả nơi Người Lính đồng chủng và phập phồng
trước hình bóng chàng quân nhân, Người Bạn Lính Đồng Minh tham chiến tại
Việt Nam. Người tôi muốn nhắc đến là chàng Lính Biệt Cách David
Fisher, trở về lại Úc Châu, sau Ba Mươi Chín
năm nằm sâu trong rừng núi Việt Nam.
Ngày
Mười Bốn tháng Mười năm Hai Ngàn Lẻ Tám, một số cựu quân nhân Việt Nam,
đến đặt vòng hoa kính dâng thay lời tri ân đến Người Cựu Chiến Binh
David Fisher tại nhà quàn Funeral Magnolia Chapel Macquarie Park.
Anh thuộc một dòng tộc anh hùng, tình nguyện đăng vào đơn vị Biệt Cách
(SASR). Khoác áo đăng trình. Anh đã tự nguyện làm nghĩa vụ người trai
tại một quê hương xa lạ, khi tuổi đời còn khá trẻ. Đến Việt Nam chiến
đấu và Anh âm thầm đơn độc nằm lạnh lẽo lại quê tôi. Tôi không biết,
chẳng quen, nhưng hình ảnh Anh
trên trang báo, khiến tôi bàng hoàng, nước mắt lưng tròng, một cơn lạnh
không biết từ đâu kéo dài đến sống lưng và tiếng nghẹn ngào bật khóc…
Phải, tôi đã khóc. Khóc cho dòng máu anh đổ xuống để ruộng đồng tôi
xanh, nuôi dân tôi sống còn. Ngày anh đi có đầy đủ mẹ cha đưa tiễn, nay
trở về, chỉ còn mẹ ra đón áo quan. Ba Mươi Chín năm, một phút mặc niệm
chiêu hồn tử sĩ đưa anh an nghỉ đời đời.
Anh! Đến hôm nay, sau những ngày tháng yên bình trên đất mẹ, Anh còn
nhớ gì về Ba Mươi Chín năm nằm cô đơn nơi đèo heo hút gió quê tôi? Một
nén hương lòng thành kính dâng Anh. Anh đến và nằm xuống, Ba mươi chín
năm dài, một phần máu, thịt xương anh chắc còn hòa sâu cuộn vào lòng đất
quê tôi. Bây giờ Anh đã trở về không trọn vẹn, nhưng trong phần thân
thể không trọn vẹn ấy, chắc hẳn rằng anh mang về một ít đất quê tôi. Anh
về trang trọng trong cờ phủ áo quan, lời kinh cầu nho nhỏ, ba phát súng
tiễn đưa theo nghi lễ là phép nhiệm mầu, đưa tên anh vào tinh cầu sống
mãi dù Anh đã an bình vào cõi thiên thu. Không ai bảo, một tự nguyện
cũng là tâm nguyện của
người cô phụ mang trái tim lính sẽ trọn dâng xương máu mình và các con
cho Úc Châu như một đền đáp. Đền đáp lại cho quê hương Anh, nơi có tình
người, đã mở rộng vòng tay chào đón, cưu mang gia đình chúng tôi trong
mấy mươi năm qua và đền đáp ơn Anh, David Fisher người đã chết cho quê
tôi xanh màu, cho dân tôi thôi tiếng khóc bi ai.
Nợ tình này, không sức nào trả hết! Rồi đến một ngày nào, chúng tôi sẽ
nằm lại trên quê hương anh, ngày ấy nguyện cùng Hương linh anh hướng về
Việt Nam yêu dấu, nơi Ba Mươi Chín năm , chắc hẳn không còn xa lạ với
anh.
David Fisher
Hỡi người xa lạ trong hoang lạnh
Giữa rừng heo hút biết thương đau?
Đôi mắt Anh
Sáng
Buồn
Sâu
Lay động tim tôi tự buổi đầu
Phép nhiệm mầu đưa Anh trở lại
Thoát đời khốn khổ chết thương vay
Côn trùng rên rỉ mồ hoang lạnh
Lạnh cả khói hương suốt tháng ngày
Nay trở về trong chiếc áo quan
Cờ trang nghiêm phủ bạn song hàng
Tiếng lời nho nhỏ kinh cầu nguyện
Quân nhạc chiêu hồn giấc ngủ yên
Đón, tiễn chân anh có mẹ già
Bên đời thương thiếu bóng hình cha
Những người chiến hữu ngày xưa ấy
Tình cũ đồng minh nợ nước nhà
Gửi cả tuổi xuân lại chiến trường
Anh về mang ít đất quê tôi
Cho tôi sống mãi niềm thương nhớ
Nhờ máu anh nuôi lớn một thời
Nhờ máu anh nuôi lớn một thời
Giọt lệ không lời riêng khóc Anh
Hồn Người Biệt Cách quyện trời xanh
Kim Phượng
Xuân 2011
Cảm ơn Kim Phượng về bài hồi ký, bồi hồi nghẹn ngào khi đọc đén cuối bài.
Trả lờiXóanhắc lại để cảm thương với David Fisher va hơn 50 ngàn bạn đồng minh
đã đem sinh mạng mình để bảo vệ tự do và sự sống cho quê hương chúng ta.
2H
Cám ơn anh đã đồng cảm. Chuyện đã khá lâu, mỗi lần đọc lại, KP không cầm được nước mắt. Người Úc đã qua Việt Nam bảo vệ cho quê hương mình. Còn muôn người Úc khác đã dang tay nâng đỡ khi người Việt Nam mình đến xứ sở họ.
XóaChúc anh luôn an vui.
KP luôn nguyện cầu cho David Fisher