Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

Cho Người Vừa Nằm Xuống



Sáng nay trên cành con chim thôi cất tiếng hót mà đưa một điệu ru…ru Người vừa nằm xuống.
Sáng nay trên cành một chiếc lá vừa lìa xa, rơi…rơi cùng Người vào cõi thiên thu.
Sáng nay tôi ngồi lặng thinh, cảm nhận hơi ấm lăn dài trên đôi má, khóc… nước mắt thay lời từ biệt tiễn Người đi.

Mới hơn một năm, chỉ hơn một năm quen biết thôi, dù chưa một lần gặp mặt, nhưng là sự gặp gỡ trong tâm hồn, bởi thân tình thật thà, đầm thấm. Lúc đầu biết nhau, bằng những từ thật khách sáo “hân hạnh quen biết…”, hoặc giữ kẻ “sợ lỡ lời…” hay lời phê bình văn thơ chẳng dám nói thật lòng “…cũng được”. Thế rồi chẳng bao lâu, Người tôi quen biết không là một nhà văn Anh Vân nữa mà đã trở thành một Người bậc đàn anh.
Anh là một nhà giáo, tốt nghiệp từ trường Sư Phạm Vĩnh Long. Mang dòng họ Quách, nhưng lúc nào anh cũng nói với tôi “Anh là người Việt Nam!”. Chiến tranh tràn lan, rời bảng đen phấn trắng, khoác chinh y, chàng thanh niên họ Quách đi vào cuộc chiến. Thân trai thời loạn bằng những năm dài làm bạn với núi rừng, đầm lầy. Bỗng cuộc chiến tàn vội và anh đớn đau chọn kiếp lưu vong, đến hơi thở cuối chưa một lần đặt chân trở lại quê hương.
Dưới con mắt nhân gian, anh là một Nhà Văn, một Chủ Bút Anh Vân, Quách Tố Vương, nhưng với tôi Anh là một Nhà Mô Phạm phi thường, phi thường trong nghĩa cử của Anh, một thiên chức nhà giáo mà ít ai có được. Anh đã lặn lội, kiếm tìm, rồi từ xa xôi tôi nhận được một số sách dạy Việt ngữ với nhiều trình độ khác nhau. Theo lời Anh “ Anh là mẫu người thích làm việc xã hội tức là anh yêu tha nhân vì vậy thấy em làm việc xã hội, anh quý em vô cùng. Anh không còn khả năng dạy học nữa thì em hãy thay anh đem văn chương tiếng Việt dạy cho đám trẻ, đó là điều mình nên làm cho thế hệ mai sau.”
Mấy mươi năm trước, sau những ngày quân hành vất vả, có dịp trở lại Vĩnh Long, ngồi trên chiếc xe jeep thả tầm mắt lãng tử vế cổng trường Tống Phước Hiệp mà ngẫn ngơ với những tà áo trắng…
Cổng trường Tống bâng khuâng đời dậy sóng!
Giờ đây, sau mấy mươi năm, bằng trái tim nhà giáo tiềm ẩn trong con người cựu quân nhân, Anh bước vào Trang nhà Tống, như một tay làm vườn thiện nghệ, Anh tưới nước khích lệ, cắt tỉa cành nhánh thơ văn thừa, bắt sâu chính tả đang đụt khoét hoa lá. Đã vậy, Anh còn mang vào vườn hoa nhà Tống những loài cây quý hiếm, đó là những tác phẩm văn, thơ của các cây bút vang danh tại hải ngoại cũng như ngòi bút cổ thụ nơi quê nhà trước đây. Nhìn vào trang Diễn Đàn Tống Phước Hiệp, ai cũng nhận ra một sắc thái kỳ bí…khi thấy những cây bút kỳ cựu nằm cạnh bên những nhà văn, nhà thơ “tí hon” chúng tôi. Những cây bút non nớt này như cây con từ trong vườn ươm mới được mang ra dưới ánh sáng mặt trời. Lẽ thường tình, nhà văn thơ nổi tiếng phải đặt tác phẩm mình ở những nơi tương xứng, nhưng các anh đã làm một điều khác thường đáng hâm mộ. Anh Vân và các bạn văn thơ của anh đã tỏ rõ được sự khiêm nhường đáng cho chúng tôi kính trọng và tôn vinh.

Mai này…
Làm sao một hình ảnh thầy giáo Quách Ngọc Vân không thấp thoáng, mỗi khi tôi đứng trước lớp, cầm quyển sách trên tay, trao lại cho các em học sinh Việt Nam những hạnh nguyện của Anh!?
Làm sao một mảnh hổ Quách Ngọc Vân gặm hờn trong củi sắt, trăn trở nhìn về quê hương mà không ảnh hưởng gì đến tôi bởi nỗi đau lưu vong!?
Làm sao bước vào Trang nhà, tôi tìm lại được người giữ vườn cho trường Tống Phước Hiệp, cho người Vĩnh Long, nhưng Người ấy không là dân Vĩnh Long!?
Mai này… tro xác thân Anh sẽ hòa vào đất đá, trên ngọn núi cao nào đó ở Mỹ Châu, nhưng ánh mắt viễn phương của anh sẽ mãi mãi xa xăm hướng về quê mẹ.

Anh Vân! Có những điều chỉ riêng anh biết, nhưng tôi, các bạn nơi trang nhà Tống Phước Hiệp, không thể không biết Anh, người Đàn Anh đã giữ an bình cho người Vĩnh Long, trước sau vẫn như một, từ quê nhà cũng như nơi hải ngoại.
Chúng tôi có thể mất một anh Quách Ngọc Vân, nhưng kỷ niệm anh đem đến, để lại sẽ còn và mãi mãi vẫn còn.
Nhớ về Anh …

Nước mắt rơi! Thôi đành xa rời
Nước mắt tuôn xin tạ ơn Người
Giọt ngắn dài là tiếng lòng tôi
Người xa Người …thôi cũng đành thôi!

Kim Phượng
Úc Châu 31/7/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét