Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Huỳnh Hữu Trí, Người Của Thân Giáo

Tìm về tuổi dại thơ ngây
Nương nhờ bóng mát ơn Thầy lớn khôn
Thâm tình trao đến phần hồn
Gửi Người bạn cũ đồng môn một thời…
      
        Đời người như một dòng sông, cuồn cuộn sóng, ào ạt chảy, rồi chậm dần, chậm dần… và sẽ có một ngày cạn nguồn để đi vào định luật của thiên nhiên. Ngày “sẽ có” đó của Anh Huỳnh Hữu Trí, đã đến lúc 1giờ 15 sáng, ngày 27 tháng 6 năm 2013.
         Anh ra đi vội vã và quá sớm so với tuổi đời. Tuy nhiên, cuộc đời dài hay ngắn của Anh có lẽ được tính bằng tấm lòng chân thật và cách sống đích thực của một người đã trao truyền lại cho học sinh bằng cả thân giáo của chính mình.

( CHS Trường Tống Phước Hiệp Trại hè 1973)
        Ngược dòng thời gian để nhắc nhớ về Anh. Những ngày đầu, khi Anh đặt chân đến Vĩnh Long, nhận nhiệm sở tại trường Trung học Tống Phước Hiệp. Ngoài ra, anh còn phụ trách môn Toán ở trường Bán Công Nguyễn Thông, trường Tư Thục Nguyễn Trường Tộ, Long Hồ. Với nhân dáng dễ nhìn, một tay vợt hào hoa, tính chân thật, thân thiện, dễ mến, sự tận tụy và tài năng giảng dạy của một vị giáo sư trẻ. Chừng bao nhiêu ấy đủ thu hút hầu hết học sinh, nhất là các cô nữ sinh, nhưng anh luôn khiêm cung và giữ lấy lề “Nhất tự vi sư”. Ngoài giờ học trong lớp hoặc ngay cả ngoài khuôn viên trường, Anh đã hết lòng giúp đỡ, giảng giải những bài toán khó mà không hề toan tính.
        Riêng tôi còn nhớ, sau năm 75, một lần đến Ty Giáo Dục lãnh lương, đang đứng đợi, một giọng nói ai đó lạ hoắc:
       -  Đến lãnh lương hả?
      Chung quanh im lặng như tờ, tôi không nghe tiếng trả lời. Câu hỏi được lập lại lần thứ hai, cũng không nghe một ai trả lời. Tôi xoay người lại, chỉ thấy có Anh và tôi...
       -  Anh hỏi tôi hả? Tôi cũng cụt ngủn hỏi lại Anh.
       -  Ờ!  Chỉ có một chữ để anh trả lời tôi.
      Anh thì vậy đó, dù là đồng nghiệp cùng trường Nguyễn Trường Tộ, gặp mặt lúc vào ra, nhưng chỉ chỉ gật đầu chào là đủ.
      Hôm ấy, về đến nhà, gặp cô em gái cũng là học trò của Anh:
      - Thầy của Oanh, thấy bảnh mà nói chuyện cụt ngủn.
      -  Ai vậy Sáu?
     -  Thì còn ai ngoài thầy Trí bảnh trai của tụi em.
     - Sáu thấy vậy chớ thầy em không phải vậy đâu.

( Lớp 12 Trường Tư Thục Nguyễn Trường Tộ niên khoá 1973-1974)

        Sau này biết ra, Anh là bạn của những anh chàng hàng xóm nhà tôi. Các anh hàng xóm gốc nhà binh này, tuy học ít nhưng là bạn đối ẩm với Anh. Họ rất quý mến và thân cận Anh, bởi tính tình chân chất, giàu lòng, không phân biệt sang hèn, địa vị của một nhà giáo.
        Đối với học trò, Anh rất tôn trọng, sự quý mến của các em đã dành cho Anh và tấm lòng ấy còn rõ nét hơn sau cuộc đổi đời, vào thời buổi lấy vật chất làm trọng. Trong thời gian gần đây, những ngày dài chống chỏi với cơn đau. Dù không khỏe mạnh, nhưng Anh không bao giờ từ chối giúp các học trò cũ, những khi cần đến Anh. Một số học sinh, bạn bè từ phương xa gửi tài chánh về Anh, kẻ tri ân, người giúp đỡ, Anh đều bảo rằng hãy để dành sự lo lắng, giúp đỡ ấy cho gia đình và con cháu của họ trước.
        Tôi quý mến Anh ở tấm lòng trước sau như một. Theo nhãn quan của phần đông, là người theo b môn Khoa học, luôn khô khan về văn chương. Điều này khó chối cãi. Tuy nhiên, Anh là Người của tình cảm dồi dào và đơn giản như đáp số của bài toán 2+ 2 là 4 vậy. Điều này được thể hiện khi tongphuochiep.com ra đời. Sự liên hệ giữa Anh và những người thành lập trang Tống, trong đó có một số là cựu học sinh của anh, luôn là sự liên hệ dễ thương và khó quên. Như đã nói là một cựu Giáo sư Toán khô khan, nhưng Anh luôn sát cánh với học sinh mình qua những bài Văn Thơ, rất thật, chân  tình, đầy xúc cảm khiến khu vườn Tống Phước Hiệp thêm trăm hoa, đậm đà hương vị của tình Thầy Trò.
        Trong bài viết Tống Phước Hiệp Hai Năm Qua, ngày kỷ niệm hai năm thành lập của Trang Tống Phước Hiệp
…Riêng một người liên hệ rất mật thiết với Trang Tống Phước Hiệp mà chúng ta không thể không nhắc đến và các cựu học sinh đàn em của trường này sẽ mãi mãi không quên Thầy Huỳnh Hữu Trí. Thầy không là dân địa phương, đến sống và làm việc ở Vĩnh Long trong một thời gian không dài, nhưng sự gắn bó với trường, tình yêu thương dành cho học sinh không thể miễn bàn. Thầy mãi là bóng mát…Điều đó chúng ta thấy rất rõ, Thầy gửi gắm đến Trang nhà, như một bài học nhân cách cao trọng, cần cho học sinh noi theo trong tác phẩm  Ông Bảy Chà. Đó là người đầu tiên Thầy gặp gỡ và mấy mươi năm vật đổi, Thầy còn nhắc nhở đến, người lao công có địa vị thấp nhất, có chăng là uy quyền với bọn học sinh, trong khuôn viên Tống Phước Hiệp”.
        Vì lẽ ấy, thiết nghĩ, thời tuổi trẻ cho đến tuổi đời chồng chất như bây giờ của các cựu học sinh, qua tình  cảm Thầy Trò, vẫn mãi mãi được che chở bởi bóng mát của Anh, một người Thầy đáng kính trọng và với tôi, một Người Bạn đáng quý mến.
        Anh, chiếc bóng mát của một số đời học sinh Vĩnh Long không còn nữa, nhưng tấm lòng, sự tận tụy của Anh vẫn còn, vẫn sống mãi trong lòng những đứa học sinh của Anh.
         Cám ơn Anh bằng cách nào đây!?
         Học sinh tạ ơn Thầy bằng cách nào đây!?
        Làm sao cám ơn Anh, tạ ơn Thầy, khi Anh Người bạn đồng nghiệp của tôi, Thầy của các học sinh, đã vĩnh viễn ra đi không còn nữa. Tuy nhiên…



      Anh Trí ơi! Thầy ơi! Qua ánh nến lung linh, bên trầm hương nghi ngút quyện vòng, chúng tôi những người bạn, những đứa học trò, nguyện cầu Hương Linh Anh, Thầy Huỳnh Hữu Trí, vạn sự an bình, sớm yên nghỉ nơi miền thanh tịnh. Và tạ ơn Thầy không gì hơn…mỗi bản thân người học sinh của Anh, khi ai nhìn vào sẽ tìm thấy tấm lòng con người Huỳnh Hữu Trí ẩn hiện trong đó. Đây chính là lời tạ ơn duy nhất mà các học sinh có thể nói với Thầy trong lúc này và mãi về sau. Tôi, sẽ theo bước chân anh gắn bó, sát cánh với các Anh Chị Em nơi Trang nhà Tống Phước Hiệp. Hy vọng rằng sẽ là mái trường thu nhỏ để học sinh còn nhìn hoa nắng rưng rưng và Anh có dịp quay về chốn cũ, nhìn Bầy Vội Vã với cặp sách trên tay.
         Anh, Người không cùng quê, nhưng chúng ta, bạn bè Anh, học trò Anh, những người chung chí hướng, đã cùng trên mảnh đất Tống Phước Hiệp. Đã qua rồi niềm vui, giờ ngậm ngùi đưa tiễn Anh. Nơi đây, tha thiết, mong mỏi, nhớ về… ngày từng ngày, như những lúc Anh còn hiện diện. Bởi vì, rồi cũng đến một ngày…dẫu Người đã ra đi hay Kẻ còn ở lại, mãi mãi tình nghĩa chẳng nhạt phai.

Kim Phượng
28.6.2013


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét