Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Lê Văn Lắm…Một Lần Rồi Thôi

    Nỗi đau khổ lớn nhất trong đời, sau khi tôi rời ghế nhà trường là làm việc tại tỉnh nhà. Nghề nghiệp tôi không thích nhất khi bước chân vào trường đời là gõ đầu trẻ. Vậy mà không tránh khỏi!
     Mãi đến ngày vận nước nổi trôi, kịp nhận ra, đây là điều may. Nhưng trớ trêu thay, tôi bị đổi đi xa và trở thành cô giáo quận lỵ Tam Bình đìu hiu.

alt

    Sau 75, Trường Kỹ Thuật Vĩnh Long, nơi tôi đang giảng dạy, như một tổ chim vỡ, thầy trò buộc tản lạc muôn phương. Những cánh chim non học sinh, đớn đau đập cánh bay đi. Hai cô giáo độc thân, Hoa, tôi và một em học sinh bị đẩy về Tam Bình, vào đầu niên khóa 1976.
    Về Tam Bình, đường đi gập ghềnh do những ổ mìn ngày trước để lại. Xe đò là phương tiện giao thông, vỏ xe với nhãn hiệu “Ai Cập”. Vì bởi bánh xe không biết ai cặp, ai vá mà vỏ bị bể hoài. Lý do này, nên chúng tôi quyết định tìm nhà ở trọ, thay vì đi về mỗi ngày.
     Nơi đây buổi chiều, buồn ơi là buồn. Nhà trọ đối diện với dòng sông, buồn vui theo con nước. Về đây, lạ nước lạ người, nhớ những chiều trên tỉnh, xách xe đạp chạy rong. Nhớ những hôm đi dạy, thong dong trên chiếc xe đạp mini. Tà vạt phất phơ theo vòng xoay bánh xe. Bây giờ, từ nhà trọ đến trường Trung Học Tam Bình, chỉ cách nhau bởi “hàng giậu thưa” km gai. 
     Cuộc đời đã quá nhiều thăng trầm, lại không êm ả. Sau 3 tuần lễ nhận nhiệm sở, cô bạn thân, đã giã từ bảng đen, phấn trắng. Cô rời trường, bỏ lại tôi bơ vơ giữa quận lỵ đìu hiu.  
    Đầu tuần sau, một mình trở lại trường, mang theo tờ đơn từ nhiệm giúp cô.
 - Còn ai nghỉ nữa không cô? Ông Hiệu trưởng, nhìn vào tờ đơn và hằn học hỏi tôi.
 - Dạ hết rồi. Tôi đáp lại.
        Bạn đi rồi, Thầy cô khác đến, thay vào chỗ trống. Tuy nhiên, sau 75, sự tiếp xúc giữa người và người luôn dè dặt, dù là đồng nghiệp. Nhưng còn may, trong số người mới về, có được hai vị đáng tin tưởng, tôi có thể trải lòng mình, đó là HM…và anh Lắm.
        Từ đó bộ ba chúng tôi có nhiều kỷ niệm khó quên. Thời gian chúng tôi nhỏ to chuyện trời trăng mây nước, trong trưa vắng hay chiều nhạt nắng. Hoặc đêm đêm chong đèn đi dạy “Bình dân học vụ”, những tối giảng bài cho các học sinh kém, ôn thi cho các học sinh lớp 12, đã giúp kẻ xa nhà vơi đi vài nỗi muộn phiền.
        Đặc biệt nơi hai người bạn này, tôi có sự tin tưởng tuyệt đối khi trò chuyện. HM chân tình, anh Lắm tận tình. Anh luôn giúp đỡ khi tôi gặp khó khăn. Thời gian sau này, lúc tôi có con đầu lòng, việc di chuyển lên xuống Tam Bình mỗi ngày, khó khăn hơn. Mỗi lần đưa cháu xuống Tam Bình ở trong căn nhà trọ, là mỗi lần cháu đau nặng. Có lẽ thấy hoàn cảnh quá bi đát của tôi, anh càng tận tình hơn, ngay những lúc xếp hàng mua “nhu yếu phẩm”.
        Trong một lần đặc biệt, khẩu phần cho thầy cô giáo, có thịt heo. Anh Lắm cố gắng chia phần sớm để tôi kịp chuyến xe về Vĩnh Long. Tôi không nhận, nhưng anh cứ nài ép phải mang thịt về. Lúc bấy giờ, thịt là loại "quốc cấm" khi mang đi từ nơi này đến nơi khác. Để giữ phần chắc, không phải lôi thôi, tôi dùng sợi dây, cột chặt miếng thịt mỏng như lá liễu và cầm khơi khơi, khỏi bị lôi thôi. Thế mà không tránh khỏi cảnh xét hỏi.
        Rồi một sáng tinh mơ 1978, tôi âm thầm rời bỏ quận lỵ đìu hiu để đi vào sương gió, không một lời từ giã đôi bạn thời gian nan.

alt
        Đã hơn 30 năm qua…, đang lang thang nơi trang nhà tongphuochiep.com và ghé qua khuôn viên trang Thủ Khoa Huân. Rất tình cờ tôi “gặp lại” anh Lắm, trong số hình ảnh của các cựu giáo sư. Và qua cựu Hiệu trưởng trường Thủ Khoa Huân, tôi bắt được mối dây liên lạc với anh từ đó qua thầy Nguyễn Hữu Chánh.
        Mãi đến năm 2011, trong dịp về lại Việt Nam, tôi thật sự gặp được anh.
       Anh và tôi đến quán cà phê, dưới tàng cây râm mát, chúng tôi có biết bao điều để nói. Anh kể cho tôi nghe, những gì xảy ra khi tôi rời Tam Bình. Anh có đến tìm gặp má tôi.
 -  Cô biết không, ban đầu bác gái ngần ngại, nhưng có lẽ thấy tôi thiệt tình nên bác đã kể hết cho tôi nghe về cô.
     Và anh trở về trường trong im lặng, nếu không may tôi thất bại trở về, tôi vẫn còn tiếp tục con đường sống.
     Anh tiếp tục kể diễn tiến xy ra nơi trường Tam Bình của những năm sau. Anh hân hoan kể rất nhiều cho tôi nghe về Bảo Nhi, đứa con gái cưng của anh cùng những dự trù tương lai cho đứa cháu ngoại sắp chào đời. Vừa khuấy ly cà phê, anh vừa chỉ dẫn tôi pha cà phê thế nào cho ngon, thơm hơn.
      Gặp lại anh, dĩ nhiên theo thời gian, anh có chút đổi thay nhưng sự lịch lãm của một giáo sư Pháp văn, cung cách của mấy mươi năm nơi anh vẫn còn y nguyên.
     Một ngày trước khi chia tay với anh để trở lại Úc. Anh và tôi cùng đến tiệm phở. Cả hai cùng giành trả tiền, cuối cùng anh chịu thua. Sau đó, anh giới thiệu quán cà phê có tên là Dòng Sông Xanh.
 - Giá mà ở đây có một dòng sông thì hay biết mấy, phải không anh Lắm?
 - Có nhưng ở phía sau kìa cô.
      Từ khung cửa sổ, quán Dòng Sông Xanh nhìn ra, một dòng sông nước đục ngầu, biết bao là rác rưởi, còn bám lại ở những gốc cây ven sông và một chiếc cầu gỗ bắt chúi xuống, cũng bám đầy rác.

alt

      Ngồi nhâm nhi bên ly cà phê, tôi thắc mắc hoài, nhưng cuối cùng rồi tôi cũng nhận ra đây là con sông Cầu Lầu “của tôi”. Anh phì cười và anh tiếp tục say sưa kể về Bảo Nhi. Anh kể như chưa từng ai lắng nghe anh kể. Rồi ước vọng về đứa cháu ngoại sắp chào đời.
      Gần 4 tháng sau, từ lúc trở lại Úc, tôi điện thoại về thăm anh.
 - Anh khỏe không?
 - Bây giờ cô gặp tôi, chắc cô nhìn không ra.
      Tôi cứ ngỡ anh đùa, nhưng anh cho biết đang bịnh, trong tình trạng rất nặng, anh cân nặng chỉ khoảng 40 kí lô, dắt chiếc xe Honda cũng không nổi nữa. Tôi bàng hoàng qua lời nói của bạn. Bây giờ là lúc hoàn cảnh cho phép, muốn đáp lại tấm thâm tình của bạn, nhưng anh từ chối và cho biết với đồng lương hưu bỗng, anh đủ sức trang trải. Từ lúc đó, tôi thường xuyên gọi về thăm anh. Giọng anh ngày càng yếu ớt hơn. Lời cuối cùng anh đã nói:
 - Quà của cô cho, màu áo tôi ưng ý lắm.
      Tôi chỉ biết bùi ngùi thương cảm và xin gia đình anh cho phép tôi được thông báo cùng thân hữu và các cựu học sinh của anh. Trời thật cay nghiệp, mới vừa thông báo hôm trước, hôm sau anh đã không còn.
        Sau này, HM cho tôi biết, lần cuối tôi khi gọi về, 5 phút sau, anh vĩnh viễn ra đi. Anh ra đi lúc 20:45 tối ngày 11.4.2012, trên đường từ bệnh viện Bình Dân để trở lại Vĩnh Long.

      Đời người Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Sinh, anh sinh trước tôi 21 ngày. Lão, khi tôi trở về gặp gỡ anh, diện mạo chưa phải là một cụ già. Bịnh, anh vẫn còn mạnh khỏe, không một chút gì tỏ dấu hiệu ốm đau. Tử, anh ra đi quá đột ngột. Một mất mát lớn lao khi tôi nhớ về thời hoạn nạn, tai ương, trong những ngày ở Tam Bình.
      Ngồi đây, viết cho bạn những dòng chữ này, bạn còn quanh quẩn đây không? HM và anh đã đến với tôi trong lúc tôi gặp khó khăn và cay đắng nhất trong cuộc đời, đã cho tôi một nơi an toàn để trú ẩn khi bất mãn với thời cuộc. Anh còn nhớ những gì mà anh, HM và tôi trò chuyện nơi sân trường Tam Bình không? Hôm chia tay, tôi có ý tiếc là không chụp được những tấm ảnh nơi ngôi trường cũ Tống Phước Hiệp. Anh hứa lần sau, khi trở về Việt Nam, anh sẽ giúp tôi được toại nguyện. Nhưng còn đâu nữa! Anh chỉ nói một lần rồi thôi…không bao giờ nữa.

     Không ngờ mấy mươi năm gặp lại, cũng là lần cuối cùng. Thuở sinh thời anh là một Người Bạn, một Đồng Nghiệp rất thâm tình, cương trực, sống vì, sống với và sống cho mọi người gặp cảnh khn cùng.
      Hôm nay là ngày giỗ đầu của anh, 11 tháng 4 năm 2013. Một nén nhang lòng, thành kính gửi tưởng nhớ đến Người Bạn một thời nơi quận lỵ heo hút. Hiện tại, bộ ba chúng ta, mỗi người một con đường, một lối đi, nhưng dù lúc nào, ở đâu, hình bóng Bạn sẽ mãi mãi không  nhòa phai.

Kim Phượng
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét