“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn. Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương…Màu hoa Phượng thắm như máu con tim.”**
Màu hoa Phượng thắm như máu con tim! Giọng hát người ca sĩ, từ chiếc máy thu thanh trong thập niên 60 năm nào, như đang trở lại. Tiếng nhạc, lời ca đến não lòng. Thế mà môi miệng bọn học sinh ban B chúng tôi, luôn trề nhúng: “Bài hát hay, nhưng giọng cải lương quá trời. Tiếc một đời!”
Tiếc một đời! Nhưng hình như, chính cái “vị” cải lương của người ca sĩ, đã ru hồn, đủ chuyên chở hết nỗi buồn của Phượng. Cái “vị”, một thời đã làm phập phòng, nhức nhối, chao đảo, thổn thức biết bao con tim non dưới mái học đường. Nhất là các cô cậu vừa chớm yêu, vội sầu chia ly trong ba tháng hè, chớm biết “Một ngày biệt ly trăm ngày nhớ nhau.”
Màu hoa Phượng thắm như máu con tim! Giọng hát người ca sĩ, từ chiếc máy thu thanh trong thập niên 60 năm nào, như đang trở lại. Tiếng nhạc, lời ca đến não lòng. Thế mà môi miệng bọn học sinh ban B chúng tôi, luôn trề nhúng: “Bài hát hay, nhưng giọng cải lương quá trời. Tiếc một đời!”
Tiếc một đời! Nhưng hình như, chính cái “vị” cải lương của người ca sĩ, đã ru hồn, đủ chuyên chở hết nỗi buồn của Phượng. Cái “vị”, một thời đã làm phập phòng, nhức nhối, chao đảo, thổn thức biết bao con tim non dưới mái học đường. Nhất là các cô cậu vừa chớm yêu, vội sầu chia ly trong ba tháng hè, chớm biết “Một ngày biệt ly trăm ngày nhớ nhau.”
Tình xôn xao
Thư viết
Ngại ngùng đưa
Chợt nuối tiếc hương yêu vừa thoảng
Phượng, loại thực vật thân cao, tàng lớn, rợp bóng. Từ cái thân to kia, nẩy ra những hoa - lá- cành, mong manh, dễ nhẹ nhàng lã lơi trong gió, dù chỉ một cơn thoảng qua. Những chiếc lá kép, xanh biếc, li ti. Lá rất khó ép, chỉ dễ dàng cho nắng xuyên qua kẻ nhỏ, đủ chập chờn trên môi má ai. Hoa, lại càng khó ép hơn, nhưng đã nằm vào cuối vỡ. “Muôn thuở còn thương, còn thương”
Loanh quanh nhặt cánh Phượng rơi
Ép vào cuối vở thay lời con tim
Từ hoa, nắng nhanh phản sắc, làm hây hây hồng thêm đôi má. Để đêm về
Yêu người tỏ với trăng sao
Chôn tình câm lặng nhốt vào lời thơ
Màu hoa. Nghĩ lạ! Rực cả góc trời. Hoa khoát trên mình chiếc áo maù sặc sỡ, lộng lẫy. Nhưng màu, quá tương phản với nỗi sầu, ảm đạm, của loài mang tên Hoa Chia Ly. Hoa rộ nở, sầu thêm sâu lắng, bùi ngùi, nhớ nhung. Phượng trái với những loài hoa khác, nụ vừa hé, niềm vui ùa đến, tràn đầy.
Thế có bướng không chứ, Phượng!
Hỡi, Hoa Chia Ly? Hoa rất xa tầm với. Cớ gì? Thật gần con tim bọn trẻ. Chỉ một lần trong đời, con tim phập phồng, đủ suốt đời, lòng mãi đa đoan, ngẫn ngơ. Càng ngơ ngẫn với ai kia.. mang tên hoa.
Hạ về rực sắc trên cao
Huỳnh Đàn, Phượng Vĩ nôn nao đợi chờ
Chờ người trong trắng ngây thơ
Bầy ve tấu khúc mộng mơ trữ tình
“Phượng không thơm, Phượng chưa hẳn là đẹp.”* Phượng chỉ đẹp trong sân trường, vì
“ Chỉ có bọn học sinh yêu và hiểu hoa Phượng nhất”*. “Ai xuôi hoa Phượng nhiều. Ai dạy cho hoa Phượng cái màu xa xăm.”*
Phượng trong vuông trường trung học, Phượng tăng cái đẹp bội phần, thêm quyến rủ, đủ thôi thúc nỗi nhớ mong. Cái vuông sân be bé ấy, hoa đầy tình, đủ ý, mang nhiều tên. Cái tên tạo bởi, do tình. Phượng hồng, Phượng đỏ, Phượng xác pháo, Phượng máu người, Hoa học trò, Hoa chia ly, đều là hoa Phượng Vĩ. Trong sân trường, “ Phượng tươi nhưng mà tươi quá quắt. Phượng đẹp nhưng mà đẹp não nùng.”* Thiếu tiếng ve râm ran, “ Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng”, sẽ không còn là Phượng để nhớ nhung.
Hình như còn một tiếng ve
Ẩn trong lá biếc trưa hè râm ran
Phượng Hồng rực sắc huy hoàng
Phơi mình uống nắng tơ vàng rơi mau
Phượng rực sắc, ve râm ran, nhưng cứ ngỡ
Trưa hè ngỡ nắng ngủ im
Tiếng ve réo gọi môi tìm môi trao
Khi thơ thẩn dẫn hồn tìm ký ức
Nụ hôn đầu ray rức đọng bờ môi
Rồi một hôm…“Ngoài trời Phượng rơi trong lòng xuyến xao”.
Tàn rồi cánh Phượng – Hạ đã qua
Vàng phai sắc lá_ Lá thay hoa
Trải theo lối đi ngày cũ
Nhuộm lòng vàng úa bên xác hoa
Phượng bàng hoàng, ngẫn ngơ, cảm hoài người ngắm. Tà áo ai, trắng trinh nguyên, lượn bay dưới tàng Phượng vĩ
Thẹn thùng nón lá nghiên che
Sân Tống Phước Hiệp nắng hè vừa sang
Thèm rong những bước chân hoang
Cả bầy ngổ ngáo có chàng bâng khuâng
Khi tiếng trống trường chưa giục giã đến giờ học. Bọn nam sinh tha hồ ngoan, các chàng sớm vào lớp cất tập vở, rồi vội vã bước ra. Đứng dọc theo hành lang, rà mắt xuống tàng Phượng, thả hồn mộng mị và tim các chàng tha hồ… rụng rơi. Tội quá! Chỉ tội cho các vị giáo sư trẻ, mới đổi về trường. Mùa Phượng nở, các thầy bỗng dưng mất đi cái uy quyền trong lớp học. Bước qua dãy hành lang, các thầy vờ không nhìn, nhưng mắt thật sắc, quét nhanh xuống tàng Phượng, rồi đảo nhanh, dám nào đứng thả hồn tự nhiên như lũ nam sinh của thầy. Phượng, mãi là hoa của học trò. Bù đầu bên sách vở, mệt nhọc bên con toán, hướng tầm mắt về Phượng, cho chút tình, bỏ vào Phượng chút ý, các cô cậu cử sẽ quên ngay phút giây mệt nhọc lúc ôn bài.
Lũ ve inh ỏi thày lay
Rỉ tai Phượng vĩ men say tình chàng
Rồi … “Thôi học trò đã về hết rồi. Hoa Phượng ở lại một mình. Chỉ có hoa Phượng thức để làm vui cho cảnh trường. Hoa Phượng thức nhưng thỉnh thoảng mệt nhọc cũng lim dim. Hoa Phượng mơ, hoa Phượng nhớ. Hoa Phượng đẹp với ai khi học sinh đi cả rồi. Phượng xuôi ta nhớ cái gì đâu. Người nào cũng có sắc Phượng trong hồn. Phượng có linh hồn sắc xảo mênh mang. Ấy là lời kêu kỳ bí của mùa hè.”* Nhưng“Ai chở mùa hè của tôi đi đâu?” Mùa thi qua. Học sinh tay cầm mảnh bằng, vui chân sáo. Những bước thênh thang, ngưỡng cửa đại học mở rộng, xa lạ, gọi mời. Liệu, lòng còn nhớ Phượng chăng!?
Khi tôi buồn hay mơ về trường cũ
Kỷ niệm một thời im ngủ trong tim
Thèm bờ vai
Đầu tựa giấc êm êm
Giờ tan học - Mắt môi mềm mộng mị
Sân trường đại học rộng, không lấy một bóng Phượng. Nhưng bọn sinh viên SPCN, được gần Phượng, gặp Phượng trong Hiển Hoa Bí Tử của thầy Phạm Hoàng Hộ. Thầy sáng sủa như dân tây, bảnh bao hơn với chiếc cà vạt luôn đính trên ngực áo. Thầy có biệt danh Thành Được 2, vì nét giống hao hao. Trông điềm đạm, nhưng giờ học, thầy dạy ào ạt như vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Bằng đôi bàn tay tài tình, nhuần nhuyễn của thầy, “phân tích” hoa, này là cánh hoa, đâyï là nhụy, nọ là đài hoa. Bọn nam sinh thì thầm: “Chơi hoa rồi lại bẻ cành.”
Thầy nào trò nấy, qua bài học của thầy, tôi cũng mang một biệt danh mới. Thầy vừa vào lớp, cái ồn ào vội im bặt:
- Hôm nay tôi sẽ dạy cho anh chị về hoa Phượng…
Lời thầy chưa dứt, Sơn Thể Phượng, quay sang tôi hét to:
- Ê Phượng, tên tụi mình đi vào văn học sử.
Tên chưa vào..mà tất cả con mắt bên trong giảng đường đang im phăng phắc, đều dán vào bộ mặt dễ quê của hai chúng tôi. Tên Phượng Nhí của tôi được thay đổi từ đây, biệt danh mới rất ư là khoa học Delonix Regia, tên của Phượng Vĩ. Cái tên mới của tôi, Delonix trở nên thông dụng trong các lần du khảo ngoài hải đảo, nhất là những đêm quây quần bên lửa trại. Làm con gái Khoa Học là vậy đó. Đẹp! Cái đẹp hoa lá cành, chỉ dành riêng cho nam sinh viên cùng khoa, ngưỡng mộ. Quanh lửa trại của Tổng Hội Sinh Viên, qua câu hò đối đáp, khối Văn Khoa, Luật khoa, hò to, ngân dài:
“Khoai lang chấm muối ăn bùi
Cưới vợ Khoa học _ Lấy bà cùi sướng hơn”
Người tức tối nhất, vẫn là các giảng sư dạy chúng tôi:
- Thế mà con trai Khoa học chịu ngồi im à?
Biết sao hơn, hỡi thầy, khi có người thích ăn khoai lang chấm muối.
“Người ơi, nhắc chi đến kỷ niệm xưa, khiến lòng tôi buồn buồn.” Những kỷ miệm thời niên thiếu. “Đâu dư âm của tiếng nói ngây thơ.” “Thời gian nở vùi chôn tuổi học trò.”
Khi tôi buồn hay mơ về trường cũ
Nơi một thời nào?
Đông đủ người xưa
Rười rượi buồn
lay động
cánh hoa thưa
Đỏ thắm máu tuổi học trò vụng dại
Lòng tràn ngập nhớ thương, những người bạn năm xưa dưới mái học đường.
Thơ ngây khép vội - Thay màu áo
Mang nhẫn vu qui - Khoát lụa hồng
Người đã theo chồng - Dâu người ta
Chiều vàng hắt nắng tưới lên hoa
Phượng Hồng thiếu sắc - Tim tan vở
Nhuộm đỏ góc trời một nơi xa
Phượng, tôi, nổi trôi đến lục địa Úc Châu, vẫn bảng đen, phấn trắng, nhưng lần này thật sự yêu nghề. Trong vuông trường Việt ngữ Trương Vĩnh Ký, có dịp “gỏ đầu” hai nữ sinh tý hon, trùng tên cô giáo là Tú Phượng và Khánh Phượng.
Phượng tôi quen, Phượng tôi biết, ai cũng mang chữ lót thật kêu, rất đẹp. Ngoại trừ tôi, tên tôi mang chữ lót “Kim”, nghe thật cù lần, theo suy nghĩ bản thân. Có lần tôi đã mè nheo với má.
- Mười đứa con, sao má chọn làm chi một chữ lót Kim? Máù không lựa chữ nào nghe kêu một chút, vậy má.
Má tôi, nụ cười thật ấm.
-Trong mười anh chị em, má chọn cùng một chữ lót, để các con luôn biết yêu thương nhau.
Bà khiến tôi sững sờ, “ biết yêu thương nhau.” Điều giải thích trên, tôi còn gì để nói. Nhưng bản thân tôi, người yêu khoa học, nhưng ưa mơ màng, suy tư, lý luận, nên tôi chẳng dừng lại nơi đây.
- Trong sáu chị em gái, tại sao chỉ mình con, má lại chọn tên loài hoa mà đặt?
Má lại mỉm cười, cũng nụ cười ấm
- Phượng là Phượng Hoàng, tên một loài chim quý đó con.
Nhưng qua thăng trầm của cuộc đời, tôi cảm nhận, tên mình vận vào loài hoa
Định mệnh mang tên loài hoa
Ve sầu cất tiếng - Lìa xa cuộc đời
Loài hoa chia ly, hoa biết buồn, nỗi buồn củaPhượng.“Ngày xanh ơi ngày xanh chết trong tim..”
Đời sống sinh viên, một chân, trong sân trường đại học vẫn còn đó, một chân ngượng ngùng bước ra trường đời. Là một giáo sư toán, kiêm luôn môn vạn vật, nhưng chưa dấu hết nét ngây ngô của người nữ sinh viên. Làm “thầy” các anh chàng, kém tôi đôi ba tuổi. Các anh chàng thích làm người lớn, mà lớn thật, so về thể chất, cao hơn cô cả cái đầu. Đàng sau lưng cô giáo trẻ, văng vẳng tiếng nỉ non: “Yêu người yêu Phượng yêu hoa đầu mùa, yêu màu rực rở yêu CÔ mù loà.” Bên cạnh tiếng nỉ non, còn những tiếng nói không lời, chỉ bằng ánh mắt. Nhưng các em học trò của tôi ơi! “ Vòng tay học trò làm sao em giữ nổi cô.” Mà không giữ nổi thật. Tôi rời Việt Nam, đầu mùaPhượng, hoa vừa chớm nở. Tôi bỏ lại sau lưng trường lớp, bỏ luôn đám học sinh đang chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp Tú tài hai.
Rồi các em xa trường, xa bạn, xa hàng Phượng Vĩ thân yêu. Còn cô, xa mù khơi, chưa một lần trở lại quê nhà, từ mùa Phượng1978.
Phượng Hoàng, loài chim quý, mà bay xa đến thế sao?
Phượng Hoàng, qua những bêû dâu, những tang thương, nổi trôi của cuộc đời. Trong tận cùng cảm nhận, Phượng không là loài chim quí, như ý của mẹ. Tên tôi vận vào tên loài hoa.
“Bài thơ Phượng Vĩ ai phổ nhạc
"Tiếng hát nào rung động hồn hoa”****
Gần 3o năm, chưa một lần trở lại quê nhà, để tìm dư hương ngày cũ
“Trong tim yêu nhỏ màu Phượng thắm
Nay đã khô… theo mối tình sầu”****
“Trường còn kia ôi mái đổ tường rêu, nơi kỷ niệm êm ái. Đâu dư âm của tiếng nói ngây thơ…Thời gian nở vùi chôn tuổi học trò."
“Nếu vô tình em qua trường cũ
Chạm màu hoa đụng đến hồn thơ”****
Làm sao tìm lại người nữ sinh ngổ ngáo ngày nào…
Vin cành vắt vẻo đôi môi hé
Răng khểnh cười khoe chân đu đưa
Bao bài văn, thơ, nhạc, nhiều, rất nhiều gợi về Phượng. Nhưng tôi vẫn, chẳng ưa được tên mình. Cái tên mà ve sầu cất tiếng là xa cuộc đời. Nhưng một lần thật tình cờ, qua làn phát thanh của đài SBS Úc Châu. Bài tùy bút Hoa Phượng của Xuân Diệu. Với giọng đọc đều, trầm ấm của người xướng ngôn. Phần kết thúc bằng giọng hát Ý Lan, qua nhạc phẩm Phượng yêu. Người ca sĩ, mà không ít người ưa, ngay cả chị tôi, vì tính điệu của cô. Riêng tôi, sau tiết mục này, tôi có chút thiện cảm với tên mình, tên mình có đôi chút dễ thương.
Đang bâng khuâng về thời áo trắng, bài viết về Phượng cho đặc san Tống Phước Hiệp còn dở đang, chưa hoàn tất, thì từ một nơi xa xôi, những cánh Phượng, bay về. Nơi của thành phố mù sương. Nơi tôi được biết có hàng Phượng Vĩ tuyệt vời. Nơi Phượng chớm nở vào tháng sáu. Bây giờ đã là tháng mười, vẫn còn những cánh hoa nở muộn.
Cành cao trổ muộn nụ hồng
Tim nay lại thắt thêm vòng bâng khuâng
Những cánh hoa ép, đã khô, dù màu không sặc sỡ như lúc trên cành. Nhưng sắc còn đỏ, hoa vẫn đằm thắm và “có linh hồn sắc sảo mênh mông”. Hoa mang sương đêm của Đà Lạt, nắng mai của xứ sương mù, ấp ủ nụ thơ Đà Lạt trăng mờ của Hàn Mạc Tử, cùng thâm tình của người dân thiểu số, hiền hòa, Kađơn.
Mới đây, tuần qua, từ đôi bàn tay nhỏ bé của hai em học sinh trường Việt ngữ. Quà em mang tăng cho cô giáo là một đĩa CD, Nỗi buồn Hoa Phượng. Liên khúc Nỗi buồn Hoa Phượng - Lưu Bút Ngày Xanh. Ôi chao là nhớ! Rồi đây tôi sẽ không còn ghét cái tên của mình nữa. Những lời văn lãng mạng của tuổi học trò. Lời ru văng vẳng.
Ru, lời ru mời Em trở về, sẽ trở về tìm hàng Phượng Vĩ tuyệt vời.
Em trở về mây ngang tầm với
Hoa Học Trò ngậm nắng muộn rơi.
Ôi chao là nhớ! Nhớ áo ai trắng quá một thời. Buồn ai khổ mãi một đời. Gom nhặt vào đây, những câu thơ, lời nhạc, đoạn văn, thật trữ tình, đầy gợi nhớ, làm nên quyển lưu bút ngày xanh này, ghi hết tâm tình. Tâm tình cả mùa hạ, thương ca suốt mùa hè, nức nở.
Thương ca … tóc ngắn không còn nữa
Tiếc thời con gái bận đón đưa
Thời bận đón đưa đã xa!Tuy nhiên, người đọc vẫn có thể tìm thấy ít nhiều về màu áo trắng của mình trong bài viết này xem như là “Quyển lưu bút ngày xanh”.
“Cứ để phượng buồn trôi ven sông”****
“Phượng nở ven sông phượng vẫn chờ!” ****
Phượng vẫn chờ, vẫn rực sắc, mà người vẫn xa..
Phượng Hồng rực sắc trên cao
Mùa hè năm ấy xa nhau trọn đời
Một mùa hè tang thương, mỗi người một phương trời.
Đất trời nổi trận phong ba
Mùa hè năm ấy chia xa phận người
Người ra đi..
Ai đi mang hết cuộc vui
Người còn ở lại…
Cho người ở lại đành xuôi mệnh trời
“Thời gian đã vùi chôn tuổi học trò”.
Bao năm viễn xứ...
Lần tay so lại tuổi đời
Chao ôi! Tôi nay đã mất thời xuân xanh
“Phượng vui cái vui tươi như là làm cho thái quá, để giấu cái sầu u uất.”*
Phượng, một cánh hoa nhỏ, đủ chao lòng thi nhân. Phượng cánh hoa đời, một thời làm lòng ai bâng khuâng. Và...
“ Nếu ai đã từng run cảm, đôi lần nhặt màu hoa thắm, lòng bâng khuâng biết mình đã yêu..”***
Đã yêu!?
“Yêu Phượng.., yêu chỉ một lần thôi!”*****
Kim Phượng
* Hoa Học Trò của Xuân Diệu
** Nỗi Buồn Hoa Phượng của Thanh Sơn
***Thương Ca Mùa Hạ của Thanh Sơn và Bảo Thu
**** Bài Thơ Phượng Hồng Nhớ Hạ của Tôn Thất Phú Sĩ
***** Phượng Yêu của Phạm Duy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét