Lục địa Úc Châu chuyển mình vào xuân. Xuân của đất trời, hoa khoe sắc, tỏa hương ngào ngạt. Tại thành phố Melbourne, trong khuôn viên Đền Thờ Quốc Tổ, Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện, đến từ kinh đô ánh sáng Paris. Sự hiện diện của ông, xuân nơi đây thêm rực rỡ, háo hức hơn.
Xuân của lòng người!
Quách Vĩnh Thiện, ông là ai?
Đó là cậu bé 8 tuổi đời, đủ kiên nhẫn, lắp ráp một chiếc xe đạp cho riêng mình. Tuổi lên 9 lên 10, cậu đam mê cả võ thuật lẫn âm nhạc. Do duyên lành, lúc còn là học sinh của trường Petrus Ký, cậu được nghe thuyết giảng về hai chữ “Có - Không”. Vốn đam mê âm nhạc từ bé, nhưng gia đình không cho phép cậu xuất hiện nơi công cộng. Dù bị ngăn cấm, dù bị nhừ đòn, vẫn không ngăn nổi tiếng đàn đang thôi thúc trong lòng chàng trai trẻ. Cậu đã có mặt trong những buổi đại nhạc hội, đệm đàn cho các danh ca một thời như Thái Hằng, Thái Thanh, Thanh Thúy, Cao Thái…Đầu thập niên 60, cậu thành lập ban kích động nhạc Les Fanatiques và nổi tiếng ngay khi chơi bài Apache. Tiếng đàn còn vượt xa hơn, đến tận các Club ở phi trường Tân Sơn Nhất hoặc các rạp hát lớn như Đại Nam, Khải Hoàn, Đa Kao. Hẳn một số người cùng thời, có lẽ vẫn chưa quên.
Những ngày huy hoàng, đáng nhớ ấy, tưởng chừng bất tận, nhưng tiếc thay, đành khép lại khi cậu lên đường sang Bordeaux du học. Rời quê hương, xa vòng tay ấp yêu của cha mẹ, tạm dung “sống nhờ đất khách”. Cậu vừa đi học vừa bươn chải kiếm sống. Sinh ngữ là trở ngại lớn trong việc học, lại quá nhiều vất vả trong việc làm thêm, nhưng thấm vào đâu với những đêm xong việc, ra về trong đơn lạnh, dưới buốt giá xứ người. Chừng ấy về thời niên thiếu, đã ảnh hưởng gì đến cuộc đời ông!?
Đó là chuyện về sau.
Mỗi người được sinh ra là một tặng phẩm tinh khôi ban cho đời và theo thời gian…cuộc đời mỗi người một khác.
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao*
Hai câu thơ trên đã ứng thế nào vào vận mệnh đời ông!?
Một Quách Vĩnh Thiện, kỹ sư, sau những năm tháng truân chuyên. Một Quách Vĩnh Thiện, nhạc sĩ, thỏa mãn thú đam mê âm nhạc. Có lẽ chàng thư sinh ngày nào, nhuốm “phong trần” từ lúc rời Việt Nam, sống tha phương, trải qua nhiều dâu bể, lắm đoạn trường. Sống nơi phồn hoa, tráng lệ ấy, không ai “cho thanh cao”, mà tự ở ông và đã giữ hướng đi cho riêng mình.
Cuộc sống đang êm ả, cây đời đã bám rễ sâu nơi đất người, nhưng định mệnh nào, một lần phủi bụi thời gian khi sắp xếp lại chồng sách cũ. Hồi ức bất chợt trở về trong phút giây tình cờ, khi ông đọc đến câu thơ thứ 890, trong tác phẩm Đoạn trường Tân Thanh của Đại thi hào Nguyễn Du:
Sống nhờ đất khách thác chôn quê người*
Câu thơ 8 chữ đã mãnh liệt khơi lại cả quảng đời đã qua. Ông cảm thân mình, thương vay phận Kiều, nỗi nhớ cố hương, nơi một lần ra đi đã mất lối quay về. Kể từ đó, một sợi dây vô hình, đã buộc chặt đời ông vào nội dung tác phẩm nằm trong cuốn sách cũ kỷ kia.
Truyện Kiều, nói về thân phận người con gái tài sắc vẹn toàn, sống trong bối cảnh xã hội đầy hệ lụy, muôn đời vẫn làm rung cảm con tim của những ai biết khóc cười trước tình tiết éo le và Quách Vĩnh Thiện, không ngoại lệ. Sự đồng cảm nơi ông bởi trải nghiệm cuộc sống chính mình và Trường ca Kim Vân Kiều ra đời sau 5 năm ròng thực hiện. Mối giao duyên Thơ Nhạc là sự đồng hành của Đại thi hào Nguyễn Du với 3254 câu thơ lục bát và Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện với Trường ca Kim Vân Kiều gồm 77 bài nhạc đủ thể loại, từ nhạc tân thời đến cổ điển, được gói gọn trong 7 CD.
(Nhiếp ảnh gia Bùi Quốc Hùng - Quách Vĩnh Thiện)
Có thể nói, truyện Kiều của Nguyễn Du trước đây, phần lớn chỉ phổ thông trong nước, qua đọc, ngâm hay dùng làm sách bói. Nhưng qua dòng nhạc của Quách Vĩnh Thiện, Kim Vân Kiều trở thành một tuyệt tác được nhiều quốc gia trên thế giới biết đến.
Điều cao quý mà người nghe có thể cảm nhận, tìm thấy, trong dòng nhạc của ông, là sự tôn trọng ông đã dành cho Nguyễn Du. Ông giữ y nguyên, không đánh mất hay thay đổi vị trí lời thơ của người để tìm sự dễ dàng, độc đáo hơn cho dòng nhạc của mình. Và càng cao quý hơn với tâm nguyện bảo tồn, gìn giữ văn hóa nước Việt Nam, cho bây giờ và tiếp nối những thế hệ mai sau. Thế hệ của những người dù không học đến, nhưng có thể biết qua, hiểu được và thuộc lòng ít nhiều về Đoạn Trường Tân Thanh. Ngoài ra, việc làm của Quách Vĩnh Thiện là một minh chứng cho lời nói Học giả Phạm Quỳnh, vẫn còn giá trị cho đến ngày nay: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; Tiếng ta còn, nước ta còn”.
Có lẽ, những hạt mầm “Có – Không” được gieo vào lòng ông ở thời khá trẻ ngày nào, đây là lúc hoa trái thiện tâm đến thời rộ nở. Thấp thoáng đâu đó, Quách Vĩnh Thiện dốc lòng bên phím đàn là Quách Vĩnh Thiện thời thơ ấu khổ công hoàn tất chiếc xe đạp. Một Quách Vĩnh Thiện nuôi dưỡng tâm bằng “Có – Không” thời trẻ cũng là Quách Vĩnh Thiện hôm nay đã cố gắng chuyên chở, nhắc nhở cho chính ông và cho mọi người về “ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”*.
Hôm nay, lúc 2 giờ chiều ngày 28 tháng 9 năm 2013, trong Đền Thờ Quốc Tổ, có sự đồng cảm, đồng tâm họp lực của số đông người đến tham dự. Điều vinh dự là sự có mặt các vị đại diện Cộng Đồng Úc Châu ở Melbourne. Ngoài sự hiện diện của một số ca sĩ cộng tác cho chương trình thêm phần linh động, ông Kiều Tiến Dũng, một người tuổi đời khá trẻ, so với số tuổi ra đời của tác phẩm, nhưng ông luận về Kiều qua cái nhìn của một nhà Toán học, thật sâu sắc và khi ông nối kết câu thứ nhất với câu thứ 3254 của cụ Nguyễn Du, khiến người nghe cảm phục và đáng suy ngẫm. Chắc rằng, những người có mặt trong buổi chiều nay, sẽ là người cùng đồng hành với Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện trong việc gìn giữ, chuyên chở, phổ biến di sản thêm sâu rộng và xa hơn nữa. May mắn thay, những hình ảnh ngày đáng nhớ này, đã được một nhiếp ảnh thiện lương Bùi Quốc Hùng ghi lại. Một người làm việc bằng trái tim nhân ái, anh đến và đi trong âm thầm, nhưng đã để lại những hình ảnh quý báu, cho đến muôn đời sau.
Trong khung cảnh trang nghiêm, với bài vị, hình ảnh tiền nhân, anh hùng tử sĩ, những vị quá cố có công lao đóng góp, hương trầm nghi ngút, ánh nến lung linh. Một cảm giác chợt đến… hồn thiêng như đã hòa vào, quyện lấy dòng nhạc và mối thương tâm không kềm chế…dòng lệ chợt rơi…Dòng lệ của người tha hương đang sống trên đất khách.
Quách Vĩnh Thiện người gìn giữ kho tàng văn học, di sản của nhân loại qua dòng nhạc và chắc chắn rằng, hôm nay sẽ có nhiều người ở thế hệ này và thế hệ mai sau sẽ tiếp tục thừa kế di sản của ông, hầu đóng góp vào sự mất còn của nước Việt bằng thiện tâm. Và tôi tự hỏi, những người đã khóc cho thân phận một nàng Kiều của mấy trăm năm trước, có biết ở thời đại này, còn bao nhiêu nàng Kiều vẫn còn lưu lạc xa xứ, để báo đáp công ơn nuôi dưỡng của mẹ cha. Hãy đặt mình vào cương vị nàng Kiều, để biết khóc cười trước vận nước nổi trôi, không trách mệnh trời, tiếp tay với Quách Vĩnh Thiện và làm một điều gì đó trong việc gìn giữ Tiếng Ta và Nước Ta vậy
* Thơ Nguyễn Du
Kim Phượng
Úc Châu 28.9.2013
Vài Hình Ảnh của Bùi Quốc Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét