Các triều đại TQ đều tôn Nghiêu Thuấn là bậc minh quân thánh hiền, hành động nhường ngôi của họ luôn luôn là giai thoại được lưu truyền trong sử sách.
Sau
thời Hoàng Đế, một số thủ lĩnh liên minh bộ lạc nổi tiếng
lần lượt ra đời. Thí dụ như Nghiêu, Thuấn v... v, họ ban đầu chỉ
là tù trưởng bộ lạc thị tộc, sau mới được bầu làm đại tù
trưởng liên minh bộ lạc.
Trong
cuốn "Thượng Thư" có truyện "Nghiêu Điển" do người viết sử
triều nhà Chu sưu tầm và biên soạn, đã tường thuật lại truyện
Nghiêu, Thuấn nhường ngôi.
Bấy
giờ, vì có việc hệ trọng, nên đại tù trưởng liên minh bộ lạc
đã triệu tập tù trưởng các bộ lạc lại cùng bàn đối sách.
Lúc này Nghiêu đã tuổi già sức yếu, ông bắt đầu nghĩ tới
việc do ai kế thừa chức vụ của mình. Tức thì, ông liền hỏi ý
của bốn tù trưởng của bộ lạc thị tộc Viêm Đế. Khi ông vừa
nêu ra thuyết tưởng này thì có một người tên là Phóng Tề nói:
"Con trai ông là một người sáng suốt, có thể đảm nhận chức
vụ này". Nghiêu nghe vậy liền nghiêm nghị nói: "Không được,
thằng này đạo đức còn rất kém, không có hàm dưỡng, lại hay
cãi cọ với người khác ". Có một người lại đề cử rằng: "Cộng
Công phụ trách về thủy lợi cũng là một người tốt chứ sao".
Nghiêu lắc đầu nói: "Cộng Công là một người khéo ăn khéo nói,
bề ngoài rất khiêm nhường, hòa nhã. Nhưng bên trong thì lại
khác, tôi không thể tin được." Mọi người bàn luận mãi mà vẫn
chưa tìm được người nào xứng đáng, đành phải tan cuộc để bàn
sau.
Mấy
hôm sau, Nghiêu lại triệu tập bốn tù trưởng lại bàn tiếp, các
tù trưởng đều nhất trí tiến cử Thuấn. Nghiêu nghe xong liền
gật gật đầu nói: "Tôi cũng từng nghe nói Thuấn là một người
tốt, vậy các ông hãy giới thiệu tỉ mỉ về anh ta".
Tức
thì, bốn người liền tranh nhau kể về tình hình của Thuấn.
Thuấn người Đông Di, cha Cổ Tầu là một ông già hồ đồ, mẹ đẻ
mất sớm, người mẹ kế cay nghiệt và đanh đá sinh được một con
trai đặt tên là Tượng, anh này là một người ngông cuồng làm
càn, rất là vô lễ, nhưng lại được Cổ Tầu rất cưng chiều. Cả
nhà đều coi Thuấn là cái gai trước mắt. Nhưng Thuấn tuy sống
trong một hoàn cảnh như vậy, mà vẫn một mực kính hiếu đối
với cha mẹ, thương yêu chăm sóc em, chứ không hề oán trách gì,
quả là một người đạo đức cao thượng.
Nghiêu
nghe xong vô cùng phấn khởi, bèn quyết định đem hai người con
gái của mình là Nga Hoàng và Nữ Anh gả cho Thuấn, chia cho
Thuấn rất nhiều lương thực và bò cừu. Đồng thời quyết định
tìm hiểu thêm về Thuấn. Người mẹ kế và em của Thuấn biết
được việc này tỏ ra vô cùng ghen tỵ, họ liền bàn với Cổ Tầu
tìm cách hại Thuấn bằng được mới thôi.
Một
hôm, Cổ Tầu bảo Thuấn trèo lên sửa nóc nhà kho, trong khi Thuấn
đang mải sửa nóc nhà, Cổ Tầu liền cất thang đi rồi châm lửa
đốt. Thuấn thấy lửa bốc cháy vội vàng tìm thang để xuống,
nhưng chẳng thấy thang đâu. Trong lúc nguy cấp, Thuấn liền bỏ
nón trên đầu xuống, rồi hai tay cầm vành nón nhảy xuống mới
thoát nạn.
Cổ
Tầu và Tượng thấy Thuấn chưa chết, thì thua keo này lại bày
keo khác. Một hôm, họ bảo Thuấn đi đào giếng, khi Thuấn đang hì
hục đào ở phía dưới, thì họ ở bên trên liền đổ đất đá
xuống rồi lèn chặt, những tưởng phen này Thuấn tất chết, nhưng
dè đâu dưới giếng có một ngách có lỗ thông lên trên, Thuấn an
toàn chui ra khỏi giếng, mà tuyệt nhiên không hề oán trách ai,
cứ thản nhiên như không có việc gì xảy ra.
Nghiêu
quan sát thấy Thuấn quả là một con người thông minh nhanh trí,
rất khoan dung đại lượng, kiêm đủ đức tài, bèn nhường ngôi Đại
Tù Trưởng cho Thuấn. Sau khi kế vị, Thuấn không phụ lòng mong
mỏi của mọi người, ông sống rất cần kiệm, cùng lao động và
đồng cam cộng khổ với dân, nên được mọi người yêu mến.
Theo http://maxreading.com
Kim Phượng Sưu Tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét