Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Những Người Thầy Của Đức Khổng Tử ( Phần Cuối)

Người Thầy Thứ Tư

       Trong thời Xuân Thu, Khổng Tử thường đi chu du đến nhiều vùng để quảng bá học thuyết của ông. Một ngày khi đang hối hả đi làm công việc, ông đã gặp ba đứa trẻ đang chơi đùa trên đường. Một trong số chúng lấy cát và đất để đắp một cái thành. Đứa trẻ đó là Hạng Thác. Cậu bé vẫn mải mê với trò chơi của mình và hoàn toàn không hay biết gì về chiếc xe ngựa của Khổng Tử. Khổng Tử xuống khỏi xe của mình và trò chuyện một cách thân mật với cậu bé, “Tại sao cậu không tránh đường cho xe ngựa chạy ?” Đứa trẻ nói như một người lớn và bảo rằng “ Từ xưa đến nay, chỉ nghe nói xe phải tránh thành chứ không hề có chuyện ngược lại bao giờ”. Khổng Tử hỏi “Cái thành mà cậu nói ở đâu thế ?” “ Nó ở đây”, Hạng Thác chỉ tay về phía bãi đất. Khổng Tử nhìn thì quả thực có một cái thành nhỏ được xây bằng cát và đất.
Khổng Tử bái cậu bé làm Thầy
Khổng Tử thấy rất thích thú với cậu bé này, và quyết định thử tài cậu ta bằng một vài câu hỏi : 
Khổng Tử : “ Nước nào là nước không có cá ?” 
Hạng Thác “ Nước giếng” 
Khổng Tử “ Loài trâu nào không nghé ?”
Hạng Thác “ Loài trâu đất”
Khổng Tử “ Lửa nào không có khói ?
Hạng Thác “ Lửa đom đóm”
Khổng tử “ Thành nào không có quan viên?” 
Hạng Thác “ Thành bỏ trống” 
Khổng Tử “ Phụ nữ nào không chồng ?”
Hạng Thác “ Tiên nữ trên trời”
Khổng Tử hỏi 40 câu và nhận được 40 câu trả lời rất chính xác. Sau đó đến lượt Hạng Thác hỏi lại Khổng Tử “ Ông có biết con người có bao nhiêu nhiêu sợi lông mày hay không ?”
Khổng Tử không thể trả lời được câu hỏi của Hạng Thác. Vì vậy ông thở dài và nói “ Hậu sinh khả úy” 
Khổng Tử sau đó mời Hạng Thác chơi trò đánh bạc với ông. Hạng Thác trịnh trọng nói, "Tôi không đánh bạc. Nếu hoàng đế thích đánh bạc, nơi đó sẽ không có hòa bình. Nếu bậc vương giả thích đánh bạc, họ sẽ không quan tâm đến quản lý nhà nước. Nếu một quan chức thích đánh bạc, anh ta sẽ bỏ bê nhiệm vụ của mình. Nếu người nông dân thích đánh bạc, cây trồng của họ sẽ mất năng suất. Nếu một đứa trẻ thích đánh bạc, cậu ta sẽ bị tù tội. Cờ bạc không có một chút tốt đẹp, vậy tại sao tôi phải học nó? "
       Sau khi Khổng Tử nghe nói như vậy, ông vô cùng khâm phục đứa trẻ này và mời Hạng Thác là thầy giáo của mình. kể từ đó cậu bé bảy tuổi Hạng Thác đã trở nên rất nổi tiếng . Câu chuyện của Hạng Thác truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên xuất sắc trong quá khứ. Lịch sử Trung Quốc có nhiều các ghi chép về những thần đồng dưới mười tuổi nhưng đã có những đóng góp tốt đẹp cho đất nước Trung Hoa.
http://bocau.net/

Người Thầy Thứ Năm

       Khổng Tử và các học trò trên đường sang nước Vệ, gặp một người đang cày ruộng, bèn sai học trò tới hỏi thăm đường. Người đi cày trỏ về phía Khổng Tử mà hỏi:
- Người đang ngồi kia là ai vậy?
Học trò đáp:
- Đó là thầy tôi.
Người đi cày bảo:
- Thiên hạ bây giờ lắm đạo, nhiều thầy. Trong nhà vừa mất trộm, ra ngõ gặp ngay một kẻ xưng là thầy thì còn gì chán hơn thế nữa. Ta hỏi thầy ngươi là ai mới được chứ?
Học trò đáp:
- Thầy tôi là Khổng Tử. Đạo của thầy tôi là đạo lý, không phải đạo tặc. Đạo ấy chẳng liên quan gì đến việc trộm cắp cả.
Người đi cày bảo:
- Thế tại sao cũng gọi là đạo? Chẳng phải cuộc đời bao giờ cũng chính là một vụ ăn cắp vĩ đại đó sao? Vì thế mới sinh ra đạo lý. Vậy mà bảo chẳng liên quan gì thì ai mà tin được. Cái ấy gọi là “đạo tặc khứ, đạo lý lai” (Đạo tặc vừa đi khỏi, đạo lý liền đến ngay). Hai thứ ấy cứ thay nhau trở qua trở lại mãi như thế. Khổng Tử thầy ngươi có phải là người đang tìm đường trở về cái chỗ ngu nhất hay không? Sao đến bây giờ mà vẫn còn mờ tối thế? Có mỗi một con đường (độc đạo). Lại có mỗi một người đi (độc hành). Thế mà còn phải hỏi!
Học trò trở lại thưa. Khổng Tử trầm ngâm một lát rồi than rằng:
- Đó là một bậc ẩn sĩ đấy. Dạy ta biết nghĩ là Cha, Mẹ. Dạy ta biết những điều ta nghĩ đã tới đạo hay chưa? chính là kẻ đi cày kia.
Thấy các học trò ngơ ngác có vẻ chưa hiểu. Khổng Tử nói tiếp:
- Chẳng phải các ngươi vì quá hăng hái nên lúc nào cũng sẵn sàng đi nhầm đường đó hay sao? Vì thế thỉnh thoảng mới cần phải dừng lại hỏi thăm. Giả sử hôm nay ta không nghe được những lời nói từ miệng người thợ cày kia thì có lẽ phải ôm hận không biết đến bao giờ.
       Một hôm khác, Ngài cùng các học trò đi qua một làng nọ, gặp một bà mẹ đang ôm lấy anh con trai của mình mà gào khóc thảm thiết. Anh con trai mũ cao áo dài, hài vớ, cân đai nghiêm chỉnh, rõ ràng là một kẻ vừa học hành đỗ đạt, đang sắp sửa được bổ làm quan. Khổng Tử thấy vậy thì lấy làm lạ, bèn hỏi:
- Con bà có phải là người vừa đỗ cao đó không? Tôi biết, bà cũng như nhiều người khác, thấy con mình thi đỗ thì mừng quá đến nỗi phải phát khóc lên đó thôi. Song cớ sao lại ra chiều thảm thiết như vậy?
Bà lão nâng vạt áo gạt nước mắt, cay đắng trả lời:
- Nào có gì mà mừng với rỡ. Tôi chẳng qua một chữ bẻ đôi cũng không biết, nên mới phải cho con theo đòi trường ốc đấy thôi. Ngài là bậc thánh nhân, chắc ngài chẳng lạ gì cái sự giáo dục bây giờ. Trong trường, người ta toàn nhồi nhét vào bụng học trò những điều bịp bợm, dối trá, nhằm biến chúng thành những kẻ u mê, không biết phân biệt đâu là thực, đâu là giả nữa. Kết quả những hạng gọi là có học bây giờ nom thì sáng sủa, nghiêm trang đấy, song một nửa chữ của đạo lý làm người cũng không hiểu, chỉ biết suốt đời chạy theo danh lợi, tận tụy phục vụ cho cường quyền, trung thành tuyệt đối với cường quyền... mà thôi. Dạy học như thế thì có khác gì lừa bịp? Biết con mình bị lừa mà không làm thế nào được, thì hỏi còn nỗi đau nào lớn hơn? Nay nó thi đỗ, nghĩa là cái sự lừa ấy đã thành tựu rồi. Vì thế tôi đang đau khổ đấy chứ. Đâu có mừng rỡ gì.
Khổng Tử lại hỏi:
- Bà là người không biết chữ, sao lại biết chắc rằng con mình bị lừa?
Bà lão trả lời:
- Đã là một người mẹ thì không cần phải đọc sách mới biết con mình thay đổi theo chiều hướng nào. Huống chi bây giờ đang là thời đại của dối trá, dối trá ngự trị từ trên cao xuống thấp, dối trá tràn lan từ công sở, chợ búa, đến học đường... Xưa nay học làm người cốt ở học Kinh, Sử. Thế mà Kinh thì tôi nghe con tôi đọc ra rả, chỉ thấy duy nhất một thứ kinh giả cầy ở đâu ấy, hình như những chỗ khác người ta bỏ từ lâu rồi. Sử thì chỉ thấy nhai đi nhai lại một mẩu bé tí tẹo đã được thổi phồng, được tô son trát phấn, trùm lên cả ngàn năm sử sách của Ông Cha. Ngay cả văn chương cũng chỉ thấy học vẹt những thứ văn một chiều, ngợi ca sự giả dối, tàn nhẫn... Giáo dục như thế chẳng phải lừa mị thì là cái gì? Thậm chí có khác nào ăn cắp linh hồn của người ta rồi nhét những thứ đểu giả của mình vào? Học như thế thì dẫu có đỗ cao đến mấy, thực chất cũng chỉ là một thứ dở người, tiểu nhân mà thôi, chẳng bao giờ sống nổi cho ra cái giống người! Rồi thì họ bảo sao nghe vậy, rồi thì chỉ biết tham lam, đớn hèn... Dẫu họ có ngồi trên đầu, trên cổ đến muôn năm cũng chẳng hề nhận ra, có khi còn phải biết ơn họ nữa là khác...
Khổng Tử bảo:
- Thì chính những kẻ đó, vì muốn giữ mãi địa vị đè đầu cưỡi cổ thiên hạ của mình đến muôn năm (nguyên văn: “vạn tuế”), cho nên mới đẻ ra cái nền giáo dục ấy. Nay bà có đồng ý để cho con trai bà đi theo tôi để học lại đạo lý làm người chăng? Có điều sẽ không thể làm quan được mà thôi.
Nói rồi Ngài quay lại bảo các học trò:
- Giả sử hôm nay ta không được chứng kiến câu chuyện này, thì chẳng bao giờ ta biết được cái sự lừa bịp trong giáo dục nó lại ghê gớm đến thế. Bây giờ ta mới hiểu hết được câu nói của người thợ cày ngày trước. Thì ra cuộc đời quả là một vụ ăn cắp vĩ đại. Người ta đã ăn cắp vào đến tận linh hồn của mỗi con người. May mà thiên hạ vẫn còn có những bà mẹ không biết chữ như bà mẹ đây. Nếu không thì chẳng biết đến đời nào ta mới rửa được mối hận này?
Bà lão nghe nói, bấy giờ mới tỏ vẻ mừng rỡ. Bèn vái Khổng Tử ba vái mà dắt tay người con lại, trao cho Khổng Tử. Người con đó sau này trở thành một học trò nổi tiếng giỏi về văn chương của Ngài. Chính là thầy Tử Hạ. Thầy họ Bốc, tên Thượng, người nước Vệ, nhỏ hơn Khổng Tử tới bốn mươi tư tuổi. Tử Hạ về sau quả nhiên suốt đời không làm quan, chỉ mở trường dạy đạo lý và thỉnh thoảng viết sách mà thôi. Câu chuyện trên chính là được rút ra từ trong sách của Thầy.

( Theo http://www.luylau.com)

Kim Phượng Sưu Tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét