Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Dòng Sông Và Một Nơi Chốn

Ru!
Tiếng ru hời…
Mời Em trở lại
Dòng sông xưa mái đẩy khua đò
Em trở về mây ngang tầm với
Hoa học trò ngậm nắng muộn rơi
Bến sông đời ai người ngóng đợi
Hồn trôi xuôi vụng dại một thời


       Dòng sông nào, nay đã xa biền biệt, nhưng thật gần với tôi trong thời tuổi dại. Dòng sông ấy, uốn lượn qua vàm Ngã Bát, mang phù sa đến, cuốn phù sa đi, tạo bên bồi chỗ lỡ. Sông tiếp tục lững lờ chảy ngang một nơi chốn, xuyên qua chiếc cầu bắc nhịp, nên sông và cầu, có cùng một cái tên là Giồng ké. 
      Giồng Ké là một ấp nhỏ, thuộc xã Trung Ngãi. Tôi nghe kể rằng, cái tên Giồng Ké được đặt ra, vì nơi đây khi xưa mọc đầy những cây ké.
      Ngã Bát là quê ngoại. Hàng năm, chúng tôi có dịp về trong dịp Tết. Chiếc ghe gắn máy đuôi tôm, chở các anh chị em tôi, chạy dọc theo dòng sông, gặp nơi nào có những cây bần sai trái, cậu tôi thường hay tấp vào hái quả cho chúng tôi ăn. Có lần bị đám ong vây, ghe cậu vội tách ra nhanh, súy lật nhào làm chúng tôi hoảng kinh.


     
 Trước khi đến Ngã Bát, phải đi ngang qua Phú Hữu, là quê nội.
Vì thời cuộc, ba tôi đã rời quê nội, chọn Giồng Ké là nơi lập nghiệp. Cũng trên con sông này, ba đã chuyên chở hàng bao nhiêu là lá chầm, gỗ sao cho việc xây cất. Rồi căn nhà rộng được dựng lên, chia làm hai gian, một căn dùng buôn bán, làm kế sinh nhai và căn kế bên làm vựa chứa lúa. Lúa được thu góp từ các tá điền sống trên đất của nội. Mặt khác, ba vội vã đưa các chị em tôi, những đứa tới tuổi đi học, đến trường. Ngày ngày, mỗi lần đến lớp, anh chị em tôi đều đi qua chiếc cầu Giồng Ké, mà như tài liệu cho biết, chiếc cầu được thành lập từ năm 1907, nhưng mãi đến nay tôi mới biết. Tôi thật vô tình!
      Thời bấy giờ, học sinh đi học với đôi chân trần, ôm cặp đệm. Gặp hôm trời đổ mưa, các bạn tôi chỉ mở chiếc cặp đệm ra, đặt lên đầu và đội mưa mà về. Riêng tôi, đi học “không giống ai”, má bắt phải mang guốc, ôm cặp da. Đến mùa mưa, phải mang theo áo mưa nữa. Tôi thiệt là không giống các bạn cùng lớp, nên rất đau khổ, quê và mắc cỡ với các bạn cùng lớp, học sinh cùng trường. Bởi thế, đến giờ đi học vừa rời khỏi cửa chính, tôi men dọc theo hàng hiên trước nhà. Đến căn nhà thứ hai, tôi lấy guốc, giấu vào ngạch cửa Và bằng đôi chân trần, thong dong cùng các bạn đến trường. Chiều tan học về, tôi trở lại chỗ cũ để lấy guốc, mang vào. Những hôm trời mưa, tôi càng khổ sở hơn. Tôi cùng các bạn đội mưa đi về, gần đến nhà, tôi lại nép sát vào hàng hiên, đưa cả cái áo mưa ra ngoài trời cho ướt đẫm, rồi mặc vào và bước vô nhà. Một lần má tôi thắc mắc:
- Tại sao con mặc áo mưa mà ướt như chuột lột vậy?
- Con cũng không biết nữa, tại nó ướt.
Tội cho má tôi, cầm áo lên xem kỹ lưỡng, không có nơi nào bị rách.
- Lần sau mặc áo mưa mà ướt là bị đòn nghe con.
      Cũng từ hôm ấy không còn cảnh "tại nó ướt” nữa. Ngoài việc mang áo mưa, những chuyện không mong mà vẫn đến. Vào một buổi chiều tan học về, tôi hồn phi phách tán, đôi guốc giấu dưới ngạch cửa không cánh mà bay. Hôm ấy, dĩ nhiên tôi bị ăn đòn, thế là cơ hội đi chân trần như theo dòng nước ròng mà trôi đi.
      Xin mở một dấu ngoặc nói về căn nhà thứ hai, nơi tôi giấu đôi guốc. Cạnh căn nhà thứ hai này là gia đình Bác Sáu Công Thành Gia đình ấy bán hủ tiếu, nhưng khi đêm về thì cả nhà quay quần bên chiếc chiếu trải lộ thiên, cha đàn, con hát. Người con đó chính là nghệ sĩ cải lương rất nổi tiếng, chị Mỹ Châu. Chị Mỹ Châu là bạn của người chị thứ năm của tôi. Tối tối, chị hay rủ rê chị năm và tôi, ném trái ké lên đầu những người khác. Ké là loại trái rất dễ dính lên tóc. May mà má tôi không hay chuyện này!

      Đời ba má cực, nên người luôn khuyến khích các con ăn học. Con còn học Tiểu Học, ba má đã chuẩn bị xây cất nhà trên tỉnh. Các anh chị vừa bước vào ngưỡng cửa Trung học, phải rời nhà lên tỉnh đi học. Vì thế, mọi việc phụ giúp trong gia đình, đều do tôi . Mỗi chiều, tôi và cậu em trai đi khiêng nước để dùng, nước lấy từ con sông Giồng ké. Hai chị em chỉ đủ khả năng, khiêng chỉ hơn nửa thùng thôi, tránh cảnh nước đổ lên đổ xuống, trong khi bạn cùng lớp của tôi, gánh cả đôi. Má tôi sợ gánh nước, con không được cao nên phải khiêng, nhưng điều má tôi sợ vẫn không tránh khỏi. Sau này, tiệm buôn ngày một khá, ba mua một cái máy bơm nước và chuyền dây dài từ bờ sông đến tận nhà. Lúc ấy anh chị em tôi oai lắm, không cần phải vất vã nữa, chỉ mỗi việc kéo dây chuyền nước là xong. Ngoài lo việc nước, tôi còn giúp chuyện bếp núc. Trong một lần, lúc má vừa sinh em bé, má bảo tôi mang rổ cá lòng tong xuống sông Giồng Ké rửa sạch và phơi khô gửi cho các anh chị tôi ở Vĩnh Long. Mỹ Hạnh và Cúc giúp tôi, rửa cho nhanh để cùng nhau đi học sớm. Tôi vừa ngồi xuống ngay đầu cầu, thì Cúc vội vàng mở lời:
-Mầy ngồi vậy, rửa biết chừng nào mới xong, đưa đây tao xuống chiếc xuồng của người ta, ngồi rửa lẹ hơn. 
      Thế rồi nó giành lấy cái rổ cá và bước xuống chiếc xuồng. Nhưng không may, một bà cùng lúc bước xuống. Bước chân của bà quá mạnh, chao lòng xuồng, cả rổ cá đổ hềt xuống sông. Nhờ Cúc biết lội, nhảy theo vớt lại. Hỡi ơi! Cả rổ cá chỉ còn lại được một phần ba, nhưng vẫn còn may, nhờ Cúc nhanh tay, vớt lại phần cá bị  đổ. Ba đứa tôi tiu nghỉu, lòng trĩu nặng lo âu. Cúc nhanh chân chạy về nhà với bộ đồ ướt. Mỹ Hạnh sợ cũng vội quay về nhà . Còn lại một mình, bước chân tôi đã nặng, rổ cá dường như nặng hơn. Tôi đi vào nhà bằng cổng sau, rón rén, nhẹ nhàng bước khẽ như tên trộm. Sự đời thật đúng cho người có tịch, làm sao giấu được má tôi. Tuy nhiên, hôm ấy má tôi cho phép đi học sớm sau khi tôi thành thật kể rõ sự việc.


       Thời gian trôi, ngày một lớn, tôi rời Giồng Ké, tiếp tục việc học. Thỉnh thoảng, tôi chỉ trở lại đôi ngày vào những cuối tuần, hay ở lâu hơn trong dịp hè. Bây giờ đã là học sinh Đệ Ngũ, mỗi lần về Giồng Ké tôi vẫn thản nhiên chơi trò nhảy tràm, u hấp cùng lũ con nít cùng xóm, dù rằng biết có ánh mắt trộm nhìn. Có hôm trên đường đi xuống sông, lại có một chiếc bóng vội thụp núp xuống nơi khung cửa sổ, người có đôi mắt nhìn trộm đó. Những hôm khác, các anh lính về đóng quân, dòng sông như linh động hơn bởi các chàng trai phong sương, áo vương bụi đường. 


Một chiều nào anh qua làng xưa
Ánh trăng non chênh chếch đỉnh dừa 


       Đến năm Mậu Thân, hai dãy phố của Giồng Ké chìm trong biển lửa, tôi đã vĩnh viễn rời nơi này, rời con sông nuôi lớn tôi thời thơ dại. Xa…con sông đã xa nghìn trùng. Nhớ…hình ảnh người thập thò nơi khung cửa sổ, nay đã đi vào cõi thiên thu trong tuổi đời còn khá trẻ. Thương…hai người bạn cùng trầm mình vớt cá lòng tong đổ dưới dòng sông, mà đến nay chưa một lần gặp lại và bâng khuâng tơ trời về…những anh lính chiến thả mình trên dòng sông, nay ai còn ai mất?
Làm sao tôi biết được!
      Hoài niệm về dòng sông…Người thì vội quên, nhưng Sông thương quá nên vẫn…lững lờ trôi, vẫn…hai bận lớn ròng. 

Có những chiều đứng ngắm dòng sông
Tầm mắt trôi theo nước lớn ròng
Em người con gái chưa sầu mộng
Vời vợi buồn dâng nỗi nhớ mong


Kim Phượng





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét