Tôi đến Gò Vấp trong một buổi sáng sớm. Trong thời gian đợi chờ, tôi có dịp quan sát sinh hoạt nơi đây. Bên này con đường, sừng sững một ngôi trường Đại học. Nơi đào tạo những người tuổi trẻ và tương lai, họ sẽ là rường cột của nước nhà. Bên kia đường, đối diện với ngôi trường này, một con đường nhỏ hẹp, dẫn vào một nơi, có hơn hai trăm thân phận người trẻ khác, sống đời bất hạnh. Tôi muốn nói đến các trẻ em mồ côi. Những cơ thể đang thoi thóp này, rất cần đến sự chăm sóc đặc biệt để được tồn tại ngắn ngủi, thì cơ may nào các em với tới tương lai...
Nơi trung tâm này, tùy theo tình trạng sức khỏe và sự định bệnh, các em được sắp xếp nơi ăn chốn ngủ khác nhau, theo từng tổ một. Nhóm nhỏ nhất vào lứa tuổi sơ sinh. Những nhóm lớn hơn, khác nhau về tuổi đời, nhưng mang cùng khổ hạnh với những bệnh tật về thể chất, khả năng trí tuệ yếu kém. Các em đang cần, rất cần sự hảo tâm và tấm lòng nhân ái, của người đồng loại.
Theo chân người hướng dẫn cũng là một thiện nguyện viên. Anh đưa tôi đến, đối diện với những con người, đã bị chối bỏ bởi chính người thân của mình. Thật khó lòng nhận ra tuổi tác của các em, dù được nhìn qua nhân dáng. Phải chăng, số tuổi đời bị khuất lấp bởi sự dị dạng đang mang. Cùng là người, đang hít thở khí trời vào ra như những người bình thường, nhưng khác chăng là một số em nơi đây, đời sống khác nào loài thực vật.
Trong một căn phòng nhỏ. Những trẻ sơ sinh, mạnh khỏe có, bệnh tật có, nằm, bò ngỗn ngang hoặc đang chìm sâu giấc ngủ trong một môi trường ồn ào. "Cần sự yên lặng để nghỉ ngơi", không có nơi đây. Bởi vì, quanh một số em đang ngủ thì còn rất nhiều em khác đang khóc la.
Ở một căn phòng khác, vây quanh chiếc bàn, có những em ngồi gọn trong những chiếc xe tập đi, hoặc ngồi trên ghế, thinh lặng đến não lòng. Em thì không thấy ánh sáng, đang được cầm tay dìu dắt tập đi. Em thì ngồi bất động trong sự mù lòa lẫn câm điếc. Có em ngồi say sưa bú lấy ngón tay cái nhỏ xíu. Có em biết cười đáp trả. Có em biết trả lời theo sự lặp lại với tiếng lời rời rạc lơ lớ rất khó nghe.
Một căn phòng cạnh đó, có những hình hài biết lay động, nhưng đa phần không có khả năng cảm nhận. Hầu hết các em được đặt nằm trên những chiếc nôi dành cho trẻ con. Các em với chiếc đầu phát triển bất bình thường, rất to tròn, như mọng nước, da đầu mỏng đến độ nhìn thấy những đường gân. Những chiếc đầu to, dẹp khác, vì nằm bất động trong khoảng thời gian khá lâu, trở nên lở loét, mất đi những chòm tóc. Có em với thân mình mà phần bụng uốn cong thay vị trí lưng, tay chân lại teo nhỏ khẳng khiu. Người hướng dẫn viên đưa tôi đến từng phòng một. Những hình hài sống trong bất động. Tuy nhiên, có những em nằm bất động nhưng gây nhiều ấn tượng bằng nụ cười ngây thơ. Có những em khác di động bất thường thiên bẩm, đi mà như chạy trên đôi chân khẳng khiu như hai chiếc que. Em " chạy" bằng phần trên của bàn chân, thay vì bình thường bằng lòng bàn chân. Em ôm lấy chân người thiện nguyện trong niềm vui và nụ cười rạng rỡ. Đồng thời một bàn tay cầm đồ chơi, em đập đập vào tôi...
- Chơi nhẹ tay thôi.
Lời người thiện nguyện vừa dứt lời, em dùng món đồ chơi đó, vuốt nhẹ trên cánh tay tôi.
- Hiền lau miệng đi.
Em biết dùng khăn choàng cổ, chùi chùi những dòng nước dãi đang chảy dài từ chiếc miệng cười tươi, lộ hẳn đôi hàm răng nhô ra. Em Nguyễn Thị Hiền, 7 tuổi, Chào đời ngày 21 tháng 3 năm 2004. Mỗi lần..."chụp hình cho Hiền nghe...", em biết đưa hai ngón tay lên làm dáng. Cho em xem hình, em thích thú lắm.
Một em bé khác, Trần Thị Hoàng Oanh, sinh ngày 23 tháng 9 năm 2009. Với chiếc đầu dẹp, lớn bất thường, em đưa đôi mắt mở như vừa hé, tròng mắt đảo qua lại, rất chậm chạp. Người thiện nguyện cho tôi biết, em rất khôn và được nhiều người nơi đây thương yêu. Em được ai đó làm đẹp bằng chiếc vòng mã não nơi cánh tay mặt. Tay trái với 7 chiếc vòng màu trắng bạc. Tôi vuốt nhẹ lên cánh tay, em nhoẻn miệng cười. Nghe em rất khôn, tôi đưa tay thử cù lét, miệng em mở rộng hơn, tươi hơn, thật dễ thương làm sao. Tôi luồn ngón tay mình vào bàn tay lạnh ngắt và lúc nào cũng nắm chặt. Tôi có được cảm giác như tay em bắt đầu cử động. Quả đúng như thế. Khi ngón tay tôi rời khỏi lòng bàn tay em, cánh tay em hơi di động lên cao, cơ hồ như muốn nắm lấy tay tôi. Phải chăng em cần sự yêu thương, một hơi ấm để dẫn vào trái tim bé nhỏ của mình!?
Rời nơi đây, những nhất cử nhất động của các em, theo tôi mãi. Đêm đã khuya, tôi trằn trọc, không tài nào chợp mắt. Tôi nhớ đến hầu hết các em đều có một điểm đặt biệt giống nhau là đôi hàng mi khá dài và đẹp.
Những hình ảnh thương tâm của các em, kéo bước chân tôi tìm đến, trở lại nơi này một lần nữa. Đi dọc theo hành lang, lòng chút bâng khuâng như hò hẹn. Vừa bước vào phòng, bé Hiền đang được chuẩn bị bữa ăn sáng qua ống, nhưng em nhanh nhẹn lắm, nương theo thành nôi, đưa tay sờ vào túi áo tôi. Em lấy đi cây thoa môi lúc nào tôi chẳng hay. Đến lúc em đưa trả lại và ra dấu như thầm hỏi có phải thứ đó dùng cho lông mày không. Khi đã no bụng, bé nắm lấy tay tôi dắt đi và những vòng tay của các em khác siết chặt lấy tôi, khiến con tim tôi se thắt.
Hai lần tôi tìm đến thăm. Biết đến bao giờ có duyên gặp lại các em lần nữa, dù rằng khi gặp mặt tôi phải giấu đi dòng nước mắt. Người điều hành ở đây cho tôi biết, ngày Hai mươi ba tháng Mười hai này, mọi người sẽ tổ chức cho các em đón mừng Giáng Sinh. Phải chăng trong ngày vui lễ trọng này, các vị ân nhân nài xin Chúa ban Hồng Ân đến cho các em. Riêng tôi, từ thâm tâm, kể từ khi nhìn các em đớn đau mà không la khóc. Đớn đau trong thinh lặng, chịu đựng. Chỉ chừng ấy thôi khiến tôi liên tưởng đến sự thương khó, chịu đựng cho người, vì người của Chúa.
Giáng sinh năm nay, trở lại quê nhà sau mấy mươi năm xa cách. Giờ này, thiên hạ chuẩn bị đón Chúa Hài Đồng chào đời nơi máng cỏ. Trong tôi, tôi có cảm giác đã tìm gặp Chúa. Chúa đã thọ thân trong những hình hài bé bỏng, đớn đau căm lặng của các trẻ mồ côi kia. Qua những hình ảnh khổ đau, thánh thiện, tôi có được thêm bài học về cách sống đích thực của một con người. Qua các em, tôi đã tìm gặp Chúa ngay trên đất mẹ sau mấy mươi năm xa vắng.
Kim Phượng
Giáng sinh 2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét