Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Nguồn Thơ Bất Chợt


       Cuối tháng 12 năm 1999, thật tình cờ, có người ngỏ ý làm quen với tôi, qua đường dây điện thoại. Một điều khó tin, tình bạn chúng tôi kéo dài trên sáu năm, nhưng chưa một lần đối mặt.

       Lần đầu tiếp chuyện với cô, trong bỡ ngỡ, xa lạ và đôi chút rụt rè. Cô nghẹn ngào cho biết, mình là người khuyết tật sau cơn đột quỵ. Bệnh tình ngày một tăng, không thuyên giảm. Môi trường nơi cô sinh sống, thu hẹp giữa tường vôi căm lặng. Cô làm bạn cùng chiếc xe lăn, nhưng hai tay, đã mất dần khả năng lay động được đôi bánh xe.

      Sau lần trò chuyện đó, mối liên lạc bằng điện thoại giữa chúng tôi thường xuyên hơn, gần như tiếp diễn hàng ngày. Có hôm đi làm về, tôi vừa đặt chiếc xách tay xuống, điện thoại reo vang. Thật tội! Có lẽ cô đã canh giờ giấc và đợi chờ tôi lắm thì phải.
       Mỗi lần tiếp chuyện, dù cách mặt, tôi vẫn cảm nhận được nỗi buồn, qua giọng nói rầu rầu. Tôi hình dung ra, đôi dòng lệ ràn rụa, đang âm thầm lăn dài trên má cô. Cô huyên thiên nói như chưa từng được nói. Tôi im lặng lắng nghe. Nghe, giúp cô vơi đi muộn phiền, nghe cho tâm lắng đọng và cho lòng cô được thảnh thơi. Một lần cô gọi đến, nói lời chia tay. Cô muốn tự kết liễu đời mình, một kiếp người cô cho rằng không cần tồn tại. Trong hốt hoảng, qua điện thoại tôi chỉ biết nhờ đứa con gái của cô, mang đến cô một cốc nước lạnh. Hy vọng, sự trìu mến từ đôi bàn tay đứa con và cái lạnh của nước, giúp cô dịu lại, bình tâm hơn. Có đôi lúc, sau cuộc trò chuyện, vừa gác điện thoại xuống, tôi vội nhấc nó lên, nói dăm câu vô thưởng, vô phạt, hầu mong cô quên đi ý nghĩ ngông cuồng trong phút giây tích tắc dại khờ. Thời gian trôi qua, tôi lạc quan nuôi thêm hy vọng. Tôi vẫn tiếp tục lắng nghe. Tư tưởng, lối suy nghĩ của cô, ngày một khá hơn. Tôi thật sự không thất vọng, khi tiếng cười khanh khách từ bên kia đầu dây điện thoại vọng lại.
      Tôi còn biết, cô ca hay, đàn khá, dòng máu thơ đang luân lưu trong huyết quản. Những bài thơ do cô sáng tác, dài đến năm, sáu trang giấy. Thơ dài là phải! Bút mực nào tả hết nỗi thống khổ, cạn niềm bất hạnh của một người chỉ biết hai chữ hy sinh. Nhưng giờ đây, với tấm thân bất toàn, làm sao cô chu toàn bổn phận làm mẹ, làm vợ của một người bình thường, như nhu cầu thường tình đòi hỏi. Ai hiểu được và cảm thông cho cô, người bị xem là gánh nặng trong gia đình? Tuy nhiên, cũng còn may. Con trai cô, tuổi đời trong lứa đôi mươi, bằng đôi vai nhỏ bé của mình, cậu đỡ lấy phần nào trách nhiệm. Điều này, tôi biết khá rõ, qua những lần đang trò chuyện. Đôi khi cô xin phép cúp máy để cậu giúp mẹ gội đầu. Lòng tôi chùng xuống. Cậu, trong tuổi vui chơi, tuổi tụ năm, tụm ba, hội bạn, họp bè, vẫn không quên bổn phận, quay trở về nhà, giúp mẹ. Tôi thật sự xúc động. Tình thương tôi dành cho cậu, có phần trội hơn. Tôi nhủ lòng, mình sẽ làm một điều gì đó, hầu vơi gánh nặng trên đôi vai bé nhỏ ấy. Nghĩ thế, tôi giúp cô“bận rộn”, tránh suy nghĩ miên man. Tôi khuyến khích cô, làm thơ đăng trên báo, gửi lên các đài phát thanh. Tôi nuôi hy vọng lời thơ của cô, lời thơ của kẻ bất hạnh sẽ mang lại nụ cười, niềm vui đến cho người khác. Tội thân cô, với đôi bàn tay, đủ khả năng viết lách ngoằn ngoèo, nay lại cố gắng dùng nó để xử dụng các nốt chữ trên máy gõ. Không cách nào hơn, muốn an tâm, cần hành xác, tôi nghĩ như vậy. Để thay đổi cái nhìn và thái độ sống của bạn, tôi gợi ý, lời thơ “cắt” ngắn bớt, trong sáng và vui tươi hơn, thay cho lời quá bi ai, luôn khóc than thân phận kiếp người. Nhưng cô cho biết, thơ ngắn, chẳng chuyên chở hết tình sầu. Lòng luôn gợn sóng ba đào, làm được thơ vui, đó chỉ là mơ. Cô chối bỏ, tôi cương quyết “sẽ được”. Nhất cử lưỡng tiện, tôi nhất quyết sẽ không đọc những bài thơ dài của cô nữa. Đồng thời, tôi nhờ cô làm hộ một bài thơ mừng ngày sinh nhật, tặng cho đứa cháu gái. Cô phản đối dữ dội, quyết liệt chối từ. Cô cho biết mình không thể làm thơ vui. Nhưng rồi, có lẽ do tình thương cô dành cho tôi, trong ngày sinh nhật có được bài thơ mà cháu tôi vô cùng thích thú. Ba mẹ và ngay cả cháu, ngỡ tôi là tác giả. Biện minh cách nào chẳng ai tin. Trời ạ! Nếu họ biết, thời trung học, tôi từng đội sổ về môn văn, thì bằng xúc cảm nào, đề thơ được chứ. Có chăng, nếu tay tôi, nắm được chiếc đũa thần, thì may ra.
      Thời gian chầm chậm trôi với nhiều đổi thay. Thơ của bạn, được thu ngắn lại, dài vỏn vẹn mười đến hai mươi dòng. Lời thơ trong sáng, độ lượng, nhân ái, pha lẫn tính hài, trải đầy trong một số báo và được phát ra trên đài phát thanh. Một số chủ nhiệm, những vị phụ trách chương trình phát thanh và số đông độc giả, thính giả hết lòng nâng đỡ, mến mộ cô, một kẻ bất hạnh nhưng kiên cường. 

       “Định mệnh” đến với tôi. Bạn cho biết sức khỏe đến hồi nguy kịch, có lẽ cô sắp ra đi. Tôi cố gắng lạc quan, tìm kế “hoãn binh”.
- Ồ! Chưa chết đâu em, phải lắng nghe thơ chị rồi mới được chết chứ!
      Tội cho thân tôi! Tìm cách hoãn binh, nhưng lại nợ lời hứa. Bạn đợi chờ nghe thơ do tôi sáng tác. Hứa một điều, biết chắc mình không làm được. Dù rằng, tôi là kẻ đã từng viết “lời bạt” và sửa lời thơ cho cô. Tôi để cô đợi, cô chờ, hầu quên căn bệnh và sự lạc quan sẽ kéo dài thời gian sống còn. Nhưng khổ thân tôi, cô cứ nằng nặc đòi nghe thơ. Ngòi bút của tôi ơi, tội mi quá! Thơ chưa đề, hay mực đã cạn? Miên man suy nghĩ, đầu nhức cầm canh. 

- Chưa có cái dại nào hơn cái dại này! 
Tôi tự hỏi: 
- Mình phải làm sao đây?
- Tôi mà làm thơ à!
Đa đoan bối rối, có người hỏi tôi :
- Chị biết làm thơ không?
Có tật giật mình. Tôi bật cười. Nụ cười “tre trúc” làm sao! Vội trả lời “không”. Lúc về đến nhà, soi gương, tìm thử xem mặt mình có phảng phất hồn thơ chăng. Rồi nhủ lòng: “Hãy thử xem, làm thơ chỉ tặng bạn, người sắp lìa cõi đời, ai biết được mà chê khen”.
      Đánh liều, vội liên lạc với anh tôi, hiện định cư bên Mỹ. Ngày xưa, thời trung học, anh từng là Trưởng ban Báo chí và Văn nghệ. Ngày nay, anh vẫn sáng tác thơ văn, giải sầu. Anh chỉ dẫn cho tôi về niêm luật. Trong thời gian rất ngắn, tôi gửi sang cho anh, tác phẩm đầu tay. Anh gửi trả lại tôi, một bản sao. Anh vẫn còn lịch sự, hay anh giữ bản chánh để “ làm bằng”, chọc quê tôi. Vì anh biết, cô em mình là mẫu người hay mơ màng và thích cãi lý. Bản sao được gửi lại, đầy lời phê bình dễ thương, nhưng thương không dễ chút nào. Anh bảo: “Chữ này chưa chỉnh, chữ kia không vần, chữ nọ lặp đi lặp lại nhiều lần quá”. Anh còn điện thoại sang, cho biết, mới tập làm thơ, cố gắng giữ niêm luật, chỉ những nhà thơ giỏi, họ thường làm thơ theo lối tự do. Bắt được ý này, tôi thật hân hoan và đầy tự tin... ẩu, đáp lời:
- Em là nhà thơ giỏi mà!
Anh cười trên sự bướng bỉnh của cô em. Có cớ để dựa, tôi tha hồ làm thơ tự do. 


Làm thơ để tặng người ta
Vừa ngắn, lại dở, nói xa, nói gần
Làm thơ là tặng người thân
Dù thương hay ghét cũng ngần ấy thôi
Thơ làm trải hết tình tôi
Hữu duyên đồng cảm bồi hồi vấn vương

 
      Trong bất chợt tình cờ đó, những bài thơ “hứa” bất đắc dĩ ra đời. “Thúy Diệp1”, nội dung về người con gái vườn Thúy, mang tên thật đẹp Lâm Thúy Diệp, tên đẹp như tên một nhân vật trong tiểu thuyết. Đến bài “Thúy Diệp 2” và tiếp tục nhả thơ tiếp, bài “Bạn tôi”, một người bất hạnh, làm bạn cùng xe lăn. Và như một lời chia tay, tôi nghĩ, nghiệp làm thơ của mình sẽ đóng lại từ đây. Bao nhiêu tài và tình, được gói trọn trong “Chiếc lá tội tình”. Bài thơ cuối, tiễn bạn trở về lại quê hương, sẽ sống vĩnh viễn đến cuối đời, như dự định của Diệp.
      Nhưng đời không như ước mơ, chuyện trái ý thường hay xảy ra. Cứ ngỡ, sẽ tự do, không ai bắt tôi phải làm thơ nữa, “bổn phận” làm thơ đã xong. Cớ gì đâu, nguồn thơ lai láng. Có những bài sáng tác trong thoáng chốc, dăm ba phút, nhất là lúc cần “phản pháo” lại, bất cứ ai hay thích chọc quê tôi. Điều này cũng không ngoại lệ đối với anh mình, người đã từng dìu dắt tôi về niêm luật. 

      Trong một lần anh tôi qua thăm má, khi ra về anh tặng mỗi người em một cây chanh Kaffir, dùng làm gia vị nấu ăn.
Mỗi lần xách nước tưới chanh
Nhớ ai không nhớ, nhớ ai của mình

Ra đi để lại chút tình
Đậm sâu trong quả - Thâm tình trong gai

      Riêng tôi, có lẽ là người em gái được anh yêu thương nhiều, nên ngoài cây chanh Kaffir, phần tôi, được hậu hỉ, thêm soong chảo.
Mỗi lần chiên cá nấu canh
Nhớ ai không nhớ, nhớ anh của mình

“Chiều chiều ra đứng ngỏ sau”
Nhớ về xứ Mỹ nao nao dạ dày

      Thơ làm trải hết tình tôi, hâm mộ, khen tặng, thăm hỏi, mừng sinh nhật, tỏ lời tri ơn, đến than thân trách phận hoặc kèo nài khi gặp bất công. Nguồn thơ trào tuôn như thác đổ.
Tức mình chẳng dám kêu ca
Kiếp sau xin được ở xa cho rồi

Thơ còn chất chứa tình, nhắc nhớ, dành cho các em học sinh trường Việt ngữ Trương Vĩnh Ký của tôi.
Thành thật ai cũng yêu thương
Quyết không nói dối làm gương cho người
Nói láo ai cũng chê cười
Tôi cần thành thật mọi người đều khen

      Lắm lúc, chẳng dễ chút nào, rất khó khăn khi tìm nguồn cảm hứng. Có những bài thơ viết dở dang, chỉ dăm câu đã hết ý. Đợi chờ…chờ đến bao giờ? Chờ được tròn bài thơ như đợi chờ hoa Quỳnh nở. Hay đôi khi bài thơ đã sửa, rồi lại sửa…
Bài thơ sửa lại đã nhiều lần
Cho lòng người đọc chút bâng khuâng

Hay thôi…
Bài thơ sửa lại hay thôi để
Lay động tim người hay chính ta

      Bước đầu, bỡ ngỡ trong thơ văn, tôi luôn ghi lời nhắc nhớ, cần giữ niêm luật. Chỉ nhà thơ giỏi hay làm thơ tự do. Thật không công bằng chút nào. Đã giỏi lại được tự do. Nhưng phải chăng, với tôi, chính sự tự do, thơ dù ngắn hay dài, hay hoặc dở tùy người đồng cảm. Thơ làm trải hết tình tôi, là tình hướng dương, trăm nghìn đổ lại người đồng cảm. Thơ còn biểu hiện bản tính người, tính " nghịch _ ngổ”. Thơ phổ nhạc, tôi nghịch đời, dùng lời nhạc bài Lời ru mời Em trở về, cảm tác nên thơ.
Ru - Lời ru mời Em trở về
Thân cỏ hoa ngan ngát rất riêng
Em trở về - Một lời chưa ngỏ


 
      Có một điều gì đó thường hay xảy ra, trong lúc làm thơ, tôi thường lấy một đôi câu của bài này, nối kết vào bài thơ mới. Ai đó bảo, suối nguồn thơ trong tôi đã cạn. Nhưng tôi tự hỏi, phải chăng, cái nhìn cạn nguồn của người này, là điều ước mơ của tôi. Mơ, tôi mơ: “Mỗi người trên thế gian này sẽ là hạt yêu thương, luôn được kết thành chuỗi, một Chuỗi Yêu Thương.” Những bài thơ đang sáng tác, tôi nối kết lại với nhau, tạo một chuỗi , chuỗi sẽ tròn và to hơn, nếu may mắn tôi có được người bâng khuâng, đồng cảm.  

      Nguồn thơ bất chợt, bất chợt đến, lắm lúc hữu duyên. Hữu duyên này, tìm thấy trong bài thơ “Nén Thương”, được tôi “chẻ” làm đôi. Một nửa bài, nhắc nhớ về mái trường cũ của tôi Tống Phước Hiệp. Nơi cảnh cũ với những người xưa, nơi có thầy, có bạn, kẻ còn hoặc miên viễn. Một nửa bài thơ kia, dành cho cảnh lạ, Người mới. Cảnh lạ, Kađơn này, một nơi hẻo lánh xa xôi, thuộc thành phố mù sương, Đà Lạt. Thành phố “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ” của năm nào. Nhưng giờ đây, nơi chốn này là chỗ ở của những người bần hàn, tôi chỉ biết qua thơ từ, hình ảnh. Đó là 200 em Người Thiểu Số, đứa nghèo nàn, đứa mồ côi. Tất cả đang mù lòa, tăm tối với căn bệnh mù chữ. Và Người mới này, là một người Kinh, lại học tiếng thiểu số, hầu có thể truyền đạt văn hóa, tiếng mẹ đẻ, của người thiểu số và Người ấy đang dẫn dắt, chăm sóc các em, thoát ra ánh sáng. Người tôi muốn nhắc đến, là vị chăn chiên, giàu lòng, độ lượng, Linh mục mang tên Tống Phước Hậu. Kỳ diệu thật, cùng là Tống Phước...
      Thời gian...
Thời gian vẫn chưa xóa mờ tình bạn hơn sáu năm của chúng tôi. Thời gian đong thêm đầy nguồn thơ trong tôi và đã hàn gắn vết thương lòng của bạn. Hơn sáu năm, đủ giúp bạn quên đi vài nỗi muộn phiền. Những lời nằng nặc đòi “nghe thơ” lúc cuối đời của bạn, là động lực chính, thúc đẩy mầm thơ trong tôi. Dù rằng, trong suy nghĩ thô thiển, bước đầu tập tễnh, thơ mình làm chỉ riêng mình đọc, mình đọc chỉ riêng cho người cuối đời nghe.
      Mấy hôm nay, bạn tôi yếu lắm. Nhưng cô rất bình tỉnh sắp xếp cho việc lâm chung của mình. Cô muốn biết, trong ngày cuối đời, ai sẽ là người đưa tiễn, và nếu trong số đó có tôi, cô chỉ cần, không phải một vòng, mà chỉ một cánh duy nhất, hoa màu tím mà thôi.




      Diệp thương! Ai rồi cũng phải đi vào qui luật của tạo hóa. Cát bụi về lại cát bụi. Bạn tôi, Diệp cũng sẽ không tránh khỏi qui luật này. Cuộc đời vừa thoáng đó, sẽ mất đó. Rồi một ngày, bạn tôi ra đi, sẽ không mang được gì, ngay cả cánh hoa màu tím, Diệp hằng mong. Nhưng tôi hy vọng, rất hy vọng, tâm hồn bạn được bình an, thanh thản trong phút cuối, lúc ra đi. Mai đây, còn lại một mình, mỗi lần nghĩ đến bạn, tôi sẽ không còn nhớ đến Diệp, Chiếc lá tội tình nữa. Tôi nhớ, sẽ nhớ mãi, một cánh hoa tim tím, ngan ngát hương yêu.
      Tạm biệt bạn nhé! Rồi sẽ vĩnh biệt bạn nhé, trong một ngày. Nhưng bạn hỡi, hãy nhớ còn phút giây nào trên thế gian này, vẫn còn tình bạn bất diệt giữa chúng ta. Và một điều rất chắc chắn, bạn sẽ không nhìn được cánh hoa tím, tôi mang đến trong ngày đưa tiển. Nhưng đêm nay, qua làn sóng phát thanh mà bạn thường lắng nghe và cộng tác. Rất trân trọng, tôi gửi đến bạn một bài thơ.


      Hồn thơ hỡi, trong đêm nay hãy nhập vào cánh hoa tím, tiễn bạn. Bạn hỡi, hãy “ôm lấy” cánh hoa tím đầy yêu thương chân thành này vào lòng. Lời thơ ấm, mang cho bạn một nụ cười ấm. Hương hoa sẽ ấp ủ, ấm lòng bạn. Hoa tím, sắc hoa bạn hằng mong. Hoa ơi, theo bạn tôi nhé, mang bình an và cùng bạn đi vào cõi thiên thu.


Màu Hoa Tím

Cành hoa thay một nén thương
Sắc màu tim tím ngát hương hoa đời
Em như tơ trắng bên trời
Mai đây phiêu bạt chơi vơi phương nào
Màu hoa tim tím gửi trao
Khắc sâu tình bạn đi vào thiên thu
Sương đêm phủ kín mù mù
Oằn đau nỗi nhớ mai dù cách xa
Màu hoa tim tím đậm đà
Hoa tình trọn nghĩa xót xa kiếp người
Màu hoa tim tím xinh tươi
Em ơi giữ lấy nụ cười hôm nay
Hoa lòng tim tím chẳng phai
Tiễn nhau một đoạn đường dài này thôi
Màu hoa tim tím trong tôi
Ngút ngàn nỗi nhớ đành thôi giã từ

Kim Phượng 


2 nhận xét:

  1. Anh không đủ ngôn từ hoa mỹ để ngợi khen năng khiếu viết văn , làm thơ thiên phú của Phượng ; chỉ biết rằng lời thư của Phượng trong sáng, truyền cảm ; ý thơ diễm lệ , dạt dào . Phượng vốn dòng thư hương nên văn thơ tuyệt vời phảng phất nét đài trang , thanh thoát là lẽ đương nhiên. Xin hoan nghinh , cảm phục thiên tài viết văn , làm thơ và lòng từ bi bác ái của Phượng . LNC

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn anh, lời anh giúp cho ngòi bút của KP đậm nét hơn.
      Chúc anh thân tâm an lạc.

      Xóa