Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Tuổi Học Trò Tôi Làm Cô Giáo

         "Phượng, ráng học để sau này làm cô giáo nghe con!"
         Má tôi tựa cửa, vừa nói mà đuôi con mắt còn vuốt theo đám nữ sinh đi qua ngang nhà. Giá như, đang đứng trước cổng trường Tống Phước Hiệp, trong giờ tan học, liệu ước mơ của má to lớn đến ngần nào. Vậy mà, tôi thật tàn nhẫn: - Con sẽ không làm cô giáo đâu má ơi ... và con cũng không bao giờ làm việc tại tỉnh nhà. Nhưng rồi, câu nói linh ứng "Ghét của nào trời trao của đó", ông trời trao cho tôi đến hai "của". Tôi làm cô giáo ở tuổi học trò và dạy học trò tại tỉnh Vĩnh Long. Tội cho má, người làm sao biết khi đang dệt mơ, muốn con của mình trở thành cô giáo là lúc tôi đứng hàng thứ ba sau quỉ, ma, thích phá phách và lắm mộng ngoài cửa lớp, thì yêu gì cái thiên chức nhà giáo cơ chứ.


        Thích làm việc xa nhà! Tôi như chim non chưa ra ràng, không lượng sức mình mà định vỗ cánh bay xa. Trong nhiều lý do, nhưng sâu xa nhất để không ở tỉnh nhà là.. quê tôi quá "nhỏ". Nhỏ hơn cả Pleiku, "nơi đi dăm phút đã về chốn cũ...". Vĩnh long nhỏ đến độ không có chỗ để "dám" đi. Nơi đây, dù rằng ai qua một lần cũng nhớ. Nơi có dòng sông lững lờ trôi, có mái chèo khua nước sớm mai , vẳng xa tiếng hò khoan nhặt đi dễ khó về, nhưng lại là nơi "không dám"đi. Bởi vì, là nơi vừa hỏi đến tên cha mẹ, thì không cần phải "Cho anh xin số nhà này...", nơi vừa chạm mặt đã biết nhau, là nơi định cư của dân kỳ cựu. Ở đây, là người Vĩnh Long, dù trái tim còn đang trong thời mong chờ, cũng rất ngại ngùng dung dăng dung dẻ với người tình trên đường phố. Nơi, ngại đi thăm vườn ổi, ghé vườn dưa gang. Nơi, rất e dè đến viếng lăng miếu Phan Thanh Giản. Nơi, có cù lao An Thành thơ mộng nhưng ít bén mảng đến, nhưng rồi... tôi lại chôn chân chốn này, khi con tim lay động, lúc biết vui buồn...



           ( Cô Phượng đứng trên "cầu giao duyên" của trường Kỹ Thuật Vĩnh Long)

         Ðời! Làm sao tôi học được chữ ngờ.
       Làm cô giáo khi đang là sinh viên năm thứ ba Khoa học. Tôi chọn một nghề mà mình không thích. Mà bấy giờ, ở Việt Nam làm gì có cơ hội chọn lựa nghề nghiệp, khi còn đang miệt mài trên ghế nhà trường, như sinh viên, học sinh bên này. Tôi không yêu nghề, chỉ yêu tí tiền còm. Có tiền để giam mình trong rạp hát, đến 3 xuất một ngày, thương vay khóc mướn cho chuyện tình Love story. Lựa một nghề không thích, nhưng đành, phải dùng sở trường sở đoản của mấy năm Đại học, để thêm tiền, đặt nặng vào ví, cho oai. 
        Trong sân trường Đại học học đại này, các nữ sinh viên con nhà giàu, như muôn hoa thắm. Em chọn áo vàng cho anh về ngất ngây bên hoa cúc. Nàng khoác áo xanh khiến chàng "mến lá sân trường". Còn tôi, tội nghiệp lắm, vừa "chân quê", lại sinh ra trong gia đình mười anh chị em, nên mưa nắng hai mùa, y phục cái nghiêm cái nghỉ, cũng chỉ toàn một màu "áo ai trắng quá nhìn không ra". Trắng, màu của thuận lợi, số áo có ít cũng ít ai có biết, nhưng chẳng giúp tôi già dặn thêm trong lúc phỏng vấn tay nghề. Tuy vậy, sau lần phỏng vấn đó tôi được phụ trách môn Vạn vật lớp 11A và 11B tại trường, Trung Học Tư Thục Nguyễn Trường Tộ. Ðối với 11B, đây là môn phụ, nhưng sĩ số "quỉ phá nhà chay" khá đông. Lớp 11A, tỉ số "dân nghịch ngầm" vừa nhiều, lại là môn chánh. Ôi đường vào "TIỀN" yêu, quả lắm chua cay!
        Cô giáo trong tuổi học trò, tuổi đời ít, nghèo kinh nghiệm, nhưng bầu nhiệt huyết thật tràn đầy. Ðể nắm phần chắc trong buổi đầu, vừa rời văn phòng nhà trường, tôi đi tìm ngay cái nơi mình sẽ đến. Gặp một nữ sinh đi ngược chiều: 
        - Xin lỗi, chị có thể chỉ giùm tôi lớp 11A?
        Cô mỉm cười, tròn mắt nhìn tôi:
        - Chị là học sinh mới hả? Kia kìa, đứng nơi đây chị có thể nhìn thấy hành lang của lớp đó.
        Tôi cám ơn và đi theo hướng chỉ dẫn. Lúc nhìn được con số 11A, tôi mỉm cười, bước vội.
Tuần lễ sau, cũng trên con đường cũ, dẫn đến lớp học. Trong bộ đồng phục trắng như nữ sinh, khác chăng là chiếc túi xách tay, do tôi tự làm lấy, đeo lủng lẳng trên vai. Theo chân thầy Giám Học Trần Văn Phong, tôi thong dong bước mà lòng...bình t
ĩnh run. Nhìn bọn học sinh, đứng lố nhố dọc theo hành lang, đang đợi chờ vào lớp, tim tôi đập nhịp lạ thường. Sau lời giới thiệu của thầy Giám Học, cô nữ sinh đã chỉ đường cho tôi, mắt như tròn thêm khi cô nhướng cao đôi mày.
         - Ủa, cô là cô giáo lớp này hả cô?
        Tôi gật đầu, mỉm cười, cười vừa đủ khoe một ưu điểm duy nhất mà tôi có, là chiếc răng khểnh mà mọi người cho là dễ thương.
        Thủ tục hoàn tất, tôi bắt đầu vào nghề, nhưng... ô kìa...
       Hướng về một nam sinh:
        - Xin lỗi em tên chi?
       Hơn 30 năm thăng trầm, Sanh, tên em tôi vẫn nhớ. Anh chàng nom hiền, trông bảnh kia mà lại "thích" ăn ổi trong giờ dạy học đầu tiên của tôi. Hồi ức năm nao ùa về. Ðã gần 10 năm, mà hình ảnh tôi, đứa học trò lớp Ðệ thất 4, trường Công Lập Vĩnh Bình, ngồi gọt vỏ đu đủ ngay trong giờ học lại trở về. Với kinh nghiệm của thời cắp sách...
        - Em lên đây, mang cả trái ổi.
         Mặt anh chàng vênh váo nhưng không giấu hết nét hiền lành. 

        - Em hãy tiếp tục ăn đi, bao giờ xong chúng ta sẽ bắt đầu học.
        - Em không ăn nữa đâu cô. 
        - Em hãy ăn cho xong, rồi cô sẽ bắt đầu
       Trông anh chàng quá thảm. Thật ra, sau lời giới thiệu của thầy Giám Học, các em học sinh nói vừa đủ nghe thôi: "Cô giáo gì nhỏ xíu". Lời nói chẳng biết phát xuất từ ai, nhưng em đang ăn ổi đây, phải nhận lấy bản lĩnh của cô giáo nhỏ xíu này. Tuy nhiên, suốt năm học, em lại là một học sinh ngoan vừa giỏi lại dễ thương nhất của tôi. Mấy mươi em học sinh trong lớp này ơi, làm sao các em biết, cả tuần qua, sau buổi phỏng vấn, trở về nhà, một mình, tôi đứng trước bảng đen phấn trắng, đã tập làm cô giáo đầy kinh nghiệm hầu chững chạc hơn trong bước đầu trên bục giảng.

     (Cô Phượng và Lớp Mười "C" - Kỹ Thuật Vĩnh Long niên khóa 74 -75)

        Ðường công danh về nghề mình không thích, lại thênh thang rộng mở. Chỉ vài tháng sau, tôi phụ trách thêm Toán và Vật lý lớp 10, 11, ban Toán lẫn Chuyên Nghiệp tại trường Kỹ Thuật Vĩnh Long. Mở một dấu ngoặc về trường này. Trường được sự tài trợ của chính phủ Mỹ. Các học sinh trúng tuyển, sẽ được lãnh trợ cấp một số tiền, tuy khiêm nhường, nhưng đó là một đặc điểm mà các em hãnh diện. Học sinh ban Toán, giờ học Toán và Vật Lý chiếm đa số. Ban Chuyên Nghiệp, nặng về các môn, tùy sự chọn lựa của học sinh như ban Mộc, Sắt, Hàn, Tiện, Ô Tô. Các em gái thì có môn Nữ Công Gia Chánh. Ðồng phục nam cũng như nữ của học sinh là quần tây, áo sơ mi, toàn một màu xanh. Các em trông hách hơn trong những hôm kè kè cây thước kẻ trong tay cho bộ môn Kỹ Nghệ Họa. Còn những học cụ khác của các môn Chuyên Nghiệp, có lẽ đó là nguyên nhân mà học sinh mang biệt danh dữ dằn "Dân dao búa". Cũng chính cái biệt danh này, mà ngày xưa, tôi đã chối từ lời khuyên của anh tôi để thi tuyển vào trường Kỹ thuật này.

        -Thôi em không muốn làm dân dao búa đâu. Tôi đã trả lời với anh mình như thế.
       Giờ đây, sự thật quá tương phản, tôi là "sư phụ"của họ.
      Tuy nhiên, gia nhập vào gia đình Áo Xanh này, tôi đã hiểu, đôi khi "dư luận thật tàn nhẫn và thiếu trung thực". Có tiếp xúc, mới biết các em dễ thương hơn những điều thầy cô mong đợi.
       Dòng đời cứ trôi, nghề làm chẳng thay. Cô giáo dạy cho cả hai trường, nay trường này, mai đến trường kia, rồi ngày mốt trở lại giảng đường tiếp tục việc học, để nói lời dạ thưa, thay cho lúc khác có người thưa dạ.

Có chút tiền, tôi đánh nhiều vòng quanh chợ Vĩnh Long, chọn vải. Lại vẫn là tơ tằm, loại trông sang nhưng không bền, phí nhiều công ủi và cũng vẫn màu "áo ai trắng quá..". Đến sau 30 tháng 4 năm 1975, người chị thứ Năm tôi thường trêu : "Chọn tơ may áo dài cho sang nhe!", vì sự không bền của vải và tài chánh lại eo hẹp.
        Do tự may mặc, nên chỉ cần 1.8 mét vải và một cái rặp áo. Tôi tha hồ cắt xén, tà áo rộng hẹp, ngắn dài. Hẹp đủ ôm tròn chiếc quần ống loa. Áo dài vừa chấm gối, lay lay trong gió, đủ làm duyên trên chiếc xe đạp mini .
        Có thêm chút tiền, thêm chút đổi thay màu áo. Ði xe đạp vàng, tôi khoát áo tơ tằm vàng. Ðạp xe màu bạc, chọn màu áo hài hòa. Trong những ngày cuối đông, sang xuân, mặc áo đỏ, mái tóc chớm dài, thắt chiếc bím lẻ, cúc cài thay trâm. Vào hè, màu áo đi đôi với dây cột tóc hoặc thay khăn voan đen. Khi ve râm ran, tà vạt phất phơ và trải đầy hoa in, bông Phượng nhỏ to. Những hôm mưa sa, nắng gắt, lại "điểm" thêm chiếc ô đen lơ lững vắt ngang, che bờ vai mỏng nắng tràn xuống chân. Thật tình cờ, Vĩnh Long có ba người có tên bắt đầu bằng chữ P, thầy Phong, thầy Phương và tôi, đều dùng ô đen. Ðể rồi từ đó, có người gọi tôi "Cô giáo ô đen".
         Làm cô giáo ở tuổi học trò, một sự khó khăn và cố gắng không ngừng. Tự tạo cho mình sự dễ thương trong trang nghiêm, nhưng thương không phải dễ. Lúc nào cũng gần gũi với học sinh, nhưng lại giữ một khoảng cách khá xa. Tôi biết, nếu bảo rằng con học cho cha mẹ vui lòng, e là không thật lòng. Tuổi học trò, làm gì có suy nghĩ cao xa. Tôn trọng thầy, mến yêu cô nào, học sinh miệt mài về môn học do thầy cô đó phụ trách. Học vì thầy cô, điều đó tôi biết rất rõ trong những ngày mình còn là học sinh. Vị trí thầy cô quan trọng đến chừng ấy. Chắc chắn như thế, gần mà xa, dễ mà thương khó! 
        Trong thời chiến tranh, một số nam sinh đã hạ giảm số tuổi. Nên so ra tuổi thật, các em chỉ thua người dạy một hoặc hai năm, thì nhân vật chính trong tác phẩm của Nguyễn thị Hoàng, không thể không xuất hiện.
        Cô giáo"cô giáo gì nhỏ xíu", ưa đơn sơ, ăn mặc đặc biệt không muốn giống ai lại dễ làm lay động các anh chàng học sinh thích làm người lớn, mà lớn thật, có em cao hơn tôi cả cái đầu. Một lần trong k thi, với nét chữ nắn nót trong bài viết:

"Trời cuối đông rồi cô biết không
Bao nhiêu thương nhớ bấy nhiêu mong
Bao nhiêu chờ đợi bao lưu luyến
Ðâu chuyện ngày xưa đỏ má hồng
Ngoảnh lại thời gian qua vun vút
Ba năm tròn chẳn phải không cô
Bao năm xa cách ôi hoa sứ
Hoa rụng đầy sông với xác xơ." *


        Làm gì có chuyện tôi dạy nơi ấy 3 năm tròn chẳn. Có chăng, trường Kỹ Thuật chỉ đầy hương hoa Sứ và tàng Phượng vỹ rợp bóng sân trường, gây cho anh chàng tức cảnh sinh tình, nhưng Nguyễn Thị Hoàng đã nói thay các cô giáo trẻ: "Vòng tay học trò làm sao em giữ nổi cô." Khó khăn hơn thế nữa, khi học sinh là thân nhân, kẻ tôi gọi là cậu, người kêu tôi bằng dì. Dù không nói ra, nhưng chắc rằng việc trở thành một Bao Công xử án trong bộ phim dài đến 30-40 tập, về chí công vô tư, hẳn tôi phải có. 
       Như đã nói, làm cô giáo trong tuổi học trò, khó vẫn gặp khó, nhưng may còn luật bù trừ "Hôm nay làm thầy cô cho người phá, mai đây tôi phá phách lại thầy cô". Bao kinh nghiệm thời cắp sách, trao lại tôi, cô giáo tuổi học trò. Tôi luôn nhớ, học trò học vì thầy cô, tôi cũng sẽ hết lòng vì các em. Tôi ôn vào trí tất cả vui buồn thời áo trắng, thời dễ giận cô, hờn thầy của ngày xưa, những điều làm tôi vui hay những lúc phật lòng. Tôi thật hết lòng, cố gắng ghi nhớ, nhào trộn kiến thức của thầy này, cô nọ. Tôi thêm thắt một ít kiến thức mới lạ, gây thích thú, mà tôi tìm được trong Hiển Hoa Bí Tử của thầy Phạm Hoàng Hộ. Hướng dẫn cho các em trong môn Vạn vật, biết tạo nét vẽ đẹp và một vài mẹo vặt, không bao giờ sai, khi vẽ sự liên kết của các tế bào trong thân cây, cuống lá. Hoặc tôi theo chân Người dạy tôi năm Đệ Tam là thầy Trương: "Ðứa nào hạng nhất môn của tao là đứa đó giỏi thiệt".
        Trong bài thi, thầy không cần viết đúng nguyên văn, quan trọng là nắm ý chính, cũng vì thế, thầy làm tôi hú hồn hoài. Bởi những câu hỏi thầy đặt ra, không ai trả lời, thầy "lôi đầu tôi" đứa hạng nhất. Tất cả các bộ môn, Toán, Vật lý hay Vạn vật, tôi cộng các lối dạy, ngắn, gọn, điều nói ra chắc chắn như được chứng minh mà thầy dạy Toán đã làm. Không khô khan, pha trò thêm ướt át theo lối của thầy dạy Văn. Dễ dàng ghi nhớ các công thức bằng những mẹo nho nhỏ. Không! tôi không bao giờ quên sự tận tâm, đến tận bàn các học sinh để giải thích cho các em không theo kịp bài, như thầy dạy tôi về môn Vật lý năm lớp Ðệ nhất.
        Rồi...đất trời nổi trận phong ba, mùa hè năm ấy chia xa phận người. Sau ngày phong ba 30 tháng Tư đen đó, tất cả các giáo sư, đều phải đến trường trình diện. Ðể nhìn ra, học sinh mình, giờ đây là người có toàn quyền đề cử thầy cô vào đoàn thể. Những con người cũ phải gắn vào tư tưởng mới, có thầy cô đã không được dung thân ngay buổi đầu. Sau cuộc đổi đời, ước mơ không muốn làm cô giáo ngày nào của tôi, không được như ý. Tôi, bây giờ trở thành giáo sư thực thụ của trường Kỹ thuật Vĩnh Long.
        Tháng Tư dù có đen, nhưng chính đám học trò, đã cho thầy cô giáo còn thấy vầng hồng trong buổi bình minh, bằng những niềm vui đến muộn. Sau cuộc đổi đời, đời sống của các em học sinh trở nên khó khăn hơn, tùy theo hoàn cảnh gia đình, nhất là các em có cha mẹ là quân nhân, công chức. Tuy nhiên, sự hồn nhiên và tinh nghịch, có lẽ là liều thuốc giúp các em hồi sinh, nên khi chân chạm cổng trường, học sinh vẫn tật cũ. Trong những giờ cùng nhau "lao động tốt", chúng nghịch đủ trò. Các em gán tôi với ông này, có lúc lại ghép với thầy khác, điều buồn cười, khi các thầy ấy đến gần tôi trò chuyện, thì y như rằng những anh chàng thích làm người lớn, mượn vai trò phụ trách lớp của tôi, chúng dài giọng:
        - Cô của em đó nhe thầy!
        Cuối năm ấy, giáo sư chúng tôi nhận lệnh mới, trường Kỹ thuật sẽ "giải thể", các học sinh được đưa trở về nguyên quán. Họ sẽ không chịu trách nhiệm gì, về việc các trường địa phương có thu nhận các em vào đó học hay không. Ðây là nỗi đau, đã cứa nát tâm hồn của thầy cô giáo, từng gắn bó với trường trong vai trò "Trồng người".
 Việc đời nhiều đổi thay, không tránh khỏi. Hôm qua em là học trò cô, hôm nay em vẫn là học trò cô, trong kiến thức. Còn về địa vị mới , các em hơn hẳn. Tuy nhiên, bàn tay năm ngón dài ngắn, dù thời đổi, các em hẳn chưa thay câu tiên học lễ, nên các học sinh ấy đã giúp tôi rất nhiều và cũng che chở cho cô của chúng rất nhiều.
        Ngày chia ly rồi cũng đến. Lời cuối cùng nhắc nhở nhau, cho các em "Dao búa" của tôi và cho chính mình 
        - Học một giờ!
        - Học một ngày! 
        - Và học suốt cuộc đời
       "Sỏi đá cũng còn có nhau"! Cơ hồ gì những tình cảm gắn bó trong chuỗi ngày dài làm cô phụ trách lớp. Những buổi lao động, nhặt rác trên các con đường quanh tỉnh. Những lần khua chiêng, gióng trống đưa thầy cô cùng lũ học trò lên đường, đi đấp đập Bến Giá và dĩ nhiên là đấp không được, lại được đổi lời, đưa đi để thử lòng dân.
        Chia tay nhau rồi, cơ hội gặp lại mong manh như tơ trời. Thế là một số em ở nội trú và tôi gặp lần sau cùng, tại quán cóc, nằm dọc vĩa hè đường Nguyễn Huệ, ăn bữa cuối. 
      Cái tổ Kỹ Thuật tan nát. Bao nhiêu con chim non chưa ra ràng, buộc phải đập cánh bay tứ phương. Các em về nơi xứ xa. Tôi, thành phần độc thân, ngậm ngùi đến xứ lạ, quận Tam Bình. Ðối với các giáo sư Sài Gòn về quê tôi nhận việc, dân Vĩnh Long đã là chân quê. Tôi giờ đây, trở thành dân quê thứ thiệt ở miệt này.
        Ngày đầu đến trường Tam Bình, nhìn nữ sinh đã bị mất tà áo trắng trinh nguyên, nam sinh lượm thượm với chiếc áo bỏ ngoài, không nịt thắt, mà cả ngay ông Hiệu Trưởng cũng như thế, các em làm gì khác hơn. Sân trường Tam Bình còn đâu áo trắng nhởn nhơ ra vào. Vào đến lớp, bắt gặp những khuôn mặt già hơn tuổi đời. Quanh đây bao nét ngây thơ hằn lên mệt mỏi, có em ngủ gà ngủ gậc. Hỏi ra mới biết, đêm rồi em thức gần sáng trắng, để giữ lửa cho lò đường, phụ mẹ cha kiếm thêm tiền. Vào mùa gió chướng, Tết sắp đến, lớp càng vắng hơn, khi các em còn phụ thêm việc đồng áng.
        Về miệt vườn, phần đông phụ huynh rất ưu đãi các thầy cô giáo mới, trẻ như chúng tôi.
        - Cô giáo cứ chấm bài đi nghe, tôi về nhà, sẽ trở lại mời cô ăn khuya. 
       Rồi ông đem đến một con gà, cùng chủ nhà trọ của tôi, cắt tiết, làm món gà rang muối. Lần đầu trong đời, còn khá trẻ, được làm bạn nhậu với những người trong tuổi vai vế chú bác. Nói là bạn nhậu cho oai, chứ thật ra, tôi là dân phá mồi. Món ăn tuyệt vời, lần đầu tôi được vinh hạnh nếm qua.
       - Cô giáo biết hôn, tôi lấy hành, thoa lên tay, rồi đi vào chỗ gà ngủ, bợ nhẹ, không một tiếng động. Ngày mai, chắc bà vợ tôi la làng, mắng đứa ăn trộm, nhưng mà cô giáo đừng nói cho con gái tôi là con Hạnh, học trò của cô biết nghe. Biết được tôi sẽ không yên với bả đâu. Ông dặn cũng bằng thừa và tôi trở thành người đồng lõa, dù vô tình.
        Tỉnh Vĩnh Long, tôi cho là quá "nhỏ". Quận lỵ Tam Bình, nhỏ đến dường nào. Buổi chiều nơi đây buồn ơi là buồn, nhất là chuyến xe cuối rời bến, cuốn bụi đường, đưa khách rời xa chốn này. Ngoài những đêm dạy lớp Bình dân hoăc giúp các em ôn bài chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Tôi còn một học sinh tí hon, cháu của chủ nhà, em không có cơ hội đến trường. Hằng đêm, em quấn quýt bên tôi, ngày đến em phải ra đồng nhặt hạt lúa rơi. Tôi mua bút mực, dạy cho em những chữ đầu đời. Bên này tôi soạn bài, bên kia em học tập, lấp đầy một phần nào thời gian trống vắng.
         - Cô giáo thích ăn cái gì cô giáo? Em sẽ về nhà lấy cho cô giáo ăn.
Mẹ em là người bán quà vặt ngay cổng trường. Không ngăn được dòng lệ, tôi xoa lấy đầu em.
        - Cô chỉ thích ăn xoài sống thôi. Vì tôi biết mẹ em không bán loại xoài này.
        Tối hôm sau, em đến tìm tôi bằng nụ cười thật tươi trên môi, xoè bàn tay với một trái xoài nhỏ xíu, em cho biết đã đi nhặt lúc ban trưa. Em đã cho tôi tình người dân quê, như tình người phụ huynh nấu món gà rang muối. Tôi đã trở thành người dân Tam Bình từ lúc nào cũng không hay. Chiều chiều, đưa tầm mắt bên kia sông, ngồi nhìn lục bình lờ lững trôi theo con nước lớn ròng. Thả đôi chân trần nghịch nước, trên chiếc cầu đâm chùi xuống bãi. Với tay múc đầy lu nước, lóng phèn thật trong. Ðêm đêm đưa vào giấc ngủ bằng tiếng sóng vỗ nhẹ đôi bờ. Sáng tinh mơ, đánh thức bởi tiếng mái chèo, cùng tiếng người ơi ới cho phiên chợ mai. Nơi đây, thỉnh thoảng bay về những lá thư " gây nhớ" của đám học sinh Kỹ Thuật, đã xoa dịu phần nào nỗi đau.
        Ngày thêm khắc nghiệt bởi chế độ. Một sớm mờ sương, đầu mùa Phượng đơm hoa, trong sinh hoạt bình thường của quận lỵ, chuyến xe đò đầu tiên, đưa một người âm thầm bỏ trường lớp, bỏ đám học sinh và cả quê hương. Trôi theo một phương trời vô định, để định lấy đời mình trong may ít, rủi nhiều. Bằng con tàu mong manh, cuộc hải hành gian nan, vượt biển, chọn cái chết để tìm sự sống. Giữa biển cả mênh mông, biết đâu bờ bến, mới hiểu được thân phận bé nhỏ của con người khi đối đầu với hải tặc.
 
        "Rồi Em cũng đã rời xa, theo cánh chim tìm về xứ lạ. Ðời Em năm tháng cỏ hoa.. Rồi Em cũng đã bỏ đi, để lại từng vấn vương, mặn nồng là vết thương, ôm dấu yêu một lời chưa ngỏ. Bỏ con phố nhớ chân người.."*.* 
    Tôi đã về nơi xứ lạ, cây đời tỵ nạn, mọc tha hương trên đất người, một sớm mai cất đi kiến thức, một chiều đến quên hẳn bục giảng, tìm kế sinh nhai. Dòng đời cứ trôi, nghề làm đã thay. Thời gian chẳng đủ hiền hòa cho người tỵ nạn. Nhưng đành!
        Rồi một ngày hy vọng vươn lên, đã đến lúc tạm an cư trên xứ người, thế hệ cha ông lại muốn đưa con cháu tìm về cội nguồn dân tộc. Từ đó các lớp học Việt ngữ ra đời, bồi đắp lại mất mát bằng những tấm lòng "Yêu tiếng nước tôi" thiết tha. Tôi trở thành cô giáo dạy tiếng Việt. Chiều thứ Bảy, Sáng Chúa Nhật, tiếng trẻ ê, a đánh vần. Học sinh lớp 5 của tôi, gồm các em trình độ Tiểu học, ngồi cùng trình độ với anh chị sắp thi tốt nghiệp lớp 12. Thôi thì ... xoay bên này tôi như đứa bé lên 7-8, xoay bên kia là người vị thành niên và quay vào bảng đen phấn trắng thì mình đã qua tuổi chớm già. Nhớ lại ngày xưa thân ái của thời con gái đó... tôi đã chọn nghề không thích vì tiền. Giờ đây, tiền nào sánh bằng tình dành cho các em đang độ tuổi con cháu và quan trọng nào bằng tác phẩm vẽ lên "trang giấy trắng học sinh". Một thời làm học trò, tôi ưu ái cho thầy cô những phá phách. Một thời làm cô giáo, tôi đã nhận lại hết những gì mình đã trao đi. Hôm nao, tà áo trắng tinh, tôi theo chân cô giáo mình, bà Tổng Trưởng Xã Hội Trần Nguơn Phiêu, giả đò hỏi bài, để các bạn so cao thấp. Ngày nay các em thành thật hơn, chúng đi sát cạnh tôi:
        - Sao cô Phượng thấp quá vậy!?
       Hoặc đâu đó trong phần kết của bài luận văn" Cô Phượng hơi lùng lùng( lùng có g)". Mỗi tuần, ngồi với đám trẻ, chưa đầy 3 tiếng đồng hồ, nhưng cũng quên đi nhiều nỗi muộn phiền xa xứ, qua những điều có thật. Trong bài Học thuộc lòng của các em, bài "Mất Mẹ".

Năm xưa tôi còn nhỏ
Mẹ tôi đã qua đời
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Ðể dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đau rồi
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi biết tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời


         Ðược các em giải thích:
         - Thưa cô, mồ côi là con nít mới đẻ. 

         - Chuông chùa nhẹ rơi rơi là cái chuông rớt từ từ xuống đất chớ không có rớt mạnh.
        Một học sinh, cũng là cháu gái gọi tôi bằng dì, trên đường về nhà sau giờ tan học, đã khoe với mẹ:
        - Hôm nay sáu Phượng, dạy bài thuộc lòng, con đã nhớ 4 câu đầu:

Năm xưa tôi CÒN nhỏ
Mẹ tôi MỚI ra đời.


Hoặc trong bài Tháng Năm Trời Mưa:

Tháng Năm trời mưa to
Ba dẫn con đi học

Cha con mình co ro
......

Ở đây đời lạ hoắc
Tay trắng còn trắng tay


        Câu Tay trắng còn trắng tay được các em giải thích là "tay không có đen". Hay trong bài Cơ thể người ta được các em mô tả: "Mặt người ta có trán ở phía trên, kế đến là hai mắt, mũi, miệng, bên dưới là càm, hai bên có hai tai, tai NGỒI ở dưới cái đầu. 
        Hoặc tìm từ phản nghĩa của SIÊNG NĂNG là KHÔNG NĂNG, CONG QUEO là THẲNG QUEO.
        Đặc biệt hơn, một học sinh người Úc, anh chàng trên 40 tuổi, học Việt Ngữ với dự định, một ngày nào, anh sẽ về Việt Nam, nối vòng tay bằng thiện tâm mình. Trong giờ học đàm thoại: 
        - Giáng sinh này, anh sẽ mua quà cho ai? Tôi hỏi.
        - Giáng sinh này, tôi sẽ mua quà cho con gái, CON mẹ.
        - Con mẹ là ai?
        - My mother.

(Lớp 10I trường Kỹ Thuật Vĩnh Long niên khóa 74 - 75)

        Tôi như người lái đò, đã 16 năm, mỗi năm tôi đã đưa bao khách sang sông. Những người khách, ra đi không trở lại, có trở lại tôi chẳng nhận ra. Những người khách qua đò không trả lấy một xu, nhưng đã để lại cho tôi cả trời thương nhớ. Khi cảm nhận được tấm lòng của các em, tôi chợt hiểu ra, dù muộn màng. 
        - Cô, cho em xuống lớp cô dạy, được không cô? Một em lớp 6, tha thiết chờ đợi tôi với đôi mắt rướm lệ.
        Không phải một, mà đến nhiều lần. Sau giờ học, em đến gặp tôi, trong ràn rụa nước mắt xin được xuống lớp.  Mặc dù, trong năm qua, em là học sinh xuất sắc, đứng nhất lớp 5A, trường Trương Vĩnh Ký, do tôi phụ trách. Khi liên lạc với cô giáo lớp 6, tôi vỡ lẽ ra, em học tệ, không làm bài tập đầy đủ. Lần sau khi em đến tìm tôi, cũng nước mắt lưng tròng, vẫn xin được ở lại lớp. Tôi hỏi em bây giờ đã là mấy giờ. 
        - Thưa cô đã 4 giờ chiều.
        - Em có thể kéo đồng hồ trở lại 1.30 trưa, lúc lớp học bắt đầu không?
        Em nhìn tôi, im lặng không trả lời. Tôi cho em biết, thời gian không đợi chờ em. Tôi vẫn bên em, cũng vẫn chăm sóc em như những ngày nào, qua sự thăm hỏi cô giáo lớp 6 về sự học tập của em. Em không thể ở mãi với tôi, mà cần tiếp tục vươn lên. Tiếp tục học, tiếp tục tiến bộ, mới thật sự học vì em và vì cô. Thầy trò tôi rời lớp học, tôi tiễn em ra sân, buổi học đã chấm dứt, nắng chiều còn đọng trên nhành cây, một phần lốm đốm rơi xuống di động trên sân trường, như sự di động không ngừng về liên tưởng đến thầy cô năm xưa của mình. Cùng với em đi xuống cầu thang, tôi còn nghe được bước chân em nằng nặng. Rồi kết quả năm ấy, em lại dẫn đầu trong các học sinh lớp 6. Những năm sau,"lịch sử" lại tái diễn. 
        Còn những trường hợp tương tự, nhưng tôi biết phải làm sao, giúp các em bớt ray rức, muộn phiền khi không được toại nguyện ở lại lớp để được học với tôi như ý mong muốn của các em. Tình các em dành cho tôi, không tự có. Tôi chẳng vững tay chèo, nếu tôi không được những người đưa đò năm xưa, lèo lái giỏi. Một điều không thể không nhắc đến còn một người lái đò khác rất đặc biệt, Người mà trong những buổi tu nghiệp đã hướng dẫn về tâm sinh lý thanh thiếu niên, giúp tôi có thêm "bản lãnh" đối đầu với những học sinh Việt sống ở hải ngoại, nơi mà nền giáo dục theo lối dân chủ, nơi là người Việt mà tiếng Việt không thuần là tiếng mẹ đẻ. Một thời tôi từng là khách sang đò, cũng không có xu nào để trả. Hôm nay, tôi sẽ gửi trả lại cho tất cả thầy cô lái đò đã đưa tôi sang sông, không bằng tiền, mà bằng những dòng chữ thân yêu của thế hệ sau. Chắc chắn rằng, thầy cô sẽ vui, vì thành quả tôi có ngày hôm nay, đây cũng chính là tiền thân thành quả của thầy cô ngày trước. Công lao của thầy cô thật cao vời, trong đó có những người thầy đã vĩnh viễn đi thật xa. Tiếc rằng các Thầy Cô ấy không đọc được lời trang trọng này. Thầy Cô tôi, không hẳn học cao, hiểu rộng, nói chẳng lưu loát, không chút dịu dàng, đôi lúc ngỡ như không tôn trọng vì tiếng xưng hô, mầy tao của Thầy. Nhưng Thầy Cô, đã là người dìu dắt học sinh chúng tôi, một thời làm bạn đồng hành, giúp chúng tôi hiểu biết, phát triển và vượt qua khó khăn. Tất cả là những vị thành tâm, thành ý, hoàn toàn hiến mình cho sự giáo dục.
        Ðêm nay, ngồi đây trước chồng tập vở của học sinh. Những ngày đầu năm, hương xuân còn quanh đây. Tôi sẽ làm gì? Tôi sẽ đọc lại bài Luận văn của Ánh Ngà, một học sinh lớp 5 trường chính mạch và cũng là học sinh lớp 5A trường Việt ngữ Trương Vĩnh Ký. Bài văn em nói về cảm nghĩ trong niên học 2007.

        "Trong niên học 2007 em học lớp 5A với cô Phượng. Em rất thích cô Phượng và lớp của em vì ai cũng tốt. Mỗi thứ Bảy em đi học tiếng Việt và gặp cô Phượng. Em thấy cô Phượng dạy rất hay. Khi cô đọc chính tả giọng nói của cô rất chậm rãi và rõ ràng. Khi cô nói chuyện với các em, cô Phượng nói rất dịu dàng và thân mật. Mỗi thứ Bảy cô cho em bài làm ở nhà, em rất thích làm bài ở nhà.
        Mỗi thứ Bảy em rất vui vì được gặp cô Phượng và bạn. Năm nay em rất thích vì cô Phượng dạy rất hay."


        Từ lúc đặt bút đến lúc nộp bài cho cô giáo, chỉ trong một thời gian ngắn, chưa đầy 1giờ 20 phút. Những điều em viết không thể tránh lỗi chính tả, không khỏi gây nhiều xúc động. Chẳng phải em nói tốt, nghĩ tốt về tôi. Ngay phần nhập đề: "Trong niên học 2007 em học lớp 5A với cô Phượng. Em rất thích cô Phương và lớp của em vì ai cũng tốt." Thật ra, lớp tôi có những anh chàng "không tốt", học lớp 9,10 của trường chính mạch, các em đến trường vì sự bắt buộc của cha mẹ, thường hay phá phách, làm phiền các bạn, mất thời gian giảng dạy. Tuy nhiên, có lẽ Ánh Ngà thấy được cái tốt của các em ấy, dù phá phách nhưng lúc nào cũng lễ phép và tôn trọng thầy cô. Một tấm lòng ẩn hiện độ lượng mà em đã nhìn tha nhân.

         Năm nay 2008, bài luận văn trong lần thi Học kỳ hai, viết về người mà các em thích nhất:

"Một người mà em thích nhất ở trường học tiếng Việt là cô Phượng. Em thích cô Phượng vì cô Phượng không la rầy nhiều. Cô dậy em đọc và viết. Em nghĩ cô Phượng là người tốt vì cô Phượng giải thích chữ cho học sinh mà không hiểu. Cô Phượng cũng day em bài Tôi biết Lễ Phép và Thành Thật, em luôn luôn nhớ mấy chữ đó. Lúc nào cô Phượng thích chơi và kể chuyện cho các học sinh em thích nghe câu chuyện của đời sống của cô. Khi lớn lên em hy vọng em day con em lời cô Phượng chỉ em. Em muốn ở với cô Phượng tới lúc em song học tiếng Việt."


        Trần Thúy Thảo, người viết đoạn Văn trên, chỉ là học sinh lớp 5 của trường chính mạch, em đã sâu sắc nhận ra hai điều tôi đã trao truyền là, Lễ phép - Thành thật và em hy vọng sẽ dạy lại cho con mình sau này. Những bài luận của các em, chính là nguồn cảm hứng, thành hình bài Văn của cô giáo Phượng. Đêm nay, ngồi đây, những giọt lệ âm thầm của cô giáo ô đen rơi... rơi theo tiếng mưa ngoài trời. Lạ! Xuân mà mưa vẫn rơi. Tiếng mưa đêm, những hạt nước ngọc ngà, đang rưới mát cho phương Nam - Úc châu, một nơi hạn hán đang đe dọa theo từng ngày tháng. Hạt mưa rơi - hòa lẫn niềm vui, trong một mùa xuân thật đặc biệt, bên bài Luận văn của Ánh Ngà, Thúy Thảo. Trong giây phút này, tôi thèm cởi bỏ lớp áo cô giáo, khoác lên mình tà áo trắng tinh nguyên thời cắp sách, làm học trò.
        Ðêm nay, cô giáo sẽ trở về thời cắp sách, như một lần đầu tiên trong lớp học tu nghiệp dành cho giáo chức tại Úc châu. Hơn mấy mươi năm, khi được êm đềm ngồi trong lớp, như ngồi lại trong khung cảnh cũ, dù người xưa không còn. Bằng tiếng CON, tôi xưng hô với Người giảng thuyết, Người có tuổi đời khá trẻ so với kinh nghiệm tâm lý già dặn đã có:
        - Thưa thầy, hôm nay được ngồi trong lớp học, sau mấy mươi năm, CON muốn tìm về dĩ vãng thời học trò. 
        - À ra vậy!
        - CON nói đi, thầy sẵn sàng nghe.

        Tôi mơ được trở lại thời cắp sách, khoác tà áo trắng tinh của hôm nao, quay ngược thời gian, dệt một giấc mộng.
 

Kim Phượng
(Úc Châu đêm xuân Mậu Tý 2008)
* Bài thơ học trò chép tay cho cô giáo - không rõ tác giả.
** Nhạc phẩm Lời Ru Mời Em Trở Lại của Linh Mục Đinh Thanh Bình


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét