Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2017

Người Thiếu Nữ Bên Dòng Sông Giồng Ké - Đoàn Lê

Tỉnh Vĩnh Long ngày xưa là một trong sáu tỉnh của đất Nam Kỳ gồm ba tỉnh miền Đông: Biên Hoà, Gia Định, Định Tường, và ba tỉnh miền Tây: Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Cụ Phan Thanh Giản ngày nay đã thành thần vì gương trung nghĩa, uống thuốc quyên sinh khi bất đắc dĩ phải nhường thành, nhường đất cho giặc. Người đời sau cảm nghĩa khí ấy đã nên xây đền thờ trang trọng, nay vẫn còn, tên gọi Văn Thánh Miếu hay lăng Phan Thanh Giản. Vĩnh Long trước 1975 có đền thờ trung đại thần Tống Phước Hiệp cùng với Trung Tướng Nguyễn Viết Thanh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa với hai hàng câu đối:

Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu


Vĩnh Long ngày xưa có Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 9 Bộ Binh cùng các đơn vị trực thuộc trấn đóng, một thời thanh bình nay còn đâu. Vĩnh Long nằm giữa hai con sông Tiền và sông Hậu chở nặng phù sa cho những cánh đồng lúa tốt tươi và cây trái ngọt lịm tình người. Vĩnh Long có trưòng Sư Phạm có trường Kỹ Thuật đã đào tạo biết bao nhân tài cho cả vùng đồng bằng sông Cửu. Vĩnh Long tháng Tư dọc theo con lộ đi Vĩnh Bình, bên những cánh đồng đã gặt còn trơ gốc rạ, có những chỗ bán dưa gang vàng ối, thơm ngon.Và Vĩnh Long còn nhiều còn nhiều nữa…

Vĩnh Long có dòng Cổ Chiên lững lờ trôi với bản tình ca bất hủ Đò Chiều của người nhạc sĩ quê Vĩnh Long: Trúc Phương, như lời tâm sự của người thôn nữ chèo đò đưa đoàn quân sang sông vào một buổi chiều rồi trong lòng nhung nhớ bóng dáng những chàng trai anh dũng phong sương, gian khổ hy sinh tuổi trẻ để mang hạnh phúc cho đời, cho người:

Rộn ràng lòng cô gái đôi mươi
Thắm trên môi nụ cười
Nhìn toán quân qua rồi
Chợt thấy lòng lưu luyến
Và tâm hồn xao xuyến
Trông anh trai phong sương
Em thấy mà thương.
(Đò Chiều)


(Lớp 11e - Kỹ Thuật Vĩnh Long)

Người đi rồi người lại về. Về trong cũng một buổi chiều hoang nắng tắt nhưng đã mang niềm vui chiến thắng, không ảm đạm như lúc ra đi:

Rồi chiều nào nắng tắt trên đê
Toán quân xưa trở về
Màu chiến y phai rồi
Người anh từ muôn lối
Về mang niềm vui mới
Đôi tay vun muôn hoa,
Hoa sắc Cộng Hòa
(Đò Chiều)

Nhưng niềm vui lớn nhất vẫn là niềm vui hội ngộ của mối tình chớm nở trên sông của buổi chiều xưa, nay đã được nối lại thật êm đềm và thơ mộng như bao mối tình quê khác, được tác giả Trúc Phương kết luận nhẹ nhàng tự nhiên như một phần thưởng dành cho kẻ ở đợi chờ người đi:

Và chiều nay trên bến cô liêu
Bớt hoang sơ tiêu điều
Giọng hát vui sông chiều
Tình của người thôn nữ
Vừa trao người viễn xứ
Trên sông xưa mênh mông
Đôi bóng đẹp đôi.
(Đò Chiều)


Tuy nhiên, không phải cuộc gặp gỡ nào rồi cũng đi đến đoạn kết cuộc tình đẹp như thế. Có một cuộc gặp gỡ khác cũng của người trai phong sương với cô thiếu nữ tuổi thắt bím cài ở một vùng quê khác cách thị xã Vĩnh Long không xa, nơi một thôn xã nọ, có một dòng sông mang tên Giồng Ké, thuộc xã Trung Ngãi, quận Vũng Liêm. Cô thiếu nữ ở vào tuổi tròn trăng có nụ cười với chiếc răng khểnh hàm trên bên phải, sinh ra và lớn lên bên dòng sông Giồng Ké vào thuở đất nước còn thanh bình chưa có bóng giặc về khuấy động làng thôn. Cô là con thứ sáu trong một gia đình khá giả mười người con của nông thôn thời ấy. Mẹ cô, một người đàn bà phúc hậu nhưng nhan sắc mặn mà về làm dâu nhà chồng từ năm mười lăm tuổi. Tuổi ấu thơ, cô theo học trường Tiểu Học Giồng Ké. Năm cô học đệ ngũ trung học trường tỉnh vào một buổi về quê thăm nhà, thăm cha mẹ, bỗng dưng cô thấy trong nhà có nhiều người lạ. Đó là các anh lính thuộc một đơn vị bộ binh hành quân qua đây và ngỏ ý mượn đỡ hiên nhà của cha mẹ cô để làm nơi đóng quân tạm trú. Cha mẹ cô không những vui lòng ưng thuận mà còn mời các anh vào trong nhà nghỉ ngơi, tận tình giúp đỡ chỗ ăn, chỗ ở vì nhà cô khá rộng lớn. Đây là theo lời kể lại của cô:” Lúc đó theo lời người chỉ huy, chỉ xin tạm trú nơi hàng hiên thôi, nhưng má thì lúc nào cũng mời các anh vào trong nhà, nhường chỗ, lùa đám con trên một chiếc giường chật như nêm, vì má luôn nói "tội nghiệp họ, đâu biết sống nay chết mai". Có một lần họ về muộn, những nhà khác sợ VC nên họ vội tắt đèn vờ như ngủ, để các anh không gõ cửa. Riêng má bắt tụi nhỏ vặn đèn lên, vờ học bài, như vậy các anh thấy còn thức sẽ đến gõ cửa. Má còn mời ăn, lo củi lửa, nước nôi toàn là nước mưa, đó là những nước trữ để dành . Mặc dù lúc ấy má chưa có đứa con nào đầu quân, nhưng có lẽ do sự khổ cực của những năm chạy loạn mà má có tính thương lính và tấm lòng đó ảnh hưởng ít nhiều đến các con của bà”.
Câu chuyện cũng xảy ra vào buổi chiều mà theo cô thì “có những hôm các anh lính về đóng quân, dòng sông như linh động hơn với các chàng trai phong sương, áo vương bụi đường”:

*Một chiều nào anh qua làng xưa
Ánh trăng non chênh chếch bóng dừa
Lũ trẻ quay quần bên bàn gỗ
Giật mình em nghe tiếng .Dạ thưa.
Thì ra các anh vừa đổ quân
Đêm nay xin phép tạm dừng chân
Ba lô trĩu nặng . Màu áo trận
Môi cười chan chứa tình quân dân

(Chiều Xưa - Kim Phượng)


Trong khi bà mẹ ân cần dặn dò các anh cứ tự nhiên thì có một anh, tuy tai nghe mẹ nói nhưng mắt cứ nhìn đăm đăm cô gái tóc bím răng khểnh:

Mẹ nói mắt anh nhìn đâu đâu
Đã rõ chưa? Anh vội gật đầu!
Thẹn thùng cúi mặt em bước vội
Cớ gì xao xuyến nhịp tim tôi?

(Chiều Xưa- Kim Phượng)

Cớ gì xao xuyến trái tim cô và cả người trai áo trận kia. Thế rồi, xong chiến dịch đoàn quân ra đi. Người trai phong sương tiếp tục gót quân hành ở những vùng xa xôi khác để làm tròn bổn phận người trai thời loạn. Người con gái tuổi tròn trăng trở lại trường, tiếp tục đèn sách nhưng mỗi khi có dịp trở về thăm nhà, lại nghe con tim còn xao xuyến khi mẹ kể chuyện người xưa ấy:

Hè năm ấy em trở lại nhà
Khẽ khàng mẹ kể chuyện ngày qua...
Từ đó anh ghé qua đôi lần
Bảo rằng: Thăm bác vì tình thân.
Nhưng trong đôi mắt đầy u uẩn
Lời tạ từ chưa giấu hết bâng khuâng

(Chiều Xưa- Kim Phượng)

Đến năm Mậu Thân 1968, cô đã phải vĩnh viễn giã từ Giồng Ké, giã từ dòng sông của tuổi ấu thơ vì hai dãy phố đắm chìm trong biển lửa chiến tranh do giặc Cộng về tàn phá trả thù. Giã từ năm tháng đi học chân trần không guốc dép mà cặp sách bằng giỏ đệm che mưa. Giã từ một lần xắn quần hái ấu bị đỉa đeo. Gĩa từ những trò chơi hai phe trai gái trong sân trường Giồng Ké. Giã từ con xuồng nhỏ chòng chành vớt cá lòng tong bị đổ, may mà mẹ tha đòn. Giã từ bóng người sau cửa sổ trộm nhìn. Giã từ những Cúc, Liễu, Hạnh… bạn thơ ấu một thời. Giã từ gian nhà rộng lớn bằng gỗ sao, lá chầm, do công sức của ba khó nhọc gầy dựng nên mà đã hơn một lần các anh chiến sĩ dừng chân tạm trú…Giã từ và giã từ tất cả, cha mẹ cô dời lên thị xã Vĩnh Long, một phần vì giặc giã và cũng một phần vì cô và các anh em cô đã lớn khôn nên phải có nơi chốn ăn học nên người. Xong bậc Trung Học, cô vào Đại Học Cần Thơ. Tốt nghiệp đại học, cô về Vĩnh Long trở thành giáo sư ở những trường cô đã học khi xưa và nhất là trường Kỹ Thuật Vĩnh Long. ở vào cái tuổi áo trắng học trò mà làm thầy người ta.


Cuộc đời êm đềm nếu cứ thế trôi đi thì đâu có gì đáng nói. Nhưng rồi thảm cảnh 30-4 ập đến như một cơn phong ba quái ác điên rồ. cuốn đi không biết bao nhiêu quãng đời vào nơi oan khiên nghiệt ngã. Kẻ trắng tay, người tay trắng. Cô vẫn còn đi dạy nhưng phải đổi về vùng xa. Còn đâu những tà áo dài lượn là tươi thắm như hoa phượng trong sân trường Kỹ Thuật, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Thông hay Tống Phước Hiệp…

Vĩnh Long, nơi nương náu an toàn cuối cùng rồi cũng đành từ giã. Vào một sớm tinh sương, cô bỏ trường, bỏ lớp, bỏ học trò vùng quê như hình ảnh chính cô khi xưa rồi giã từ gia đình cha mẹ, anh em ra đi tìm vùng đất mới xa hơn, nơi đó có tự do hạnh phúc đúng nghĩa trăm phần và cô đã đạt thành mộng ước.

Hơn bốn chục năm đã trôi qua như nước chảy dưới cầu, với bao biến cố dập vùi, biển dâu, dâu biển. Bây giờ dù ở chỗ xa thẳm cuả đất nước tạm dung, cô vẫn không quên nhớ về dòng sông cũ, về nơi chốn nuôi cô thời ấu thơ mà không khỏi bâng khuâng tự hỏi những người của ngày xưa, chưa một lần gặp lại và người lính chiến năm nào với ánh mắt năm xưa giờ lưu lạc nơi đâu và đoàn quân đó ai còn ai mất, cô nào bíết được…

Có những chiều ra nhìn dòng sông
Tầm mắt trôi theo nước lớn ròng
Em người con gái chưa sầu mộng
Vời vợi buồn dâng nỗi nhớ mong

(Chiều Xưa- Kim Phượng)

Những người anh đó chính là các chàng trai thời loạn vì nước quên mình để cho cô ăn học thành tài, mong rằng có ngày ơn đền nghĩa trả. Những người trai, trong đó có ánh mắt năm xưa vẫn bằn băt mù tăm không hề gặp lại, không có được cái may mắn như của người thôn nữ chèo đò năm nào trên sông nước Cổ Chiên:

Anh người lính chiến khắp muôn phương
Xông pha chiến đấu vì lý tưởng
Trai thời chinh chiến nét phong sương
Anh! Lính Sư Đoàn Chín Bộ Binh
Xếp bút nghiên theo việc đăng trình
Vì nước quên mình nguyền tử sinh

(Chiều Xưa- Kim Phượng)

Hỡi những chàng trai lính chiến đó giờ lưu lạc nơi đâu. Có nghe chăng có người con gái năm xưa ấy vẫn trông ngày các anh trở lại khi đất nước thật sư thanh bình để cùng đôi tay vun bông hoa, hoa sắc Cộng Hoà?


Đoàn Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét