Thứ Hai, 10 tháng 4, 2017

Các Phép Đối Trong Thơ Đường Luật


1 - Phép Chỉnh Đối: Đây là phép đối thông dụng nhất, các chữ của câu trên và câu dưới theo thứ tự đối nhau từng chữ một hay từng cặp chữ kép một.

Lom khom dưới núi tiều vài chú 
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.
(Bà Huyện Thanh Quan)

Lưng khoang tình nghĩa dường lai láng
Nửa mạn phong ba luống bập bềnh
(Hồ Xuân Hương) 

2 - Phép Tá Tự Đối: Đây là phép đối tiếng đối bóng

Hai mái trống tung đành chịu dột
Tám giờ chuông điểm phải nằm co
(Trần Tế Xương)
Chúng ta thấy ý của từ Trống và Chuông trong câu không hề đối nhau. Nhưng nếu tách ra xét tự loại lại đối.

3 - Bất Đối chi Đối: Không đối tự loại mà đối ý. Cách đối này, Tiền Nhân rất thích dùng theo quan điểm Ý trọng hơn Từ. 

Vàng tung cánh hạc bay bay mãi
Trắng một màu mây vạn vạn đời
(Vũ Hoàng Chương)

Bóng chiều đã ngả đâu quê cũ.
Xưa nay chinh chiến mấy ai về
(Tổng trấn Nguyễn Văn Thành)

U uất nơi lòng mòn mỏi đợi
Xuống lên con nước cứ vơi đầy
(Quên Đi) 

- Các cặp câu này nếu so tự loại, chúng ta thấy chẳng hề đối theo phép Chỉnh Đối. Nhưng ý lại đối rất chặt chẽ.

4- Phép Đối Lưu Thủy: ý câu dưới tiếp ý câu trên

Còn chăng lời hẹn bên trang sách,
Hay đã tàn theo ánh lửa đèn.

Tiệc tùng chủ yếu cầu vui khoẻ
Nào phải kinh doanh để nhận quà
Quên Đi

- Chúng ta thấy hai câu này xét tự loại không thể đối nhau. Nhưng ý được nối tiếp với nhau như dòng nước chảy liên tục.

5 - Cú Trung Đối: Còn gọi là Tiểu Đối. Tự đối nhau trong từng câu. Câu trên tự đối, câu dưới cũng tự đối. Hai câu đều tự đối. Tự Đối dùng để đối với Tự Đối.

Cướp của đánh người quân tệ nhỉ
Xương gà da cóc có đau khôn
(Nguyễn Khuyến)
- Cướp của đối với đánh người. Xương gà đối với da cóc.

Nếu quả trời xanh ghen má phấn
Đừng mong cưới vợ để sinh con
(không biết Tác Giả) 

- Trời xanh đối với Má phấn. Cưới vợ đối với Sinh con. 
- Trong câu này có thêm phép Đối Lưu Thuỷ.

6- Giao Cổ Đối: Từng nhóm hay từng chữ của câu trên đối chéo với từng nhóm hay từng chữ của câu dưới

Chân bước vững đường chiều khấp khểnh
Rừng cây rậm rạp trúc vươn cao. 
(Trần Tuấn Ngọc) - 
Chân bước vững của câu trên đối chéo với trúc vươn cao của câu dưới
- đường chiều khấp khểnh của câu trên đối chéo với Rừng cây rậm rạp của câu dưới.

Bèo mây xuôi ngược nhiều sương nắng
Thương nhớ ngày đêm lẫn tủi hờn 

- Bèo mây của câu trên đối chéo với Ngày đêm của câu dưới
- Xuôi ngược của câu trên đối chéo với Thương nhớ của câu dưới
Trong 2 câu này còn có Tiểu Đối:
- Bèo mây đối với Sương nắng.
- Thương nhớ đối với Tủi hờn

Kết Luận

Do ngày nay, những người làm thơ Đường Luật hầu hết đều làm thơ theo phép Chỉnh Đối, dần dà quên đi các phép đối khác. Từ nguyên nhân này, một số người đã ngộ nhận trong Thơ Đường Luật chỉ có một phép đối duy nhất. Vì thế, khi gặp một bài thơ áp dụng những phép đối khác, đã vội cho rằng sai luật đối, hoặc giả cho rằng Phá Cách, kể cả thơ của Tiền Nhân.

Huỳnh Hữu Đức 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét