Cuối cùng rồi cũng đến ngày Chung thất, ngày thứ 49, kể từ em vĩnh viễn đi vào cõi thiên thu. Trong nhãn quan của người Phật tử trọn đặt niềm tin vào tôn giáo, đây là ngày trọng đại và cuối cùng của một đời người sau lần khép mắt.
Chắc chắn em sẽ không cô đơn trong giây phút thiêng liêng hôm nay, bởi trầm hương nghi ngút và lời nguyện cầu của người thân. Hôm nay, từ bờ đại dương xa xôi, cô sẽ kể cho em nghe…thay nén hương đưa tiễn.
Ngày xưa, trên con đường đi dạy, dẫn đến Nguyễn Trường Tộ, cô thường hay dùng ngõ “nhà xác” để đến trường. Bạn cô không vui khi cô chọn con đường này để đi, nhưng cô lại thích. Đi, về hai lượt trên con đường, băng ngang qua một nơi chốn làm người ta sợ sệt, ngược lại mỗi lần qua đó cô tìm được cảm giác an bình. Cô luôn nghĩ và nhủ lòng, người đã khuất dù thân xác đang nằm bất động, nhưng linh hồn đang chơi vơi tìm về cõi an bình. Họ mới chính thực là người hiền lành, bởi thế cô chẳng biết sợ là gì.
Hôm nay cũng vậy, để thăm em cô lại bước vào trang nhà, cô đi tìm nơi “TIN BUỒN”, một nơi buồn trang trọng, mà người phụ trách đã dành cho em bằng một tình cảm đặc biệt dù họ chưa một lần quen biết hay gặp gỡ em. Nhìn vào nơi đây, chỉ là những con chữ, là những hình ảnh không là em, nhưng ai cũng cảm nhận được. Riêng cô, cô lại khóc vì hình ảnh và những con chữ đó nói về một người, không ai khác hơn là cậu học trò của cô năm nào. Tuổi đời của em thật không chênh lệch mấy với cô, nhưng đang lúc này cô mang cái cảm giác “tre khóc măng”, dù rằng bây giờ em đã là bố vợ của người ta.
Em ra đi vội vã quá, vội đến đỗi mỗi người thân yêu của em không kịp hiện diện từ biệt em, lúc áo quan khép lại. Dù không đầy đủ thân nhân, nhưng ấm lòng chứ em? Bạn em đó, Quang Võ không cùng chung lớp học, nhưng đã hết sức mình, trọn tình câu “Nghĩa cùng nghĩa tận”, Võ thay cô tiễn em về chốn bình an và cũng đã hết lòng với người thân còn lại của em. Ngủ đi em! Một giấc ngủ bình yên.
Chánh! Cô rất nhớ em!
Kim Phượng
Hôm nay cũng vậy, để thăm em cô lại bước vào trang nhà, cô đi tìm nơi “TIN BUỒN”, một nơi buồn trang trọng, mà người phụ trách đã dành cho em bằng một tình cảm đặc biệt dù họ chưa một lần quen biết hay gặp gỡ em. Nhìn vào nơi đây, chỉ là những con chữ, là những hình ảnh không là em, nhưng ai cũng cảm nhận được. Riêng cô, cô lại khóc vì hình ảnh và những con chữ đó nói về một người, không ai khác hơn là cậu học trò của cô năm nào. Tuổi đời của em thật không chênh lệch mấy với cô, nhưng đang lúc này cô mang cái cảm giác “tre khóc măng”, dù rằng bây giờ em đã là bố vợ của người ta.
Chánh! Cô rất nhớ em!
Kim Phượng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét